Sống Đúng Ơn Gọi

print

Chúa Nhật V Thường Niên C

Sống Đúng Ơn Gọi

Lm. Giuse Nguyễn

Google có tổ chức chương trình 3 điều ước, để mỗi người viết ra điều mình mong ước năm nay. Năm tới ban tổ chức sẽ gởi lại 3 điều ước đó theo địa chỉ email để xem 3 điều ước của chúng ta có thành hiện thực không. Tôi cũng có gởi 3 điều ước, nhưng gởi cho Chúa chứ không phải gởi cho anh Google. Thứ nhất cho cha mẹ, người thân của tôi sống lâu, sống khỏe. Thứ hai cho những người mà Chúa đã, đang và sẽ trao phó cho tôi được sống tốt. Và thứ ba, cho Họ đạo của tôi luôn là ngày Tết để người ta ăn mặc đẹp đẽ, dù có mệt mỏi cũng ráng đến nhà thờ đông thật là đông, vui lắm! Tôi không biết những điều ước của tôi có thành hiện thực không, nhưng tôi tin chắc điều ước thứ ba, khả năng thành hiện thực rất cao, vì nếu Họ đạo chúng ta ý thức được ơn gọi làm Kitô hữu của mình, thì việc ngày Chúa Nhật nhiều người mặc đồ đẹp, nô nức kéo nhau đến nhà thờ như sáng Mồng I Tết là chuyện nhỏ.

I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

1.Bài Đọc I: (Is 6, 1-8)

Tiên Tri Isaia tường thuật lại ơn gọi của mình qua một thị kiến. Ông thấy mình đang ở trong đền thờ uy nghi rực rỡ, có Đức Chúa ngự ở đó. Khi đứng trước nhan Đức Chúa, ông thấy mình quá tội lỗi, quá bất xứng, đến nỗi ông phải thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất vì tôi là một người môi miệng ô uế” (Is 6, 4). Nhưng khi thần Xêraphim lấy than hồng đặt trên bàn thờ chạm vào miệng ông, thì ông đã được thanh tẩy: “Đây cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha tội” (Is 6, 7). Để rồi khi nghe Thiên Chúa muốn tìm một vị ngôn sứ: “Ta sẽ sai ai đây, ai sẽ đi cho chúng ta?” (Is 6, 8a) thì ông đã mạnh dạn lên tiếng: “Dạ con đây, xin sai con đi!” (Is 6, 8b).

2. Bài Đọc II: (1Cr 15, 1-11)

Trong thư gửi cho tín hữu Côrintô, phản ứng trước dư luận của nhiều người cho rằng ông không xứng đáng là tông đồ vì ông có một quá khứ không mấy tốt đẹp. Phaolô đã cho họ biết rằng chính Đấng Phục Sinh đã chọn ông như là một đứa trẻ sinh non. Ông cũng nhìn nhận mình không xứng đáng, “là một người hèn mọn nhất trong các tông đồ” (1Cr 15, 9) Điều quan trọng là đức tin mà ông đã rao giảng và làm chứng cho dân chúng là tinh tuyền vì ông đã làm theo những gì Chúa chỉ dạy, và các tông đồ khác cũng rao giảng như vậy thôi, còn việc ông xứng đáng hay không chỉ có Chúa biết.

Tin Mừng: (Lc 5, 1-11)

Các môn đệ vất vả suốt đêm để đánh cá, nhưng không được con nào. Chính lúc đó CG đã đến, đề nghị họ làm một việc mà nếu theo kinh nghiệm, theo thói quen thì không ai làm: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5, 4) giữa ban ngày. Nếu người khác đề nghị điều đó, thì có lẽ các môn đệ sẽ nói: “Đồ khùng!” vì kinh nghiệm của họ chỉ đánh được cá lúc ban đêm thôi. Nhưng bởi vì nể CG nên họ đã làm theo: “Vâng lời Thầy con thả lưới” (Lc 5, 5). Nhờ vâng lời CG mà họ đã được một mẻ cá lạ lùng. Từ đó họ nhận ra CG không phải là một người bình thường, mà là một Đấng siêu phàm. Khi nhận ra quyền năng của CG, cũng là lúc Phêrô thấy được thân phận hèn hạ, tội lỗi của mình: “Lạy Chúa xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” (Lc5, 8). Chính lúc đó CG đã mời gọi họ làm môn đệ của Ngài, và “họ đã bỏ hết mọi sự mà theo Ngài” (Lc 5, 11).

Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy rõ ơn gọi của chúng ta xuất phát từ Thiên Chúa. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều bởi Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta ý thức được thân phận yếu đuối tội lỗi của mình, chúng ta mới xứng đáng với ơn gọi đó. Và luôn luôn có sự bảo đảm từ nơi Chúa trong sứ mạng của mình.

II. XÁC TÍN VỀ ƠN GỌI

Ơn gọi không phải là một từ dành riêng cho những người đi tu, mà dành chung cho tất cả mọi người, vì ơn gọi cao quý nhất của chúng ta là kitô hữu. Sau đó mới đến ơn gọi riêng của từng người là bậc sống của mình: giáo sĩ, tu sĩ, hôn nhân, độc thân… Vì vậy dù là ai đi chăng nữa thì chúng ta cũng phải xác tín những điều sau đây:

  1. Con người không chọn Chúa, nhưng Chính Chúa chọn con người

Isaia không dám nghĩ đến việc mình được Chúa chọn gọi để làm ngôn sứ cho Ngài. Phaolô càng đặc biệt hơn, Chúa gọi ông lúc ông đang đi lùng bắt Chúa. Phêrô và các bạn của mình thì chỉ lo việc đánh bắt cá thôi, có bao giờ nghĩ đến việc mình đi rao giảng đâu, biết gì đâu mà rao! Nhưng Chúa đã muốn gọi các ông làm những kẻ “lưới người như lưới cá”. Mỗi người cũng hãy nhìn đến ơn gọi kitô của mình để thấy rằng chúng ta không hề chọn Chúa, mà chính Chúa đã chọn chúng ta qua gia đình khi đem chúng ta rửa tội khi còn bé; qua những người bạn rủ chúng ta đến nhà thờ chơi, vài lần rồi thích, đi học đạo, rửa tội luôn; qua những tấm gương sống đạo tốt của những người xung quanh; hay qua việc mình yêu thương, muốn thành thân với một người nào đó mà chấp nhận tin vào đạo Chúa… Đúng như lời CG đã nói: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”.

  1. Có những ơn gọi hết sức đặc biệt

Có những người đến với Chúa hết sức đặc biệt. Ví dụ như cha Nguyễn Hà Thiên Trúc ở Sài Gòn. Sinh ra trong một gia đình cha là giáo chức trong đạo Cao Đài, mẹ là phật tử chính thống, ăn chay trường. Nhưng bởi vì quý mến phong cách làm việc của các sơ trong bệnh viện nên đã tìm hiểu về một ông Giêsu mà các sơ yêu mến, để rồi cũng bị lây bệnh “yêu mến Giêsu”  nên theo đạo, và cuối cùng còn xin đi tu để làm linh mục cho Chúa.

Hay có một cô tiếp viên hàng không rất xinh đẹp bên Mỹ. Vì đẹp nên chảnh. Đó là quyền của cô ấy! Trên chuyến bay nọ, lúc đó ĐHY. Funtonshin còn làm Giám mục đã nói rất chân thành với cô ấy rằng: “Cô đẹp lắm, cô hãy cám ơn Chúa về điều đó!”. Chỉ một câu nói vậy nói, mà một thời gian sau, Đức Cha nghe tiếng gõ cửa phòng, ra mở cửa thì gặp ngay một cô gái xinh đẹp. Cô nói “thưa Đức cha, con là cô gái tiếp viên hàng không kiêu căng hôm nào, nhưng bây giờ con muốn qua Việt Nam để phục vụ người cùi”. Và quả thật, cô đã trở thành một nữ tu, sang Việt Nam phục vụ tại trại phong Tuy Hòa cho đến ngày qua đời.

  • SỐNG ƠN GỌI

Khi đã nhận ra lời Chúa mời gọi dù hết sức bình thường hay một cách đặc biệt, thì nhiệm vụ của chúng ta là lo đáp trả lại lời mời gọi đó qua việc sống tốt ơn gọi của từng người, trong từng hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta chỉ có thể sống tốt đời kitô hữu khi nhận ra quyền năng của Chúa và thấy được sự bất xứng, xấu xa, tội lỗi của bản thân mình. Để rồi mình thấy cần đến Chúa. Tại sao có những người đi lễ Chúa Nhật rất đàng hoàng, thậm chí còn đi lễ ngày thường nữa? Có phải là những người đó rãnh rỗi, không biết làm gì không? Ngược lại có những người không đi lễ lạc gì hết, kể cả ngày Chúa Nhật, có phải là họ quá bận rộn không? Thưa không! Nếu người ta thấy sự bất xứng của mình để cố gắng bám víu vào Chúa thì người ta sẽ chạy đến với Chúa. Người ta sẵn sàng từ bỏ tất cả để được gần gũi với Chúa. Tại sao có những người đi xưng tội thường xuyên? có phải họ tội lút đầu không? Ngược lại có những người không chịu đi xưng tội gì hết, có phải họ tốt lành quá sức không? Thưa không, khi người ta nhận ra thân phận tội lỗi của mình, thì họ sẽ thường xuyên hoán cải. Còn khi người ta dù tội lỗi vẫn không hề áy náy là vì họ không cần đến với Chúa.

Tóm lại, phụng vụ lời Chúa ngày hôm nay cho chúng ta thấy chính Chúa đã chọn gọi chúng ta mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Từ đó tùy theo lòng quảng đại của mỗi người mà chúng ta đáp trả lời mời gọi của Chúa để sống tốt ơn gọi của mình. Chúng ta chỉ có thể sống tốt ơn gọi kitô hữu khi nhận ra thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình để biết cậy dựa vào ơn thánh Chúa, không chạy theo những lôi kéo của ma quỷ, xác thịt và thế gian.

Nếu mỗi người và từng người trong họ đạo ý thức được thân phận tội lỗi của mình để cậy dựa vào ơn thánh Chúa, thì lúc đó ước mơ mỗi ngày Chúa Nhật người ta mặc đồ mới, nô nức kéo nhau đến nhà thờ dự lễ như ngày Tết của tôi là chuyện bình thường; mà còn hơn thế nữa, người ta còn đi lễ ngày thường, thường xuyên đi xưng tội, sống bác ái, yêu thương theo lời Chúa dạy… vì người ta cần đến Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen.