Đi Vào Miền Đất Lạ – Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Đi Vào Miền Đất Lạ

 

Đức cha Quang kêu mình lên phòng riêng. Hai cha con chia sẻ với nhau một gói Bastos xanh. Trong làn khói thuốc nhẹ nhẹ bay, ngài tâm sự với mình:

– Họ đạo Bàu Sen từ trên mười năm rồi chưa có cha nào đến làm lễ. Không biết tình hình đức tin thế nào. Cha ráng tìm hiểu xem sao?

– Ở Năm Căn có một gia đình gốc Bàu Sen. Để con tìm cách liên lạc lấy tin tức. Nếu cần con sẽ vô đại.

– Vô vùng giải phóng nguy hiểm lắm. Cha nên thận trọng.

– Con là dân chịu chơi mà Đức cha… Nói chơi vậy thôi. Nhưng mà vì Chúa và có Chúa thì con cóc sợ!

Trở về Năm Căn mình gặp ngay ông Tư Thư.

– Ông Tư ơi! Tôi muốn vô thăm họ đạo Bàu Sen. Ông Tư nhắm chừng được không?

– Chắc không sao đâu. Bà con của con ở trong đó còn nhiều lắm. Nếu cha muốn đi thì con đưa đi. Con cho thằng Hiếu đi với cha cũng được nữa. Nó rành đường lắm.

Ngày mồng 9 tháng 2 năm 1973, mình lên đường. Anh Hai nhà mới làm tài công. Thằng Hiếu làm liên lạc viên. Mình ngồi xếp bằng ở giữa xuồng, mặc áo dòng đen, cổ quấn khăn tiều. Ở mũi xuồng cắm một lá cờ Tòa Thánh. Xuồng be mười gắn máy Kobler, chạy xénước. Sông Cửa Lớn rộng mênh mông. Hai bên bờ, rừng đước bạt ngàn. Đẹp quá chừng! Ôi, Năm Căn yêu dấu! Ngươi đẹp, đẹp quá!

Trời nhá nhem tối, mình ghé nhà bà Hai Huế. Bà đến đây từ thời cha Trọng lập dinh điền. Hai mươi năm trôi qua rồi, mà giọng nói của bà vẫn còn đặc sệt Huế.

– Cha cứ ở ni, để tui đi nói với tụi nó.

– Bà đi mô?

– Cha mà cũng mô tê hỉ? Tui đi trình chánh quyền ấp, để tụi nó cho cha nghỉ ở nhà tui.

Mình ăn chưa xong bữa cơm, thì bà Hai về báo tin vui: “Êm rồi cha. Cha đi nghỉ cho khỏe”.

Mình chui vô mùng. Bà Hai tấn mùng, miệng thì thầm: “Muỗi dữ lắm đó. Phải tấn cho kỹ mới được”.

Mình đang thiu thiu ngủ, thì bà Hai kéo mùng, thò đầu vào, ghé sát tai mình: “Chưa êm đâu cha ơi. Nó lại bắt con đi trình nữa. Nhưng kệ nó. Có gì thì mai mình tính”.

“Kệ nó”. Bà Hai bảo thế. Mình cũng nhủ lòng mình: “kệ nó” rồi ngủ một giấc cho tới sáng.

Hôm sau bà Hai xuống xuồng đưa mình tới nhà thờ Bàu Sen, giao mình cho ông Sáu Mẫn. Ông Sáu Mẫn đưa mình đi xem nhà thờ. Nhà thờ chỉ còn là cái nền hoang vắng. Một vài cục gạch đúc bằng ximăng to tổ bố nằm lăn lóc đây đó, cỏ dại mọc um tùm. Mình đứng nhìn cái nền nhà thờ, lòng buồn man mác. Một họ đạo không có cha sở, không có thánh lễ, không có Bí tích rửa tội cho trẻ thơ, không có lễ Hôn phối cho đôi trẻ, không có Bí tích Xức dầu cho người sắp giã từ cõi sống… Nó giống y như cái nền nhà thờ này. Buồn quá. Thương quá.

Nghe tin có ông cha Năm Căn tới, bà con kéo nhau đến ùn ùn. Dường như nhà nào cũng đóng cửa bỏ đó, bồng bế nhau, dắt díu nhau đến để gặp ông cha. Thấy mình, các bà già khóc mếu máo. Mừng quá. Mười năm rồi chưa thấy bóng áo dòng đen. Trẻ con thì dòm mình như dòm người lạ từ cung trăng rơi xuống. Cũng thương đấy, nhưng không dám đến gần. Dòm mãi. Dòm mãi, để biết thế nào là một người mà cha mẹ, ông bà gọi là ông cha một cách thành kính. Lần đầu tiên các em được khoanh tay, cúi đầu “chào ông cố”. Niềm vui của Bàu Sen như bùng vỡ. Gà vịt chết lả tả. Cá lóc, cá rô, rau ngò, rau muống…, người ta đem đến kìn kìn. Cùng nhau cho, cùng nhau nấu nướng, cùng nhau ăn và cùng nhau uống. Uống vì vui quá. Uống vì mừng quá… Tình nghĩa chan hòa. Tình đồng đạo. Tình xóm giềng. Thương quá là thương.

Ba ngày ngồi tòa, dâng lễ, rao giảng, rửa tội và hợp thức hóa Hôn phối… Sáng ngày 12 tháng 8, sau thánh lễ, mình ngỏ lời với bà con.

– Tôi đến đây có mục đích gặp chánh quyền tỉnh để xin phép được ra vô thường xuyên, giúp anh chị em giữ đạo. Chờ hai ngày rồi mà vẫn chưa được gặp chánh quyền. Hôm nay tôi phải về, để ngày mai khai trương giáo điểm Cái Keo. Vậy xin anh chị em ngỏ lời với chánh quyền tỉnh giùm tôi.

– Họ đến rồi. Bà con đua nhau khoe tin vui.

Cả họ đạo kéo nhau qua nhà kế bên. Chánh quyền tỉnh đang ngồi chờ ở đó.

Bước vào nhà, mình đon đả bắt tay bốn ông cán bộ. Bàn tay ông nào cũng mềm xèo. Mặt ông nào cũng nghiêm nghị như ông vua ra ngự triều. Mình tươi cười mở màn xã giao:

– Tôi vô đây để được gặp quý vị, để xin quý vị giải quyết cho tôi được phép ra vô thường xuyên…

– Chưa! Một người trong bốn giơ tay làm dấu hiệu không được nói.

Bầu khí trở nên căng thẳng quá chừng. Im lặng tuyệt đối. Không ai dám nhìn mặt nhau. Bà con ngồi chồm hổm chật căn nhà, ngó nhau một cách thất vọng. Im lặng chừng một phút mà tưởng như mười phút. Một ông (có lẽ là cao cấp nhất) bắt đầu lên tiếng:

– Anh vô đây là bất hợp pháp.

– Đúng thế. Tôi ở vùng quốc gia, ở đây là vùng giải phóng. Tôi phải vô bất hợp pháp, để xin quý vị cho tôi được vô hợp pháp.

– Nhưng anh tập họp dân chúng bất hợp pháp.

– Tôi không tập họp bà con. Bà con thấy tôi vô thì mừng quá. Họ đến gặp tôi, chứ tôi không mời họ.

– Nhưng anh làm lễ bất hợp pháp.

– Tôi ở vùng quốc gia, nên không biết luật của địa phương này. Tôi làm ba lễ mà không thấy ai cấm, nên tôi tưởng là được phép. Bây giờ tôi mới biết, nên từ nay tôi không làm lễ nữa.

Bầu khí căng thẳng bỗng trùng xuống. Trùng xuống mãi, rồi hai bên bắt đầu cười tươi với nhau. Ông cán bộ tỉnh tự giới thiệu mình là thứ tám, đi tập kết ra Bắc năm năm mươi tư, trở về để cùng nhân dân kháng chiến chống Mỹ. Ông kể chuyện vui: “Khi ra Bắc, thì được học tập ngay là không được chửi thề đ.m. Con nít ngoài Bắc nó nói chuyện ngộ lắm. Nó nói như nó là cha mình vậy: “Bác ơi bác. Bác lại đây cháu bảo cái này”. “Bảo cái này” chỉ có nghĩa là nó muốn kể chuyện cho mình nghe thôi. Ban đầu chưa hiểu thì tức lắm. Cứ tưởng là nó hỗn. Sau mới hiểu…”.

Thấy ông Tám cởi mở kể chuyện vui, mình đáp lễ bằng chuyện không vui mà cởi mở. “Hồi tôi mới vô Nam, bị bọn con nít chọc quê: Bắc kỳ ăn cá rô cây! Tôi trả đũa: “Bắc kỳ ăn cá rô cây, rồi đậu ông Nghè, làm quan huyện Nhà Bè. Nam kỳ chợ chạy te te, không kịp ăn cá rô thật”. Ông Tám đắc ý: “Đúng thiệt. Ngoài Bắc người ta ham học lắm. Nhà nghèo chỉ ăn rau muống luộc chấm tương, nhưng vẫn cố cho con đi học Đại học”.

Chuyện vui nói mãi cũng không hết. Đành phải kết thúc.

– Xin quý vị vui lòng cho tôi một giấy phép được thường xuyên vô làm lễ ở Bàu Sen.

– Chúng tôi chưa thể giải quyết ngay được. Xin mời linh mục đi với chúng tôi lên cấp trên, để cùng trao đổi thêm.

Có tiếng bà Sáu Mẫn từ trong nhà bếp vọng ra:

– Thà là bắn tôi ngay bây giờ, rồi cho cha về. Không được bắt cha.

– Ai nói gì kỳ vậy? Đây là chúng tôi mời linh mục đi lên cấp trên để lo cấp giấy cho linh mục đi lại tự do. Ai bắt linh mục hồi nào đâu.

– Không bắt thì tại sao có súng?

– Thôi, bà Sáu ơi! Để tôi đi vắng ít bữa, rồi sau này tôi sẽ được ra vô tự do. Bà con có thánh lễ hoài hoài. Mình bớt lửa, để nồi nước khỏi trào ra.

– Ừ thì chúng tôi để cha đi. Nhưng mà phải có quới chức đi theo.

Hai ông quới chức già cùng ngồi chung một xuồng với mình. Nhưng vẫn có một anh bộ đội ôm súng ngồi ở đằng mũi. Đi mãi, đi mãi mà chả biết đi đâu. Xế chiều, xuồng ghé một nhà dân để ngủ đêm. Nhà này có một đứa con mới bị rắn cắn chết. Xác thì chôn rồi, nhưng bầu khí tang tóc vẫn còn bao trùm. Hương khói vẫn còn nghi ngút. Mình chẳng dám nói gì. Chỉ nghe người ta nói với nhau. Chẳng dám chia buồn, mình chỉ lặng lẽ thắp một cây nhang. Đứng lặng một lát, rồi theo ông chủ nhà dẫn đến cái giường có buông mùng sẵn. Nằm trong mùng, mình giả vờ ngủ ngon, để theo dõi tình hình và lượng đoán những gì sẽ xảy ra vào ngày mai.

Sáng hôm sau, mình xuống xuồng và lại đi như hôm trước. Đi được chừng một tiếng, thì xuồng ghé bến. Có người chạy ra đón, chào cha tíu tít. Sau này mới biết đây là nhà ông Bảy Cho, người Công giáo có vợ ngoại đạo.

7 giờ 20, bốn ông cán bộ gặp hôm qua, nay đến “làm việc”. Làm việc suốt từ lúc đó đến 10 giờ đêm. Ăn hai bữa cơm tại chỗ, vừa ăn vừa làm việc. Ông Tám đề nghị:

– Nếu anh thấy mệt, thì chúng ta nghỉ một chút.

– Tôi không bao giờ biết mệt, đề nghị cứ làm việc luôn cho tới khi có kết quả.

Nội dung xoay quanh vấn đề Công giáo chống Cộng. Cụ thể là Bùi Chu – Phát Diệm; Giám mục Lê Hữu Từ và Phạm Ngọc Chi đưa dân Công giáo vào Nam để dồn phiếu cho Ngô Đình Diệm khi tổ chức bầu cử chọn chế độ; Trà Lồng, Hòa Thành, Tắc Sậy… biến nhà thờ thành đồn bót chống phá cách mạng; “Nhất Hóa, nhì Tông, tam Đầy, tứ Đợi”: bốn linh mục cực kỳ phản động… Khi thấy bầu khí căng thẳng quá, mình tìm cách lái sang chuyện tiếu lâm. Có lúc hứng quá quên chuyện chánh trị, bàn chuyện thịt chó đến cả nửa tiếng đồng hồ. Nam Bộ thì có món khìa và xào lăn là ngon. Bắc bộ thì có tiết canh, nhựa mận, thịt luộc và thịt nướng. Thịt chó Nam thì ngon nhưng không ghiền. Thịt chó Bắc thì vừa ngon, vừa ghiền. Ghiền đến độ phải đưa thịt chó vào văn hóa dân tộc: “Sống trên đời đánh miếng dồi chó, xuống âm phủ biết có hay không”.

Cứ vô đề rồi lại lạc đề như thế suốt hơn 14 tiếng đồng hồ. Nguyên tắc tranh luận của mình là:
Một: Không bao giờ nói dối. Không sợ giấu đầu hở đuôi. Hai: Ai có Chúa Thánh Thần, thì người ấy thắng.

Theo nguyên tắc ấy, mình cứ bình tĩnh như con ếch, tranh luận hơn 14 tiếng đồng hồ mà không thấy mệt.

Đúng 22 giờ, ông Tám tuyên bố bế mạc, rồi nhắn nhủ mình: “Gia đình ông Bảy đây là người đạo. Chúng tôi bố trí cho anh ở đây, để anh đọc kinh và làm lễ cho thoải mái. Anh em sẽ giải quyết tốt cho anh thôi”. Mình lấy mùng ra để giăng. Anh công an huyện giành giăng giùm. Cái mùng nhà binh màu cứt ngựa làm mình nhột. Mình vội tếu táo: “Anh Sáu ơi, thằng Mỹ thì nó xấu, mà mùng của nó thì tốt quá. Người ta bán đầy ở ngoài chợ ấy”. Anh Sáu chỉ cười: “Thôi anh ngủ ngon. Tôi về nha”. Năm ngày sau mình nhận được giấy phép đi từ Bàu Sen về Năm Căn.

Lần đầu tiên mình đi vào vùng Giải phóng. Ba ngày ở nhà ông Sáu Mẫn, mình sinh hoạt thoải mái như một cha sở đi mở tuần đại phước. Sáu ngày ở nhà ông Bảy Cho, mình co giò như một người bị tạm giữ vì nghi vấn chánh trị. Lúc nào mình cũng banh mắt ra để nhìn, để thấy thật nhiều. Thấy cảnh thiên nhiên tuyệt vời. Thấy nhà dân nghèo xơ xác. Thấy cây vườn bị mảnh đạn pháo cưa cắt nham nhở… Lúc nào mình cũng vểnh tai lên để nghe. Nghe tiếng khóc thổn thức của bà già phải sống xa nhà thờ. Nghe tiếng đạn pháo bập bùng từ xa vọng về, nghe vui vui như tiếng trống đại của lễ hội, mà làm máu chảy thịt rơi… Đĩa nén hình ảnh và âm thanh bị nạp quá tải. Đành phải xóa một mớ. Chỉ giữ lại những kỷ niệm không bao giờ quên.

KỶ NIỆM MỘT

Ở nhà ông Bảy Cho được một ngày, thì hai ông quới chức già xởi lởi với mình:

– Chúng con thấy công việc của cha cũng đã tạm ổn. Chúng con xin phép về. Thủng thẳng rồi chúng con lại vô thăm cha.

– Thôi được, các ông cứ về đi. Ở đây lóng ngóng suốt ngày chẳng làm được việc gì đâu.

Mình tiễn chân hai ông xuống bến. Chẳng buồn, chẳng vui. Không tiếc, không nhớ. Tâm trí cứ bồng bềnh trôi, không bờ không bến. Hai ông ở lại cũng chẳng có chuyện gì để nói. Có nói cũng chẳng đúng tần số tư duy của nhau.

Trưa hôm sau có một xuồng ghé bến. Trên bờ dưới sông gọi nhau ơi ới. Thì ra các ông các bà Bàu Sen tới. Toàn là chỗ quen thân của ông Bảy Cho. Họ đi thăm nuôi mình. Bánh, kẹo, bia, nước ngọt và thuốc lá Capstan, Ruby. Ai nấy đều mừng rỡ như chợt tìm được sự sống trong cõi kẻ chết. Sau này mình mới hiểu rõ chuyến thăm nuôi này.

Hai ông quới chức già vừa mới về tới Bàu Sen, thì bị các bà bao vây, chửi cho một trận tơi bời hoa lá.

– Cho hai ông đi để hủ hỉ với cha, các ông lại bỏ cha mà về.

– Thấy tình hình êm rồi, thì về. Có ở đó thì cũng có giúp cha được gì đâu.

– Các ông nói hay nhỉ. Đàn ông gì mà buồn cười quá à.

Một đàn bà, hai đàn bà, một tập thể đàn bà nói xa xả như bắn đại liên. Đàn ông chỉ cười trừ chịu trận. Đàn ông đánh đàn bà, thì thắng. Nhưng cãi với đàn bà, thì chỉ từ thua đến thua.

Đàn bà ơi, trong lúc khó khăn, tôi mới thấy thế nào là đàn bà. Đàn bà như sao trên trời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng bảo thế. Sao trên bầu trời chỉ thật lấp lánh vào những đêm 30, đêm tối tăm mù mịt. Và đời tôi đang là đêm 30 ấy. Cám ơn đàn bà. Và mãi mãi không quên.

KỶ NIỆM HAI

Một ông cán bộ hỏi mình:

– Anh nghĩ thế nào mà dám vô đây?

– Giản dị thôi. Đất nước ta là một. Nhân dân ta là một. Hiệp định Paris hai bên đã ký. Chánh sách Cách mạng là xóa bỏ hận thù, chín bỏ làm mười. Bàu Sen là Việt Nam. Giáo dân Bàu Sen là người Việt Nam. Vậy thôi.

– Nhưng lỡ anh em cấp dưới không hiểu, bắt anh, bỏ tù anh thì sao?

– Không sao cả. Cách mạng luôn luôn sáng suốt, thế nào cũng biết tôi là người tốt, thì sớm muộn gì cũng thả tôi ra thôi. Chính tôi cũng đoán trước rằng thế nào tôi cũng bị bắt và sẽ bị giam giữ ít nhất là ba tuần. Các anh sẽ phải cho người về Năm Căn để điều tra về tôi. Mà tôi thì đã ở Cần Thơ bảy năm, nên các anh còn phải cho người về Cần Thơ để điều tra về tôi nữa. Thời gian nhanh nhất cũng phải cỡ hai mươi mốt ngày. Không ngờ các anh chỉ làm việc trong vòng có sáu ngày. Mau quá!

– Những lỡ anh bị bắn lầm thì sao?

– Cũng không sao hết. Tôi sống thì tôi còn sai lầm. Tôi chết thì hết sai lầm. Chết là về với Chúa. Sướng!

– Thế thì tôi xin thua anh. Ông cán bộ mỉm cười, chắp tay xá mình một cái.

Quả thật, mình không thể ngờ được tình hình đang xấu như thế bỗng xoay chiều đẹp như vậy. Bạn bè của mình không ở trong cuộc chê trách mình là liều lĩnh, là dại dột và gọi mình là anh Tám-Liều. Ừ thì mình có liều thật, nhưng mình tin rằng có một bàn tay vô hình vẫn dìu dắt mình. Bất giác mình nghĩ đến thánh Phêrô. Ông đang ngồi tù chờ hôm sau sẽ dâng đầu cho vua Hêrôđê. Thế rồi bỗng xiềng rơi ra. Thiên Thần bảo ông khoác áo vào mà đi. Đi tới cửa phòng giam, cửa tự động mở. Đi tới cổng trại giam, cổng cũng tự động mở. Ông đi trên đường phố, cứ ngơ ngơ, ngỡ mình đang mơ…

KỶ NIỆM BA

Trong thời gian làm việc suốt 14 tiếng lẻ 20 phút, có một câu hỏi có vẻ nặng kílô nhất.

– Thằng Mỹ là một đế quốc siêu cường, thế mà nó phải ngồi vào hội nghị xin tạm ngưng chiến với ta. Như vậy là nó thua. Theo ý anh thì nó có chịu thua thật không?

– Tôi là linh mục, tôi chỉ hiểu biết về tôn giáo. Còn về chính trị, thì tôi phải học hỏi với quý vị. Nhưng tôi cũng có ý kiến riêng của mình. Vì ý kiến của tôi rất thô thiển, nên mong được quý vị góp ý thêm.

Theo như tôi biết thì Mỹ đã đổ vào cuộc chiến Việt Nam hơn 600 tỉ mỹ kim. Một trực thăng rớt là mất đứt 300.000 đôla. Một chiếc xuyên tốc đĩnh (PCF) bị bắn chìm, thì cũng 300.000 đôla bay thành mây khói. Một máy bay B52 rớt, thì bằng thiêu rụi hằng 100 triệu đôla. Còn súng đạn bắn hằng ngày thì hằng hà sa số. Tất cả đều là đôla đổ xuống sông. Bây giờ ngưng chiến, Mỹ sẽ để dành được mỗi năm hằng trăm tỉ đôla. Với số tiền này Mỹ có thể mua chuộc cán bộ ta. Có tiền thì mua tiên cũng được. Đức Giêsu, Chúa của chúng tôi đề cao cảnh giác tối đa về tiền bạc. Ngài dạy rằng: “Các ngươi không thể vừa thờ Thiên Chúa, vừa thờ tiền bạc được”. Giuđa, đệ tử của Ngài, cũng chỉ vì mê tiền mà phản bội Ngài.

Bốn ông cán bộ đều sững người. Im lặng tuyệt đối chừng mười giây. Sau đó các ông mới mỉm cười tươi.

– Cám ơn anh đã thẳng thắn góp ý.

Đến bây giờ mình vẫn tự hỏi tại sao hôm ấy mình lại bạo mồm đến thế? Âu cũng chỉ vì mình sợ tiền quá thể. Và cũng chỉ vì mình thông cảm rất sâu sắc với nỗi đau của Thầy chí thánh khi một đệ tử của Ngài đã bị thần tài đánh gục ngay trước mắt của Ngài.

Đau quá! Trên thế gian này đã có biết bao nhiêu người phản quốc, phản thầy, phản cha mẹ, phản vợ chồng, phản anh em, phản bạn bè. Truy ra, thì nguyên nhân căn bản cũng vẫn chỉ là tiền mà thôi. Tiền ơi, ta sợ mi quá đi thôi! Rồi cuối cùng thì trên thế giới này chẳng còn thần tượng nào đứng vững, chẳng còn lý thuyết nào tồn tại. Chỉ còn mi và Thiên Chúa đó thôi. Thầy chí thánh của ta đã tuyên bố rằng: Ai thờ mi, thì chống lại Thiên Chúa. Ai thờ Thiên Chúa, thì sẽ chống lại mi. Giuđa đã theo mi và chống lại Thầy của ta. Mi thắng và Thầy của ta thua. Nhưng Giuđa theo mi, thờ mi, thì được cái gì? Mátthêu và Phêrô, hai đồng liêu của Giuđa đã trả lời thay mi. Giuđa treo cổ tòn ten trên cành cây. Tiền ơi, mi thưởng công cho đệ tử của mi như thế ư? Đểu!Mi là thằng đểu có tầm cỡ trên thế gian này. Người ơi, tiền là thế đấy.

KỶ NIỆM BỐN

Ông cán bộ trao cho mình tấm giấy đi đường, ân cần dặn dò:

– Ở đây chúng tôi quen biết anh rồi, nên anh có thể ra vô thoải mái. Nhưng chỉ vô đây thôi, đừng vô chỗ khác. Lỡ ra mà anh gặp nạn, thì rắc rối lắm.

– Không sao đâu. Tôi sẽ đi Cái Cấm. Tôi sẽ lại bị bắt. Cách Mạng sáng suốt sẽ lại điều tra. Và tôi sẽ được thả ra.

– Đừng! Nếu anh muốn đi Cái Cấm, thì móc nối cho chúng tôi hay, để chúng tôi bố trí đón tiếp.

Ông cán bộ tỏ vẻ băn khoăn lo âu. Còn mình thì cứ tỉnh bơ như con ếch, cứ coi trời bằng vung.

Mình đi làm công tác mục vụ trong vùng giải phóng làm khổ biết bao nhiêu người. Ông Nhan Nhựt Chương, Đại tá Tỉnh trưởng tỉnh An Xuyên than phiền với mình rằng: “Cha vào làm lễ trong vùng giải phóng, chỉ làm lợi cho Cộng sản”. Ông méc Đức cha Quang và xin Đức cha cấm không cho mình vô vùng giải phóng. May quá, Đức cha Quang không cấm mà còn khuyến khích. Ông ra lệnh cho Quận trưởng Đầm Dơi không được cho mình vào Bàu Sen. Nhưng cảnh sát Đầm Dơi lại dấm dúi kiếm xuồng cho mình đi. Lại còn tiễn chân bằng vài gói thuốc Salem nữa. Ở Bàu Sen, cán bộ xã giận mình quá lẽ. Hăm dọa đủ thứ. Dân méc cán bộ Tỉnh. Tỉnh điều tra. Anh nào cũng chối đay đảy. Tỉnh và Huyện đều phải cắn răng chịu đựng, vì sự đã rồi. Tiến thoái lưỡng nan. Khổ ơi là khổ. Mình không hối hận vì đã đi làm công tác mục vụ trong vùng giải phóng. Nhưng mình muốn gởi lời xin lỗi đến với những người đã khổ vì mình, dù người ấy ở bờ bên này hay ở bờ bên kia của con sông tanh tưởi mùi máu.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

cgvdt.vn

print