Thánh Phêrô là anh hay em của thánh Anrê

print

Thánh Phêrô là anh hay em của thánh Anrê

 Một ma-sơ thất tuần chống gậy lọc cọc đến gặp cha xứ. Lưng còng như lưng tôm, nhưng cặp mắt vẫn còn hấp háy chứng tỏ đang có chuyện cay cú.

– Ông cố ơi, Thánh Phêrô là anh hay em của Thánh Anrê?

– Ủa, tại sao bà ngoại hỏi kỳ vậy?

– Từ xưa tới nay, ai cũng biểu Thánh Phêrô là anh. Thế mà bỗng dưng trong sách Tân ước mới in, ông Thánh Phêrô lại tuột xuống làm em. Bộ từ trước tới nay, thì Giáo hội mình hiểu sai hả?

– Bà ngoại lớn tuổi rồi, mà vẫn còn tỉnh trí quá ta?

– Con già rồi, nhưng chưa lẫn đâu. Ăn hiếp con là không được ạ.

– Nếu từ trước tới nay, tôi có ăn hiếp bà ngoại, thì bà ngoại tha cho tôi. Còn từ giờ phút này, tôi xin trao đổi nghiêm túc với bà ngoại. Được chưa?

– Ông cố lúc nào cũng khôn như… quỷ vậy.


– Từ trước tới giờ, tôi vẫn coi Thánh Phêrô là anh của Thánh

Anrê. Còn từ nay trở đi, miệng tôi cứ đọc rằng “Thánh Phêrô là em của Thánh Anrê”. Nhưng lòng trí của tôi thì Thánh Phêrô vẫn là anh. Đành phải vậy thôi. Còn tại sao lại thế, thì đây là lý luận của tôi. Tôi không phải là chuyên viên Thánh Kinh nhưng cứ thử chơi hèo một cái xem sao.

  1. Người chủ trương Thánh Phêrô là em thì lý luận như sau. Theo truyền thống Thánh Kinh, thì người em luôn luôn xuất sắc hơn và được Chúa trao trách nhiệm quan trọng hơn.

Abel là em, nên vượt trội Cain về đạo đức.


Esau là anh, thì phải thua em là Giacóp. Giacóp thừa kế sự nghiệp của cha và trở nên tổ phụ thứ hai của Dân Do Thái.

Ruben là con cả của tổ phụ Giacóp, nhưng quyền trưởng nam lại lọt vào tay Giuđa, người em thứ tư.

wGiuse là con thứ mười một của tổ phụ Giacóp, nhưng lại được trở thành vị cứu tinh của dòng tộc và được các anh quỳ lạy như tế sao.

Cô Lêa là chị của cô Raken. Cả hai đều là vợ của tổ phụ Giacóp. Nhưng cô em Raken qua mặt chị cả về nhan sắc lẫn chỗ đứng trong gia đình.

Aaron là anh, Môsê là em. Nhưng ông anh chỉ là bóng mờ bên cạnh ông em rực sáng.

Giuđa là nhân vật nổi cộm của gia đình Macabê. Nhưng xét về vai vế, thì ông chỉ là cậu em không đáng quan tâm.

Trong gia đình của ông Ixai, thì Đavít chỉ là thằng cu tí, thế nhưng lại được Samuen xức dầu và sau này trở nên tổ phụ của Đấng Cứu Thế.

Từ đó mà suy ra, thì phải kết luận rằng Phêrô là em. Đó là truyền thống của Thánh Kinh.

  1. Tôi không phải là chuyên viên Thánh Kinh, nhưng lại cứ chủ trương rằng Thánh Phêrô phải là anh, còn Thánh Anrê phải là em. Đây là lý luận của tôi.

wNói rằng theo truyền thống Thánh Kinh, thì Chúa chỉ chọn người em để trao sứ mạng lớn, thì chưa có sức thuyết phục. Bằng chứng là trong gia đình của ông Noe, thì ông em là Cam lại quá tệ so với ông anh là Xem. Cái gọi là truyền thống Thánh Kinh ấy, chỉ là chuyện thông thường của đời người.

Trường đời minh chứng rằng người em vẫn xuất sắc hơn anh chị. Lý do vì em ra đời sau. Ra đời sau thì được hưởng hai cái lợi: Cái lợi thứ nhất là được học hỏi với anh chị; cái lợi thứ hai là lúc ấy cha mẹ có kinh nghiệm hơn, từng trải hơn.

Ông Nguyễn Huệ là em, nhưng vượt trội muôn phần hơn hai ông anh là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ. Nguyễn Huệ chết thì nhà Tây Sơn sụp đổ, vô phương cứu chữa.

Nhận xét các em thiếu nhi trong họ đạo, thì tôi cũng thấy rằng: anh chị thì hiền; cậu em và cô em lại khôn lanh.

Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình có một cô em làm dì phước, tên là dì Sinh. Ngài nói đùa trước mặt nhiều người rằng: “Tên tôi là Bình, có nghĩa là bình an. Tên nó là Sinh, có nghĩa là sinh sự”. Ta có thể giải thích ý câu nói đó như sau: “Tôi hiền, vì tôi là anh. Nó lanh, vì nó là em”. Có lẽ đúng thế thật.

Quả thật, Anrê lanh hơn Phêrô. Chính Anrê theo Chúa trước, rồi đi kiếm anh, đem đến giới thiệu với Chúa.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

cgvdt.vn