Nhà Lồng Chợ Đêm Hôm Ấy

print

Nhà Lồng Chợ Đêm Hôm Ấy

Nhà lồng chợ đầy ắp hàng hóa, bỗng dưng vơi dần… vơi dần… rồi trống phộc và vắng te. Người vô gia cư đến đây để tạm trú. Khách lỡ đường đến đây để ngủ qua đêm. Người hành khất đến đây để nghỉ, để ở, để ngủ, để yêu nhau và để chết… Bao nhiêu tội lỗi, bao nhiêu nỗi khổ của cuối thập niên bảy mươi, thế kỷ hai mươi đều tập trung về đây. Chồng chất. Chồng chất.

Trong xó xỉnh tối om om, có một người đàn bà ốm nhom đang gục đầu trên hai đầu gối. Xương vai nhấp nhô theo nhịp ho sù sụ. Hai thằng cu tí ôm lưng mẹ mà ngủ. Xa xa có một ông cùi ngồi vấn thuốc rê, bên cạnh ngọn đèn bánh ú leo lét cháy. Ánh sáng chập chờn của ngọn đèn lần mò đi tìm những đường cong hiếm hoi trên thân thể của người đàn bà ốm nhách như con khô kèo. Cặp mắt ông cùi không tìm được điểm dừng. Xót xa. Tiếc nuối, nhưng vẫn thèm thuồng. Người đàn bà đang hấp hối, nhưng chưa chết được, vì quá khứ, hiện tại và tương lai còn đang giằng xé nhau, chưa buông tha nhau. Quá khứ là nguyên nhân của hiện tại. Hiện tại là nguyên nhân của tương lai. Đau quá! Tức tưởi quá! Quá khứ là một thằng đàn ông phản bội: không thể tha thứ; không thể quên được. Tương lai là hai thằng cu tí đang ôm lưng mẹ để ngủ và để sống.

Bến Tre là quê hương yêu dấu của chị. Nhưng Bến Tre cũng là nơi chồng chị bỏ chị mà đi trong những ngày tháng khó khăn, hoảng sợ. Đi mà bỏ lại người vợ yếu đuối và hai đứa con thơ. Đi mà không để lại một giạ lúa, không để lại một cắc bạc, chỉ để lại một lá thư vĩnh biệt: “Tôi đi, bà đừng mong tôi trở về. Tôi không thể tự hủy hoại đời mình, để sống với người ho lao ghê sợ như bà. Số Trời định thế, bà thông cảm với tôi. Còn hai thằng bé, nếu bà không nuôi được, thì gởi cho bà nội chúng nó”. Người vợ bị bỏ rơi, kêu “Trời” một tiếng, rồi ngất xỉu.

Một tuần lễ trôi qua, không thấy cha mẹ chồng hỏi thăm, người đàn bà ho lao tức tưởi ra đi, không thèm nhìn lại quê hương không còn gì để yêu dấu. Chị dắt con xuôi về Cà Mau, đến tá túc ở ngôi nhà lồng chợ. Ban ngày thì dắt con đi ăn xin. Tối đến thì về nhà lồng chợ để ngủ. Đi ăn xin, mà xin không đủ ăn. Cứ thất thểu đi được một trăm mét, thì phải ngồi nghỉ mười lăm phút. Nghỉ chưa hết mệt, thì lại phải ho. Ho sù sụ, ho rũ rượi, ho đến muốn đứt cả ruột.

Đến nhà thương xin khám bệnh, thì bác sĩ bảo: “Phải nghỉ tuyệt đối, vì bệnh lao phổi đã sang tới giai đoạn ba rồi”. Xin thuốc, thì bác sĩ bảo: “Hết thuốc đặc trị rồi. Ra chợ đen mà mua, thì may ra còn”. Tuyệt vọng!

Người đàn bà không muốn sống nữa. Bà muốn đâm đầu xuống sông để chết cho rồi. Nhưng… nhìn hai đứa con thơ dại, bà không nỡ tâm. Bà lại tiếp tục dắt con đi ăn xin. Lại ngồi xuống ho sù sụ. Bỗng bà thấy có một ngôi nhà thờ. Nhà thờ vắng hoe. Cây thánh giá mốc thếch. Chắc ông cha cũng nghèo lắm. Hy vọng nhỏ nhoi vừa nhen nhúm bỗng lụi dần… lụi dần. Nhìn lại hai đứa con bé tí, mặt buồn so.

– Mẹ…

– Cái gì? Đói hả? Biết sao bây giờ. Hu… hu…

– Về nhà lồng chợ đi. Ông cùi còn một nửa nồi cơm nguội. Ông cùi thương mẹ con mình, để dành cơm cho mình đấy.

-Tao cấm chúng mày không được nhắc đến ổng nữa.

Hai thằng cu tí sụ mặt. Thất vọng!

Thương con quá, người đàn bà thôi khóc, dắt hai đứa bé vào khuôn viên nhà thờ. Hy vọng mỏng manh, nhưng… không lẽ ông cha lại không cho được một chén cháo. Bà rụt rè bấm chuông. Chuông không reo. Con chó sủa gâu gâu. Hai thằng bé ôm lấy mẹ.

Cha sở vác cuốc từ ngoài vườn đi vào.

– Chị kiếm ai đó?

– Chú cho con gặp ông cha.

– Ông cha là ông vác cuốc đây nè. Mời vô.

– Con xin lỗi cha. Tại con không biết, xin cha thông cảm.

– Không những thông cảm, mà còn cảm thông nữa. Mời chị ngồi. Hai đứa con ngồi hai bên mẹ để mẹ vui. Có mẹ sướng quá ta.

Thấy cha sở xởi lởi, người đàn bà nhếch mép cười. Nụ cười héo hắt.

– Thưa cha, con ở tuốt bên Bến Tre lận. Chồng con chê con ho lao, bỏ con đi theo người ta. Con qua bên đây đi ăn xin, để nuôi hai đứa con. Con đi không nổi. Vừa đi vừa ho. Đi suốt ngày mà không đủ ăn.

– Qua bên đây, thì chị ở đâu.

– Con ngủ ở nhà lồng chợ.

– Nhà lồng chợ thì đông người lắm. Chắc là vui lắm nhỉ? Nguyên cãi nhau cũng đủ vui rồi.

– Cha cứ nói đùa. Khổ lắm cha ạ. Đói thì con nhịn được. Nhưng mà hai đứa con của con, chúng nó không biết nhịn đói. Mỗi bữa mỗI đứa chỉ được ăn một chén cơm. Hết cơm thì ngồi khóc. Thấy con khóc thì mẹ đứt cả ruột. Nhưng biết làm sao bây giờ. Con chỉ biết khóc. Khóc để chúng nó thương mẹ, mà biết nhịn đói.

– Nhà lồng chợ đông người như thế mà không có ai cho chúng nó một chén cơm, một củ mì sao?

– Có một ông cùi muốn giúp chúng con. Nhưng… kỳ lắm!

– Kỳ lắm là sao? Kỳ cục, hay kỳ diệu?

– Cha cứ nói đùa hoài à. Ông cùi nói với con thế này: “Tôi đi ăn xin, người ta cho nhiều, ăn không hết, còn chị thì đi ăn xin suốt ngày, mà không đủ ăn. Thôi đừng đi đâu nữa. Cứ ở nhà mà nghỉ. Tôi nuôi hết cả ba mẹ con luôn. Nhưng mỗi tuần chị phải cho tôi hôn một lần”. Không chiều người ta, thì con mình phải nhịn đói. Mà chiều người ta thì…

Người đàn bà ôm mặt khóc hù hụ. Hai thằng bé cúi mặt nhìn hai bàn chân. Cha xứ nhìn ba mẹ con, cắn môi cầm nước mắt. Ông vào trong phòng, vét hết số tiền đang sở hữu, e thẹn đặt vào tay người đàn bà khốn khổ.

– Khả năng của tôi chỉ có thế. Chị thông cảm.

– Con không sống được bao lâu nữa đâu. Xin cha thương nuôi giùm hai đứa con của con.

– Tôi chưa dám hứa, vì tôi cũng chưa biết tương lai của tôi sẽ ra sao.

Người đàn bà dẫn hai đứa con ra khỏi khuôn viên nhà thờ, vừa đi vừa đếm những đồng tiền lẻ. Bà dặn hai đứa bé: “Từ nay ông cùi cho chúng mày bất cứ cái gì, thì cũng không được lấy. Nhớ chưa?”.

Ông cha sở trở về phòng, ngồi gục đầu xuống bàn, suy nghĩ mông lung. Người đàn bà sẽ chết trong nay mai. Hai đứa bé sẽ đi về đâu? Người nghèo khổ thì trập trùng. Người cứu khổ thì bất lực. Nỗi khổ thì chồng chất, phương thức giải khổ thì chìm lỉm.

Ba mươi năm sau…

Ngồi trong tòa nhà hưu dưỡng đồ sộ và mất điện. Cha già cảm thấy mình bé nhỏ và cô đơn quá chừng. Bao nhiêu công trình, bao nhiêu thành tích của năm mươi ba năm truyền giáo đều tan biến thành mây khói. Chỉ còn lại hình ảnh người đàn bà đang hấp hối. Chỉ còn lại hình ảnh hai đứa trẻ bơ vơ. Chỉ còn lại ngôi nhà lồng chợ tối om. Cha già hối tiếc vì mình không cứu được nhân sinh đang chết chìm trong biển khổ. Việc từ thiện nào cũng chỉ là muối bỏ biển. Việc bác ái nào cũng chỉ là đánh trống bỏ dùi.

Con tắc kè quen thân e hèm lấy giọng, gióng lên một hồi “Tắc kè… Tắc kè…” Tiếng kêu thật to, rồi nhỏ dần… nhỏ dần. Căn phòng vẫn tối om om và lại im phăng phắc.

Chuông điện thoại reo.

– Alo. Nhà hưu dưỡng linh mục Cần Thơ nghe đây.

– Cha! Có phải cha là ông cha sở vác cuốc đó không?

– Xin lỗi, ai ở đầu dây?

– Chúng con là hai thằng cu tí, con của người đàn bà ho lao cư ngụ ở nhà lồng chợ Cà Mau đây. Chúng con kiếm cha muốn chết luôn.

– Xin lỗi, các anh đang ở đâu?

– Chúng con đang ở khách sạn Ninh Kiều… Sáng mai chúng con sẽ đến thăm cha thật sớm. Chuyện đời dài lắm. Kể hết thì cha nghe mệt luôn? Chúc cha ngủ ngon.

Lại có điện. Căn phòng rực sáng. Cha già dang tay thẳng băng như cánh diều. Cặp mắt xuất thần. Đôi môi thì thầm: “Lạy Chúa. Xin để tôi tớ này được an bình ra đi…”.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

cgvdt.vn