Từng Bước Theo Ngài – Linh Mục Carôlô

print

WCT: Do trang Web cũ không còn chúng tôi xin đăng lại loạt bài “Từng Bước Theo Ngài ” do cha Carolo Hồ Bạc Xái biên soạn để quý vị có thể xem lại trong Tuần Thánh. (có kèm cả video clip để nghe và xem)

 Từng Bước Theo Ngài

 (Theo chân Đức Giêsu trong Tuần Thánh)

Linh Mục Carôlô

LỜI MỞ..

Lịch tuần thánh.

CHÚA NHẬT LỄ LÁ..

Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư Tuần Thánh.

Ý Nghĩa Tam Nhật Thánh.

Thứ Năm Tuần Thánh.

Thứ Sáu Tuần Thánh.

Thứ Bảy Tuần Thánh.

LỜI MỞ

* Các sách Tin Mừng không chủ ý viết về lịch sử, mà viết về Ơn cứu độ do Đức Giêsu thực hiện. Tuy nhiên cao điểm của việc thực hiện ơn Cứu Độ là cuộc chịu nạn của Ngài, cho nên các sách Tin Mừng viết rất dài và với rất nhiều chi tiết lịch sử về cuộc chịu nạn này.

Ngoài ra vụ án của Đức Giêsu cũng được một số tài liệu lịch sử ngoài đời (Roma, Do thái) đề cập tới.

Phối hợp các chi tiết được viết trong 4 quyển Tin Mừng, rồi đối chiếu với các sử liệu ngoài đời, chúng ta có thể viết lại thành một tường thuật khá chi tiết về tuần lễ cuối cùng của cuộc sống của Ngài nơi dương thế. Chúng ta có thể dùng bài tường thuật này như một tài liệu hướng dẫn để chúng ta từng bước theo chân Đức Giêsu trong Tuần Thánh.

Lịch tuần thánh

Các chi tiết thời biểu trong các sách Tin Mừng rất phức tạp và đôi khi không giống nhau, do đó các nhà nghiên cứu cũng đưa ra những lịch trình khác nhau. Chúng ta tạm theo lịch trình của Daniel Rops. Đây cũng là lịch trình mà Phụng vụ Giáo Hội chọn theo.

– Chúa nhật Lễ Lá, nhằm ngày 2 tháng 4 năm 30 công nguyên : Đức Giêsu vào thành Giêrusalem.

– Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư Tuần Thánh nhằm các ngày 3,4,5 tháng 4 năm 30 : Ban ngày Đức Giêsu giảng dạy trong sân Đền thờ. Ban đêm Ngài lui khỏi thành Giêrusalem, đến nghỉ tại làng Bêtania. Trong những ngày này, Giuđa tiến hành âm mưu nộp Đức Giêsu.

– Thứ Năm Tuần Thánh nhằm ngày 6 tháng 4 năm 30 : Tiệc ly, lập Bí tích Thánh Thể, Bí tích Truyền chức thánh, cầu nguyện trong vườn Cây dầu, bị bắt, xử, đánh đòn.

– Thứ Sáu Tuần Thánh nhằm ngày 7 tháng 4 năm 30 : Đức Giêsu bị kết án tử, chịu đóng đinh và chết trên thập giá.

– Trong đêm Thứ Bảy Tuần Thánh rạng sáng Chúa nhật, nhằm ngày 8 và 9 tháng 4 năm 30 : Đức Giêsu sống lại.

Chúng ta hãy từng bước đi theo Ngài trong cuộc chịu nạn.

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Bối cảnh :

– Thời gian : Chúa nhật, ngày 2 tháng 4 năm 30 công nguyên. Trước lễ Vượt Qua 5 ngày.

– Nơi chốn : Lúc đó Chúa Giêsu đang ở làng Bêtania, chỉ cách Giêrusalem khoảng 4 dặm.

– Bối cảnh xa : Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ (đặc biệt phép lạ làm cho người mù thành Giêricô được thấy : Lc 18,35tt) khiến danh tiếng Ngài được nhiều người biết tới.

– Bối cảnh gần : Trước đó mấy ngày, Chúa Giêsu vừa làm cho Ladarô sống lại. Phép lạ phi thường này càng lôi kéo nhiều người đến với Ngài.

Những biến cố chính :

– Đức Giêsu vào thành Giêrusalem

– Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ

– Đức Giêsu tiên báo về số phận thành Giêrusalem

– Một số người hy lạp xin gặp Đức Giêsu

  1. Vào thành Giêrusalem

Chúa Giêsu quyết định vào thành Giêrusalem để dự lễ Vượt Qua. Các môn đệ và những kẻ ngưỡng mộ cũng đi theo Ngài.

Gần tới thành Giêrusalem, đoàn của Chúa Giêsu gặp được nhiều người khác từ khắp nơi cũng đang tiến về Giêrusalem để dự lễ. Lại thêm rất đông người đi theo Chúa Giêsu.

Tới Bếtphagê, một thôn nằm ở ngoại ô Giêrusalem, trên sườn núi Cây Dầu, Chúa Giêsu bắt đầu xúc tiến một việc quan trọng mà Ngài đã kín đáo sắp xếp trước : Ngài sai hai môn đệ vào làng tiếp xúc với một người thân mà Ngài đã bí mật báo trước, để mượn một con lừa con cho Ngài dùng cỡi vào thành.

Đây đã là lần thứ 4 Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem (theo Tin Mừng Gioan : lần thứ nhất : 2,13 ; lần thứ hai : 6,4 ; lần thứ ba : 10,22). Những lần trước Ngài đi bộ. Tại sao lần này Ngài cỡi lừa ? Phải chăng Ngài mỏi chân ? Thưa không, vì Chúa Giêsu là người mạnh khoẻ và từ trước tới nay chuyên đi bộ dọc khắp đất nước từ Bắc tới Nam (khi đi trên Hồ thì dĩ nhiên phải dùng thuyền. Vậy mà có lần Ngài vẫn đi bộ trên mặt nước). Vậy lý do là Ngài muốn cuộc vào thành lần này được long trọng hơn : Có lừa để cỡi, có môn đệ tháp tùng, có đoàn dân chúng đông đảo đi theo. Chúa Giêsu muốn tỏ cho mọi người thấy Ngài là Đấng Messia.

Nhưng để người ta đừng hiểu lầm Ngài là một Messia Vua theo kiểu trần thế, Chúa Giêsu đã dùng một con lừa thay vì ngựa (lại là lừa con : khiêm tốn ; “chưa ai cỡi” : người do thái nghĩ rằng một con vật hay một món đồ gì đã bị người ta dùng qua rồi thì không xứng đáng dâng cho Thiên Chúa)

Thấy cuối cùng Chúa Giêsu chịu biểu lộ thân phận, dân chúng rất hồ hỡi, (1) Họ chặt các cành lá vẫy lên tung hô : đây là cách biểu lộ rất tự nhiên, không có sẵn cờ thì lấy lá làm cờ ; (2) Trải áo xuống lót đường cho Ngài đi qua : thói quen thường thấy ở các nước phương Đông để biểu lộ lòng ngưỡng mộ tôn kính đối với một nhân vật nào đó), (3) Mọi người hoan hô “Hoan hô con Vua Đavít. Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Thế là cuộc vào thành năm nay trở nên một cuộc diễu hành rầm rộ.

Những người Pharisêu đâm ra ái ngại : họ sợ quân đội Rôma coi đó là một cuộc biểu tình rồi thẳng tay đàn áp. Vì thế họ khuyến cáo Chúa Giêsu bảo mọi người tốp bớt lại. Nhưng Chúa Giêsu đáp : “Họ mà làm thinh thì cả sỏi đá cũng sẽ kêu lên” (Lc 19,40).

Nghĩa là Chúa Giêsu cố tình tỏ mình ra cho mọi người biết. Ngài chấp nhận thách thức, không phải một cách cao ngạo và phô trương, nhưng cách hiền hòa và khiêm tốn, dù vậy cũng không phải là hèn nhát.

  1. Thanh tẩy Đền thờ

Có lẽ đoàn rước đi qua một cánh cửa gọi là “Kim Môn” (Porte dorée) để vào thành. Cửa này rất gần với Đền Thờ, nên Đức Giêsu cũng vào Đền thờ.

Theo 3 Tin Mừng nhất lãm, khi Đức Giêsu vào thì thấy cảnh Đền thờ bị biến thành nơi buôn bán, giống như hang trộm cướp. Ngài liền ra tay dẹp bàn ghế, đánh đuổi những người buôn bán.

Việc này Ngài có thể thực hiện mà không gặp sức kháng cự nào đáng kể, bởi vì khi ấy có rất nhiều người đang theo Ngài ủng hộ việc làm đó.

III. Tiên báo số phận thành Giêrusalem

Tin Mừng Mc ghi rằng : “Nhân có mấy người nói về Đền thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo : ‘Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Mc 21,5-6)

Đền Thờ Giêrusalem đã được vua Hêrôđê khởi công tu sửa lại từ năm 19 (hoặc 20) trước công nguyên. Khi Đức Giêsu lên Giêrusalem lần đầu tiên thì công trình xây dựng đã kéo dài 46 năm (x. Ga 2,20). Đến hôm nay thì đã 49 năm. Hêrôđê Cả muốn có một công trình để đời nên đã không ngại tốn công tốn của và tốn thời gian để xây một Đền thờ rất lộng lẫy. Mặc dù hôm nay công trình chưa hoàn tất, nhưng vẻ đẹp của nó cũng đã rất huy hoàng. Phía góc phải của Đền thờ là pháo đài Antonia nơi quân đội Rôma đồn trú. Chung quanh khu Đền thờ là các dinh thự dùng làm nơi ở và làm việc của nhà vua và các quan chức đạo đời. Tóm lại, quang cảnh thành Giêrusalem thật là nguy nga hùng vĩ.

Với cái nhìn tiên tri, Đức Giêsu nhìn thấu tới biến cố năm 70, quân đội Rôma sẽ tràn vào thành và phá bình địa ngôi Đền thờ nguy nga ấy. Với tấm lòng yêu dân yêu nước của một người do thái, nhất là với tấm lòng nhân hậu của Đấng Cứu độ, Đức Giêsu không cầm được xúc động. Thánh Luca đã dùng động từ “thổn thức”. Ngài vừa thổn thức vừa nói : “Phải chi hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi ! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy sẽ tới những ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19,41-44)

40 năm sau, lời tiên tri của Đức Giêsu đã ứng nghiệm : Đầu tháng Nisan năm 70 công nguyên, quân đội Rôma đã tàn phá thành Giêrusalem và Đền thánh. Nguồn gốc và diễn tiến của biến cố này như sau :

. Năm 63 trước công nguyên, các phe nhóm của dòng họ Hasmônê (Macabê) tranh dành quyền lực với nhau và xin Rôma đến tiếp viện. Nhân cơ hội này, tướng Pompê đem quân vào chiếm luôn xứ Palestina.

. Sau 133 năm sống dưới ách đô hộ của Rôma, chịu nhiều áp bức và sỉ nhục, người do thái nổi dậy : (1) Nhiều “ngôn sứ giả” đứng lên xách động quần chúng : a/ một người từ Ai cập về tự xưng là được Thiên Chúa soi sáng đã tập họp dân chúng trên núi Cây Dầu và nói tiên tri rằng ông có khả năng xin Chúa làm cho tường thành Giêrusalem sụp đổ ; b/ Một người khác tên là Giêsu con ông Hanan đi rảo khắp các đường phố Giêrusalem hô lớn “Đây là tiếng từ 4 hướng gió. Đây là tiếng nói cho Giêrusalem nghe. Đây là tiếng nói cho toàn dân nghe” ; (2) Các cuộc nổi dậy lẻ tẻ khắp nơi, đặc biệt có Jean de Giscala thành lập nhóm “dao găm” (sicaires) luôn mang dao găm dấu trong áo để khi thời cơ đến thì sẵn sàng rút ra tiêu diệt kẻ thù …

. Dĩ nhiên là Rôma phản ứng. Họ cho quân bao vây Giêrusalem. Quân đội Rôma do tướng Titus điều khiển, gồm 4 binh đoàn chính quy và rất đông lính đánh thuê, tổng cộng 60 ngàn, tất cả đều được trang bị vũ khí hùng mạnh.

. Phía do thái cũng có 10 ngàn lính chính quy và 5 ngàn lính đánh thuê. Dù tương quan lực lượng chênh lệch, nhưng người do thái vẫn tin tưởng sẽ chiến thắng. Họ hy vọng sẽ lập lại kỳ tích như anh em nhà Macabê đã làm khi lật đổ ách thống trị của đế quốc Hy lạp năm 164 trước công nguyên. Hơn nữa họ tin tưởng vào hệ thống phòng thủ vững chắc của thành Giêrusalem : Thành có tới 3 lớp tường chung quanh, 90 pháo đài, 400 đại pháo luôn ở trong tình trạng sẵn sàng nhã đạn.

. Trước ý chí chiến đấu hăng hái của do thái, tướng Titus không tấn công vội. Ông cứ ở ngoài bao vây chặt chẽ, để chờ tiếp viện của một đồng minh mà người do thái không ngờ, đó là nạn đói : cư dân của Giêrusalem đã đông, lại thêm những người do thái hành hương về thủ đô bị kẹt lại trong đó, ngoài ra còn dân chúng các nơi khác chạy vào thành để tị nạn. Thức ăn và nước uống tiêu hao nhanh chóng. Bên ngoài thì quân Rôma vây chặt (dọc suốt 8 km tường thành, chỗ nào cũng có quân Rôma canh phòng nghiêm nhặt) nên không thể ra ngoài tìm thức ăn thức uống. Thế là dân trong thành dành giật cướp bóc lẫn nhau. Ngay trong lúc đang bị bao vây, các phe phái do thái còn tranh dành quyền lực với nhau : mỗi nhóm chiếm một vùng trong thành làm pháo đài của mình ; giết nhau ; cướp của ; hãm hiếp phụ nữ v.v. Một số người cố ra khỏi thành thì bị bắt lại : nếu là đàn bà thì Rôma chặt tay rồi đuổi trở vào thành. Cảnh này càng khiến tâm lý người trong thành giao động thêm. Nếu là đàn ông thì bị giết ngay tại chỗ bằng hình phạt đóng đinh. Có một người đàn ông khi bị treo lên thì vỡ bụng và vàng rơi ra. Thế là từ đó trở đi, hễ bắt gặp người nào từ trong thành chạy ra, quân Rôma đều mổ bụng để hy vọng lấy được vàng.

. Nạn đói ngày càng trầm trọng. Có một lần người ta ngửi thấy mùi thịt nướng thơm phức từ một căn nhà bay ra. Nhiều người liền ùa vào thì thấy một người mẹ đang nướng xác con mình để ăn !

. Cuộc vây hãm kéo dài 100 ngày. Các lớp tường thành lần lượt bị chọc thủng. Nhưng Giêrusalem vẫn chưa chịu đầu hàng. Quân Rôma lần lượt chiếm các điểm cầm cự. Quân do thái rút vào Đền thờ. Ban đầu tướng Titus tiếc một công trình kiến trúc quý giá nên không muốn tàn phá. Ông chỉ ra lệnh đốt lửa trước các cửa Đền thờ cho khói xông vào. Nhưng lửa bén vào gỗ nên các cửa cũng bị cháy. Thế là quân Rôma ùa vào. Tướng Titus vào Đền thờ, ra lệnh dập tắt lửa và cấm không cho cướp phá. Nhưng quân lính quá ham chiến lợi phẩm nên không tuân lệnh, tha hồ chém, giết, đốt, phá. Lửa cháy khắp nơi, xác người la liệt… Cảnh tượng khủng khiếp đến nỗi tướng Titus phải thốt lên : “Rõ ràng là dân này đang bị thần linh của họ trừng phạt nặng nề đến nỗi thần linh cũng không chấp nhận cho họ thờ phượng Ngài nữa”.

. Một nhóm kitô hữu chạy thoát sang vùng phía bên kia sông Giođan. Khi thấy những cảnh tượng khủng khiếp ấy, họ nhớ lại những lời tiên tri của Đức Giêsu. Họ cũng nhớ lời Ngài nói : “Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi những điều ấy xảy đến. Trời và đất sẽ qua đi, nhưng những lời Ta nói sẽ chẳng qua đâu” (Lc 21,33)

  1. Giờ đã điểm

Khi bầu khí lắng dịu xuống sau việc Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ, hai môn đệ Anrê và Philípphê đến nói cho Đức Giêsu hay có một số người hy lạp xin được gặp Ngài.

Đây không phải là những người do thái mà là người thuộc các sắc dân khác. Vì biết Chúa và kính mến Chúa nên họ cũng hành hương lên Giêrusalem dự lễ. Họ cũng nghe nói về Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài nên muốn gặp Ngài. Tuy nhiên vì biết thân phận mình là người ngoại nên họ phải nhờ Anrê và Philipphê làm trung gian.

Phần Đức Giêsu, khi biết cả những người ngoại cũng tìm đến với mình, thì ý thức rằng Giờ của Ngài đã điểm, nên tuyên bố : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). “Giờ” tôn vinh ấy là gì ? Thưa là lúc Đức Giêsu bước vào cuộc chịu nạn : tuy Ngài phải chết, nhưng cái chết ấy chính là cuộc phong vương cho Ngài, và là nguồn ơn cứu độ cho muôn dân. “Phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mắt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32)

Sau đó, như lời Mác cô viết : “Ngài rảo mắt nhìn xem mọi sự. Và vì giờ đã muộn, Ngài đi ra Bêtania cùng với Nhóm Mười Hai” (Mc 11,11)

* Những cảm nghĩ của Đức Giêsu trong ngày Chúa nhật Lễ Lá :

Đó là những tình cảm buồn thương lẫn lộn :

a/ Đối với bản thân : Mừng vì đã đến Giờ hoàn thành sứ mạng Chúa Cha giao phó, nhưng cũng xao xuyến vì sứ mạng ấy được hoàn thành bằng cái chết thập giá. “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến. Thầy biết nói gì đây ! Lạy Cha, xin cứu con khỏi Giờ này. Nhưng chính vì Giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Cha” (Ga 12,27)

b/ Đối với loài người : Mừng vì công trình cứu độ loài người sắp được thực hiện. Nhưng buồn vì một số người, đặc biệt là dân thành Giêrusalem, sẽ không hưởng được ơn cứu độ ấy, trái lại còn đang đi dần tới một tương lai rất là thê thảm.

CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

Phụng vụ Chúa nhật này gồm hai phần : Kiệu Lá, và Thánh Lễ. Mỗi phần đều có bài Tin Mừng. Đối với năm B thì 2 bài Tin Mừng đều trích từ Thánh Mác Cô (Mc 11,1-10 và 14,1—15,47)

Nếu như bài Tin Mừng lúc kiệu lá cho chúng ta thấy Đức Giêsu chính là Đấng Messia, thì bài Thương khó cho ta thấy rõ hơn rằng Đấng Messia ấy không phải là một vị vua theo kiểu trần gian, mà là Vua Tôi Tớ hy sinh mạng sống mình cho thần dân của mình.

Tham dự Phụng vụ Chúa nhật này, chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh của dân do thái ngày xưa nhưng đừng bắt chước gương xấu của họ. Chúng ta hãy luôn hân hoan đi theo Vua Giêsu chẳng những trong lúc vui sướng dễ chịu mà nhất là trong những lúc khó khăn gian khổ.

***

Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư Tuần Thánh

Ngày 3, 4,5 tháng 4 năm 30

Trong những ngày này, ban đêm Đức Giêsu nghỉ tại làng Bêtania. Đến sáng thì vào thành, giảng dạy trong sân Đền thờ. Các nhóm tôn giáo do thái biết Ngài đang ở Giêrusalem nên cũng tìm đến và chất vấn Ngài về một số vấn đề quan trọng.

Những diễn biến chính trong 3 ngày này :

– Dân chúng đến với Đức Giêsu để nghe Ngài giảng. Theo đường lối sư phạm từ trước tới nay, Đức Giêsu kể cho họ nghe những dụ ngôn. Nhưng vì đây là thời gian cuối cùng nên những dụ ngôn này đều kêu gọi tỉnh thức sẵn sàng.

– Các nhóm tôn giáo cũng đến với Đức Giêsu nhưng không phải để nghe giảng dạy mà để tranh luận.

– Giuđa xúc tiến việc nộp Đức Giêsu.

  1. Những dụ ngôn cuối cùng

Các dụ ngôn gồm : (1) Dụ ngôn về hai đứa con (Mt 21,28-32) : đứa con thứ hai miệng luôn thưa “vâng” với cha nhưng lại không làm chính là dân do thái ; (2) Dụ ngôn những tá điền sát nhân (Mt 21,33-44) ; (3) Dụ ngôn tiệc cưới mà những kẻ được mời trước lại không đến dự (Mt 22,1-14)

“Nghe những dụ ngôn ấy, các Thượng tế và người pharisêu hiểu là Ngài nói về họ. Họ tìm cách bắt Ngài, nhưng lại sợ đám đông, vì đám đông cho Ngài là một ngôn sứ” (Mt 21,45-46)

  1. Những cuộc tranh luận

Các phe nhóm do thái lần lượt tranh luận với Đức Giêsu : (1) Khởi sự là phái Pharisêu hợp sức với nhóm Hêrôđê đặt vấn đề “Có nên nộp thuế cho Xêda không ?” (Mt 22,15-23) ; (2) Tiếp đến là phái Sađóc với vấn đề kẻ chết sống lại (* Có một chuyện rất lố bịch trong sách Talmud (sách sưu tập các giáo huấn của giới Rabbi) : một người do thái kia có 12 anh em và những người này đều lần lượt chết cả. Theo luật “thế huynh” (lévirat), người này phải cưới những người vợ góa kia. Vậy người nầy giải quyết bằng cách sống với mỗi người vợ một tháng. Sau 3 năm, người này có tất cả 36 đứa con ! Câu chuyện mà các người Sađóc đặt ra để cũng lố bịch tương tự, nhằm mỉa mai giáo lý sống lại) ; (3) Sau cùng là phái Pharisêu với câu hỏi “Điều răn nào là điều răn trọng nhất” (Mt 22,34-40)

Qua những cuộc tranh luận ấy, Đức Giêsu thấy rõ lòng dạ của những người vốn tự nhận là lãnh đạo tinh thần của dân. Đức Giêsu không cầm được cơn giận nên trách mắng họ rất nặng lời : “Khốn cho các ngươi hỡi những người giả hình…” (Mt 23,1-36)

III. Giuđa âm mưu nộp Thầy

Những dụ ngôn của Đức Giêsu đã làm cho các Thượng Tế, kinh sư và biệt phái tức bực. Những cuộc tranh luận càng khiến họ giận dữ thêm. Và những lời trách mắng thẳng thừng của Đức Giêsu lại như đổ thêm dầu vào lửa. Tất cả các yếu tố ấy cộng lại khiến họ quyết định sẽ tiêu diệt Ngài. Tuy nhiên họ chưa dám ra tay vì sợ dân chúng khi ấy đang rất ủng hộ Đức Giêsu.

Đang lúc các Thượng Tế, kinh sư và biệt phái chưa biết làm sao để thực hiện ý đồ của mình thì có một người tự nguyện đến giúp họ : Giuđa Iscariốt. Tin Mừng Mt viết : “Bấy giờ, một người trong Nhóm 12 tên là Giuđa Iscariốt đi gặp các Thượng tế mà nói ‘Quý vị muốn cho tôi bao nhiêu ? Tôi đây sẽ nộp ông ấy cho quý vị’. Họ quyết định cho hắn 30 đồng bạc. Từ lúc đó hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu” (Mt 26,14-16)

Về số tiền “30 đồng bạc”, không rõ Matthêu muốn nói tới đồng denier, đồng drachme hay đồng sicle. Nhưng điều quan trọng là giá trị số tiền đó và nhất là ý nghĩa của nó. (1) Về giá trị : Mt 27,7 cho biết là sau khi Giuđa ném lại số tiền ấy vào Đền thờ và ra đi thắt cổ, thì các Thượng Tế đã dùng nó để mua một thửa ruộng. Như vậy là giá trị cũng tương đối khá. Nhưng việc Giuđa đã ném trả lại cho thấy giá trị của nó không tương xứng với tội bán thầy mà Giuđa phải mang tiếng muôn đời trước lịch sử. (2) Về ý nghĩa : Mt 26,15b dùng động từ “quyết định” khi nói tới việc các Thượng Tế trao 30 đồng cho Giuđa. Ta có thể từ đó suy đoán là họ đã bàn bạc với nhau. Cuối cùng họ nhất trí với số lượng 30 đồng. Lý do là đây là số tiền luật quy định bồi thường sinh mạng cho một người nô lệ lỡ bị giết chết. Vậy các Thượng Tế muốn dùng số tiền này để hạ nhục Đức Giêsu, coi Ngài chỉ đáng giá bằng một tên nô lệ bị giết chết mà thôi.

Vấn đề đáng suy nghĩ hơn là nguyên do nào khiến Giuđa dám phạm một trọng tội là nộp Đức Giêsu để chỉ đổi lấy một số tiền không tương xứng với tội ác hắn phạm như thế :

– Phải chăng vì lòng ham hố tiền bạc ? Quả là Giuđa có tham tiền : (1) Tin Mừng Gioan cho biết là “hắn thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12,6) ; (2) Chính vì tham tiền cho nên khi thương lượng với các Thượng Tế, Giuđa đã nói : “Quý vị muốn cho tôi bao nhiêu ? Tôi đây sẽ nộp ông ấy cho quý vị.”à Nhưng nếu tham tiền, Giuđa có thể thà tiếp tục ăn cắp của chung để sau nhiều lần gộp lại sẽ có một món tiền lớn hơn, chứ dại gì bán Thầy để mang tiếng muôn đời chỉ vì một số tiền ấy !

– Có lẽ vì Giuđa thất vọng do không đạt được điều mình mong muốn. Khi đi theo Đức Giêsu, Giuđa đã tưởng mình đi theo một nhân vật chính trị có tương lai. Khi cơ hội đến, tức là sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua nhưng Ngài lánh đi (Ga 6,15). Lúc đó rất nhiều người đã từng theo Đức Giêsu đâm ra thất vọng và bỏ Ngài (Ga 6,66). Mặc dù Giuđa chưa bỏ đi vì đang ở trong Nhóm 12 thân tín, nhưng khi đó Đức Giêsu cũng biết được lòng dạ hắn nên đã nói “Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm 12 sao ? Thế mà một người trong anh em lại là quỷ” (Ga 6,70) và Thánh Gioan giải thích ngụ ý của Đức Giêsu “Ngài muốn nói về Giuđa” (Ga 6,70b). Sự thất vọng đã nẩy sinh ngay từ lúc đó và càng ngày càng chán chường hơn. Hôm nay là dịp để Giuđa loại bỏ Đức Giêsu.à Tuy nhiên giả thuyết này không giải thích được tại sao sau đó Giuđa hối hận và tự sát.

– Lý do thuyết phục nhất là tính kiêu ngạo muốn lèo lái người khác theo ý đồ của mình : Giuđa theo Đức Giêsu vì hy vọng Ngài sẽ khởi nghĩa lập nên sự nghiệp chính trị. Nhưng sau khi thấy Đức Giêsu nhiều lần bỏ qua những cơ hội, cuối cùng hắn muốn dồn Đức Giêsu vào chân tường : nộp Ngài cho kẻ thù để rồi Ngài bó buộc phải kháng cự, và nhờ đó cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Nhưng Đức Giêsu cũng chẳng kháng cự trong cái thế bị dồn vào chân tường ấy. Lúc đó Giuđa biết mình đã tính sai nước cờ, mất hết cả chì lẫn chài. Hắn hối hận (theo nghĩa “tức mình”) và tự tử.

Ơn gọi của Giuđa thất bại vì không phải Giuđa muốn đi theo Chúa, trái lại muốn bắt Chúa đi theo mình !

***

 

Ý Nghĩa Tam Nhật Thánh

Ba ngày Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy tuần thánh được gọi là Tam Nhật Thánh. Nguồn gốc và ý nghĩa thế nào ?

  1. Lịch sử Tam nhật thánh
  2. Trung tâm của Tuần Thánh là 3 ngày Thứ Năm, Sáu, Bảy với các việc cử hành vừa nhiều hơn vừa long trọng hơn các ngày khác trong năm Phụng vụ.
  3. Truyền thống này bắt đầu từ thế kỷ IV, thời Thánh Ambrôsiô (ở Milano nước Ý) và Thánh Augustinô (ở Hippone, Bắc Phi).

Lý do cử hành trong “ba ngày” là để làm đúng theo công thức “ba ngày” được nhiều câu Sách Thánh nói tới, như Hs 6,2 Ga 2,1 và Mt 12,40).

Thực ra thì không chính xác 3 ngày mà chỉ có 1 ngày rưỡi và 2 đêm từ chiều Thứ Sáu đến rạng sáng Chúa nhựt :

– Chiều Thứ Sáu : Phụng vụ Lời Chúa và tôn kính Thánh Giá.

– Đêm Thứ Bảy : Phụng vụ Lời Chúa, nghi lễ ánh sáng và lễ nghi ban Phép rửa.

– Rạng sáng Chúa nhật phục sinh : Thánh lễ long trọng.

  1. Dần dần về sau, Giáo Hội thêm vào :

– Đêm Thứ Năm Tuần Thánh : cử hành Bữa Tiệc Ly trong đó Đức Giêsu rửa chân các môn đệ và lập Bí tích Thánh Thể.

– Ngày Thứ Năm : Thánh lễ do Giám mục chủ tế cùng với các Linh mục trong giáo phận đồng tế, để tưởng niệm việc Đức Giêsu lập Bí Tích truyền chức thánh – đồng thời Giám mục làm phép các thứ dầu sẽ dùng trong các bí tích.

  1. Điều đáng chúng ta lưu ý nhất là tất cả các nghi lễ được cử hành trong 3 ngày này không được coi là những nghi lễ riêng lẻ, độc lập, mà là thành phần của một cuộc tưởng niệm bao quát trong đó mỗi nghi lễ được coi như một mắc xích trong một dây chuyền duy nhất nhằm tưởng niệm một biến cố duy nhất gọi là biến cố Vượt Qua. Chính vì vậy mà Giáo Hội cũng gọi Tam nhật thánh là Tam nhật Vượt qua.
  2. Ý nghĩa lễ Vượt qua
  3. Nguồn gốc Lễ Vượt qua.

Đây là một lễ của dân du mục hoặc bán du mục. Vào mùa xuân, họ tế lễ một con thú tơ để cầu xin cho đoàn vật của họ sinh sản đông đúc, đất đai của họ trổ sinh nhiều hoa trái. Máu con vật được phết lên cọc lều (sau này khi đã có nhà thì lấy máu phết lên ngạch cửa) để xua trừ tà ma. Thịt con vật được nướng trên lửa chứ không cần dùng dụng cụ nấu nướng gì cả ; thịt đó ăn chung với bánh không men (thói quen này ngày nay vẫn còn nơi dân du mục Bé-douins) và với rau đắng tức là loại rau không do người ta trồng mà mọc tự nhiên. Khi ăn thì mang thắt lưng, chân mang giày như sắp sửa đi xa, tay cầm gậy chăn chiên.

à Nhận xét : Nơi dân du mục, lễ này còn nặng tính vụ lợi, mê tín và thụ động.

  1. Lễ vượt qua do thái

Môsê đã mượn lễ này, thay đổi vài chi tiết, và gán ý nghĩa mới cho tất cả các chi tiết để làm nổi lên ý nghĩa chung là tưởng niệm việc Thiên Chúa giải phóng dân do thái khỏi ách nô lệ.

– Thời gian : xưa là vào mùa xuân ; Môsê định rõ là ngày 14 tháng Nisan.

– Thời điểm buổi tối : ý nghĩa xưa là thời gian thuận tiện cho lễ hội, ý nghĩa mới là thời điểm thuận tiện để trốn khỏi Ai cập.

– Bánh không men : ý nghĩa xưa là trước mùa xuân thì hết men ; ý nghĩa mới là vì vội quá không kịp trộn men.

– Rau đắng : ý nghĩa xưa là vì đó là một loại rau có sẵn nhiều ở các cánh đồng ; ý nghĩa mới là nhắc nhở sự cay đắng của kiếp nô lệ.

– Thắt lưng : nghĩa xưa là để dễ nhảy múa trong lễ hội ; nghĩa mới là gọn gàng để dễ xuất hành.

– Giết một con thú tơ : nghĩa xưa là cầu cho các thú nuôi được sinh sản đông đúc ; Môsê buộc phải là con chiên được tuyển lựa kỹ với ý nghĩa là một lễ tế.

– Máu bôi lên thành cửa : nghĩa xưa là để xua đuổi tà ma ; Nghĩa mới : để làm dấu cho thiên thần không vào nhà ấy.

à Nhận xét : Lễ Vượt qua của dân do thái không còn vụ lợi mà nhằm tạ ơn, không còn mê tín mà hướng lên Thiên Chúa ; tuy nhiên vẫn còn thụ động.

  1. Lễ vượt qua của Đức Giêsu

Đức Giêsu cũng ăn tiệc Vượt qua, nhưng Ngài biến bữa tiệc đó thành Cuộc Vượt qua của Ngài

– Thay đổi ngày : không phải là Thứ Sáu áp lễ Vượt Qua, mà là Thứ Năm (một ngày trước đó)

– Thay đổi món ăn : xem các bài tường thuật bữa tiệc Vượt qua của Đức Giêsu (Mt 26,20-29 ; Ga 13,1-30), ta không thấy những món rất quan trọng là Con chiên và rau đắng, mà chỉ có bánh và rượu.

– Thay đổi cung cách ăn : Đức Giêsu và các môn đệ không đứng, cầm gậy, nai nịt gọn gàng… Nhưng các ngài ngồi hoặc nằm (cho nên khi bắt đầu rửa chân, Đức Giêsu “đứng dậy” Ga 13,4 ; khi người môn đệ yêu dấu muốn hỏi Ngài về kẻ phản bội thì người này “nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu” Ga 13,25)

Những thay đổi đó nhằm cho thấy Đức Giêsu chính là Con Chiên Vượt qua ; và chính Ngài thực hiện cuộc Vượt qua (chứ không phải thiên thần)

Ý tưởng này được các sách Tin Mừng nói rõ hơn nữa qua một số chi tiết khác :

– Ngài chết vào đúng giờ người do thái giết con chiên vượt qua (Mt 27,46 “Giờ thứ chín” của ngày áp lễ Vượt qua (Ga 19,31), xương Ngài không bị đánh gãy (Ga 19,33)

– Máu của Ngài (chứ không phải máu của con chiên) sẽ đóng ấn Giao ước mới (Mt 26,28).

– Chính vì bữa tiệc Vượt qua này là Tiệc Vượt qua của Đức Giêsu nên Tin Mừng thứ tư viết : “Trước lễ Vượt qua, Đức Giêsu biết Giờ của Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (Ga 13,1)

à Nhận xét : Đức Giêsu hoàn toàn chủ động thực hiện cuộc Vượt qua : qua thế gian để với với Chúa Cha, qua đau khổ để đến vinh quang.

  1. Lễ Vượt qua của chúng ta

Khi cùng Đức Giêsu sống lại những biến cố trong Tam nhật Vượt qua xưa, chúng ta đừng nghĩ rằng Đức Giêsu sắp hay đang tiến dần đến cái chết và sẽ sống lại. Trái lại chúng ta phải hoàn toàn ý thức và tuyệt đối tin rằng Ngài đã trải qua các biến cố đó và đã sống lại.

Bởi vậy, tâm tình của chúng ta không phải là đau buồn, thông cảm (có tính tình cảm, bi thương) mà là tin tưởng và lạc quan (tâm tình tin, cậy, mến) : Đức Giêsu đã vượt qua tất cả và đã chiến thắng vinh quang. Nếu chúng ta cùng chết với Ngài thì cũng sẽ cùng sống lại với Ngài.

Nói cách khác, chúng ta hãy nhìn Đức Giêsu như một người đã chiến thắng và cho chúng ta xem lại đoạn phim lúc Ngài đang chiến đấu gian khổ, để rút ra những bài học cho cuộc chiến đấu của chính chúng ta.

Như thế Lễ Vượt qua của chúng ta vừa chủ động vừa thụ động : Trong khi nhìn lại cuộc Vượt qua của Đức Giêsu, chúng ta cũng hãy nghĩ đến những tình huống khó khăn, những sự xấu và sự dữ nào của chúng ta mà chúng ta phải vượt qua. Rồi với sự trợ giúp của Đức Giêsu, chúng ta thực hiện cuộc Vượt qua của chính mình.

Thứ Năm Tuần Thánh

Ngày 6 tháng 4 năm 30

Các sách Tin Mừng không ghi lại gì về buổi sáng hôm nay. Nhưng từ buổi chiều thì có rất nhiều chi tiết, có thể nói là từng giờ một.

Những sự việc quan trọng :

– Bữa ăn Vượt qua

– Rửa chân

– Lập Bí tích Thánh Thể

– Những lời cuối của Đức Giêsu với các môn đệ

– Cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu

– Đức Giêsu bị bắt

– Những phiên xử ban đêm

  1. Bữa ăn vượt Qua
  2. Chuẩn bị nơi chốn

Theo Mc 14,13-16 thì việc chuẩn bị này có một số chi tiết hơi lạ :

– Chính Đức Giêsu đã thu xếp trước các chi tiết à Đức Giêsu coi bữa ăn Vượt Qua năm nay có tầm quan trọng hơn các năm trước.

– Dấu hiệu để hai môn đệ nhận ra được người dẫn đường là một người đàn ông mang vò nước : thông thường, lấy nước về nhà là việc của đàn bà. Cho nên khi một người đàn ông làm việc này thì rất dễ nhận ra.

– Khi theo người đàn ông ấy đến nơi thì hai môn đệ thấy một căn phòng “rộng rãi”, “trên lầu” và “đã được chuẩn bị sẵn sàng”

Chắc hẳn đây là nhà của một người thân tín với Đức Giêsu, một môn đệ và là người khá giả. Nhiều nhà chuyên môn đã đoán người đó là Nicôđêmô hay Giuse Arimathia, những môn đệ ẩn danh của Đức Giêsu. Người ta cũng đoán ngôi nhà này nằm ở góc Tây Nam của tường thành Giêrusalem. Về sau người ta đã xây lên tại chỗ này một ngôi nhà thờ mà sử gia Guillaume de Tyr gọi là “nhà thờ đầu tiên và là mẹ của các nhà thờ”. Tiếc là từ thế kỷ 16 nó đã thuộc quyền sở hữu của Hồi giáo vì người hồi giáo cho rằng nơi đây có mộ của Đavít, mà Đavít là người rất có thiện cảm với Hồi giáo !

  1. Bàn ăn

– Nếu theo đúng giờ quy định thì bữa ăn này bắt đầu sau 5 giờ 30 chiều.

– Tư thế của những người ăn là nằm, hơi nghiêng, đầu tựa vào tay trái chống lên.

– 3 dãy bàn (hay giường) được xếp thành chữ “U”. Khoảng trống không có bàn được chừa cho người phục vụ đi vào. Thực khách nằm quay đầu vào trong và đưa chân ra ngoài.

– Dãy bàn chính giữa – đáy chữ “U” – là bàn danh dự. Chỗ giữa của bàn này là chỗ danh dự, chỗ số I,. Sát ngay bên trái là chỗ số II ; bên phải là chỗ số III. Có lẽ Đức Giêsu được bố trí chỗ I, Gioan chỗ II và Phêrô chỗ III. Ta cần xác định rõ như thế để dễ hình dung cảnh Phêrô nhờ Gioan hỏi Đức Giêsu xem ai là người phản Thầy. Còn Giuđa thì có lẽ ở chỗ cuối của một trong hai dãy bàn kia. Sở dĩ Giuđa ơ chỗ đó là vì Giuđa là quản lý, phải có chỗ thuận tiện để đi ra đi vào mà không cản trở ai cả.

  1. Bữa ăn

Dựa theo chương Pesahim của sách Talmud, ta biết diễn tiến bữa ăn nghi lễ ấy như sau :

1/ Bắt đầu là mọi người tạ ơn Chúa vì đã ban rượu cho bữa ăn và vì ngày lễ Vượt qua này.

2/ Chấm bánh không men vào một thứ nước sốt màu đỏ được gọi là haroseth.

3/ Uống hai ly rượu đầu tiên. Giữa hai ly là vài giọt nước pha muối mặn để tưởng nhớ những giọt nước mắt thời phải làm nô lệ Ai cập.

4/ Hát Thánh vịnh 114 là Thánh vịnh kể chuyện xuất hành và nước biển rẻ đôi.

5/ Ăn thịt chiên nướng cùng với rau đắng. Những thức ăn này nhắc nhớ thời lang thang cực khổ trong sa mạc.

6/ Uống ly thứ ba và ly thứ tư : Ly thứ ba được gọi là “chén chúc tụng” vì vừa uống vừa đọc lời chúc tụng Chúa.

7/ Hát bài ca Hallel. Đây là một thánh ca tạ ơn khá dài, gồm 4 Thánh vịnh từ 115 đến 118.

Bầu khí của bữa ăn vượt qua rất vui vẻ. Sách Talmud viết : “Nó ngon như dầu Ô liu, và bài ca Hallel phải làm vỡ tung mái nhà”. Còn quyển ngụy thư Công vụ thánh Gioan kể rằng đang khi hát bài ấy, các tông đồ nắm tay nhau nhảy múa bao quanh Đức Giêsu.

Phần Đức Giêsu thì tuy cũng vui nhưng trong lòng Ngài pha lẫn một nỗi buồn kín đáo, vì Ngài biết đây là bữa ăn vượt qua cuối cùng trong đời mình. Ngài nói : “Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước của Thiên Chúa” (Lc 22,16)

  1. Rửa chân

Giữa bữa ăn, bỗng Đức Giêsu đứng dậy, rời bàn ăn và đi rửa chân cho các môn đệ mình.

Đây là một việc làm bất thường, vì : (1) Không phải là thanh tẩy theo nghi thức vì nó được thực hiện giữa bữa ăn chứ không phải lúc đầu hay cuối bữa ăn ; (2) Người lớn mà rửa chân cho người nhỏ ; (3) Chính Phêrô cũng nhận ra sự bất thường này nên đã không cho Đức Giêsu rửa chân cho mình.

Tính cách bất thường ấy nhằm khắc sâu vào tâm khảm các môn đệ bài học mà Đức Giêsu muốn dạy họ : bài học phục vụ cách khiêm tốn. Trước đó không lâu, các môn đệ đã tranh dành địa vị với nhau ! (x. Lc 22,24)

III. Lập Bí tích Thánh Thể

“Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói ‘Anh em hãy cầm lấy mà ăn. Đây là mình Thầy’. Rồi Ngài cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ với nói ‘Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,26-28).

Nhiều người muốn phủ nhận Bí tích Thánh Thể nên đưa ra những giải thích rất lạ về việc này :

a/ Có người lập luận rằng việc Đức Giêsu làm chỉ là nghi thức chúc tụng Thiên Chúa vì đã ban thức ăn.à Thực ra, theo thánh Matthêu mô tả thì cử chỉ của Đức Giêsu không giống nghi thức chúc tụng được quy định trong luật. Một tài liệu của nhóm Essêni ghi : “Khi đã dọn bánh để ăn và rượu để uống xong thì chủ tế là người đầu tiên giơ tay lên chúc phúc bánh và rượu”. Đức Giêsu không “giơ tay lên chúc phúc”, mà “cầm lấy, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao”. Ngoài ra, trong những lời Đức Giêsu nói, chúng ta thấy rất rõ sự liên kết giữa bánh với Mình Ngài, cùng rượu với Máu Ngài.

b/ Có người không phủ nhận được sự liên kết giữa bánh và rượu với Mình và Máu Đức Giêsu, nhưng cho rằng ở đây Đức Giêsu muốn cho các môn đệ Ngài làm giống các dân tộc sơ khai là ăn thịt và uống máu các thần linh để được thông chia quyền lực của các thần linh ấy.à Thực ra, việc các dân tộc sơ khai làm chỉ là một việc mê tín dị đoan : không phải chỉ nguyên nhờ việc ăn uống thịt máu thần linh là được thông chia quyền lực các thần linh ấy. Điều quan trọng nhất là ý hướng, tình trạng trong sạch của tâm hồn lúc đó và lòng yêu mến của người ấy. Nếu chỉ là một hành vi ma thuật thì Giuđa cũng làm hành vi đó nhưng hắn đâu có được thần linh hóa gì đâu !

c/ Nhiều phái Tin Lành ngày nay cho rằng bánh và rượu không thực sự trở thành Mình và Máu Đức Giêsu, chỉ là tượng trưng thôi.à Nhưng chúng ta nên lưu ý rằng các tông đồ ngày xưa không nghĩ như vậy, các ngài thực sự tin đó là Mình và Máu Chúa. Chẳng hạn đoạn thư sau đây của Thánh Phaolô : “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.” (1Cr 11,27-29)

  1. Đêm tối của Giuđa

Cuối bữa ăn, “Tâm thần Ngài xao xuyến. Ngài tuyên bố ‘Thật Thầy bảo thật anh em, có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21).

Tin Mừng Gioan kể tiếp : “Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa lòng vào Đức Giêsu. Ông Simon Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo ‘Hỏi xem Thầy muốn nói về ai ?’ (Ga 13,22-24)

Như đã nói ở trên, Gioan đang nằm phía bên tay trái của Đức Giêsu. Ông chỉ cần đổi thế nằm, nghiêng qua bên phải là đầu ông sẽ nghiêng vào lòng Đức Giêsu. Còn Phêrô thì đang nằm phía bên kia Đức Giêsu nên không thể nói lớn tiếng với Gioan mà chỉ ra hiệu.

Đức Giêsu trả lời : “Thầy chấm bánh đưa cho ai thì chính là kẻ ấy” (Ga 13,26). Tin Mừng Mt thì ghi : “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy” (Mt 26,23).

Như thế là có tới 2 chi tiết : (1) Giuđa đưa tay vào đĩa Đức Giêsu ; (2) Đức Giêsu chấm bánh trao cho Giuđa.

– Về chi tiết Giuđa đưa tay vào đĩa thức ăn của Đức Giêsu : Trong những thủ bản được tìm thấy ở Biển Chết có câu : “Khi nhiều người ăn chung với nhau, thì thức ăn và rượu được dọn chung trên bàn. Không ai được đưa tay lấy miếng ăn đầu tiên hay ly rượu đầu tiên trước vị chủ tế”. Còn tục lệ của các dân Phương Đông mà ngày nay những người ả rập miền Syria và Transjordanie vẫn còn giữ thì việc cùng đưa tay một lượt vào đĩa thức ăn của ai là một cử chỉ vô phép.

– Về chi tiết chủ tiệc chấm bánh trao cho một người nào đó, thì đó là một cử chỉ rất ưu ái.

Như vậy, việc Giuđa tự ý đưa tay vào đĩa thức ăn của Đức Giêsu cho thấy hắn đã vô phép không còn tôn trọng Đức Giêsu nữa. Tuy nhiên Đức Giêsu vẫn ưu ái với hắn : Ngài chấm thức ăn đưa cho hắn để vừa tránh cho hắn khỏi bị coi là vô lễ, vừa làm một cử chỉ ưu ái với hy vọng sẽ một lần chót thức tỉnh lương tri của hắn, cứu hắn khỏi tội phản Thầy.

Tuy nhiên, như Daniel Rops viết, “Có những lúc lòng người đầy thù hận cho nên một cử chỉ thân thiện chẳng những không đem người đó trở về với ánh sáng, ngược lại còn khiến người đó dấn sâu hơn vào đêm tối”. Đó là trường hợp của Giuđa : “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền ra đi. Lúc đó trời đã tối” (Ga 13,30).

  1. Những lời trối trăn

Theo thói quen của những người phương Đông, thỉnh thoảng sau bữa ăn tối, nhất là khi có chuyện quan trọng, người ta ngồi lại nói chuyện với nhau thêm một thời gian nữa, có khi kéo dài tới khuya.

Tối Thứ Năm tuần thánh, Đức Giêsu cũng làm như thế. Về cuộc nói chuyện này, các Tin Mừng Mt và Mc không ghi lại gì cả. Còn Tin Mừng Lc thì chỉ ghi lại vài dòng (Lc 22,31.38). Nhưng Tin Mừng Ga thì ghi rất dài, đến 4 chương (Ga 14-17). Đối với Tin Mừng Ga, bài nói chuyện này của Đức Giêsu cũng quan trọng không kém Bài giảng trên núi trong Tin Mừng Mt. Ngài cho các môn đệ thân yêu của mình hay là Ngài sắp ra đi ; Ngài khuyên họ hãy yêu thương nhau, hãy gắn bó với Ngài như cành nho gắn liền với cây nho ; Ngài báo trước là họ cũng sẽ bị thế gian bách hại như đã bánh hại Ngài ; nhưng Ngài hứa sẽ cho Thánh Thần đến phù trợ họ ; Ngài còn hứa là họ sẽ chiến thắng thế gian, cho nên hãy can đảm lên và đừng sợ v.v. Sau bài nói chuyện dài ấy, Đức Giêsu còn cầu nguyện cho các môn đệ và cho Giáo Hội.

  1. Trong vườn Cây dầu

Sau đó Đức Giêsu rời phòng Tiệc Ly đi đến một khu vườn trồng cây ô liu. Tin Mừng Mt và Mc gọi tên là Ghếtsêmani, nghĩa là máy ép dầu, có lẽ vì nơi đó có một máy ép dầu cho nông dân trong vùng.

Ngày nay tại nơi này vẫn còn 8 cây ô liu cổ thụ. Người ta nói rằng chúng đã có diễm phúc chứng kiến cảnh Đức Giêsu cầu nguyện và hấp hối. Chắc không phải vậy, bởi vì cho dù loại cây này có thể sống hơn 1000 năm, nhưng vùng này là nơi diễn ra những tránh đánh nhau ác liệt giữa quân do thái và quân đội Rôma của tướng Titus, khi đó tất cả những cây cối đều bị cháy rụi cả.

Về tình trạng của Đức Giêsu khi cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, Tin Mừng Mt viết : “Ngài cảm thấy buồn rầu xao xuyến” (Mt 26,37) ; Tin Mừng Mc ghi “Ngài cảm thấy hãi hùng xao xuyến” (Mc 14,33) ; Tin Mừng Lc thì ghi “Ngài lâm cơn xao xuyến bồi hồi” và còn ghi thêm chi tiết “Và mồ hôi Ngài như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44).

Câu ghi nhận của Lc đáng chú ý nhất. Câu này gồm 2 chi tiết :

– Chi tiết “đổ mồ hôi” : Có 2 lối giải thích : (1) Những giọt mồ hôi của Đức Giêsu cũng là những giọt mồ hôi thường, nhưng đổ ra nhiều và hình dáng giống như những giọt máu. Việc Đức Giêsu đổ mồ hôi nhiều như thế biểu lộ tâm trạng của Ngài lúc đó rất “buồn rầu” nếu dùng từ của Mt, hoặc rất “hãi hùng” nếu dùng từ của Mc ; (2) Vì Luca là y sĩ, cho nên có người cho rằng Luca muốn nói tới những giọt mồ hôi đặc biệt, không còn là mồ hôi nữa mà là máu, hay ít ra có xen lẫn máu (các sách xưa gọi là “mồ hôi máu”). Theo bệnh học thì hiện tượng này (từ chuyên môn tiếng Pháp là hématidrose) có thể xảy ra trong trường hợp người ta sợ hãi quá sức ; cũng như có người sau một đêm quá sợ hãi thì tóc bạc trắng ra hết. Không biết sự thật lúc đó Đức Giêsu đổ mồ hôi hay đổ máu. Nhưng chắc chắn tâm trạng Ngài là rất sợ, như những từ mà Mt và Mc dùng (“buồn rầu xao xuyến”, “hãi hùng xao xuyến”). Ai mà không sợ khi trực diện với cái chết ! Người già biết mình sắp chết thì sợ nhưng đành chịu vậy, còn người trẻ thì khó mà chịu được. Đức Giêsu khi đó chỉ mới khoảng 30 tuổi, độ tuổi đang tràn đầy sinh lực. Thế mà Ngài biết mình sắp chết !

– Chi tiết “Ngài lâm cơn xao xuyến bồi hồi” : Chữ hy lạp mà thánh Luca dùng trong câu này là Agonia (thường được dịch là “hấp hối”). Trong ngôn ngữ hy lạp, Agonia không chỉ là một tình trạng sắp chết, mà còn là “chiến đấu”, đúng là một cuộc chiến đấu giữa sức sống và sự chết, chiến đấu giữa ý muốn của Thiên Chúa và sự yếu đuối của thân phận làm người. Cuối cùng Đức Giêsu đã thuận theo ý Thiên Chúa và hy sinh ý muốn sinh tồn tự nhiên của thân phận làm người. Khi Ngài nói “Xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” thì hai ý muốn chỉ còn là một.

VII. Đức Giêsu bị bắt

Giuđa biết chỗ Đức Giêsu đang cầu nguyện, vì đây không phải là lần đầu Ngài đến đó cầu nguyện, nên hắn đã dẫn người tới bắt Ngài.

Việc bắt Đức Giêsu phải tiến hành nhanh gọn, trước hết là phải bắt được Ngài trước khi Ngài rời khỏi nơi kín đáo này mà đi đến nơi khác đông người hơn thì sẽ rất bất tiện ; kế đến là phải làm cho xong trước khi có tiếng kèn báo hiệu bắt đầu lễ Vượt Qua.

Những người đi bắt không biết rõ mặt Đức Giêsu, nên Giuđa đã quy ước với họ một dấu hiệu “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy” (Mt 26,48).

Một số chi tiết đáng lưu ý về cuộc bắt giữ này : (1) Tiến hành giữa ban đêm trong khi nạn nhân không có ý định trốn tránh. Đây là cách hành xử không quang minh chính đại của một cơ quan thi hành luật. Đức Giêsu đã vạch rõ ra sự mờ ám này : “Các ông đem gươm giáo gậy gộc đến như để bắt một tên cướp sao ? Ngày ngày tôi vẫn ngồi giảng dạy ở Đền thờ thì các ông không bắt” (Mt 26,55) ; (2) Đức Giêsu đã nói trúng tim đen của họ : nếu họ bắt Đức Giêsu đang khi Ngài giảng dạy thì dù sau đó Ngài có bị kết án tử thì dư luận vẫn ngưỡng mộ Ngài vì coi Ngài là một ngôn sứ chịu tử đạo. Họ cố tình bắt Đức Giêsu (và sau đó xử tử Ngài) như bắt và xử một tên gian ác. Làm như thế, ngay cả cái chết của Ngài cũng bị mất đi ý nghĩa cao đẹp, như tựa đề của một bài viết : “Người ta đã cướp đi cả ý nghĩa cái chết của Ngài” (On a volé le sens de sa mort) ; (3) Trong mọi nền văn hóa, cái hôn là biểu lộ sự yêu thương (như mẹ hôn con) và kính trọng (như trò hôn tay thầy). Giuđa thì dùng cái hôn để nộp Thầy, dùng một cử chỉ cao đẹp để thực hiện một ý đồ xấu xa.

VIII. Những phiên xử ban đêm

Theo 3 quyển Tin Mừng nhất lãm thì Đức Giêsu sau khi bị bắt liền được giải tới dinh Thượng Tế Caipha. Tin Mừng Gioan nói rõ hơn rằng Đức Giêsu bị giải tới dinh cựu Thượng tế Anna trước, sau đó mới tới dinh Thượng Tế Caipha.

  1. Tới dinh Anna

Bắt Đức Giêsu xong, người ta vội dẫn Ngài tới dinh Anna (Ga 18,12).

Ông này là ai ? Ông làm Thượng Tế từ năm 7 đến năm 14. Nhưng hôm nay ông không còn làm Thượng Tế nữa. Dù vậy người ta đã giải Đức Giêsu đến ông trước tiên bởi vì tuy ông không còn làm Thượng Tế nhưng vẫn còn có thế lực rất mạnh. Sử gia Flavius Joseph cho biết rằng ông đã dùng thế lực của mình để đưa 5 người con trai của ông và cả người con rể là Caipha lên chức Thượng Tế. Có thể nói ông mới thực sự là người lãnh đạo tinh thần của dân do thái. Về lập trường của ông này đối với Đức Giêsu, Tin Mừng Gioan ghi nhận : “Chính ông này đã đề nghị với người do thái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn” (Ga 18,14)

Hình như Anna không thẩm vấn Đức Giêsu gì cả. Ông chỉ cần thấy Đức Giêsu bị bắt là đã an tâm, vì sự việc đang đi đúng hướng ý đồ của ông. Thấy được nạn nhân của mình rồi, Anna cho giải Đức Giêsu sang dinh Thượng Tế Caipha.

  1. Tới dinh Caipha

Caipha được đặt lên chức Thượng Tế năm 18 đến năm 36. Ông là người giữ được địa vị này lâu hơn các Thượng Tế khác. Điều này cho thấy ông rất khéo lấy lòng chính quyền Rôma. Cũng vì muốn lấy lòng chính quyền Rôma nên ông cảm lo lắng khi thấy Đức Giêsu thu hút được một số rất đông dân chúng đi theo Ngài, cụ thể là trong cuộc vào thành Giêrusalem. Để cho Rôma khỏi coi đó là một phong trào nguy hiểm nên ông muốn dẹp sớm.

Caipha đã triệu tập một cuộc họp ngay giữa ban đêm để xét vụ án Đức Giêsu.

Có rất nhiều điều sai luật trong phiên xử này :

  1. Xử vào ban đêm : Sách Talmud ghi : “Những vụ án nào có liên hệ đến sinh mạng của một người thì phải diễn ra dưới ánh sáng ban ngày”. Sở dĩ họ gấp rút họp nhau ban đêm như thế là để dàn xếp trước một tội danh để kết án Đức Giêsu. Cuộc xử sáng hôm sau trước toàn thể Thượng Hội Đồng chỉ là để hợp thức hóa quyết định có sẵn tối nay mà thôi.
  2. Khi Đức Giêsu trả lời các câu hỏi của Thượng Tế Caipha về các môn đệ Ngài và giáo huấn của Ngài thì một tên thuộc hạ của Thượng Tế vả vào mặt Ngài (Ga 18,22). Sách Talmud ghi rằng quan tòa mà đánh hay ra lệnh đánh bị cáo thì sẽ bị phạt.
  3. Để có vẻ làm đúng luật, họ đã đưa hai người ra làm chứng tố cáo Đức Giêsu. Nhưng lời chứng của hai người đó lại không ăn khớp với nhau. Người thứ nhất thì nói rằng Đức Giêsu đã tuyên bố ‘Tôi có thể phá Đền thờ Thiên Chúa, và nội trong 3 ngày sẽ xây cất lại” (Mt 26,61) ; người thứ hai thì nói “Tôi sẽ phá Đền thờ này…” (Mc 14,58). Và cả hai lời chứng này đều không đúng với lời Đức Giêsu đã nói : “Các ông cứ phá Đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Cần biết rằng sách Đệ nhị luật quy định chẳng những phải có ít là hai người làm chứng, mà lời chứng của những người này phải ăn khớp với nhau nữa. Trong vụ án bà Susanna, cũng có hai người chứng, nhưng vì lời chứng của họ không ăn khớp nhau, nên chẳng những bà Susanna được tha, mà hai người làm chứng gian ấy còn bị kết tội.
  4. Vì lời khai của các nhân chứng không khớp nhau khiến không thể kết án Đức Giêsu được, nên cuối cùng Thượng Tế Caipha đã rất xảo quyệt đặt câu hỏi gài bẫy Đức Giêsu. Ông nói : “Tôi nại đến Thiên Chúa hằng sống mà truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không ?” Trước một yêu cầu của một kẻ có thẩm quyền và còn nhân danh Thiên Chúa để đòi buộc, Đức Giêsu không thể không trả lời. Ngài đáp : “Chính Ngài nói đó. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay : từ nay các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng toàn năng và ngự giá mây trời mà đến”. Bấy giờ Vị Thượng Tế liền xé áo mình ra và nói “Hắn nói phạm thượng. Chúng ta cần gì nhân chứng nữa ? Đấy quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa. Quý vị nghĩ sao ? Họ liền đáp “Hắn đáng chết” (Mt 26,63-66)

Mặc dù lộng ngôn phạm thánh là tội đáng chết, nhưng cần lưu ý đến các chi tiết sau : (1) Sách Talmud đã quy định rằng : chỉ khi nào nói đến tên mà Thiên Chúa đã mặc khải cho Môsê, tức là tên Yahweh thì mới là phạm thượng ; còn nếu nói tới Thiên Chúa bằng những kiểu nói khác, chẳng hạn “Yah” hay “Đấng Thánh”, “Đấng toàn năng” v.v. thì không phải là tội phạm thánh. Trong câu trả lời, Đức Giêsu không hề nói tên “Yahweh” mà chỉ nói “Đấng Toàn Năng”. (2) Các thành viên khác trong Thượng hội đồng hẳn là đã nhận ra được điểm tế nhị này, cho nên họ không xé áo như Vị Thượng Tế. Nếu họ thực sự thấy Đức Giêsu phạm thánh thì không chỉ một mình Caipha xé áo mình ra, mà tất cả đều phải làm y như thế ! (3) Hơn nữa, nếu muốn kết ai tội phạm thánh thì phải theo cả một thủ tục luật định : trước hết phải có hai người chứng đứng núp phía sau một bức màn để nghe ; bị cáo được đưa ra đứng trước mặt mọi người ; vị xét xử đặt câu hỏi để bị cáo trả lời mà trong câu trả lời có gọi đúng tên cực thánh cấm kỵ ; vị xét xử yêu cầu bị cáo rút lại lời nói đó nhưng bị cáo vẫn khăng khăng không rút lại. Chúng ta thấy tất cả những quy định trên đều không được tuân thủ ; (4) Ngoài ra việc Caipha dùng chính lời nói của Đức Giêsu để kết án Ngài cũng là sai luật, vì luật đã quy định rằng lời tự thú của bị cáo không có giá trị nếu không được xác nhận bởi ít ra hai người chứng khai ăn khớp nhau. Sở dĩ luật do thái quy định như thế là để đề phòng những trường hợp bất công như bị cáo bị áp lực phải tự thú sai sự thật, hay bị cáo nản lòng quá nên muốn khai bừa để được chết cho rồi.

  1. Phêrô chối Thầy

Đang khi Đức Giêsu bị xử trong dinh Thượng Tế thì Phêrô đi quanh quẩn ngoài sân.

Ở Phương Đông, sân nhà những người giàu có rất rộng và thường có nhiều người quanh quẩn ở đó : các tôi tớ, bảo vệ và dân chúng. Người ta đốt một đống lửa rồi ngồi chung quanh tán gẫu, hoặc bàn tán về những sự kiện quan trọng đang diễn ra.

Phêrô cũng chen vào nói chuyện, mục đích là để dò la tin tức Thầy mình. Tuy nhiên giọng nói đặc biệt của miền Galilê khiến ông bị nhận diện.

Người Galilê có giọng nói khác các miền khác, đặc biệt là thường phát âm sai một số phụ âm (tương tự như có người Việt Nam cứ lẫn lộn những phụ âm L và N).

Và Phêrô đã chối Thầy 3 lần. Khi đó có tiếng gà gáy, đúng như lời Đức Giêsu đã nói trước.

Cha Lagrange đã bỏ công nghiên cứu những thời điểm gà gáy ở Giêrusalem. Ngài cho biết là ở Giêrusalem vào đầu tháng 4, khi gà gáy tức là khoảng 2 giờ 30 hoặc 3 giờ đêm.

Ngày nay tại địa điểm ấy, có một ngôi nhà thờ được đặt tên là “Thánh Phêrô gà gáy” (Saint Pierre en Galicante). Có lẽ đây là ngôi nhà thờ độc nhất trên thế giới được xây dựng để tưởng nhớ đến một tội lỗi ! Thực ra nếu chỉ là tội lỗi thì không có gì đáng tưởng nhớ. Sở dĩ tội lỗi đó được tưởng nhớ là vì nó đã được lòng nhân từ của Chúa hoán cải.

Thánh Luca viết : “Chúa quay lại nhìn ông. Ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông ‘Hôm nay gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy 3 lần’. Và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,62)

  1. Trước Thượng Hội Đồng Do thái giáo

Theo các Tin Mừng nhất lãm thì phiên xử trước Thượng Hội Đồng diễn ra vào sáng sớm hôm sau. Nhưng theo Tin Mừng Gioan thì phiên xử này diễn ra ngay trong đêm Đức Giêsu bị bắt.

Tên của cơ quan này theo tiếng hipri là Sanhédérin : “San” có nghĩa là trật tự, “hédérin” có nghĩa là kẻ hành xử. Vậy “Sanhédérin” là cơ quan lo bảo đảm việc tuân giữ luật để giữ gìn trật tự an ninh.

Thượng Hội Đồng được lập vào thời bị Hy lạp đô hộ. Cơ cấu được gợi ý từ hội đồng tư vấn của Môsê thời xuất hành (Ds 11,16) nên cũng gồm 71 thành viên (70 kỳ mục cộng thêm Môsê). 71 vị này được chọn từ 3 thành phần là Tư tế, Luật sĩ và Kỳ mục. Nhưng số lượng các thành phần không nhất thiết bằng nhau. Các điều kiện để được chọn vào Thượng Hội Đồng là : (1) Phải là dòng dõi Israel tinh tuyền, (2) Phải là cha gia đình, (3) Có tướng mạo tốt (do đó không phải là người khuyết tật hay bị hoạn), (4) Không làm những nghề ô uế như buôn bán chợ đen, cờ bạc, cho vay nặng lãi v.v.

Đây là cơ quan cao nhất của người do thái nên quyền hạn rất lớn : vừa là thượng nghị viện, hội đồng quản trị nước, vừa là toà án tối cao và viện hàn lâm tôn giáo… Trước thời Rôma đô hộ, chính Thượng Hội Đồng bầu ra nguyên thủ quốc gia, và trong trường hợp không có nguyên thủ thì Thượng Hội Đồng đứng ra cai trị đất nước. Nhưng một ít năm trước khi Đức Giêsu sinh ra thì chính quyền Rôma đã bãi bỏ rất nhiều quyền của họ. Dù vậy họ vẫn còn giữ được quyền xét xử những vụ án vi phạm đến Luật tôn giáo, chẳng hạn như ngoại tình, làm ngôn sứ giả, xúc phạm Danh thánh Chúa v.v.

Để cho phán quyết của Thượng Hội Đồng có giá trị thì (1) phải có mặt ít là 23 thành viên. Vì thế có quy định rằng nếu một thành viên nào vì một lý do nào đó muốn rút khỏi cuộc họp thì phải rảo mắt đếm số các thành viên còn lại, nếu thấy vẫn còn đủ 23 thì mới được đi ra ; (2) Phiên họp phải có 2 vị chủ tọa : một vị được gọi là Nasi và Abh-Beth-Din. Các thành viên khác ngồi chung quanh hai vị này thành một hình bán nguyệt. Ở cuối mỗi cánh của bán nguyệt là một thư ký có nhiệm vụ thu thập những lá phiếu (một vị thu phiếu kết án, một vị thu phiếu tha án) ; vị thư ký thứ ba thì ngồi giữa để kiểm soát, đề phòng trường hợp gian lận.

Rất nhiều quy định được đặt ra cho việc xử một vụ có thể dẫn đến án tử hình : (1) Người tố cáo phải được khuyến cáo như sau : “Ngươi đừng quên rằng ngươi đang mang trên mình máu của người mà ngươi kết án, và của các dòng dõi người ấy cho đến tận thế” ; (2) Phải có ít ra là hai người làm chứng. Những người này cũng được khuyến cáo như vậy ; (3) Nếu tòa tuyên án tử thì những người làm chứng là những người đầu tiên thực hiện việc giết chết tội nhân ; (4) Nếu làm chứng gian thì sẽ bị trừng phạt ; (5) Khi toà tuyên án tử thì bị cáo có quyền biện hộ ; (6) Cho dù tòa đã tuyên án tử thì án này phải được hoãn lại đến hôm sau mới thi hành. Trong đêm đó các thành viên Thượng Hội Đồng phải ăn chay, cầu nguyện và suy nghĩ lại thật kỹ xem có nhất thiết giữ y án ấy không ; (7) Đến lúc thi hành án thì cũng còn có thể thay đổi án phạt. Nhưng chỉ được đổi cho nhẹ hơn thôi.

Tất cả những quy định trên cho thấy là luật pháp rất cẩn thận đối với một án tử hình. Thế nhưng tất cả những quy định trên đã không được tuân thủ trong vụ án Đức Giêsu ! Các Tin Mừng Mt và Mc cho thấy là phiên xử ở Thượng Hội Đồng chỉ diễn ra rất ngắn. Thực ra, phiên xử vội vàng này chỉ nhằm hợp pháp hóa quyết định của cuộc họp đêm trước ở dinh Thượng Tế mà thôi.

Còn một vấn đề nữa : Thượng Hội Đồng có quyền tuyên án tử không ? Sách Talmud, chương viết về Thượng Hội Đồng có ghi : “Bốn mươi năm trước biến cố Giêrusalem bị tàn phá, người ta đã cất khỏi Israel quyền xét xử về sự sống và sự chết”. Một trong những lý do khiến Rôma truất quyền kết án tử hình của Thượng Hội Đồng do thái là vì dân tộc này rất thích tuyên án tử.

Vậy mà Thượng Hội Đồng do thái giáo đã tuyên án xử tử Đức Giêsu.

CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

Phụng vụ hôm nay có 4 nghi lễ chính :

  1. Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể
  2. Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ
  3. Việc hòa giải
  4. Cội nguồn các bí tích
  5. Lập Bí tích Thánh thể
  6. Lịch sử

– Thế kỷ IV, thời Thánh Augustinô ở Bắc Phi, vì Giáo Hội muốn sống từng giờ với Đức Giêsu trong cuộc vượt qua của Ngài nên đã lập ra nghi lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh.

– Vì ý muốn đó cho nên đây là ngày duy nhất buộc cử hành đúng vào giờ bữa ăn tối.

  1. Việc cử hành

Nghi lễ gồm 2 phần : Thánh lễ và canh thức sau Thánh lễ

a/ Trong Thánh lễ, những phần phải chú ý nhất : bài đọc 2, lời truyền phép (anamnèse) và việc hiệp lễ.

– Bài đọc II : 1 Cr 11,23-26

Đoạn này là văn bản cổ nhất tường thuật việc Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể.

Sở dĩ Phaolô nhắc lại nó cho giáo dân Côrintô là vì có sự lệch lạc trong việc họ cử hành bí tích này : bữa ăn agape (trước bữa ăn cena) không còn ý nghĩa chia xẻ và hiệp thông nhưng trở thành dịp để chia rẻ (giàu với nghèo) và tranh dành (lo ăn trước để được phần ngon)

Như thế, Bài đọc II lưu ý chúng ta về tinh thần chia xẻ hiệp thông phải có mỗi khi dự Thánh lễ.

– Phần truyền phép và Rước lễ : phải chú ý là sau lời Truyền phép thì Đức Giêsu hiện diện thật sự trong bánh rượu ; và khi chúng ta rước lễ là rước Đức Giêsu thực sự vào tâm hồn chúng ta.

b/ Ý nghĩa phần Canh thức là kết hợp thân thiết với Đức Giêsu, Đấng đã chết nhưng đã sống lại và đang hiện diện trong Bánh Thánh Thể. Trong thời gian canh thức này, có thể suy niệm các giai đoạn Đức Giêsu ở vườn Cây Dầu, bị bắt, bị xử trong các tòa án rôma và do thái, bị chế nhạo. Nhưng đừng bao giờ quên sự hiện diện của Đức Giêsu, một sự hiện diện thực sự chứ không phải chỉ là tưởng nhớ.

  1. Rửa chân

Lúc ban đầu, việc rửa chân không nhất thiết phải làm trong Thánh Lễ. Do đó ngày nay, nếu thấy làm việc này trong Thánh lễ mà ý nghĩa được nổi bật thì cứ làm. Nhưng cũng không cấm làm lúc khác ngoài Thánh lễ : thí dụ Giám mục hay Linh mục chánh sở tổ chức một bữa cơm cho người nghèo khổ và các ngài đến từng bàn để phục vụ.

Rửa chân có lẽ chỉ có ý nghĩa trong xã hội do thái ngày xưa khi người ta còn đi đường bằng chân trần. Ngày này xã hội khác, văn hóa khác. Ta có thể nghĩ ra những cử chỉ khác có ý nghĩa hơn và hợp với văn hóa xã hội ngày nay. Chỉ cần lưu ý đến ý nghĩa : Đức Giêsu làm gương phục vụ khiêm tốn, chúng ta phải noi theo.

III. Việc hòa giải

Ngày xưa, nghi lễ Tối Thứ Năm tuần thánh kết thúc thời gian Mùa Chay, các hối nhân được hòa giải và tha thứ, được chấp nhận trở lại bàn tiệc Thánh Thể. Từ thế kỷ IV (lúc bắt đầu có nghi thức Thứ Năm Tuần Thánh) cho tới thế kỷ VII. Ý nghĩa hòa giải là ý nghĩa chính của ngày này.

Ngày nay không có lễ nghi nào trong ngày Thứ Năm Thánh nói lên ý nghĩa này. Nhưng mỗi tín hữu phải ý thức rằng ta chỉ có thể tham dự các lễ nghi tưởng niệm mầu nhiệm vượt qua nếu ta đã hòa giải với Chúa qua bí tích hòa giải, và đã tiến bộ trong việc hòa giải với anh chị em.

  1. Cội nguồn các bí tích

Trong ngày hôm nay còn có Thánh lễ Đức Giám Mục đồng tế với các Linh mục trong giáo phận. Trong Thánh lễ này, ĐGM làm phép dầu. Việc đồng tế của Linh mục đoàn nhắc lại việc Đức Giêsu lập Bí Tích truyền chức thánh.

– Ý nghĩa việc làm phép dầu :

                a/ Làm phép dầu trong Tam nhật Thánh : Mọi bí tích đều bắt nguồn từ mầu nhiệm vượt qua.

                b/ Làm phép dầu trong Thánh Lễ : Mọi bí tích đều liên quan tới bí tích Thánh Thể là bí tích tuyệt vời nhất.

                c/ Làm phép dầu do Giám mục có Linh mục đoàn đồng tế : Các bí tích không phải là những việc ban ơn cứu độ cho cá nhân, nhưng phải có tính cách thông hiệp với Giáo Hội.

– Ý nghĩa bí tích Truyền chức thánh : Ngoài lễ làm phép dầu mà các Linh mục trong giáo phận cùng đồng tế với Giám mục, thì Thánh lễ ban tối cũng phải được đồng tế. Do đó luật chỉ cho phép được cử hành một Thánh lễ duy nhất (ngoài lễ Dầu) : tất cả các Linh mục trong giáo xứ, kể cả các Linh mục tuyên uý các nhà dòng hay hội đoàn, và các Linh mục đang hưu cũng đều đồng tế với nhau.

***

 Thứ Sáu Tuần Thánh

Ngày 7 tháng 4 năm 30

  1. Trước Tòa Philatô

Thượng Hội Đồng do thái giáo, dù không có quyền nhưng đã tuyên án xử tử Đức Giêsu. Tuy nhiên để có thể thi hành án này thì họ cần được Rôma chấp thuận. Bởi vậy họ giải Đức Giêsu đến Philatô.

“Vậy người do thái điệu Đức Giêsu từ nhà ông Caipha đến dinh Tổng trấn” (Ga 18,28).

Thực ra ở Giêrusalem không có Dinh của tổng trấn Rôma vì ông không thường xuyên ở đây. Theo các sử gia Philon và Flavius Josèphe cho biết thì Tổng trấn Rôma chỉ đến Giêrusalem vào những dịp có đông người, để giám sát an ninh trật tự. Khi tới Giêrusalem, tổng trấn thường ở tại Pháo đài Antônia nằm ở phía bắc thành Giêrusalem. Thông thường thì ở pháo đài Antônia có khoảng 600 lính. Nhưng khi tình hình căng thẳng thì có thêm quân từ thành phố Xêdarê đến tăng viện. Mà năm 30 thì tình hình căng thẳng theo như một chi tiết ở Lc 13,1 cho biết (Lc 13,1 : một số người Galilê lên Giêrusalem dự lễ đã bị lính của Philatô giết lây trong một cuộc dẹp loạn). Như vậy, từ “dinh tổng trấn” chỉ là nơi tổng trấn đang ở thôi, và trong hoàn cảnh cụ thể của chuyện này thì đó chính là pháo đài Antônia.

Như đã trình bày ở phần trên, Thượng Hội Đồng Do thái giáo không có quyền xử tử. Họ đã lên án tử cho Đức Giêsu vì tội phạm thánh, nhưng để án này được thi hành thì họ cần được tổng trấn Rôma chấp thuận. Vì thế mà họ mới giải Đức Giêsu đến tòa của Philatô. Dù vậy, họ biết rằng Philatô sẽ không chấp nhận án tử chỉ vì những lý do tôn giáo riêng của dân do thái. Bởi đó trước mặt Philatô, Thượng Hội Đồng hoàn toàn không đá động gì tới tội phạm thánh. Thay vào đó là 3 tội danh chính trị : xách động quần chúng, ngăn chặn việc nộp thuế cho Xêda, và tự xưng là vua.

Thái độ của Philatô trong phiên xử này rất là lưỡng lự : (1) Ban đầu ông không tin những lời tố cáo đó nên nói : “Ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy ?” (Ga 18,38). Nhưng để làm vừa lòng người do thái, ông ra lệnh đánh đòn Đức Giêsu. Xong đưa Ngài ra trình diện đám đông với một thân thể rất tội nghiệp, hy vọng rằng họ sẽ thương tình mà đồng ý tha Ngài. Nhưng dân chúng la to : “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giuđê, bắt đầu từ Galilê cho đến đây” (Lc 23,5) ; (2) Philatô đang tìm một lối thoát cho mình, nên vừa nghe tới Galilê ông liền chộp lấy cơ hội : giải Đức Giêsu sang vua Hêrôđê. Ông này cai trị vùng Galilê và hiện đang có mặt ở Giêrusalem để dự lễ. Hêrôđê là một người hiếu kỳ. Từ lâu ông đã muốn gặp mặt con người đặc biệt tên Giêsu ấy. Nhưng Đức Giêsu chẳng làm một phép lạ nào cho ông thưởng thức. Thậm chí Ngài cũng chẳng nói một câu nào. Hêrôđê thất vọng nên lại gởi trả Đức Giêsu về cho Philatô. Thế là quả bóng lại được chuyền về phía Philatô ! Ông này đành tiếp tục cuộc xử ; (3) Đang lúc Philatô bối rối như thế thì bà vợ ông sai người đến nói với ông “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, trong chiêm bao, tôi đã khổ nhiều vì ông ấy” (Mt 27,19). Những lời của bà vợ khiến Philatô càng muốn tha Đức Giêsu. Nhưng để có lý do mà tha thì Philatô đưa một tên gian phi tên Baraba ra để cho họ so sánh với Đức Giêsu, với hy vọng là họ sẽ xin tha Đức Giêsu. Nào ngờ người do thái lại xin tha cho Baraba và đòi giết Đức Giêsu.

Các hoàng đế Rôma (như Maximilen và Dioclétien) đã có chỉ dẫn cho các quan tòa rằng : “Quan tòa không được nghe theo những đòi hỏi vô cớ của quần chúng, bởi vì họ thường muốn tha kẻ có tội và kết án người vô tội”. Philatô cũng biết điều đó chứ. Nhưng tại sao cuối cùng ông giao Đức Giêsu cho người do thái đem đi giết ? Sử gia Philon cho rằng Philatô đang có nhiều điều sai trái mà ông không muốn cho Hoàng đế biết : do cai trị kém cỏi, ông đã để xảy ra nhiều cuộc nổi loạn, kho báu của Đền thờ bị mất cắp, trong thời gian cầm quyền ông đã tham nhũng, ức hiếp người vô tội, điều hành kém, ra nhiều sắc lệnh sai trái v.v. cho nên ông sợ người do thái sẽ cử một phái đoàn đi Rôma tố cáo ông. Vậy để tránh tai họa này, ông đành làm theo đòi hỏi của họ.

Vậy là cuối cùng, Philatô đành giao Đức Giêsu cho người do thái đem đi đóng đinh.

Đến đây, bắt đầu những cuộc hành hạ Đức Giêsu.

  1. Đánh đòn

Cuộc hành hạ khởi sự với màn đánh đòn.

Đối với luật do thái, hình phạt đánh đòn được áp dụng cho một số tội (xem Đnl 25). Nhưng phải theo một số quy định : (1) Phải dùng roi thường ; (2) Không được đánh quá 40 roi. Để bảo đảm không sai luật, người ta thường chỉ đánh 39 roi rồi dừng lại : 13 roi trên ngực, mỗi vai 13 roi ; (3) Đôi khi để tiến hành nhanh hơn, người ta có thể dùng roi da 3 sợi. Khi đó thì chỉ được đánh 13 cái thôi.

Theo luật Rôma thì tàn nhẫn hơn : (1) Không quy định số lần đánh, mà để tùy ý của vị xét xử hoặc của người hành xử ; (2) Có hai loại roi : flagella là roi da. Nếu đánh mạnh thì có thể làm gãy xương vai hoặc xương sống ; còn đánh nhẹ thì có thể làm tróc da. Horace đã gọi hình thức đánh đòn này là “horribile flagellum” (trận đòn khủng khiếp) ; flagra là những sợi dây xích mà ở cuối có gắn thêm những mãnh kim loại hoặc xương cừu. Từ hy lạp trong Tin Mừng Mc chỉ loại roi thứ hai, còn trong Mt là loại thứ nhất. Sự thực không biết thế nào. (3) Nạn nhân bị trói vào một cái cột để khó né tránh những ngọn roi, còn áo quần thì phải cởi ra để cho các lằn roi chạm mạnh hơn vào da thịt. Tóm lại hình phạt đánh đòn theo luật Rôma rất là tàn nhẫn. Sách Công vụ Tông đồ kể rằng khi Phaolô sắp bị đánh đòn, ngài đã sử dụng quyền công dân Rôma để thoát khỏi hình phạt tàn nhẫn này. (4) Ngoài ra, đối với những nạn nhân bị án tử, việc đánh đòn này còn có mục đích làm cho nạn nhân yếu đi để không còn sức chống cự khi bị đóng đinh.

III. Sỉ nhục

Ngoài hình phạt đánh đòn chính thức, quân lính còn có thể nghĩ ra thêm những cách để hành hạ nạn nhân.

Đối với Đức Giêsu, chúng bày trò chế diễu Ngài như một ông vua cỏ : lột áo Ngài ra, thay vào đó là một tấm áo choàng màu đỏ tượng trưng cho cẩm bào, đặt vào tay Ngài một cây sậy tượng trưng cho vương trượng, đội lên đầu Ngài một chiếc mão gai tượng trưng cho vương miện.

ĐHY Carlo Maria Martini đã giải thích tâm lý chiều sâu của đám quân lính hành hạ Đức Giêsu là “frustration et désir de revanche”, “vì bị thất đoạt nên thích trả thù”.

a/ Thất đoạt : họ là những kẻ làm lính để ăn lương nhưng lương thì rất thấp ; họ chỉ là lính quèn nên thường bị các sĩ quan cấp trên chửi mắng, trừng phạt ; họ là lính cho đế quốc nên bị dân chúng do thái khinh ghét…

b/ Những thất đoạt trên cứ chồng chất ngày càng thêm trong lòng, tạo nên một sự dồn nén, hễ có dịp là trút ra bằng những hành động dã man trên người nào vô phúc rơi vào tay họ. Và Đức Giêsu là người vô phúc ấy.

Một số tài liệu lịch sử có thể giúp chúng ta hiểu thêm về hình phạt đánh đòn và trò sỉ nhục mà Đức Giêsu phải chịu :

1/ Có một trò lễ hội dân gian được đặt tên là Sacaea : Người ta bầu chọn một người nào đó lên làm “vua cỏ”. Vị “vua” này được thoải mái trong hai ba ngày, tha hồ muốn làm gì thì làm, kể cả ngủ với các cung phi của nhà vua. Sau 2,3 ngày đó thì ông vua cỏ ấy bị lột hết quần áo, bị đánh đòn và treo cổ chết. Phải chăng đám lính Rôma đã bắt chước tục lệ này để hành hạ Đức Giêsu ?

2/ Những khai quật khảo cổ đã tìm thấy dấu vết của một trò mà lính Rôma thích chơi : ở một góc sân của pháo đài Antônia có hình vẽ những ô chữ nhật tương tự như trò chơi nhảy cò cò của trẻ em thời nay. Mỗi ô có một con số hoặc mẫu tự chỉ thị một việc nào đó mà người chơi phải làm. Người ta dùng một thứ gì đó để thảy vào các ô ấy. Ai thảy vào ô nào thì phải thực hiện điều được viết trong ô đó. Có lẽ quân lính Rôma đã chơi trò này : chúng lần lượt thảy vào các ô, ai thẩy trúng ô nào thì thực hiện lệnh viết trong ô đó lên mình Đức Giêsu (đánh bao nhiêu roi, hành hạ cách nào v.v.)

  1. Đường Thánh Giá

Từ thế kỷ IV, những người hành hương Thánh địa có sáng kiến đi lại con đường Đức Giêsu đã đi trong cuộc chịu nạn, từ pháo đài Antônia đến Núi Sọ, đoạn đường khoảng chừng 400-500 mét. Sau đó, do các cha dòng Phanxicô quảng bá, việc đi đường Thánh Giá được thực hiện ở nhiều nơi khác khắp thế giới : đi ngoài đường, đi trong nhà thờ v.v.

Thông thường thì đường Thánh Giá gồm 14 chặng, nhưng cũng có những cách khác không theo số lượng đó (chẳng hạn 15 chặng). Tuy nhiên sự kiện của mỗi chặng nhiều khi chỉ là suy đoán (thí dụ 3 lần Đức Giêsu ngã xuống, Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ). Dù sao các suy đoán ấy cũng không sai sự thật lịch sử. Ngoài ra chúng còn giúp ích cho lòng đạo đức.

Sau đây, xin đi vào chi tiết một số chặng.

Chặng thứ 2 : Vác thập giá

Có những cuộc xử tử phải tiến hành cách “rầm rộ” để làm bài học răn đe dân chúng. Vì vậy mà phải tổ chức một cuộc diễu hành của tội nhân qua các đường phố dẫn tới pháp trường.

Nếu xử theo luật do thái thì có những chỉ dẫn sau đây của sách Talmud : Tử tội phải được dẫn đi giữa ban ngày để mọi người đều có thể nhìn thấy ; một người dẫn đầu cuộc diễu hành vừa đi vừa hô to tên của tội nhân và tội của hắn, hoặc cầm cao một tấm bảng ghi các chi tiết này ; có hai học giả thần học đi kèm hai bên tội nhân và buộc tội nhân phải thú nhận tội lỗi của mình, đồng thời tuyên bố mình chấp nhận chết để đền tội ; lại có một đại diện của Thượng Hội đồng đi theo để giám sát cuộc thi hành án.

Nếu theo luật Rôma thì cũng tương tự : đi đầu là một viên sĩ quan bách quản, tiếp theo là một toán lính gồm từ tối thiểu là 4 người cho đến 100 người nếu tử tội là một kẻ nguy hiểm. Cũng có một tấm bảng ghi tên và tội danh của người bị xử tử.

Không biết cuộc diễu hành của Đức Giêsu qua các đường phố là theo kiểu Rôma hay do thái. Nhưng quả thực là có cuộc diễu hành đó.

Sử gia Plutarque cho biết là nạn nhân phải tự vác lấy thập giá của mình. Điều này đúng với chi tiết ghi trong Tin Mừng Gioan : “Đức Giêsu vác thập giá của Ngài” (Ga 19,17). Nhiều sử gia khác nhất trí rằng nạn nhân chỉ vác thanh ngang thôi, còn thanh dọc thì đã để sẵn ở pháp trường. Cả bộ thập giá 2 thanh thì nặng chừng 70 kg, riêng thanh ngang thì chỉ chừng 30 kg.

Nếu chỉ vác 30 kg thì một người đàn ông 30 tuổi như Đức Giêsu dư sức. Nhưng đêm trước đó Ngài đã thức trắng vì những cuộc thẩm vấn, bị đánh đòn, mất nhiều máu. Ngoài ra thời tiết tháng 4 ở Giêrusalem rất nóng, nhất là từ 11 trưa giờ về sau. Bởi thế Đức Giêsu vác không nổi (Từ đó người ta suy ra 3 lần Chúa Giêsu bị ngã xuống đất). Vị sĩ quan phụ trách cuộc hành hình lo ngại Đức Giêsu không tới được nơi hành hình nên đã bắt một người vác thay cho Ngài.

Chặng thứ 5 : Ông Simon vác đỡ thập giá Đức Giêsu

Ba quyển Tin Mừng nhất lãm đều ghi nhận chi tiết này (Mt 27,32 ; Mc 15,21 ; Lc 23,26). Đó là một người vừa xong việc đồng áng trở về. Hôm đó chỉ mới là Thứ Sáu, chưa buộc nghỉ việc theo luật Sabát. Tên ông là Simon người gốc xứ Xyrênê.

Thánh truyền cho rằng Simon là một trong số 72 môn đệ Đức Giêsu. Mác cô cho biết thêm tên 2 người con trai của ông là Alexandre và Rufus. Mác cô đã kể tên họ ra có lẽ vì họ là 2 nhân vật tích cực trong Giáo Hội sơ khai. Thánh Phaolô cũng có nhắc tới ông Rufus (Rm 16,3). Bản thân Simon cùng với các con của ông đều đã trở thành những kitô hữu tốt. Đó chính là hiệu quả của việc ông Simon thông phần vào Thập giá Đức Giêsu vậy.

Chặng thứ 8 : Những phụ nữ thành Giêrusalem

Thánh Luca ghi rằng “có đông người đi theo” (Lc 23,27).

Điều này dễ hiểu : những cuộc xử tử thường lôi cuốn những kẻ hiếu kỳ. Vả lại vụ án Đức Giêsu đã bắt đầu từ 5 ngày trước nên dư luận đã biết tới nhiều. Mấy ngày sau, hai môn đệ Emmau đã nói với Đức Giêsu mà khi đó các ông chưa nhận diện : “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay ?” (Lc 24,18).

Đám đông ấy gồm những ai ? Dĩ nhiên là có những kẻ hiếu kỳ, những người chưa từng quen biết Đức Giêsu. Nhưng đương nhiên cũng có những người thân của Ngài, những người từng làm môn đệ Ngài, những người từng chịu ơn Ngài. Điều khiến chúng ta phải suy nghĩ là không một ai lên tiếng bênh vực Ngài. Chúng ta suy nghĩ về chi tiết này bởi vì Luật do thái đã quy định rằng đang lúc cuộc xử tiến hành, chỉ cần có một người nào đó lên tiếng phản đối bản án, thì phải xử lại ngay lập tức. Trong vụ án bà Suzanna, tiếng nói của một đứa bé như Đaniên mà cũng thay đổi được tình hình. Dựa vào khoản luật này, ta có thể tưởng tượng thêm mà không sợ sai là dẫn đầu đoàn diễu hành có một viên chức thỉnh thoảng rao to lên : “Nếu có ai thấy vụ án này bất công, nếu có ai thấy tên Giêsu này vô tội, thì hãy lên tiếng”. Vậy mà không một ai lên tiếng bênh vực Đức Giêsu !

Tại sao ? Chắc là vì sợ, nhất là sợ các Thượng tế. Cũng có lẽ vì không muốn phiền phức lôi thôi : dù sao thì sự việc đã định rồi. Thôi kệ ! Can thiệp chi cho mất công ! Và cũng có lẽ đó là tâm lý thường tình của quần chúng : được làm vua, thua làm giặc ! Ngụ ngôn do thái có câu : “Các ngôn sứ thất bại chỉ còn một ít đệ tử”. Do tâm lý này, chẳng những người ta không bênh vực Đức Giêsu, mà còn hùa theo đám đông để chế nhạo Ngài.

Nhưng có một số phụ nữ không kềm được tình cảm của mình. Họ đứng bên vệ đường khóc thút thít. Đức Giêsu đã dừng lại an ủi họ (Lc 23,28.31). Ngài quên nỗi khổ của bản thân để an ủi những người khác đau khổ.

Chặng thứ 6 : Bà Vêrônica lau mặt Chúa

Thánh truyền kể rằng có một phụ nữ đã can đảm tiến ra lấy khăn lau mặt Đức Giêsu. Và để đáp lại tấm lòng của Bà, Ngài đã in khuôn mặt mình vào tấm khăn ấy. Bà ấy là ai ? Có nhiều giả thuyết : (1) Đó là Maria làng Bêtania ; (2) Đó là người phụ nữ đã được Ngài chữa khỏi bệnh loạn huyết ; (3) Đó là vợ của ông Dakêu, người mà trước đó không lâu đã được Đức Giêsu ban ơn hoán cải ; (4) Đa số thì nói tên bà là Vêrônica. Có người cho rằng Vêrônica là đọc trại tên Bérénice.

Cây Thập giá

Nơi hành hình Đức Giêsu được 4 sách Tin Mừng đều gọi tên là “Sọ” trong tiếng Latin là Calvarius. Đó là một ngọn đồi hình dáng giống chiếc sọ người. Luật ghi trong Đnl 13,11 buộc phải thi hành việc xử tử ở một nơi mà nhiều người có thể nhìn thấy “để cho dân trông thấy mà sợ”. Chính vì thế mà người ta đã chọn địa điểm này, một ngọn đồi hơi cao ở gần cổng thành.

Hình phạt đóng đinh có nguồn gốc từ dân Ba Tư và được đế quốc Rôma xử dụng. Tuy nhiên Rôma chỉ áp dụng hình phạt này cho những tên trộm cướp, phản loạn… thuộc thành phần nô lệ và ngoại kiều. Viên chức nào ra lệnh đóng đinh một công dân Rôma thì sẽ bị kết tội.

Có nhiều loại thập giá : (1) “Crux simplex”, thập giá đơn, chỉ có một thanh dọc ; (2) “Crux summissa” hay “crux commissa” có thêm thanh ngang phía trên, làm thành hình chữ T ; (3) “Crux decussata” hình chữ X ; (4) “Crux capitata” đầu của thanh dọc cao hơn thanh ngang một chút, nên thành hình chữ thập. Thập giá của Đức Giêsu thuộc loại thứ tư này. Nó không cao lắm, chiều cao chỉ bằng 1,5 chiều cao thân thể nạn nhân, vì nếu cao hơn thì khó cho việc hành hình.

Chuẩn bị đóng đinh

Trước khi tiến hành việc đóng đinh, người ta cho nạn nhân uống một thứ thuốc giảm đau. Sách Châm ngôn ghi lại một lời khuyên : “Hãy cho người sắp chết uống rượu mạnh” (Cn 31,6). Đây là một thức uống nhằm làm giảm đau. Theo sách Talmud, ở Giêrusalem có một hội của các phụ nữ giàu có chuyên cung cấp thứ nước này cho các tử tội. Tin Mừng Mc ghi là người ta đã trao cho Đức Giêsu “rượu pha mộc dược” (Mc 15,23) ; còn Tin Mừng Mt thì nói đó là “rượu pha mật đắng” (Mt 27,34). Có lẽ Mt đã lầm chữ hy lạp mora (mộc dược) với memora (mật đắng). Vả lại Mt muốn viết như thế để cho thấy ứng nghiệm Thánh vịnh 59,22 “Chúng đã pha mật đắng vào thức ăn của tôi, và chúng cho tôi uống giấm chua”. Dù sao thì cả Mc và Mt đều ghi nhận rằng Đức Giêsu đã không uống : Ngài muốn chịu cho đến tận cùng những khổ hình thập giá.

Chặng thứ 10 : Lột áo

Sau khi cho nạn nhân uống thuốc giảm đau, người ta lột áo nạn nhân ra. Cả 4 quyển Tin Mừng đều ghi nhận Đức Giêsu bị lột áo (Mt 27,35 ; Mc 15,24 ; Lc 23,34 ; Ga 19,23).

Vấn đề cần tìm hiểu là Đức Giêsu đã bị lột hết quần áo hay còn được chừa lại một chút để che sự lỏa lồ. Một số người nghĩ rằng vì lòng nhân đạo, người ta không lột hết quần áo nạn nhân. Nhưng Thánh Ambrôsiô, Augustinô và Cyprianô nghĩ rằng Đức Giêsu bị lột hết. Sự thật không rõ thế nào. Riêng đối với nữ tội nhân thì người ta chừa lại phần che phía thân trước.

Áo của nạn nhân thuộc quyền sở hữu của đám lính hành hình, như một thứ thù lao. Tin Mừng Ga nói là quân lính “đã chia áo Đức Giêsu ra làm bốn phần, mỗi người một phần” (Ga 19,23).

Nhưng chiếc áo dài của Đức Giêsu không có đường khâu nên chúng không xé ra, mà rút thăm xem ai được (Ga 19,24).

Đây là loại áo mà vị Thượng Tế do thái phải mặc. Bởi đâu mà Đức Giêsu có chiếc áo quý giá này ? Cũng có nhiều giả thuyết : (1) Do Đức Maria dệt đặc biệt cho con mình ; (2) Đó là một món quà của một phụ nữ đạo đức nào đó ; (3) Đó là tấm áo choàng đỏ mà quân lính đã khoác lên Ngài để chế nhạo.

Chúng ta không cần tìm hiểu lai lịch của chiếc áo này. Chỉ cần hiểu ý nghĩa mà Tin Mừng Gioan muốn nhấn mạnh : (1) Đức Giêsu là Thượng Tế ; (2) Chiếc áo không bị xé ra tượng trưng cho Giáo Hội của Ngài không thể bị chia rẻ.

Chặng thứ 11 : Đóng đinh

Trước tiên, cần tìm hiểu vị trí của những chỗ đóng đinh trên thân thể nạn nhân. Ai cũng biết là đóng lên tay và chân. Nhưng cần xác định rõ hơn nữa :

– Về tay : hầu hết các bức họa đều vẽ Đức Giêsu bị đóng đinh giữa lòng bàn tay. Các vị được đặc ân in 5 dấu thánh cũng có vết thương nơi lòng bàn tay. Nhưng những nhà nghiên cứu dựa trên y học thì nói rằng không thể đóng đinh vào giữa lòng bàn tay, vì khi treo xác lên, sức nặng của cơ thể sẽ xé rách bàn tay ra và thân thể nạn nhân sẽ rơi xuống đất. Vì thế họ cho rằng đinh phải được đóng ở chỗ dưới cườm tay. Chỗ này có một cái hốc giữa hai nhánh xương nên sức chịu đựng lớn hơn. Giải thích này hợp lý. Nếu Đức Giêsu bị đóng đinh nơi cườm tay thì sự đau đớn của Ngài khủng khiếp hơn, bởi vì chỗ đó là nơi hội tụ những dây thần kinh.

– Về chân : Có lẽ người ta bắt hai bàn chân của nạn nhân chụm lại và đóng một chiếc đinh duy nhất, phía trên mắt cá.

– Về thứ tự những nhát đinh : Ban đầu người ta bắt nạn nhân nằm lên thanh ngang để đóng hai tay vào đó. Sau đó dùng dây để kéo thân thể lên thanh dọc, rồi đóng tiếp hai chân.

Những đau đớn vì bị đóng đinh thật là khủng khiếp : (1) Đinh chạm vào các dây thần kinh nên gây ra những cơn đau dữ dội ; (2) Chất sắc của đinh nhiễm vào máu gây ra chứng co giật vì phong đòn gánh ; (3) Mất máu nên khát nước ; (4) Máu bị nhiễm trùng nên bộ máy hô hấp phải làm việc tối đa để lọc máu ; (5) Nhưng trong khi đó thì hai tay của nạn nhân bị căng ra nên khó thở. Để thở, nạn nhân phải rướn mình trên hai chân, nhưng như thế là sức nặng toàn thân dồn xuống chân khiến hai chân rất đau. Để bớt đau, nạn nhân lại buông mình treo trên hai tay và tới phiên hai tay phải đau. Cơ thể nạn nhân cứ nhô lên hụp xuống liên tục. (Vì thế, để cho nạn nhân chết nhanh, người ta đập gãy ống chân để không còn có thể rướn lên mà thở nữa).

Lịch sử cho biết thêm rằng trong một trận chiến giữa người do thái với quân Rôma, quân Rôma đã bắt được một thủ lãnh của người do thái tên là Éléazar. Quân Rôma chỉ cần làm bộ như sắp đóng đinh vị thủ lãnh này thì lập tức quân do thái chịu đầu hàng ngay. Đủ biết là hình khổ đóng đinh dã man đến mức nào ! Cũng chính vì hình phạt đóng đinh quá dã man nên kitô hữu thế kỷ đầu không dám dùng ảnh Thánh Giá. Khi Constantinô lên làm Hoàng Đế Rôma thì một trong những việc đầu tiên ông làm là ra lệnh hủy bỏ hình phạt thập giá.

Khi việc đóng đinh hoàn tất thì đã khoảng giữa trưa ngày thứ sáu áp lễ Vượt qua. Đó chính là giờ tín đồ do thái bắt đầu giết chiên vượt qua. Cơn hấp hối của Đức Giêsu hòa nhịp với những tiếng rên la của các con chiên vô tội đang vang lên khắp Giêrusalem.

Chặng thứ 12 : Những giờ phút cuối cùng

Đức Giêsu hấp hối trên thập giá “từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” (Mt 27,45), nghĩa là từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều, tức là kéo dài 3 tiếng đồng hồ. 3 tiếng đồng hồ khủng khiếp ! Hai bên Ngài có hai tên gian ác cùng bị xử chung.

Nên nhớ là đồi Golgotha ở gần cổng thành Giêrusalem, và lúc đó là thời gian sắp bắt đầu lễ Vượt qua, cho nên khách đi ngang qua đó để tiến vào thành rất là đông. Đa số họ không tìm hiểu cặn kẻ vụ án, chỉ thấy ai bị đóng đinh là cho rằng người ấy đã phạm trọng tội. Vì vậy rất nhiều người chỉ chỏ, xì xào, chửi rủa.

Phần Đức Giêsu, từ đầu tới cuối cuộc hành hình, Ngài luôn im lặng. Ngài chỉ nói 3 câu, 3 câu dạt dào yêu thương :

1/ Câu nói thứ nhất của Đức Giêsu : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Người do thái không biết đến việc tha thứ cho kẻ thù. Môn đệ Đức Giêsu thì đã được dạy làm thế. Nhưng tha thứ kẻ thù không phải là lý thuyết. Tha trong hoàn cảnh cụ thể mình đang bị kẻ thù hành hạ khủng khiếp mới đáng phục. Đức Giêsu đã nêu cho chúng ta một tấm gương tha thứ cụ thể đến mức nào !

Chúng ta hãy tìm hiểu một hiện tượng được ghi lại trong Mt 27,45 : “Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất mãi cho đến giờ thứ chín”. Hai quyển Tin Mừng nhất lãm kia cũng ghi nhận như thế (Mc 15,33 ; Lc 23,44).

Hiện tượng này có xảy ra thật không ? Một số nhà nghiên cứu cho là có thể, đó là do nhật thực. Nhưng nhiều giáo phụ, như Origène, Jérome và Gioan Kim Khẩu cho rằng thời gian đó không thể nào xảy ra nhật thực vì khi đó đang vào thời trăng tròn nên mặt trăng không thể nào xuất hiện giữa ban ngày được. Có một giải thích khá hợp lý như sau : đó là một hiện tượng đặc biệt gọi là Khamsin, “hơi thở đen của sa mạc”, tức là ở vùng sa mạc thỉnh thoảng có một luồng gió cuốn theo rất nhiều bụi che đen cả một vùng trời trong một khoảng thời gian, Hiện tượng này không phải hiếm ở vùng Trung Đông, nhất là vào khoảng tháng 4. Phải chăng đó cũng là hiện tượng đã xảy ra bên Ai cập vào thời Môsê ?

Điều quan trọng là ý nghĩa mà các Tin Mừng nhất lãm muốn nói qua cách diễn tả đó. Các ngài đã dựa vào lời tiên tri của Amos (Am 8,9 : “Sẽ xảy ra là trong Ngày Ấy, Ta sẽ cho mặt trời lặn giữa trưa ; và giữa ban ngày Ta làm cho đất tối sầm lại”) để nói rằng đó là dấu chỉ “ngày của Chúa” đã đến.

2/ Câu nói thứ hai của Đức Giêsu : Ngài nói với một trong hai tên gian ác bị đóng đinh bên cạnh “Tôi bảo thật anh : hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng” (Lc 23,43).

Nhiều người đã tìm hiểu tên của hai kẻ gian ác này, và có nhiều giả thuyết : (1) Dismas và Geslas ; (2) Démas và Cystas ; (3) Zoathan và Chammatha ; (4) Titus và Dumachus ; (5) Moab và Zandi… Có giả thuyết nói rằng tên “trộm lành” này chính là đứa trẻ khi xưa đã nhường thức ăn cho trẻ Giêsu khi Ngài tị nạn bên Ai cập. Lại có chuyện kể rằng khi anh tỏ lòng sám hối với Đức Giêsu thì các Thượng tế tức giận nên ra lệnh đập gãy ống chân của anh ! Chúng ta không quan tâm đến các truyền thuyết ấy. Chỉ ghi nhận lòng nhân từ thương xót của Đức Giêsu. Tên trộm lành này chính là người thợ làm vườn nho vào giờ thứ 11.

3/ Câu nói thứ ba của Đức Giêsu là trối thánh Gioan cho Đức Mẹ và trao Đức Mẹ cho thánh Gioan (Ga 19,26-27). Giáo Hội hiểu thánh Gioan là đại diện cho mình.

 “Đã hoàn tất

3 giờ chiều. Tại Đền thờ Giêrusalem bắt đầu các nghi thức đầu tiên của Lễ Vượt qua : 3 tiếng kèn (một ngắn, một dài, một ngắn) thổi lên ; Vị Thượng Tế bắt đầu bước lên các bậc thang Đền thờ, thánh ca hòa với tiếng sáo nổi lên. Đang lúc đó, trên đồi Golgatha Đức Giêsu cũng cất tiếng “Thế là đã hoàn tất. Rồi Ngài gục đầu xuống và trao Thần khí” (Ga 19,30).

Đấy không phải là kết thúc của một sự thất bại, mà là đỉnh cao của một cuộc chiến thắng, một chiến thắng huy hoàng sau bao nhiêu chiến đấu vô cùng gian khổ. Thánh Gioan đã ngụ ý như thế trong cách dùng từ của mình : (1) Không phải đầu Đức Giêsu hết sức không thẳng nổi nên phải gục xuống, mà là Ngài chủ động gục đầu mình xuống ; (2) Không phải đó là lúc hơi thở cuối cùng của Ngài tắt lịm, mà là lúc Ngài trao ban Thần Khí cho nhân loại, Thần khí cứu độ, Thần khí thánh hóa.

Lúc đó lại có một hiện tượng được hai quyển Tin Mừng Mt và Mc ghi nhận : Bức màn trong Đền thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới (Mt 27,51 ; Mc 15,37) Riêng Mt còn thêm các chi tiết “Đất rung, đá vở. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được chổi dậy. Sau khi Chúa chổi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh và hiện ra với nhiều người” (Mt 27,51-53).

Về bức màn, Cha Lagrange cho là cũng chính cơn gió mạnh Khamsin đã nói phía trên làm cho bức màn trong đền thờ bị xé rách.

Nhưng chúng ta nên hiểu ý nghĩa mà những hiện tượng trên ám chỉ : (1) Bức màn đó là màn ngăn cách gian thánh của Đền thờ với các gian khác phía ngoài. Nó bị xé rách nghĩa là cái chết của Đức Giêsu đã xoá bỏ sự ngăn cách giữa Thiên Chúa với loài người, giữa dân do thái và muôn dân ; (2) Đất rung đá vở là những hiện tượng cho biết có Thiên Chúa can thiệp : cái chết của Đức Giêsu nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa ; (3) Các thánh “chổi dậy” là hiệu quả của cái chết cứu chuộc của Đức Giêsu.

Lưỡi đòng

Trời sắp về chiều, toán lính phụ trách hành hình muốn kết thúc công việc để về nhà. Muốn vậy thì phải chắc rằng các tử tội đã chết.

Người ta có nhiều cách làm cho tử tội chết nhanh : (1) Đốt lửa dưới chân thập giá để cho tử tội bị ngộp ; (2) Đánh gãy ống chân tử tội để tử tội không còn có thể rướn mình lên mà thở nữa. Họ đã chọn cách thứ hai. “Quân lính đến đánh dập óng chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Ngài đã chết, họ không đánh dập ống chân Ngài nữa” (Ga 19,32-33). Nghĩa là Đức Giêsu đã chết trước hai người kia. Có lẽ vì Ngài bị hành hạ nhiều hơn.

Tin Mừng Gioan viết tiếp : “Nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Ngài. Tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Đây là cách làm chắc ăn : xem bề ngoài thì chúng thấy Đức Giêsu đã chết. Nhưng cứ đâm thêm một nhát vào tim thì bảo đảm hơn. Nếu dựa vào lời Đức Giêsu phục sinh bảo Tôma “Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20,27) thì ta có thể đoán vết đâm to bằng bàn tay.

Nhưng ý nghĩa của những chi tiết này mới quan trọng : (1) Ống chân Đức Giêsu không bị đập gãy : Tin Mừng Ga muốn nói Đức Giêsu chính là Con Chiên Vượt Qua mà theo luật thì không được có tì vết nào và không một cái xương nào bị gãy (x. Xh 12,46 ; Ds 9,12) ; (2) Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Ngài tượng trưng cho bí tích Rửa tội, bí tích Thánh Thể và sự tử đạo.

Chặng thứ 14 : Táng xác

Đnl 21,23 dạy không được để xác chết còn treo trên cây lúc ban đêm. Hơn nữa những người thân của Đức Giêsu cũng không đành để Ngài ở lâu trên thập giá. Vì thế nên dĩ nhiên là phải hạ xuống.

Tuy nhiên thông thường thì xác các tử tội sau khi được hạ xuống thì phải quẳng vào hố chôn công cộng dành cho tội nhân. Chỉ sau khi thịt tan hết chỉ còn xương thì thân nhân mới lãnh về được. Sở dĩ ông Giuse Arimathia phải đến xin phép Philatô cho lãnh xác Đức Giêsu là vì lý do đó.

Tin Mừng Ga cho biết : “Ông Giuse này là một môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo vì sợ người do thái” (Ga 19,38). Tin Mừng Lc cho biết thêm : ông là “thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng” (Lc 23,50-51). Nghĩa là lúc Đức Giêsu rao giảng thì ông đã mộ mến, nhưng vì sợ nên chỉ làm môn đệ cách kín đáo thôi ; khi Đức Giêsu bị xử, ông không tán thành nhưng cũng còn sợ nên không dám ra mặt bênh vực. Đến khi Ngài chết thì mọi sợ hãi tan biến hết. Cái chết của Đức Giêsu thật là nguồn muôn ơn phúc.

Khi Giuse Arimathia đến xin lãnh xác, Philatô ngạc nhiên cho đòi viên đại đội trưởng đến và hỏi Ngài đã chết lâu chưa. Sau khi viên đại đội trưởng báo cáo sự việc thì Philatô chấp thuận cho Giuse lãnh thi hài (Mc 15,44-45)

Lúc đó thêm một nhân vật xuất hiện. Đó là Nicôđêmô. Cũng như Giuse Arimathia, trước đó Nicôđêmô cũng mộ mến Đức Giêsu nhưng vì sợ nên không dám ra mặt. Hôm nay ông đến “mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương” (Ga 19,39).

100 cân do thái bằng 32 kílô bây giờ. Mộc dược là một sản phẩm đắt tiền, đó là lễ vật mà các đạo sĩ đã dâng cho Đức Giêsu hài đồng. Tội nghiệp cho Nicôđêmô. Có lẽ ông hối hận vì sau cuộc gặp gỡ ban đêm trước kia ông đã không sớm theo làm môn đệ Đức Giêsu. Nay Ngài đã chết ông muốn chuộc lại lỗi lầm bằng một lễ vật rất đắt tiền như thế.

Các môn đệ cùng với hai ông Giuse Arimathia và Nicôđêmô đã liệm xác Đức Giêsu : “lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn theo tục lệ chôn cất của người do thái” (Ga 19,40). Có hai lớp vải liệm : một tấm dài gọi là sindon “khăn liệm” quấn tròn thi hài ; một tấm ngắn và nhỏ gọi là soudarion “khăn che mặt” đặt trên mặt thi hài. Sau đó họ đặt thi hài Đức Giêsu vào ngôi mộ mà Giuse Arimathia đã làm sẵn cho mình nhưng lúc đó chưa chôn cất ai (Mt 27,60). Trước cửa mộ, họ vần một tảng đá lớn chặn lại.

CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

  1. Ý nghĩa chung của ngày này

Việc cử hành vào chiều Thứ Sáu không phải là Thánh lễ mà chỉ là một Nghi lễ tưởng niệm việc Đức Giêsu chịu chết.

Về ý nghĩa, ngày này

– Không phải là ngày để tang Đức Giêsu

– Không nhằm mục đích tâm lý giúp tín hữu tưởng mình đang chịu nạn chịu chết với Đức Giêsu

– Những lễ nghi không nên là một cuộc trình diễn một vỡ bi kịch cảm động để khơi lên những tâm tình sốt mến.

Đây là một mầu nhiệm Đức Tin :

– Chúng ta phải luôn tin rằng Đức Giêsu đã sống lại và đã cứu độ chúng ta. Nhưng để có thể hiểu chúng ta được cứu khỏi một vực thẳm đầy tội lỗi và gian tà như thế nào, chúng ta cùng với Ngài bước xuống vực thẳm đó.

– Nghi lễ Thứ Sáu tuần thánh nhắc lại việc Đức Giêsu xuống vực thẳm ấy, gồm : a/ Tội lỗi của loài người ; b/ những đau khổ của nhân loại về thể xác cũng như tinh thần (bị hất hủi, bị người thân phản bội, bị thất bại, bị xâm phạm thân thể, bị đối xử bất công, bị nhục nhã, nỗi lo âu khủng khiếp như hấp hối, sợ hãi, chết v.v.)

– Nghi lễ hôm nay phải giúp ta ý thức tầm mức nghiêm trọng của sự dữ và sự tội ; đồng thời ý thức giá trị tuyệt vời của việc Chúa cứu chuộc chúng ta.

  1. Bầu khí

Để tôn kính việc Đức Giêsu chịu chết, bầu khí của nghi lễ hôm nay rất đặc biệt :

– Thinh lặng : bắt đầu Nghi lễ không có hát. Kết thúc nghi lễ cũng vậy.

– Trần trụi : Từ cuối nghi lễ tối Thứ Năm, bàn thờ đã được lột hết các khăn trải. Trong nghi lễ hôm nay cũng thế (tới lúc rước lễ mới trải khăn phủ bàn thờ và khăn thánh ra. Kết thúc nghi lễ, lại lột hết). Trên bàn thờ hoàn toàn trống trải : không có thánh giá, chân đèn và bông hoa gì cả.

III. Các bài đọc

  1. Bài đọc I (Is 52,13–53,12)

Đây là bài ca thứ IV về Người Tôi Tớ trong sách Isaia, là bài ca cuối cùng trong 4 bài ca, dài nhất (15 câu) và cũng rõ nhất về hình ảnh Người Tôi Tớ của Thiên Chúa.

Vấn đề : Các kitô hữu đầu tiên đã cảm thấy khó hiểu và hoang mang về cuộc chịu nạn chịu chết rất đau đớn và ô nhục của Đức Giêsu. Họ tự hỏi : Con Thiên Chúa vinh quang quyền phép mà tại sao có thể bị khổ sở, nhục nhã và bị giết chết như vậy. Họ đã đọc lại Thánh Kinh và tìm được lời giải thích trong hình ảnh Người Tôi Tớ.

Có 3 ý tưởng chính :

a/ Những đau khổ mà Người Tôi Tớ phải chịu : rất nhiều và rất nặng

– về thể xác : bị hành hạ đến nỗi mang thương tích đầy mình, mặt mày tan nát không còn giống mặt người nữa

– về tinh thần : bị khinh khi, ruồng bỏ đến nỗi không ai muốn nhìn, không ai đếm xỉa tới.

– bị ức hiếp, buộc tội, rồi giết chết, bị chôn giữa những kẻ ác ôn.

b/ Tuy nhiên Người Tôi Tớ ấy chịu khổ như thế không phải vì tội của mình mà vì tội của mọi người : “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm”, “Vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt”

c/ Người Tôi Tớ ấy không chịu khổ như thế mãi nhưng sẽ được cứu thoát và được Thiên Chúa ban thưởng : “Này đây Người Tôi Tớ của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật và được suy tôn đến tột cùng”. Đây là ý tưởng được nhấn mạnh nhất trong 3 ý tưởng vừa kể, cho nên chẳng những nó được nêu lên sau 2 ý tưởng kia mà còn được nói tới đầu tiên khi vừa bắt đầu bài ca.

  1. Bài đọc II (Do thái 4,14-16 ; 5,7-9)

Vấn đề : Các tín hữu gốc do thái đã bỏ Do thái giáo để theo Kitô giáo. Nhưng khi sang Kitô giáo, họ cảm thấy bị mất mát, hụt hẫng, họ nghĩ mình đã bỏ mồi bắt bóng :

– Về lễ nghi : ngày trước khi còn trong do thái giáo, họ được tham dự những lễ nghi long trọng ở Đền thờ Giêrusalem ; bây giờ trong Kitô giáo, những lễ nghi rất đơn giản trong những căn hộ kitô hữu, nhiều khi phải lén lút cử hành.

– Về đời sống : ngày trước họ được hưởng những đặc quyền mà đế quốc Rôma dành cho người do thái (như nghỉ ngày Sabát, miễn quân dịch, không phải thờ các thần Rôma, được công khai tham dự các lễ do thái giáo v.v.) ; bây giờ họ bị cả người do thái lẫn người rôma thù ghét, truy đuổi.

Để an ủi họ, tác giả thư Do thái mời họ hãy ngắm nhìn Đức Giêsu là Thượng Tế siêu phàm hơn hẳn chức Thượng Tế của do thái giáo :

– Thượng Tế do thái giáo dâng lễ đền tội cho dân và cho chính bản thân mình vì mình cũng có tội ; còn Đức Giêsu thì hoàn toàn vô tội. Bởi thế vị Thượng Tế do thái giáo phải dâng lễ đền tội hằng năm, còn Đức Giêsu Thượng Tế dâng lễ đền tội một lần duy nhất là đủ.

– Mặc dù cao sang như thế, nhưng Đức Giêsu Thượng Tế vẫn biết cảm thương những yếu đuối của loài người, chia xẻ cuộc sống yếu hèn của loài người cùng với những cảm giác khổ đau, sợ chết y như loài người.

– Ngài vừa là con người, vừa là Con Thiên Chúa cho nên Ngài đúng là một trung gian tuyệt hảo. Bởi đó chúng ta có thể hoàn toàn chạy đến cùng Ngài và tin tưởng tuyệt đối nơi Ngài.

  1. Bài thương khó theo Thánh Gioan

Raymond E. Brown tóm tắt ý nghĩa bài thương khó của 4 tác giả Tin Mừng như sau :

– Đức Giêsu trong bài thương khó của Mc và Mt là một Đức Giêsu cúi đầu (head bowed)

– Trong Lc là một Đức Giêsu đưa tay ra (hand outstretched)

– Trong Ga là một Vị Vua đang ngư trị (reigning King)

a/ Ngài biết trước mọi điều sắp xảy ra và chủ động đón nhận :

– Khi Giuđa dẫn lính tới bắt, “Đức Giêsu biết mọi việc sắp xảy đến cho mình nên tiến ra hỏi” ; Khi Ngài xưng “Ta đây” thì quân lính lùi ra sau ngã xuống đất à Không phải quân lính bắt Ngài, nhưng Ngài tự nộp mình.

b/ Chính Ngài ra lệnh và thúc đẩy những diễn tiến : Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu bảo Giuđa “Anh muốn làm gì thì làm mau đi” à Ngài thúc đẩy diễn tiến.

c/ Trong những phiên xử, bề ngoài xem ra Ngài bị xử, nhưng thực chất là Ngài đang xét xử người ta : Philatô đứng như bị cáo, còn Đức Giêsu thì ngồi như quan tòa.

d/ Trong những cuộc hành hạ, bề ngoài xem ra Ngài đang là nạn nhân, nhưng thực ra Ngài đang được tôn vinh như một Vị Vua : 3 lần Philatô tuyên bố Đức Giêsu là Vua, quân lính cũng tổ chức (tuy có ý chế nhạo) một màn tôn thờ Ngài là Vua ; bảng tội danh của Ngài ghi rõ bằng 3 thứ tiếng Ngài là Vua.

Ý nghĩa của 3 bài đọc : giúp chúng ta hiểu Đức Giêsu chịu nạn chịu chết không phải vì có tội gì, không phải vì thất thế thua cuộc mà vì Ngài tự ý hiến thân ; và Ngài chịu nạn trong tư thế làm Vua (“Giờ” là lúc chịu chết mà cũng là lúc lên ngôi).

  1. Những lời nguyện cho mọi thành phần

Cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá là lúc Ngài lên ngôi Vua, cho nên “Giờ” ấy phát sinh ơn cứu rỗi cho mọi người thuộc mọi thành phần nhân loại. Chính vì tin tưởng như thế cho nên sau khi đọc 3 bài đọc, Giáo Hội cầu nguyện cho mọi thành phần nhân loại.

Cơ cấu 10 lời cầu như sau :

– 5 lời cầu cho Giáo Hội (Giáo Hội cách chung, ĐGH, giáo sĩ và giáo dân, dự tòng, cho các kitô hữu được hiệp nhất)

– 3 lời cầu cho những người ngoài Giáo Hội (người do thái, tín đồ các đạo khác, những người vô thần)

– 2 lời cầu cho những người sống trong thế giới (các nhà lãnh đạo quốc gia, những người đau khổ)

  1. Tôn thờ Thánh giá

* Lịch sử và ý nghĩa cái chết thập giá

1/ Nguồn gốc xa xưa

– St 40,19 : Giuse giải nghĩa giấc chiêm bao của viên quan chánh ngự thiện là “Còn 3 ngày nữa, Pharaô sẽ nâng đầu ngài lên và treo ngài lên súc gỗ, và chim chóc sẽ ăn thịt mình ngài”.

– 1 Sm 31,8-10 : Trong trận chiến tại Gilboa, quân của vua Saun đánh thua quân Philitinh. Saun và 3 con trai đều chết. Quân Philitinh đã chặt đầu họ. Riêng đối với Saun thì chúng còn lấy thi thể đem đi đóng đinh trên tường thành Bet-Shan.

Hai chi tiết trên trong Cựu Ước cho thấy việc xử tử bằng cách đóng đinh và treo lên cao có nguồn gốc rất xa xưa : từ thời nô lệ Ai cập và thời các Thủ lãnh ; ở Ai cập và ở Canaan.

2/ Chuyển biến :

– Quân Assyria xử tử kẻ thù chiến bại bằng cách dùng một cọc nhọn lớn đâm xuyên thi thể họ rồi dựng lên ; Et 7,9 : Vua Ba Tư xử tử tướng Aman bằng cách treo hắn lên chính cây cột mà hắn định dùng để treo ông Marđôkê à cách xử là đâm bằng cọc lớn và treo thi thể lên ; mục đích là làm nhục kẻ thù đồng thời đe dọa dân chúng.

– Về sau người ta thêm thanh ngang : Alexandre Đại đế của Hy lạp đã đóng đinh 2000 người dân thành Tyr khi thành này bại trận. Alexandre Jannée cũng đóng đinh 800 người pharisêu chống lại ông. Nhưng những cuộc hành hình này bị phản đối, bị coi là quá tàn nhẫn.

– Thời Cộng hòa Rôma, hình xử này chỉ dùng cho những nô lệ nổi loạn và cho quân cướp. Tuy nhiên những công dân Rôma thì không bị xử kiểu này.

– Thời Tân Ước, đây là hình xử dành cho những tội nặng nhất về chính trị như : đào ngũ, gián điệp, tiết lộ bí mật quân sự, nổi loạn…

3/ Ý nghĩa :

– Các dân khác : tội nặng nhất, bị xử cách khủng khiếp để răn chúng.

– Người do thái : Đnl 21,23 : Vì có tội nặng nên bị Thiên Chúa phạt.

– Phaolô : 1 Cr 1,23-24 : Thập giá là điên rồ đối với lương dân, và cớ vấp phạm đối với do thái.

– Từ thời hoàng đế Constantinô trở lại đạo : huỷ bỏ hình phạt này, và Thập giá trở thành Thánh giá đáng kính và là biểu tượng của chiến thắng.

Nghi lễ tôn thờ Thánh Giá

Nghi lễ gồm 2 việc chính :

a/ “Triển lãm” thánh giá : cho mọi người thấy cách công khai, rõ ràng, kèm với lời tuyên bố “Đây là gỗ thánh giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian” – “Chúng ta hãy đến thờ lạy”.

– “Đây là gỗ” : nói lên ý nghĩa đau đớn tàn bạo và hình phạt kẻ tội nặng.

– “Nơi treo Đấng cứu độ trần gian” : nói lên biểu tượng chiến thắng, cứu độ.

b/ Bái thờ

Một lần nữa, ý nghĩa chiến thắng được nhấn mạnh.

  1. Rước lễ

Nghi lễ chiều Thứ Sáu không phải là Thánh Lễ. Nhưng có rước lễ : không rước những bánh lễ được truyền phép trong Thánh lễ hôm nay mà được truyền phép trong Thánh lễ Thứ Năm.

Ý nghĩa :

– Tính thống nhất và duy nhất của Tam nhật Vượt qua

– Rước lễ không phải chỉ là một phần nghi thức phải có của một Thánh Lễ, nhưng là một việc hiệp thông : a/ Hiệp thông với Đức Giêsu đã chịu chết và sống lại vì chúng ta ; b/ Hiệp thông với các tín hữu khác trong cùng một đức tin.

VII. Một số việc đạo đức khác trong ngày này

  1. Ăn chay kiêng thịt

– Ăn chay để chờ đợi Chàng Rể trở lại (Mt 9,15)

– Ăn chay để cho con người cũ chết đi và con người mới sinh ra.

  1. Đi đường Thánh Giá

– “Ai muốn theo (làm môn đệ) Ta thì hãy vác thập giá mình mà theo Ta”

***

Thứ Bảy Tuần Thánh

Ngày 8 tháng 4 năm 30

  1. Lính canh mồ

Tin Mừng Mt viết : “Hôm sau, tức là khi ngày áp lễ đã qua, các Thượng tế và những người pharisêu kéo nhau đến với ông Philatô và nói ‘Thưa Ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói sau ba ngày Ta sẽ chỗi dậy. Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho tới ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắn đến lấy trộm hắn đi rồi phao với dân là hắn đã từ cõi chết chỗi dậy” (Mt 27,62-64).

Thỉnh cầu này khiến Philatô bực mình. Vụ án Giêsu đã làm ông điên đầu mấy ngày nay rồi. Bây giờ Đức Giêsu đã chết. Ông muốn chấm dứt và không liên can tới nữa. Philatô bực bội đáp : “Thì đã có sẵn lính đó. Các ngươi hãy đi và canh giữ theo cách các ngươi biết” (Mt 27,66″. Và Mt kết thúc : “Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ” (Mt 27,66).

Chúng ta hãy để ý là họ hết sức cẩn thận : chẳng những đặt lính canh, mà còn đóng ấn niêm phong tảng đá để chỉ cần ai mó tay vào đó thì bị phát hiện ngay. Thánh Mt đã chú ý ghi các chi tiết này để làm bằng chứng phản bác lời vu khống các môn đệ ăn cắp xác Đức Giêsu.

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Ngày 9 tháng 4 năm 30

  1. “Xuống ngục tổ tông”

Xác Đức Giêsu thì đã nằm yên trong mộ. Còn linh hồn Ngài đi đâu ?

Trong kinh Tin Kính, Giáo Hội tuyên xưng rằng khi đó Ngài “xuống ngục tổ tông”. Niềm tin này dựa vào lời rao giảng của Thánh Phêrô : “Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm” (1Pr 3,19), “Tin Mừng đã được loan báo ngay cho cả những kẻ đã chết” (1Pr 4,6).

Thánh Kinh chỉ nói đơn giản như thế. Phần ngụy thư thì tưởng tượng thêm thành cả một câu chuyện hấp dẫn. Xin tóm lại một đoạn từ quyển Tin Mừng ngụy thư mang tên Tin Mừng theo Nicôđêmô :

Sau ngày Phục sinh, có hai người chết đã trở lại trần gian. Tên hai người ấy là Carinus và Leucius. Họ là con của cụ già Simêon ngày xưa đã từng bế Đức Giêsu trên tay. Những người do thái đã phỏng vấn họ về xem Đức Giêsu đã làm gì khi xuống địa ngục, thì họ đã kể lại rằng : Bỗng dưng có một luồng ánh sáng chói lọi bao phủ họ. Khi đó tất cả mọi người, từ Ađam là cha của nhân loại, cho đến những người vừa mới chết, tất cả đều sống lại. Khi đó các tổ phụ và các ngôn sứ hân hoan tuyên bố rằng những lời tiên tri của họ nay đã được hoàn thành. Lúc đó Gioan Tẩy Giả nói : “Tôi đến đây để loan báo rằng chẳng bao lâu nữa, chính Con Thiên Chúa sẽ đến thăm viếng các người như một vì sao từ cao hiện xuống”. Khi đó Satan và ma quỷ trong Địa ngục kinh hoàng vì người mà chúng tưởng là đã bị chúng tiêu diệt nay vẫn sống. Còn những người công chính thì vui mừng hân hoan. Đang lúc mọi người còn xôn xao hỏi nhau thì bỗng nghe một tiếng “Hãy mở cao lên nữa đi hỡi các cửa ngàn thu, để Đức Vua vinh thắng tiến vào”. Vua Thánh Đavít lớn tiếng nói với lũ quỷ : “Ta đã chẳng nói với các ngươi khi Ta còn sống rằng Đức Chúa sẽ phá tan những cánh cửa bằng đồng bằng sắt hay sao ? Ngài là Chúa các Đạo Binh kia mà…” Đavít còn đang nói thì Đức Giêsu bằng xướng bằng thịt tiến vào địa ngục, làm cho sự tối tăm bấy lâu nay trở thành sáng láng. Địa ngục đành thú nhận sự thua trận của nó : Ngài đã quẳng cái chết ra một bên trong mồ và vẫn còn sống mà đến đây. Này đây, Ngài tự do thoải mái giữa cõi chết và khiến các đạo binh của chúng tôi phải hoang mang. Ngài là ai mà có thể giải thoát những kẻ bị giam cầm vì nguyên tội và phục hồi họ lại tình trạng nguyên thuỷ thế ? Lúc đó Đức Giêsu mới cho biết Ngài là ai, rồi hạ lệnh trói Satan và thuộc hạ nó lại. Sau đó Ngài nói với những người công chính : “Hãy đến đây hỡi tất cả con cái của Ta, là những người được dựng nên theo hình ảnh Ta và giống như Ta”. Rồi tay phải Ngài nắm tay Ađam và bay ra khỏi Địa ngục, tất cả các thánh bay theo sau”

  1. “Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại”

Tất cả 4 quyển Tin Mừng đều không ghi gì về lúc Đức Giêsu sống lại. Như thế là trung thực, bởi vì nếu không biết thì không viết ra. Nhưng một lần nữa, ngụy thư muốn bù đắp chỗ khiếm khuyết ấy. Sau đây là một trích đoạn :

“Hôm sau, vào lúc bắt đầu ngày sabbat, từ Giêrusalem và vùng phụ cận có một đám đông muốn đến xem ngôi mồ đóng kín. Trong đêm trước ngày chúa nhật, đang khi binh lính đổi phiên gác, hai người mới thế hai người cũ, thì có một tiếng lớn vang động trên trời. Và chúng thấy các tầng trời mở ra, và có hai người tỏa ngời ánh sáng từ trời xuống và đến gần ngôi mộ. Tảng đá đặt ở cửa mộ tự lăn ra một bên, và mồ mở ra, và hai thanh niên bước vào. Thấy cảnh ấy, quân lính đánh thức viên đại đội trưởng và những vị trưởng lão đang ở đó để cùng canh gác với chúng. Và khi chúng thuật lại cho họ nghe điều chúng đã thấy thì họ lại thấy ba người đi ra khỏi mồ ; hai trong số đó nâng người thứ ba, và có một cây thập giá đi theo các vị. Và đang khi đầu của hai vị đầu tiên chạm trời thì đầu của vị được các vị ấy dẫn vượt quá các tầng trời. Và người ta nghe một tiếng từ trời phán rằng : “Ngươi đã báo tin cho những người đang ngủ chưa ?” Và từ thập giá người ta nghe tiếng trả lời rằng : “Thưa rồi”. (Ngụy Tin Mừng Phêrô 34-42)

Phần Giáo Hội thì tin và tuyên xưng rằng “Ngày thứ ba Ngài bởi trong kẻ chết sống lại”. Giáo Hội tin như thế không phải vì dựa vào những đoạn ngụy thư, mà dựa vào những lời Đức Giêsu tiên báo trước đó, và những cuộc hiện ra của Ngài sau đó.

Quả thật, việc một chết tự mình sống lại là một điều hy hữu vô tiền khoáng hậu, ít ai tin nổi. Vì thế mà có nhiều người đã đưa ra nhiều lập luận để phủ nhận. Ta có thể phân các lập luận thành hai nhóm : nhóm thứ nhất nói rằng Đức Giêsu thực sự đã không chết vì cuộc đóng đinh (và do đó nên không thể nói là sống lại) ; nhóm thứ hai phản bác chính sự sống lại.

  1. Lập luận Đức Giêsu không chết : Trên thập giá, Đức Giêsu chỉ bị ngất đi. Khi ở trong mộ Ngài tỉnh lại. Sau đó Ngài lẻn ra ngoài và mai danh ẩn tích luôn.

à Khó mà nói rằng Đức Giêsu có thể sống được sau bao nhiêu sự hành hạ : đánh đòn, đóng đinh, bị treo suốt 3 giờ… Chính quân lính cũng đã đi kiểm tra xem Ngài chết chưa. Vì thấy Ngài đã chết nên chúng không đập gãy ống chân Ngài. Tuy vậy, chúng còn cẩn thận đâm một mũi giáo vào tim Ngài nữa. Mũi giáo đâm trúng tim nên mới có nước và máu chảy ra, đặc biệt là nước. Renan còn đưa ra một phản bác ngắn gọn nhưng đầy sức thuyết phục như sau : “Bằng chứng tốt nhất mà sử gia có được về chuyện này chính là sự thù hận xen lẫn nghi kỵ của các kẻ thù Đức Giêsu”. Họ rất thù ghét Ngài, họ đã hết sức cẩn thận làm tất cả những gì có thể làm để bảo đảm rằng Ngài chết thật.

  1. Lập luận rằng các thân nhân của Đức Giêsu đã ăn cắp xác rồi phao tin sống lại.

à Ta nên biết rằng theo luật Rôma, ăn cắp xác chết là một tội trọng. Người ta đã tìm thấy một bản văn khắc trên đá những dòng chữ của Hoàng đế Tibêriô cảnh cáo sẽ phạt tử hình những ai dám lăn tảng đá lấp mộ ra để ăn cắp xác chết. Hơn nữa, tảng đá này rất to và nặng. Ai mà có thể lăn ra được đang khi ở đó còn có lính canh.

  1. Có người nói rằng mọi chuyện đều do đầu óc tưởng tượng của Mađalêna bịa ra.

à Tin Mừng ghi rằng khi nghe Mađalêna nói thì các tông đồ không tin. Sau đó các ông đã tin không phải vì lời Bà nói, mà vì những nguyên nhân khác.

  1. Có người bảo những cuộc hiện ra của Đức Giêsu chỉ là do ám ảnh tập thể (các tông đồ đều mong Đức Giêsu sống lại cho nên đều bị ám ảnh thấy Ngài hiện ra)

à Hiện tượng ám ảnh tập thể là có. Nhưng đặc tính quan trọng của ám ảnh tập thể là mọi người đều thấy và mọi người đều tin. Nhưng theo Tin Mừng thì có nhiều tông đồ rất cứng lòng không tin, chẳng hạn như Tôma.

Chúng ta không cần dừng lâu ở đây. Cùng với Giáo Hội, chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại. Đức Giêsu đã sống lại, đó chính là cốt lõi của niềm tin kitô hữu và là lẽ sống của chúng ta, như lời Thánh Phaolô : “Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14)

CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

Lễ nghi gồm 4 phần :

  1. Phụng vụ ánh sáng
  2. Phụng vụ Lời Chúa
  3. Phụng vụ Phép Rửa
  4. Phụng vụ Tạ ơn
  5. Phụng vụ ánh sáng

Trong dân gian có nhiều lễ hội người ta tụ họp quanh ánh lửa hồng (td những đêm hội vui của các dân tộc ít người, các đêm lửa trại). Đêm canh thức Phục sinh, kitô hữu cũng tụ họp quanh một ánh lửa hồng đặc biệt là Đức Giêsu Kitô.

  1. Ngọn nến phục sinh là biểu tượng của Đức Giêsu Kitô: Ngài là Ánh sáng thật đã đến thế gian (Ga 1,9). Mà ánh sáng là nguồn gốc của tạo dựng (St 1,3 : Thiên Chúa tạo dựng ánh sáng trước tiên). Bởi vậy chủ tế vẽ lên cây nến phục sinh một hình Thánh giá và những chữ số của năm đó, đồng thời đọc : “Đức Kitô vẫn là một ; hôm qua cũng như hôm nay ; là anpha và ômêga ; nghĩa là khởi thuỷ và cùng tận ; Người làm chủ thời gian ; và muôn thế hệ ; vạn tuế Đức Kitô Đấng vinh hiển quyền năng ; vạn vạn tuế Amen”.
  2. Ánh sáng Đức Kitô ấy chiếu lên và lan tỏa dần dần đến khắp cộng đoàn, nhắc chúng ta lời dạy của Ngài : “Chúng con là ánh sáng thế gian. Người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng nhưng đặt trên giá để soi cho cả nhà”.
  3. Tác giả Tin Mừng thứ tư mô tả việc Đức Giêsu xuống thế là Ánh Sáng đến trong đêm tối. Và cũng từ đó bắt đầu một cuộc đấu tranh giữa Ánh Sáng và Bóng Tối. Cuộc đấu tranh lên đến hồi quyết liệt nhất vào ngày Thứ Sáu tuần thánh. Nhưng cuối cùng thì Ánh Sáng đã chiến thắng. Trong nghi lễ đêm nay, ngọn nến phục sinh tượng trưng Đức Giêsu được kiệu đến một cái giá, rồi Chủ tế (hoặc Phó Tế) long trọng xông hương và hát bài Exultet. Phần này được gọi là “Công bố Tin Mừng phục sinh” à Đức Kitô sống lại như ánh sáng bùng lên trong đêm tối. Cuộc hành trình Vượt qua đã đi đến đích.
  4. Phụng vụ Lời Chúa
  5. Ý nghĩa

a/ Đây là bài “ôn giáo lý” lần cuối cho những người dự tòng trước khi họ được chịu phép Rửa (phần III). Đây cũng là dịp cho các tín hữu đã rửa tội ôn lại nữa.

b/ Nội dung : Hành trình Vượt qua của Đức Giêsu đã đi đến đích. Kitô hữu thì đang tiếp tục cuộc hành trình vượt qua của chính mình. Nhưng nếu chỉ đi mà không ý thức thì mình không biết sẽ đi tới đâu. Do đó trong đêm nay Giáo Hội muốn nhắc lại những cột mốc chính trong hành trình lịch sử cứu độ.

c/ Bố cục : Gồm 7 bài đọc Cựu Ước (có thể bỏ bớt còn 3 hoặc 2 bài, nhưng không bao giờ bỏ bài Xuất hành), 1 bài Thánh Thư và một bài Tin Mừng. Những bài đọc này tóm lược những cột mốc chính của lịch sử cứu độ.

  1. St 1,1–2,3 : Tường thuật tạo dựng vũ trụ
  2. St 22,1-18 : Hy lễ của Abraham
  3. Xh 14,15–15,1 : Xuất hành qua Biển
  4. Is 54,5-14 : Thành Giêrusalem mới
  5. Is 55,1-11 : Ơn cứu độ được ban không cho mọi người
  6. Br 3,9-15.31 : Ơn khôn ngoan đích thực
  7. Êd 36,16-28 : Tâm hồn mới và tinh thần mới

——-

  1. Rm 6,3-11 : Phép Rửa liên kết chúng ta nên một với sự Vượt qua của Đức Kitô : “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người”
  2. Bài Tin Mừng (tuỳ năm A hay B C – Mt Mc Lc) nhưng luôn thuật chuyện ngôi mồ trống, dấu chỉ Chúa đã sống lại.

Có thể tóm lịch sử cứu độ qua 3 giai đoạn : Cựu Ước loan báo và chuẩn bị ; Đức Kitô (bài Tin Mừng) thực hiện ; Giáo Hội (phép rửa, cuộc sống kitô hữu) hoàn thành.

III. Phụng vụ Phép Rửa

Phần này gồm :

– Làm phép nước rửa tội

– Ban phép Rửa tội và Thêm sức cho tân tòng

– Lặp lại lời tuyên xứng đức tin khi lãnh nhận phép rửa.

– Rảy nước thánh

Ý nghĩa : Đức Giêsu phục sinh là nguồn sự sống mới (nguồn nước, đền thờ, nước từ đền thờ chảy ra tràn lan). Nguồn sống ấy được ban qua các Bí tích, khởi đầu là Bí tích Rửa Tội (cho nên ban Phép Rửa trong đêm này là đầy đủ ý nghĩa nhất).

  1. Phụng vụ Tạ ơn

Sau phần Phụng vụ Lời Chúa được tổ chức đặc biệt khác thường, đến phần Phụng vụ Thánh Thể (Tạ ơn) diễn tiến bình thường như mọi Thánh Lễ khác.

Tuy nhiên hôm nay Thánh Lễ có một ý nghĩa đặc biệt cần được nhấn mạnh hơn thường : Mình Máu Thánh Đức Giêsu phục sinh chính là lương thực tuyệt vời nuôi dưỡng sự sống mà những người tân tòng và các kitô hữu đã được ban cho trong Phép rửa.

  1. Suy nghĩ về việc Đức Giêsu sống lại

Thánh Phaolô đã viết : “Nếu Đức Kitô không sống lại thì tôi là kẻ ngu dại và thua thiệt nhất”. Đúng vậy, hy sinh tất cả cho một con người đã bị giết chết thì quả là không đáng, là ngu dại và thua thiệt.

Thời nay nhiều tín hữu đã bỏ đạo vì không tin việc Đức Giêsu sống lại.

Nghiên cứu các sách Tin Mừng, chúng ta phải để ý 4 điểm sau đây :

1/ Đức Giêsu đã chết thật

– Ga 19,34 : quân lính lấy giáo đâm cạnh sườn Đức Giêsu “cho chắc ăn”, và có máu cùng nước từ đó chảy ra (chứng tỏ đã đâm trúng tim).

– Mc 15,44-45 : Khi Giuse Arimathia đến xin lãnh xác Đức Giêsu, Philatô hỏi lại viên sĩ quan phụ trách hành hình, và ông này xác nhận Đức Giêsu đã chết thật.

2/ Ngôi mồ trống

4 quyển Tin Mừng đều rất coi trọng sự kiện ngôi mồ trống. Sáng Chúa nhựt, người ta phác giác ra ngôi mồ trống trơn không còn xác Đức Giêsu trong đó nữa.

– Ga 19,41 : Đây là một ngôi mồ mới, nghĩa là vừa chắc chắn vừa dễ đặt vào chỗ chôn, vừa không có thi hài nào khác trong đó.

– Vậy mà sáng Chúa nhật ấy, ngôi mồ này không còn xác trong đó.

– Kẻ thù đã đặt lính canh gác cẩn thận, thế mà xác Đức Giêsu cũng biến mất.

Sự kiện này đặt ra giả thuyết có người ăn cắp xác. Nhưng ai ăn cắp :

– Kẻ thù : không thể, vì nếu họ ăn cắp thì càng khiến môn đệ Đức Giêsu phao rằng Ngài sống lại.

– Môn đệ : có người canh gác như thế thì sao ăn cắp được.

Đức Giêsu không còn ở trong ngôi mồ trống. Không phải vì Ngài đã trốn ra, cũng không phải do ai ăn cắp mang đi. Vậy thì ngôi mồ trống là dấu chỉ Đức Giêsu đã sống lại.

3/ Những cuộc hiện ra

– 4 quyển Tin Mừng đều thuật rất nhiều cuộc hiện ra của Đức Giêsu. Điểm đáng chúng ta lưu ý là ban đầu những kẻ thấy Ngài hiện ra đều không tin. Chỉ sau đó họ mới tin.

– Hiện ra nhiều lần, với rất nhiều người khác nhau, ở nhiều nơi khác nhau thì không thể là ảo giác.

4/ Những cuộc đời thay đổi

– Các tông đồ là những kẻ rất nhát sợ, rất sợ chết. Nhưng sau biến cố Chúa nhựt phục sinh thì họ rất can đảm : họ sẵn sàng chết để khăng khăng làm chứng rằng Đức Giêsu đã sống lại. Giả như trước đó họ bịa chuyện Đức Giêsu sống lại để lừa gạt những kẻ nhẹ dạ thì việc bịa chuyện ấy phải có lợi cho họ chứ. Rồi khi bị người ta cấm, bị dọa sẽ giết chết nếu cứ tiếp tục nói như thế, hẳn họ sẽ chấm dứt trò lừa bịp của họ để giữ lấy mạng sống. Đàng này họ vẫn khăng khăng quả quyết Ngài đã sống lại cho dù họ bị giết từ người này đến người khác. Như thế chứng tỏ việc Đức Giêsu sống lại là sự thật.

– Xuyên qua bao thế kỷ, biết bao người đã thay đổi hẳn cách sống, đã dám chết vì niềm tin Đức Giêsu đã sống lại.

* Ảnh hưởng quan trọng của việc Đức Giêsu sống lại

– Có Thiên Chúa ; Đức Giêsu là Con Thiên Chúa

– Chúng ta không cần sợ chết nữa vì chúng ta được tạo dựng không phải để chết mà để sống mãi với Thiên Chúa.

– Đức Giêsu Kitô còn đang sống bên cạnh chúng ta hằng ngày (“Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế”)

– Nếu chúng ta cùng sống với Đức Giêsu Kitô phục sinh thì những gian khổ đời này chẳng ăn thua gì cả.

Đại Chủng Viện Thánh Quý Cần Thơ

Tuần Thánh năm 2003

Linh mục Carôlô

 

 

 

 

 

 

Sách tham khảo

  1. P. Benoit và M-E. Boismard, Synopse des quatre évangiles, Éditions du Cerf, 1965.
  2. Daniel Rops, Jésus en son temps, Fayard, 1962
  3. Raymond E. Brown, A crucified Christ in Holy week, The Liturgical Press, Collegeville, Minnesota, 1986.
  4. Hồng y Carlo Maria Martini, Et Dieu se fit vulnérable, Les éditions du Cerf, Paris, 1995.
  5. José Feder và Alain Gorius, Pour la célébration de l’Eucharistie, Mame xuất bản lần thứ 2, 1976.
  6. Jacques Hervieux, The New Testament Apocrypha, Hawthorn Books publishers, New York 1960.