Lên Đồi Với Chúa: Tiếng Nói Một Người Dân

print

Tiếng Nói Một Người Dân

Phêrô Nguyễn Phúc Hoàng Dũng, S.J.

dongten.net

(Bối cảnh: Lc 19, 28 – 23, 56)

Gió thổi nghiêng những dáng người bước vội xuống đồi, mây vần vũ một vùng trời u tối, trên thập giá, một con người đang lặng lẽ hấp hối…

Tôi sống trong một ngôi làng gần thành Giêrusalem. Ngày đó, có một người mà đâu đâu cũng nghe nhắc tới tên, ai ai cũng mộ mến và tìm đến: Giêsu. Ông đã đi ngang qua làng tôi trước khi tiến về Giêrusalem. Người ta đã lấy áo trải xuống đường để ông cưỡi lừa đi qua,  họ tung hô ông là Đấng phải đến nhân danh Chúa. Hôm đó, lần đầu tiên trái tim tôi trỗi lên niềm hy vọng  về một ngày mai tươi sáng cho người dân chúng tôi. Tôi đã theo chân ông vào thành  Giêrusalem.

Trước khi giảng dạy trong Đền Thờ, ông Giêsu đã đuổi hết những con buôn ở đó. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” Tôi nhận thấy trong lời giảng và nơi con người ông toát lên một điều gì đó khiến người dân chúng tôi rất thán phục, tin tưởng và quý mến. Ông rất chân thành và thẳng thắn, ông loan báo cho chúng tôi Tin Mừng. Sự hiện diện của ông đã là một Tin Mừng cho chúng tôi rồi đấy chứ! Thế mà các thượng tế cùng kinh sư và các kỳ mục kéo đến rồi “hoạnh hoẹ” chuyện quyền bính giảng dạy của ông Giêsu, và họ đã phải bẽ mặt ra về. Thật ra người dân chúng tôi chẳng học hành gì nhiều, chuyện thẩm quyền giảng dạy đôi khi không phải là điều to tát với chúng tôi, quan trọng là chúng tôi đã thực sự nhận lãnh được nhiều điều ích lợi  và quý giá nơi những lời giảng của ông Giêsu. Đối lại, bao nhiêu lời của các vị kinh sư kỳ mục kia chỉ làm cho chúng tôi thêm lo lắng hoang mang. Họ lúc nào cũng tìm cách bắt bẻ chúng tôi phải thi hành luật này luật nọ. Trong   khi đó, những lời của ông Giêsu đã đụng chạm đến trái tim chúng tôi, nói với chúng tôi về một Thiên Chúa thương xót và bao dung, một Thiên Chúa luôn yêu thương và mong muốn cứu độ con người. Những điều đó chưa đủ để chứng minh thẩm quyền giảng dạy của ông ấy sao? Theo chân ông Giêsu suốt những  ngày  ông  giảng dạy ở Giêrusalem, tôi nhận thấy ông quả là một  con người đặc biệt, một ‘Đấng phải đến’.

Hôm trước, ông giảng về sự sụp đổ của thành Giêrusalem cũng như những điềm báo trước, rồi người ta sẽ phải khốn khổ như thế nào trong những ngày đó, ông muốn người ta phải tỉnh thức và cầu nguyện. Sau đó, tôi hay tin người ta đã nộp ông cho tổng trấn Philatô và cả vua Hêrôđê nữa để buộc ông tội chết. Nhưng trước  mặt toàn dân, ông Philatô đã tuyên bố không thấy nơi ông Giêsu những tội mà người ta đã tố cáo ông: sách động dân chúng và ngăn cản họ nộp thuế, lại còn tự xưng là Mêsia, là vua nữa5. Nghe thấy vậy, tôi cảm thấy thật an tâm. Ông Giêsu là người công chính và xứng đáng được biện hộ và bảo vệ.

Đột nhiên, khi ông Philatô hỏi chúng tôi muốn thả ai trong hai người – hoặc là… ông Giêsu, hoặc là… tên tội phạm Baraba, nhân dịp đại lễ của chúng tôi – thì nhiều người lại la to lên đòi thả Baraba! Tôi chết lặng trong sự ngỡ ngàng. Tại sao lạ lùng như vậy? Ông Giêsu này đã  làm gì? Đầu tiên có nhiều người la to ủng hộ quyết định ấy, dần dần gần như tất cả mọi người đều hô lên tán đồng: “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!” Tim tôi thắt lại. Chuyện gì đang diễn ra? Chẳng phải ông Giêsu  đã từng giảng dạy trong Đền Thờ cho chúng tôi sao? Chẳng phải ông đã bênh vực người nghèo chúng tôi sao? Chẳng phải người ta đã tung hô ông là Đấng phải đến sao? Chẳng phải Baraba là một tên tội phạm bạo động và giết người sao? Người ta không muốn trả về cho mình một người công chính cho bằng một kẻ phạm pháp  sao?

Tôi nhìn thấy sự hả hê trên gương mặt của những thượng tế và các kinh sư ở đó, còn dân chúng thì lại quá kích động. Gương mặt tên Baraba thì khỏi phải nói: ngạc nhiên và mừng rỡ vô cùng. “Chân lý thuộc về mọi người” là như thế này sao? Một nỗi sợ trào lên trong tôi. Điều gì đúng và điều gì sai? Tôi nhìn về ông Giêsu, ông vẫn im lặng. Sự im lặng đó dìm tôi vào một nỗi hoang mang cao độ. Tại sao ông không nói lời nào để tự biện hộ cho mình? Tại sao ông không chống lại sự bất công đang ập xuống trên ông? Tại sao, tại  sao…?

Trong khung cảnh ấy, thứ âm thanh quá khích của cái xấu như nuốt chửng lấy tiếng nói hiền lành của người công chính. Tôi nghẹn ngào. Ông Giêsu vẫn lặng im. Nơi ông, tôi lại không thấy một sự nao núng cũng như một  sự đồng tình với quyết định kia. Sự thinh lặng của ông cho tôi thấy có một sự thật nào đó mà bấy giờ tôi chưa hiểu được, một sự thật khiến ông Giêsu chấp nhận thực tế không mấy tốt lành, một sự thật giải phóng ông khỏi nỗi sợ hãi, đem lại cho ông sức mạnh. Nơi sự thinh   lặng của ông, tôi nhận ra một sức mạnh lớn lao. Nhưng sự thật đó là gì? Sức mạnh kia là như thế nào? Tôi chưa hiểu được.

Rồi người ta hả hê  bắt ông vác thập giá lên Đồi Sọ.  Có nhiều người phụ nữ trong thành đi theo và không ngừng khóc thương ông Giêsu. Lạ thay, ông không  những không bị hoàn cảnh bóp nghẹt trong bi quan yếm thế hay đau đớn chua xót, ngược lại, ông còn an ủi những kẻ đang tìm cách an ủi ông. Ngay trong tình cảnh ấy mà ông còn đem lại được niềm ủi an cho người khác. Thử hỏi một kẻ bất chính có làm được như vậy chăng? Ông Giêsu, tôi phải làm gì cho ông đây? Và tôi phải làm gì cho chính tôi khi chứng kiến tấm gương của  ông?

Đến Đồi Sọ rồi, người ta đóng đinh ông vào thập giá. Chúng tôi đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời nhạo báng. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”, đó là những lời ông cầu nguyện. Nghịch lý thay, những kẻ hãm hại ông thì không tiếc lời chế giễu ông,  còn ông thì hết lòng cầu nguyện cho họ! Giữa cuộc đời này, có bao người đã buông vào đó những lời nặng nề khó nghe, xấu xa tiêu cực, còn ông, ông ươm vào đời những lời an ủi nâng đỡ, tốt lành bình an. Đời ném ra những bất công, giận dữ, ông trả lại sự chấp nhận, thứ tha. Có những kẻ nhạo báng rằng ông hãy tự cứu lấy mình. Nhưng nơi hành động của ông, tôi thấy họ mới là người cần được cứu giúp. Họ cần được cứu khỏi sự giận dữ, quá khích, khỏi ước muốn làm hại người khác, khỏi những lời lẽ tiêu cực ác tâm của chính họ; trái tim họ cần được giải phóng khỏi sự thao túng của cái ác. Ông Giêsu ơi, xin cũng cầu nguyện cho tôi nữa, và xin cũng nhớ đến tôi như ông đã nhớ đến người trộm đã ăn năn và cầu xin ông. Xin cho tôi cũng được ở trong Nước của ông; dù chưa đến đó, nhưng qua ông, tôi biết đó là một nơi an lành, một nơi mà trái tim tôi được thay đổi để nên bình an và yêu thương nhiều hơn.

Gió thổi nghiêng những dáng người bước vội xuống đồi, mây vần vũ một vùng trời u tối, trên thập giá, một con người đang lặng lẽ hấp hối…

“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay   Cha.

Nói xong, Người tắt thở.”