Phúc Âm Matthêu: Chương 5-7

print

TỔNG THỂ I

NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN

Mt 5-9

 

PHẦN DIỄN TỪ CỦA TỔNG THỂ I chương 5-7. 1

BÀI 9: NHỮNG LỜI CHÚC PHÚC (5,1-12) 2

BÀI 10: MUỐI VÀ ÁNH SÁNG (5,13-16) 4

BÀI 11: CÔNG CHÍNH MỚI HOÀN THÀNH LUẬT CŨ (5,17-48) 5

BÀI 12: TINH THẦN CỦA NHỮNG VIỆC ĐẠO ĐỨC (6,1-8.16-18.(19-23)) 7

BÀI 13: KINH LẠY CHA (6,9-15) 9

BÀI 13bis: TIN TƯỞNG VÀO CHÚA CHA (6,19-7,11) 12

BÀI 14: KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC (7,12) 15

BÀI 15 : PHẦN KẾT CỦA BÀI GIẢNG (7,13-27) 15

 

PHẦN DIỄN TỪ CỦA TỔNG THỂ I chương 5-7

Tổng mạn

1/ Diễn từ này gồm các chương 5-7, thường được gọi là “Bài giảng trên núi”. Thực ra đây không phải là một bài giảng dài của Đức Giêsu, mà là nhiều bài giảng, nhiều lời nói của Ngài được nói ra ở nhiều nơi, nhiều lúc, nhưng ở đây Mt đã gom góp lại thành một diễn từ.

2/ Tầm quan trọng mà Mt gán cho diễn từ này là coi nó như một bản hiến chương của Nước Trời. Trong các chương trước, ta thấy Mt đã giới thiệu cho biết Giêsu là ai và Giêsu đã chuẩn bị cho sứ vụ của mình như thế nào. Xong xuôi rồi, bây giờ bắt đầu từ chương 5 này, Mt cho thấy Đức Giêsu chính thức bước vào hoạt động. Việc đầu tiên của Ngài là công bố Hiến Chương của Nước mà Ngài thành lập.

3/ Bản hiến chương này dài và gồm nhiều chi tiết. Nhưng ý chính là: Đức Giêsu đưa ra Luật mới, Luật Messia. Luật mới này không phải để hủy bỏ hoặc thay thế Luật cũ, Luật Môsê, mà là để kiện toàn nó.

Luật cũ: có thể tóm tắt trong Thập giới, có nhiều điểm còn bất toàn. Ta hãy đọc bản văn Thập giới trong Đnl 5,7-21, phân tích ra sẽ thấy những điểm còn bất toàn.

* Tính cách dân tộc: Luật này được ban cho dan tộc Israel chứ không trực tiếp nhắm đến mọi người.

* Tính “hợp đồng hai chiều”: Xem Đnl 5,2. Do hợp đồng này, Israel giữ 10 điều khoản đó là để được Giavê che chở chúc phúc cho họ. nghĩa là “có qua có lại”.

* Tính cầu lợi và tránh hại: Một vài khoản trong Thập giới có đưa kèm lý do tại sao phải giữ. Những lý do được đưa ra ấy toàn là đe dọa trừng phạt hoặc hứa ban ơn. Đặc biệt những hình phạt và những phần thưởng đều có tính cách đời này. Thí dụ xem các câu Dnl 5,9.11b.16b.

* Tính hình thức: Thật ra Thập giới không (chỉ) đưa ra những hình thức đâu, nhưng người do thái đã tuân giữ nó một cách hình thức, chỉ cốt làm sao giữ cho đầy đủ và chính xác chứ không chú trọng tới cái tinh thần, cái cốt lõi.

        Thêm vào đấy lại còn sang kiến của các luật sĩ: vừa cho them vào nhiều chi tiết rườm rà, vừa tỉ mi “chẻ sợi tóc làm tư” khiến việc giữ luật trở thành quá khó, có thể nói là cả một nghệ thuật mà chỉ những người “nhà nghề” mới giữ nổi, còn quảng đại quần chúng đành thất vọng không theo kịp.

Luật mới: Mt 5,17-20 cho thấy Đức Giêsu không nhằm hủy bỏ luật cũ, dù chỉ là một chấm một phẩy, nhưng muốn kiện toàn nó. Kiện toàn thế nào? Bằng cách dạy môn đệ biết đi xa hơn cái hình thức bề ngoài của những khoản quy định, để đạt tới chính cái tinh thần, cái cốt lõi. Chẳng hạn 5,27-28, luật cũ chỉ kết án hành động ngoại tình, còn luật mới cấm cả ước muốn ngoại tình nữa. Luật mới hướng về một lý tưởng thật cao hầu như không thể đạt tới được là “Phần các con, các con hãy trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (5,48).

BỐ CỤC CỦA BÀI GIẢNG TRÊN NÚI

Theo Claude Tassin, bài giảng dài này có thể chia làm 3 phần:

  1. Lời mở đầu (5,3-16): Trước khi đưa ra các yêu cầu của Nước Trời, Đức Giêsu cho biết tình trạng hạnh phúc của các môn đệ Ngài (các mối phúc: 5,3-12) và sứ mạng của họ (là muối và ánh sáng: 5,13-16).
  2. Thân bài (5,17—7,12): Đức Giêsu đưa ra Luật mới của Nước Trời và so sánh nó với Luật cũ của Môsê.

III Kết (7,13-27): kêu gọi thính giả phải có thái độ tích cực (động từ “làm” xuất hiện đến 9 lần trong 15 câu này).

 

BÀI 9: NHỮNG LỜI CHÚC PHÚC (5,1-12)

  1. 1. Văn thể Macarisme

     Đây là một văn thể thôn dụng trong Thánh Kinh tên là Macarisme. Danh xưng này do chữ Hy Lạp Macarios nghĩa là “người được chúc phúc”. Bộ Thánh Kinh hy bá lai có 45 macarismes, cộ Thánh Kinh hy lạp (LXX) thì có khoảng 60 macarismes. Đây là một số thí dụ: Tv 41,2; Đnl 33,29; Tv 33,29; Tv 1,1  84,13   112,1   119,1-2   128,1; Cn 3,13; Si 14,20  25,7-11.v.v…

  1. Phân tích bản văn

c.1 – “Thấy dân đông”: Chi thiết “dân đông” được ghi nhận ngay ở đầu và cuối Bài giảng trên núi (ở đây và ở 7,28). Điểm này đánh tan giả thuyết cho rằngBài giảng này chỉ nhắm đến nhóm các môn đệ chứ không phải cho quảng đại quần chúng/

     “Lên núi”: ám chỉ đến núi Sinai (so sánh với Lc 6,20-48: cũng ghi lại bài giảng này những lại đặt ở giữa cánh đồng). Ngày xưa Môsê lên núi lãnh Luật thì nay Đức Giêsu lên núi để công bố Luật mới của Nước Trời. Ở đây có hai hình ảnh: Môsê cũ và Môsê mới, Luật cũ và Luật mới.

    – “Ngồi xuống”: đây là tư thế của các Rabbi do thái khi giảng dạy (khác với tư thế đứng dạy của các triết gia hy lạp).

c.3  Mối phúc 1: những người nghèo trong tâm hồn

    – Nên lưu ý rằng Mt không ghi “phúc cho những người nghèo”, mà ghi rõ them “trong tâm hồn” (pauvre en esprit).

    – Chính những chữ “trong tâm hồn” này mới rắc rối. Hiện nay có hai lối giải thích có giá trị nhất:

  1. a) Đó là những người mà lòng không gắn bó với của cải. Nếu hiểu theo nghĩa này, thì người nghèo trong tâm hồn vẫn có thể là người giàu về của cải vật chất, miễn là lòng họ không gắn bó thôi.
  2. b) Cái nghèo mà Mt nói ở đây không chỉ là nghèo của cải, mà là nghèo mọi thứ: không địa vị, không danh vọng, không công nghiệp đạo đức. Đấy chính là hạng anawim trong Thánh Kinh. Họ biết mình chẳng có gì cả nên chẳng dựa vào khả năng mình mà chỉ hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa, do đó họ trở thành người được Thiên Chúa ưu tiên quan tâm.

– Trong hai nghĩa đó Mt theo nghĩa nào? Nghĩa nào cũng có lý hết. Nhưng rõ ràng là Mt không coi trọng cái thứ nghèo chỉ về mặt vật chất mà thôi, vì tự nó không thể là một nguồn ơn phúc được.

  1. 4 Mối phúc 2: “Phúc thay ai ăn ở hiền lành”:

– Hiền lành (doux) nghĩa là vừa nhân từ (mansu-étude) vừ khiêm nhượng (xem Mt 11,29-30: Đức Giêsu tự xưng là “hiền lành” và “khiêm nhượng” trong lòng)

     * “Vì được đất làm phần riêng”: được hưởng Nước Trời

c.5  Mối phúc 3:”Phúc thay ai khóc lóc”

– Kẻ khóc lóc (les affligés): nghĩa đen là “những người để tang”. Nghĩa rộng: những kẻ sầu buồn đến nỗi có thể bật ra thành tiếng khóc và không gì ngoài Chúa có thể an ủi họ được.

– Phần phúc: sẽ được Chúa an ủi

Động từ dùng ở đây là penthed chỉ được Mt dùng hai lần: một lần ở đây và lần kia là 9,15 nói về việc các môn đệ sẽ khóc khi phải xa cách “Tân lang” (Đức Giêsu). Sự so sánh với 9,15 cho ta thấy một nghĩa khác: đây là nỗi buồn sầu của những linh hồn biết mình tội lỗi và do đó pahỉ xa cách Chúa. Như vậy phần phúc Chúa hứa cho họ là họ sẽ được Thiên Chúa “an ủi” bằng cách tha tội cho họ.

c.6  Mối phuc 4: “Phúc thay ai đói khát điều công chính”

– “Công chính” đây không phải là ngược lại với sự bất công, không công bình, áp bức.v.v… Nên nhớ cộng đoàn Mt là một cộng đoàn do thái cho nên ta phải hiểu “công chính” trong Mt theo nghĩa của Cựu Ước: Công chính là biết làm theo ý của Thiên Chúa. Trong bối cảnh của Tin mừng Mt, công chính là làm theo ý Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu.

  1. 7 Mối phúc 5: “Phúc thay ai thương xót”

– Hôsê đã viết “Ta muốn long thương xót chứ không muốn lễ vật” (Hs 6,6)

– Mt đã trích dẫn câu này hai lần, và cả hai lần Mt đều hiểu thương xót nghĩa là thứ tha (9,13   12,7). Trong bảng Kinh Lạy Cha, sau lời xin Cha tha thứ, chỉ có Mt là chú thích them “Vì các con có tha lỗi cho người ta thì Cha các con trên trời mới tha tội các con. Bằng các con không chịu tha cho người khác thì Cha các con cũng không tha tội các con” (6,14-15)

– Có lẽ Mt nhấn mạnh khía cạnh thương xót tha thứ này là vì thấy chướng tai gai mắt trước những người biệt phái buộc người ta giữ rất nhiều khoản luật rất tỉ mỉ và hễ sai một tí là bị trừng phạt, đe dọa.

  1. 8 Mối phúc 6: “Phúc thay ai có lòng trong trắng”

– Người do thái, dưới ảnh hưởng biệt phái, chú trọng nhiều đến chuyện sạch-dơ, nhưng cái dạch dơ này quá thiên về mặt vật chất và lễ nghi (do ăn uống, tắm rửa, tiếp xúc…). Mt nhấn mạnh khía cạnh tâm hồn “trong sạch ở tâm hồn” (Pureté de Coeur), nghĩa là: có lương tâm ngay thẳng, không gian dối, không mập mờ nửa trắng nửa đen, không một dạ hai lòng.

  1. 9 Mối phúc 7: “Phúc thay ai gieo rắc bình an”.

       Dịch sát chữ phải là “phúc cho những người kiến tạo bình an”. Bình an ở đây là hòa thuận (không xung khắc, không thù hận). Lưu ý rằng các mối phúc khác đều nhắm đến một thái độ nội tâm, còn mối phúc này nhắm đến hoạt động bên ngoài mà đối tượng là những mối liên hệ giữa người với người, và mục đích là làm cho người ta hòa thuận với nhau.

c.10  Mối phúc 8 “Phúc thay ai chịu bắt bớ vì điều công chính”

  * Ta cũng phải hiểu chữ “công chính” ở đây theo nghĩa của c.6, nghĩa là “sống theo ý Chúa thể hiện qua Đức Kitô”.

* Như vậy người bị bắt bớ được Chúa chúc phúc không phải là vì người đó phạm tội gì, mà chỉ vì người đó trung thành với Đức Kitô, bị bắt bớ với tư cach Kitô hữu.

c.11  Mối phúc 9: “Bị bắt bớ vì Ta”

       Thực chất đây cũng là mối phúc thứ 8 nhưng được áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của cộng đoàn Mt đang bị những người do thái thù ghét và bắt bớ bởi lẽ họ trung thành với Đức Kitô.

  1. Kết luận

1/ Những mối phúc này làm thành Bộ Luật mới của Nước Trời. Để hoàn chỉnh bộ Luật cũ của Môsê đã hướng về bề ngoài, Bộ Luật Mới này nhấn mạnh vào khía cạnh nội tâm, vì thế phải thêm chữ tinh thần vào chữ nghèo, thêm chữ đói khát vào chữ công chính.v.v…

2/ Bộ Luật Mới này chính là một Tin Mừng, một tin vui mừng sốt dẻo được công bố cho những người cứ tưởng mình đã bị quên lãng, ra rìa. Họ là những người nghèo, những người sầu khổ, những người bị bách hại.v.v… Đức Giêsu mặc khải cho họ biết rằng chính những cái khổ sở thiệt thòi ấy là nguồn hạnh phúc cho họ.

3/ Tất cả các phúc lành được ban đều quy vào việc được hưởng Nước Trời mà Đức Giêsu đã thành lập.

 

BÀI 10: MUỐI VÀ ÁNH SÁNG (5,13-16)

  1. Giải thích từ ngữ

Muối và ánh sang là hai nhu yếu phẩm rất cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày.

Muối: để giữ đồ ăn khỏi hư, làm cho đồ ăn thêm ngon. Muối ướp cái khác chứ không phải cái khác ướp muối.

Ánh sáng: Tân Ước đã gọi Đức Giêsu là ánh sáng thế gian. Ở đây Mt áp dụng cho môn đệ điều được áp dụng cho Đức Giêsu.

Đất: không phải là vật chất (cục đất, miếng đất). Nên lưu ý đến thể văn song đối

            Các con là muối đất.

            Các con là ánh sáng thé gian.

Hình ảnh muối đối với hình ảnh ánh sáng; hình ảnh đất đối với hình ảnh thế gian. Nghĩa là chữ “đất” đây đồng nghĩa với “thế gian”

  1. Ý nghĩa

1/ Liên hệ giữa đoạn này với đoạn các mối phúc: Dụ ngôn muối và ánh sáng nối tiếp bài loan báo các mối phúc: chúng con đã được biết Bộ Luật Mới của Nước Trời rồi. Bây giờ chúng con hãy mang nó ra mà thi hành cũng như mang muối rắc vào thế gian, mang ánh sáng tới cho gian trần.

2/ Việc thi hành này rất cần thiết, nó là bản chất của người môn đệ: môn đệ mà không quảng bá tinh thần của Thầy mình thì không phải là môn đệ nữa. Họ như thứ muối đã mất chất mặn, thứ đèn không còn cháy sáng.

3/ Dụ ngôn này cũng là một lời khuyến khích thực thi những mối phúc: Nếu chúng con thực thi, cụ thể là nếu các con có tinh thần nghèo, nếu các con hiền lành, nếu các con đói khát tìm công chính… thì chúng con sẽ thành muối và ánh sáng quảng bá tinh thần Bộ Luật Mới của Nước Trời.

 

BÀI 11: CÔNG CHÍNH MỚI HOÀN THÀNH LUẬT CŨ (5,17-48)

  1. Liên ý

            Sau khi ban hành Bộ Luật Mới, trong đó có nhiều điểm ngụ ý không giống Luật cũ do Môsê ban hành (xem lại bài 2), dây giờ Đức Giêsu xác định tương quan giữa Luật Mới của Ngài với Luật Cũ như thế nào.

  1. Giải thích từ ngữ và bản văn

1/ Về những ương quan với Luật Mới và Luật Cũ, khởi đầu qua các câu 17-20. Đức Giêsu đưa ra lập trường chung: Luật mới không tiêu hủy những hoàn chỉnh Luật cũ, và Đức Công chính mới phải trổi vượt Đức Công chính cũ.

2/ Sau khi tuyên bố lập trường, Đức Giêsu đưa ra nhiều thí dụ. Về mặt hành văn, ta nên chú ý tới kiểu nói phản đề: “Các con từng nghe bảo người xưa rằng… Còn Ta, Ta bảo các con…”.

  1. a) Thí dụ 1: Về việc giết người (cc 21-26)

                        – Luật cũ chỉ cấm giết người.

                        – Luật mới đòi đi tới thực thi bác ái.

  Xh 20,13 và Đnl 5,17 có ghi ra khoản luật “Ngươi không được giết người”. Đức Giêsu đưa đi xa hơn nữa: không được giận, không được chửi (đò ngu, đồ điên). Dĩ nhiên ta phải nhớ đây là cách nói cường điệu của người phương đông, không nên hiểu sát nghĩa đen, mà phải hiểu tunh thần của nó. Tinh thần mà Đức Giêsu muốn người môn đệ phải theo là tinh thần “Anh em”: hãy đếm xem trong đoạn cc22-24 Mt dùng mấy lần chữ “anh em” (5 lần). Ở đây Mt cho hiểu ngầm hai điều quan trọng:

            (1) Nếu xem mọi người là anh em của nhau thì hiểu ngầm rằng mọi người đều có cùng một

                 Cha.

            (2) Nếu đã xem nhau là anh em thì phải cư xử với nhau không theo Luật mà theo Tình.

            * cc.23-24 đã bị nhiều người hiểu lầm: nhiều người không đến Nhà thờ nữa vì họ cho rằng tại họ còn có chuyện buồn với người khác do đó mà không xứng đáng. Thực ra ta phải phân biệt: khi ta là tác nhân gây chuyện buồn phiền cho người khác thì ta mới không xứng đáng đến Bàn Thờ; còn ngược lại khi ta là nạn nhân bị người khác làm buồn thì ta có gì không xứng đáng đâu.

  1. b) Thí dụ 2: ngoại tình và lòng dục (cc 27-30)

            – Luật cũ chỉ cấm hành động ngoại tình (Xh 20,14; Đnl 5,18)

            – Luật mới ngăn chặn từ gốc cái là nguyên nhân gây ngoại tình, đó là lòng dục.

  Chi tiết “móc mắt” chỉ là một kiểu nói cường điêu theo kiểu phương đông, Ngụ ý phải tránh cả đến những dịp tội, những nguyên nhân có thể gây tội.

  1. c) Thí dụ 3: Ly hôn (cc 31-32)

            Luật cũ cho phép ly hôn một cách dễ dàng (Đnl 24,1-2). Lý do để ly hôn có thể rất đơn giản, thí dụ chỉ vì “nó không được vừa mắt chồng nó nữa, vì chồng gặp thấy nơi nó có điều gì thô bỉ”, miễn là chồng phải viết cho người vợ bị ly dị một tờ giấy ly hôn.

            Luật mới không cho phép ly hôn, chỉ trờ nố Porneia. Chính chữ Porneia này mới là điểm gay go, bởi vì tùy lối giải thích chữ này mà đưa đến những lập trường khác nhau:

  * Giải thích Pornenia ngoại tình dẫn đến lập trường cho pghép vợ chồng ly hôn nếu một trong hai người không còn chung tình nữa. các giáo phái Tin Lành và Chính thống theo lập trường này.

  * Giải thích Porneiakết hợp phi pháp (union illégitime). Lv 18,6-18 kể ra những trường hợp gọi là kết hợp phi pháp (chú ý kiểu nói “lột trần chỗ kín” có nghĩa là giao hợp). Những cuộc kết hợp này tự bản chất đã là bất hợp pháp rồi cho nên đương nhiên hai người đó phải chấm dứt, phải chia ly nhau. GH Công giáo theo giải thich  này. Do đó Công giáo tuyệt đổi không cho phép ly hôn. Còn những kiểu kết hôn phi pháp (sách Lêvi kể ra những kiểu kết hợp giữa những người trong gia đình, bà con gần, bà con xuôi gia) thì GH Công giáo không nhìn nhận là hôn phối cho nên đương nhiên buộc đương sự phải chia ly.

  * Giải thích công giáo hợp lý hơn nếu ta xét chung tới cả văn mạch của Mt 5,17-37. Trong đoạn này Đức Giêsu đưa ra Luật mới dể hoàn chỉnh Luật cũ. Vậy nếu Lâutj cũ cho phép ly hôn mà Luật mới cũng cho phép ly hôn thì đâu có gì là mới, đâu có gì là hoàn chỉnh.

  1. d) Thí dụ 4: Thề (bb33-37)

– Luật cũ chấp nhận thề và khi lấy danh Giavê mà thề thì buộc phải giữ (Ds 30,3). Tuy nhiên không được lấy danh Giavê để thề dối (Lv 19,12) hoặc thề vặt (Xh 20,7).

– Luật mới “Đừng thề chi cả”. Câu này cũng gây khó khan. Một số giáo phụ dựa vào câu này để cấm mọi hình thức thề; vài nhóm Tin Lành cũng không bao giờ chịu thề. Thế nhưng trong GH Công giáo thì vẫn còn thề trong một vài trường hợp quan trọng như hôn phối, trước tòa án.v.v… Chính thánh Phaolô, một người hiểu rõ ý Đức Giêsu, cũng thề (xem Rm 1,9; 2Cor 1,23  11,31; Ga 1,20; Pl 1,8). Thánh Phaolô và GH Công giáo làm như vậy là hiểu được văn mạch của Mt. Trong văn mạch này, điều Đức Giêsu chú trọng không phải là hình thức mà tinh thần. Tinh thần này gồm hai ý:

1/ Trước hết phải hết sức thành thật, có thì nói có, không thì nói không. Chính sự thành thật của mình là đảm bảo cho lời nói chứ không phải lấy lời thề làm đảm bảo, cho nên nếu đã thành thật rồi thì chẳng cần phải thề nữa.

2/ Tuy nhiên trong một vài trường hợp rất quan trọng, muốc cho lời nói của mình có được tính long trọng thì có thể dựa vào Danh Chúa để nói, để thề.

  1. e) Thí dụ 5: Bảo thủ (cc 38,42)

– Luật cũ: cho phép báo thù. Luật Talion (Xh 21,24; Lv 24,20; Đnl 19,21).

– Luật mới: “Đừng chống cự với người gian ác”.

  * Câu này cũng gây khó khan, bởi vì nếu không chống cự thì người ác sẽ càng làm ác thêm. Thái độ chịu đựng của mình chẳng những không giảm sự gian ác mà còn khuyến khích sự ác gia tăng. Có lẽ phải hiểu “chống cự” đây nghĩa là “trả đũa”: đừng trả đũa theo kiểu “mắt đền mắt, răng thế răng”.

* Những câu tiếp theo càng gây khó khăn hơn: ai vả má phải hãy đưa luôn má trái; ai muốn lấy áo trong hãy đưa luôn áo ngoài, ai ép đi một dặm hãy đi hai dặm! Để giải quyết khó khăn này, ta nên để ý hai điểm:

(1) Đây là kiểu nói cường điệu của người phương đông.

(2) Phải chú ý phân biệt trong những tiểu đoạn này gồm hai phần: phần nguyên tắc của luật mới, Mt dùng chữ “các con” đây là luật chung áp dụng cho mọi người, luật chung này luôn luôn là đúng (không được trả đũa, báo thù); tiếp đó là phần đưa thí dụ, phần này Mt dùng chữ Con. Những thí dụ này không nhằm cho mọi người mà chỉ cho cá nhân nào đó trong hoàn cảnh nào đó, thí dụ thì Đức Giêsu đưa ra nhiều (trong tiểu đoạn này có 3 thí dụ), người nào ở trong hoàn cảnh A thì làm theo thí dụ A, người nào hoàn cảnh B thì thí dụ B… chứ không bó buộc anh A phái làm hết các thí dụ ABC… Và đã là thí dụ cá biệt thì không nhất thiết chính xác. Điều quan trọng là giữ đúng nguyên tắc, đúng tinh thần Luật mới. Do đó ta thấy chính Đức Giêsu trong vụ bị xử án, khi có người vả Ngài một cái, Ngài không đưa thêm má bên kia. Ta cũng có thể áp dụng nguyên tắc giải thích này cho các câu 29,30 (móc mắt, chặt tay, Mt đều dùng chữ Con).

  1. f) Thí dụ 6: Yêu thương kẻ thù (cc 43-47)

– Luật cũ: Thực ra Luật cũ chẳng có khoản nào dạy phải ghét kẻ thù. Nhưng cũng chẳng có khoản nào dạy yêu thương kẻ thù. Chỉ có luật dạy yêu thương đồng loại (Lv 19,18). Sớ dĩ Đức Giêsu nói về Luật cũ rằng “Nhưng kẻ thù khôn buộc phải thương” là vì Ngài nhìn vào thực tế Israel không biết yêu thương kẻ thù, và thực tế là không có khoản luật nào dạy yêu thương kẻ thù.

– Luật mới bổ khuyết chỗ thiếu xót ấy: Hãy yêu thương kẻ thù, hãy cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình. Lý do được Ngài đưa ra là gương của Cha trên trời, và Đức công chính mới.

  1. Sau khi nêu tinh thần Luật mới (cc 17-20) và đưa ra 6 thí dụ (cc 21-47), bây giờ Đức Giêsu kết luận bài giảng của mình bằng cách nêu lên một lý tưởng (c 48) “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”. Đây là một lý tưởng thật cao, trên thực tế khó ai có thể đạt được, nếu không muốn nói là không thể nào đạt tới được. Nhưng lý tưởng thì dĩ nhiên phải cao, nó nhắc cho ta luôn nhớ rằng trên con đường hướng tới sự “trọn lành”, không bao giờ được tự mãn cho là đã đủ, trái lại phải luôn vươn lên mãi mãi, để càng ngày càng xứng đáng là Con của Cha trên trời hơn nữa.

 

BÀI 12: TINH THẦN CỦA NHỮNG VIỆC ĐẠO ĐỨC (6,1-8.16-18.(19-23))

            Chúng ta vẫn đang nghe Đức Giêsu công bố Hiến Chương Nước Trời (cả 3 chương 5,6,7). Bản Hiến Chương dài này gồm nhiều đoạn:

            – Đức Giêsu khởi đầu bằng những lời chúc phúc (5,1-12).

            – Khuyến khích thực thi những mối phúc đó (5,13-16).

            – Xác định tương quan giữa Luật mới với Luật cũ (5,17-48).

Bây giờ Đức Giêsu bàn tới những việc đạo đức thông thường xưa nay ai xũng làm, nhưng Ngài chỉ cho một tinh thần mới.

  1. Nhìn chung

1/ Người môn đệ Đức Giêsu cũng làm cùng những việc đạo đức như người do thái, tức là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Nhưng Đức Giêsu dạy họ phải làm với tinh thần mới, nghĩa là không phải để được người ta khen ngợi mà chỉ vì muốn làm vui lòng Cha.

     Đếm thử xem trong đoạn ngắn này có bao nhiêu chữ CHA (7 chữ, đó là chưa kể rất nhiều chữ trong kinh Lạy Cha). Ở đây khi dạy một tinh thần mới (tinh thần hiếu tử) Đức Giêsu mặc khải một chân lý mới, đó là Thiên Chúa là CHA.

2/ Về mặt văn chương của đoạn này, chúng ta cũng đừng quên hai chi tiết quan trọng đã được nhắc ở các bài trước:

– Lối nói cường điệu.

– Cách dung chữ “Chúng con”  và “Con” pha lẫn nhau. Khi nào gặp chữ “chúng con” thì là nguyên tắc chung; còn khi nào gặp chữ “Con” thì là áp dụng cho từng hoàn cảnh cụ thể.

  1. Giải nghĩa bản văn

1/ VIỆC BỐ THÍ (cc 6,1-4)

– Thời Đức Giêsu, bố thí được coi là việc đạo đức tuyệt hảo (xem Si 3,14  3,30   7,10   12,3). Vì ai cũng coi trọng việc bố thí cho nên có người thích được người khác biết mình hay bố thí, vì như thế chứng tỏ mình là người đạo đức.

– “Quân giả hình”: có thể có hai nghĩa

     Nghĩa nhẹ: thái độ bề ngoài không đúng với tâm tình bên trong (xem Mt 15,7  23,25-27).

     Nghĩa nặng: Lòng thì gian ác mà bề ngoài thì đạo đức (xem Mt 7,5   23,13-14.15.23.29  24,51).

   Trong đoạn này chữ giả hình có nghĩa là những người làm việc đạo đức, với thái độ bề ngoià là kính Chúa, nhưng thực sự bề trong là để được người đời khen ngợi.

– “Thưởng công”: người giả hình làm việc đạo đức nhằm được thưởng công, và phần thưởng của họ là được người đời khen ngợi. Đức Giêsu cũng nói tới “Cha thưởng công”, phải chăng Đức Giêsu cũng chung một đường với bọn giả hình là theo nguyên tắc Do ut dex (tôi cho anh để anh cho tôi lại)? Không phải, Đức Giêsu không kể ra phần thưởng là gì, Đức Giêsu lại nhắc đến Cha. Vậy lý do để người môn đệ làm việc đạo đức chỉ là để làm vui long Cha. Nếu có mong phần thưởng thì đó là phần thưởng duy nhất của họ.

2/ VIỆC CẦU NGUYỆN (cc5-8)

     Cầu nguyện chung trong Đến Thờ và Hội đường là bình thường rồi. Ngoài ra vì có qui định phải cầu nguyện vào những giờ nhất định nào đó trong ngày. Cho nên có người tới đúng giờ thì dù đang ở giữa đường cũng đứng lại cầu nguyện. Điều này cũng làm nảy sinh cám dỗ muốn lôi kéo sự chú ý và sự khen ngợi của người khác khi thấy mình cầu nguyện.

3/ VIỆC ĂN CHAY (cc 16-18)

     Ăn chay gồm không ăn uống, không tắm rửa và mặc thứ quần áo đặc biệt. Thời Đức Giêsu, chỉ buộc ăn chay mỗi năm một lần thường niên là Lễ Đền Tội. Ngoài ra thì tùy giới lãnh đạo tôn giáo thấy cần thì kêu gọi ăn chay. Nhưng có nhiều người đã tự ý tăng them số ngày ăn chay.

  1. Kết luận

            Trước Đức Giêsu, các ngôn sứ cũng đã nhấn mạnh về tính bất vụ lợi trong việc lụng sự Thiên Chúa. Đức Giêsu cũng nhấn mạnh như thế, những đưa them lý do mới, tinh thần mới: vì Thiên Chúa là “CHA chúng con”, là “CHA của con”, còn chúng ta là con của Ngài. Chính vì Ngài là CHA cho nên chúng ta chỉ được nghĩ tới Ngài và không quan tâm đến phần thưởng cho những việc đạo đức chúng ta đã làm. Như vậy là Đức Giêsu đã giữ đúng truyền thống Israel, đồng thời đưa nó đi tới mức hoàn thiện.

 

BÀI 13: KINH LẠY CHA (6,9-15)

  1. Văn mạch

     Trong Tân Ước có hai bản kinh Lạy Cha: một là Mt 6,9-13 và hai là Lc 11,2-. Hao tác giả đặt Kinh này trong hai văn mạch khác nhau:

– Lc đặt nó sau lời các môn đệ “Xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ mình” (Lc 11,1). Như thế, kinh Lạy Cha trong Lc là bài kinh Đức Giêsu dạy nhằm đa[s ứng yêu cầu của môn đệ có một bài kinh đặc biệt của nhóm theo Đức Giêsu. Sau kinh Lạy Cha, Lc triển khai chủ đề “Hãy xin thì sẽ được” (cc 3,13).

– Còn Mt thì đặt kinh này trong một đơn vị văn chương từ câu 1 đến câu 18 của chương 6, nhấn mạnh đến tính kín đáo của những việc đạo đức thường làm (cầu nguyện kín đáo, ăn chay kín đáo, bố thí kín đáo).

SO SÁNH KINH LẠY CHA TRONG Lc VÀ TRONG Mt:

1- Trong Mt gồm 7 lời xin: trong Lc chỉ có 4 lời.

2- Những lời xin giống nhau:

            a/ Danh Cha vinh hiển.

            b/ Nước Cha mau đến.

            c/ Lương thực hằng ngày.

            d/ Tha tội chúng con và đừng để chúng con sa cám dỗ.

3- Riêng lời xin tha tội:

            Mt: “Xin Cha tha tội của chúng con, như chúng con cũng đã tha cho những kẻ mắc nợ chúng

                   con”.

            Lc: “Xin Cha tha tội của chúng con, như chính chúng con cũng tha cho những kẻ mắc nợ

                  phạm tội đối với chúng con”.

     Những điểm khác nhau ấy chứn tỏ hai bản kinh này xuất xứ từ 2 loại cộng đoàn khác nhau.

     Tuy nhiên cả hai đều phát sinh trong môi trường phụng vụ: a) Vì lời kinh có vận điệu nhịp nhàng dễ đọc chung; b) Đại từ “chúng con” ở số nhiều, nghĩa là lời kinh chung của tập thể.

  1. Giải thích kinh Lạy Cha trong Mt

* LỜI CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU “LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI”

Lạy Cha: Mt dùng chữ Abba, tức là tiếng thân mật đứa con gọi cha mình. Nên biết rằng vì tiếng gọi này thân thiết gần gũi quá nên người do thái không dám dùng để gọi Thiên Chúa, chỉ có Đức Giêsu dám dùng mà thôi, vì Ngài quả thực rất thân mật với Thiên Chúa. Như thế, khi Ngài dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Abba tức là Ngài chia sẻ cho chúng ta đặc ân làm con Thiên Chúa của Ngài.

Cha chúng con: Thiên Chúa là Cha không phải của riêng tôi mà còn của những người cùng đọc kinh này chung với tôi. Cho nên khi cầu nguyện chung với những người khác, tôi phải coi những người đó là anh chị em của tôi.

Ở trên trời: Chữ “trên trời” không xác định chỗ ở của Thiên Chúa mà muốn nói lên phẩm tính cao cả siêu việt của Ngài. Bởi đó bản dịch TOB không dịch “qui êtes aux cieux”như những bản dịch cũ nữa, mà dịch “céleste”. Một bản mới bằng việt ngữ đã dịch lời cầu nguyện mở đầu này là “Lạy Cha trên trời là Cha chúng con”

1/ LỜI XIN THỨ NHẤT: “CHÚNG CON NGUYỆN DANH CHA CẢ SÁNG”.

Danh: Tên không phải chỉ là một nhãn hiệu, một tiếng để gọi mà còn biểu thị chính người mang tên đó. “Nguyện danh Cha cả sáng” tức là “xin cho Cha được cả sáng”.

Cả sáng: “Sáng” là vinh dự, là được người ta thấy rõ. “Cả sáng” là “rất sáng”, “được biết đến rất rõ”.

            * TOB dịch là “faire reconnaitre”.

            * Bản dịch việt ngữ mới: “Xin làm cho mọi người biết Cha là Thiên Chúa”.

            * Nhiều người chưa hề nghe nói tới Thiên Chúa, hoặc có nghe nói tới những chưa mến mộ Ngài, chưa coi Ngài ra gì cả. Ta cầu xin cho mọi người đều công nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và điều hành vũ trụ như điều hành cuộc sống mỗi người.

2/ LỜI XIN THỨ HAI: “NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN”:

Nước: không phải là lãnh thổ đất đai, vì đất đai không “trị đến” được, mà là triều đại, là vương quyền. Ai công nhận Thiên Chúa là Vua của mình thì thuộc về vương quyền và triều đại của Thiên Chúa.

Trị đến: Với việc nhập thể của Đức Giêsu thì Nươc Thiên Chúa đã đến thế gian này rồi, nhưng chưa đến tâm hồn mọi người vì chưa phải hết mọi người đều công nhận Thiên Chúa là vua của lòng họ.

            * Lời xin thứ hai này là xin cho tất cả mọi người đều công nhận Thiên Chúa là vua của lòng

               họ.

            * Bản dịch TOB: Faire venir ton règne

            * Bản dịch việt ngữ mới: …biết nhìn nhận quyền Cha thống trị…

3/ LỜI XIN THỨ BA: “Ý CHA THỂ HIỆN DƯỚI ĐẤT CŨNG NHƯ TRÊN TRỜI”

Ý Cha: Đức Giêsu luôn làm theo ý Thiên Chúa là Cha Ngài. Dặc biệt trong vướn Cây Dầu, Ngài đã cầu nguyện “Xin đừng theo ý riêng con, mà hãy theo ý Cha”.

Thể hiện: nghĩa là được thực hiện, được thi hành.

Dưới đất cũng như trên trời: trên thiên quốc, các thiên sứ và các thánh luôn làm theo ý Thiên Chúa như thế nào, thì xin cho mọi người ở dưới đất cũng làm theo ý Thiên Chúa như thế.

            * Bản dịch TOB: Fais se réaliser ta volonté sur terre à l’image du ciel.

            * Bản dịch việt ngữ mới: …biết thi hành ý muốn của Cha ở dưới đất cũng như trên trời…

4/ LỜI XIN THỨ TƯ: “XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HÀNG

                                      NGÀY”.

Hôm nay… hằng ngày: Chúng ta sợ thiếu thốn lương thực, nhưng chúng ta cũng không tham lam muốn dư thừa và cũng không đầu cơ tích trữ. Chỉ cần có đủ lương thực cho hôm nay.

            * Bản dịch TOB: Donne-nous aujourd’hui le pain don’t nous avons besoin.

            * Bản dịch mới: Xin Cha cho mọi người ngày hôm nay đầy đủ lương thực cần dùng.

5/ LỜI XIN THỨ NĂM: “VÀ THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ

                                          NỢ CHÚNG CON”.

Nợ và tội: Bản văn Mt nói “nợ”, bản văn Lc nói “tội”. Hai bản bổ túc cho nhau: Tội là một món nợ nhưng còn nặng hơn nợ nữa, bởi vì “nợ” thì người ta có thể cố gắng trả, còn tội thì con người không bao giờ trả nổi, chỉ có thể nài nỉ xin tha mà thôi. Chính vì thế, Mt phân biệt rõ: cái mà ta mắc với Thiên Chúa thì gọi là “tội”, còn cái người ta mắc với ta thì gọi là “nợ”.

như: Bản dịch của nhóm CGKPV dịch là “Vì”. Việc chúng ta tha thứ cho người khác là điều kiện để chúng ta được Thiên Chúa tha cho chúng ta.

Cũng tha: Động từ trong nguyên bản ở thì quá khứ, nên dịch là “đã tha” mới đúng. Ta phải tha cho người khác trước rồi mới đáng được Thiên Chúa tha cho ta.

            * Bản dịch TOB: Pardonne-nous nos torts envers Toi, comme nous-mêmes nous avons

                                        pardonné à ceux qui avaient des torts envers nous.

            * Bản dịch mới: Xin thứ tha tội lỗi chúng con, cũng như chúng con đã tha thứ cho những

                                      người có lỗi với chúng con.

– LỜI XIN THỨ SÁU: “XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ”.

Chớ để: Thiên Chúa không hề cám dỗ ai, mà ma quỷ cám dỗ với sự cho phép của Thiên Chúa.

* Ý nghĩa: Xin Cha đừng cho chúng gặp phải những cám dỗ quá sức chịu đựng của chúng

                 con; và khi gặp cám dỗ, xin cho chúng con đừng chiều theo.

                        *TOB: Et ne nous expose pas à la tentation.

                        * Bản dịch mới: Xin đừng để chúng con phải sa chước cám dỗ.

7/ LỜI XIN THỨ BẢY: “NHƯNG CỨU CHÚNG CON CHO KHỎI SỰ DỮ”.

– Sự dữ: TOB dịch sát nguyên bản là: “Tentateur”, tên cám dỗ, tức là Satan.

            * Ý nghĩa: Xin cho chúng con đừng rơi vào tròng ách của Satan.

            * TOB: mais deliver-nous du Tentateur.

            * Bản dịch mới: Nhưng cứu chúng con thoát khỏi ác thần.

TƯ LIỆU

MỘT BẢN DỊCH MỚI

*Lạy Cha trên trời là Cha chúng con

1/ Xin làm cho mọi người biết Cha là Thiên Chúa.

2/ Biết nhìn nhận quyền Cha thống trị.

3/ Biết thi hành ý muốn của Cha

     Ở dưới đất cũng như trên trời.

4/ Xin Cha cho mọi người ngày hôm nay đây, đủ lương thục cần dùng.

5/ Xin thứ tha tội lỗi chúng con, cũng như chúng con đã tha thứ cho những người có lỗi với chúng con.

6/ Xin đừng để chúng con phải sa chước cám dỗ.

     Nhưng cứu chúng con thoát khỏi ác thần.

 

BÀI 13bis: TIN TƯỞNG VÀO CHÚA CHA (6,19-7,11)

     Theo Claude Tassin, phần cuối của bài giảng trên núi gom góp 5 giáo huấn rải rác của Đức Giêsu. Tuy nhiên Mt gom góp một cách có suy nghĩ: a/ về nội dung, tất cả 5 giáo huấn đều quảng diễn sự tin tưởng vào Chúa Cha; b/ về hình thức, 5 giáo huấn đều khởi sự bằng một động từ ở thể sai khiến:

  1. Đừng tích lũy kho tàng… (6,19-24)
  2. Đừng quá lo lắng… (6,25-34)
  3. Đừng xét đoán… (7,1-5)
  4. Đừng quăng cho chó… (7,6)
  5. Hãy xin… (7,7-11)
  6. Đừng tích lũy kho tàng (6,19-24)

     Giáo huấn này được diễn tả qua hai hình ảnh: kho tàng và chiếc đèn.

9,21 Theo kinh nghiệm thường tình, không có kho tang nào dưới đất mà an toàn bảo đảm tuyệt đối. Nếu không bị trộm cắp thì cũng bị mối mọt tấn công: áo quần làm mồi cho mối mọt. tiền của làm mồi cho quân trộm cắp. Bởi thế người môn đệ đừng lo tích trữ những thứ tài sản ấy ở kho tàng dưới đất. Tốt hơn, hãy lo tích trữ những thứ của cải khác và ở một nơi khác. Những của cải khác là gì? Chính là phần thưởng hứa ban cho những việc bố thì, cầu nguyện và ăn chay đã được nói ở phía trước. Nơi khác là đâu? Là trên trời, nơi không có mối mọt và trộm cắp. Ngoài ra, quan điểm coi của bố thí như là “gởi gắm” cho Thiên Chúa cũng là quan niệm phổ biến nơi dân do thái (Hs 29,11-12). Người môn đệ phải chọn một trong hai kho tàng ấy. Chính sự chọn lựa sẽ cho thấy “lòng” (chốn sâu thẳm nhất) của mình. Nói cách khác “kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó”.

22-23 Muốn chọn thì phải thấy thật rõ. Bởi thế người môn đệ phải để ý sao cho mắt mình thật sáng, vì “mắt là đền của thân thể”. Dĩ nhiên, chữ “mắt” đây không  chỉ một phần của cơ thể mà chỉ cái nhìn, cái đánh giá để chọn lựa. Chính cách đánh giá và lựa chọn sẽ ảnh hưởng tới toàn thể cách sống. Đó là ý nghĩa của câu nói: “Nếu mắt anh sáng thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu thì toàn thân sẽ tối”.

24 Giáo huấn về sự lựa chọn có thể khiến thính giả đặt vấn đề ngược lại: chọn làm chi, bởi vì đã chọn cái này thì phải bỏ cái kia. Sao không lấy cả hai? Đức Giêsu nói không thể làm như thế được vì sẽ rơi vào thế làm tôi hai chủ, rồi sẽ trọng chủ này và khinh chủ kia. Hai chủ rõ nhất là Thiên Chúa và Mammon. Mammon chính là tiền của được tôn thờ đến mức thần thánh hóa. Tương đương với chữ “Thần Tài” trong tiếng việt.

  1. Đừng quá lo lắng (6,25-34)

     Nếu người môn đệ nghe theo lời dạy của Đức Giêsu chỉ lo phụng thờ Thiên Chúa chứ không lo đến tiền của thì tương lai sẽ ra sao? Trong đoạn này Đức Giêsu sẽ giải tỏa thắc mắc ấy.

I/ GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

– Đừng lo: trong 10 câu này, thuật ngữ “đừng lo” được lập đi lập lại tới 6 lần. Luật mới muốn người môn đệ sống như một người con sống trước mặt Cha mình, là một người Cha “biết rõ chúng con cần gì” (câu 6,8 được lập lại nơi 6,32), do đó đứa con chẳng có gì phải lo.

Chim trời và hoa huệ: Nhưng phải chăng Luật mới dạy chúng ta một lối sống thụ động và lười biếng? Đức Giêsu không dạy điều đó. Mặc dù không lo, nhưng là không lo theo kiểu chim trời và hoa huệ. Chúng đâu có thụ động và lười biếng: chim trời cũng bay tới bay lui tìm kiếm thức ăn; hoa huệ cũng cố châm rễ sâu xuống đất để hút lấy nhựa sống. Có điều là Cha trên trời không để mặc chúng vất vả kiếm sống. Ngài hằng lưu tâm chăm sóc để chúng sống và tươi đẹp. Người môn đệ Thiên Chúa cũng phải vậy: vẫn làm lụng, vẫn kiếm sống, những vẫn phải biết mình còn có một người Cha quan tâm chăm sóc mình, do đó đừng quá lo lắng như “kẻ ngoại” là những kẻ không biết mình có Cha, là những kẻ tưởng mình mồ côi.

-c 33 “Trước tiên các con hãy lo tìm Nước Chúa và sự công chính của Ngài”: Cái mà đứa con phải lo trước tiên là lo Nước Trời và sự công chính (nghĩa công chính của Mt: Thực hiện ý muốn của Cha. Đứa con chỉ cần lo bấy nhiêu thôi. Mọi thứ khác để cho Cha lo).

c 34 “Sự khó ngày nào, ngày ấy đủ lo”: Câu này giúp hiểu rõ hơn ý Đức Giêsu: không phải Ngài dạy ta thụ động, lười biếng> Ngài cũng hiểu rằng đời sống cũng có những nỗi lo. Nhưngvì ta còn có Cha quan phòng, nên không quá lo lắng.

II/ KẾT LUẬN

1- Luật mới mới muốn chúng ta quy hướng trọn vẹn cuộc sống của mình về Nước Trời và Sự Công Chính.

2- Nhưng không phải quy hướng với tinh thần nô lệ, mà là tinh thần Cha Con: đứa con lo tìm Nước Trời và sự công chính (nghĩa của Mt), và người Cha lo chăm sóc mọi phương diện của cuộc sống đứa con.

3- Nếu ai giữ Luật mới theo tinh thần như thế thì cuộc sống thật là thoải mái, bình an.

  1. Đừng xét đoán (7,1-5)

     “Nền đạo đức mới có thể làm cho người môn đệ tự mãn và có thái độ “dạy đời” đối với kẻ khác. Đức Giêsu đề cao cảnh giác về chuyện này” (chú thích của bản dịch Nhóm CGKPV)

     Bài học “đừng xét đoán” được triển khai bằng nhiều chi tiết cụ thể:

cc 1-2 – “Anh em đừng xét đoán ai, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy”. Lý do của những lời này là Thiên Chúa là Đấng thẩm phán duy nhất. Chỉ có Ngài, do biết rõ từng người, nên mới có quyền xét đoán người ta mà thôi. Người nào xét đoán kẻ khác tức là lấn quyền của Thiên Chúa và do đó sẽ bị Thiên Chúa xét đoán.

            “Anh em đong đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong lại bằng đấu ấy”: Tùy cách ta xét đoán người khác khắt khe hay rộng lượng mà Thiên Chúa sẽ rộng lượng hay khắt khe với ta. Hình ảnh “đấu” và “đong” khuyến cáo ta phải đo lường hậu quả của việc xét đoán.

cc 3-5 Phải cố gắng thấy khuyết điểm của chính mình hơn là khuyết điểm của người khác. Hơn nữa, khuyết điểm mà ta thấy nơi người khác không nên làm dịp cho ta xét đoán người ta, trái lại ta phải coi đó là dịp để ta kiểm điểm chính mình.

  1. Đừng quăng cho chó (7,6)

“ Của thánh đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng cho heo”. Câu này được viết theo lối văn sóng đôi bổ nghĩa. “Của thánh” và “ngọc trai” bổ túc nghĩa cho nhau, chỉ những thứ quý giá; “chó” và “heo” bổ túc nghĩa cho nhau chỉ những kẻ bất xứng. Vậy ý của câu này là đừng lấy thứ quý giá đem cho kẻ không xứng đáng nhận.

            Nhưng vấn đề là Đức Giêsu ám chỉ điều gì khi nói thế. Có nhiều cách hiểu:

a/ Thứ quý giá đó là Luật mới của Nước Trời; những kẻ không xứng đáng là dân ngoại. Đức Giêsu cấm không được loan Tin Mừng Nước Trời cho dân ngoại. Đây là lập trường của một số Kitô hữu gốc do thái hẹp hòi không muốn cho người ngoại gia nhập GH.

b/ Thứ quý giá đó là Thánh Thể. Không được cho người lương rước lễ. Lập trường này là của sách Didachè.

c/ Đức Giêsu chỉ nhắc lại hai câu ngạn ngữ bình dân. Ngài nhắc lại chúng để kích thích các môn đệ suy nghĩ: những gì họ đã nghe trong Bài giảng trên núi có phải là quý giá không? Vậy họ phải có thái độ nào cho xứng với thứ quý giá đó?

d/ Ta phải lưu ý tới văn mạch: Ngay phía trước Đức Giêsu đã cảnh cáo đừng xét đoán. Như thế lời khuyên này của Ngài là đừng coi người ngoại là đồ chó, đồ heo nữa để rồi không loan Tin Mừng cho họ.

  1. Hãy xin (7,7-11)

     Giáo huấn thứ năm của Đức Giêsu là khuyến khích các môn đệ hãy cầu xin. Cầu xin là một hình thức của cầu nguyện. Ngài dạy ta hãy cầu xin:

– Nền tảng của sự cầu xin là tâm tình Cha Con: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin….”

– Trong tâm tình đơn sơ, đứa con sẽ đơn sơ thành thật xin Cha bất cứ điều gì nó muốn.

– Trong tâm tình tin tưởng, đứa con có thể tin chắc rằng Cha nó sẽ ban cho nó điều nó xin: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho”.

– Nhất là khi nó xin “những sự tốt lành”, đặc biệt là xin Nước Trời (7,13-14)

 

BÀI 14: KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC (7,12)

            Sau khi trình bày các điều khoản chính của Luật mới, Đức Giêsu dung một câu ngắn gọn để làm khuôn vàng thước ngọc cho các môn đệ mình. Ngài coi đây là bang tóm tắt tất cả những giáo huấn về cách đối xử với tha nhân

“Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho người ta. Vì Luật Mosê và lời các ngôn sứ là thế đó”

            Thực ra, trước Đức Giêsu, cũng có những giáo huấn tương tự:

     – Sách Tôbia: “Điều gì con ghét, con chớ làm cho ai” (Tb 4,15)

     – Rabbi Hillel: “Đừng làm cho người khác điều chính mình không thích”

     – Khổng Tử: “Kỷ sở bất dục,  vật thi ư nhân”

            Nhưng những giáo huấn ấy đều tiêu cực (“đừng làm”; “điều con ghét”; “điều chính mình không thích”; “sở bất dục”)

            Điểm độc đáo của giáo huấn Đức Giêsu là tích cực: “hãy làm”, “những gì anh em muốn”

 

BÀI 15 : PHẦN KẾT CỦA BÀI GIẢNG (7,13-27)

            Kết thúc bài giảng Đức Giêsu kêu gọi một thái độ dứt khoát theo hay không theo những giáo huấn của Ngài. Ngài diễn tả ý này qua 4 hình ảnh:

  1. Hai con đường, hai cửa (7,13-14)

     Cựu Ước thường dung những hình ảnh này để khuyến khích sự chọn lựa:

– Đnl 30,15-20: “Ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, Chúa phán, Ngươi hãy chon lấy sự sống ngõ hầu ngươi được sống”.

– Tv 1: “Vì đường kẻ lành. Giavê quen mọi ngã (ý Thiên Chúa che chở bảo vệ), còn đường kẻ dữ sẽ diệt vong”. 

            Con đường rộng và cánh cửa rộng là hình ảnh của cách sống dễ dãi và hưởng thụ; con đường hẹp và cửa hẹp là hình ảnh cách sống khổ chế. Muốn làm môn đệ Đức Giêsu thì phải chọn con đường hẹp và cửa hẹp (chính là con đường mà bài giảng trên núi đã chỉ), tuy nó khổ cực nhưng đã dẫn đến sự sống thật.

  1. Hai cây (7,15-20)

            Trong GH đã từng có những người tự xưng là “ngôn sứ” với bề ngoài tốt lành như chiên nhưng thực chất họ là sói. Vậy các môn đệ hãy sáng suốt nhận định: đừng căn cứ vào bề ngoài mà hãy xét đến việc làm của họ xem có phù hợp với Luật mới Đức Giêsu dạy không, bởi vì xem quả thì biết cây: “Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu”.

  1. Nói và làm (7,21-23)

            Đức Giêsu nhấn mạnh việc phải đem Luật mới ra thi hành: Ai nghe và đem rat hi hành thì mới là người môn đệ thật của Đức Giêsu.

– Không phải cứ luôn miệng thưa “Lạy Chúa” mà là môn đệ thật và do đó được vào Nước Trời, nhưng quan trọng nhất là làm theo ý Cha.

– “Ngày ấy”: Đó là ngày chung thẩm (Mt 24-36), tức là ngày xác định rõ rang ai là môn đệ thật để xứng đáng cho vào Nước Trời.

– “Nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ”: Một số việc kể ra đây là để nói đến một nếp sống hoạt động, hiếu động. Tự bản chất những hoạt động này cũng tốt, nhưng chưa đủ. Cái nguy hiểm của hoạt động là khiến người ta tự mãn, nó còn có thể khiến người ta bỏ quên điều chính yếu là ý Chúa và cách đối xử công bình bác ái với anh em. Ý tưởng này cũng đượ nhấn mạnh trong những bản văn khác của Tân Ước (chẳng hạn xem 1Cor 13).

“Ta chưa biết các ngươi bao giờ”: xem ra đây là một câu nói dối: làm sao mà Đức Giêsu không biết những người đã từng nhân danh Ngài đẻ làm điều này điều nọ. Thực ra đây là một kiểu nói của người do thái, ngụ ý muốn từ chối không nhìn nhận người nói. Ở đây ý của Đức Giêsu là “dù các ngươi có nhân danh Ta mà nói tiên tri, trừ quỷ và làm phép lạ, Ta cũng chẳng đếm xỉa gì tới những hoạt động đó, điều mà Ta muốn thấy là các ngươi thi hành ý Cha.

  1. Hai ngôi nhà (7,24-27)

Dụ ngôn xây nhà: nhiều người tưởng trọng tâm của dụ ngôn này là Cái nhà: cái nhà vững vàng tượng trưng cho người khôn, cái nhà dễ xụp tượng trưng cho người ngu. Thực ra trọng tâm là người xây nhà: Kẻ khôn là người xây nhà trên nền tảng chắc chắn, tức là trên việc thi hành ý Cha; còn người ngu là người xây nhà tren nền tảng mong manh, tức là chỉ bằng miệng lưỡi hay chỉ bằng hoạt động sôi nổi bên ngoài.

“Mưa tuôn, song tràn, gió thổi, xô lần vào nhà”: lúc bình thường trời yên gió lặng thì chẳng thể phân biệt ai là khôn, ai là dại; ai là môn đệ thật, ai là môn đệ giả của Chúa. Chỉ trong lúc gian truân thử thách thì mới thấy rõ.

CÁC CÂU 28-29

“Khi Đức Giêsu dạy hết bấy nhiêu lời ấy”: đây là công thức có tác dụng như một cột mốc đánh dấu kết thúc một diễn từ. Trong tác phẩm Mt, có 5 lần công thức này được xử dụng (ở đây và 11,1; 13,53;19,1; 26,1).

“Người giảng dạy như kẻ có uy quyền”: các Tabbi do thái không dám đem uy tín của bản thân để củng cố lời dạy, vì thế họ luôn luôn viện dẫn uy tín của một Rabbi nổi danh khác. Còn Đức Giêsu thì chẳng cần viện dẫn uy tín của ai khác cả.

Kết luận

       Diễn từ của Đức Giêsu có nội dung rất hay, nó hoàn thiện hơn Luật cũ. Tuy nhiên dù nó hay mấy đi nữa, nếu chỉ nghe suông rồi bỏ qua thì cũng vô ích. Do đó người môn đệ thật là người chẳng những nghe mà còn biết đem ra thi hành nữa.