Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 29 TN Năm A
BỔN PHẬN ĐỐI VỚI
THẾ QUYỀN VÀ THẦN QUYỀN
“Của Xêda trả về Xêda. Của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21)
Sợi chỉ đỏ : Tín hữu có hai bổn phận, một đối với thế quyền và một đối với Thiên Chúa. Thiếu sót một trong hai cũng đều là có lỗi.
– Bài đọc I : Vua Cyrô là người được Thiên Chúa dùng để thực hiện chương trình của Ngài.
– Đáp ca : Thiên Chúa mới là Vua thật trên các bậc vua chúa trần gian.
– Tin Mừng : Trả lời cho những người tìm cách bắt bẻ Ngài về việc nộp thuế cho vua Xêda, Đức Giêsu nhắc họ hãy lo chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa nữa : “Của Xêda hãy trả cho Xêda, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
“Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”, đó là phương châm mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề ra cho mỗi người giáo dân Việt Nam.
Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta chu toàn hai bổn phận đối với Chúa và đới với tổ quốc.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Vì ích kỷ, chúng ta không góp phần xây dựng xã hội và đất nước.
– Vì mải mê lo việc thế gian, chúng ta sao lãng bổn phận đối với Chúa.
– Lẽ ra vì có ánh sáng Tin Mừng hướng dẫn, chúng ta phải là một công dân gương mẫu, nhưng chúng ta chưa được như thế.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Is 45,1.4-6)
Bối cảnh lịch sử : Năm 587, đế quốc Babylon xâm chiếm Giêrusalem, bắt dân do thái đi đày. Gần 50 năm sau, đế quốc Babylon sụp đổ và đế quốc Ba Tư dành ngôi bá chủ. Vua của Ba Tư lúc đó là Cyrô. Vừa mới chiến thắng Babylon xong, năm 538, Cyrô ra sắc chỉ cho dân do thái được hồi hương.
Mặc dù Cyrô là một người ngoại không hề thờ kính Thiên Chúa, nhưng ngôn sứ Isaia lại coi ông là người được Thiên Chúa dùng : chính Thiên Chúa trao quyền cho ông, Thiên Chúa cho ông thống trị các dân, và Thiên Chúa xui lòng ông cho dân Chúa được hồi hương. Tóm lại, Cyrô là dụng cụ Chúa dùng để thực hiện chương trình của Ngài. Vì thế, cuối đoạn trích này, Isaia nhấn mạnh : “Ta là Chúa và chẳng có chúa nào khác”.
2. Đáp ca (Tv 95)
Tv này ca tụng Thiên Chúa với tư cách là Vua và Chúa tể duy nhất đích thực của muôn dân. So với Ngài, các vua chúa trần gian đều là hư ảo.
3. Tin Mừng (Mt 22,15-21)
Bình thường, phái Pharisêu và nhóm Hêrôđê không thuận nhau, bởi một bên (nhóm Hêrôđê) thì chạy theo chính quyền Rôma đang đô hộ xứ Palestine, còn bên kia (phái Pharisêu) thì chống lại quân đô hộ. Nhưng hôm nay hai nhóm này liên minh nhau để chất vấn Đức Giêsu nhằm tìm được cơ hội làm hại Ngài.
Vấn đề họ đem ra chất vấn Đức Giêsu là “Có được phép nộp thuế cho Xêda không ?” Đây là một cái bẫy thâm độc, vì nếu Đức Giêsu trả lời “Có” thì nhóm Pharisêu sẽ kết án Ngài là phản quốc ; còn nếu Ngài nói “không” thì nhóm Hêrôđê sẽ tố cáo Ngài là phản động.
Với câu trả lời “Của Xêda trả cho Xêda, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”, Đức Giêsu chẳng những không mắc bẫy họ, mà còn dạy lại họ một bài học : đừng chỉ mải mê lo chuyện chính trị, mà hãy lo chu toàn một bổn phận khác còn quan trọng hơn nhiều, đó là bổn phận đối với Thiên Chúa.
4. Bài đọc II (Tx 1,1-5b) (Chủ đề phụ)
* Từ Chúa nhựt này, bài đọc II được trích từ thư thứ nhất Thánh Phaolô gửi tín hữu Thêxalônikê. (Xin xem bài giới thiệu tổng quát về thư 1 Thêxalônikê, ngay sau bài này)
Thêxalônikê là một giáo đoàn non trẻ mà Phaolô rất lo lắng cho :
– Non trẻ : Phaolô thành lập giáo đoàn này vào năm 50 trong chuyến truyền giáo thứ hai. Nhiều người đã đón nhận Tin Mừng và lập thành một cộng đoàn sống động với đức tin cậy mến sốt sắng.
– Lo lắng : Nhưng Phaolô chỉ được ở với họ trong một thời gian ngắn (Cv 17,2 nói Phaolô ở với họ “3 ngày”. Có lẽ “3 ngày” này không theo nghĩa đen, chỉ có ý muốn nói là trong một thời gian rất ngắn). Sau đó do những người do thái mưu hại, Phaolô phải trốn khỏi đó. Tuy Phaolô đã đi xa, nhưng rất lo lắng cho giáo đoàn non trẻ này trước những đòn tấn công của kẻ thù. Vì thế Phaolô gửi thư về khuyến khích họ.
Phần đầu của lá thư này là những lời chào hỏi và khuyến khích. Đặc biệt Phaolô khen ngợi đức tin, cậy và mến của họ : “Chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi”.
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Bổn phận công dân
“Có được phép nộp thuế cho Xêda không ?” Có nhiều từ trong câu hỏi này cần được giải thích thêm cho rõ :
– Thuế : không phải chỉ có ý nói tới việc đóng thuế, mà còn bao gồm tất cả những gì thuộc bổn phận công dân như : yêu nước, góp phần xây dựng đất nước, tuân thủ luật pháp, tùng phục chính quyền…
– Xêda : đối với hoàn cảnh lịch sử riêng thời Đức Giêsu thì Xêda chỉ chính quyền đang đô hộ đất nước do thái. Còn đối với hoàn cảnh chung của mọi thời thì chữ Xêda này nên được hiểu theo nghĩa rộng, chỉ chinh quyền cách chung.
– Có được phép không : Động từ “được phép” ở thể thụ động, gián tiếp muốn hỏi Thiên Chúa có cho phép không.
Như thế ý nghĩa của câu hỏi này là : Theo ý Thiên Chúa thì người tín hữu có bổn phận gì đối với đất nước và chính quyền không ?
Câu trả lời của Đức Giêsu “Của Xêda hãy trả cho Xêda” là nền tảng giáo lý về bổn phận công dân : người tín hữu của Chúa cũng là công dân của một đất nước, cho nên phải chu toàn mọi bổn phận công dân một cách đầy đủ và gương mẫu.
Không phải vì là thần dân của Vua Giêsu và là công dân của Nước Trời mà người tín hữu không còn bổn phận gì đối với đất nước và chính quyền trần gian, bởi vì Nước Trời mà Vua Giêsu thành lập “không thuộc thế gian này” cho nên cũng không chống lại nước và chính quyền trần gian.
Chính Đức Giêsu đã làm gương chu toàn bổn phận công dân : cha mẹ Ngài đã vâng lệnh hoàng đế để về quê quán khai tên (Lc 2,3-5) ; Đức Giêsu bảo Phêrô đóng thuế cho ông và cho Ngài (Mt 17,24-27).
2. Lợi riêng và ích chung
Người Việt nam nói chung và người tín hữu Việt nam nói riêng có một thiếu sót rất lớn, đó là không tích cực đóng góp cho lợi ích chung.
Những thể hiện : trốn thuế, gian lận để giảm thuế, ăn cắp của chung, không quan tâm giữ gìn tài sản chung của xã hội, ngại đóng góp để bảo trì hoặc tu sửa nhà thờ, không nhiệt tình góp “tiền rỗ” trong các thánh lễ…
Thiếu sót ấy có lẽ phát xuất từ một cách suy nghĩ rằng mình không có bổn phận gì đối với việc chung và ích chung. Từ suy nghĩ ấy, mỗi lần bỏ ra chút ít gì cho ích chung thì cho rằng đó là một việc thi ơn, một việc từ thiện.
Suy nghĩ ấy hoàn toàn sai. Góp phần cho ích chung không phải là việc tuỳ ý mà là bổn phận, không phải là bố thí mà là công bằng, bởi vì mình được thụ hưởng ích chung cho nên theo công bằng mình phải đóng góp vào đó.
Những công dân và tín hữu có trình độ suy nghĩ trưởng thành ở một số nước khác đều rất ý thức bổn phận này : đối với đất nước, họ quan tâm đóng thuế đầy đủ ; đối với Giáo Hội, mỗi lần dự lễ họ đều góp “tiền rỗ”, thậm chí có người ít đi lễ mà cũng gởi tiền góp vào quỹ xứ đạo…
3. “Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”
Vế thứ hai trong câu Đức Giêsu trả lời là một lời nhắc nhở cho những kẻ muốn gài bẫy Ngài. Họ đều là tín đồ do thái giáo nhưng họ mải mê lo chuyện chính trị, kẻ thì phò theo chính quyền Rôma, người thì chống lại. Họ lại còn muốn lôi Đức Giêsu vào vòng tranh chấp chính trị của họ nữa. Đang khi đó thì họ rất thờ ơ với bổn phận đới với Thiên Chúa. Bởi thế Đức Giêsu nhắc : việc chính trị thì cứ lo, nhưng đừng quên bổn phận đối với Thiên Chúa.
Ta thường nghe nói “tốt đời đẹp đạo”. Xét cho cùng, một người tín hữu có “đẹp đạo” trước thì mới dễ “tốt đời” sau, bởi vì chính “đạo” vừa dạy vừa giúp ta cách sống tốt ở “đời”.
4. Chuyện minh họa
a/ Ngày nay, hai chữ “chính trị” thường được hiểu theo nghĩa xấu, “làm chính trị” bị coi là một việc nguy hiểm, như những chuyện sau đây :
– Hai vợ chồng nhà kia sinh được cậu quí tử. Ngày cậu thôi nôi, một người bạn góp ý thử xem tương lai cậu ra sao. Họ đặt trên bàn một cây vàng, một cuốn Thánh Kinh. một chai rượu và xem cậu chọn cái gì. Nếu cậu chọn vàng thì tương lai sẽ là thương gia. Nếu chọn Thánh Kinh thì là linh mục. Nếu chọn chai rượu thì cuối cùng chỉ là anh chàng bét nhè.
Rồi họ đưa cậu vào. Cậu lấy cây vàng đút túi, kẹp cuốn sách vào nách và ôm chai rượu bước ra. Thấy thế, người chồng bảo vợ : “Tốt lắm ! Nhất định sau này nó sẽ là một nhà chính trị !”
– Ba người chết và về trời cùng ngày. Người thứ nhất là giáo hoàng, người thứ hai là linh mục và người thứ ba là một chính trị gia.
Thánh Phêrô dẫn họ vào thiên đàng : giáo hoàng và linh mục ở trong hai túp lều nhỏ, còn nhà chính trị gia vào tòa nhà lớn.
Cả linh mục và giáo hoàng cung kính hỏi xem tại sao hai tôi tớ trung thành như họ được hưởng cuộc sống hạnh phúc ở nơi không hấp dẫn, trong khi nhà chính trị được sống trong tòa nhà vĩ đại.
Thánh Phêrô trả lời : “Này các con, ở đây đã có nhiều linh mục và giáo hoàng. Nhưng đây là nhà chính trị đầu tiên của chúng ta”.
b/ Nhưng tham gia chính trị và làm chính trị cũng là bổn phận công dân của người tín hữu. Sau đây là những tấm gương của một số tín hữu làm chính trị để phục vụ cho quyền lợi đồng bào và nhân loại :
– Dag Hammarskjold, Tổng thư ký Liên hợp quốc, chết trong một tai nạn máy bay năm 1961 đang lúc ông đi thăm vùng Trung Phi. Ông không nghĩ việc ông làm chính trị là phương tiện thăng tiến xã hội, mà là thi hành ơn gọi làm tín hữu của ông. Ông nói : “Thờ ơ trước sự ác còn tệ hơn chính sự ác nữa ; trong một xã hội tự do, kẻ phạm tội chỉ là một số ít, nhưng tất cả mọi người đều phải chịu trách nhiệm về tội phạm của họ” ; “Không một lối sống nào thỏa mãn hơn sống mà phục vụ vô vị lợi cho đất nước và nhân loại”.
– Gandhi nói : “Tôi làm chính trị vì tôi không thể tách rời cuộc sống với niềm tin của tôi. Vì tôi tin Thượng Đế nên tôi bước vào chính trị. Làm chính trị là cách tôi phụng sự Thượng Đế”.
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Thiên Chúa là Cha nhân từ. Người dựng nên trời đất muôn vật, và lúc nào cũng : quan tâm chăm sóc hết thảy mọi loài. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.
1- Hội Thánh luôn nhắc nhở các kitô hữu phải sống gương mẫu / tuân thủ luật pháp / mến yêu tổ quốc / sống hòa hợp với hết thảy mọi người / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / biết luôn yêu mến tổ quốc của mình / và gương mẫu trong việc tuân giữ luật pháp.
2- Người kitô hữu có thể khác nhau về quốc gia / chủng tộc / ngôn ngữ / nhưng luôn hiệp nhất trong cùng một đức tin / đức cậy và đức mến / Chúng ta hiệp lời cầu xin / cho các tín hữu luôn biết sống đoàn kết / thương yêu và nâng đỡ nhau / trong mọi tình huống của cuộc sống thường ngày.
3- Người kitô hữu có hai bổn phận quan trọng / bổn phận đối với Chúa và đối với tổ quốc / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / biết chu toàn mọi trách nhiệm đối với Chúa / và làm tròn nghĩa vụ của một người công dân tốt / là mến yêu tổ quốc / và hiệp sức cùng đồng bào xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.
4- Ngoài người mẹ ruột của mình / người kitô hữu có hai người mẹ thiêng liêng khác / đó là Hội Thánh và Đất nước / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết luôn làm tròn chữ hiếu với các bà mẹ này.
CT : Lạy Chúa, Chúa đã thương ban cho chúng con một dày non sông gấm vóc, một tổ quốc hào hùng, một dân tộc quật cường, một đất nước nhiều tiềm năng về mọi mặt. Xin cho chúng con biết hết lòng yêu mến và bảo vệ tổ quốc chúng con. Chúng con cầu xin…
VI. TRONG THÁNH LỄ
– Trước kinh Lạy Cha : Qua lời nguyện “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta chu toàn những bổn phận cả đối với cả trần thế lẫn đối với Chúa.
– Sau kinh Lạy Cha : “… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Xin giúp chúng con khôn ngoan biết trả cho Xêsa những gì của Xêsa, và trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…”
VII. GIẢI TÁN
Anh chị em đã nghe giáo huấn của Chúa về hai bổn phận. Anh chị em hãy ra về và sống “đẹp đạo tốt đời”.
Bài đọc thêm
THƯ I THÊXALÔNIKÊ
- Thêxalônica là thủ phủ của tỉnh Makêđoan của đế quốc Rôma, được thành lập từ thế kỷ IV trước công nguyên. Là một thành phố cảng, là cửa ngõ vào vùng đồng bằng và các vùng phụ cận, Thêxalônica là một trung tâm thương mại phồn thịnh và đông dân cư trong đó có nhiều ngoại kiều và 1 số người do thái.
- Phaolô đến Thêxalônica lần đầu tiên vào năm 50 trong chuyến du hành truyền giáo thứ hai cùng với một bạn đồng hành là Sila (đọc Cv 17,1-10). Hai nhà truyền giáo khởi sự rao giảng cho những người do thái tại hội đường của họ “trong 3 ngày hưu lễ” (Cv 17,2). Chi tiết này khiến có người cho rằng họ chỉ lưu lại đó có 3 tuần lễ. Thực ra có lẽ Phaolô lưu lại đó lâu hơn nên mới có giờ hành nghề dệt lều (1Tx 2,9), nhận tiếp tế từ giáo đoàn Philíp gởi tới (Ph 4,16), làm cho nhiều người do thái và lương dân tin theo Tin Mừng (1 Tx 1,9). Vậy Cv nói “trong 3 ngày hưu lễ” là nói đến 3 lần chính thức Phaolô tiếp xúc với những người do thái tại hội đường.
- Kết quả của cuộc truyền giáo là hai ông đã đem về cho Đức Kitô nhiều “người kính sợ Chúa” và một số bà có địa vị cao trong xã hội. Nhưng nhiều người do thái khác đã chống lại hai ông. Họ gây ra một cuộc náo loạn rồi đổ tội cho Phaolô là dấy loạn chống triều đình (đọc Cv 17,5-14). Vì thế đang đêm các tín hữu đã giúp hai ông trốn sang vùng Bêrê cách đó vài cây số về phía Tây. Bọn do thái lại đuổi theo. Phaolô lại phải trốn sang Côrintô, nghĩa là phải từ giã một giáo đoàn non nớt vừa mới thành lập.
- Rời khỏi Thêxalônica mà lòng Phaolô đầy lo lắng, nên khi đến Côrintô, ông phái Timôtêô trở lại Thêxalônica nghe ngóng tình hình (Đọc 1 Tx 3,1-2). Sau đó Timôtêô trở về mang theo nhiều tin phấn khởi. Trong tâm trạng đó Phaolô viết thư này cho giáo đoàn Thêxalônica để bày tỏ tâm tình của mình, khen ngợi họ đã sống tốt dù gặp hoàn cảnh khó khăn, và khuyến khích họ cứ kiên trì sống tốt như thế.
– Lời chào 1,01-02
– Lời tạ ơn Chúa 1,03-10
– Bày tỏ tâm tình : ch 2-3
– Phần giáo huấn :
. Về đức khiết tịnh và bác ái 4,01-12
. Về ngày Chúa tái lâm 4,13-18
. Kêu gọi tỉnh thức chờ ngày của Chúa 5,01-11
. Vài lời khuyên khác 5,12-22
– Lời nguyện cuối cùng
– Kết 5,25-28