Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật III Phục Sinh năm B

print

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật III Phục Sinh năm B

Lc 24,35-48

 

1. Đọc Luca 24,13-35. Hãy cho biết nhờ đâu mà hai môn đệ Emmaus nhận ra Thầy Giêsu đã được phục sinh.

2. Đọc Lc 24,36. Hãy cho biết hai từ “các ông” ở câu trên có đồng nghĩa với nhau không? Đọc Lc 24,33-34.

3. Ở Lc 24,31 Đức Giêsu bất ngờ biến mất trước hai môn đệ Emmaus. Ở Lc 24,36 Ngài lại bất ngờ hiện ra với nhóm tông đồ và môn đệ, khiến họ tưởng Ngài là ma. Đọc Lc 24,38-43 và cho biết Đức Giêsu đã làm những gì để giúp các môn đệ không nghĩ mình là ma?

4. Đức Giêsu phục sinh có một thân xác không? Thân xác này có giống y hệt như thân xác bị đóng đinh không? Hay đây là một thân xác hoàn toàn khác? Đọc 1 Côrintô 15,42-44; Lc 24,39a.

5. Đọc Lc 24,44-46. Ngoài việc cho xem tay chân và ăn trước mặt các môn đệ, Đức Giêsu phục sinh còn làm điều gì khác để giúp họ tin vào sự phục sinh của Ngài?

6. Đọc Lc 24,25-27 và Lc 24,44-46. Hai đoạn văn này có gì giống nhau không?

7. Đọc Lc 24,47. Hãy cho biết những việc Đức Giêsu phục sinh muốn các môn đệ làm.

8. “Chính anh em là chứng nhân” (Lc 24,28). Chứng nhân là người thế nào?

9. Đọc Lc 24,48. Làm chứng về “những điều này” là những điều nào?

CÂU HỎI SUY NIỆM:

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

PHẦN TRẢ LỜI:

1. Hai môn đệ về Emmaus nhận ra Thầy Giêsu khi Ngài cùng ngồi ăn với họ và bẻ bánh trao cho họ (Lc 24,30-31.35). Có thể cử chỉ bẻ bánh quen thuộc của Thầy khiến họ nhận ra. Nhưng để nhận ra như thế, trước đó Đức Giêsu phục sinh đã phải đi với họ, gợi chuyện, lắng nghe, và giải thích Kinh Thánh cho họ hiểu.

2. Trong Lc 24,36, có hai đại từ “các ông”. Từ đầu tiên để chỉ hai môn đệ Emmaus, từ thứ hai để chỉ Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp ở Giêrusalem (x. Lc 24,33-34).

3. Khi đọc Lc 24,38-43, ta thấy Đức Giêsu đã cho thấy mình không phải là ma bằng cách cho môn đệ nhìn xem tay chân của mình và mời các ông rờ vào để thấy có xương thịt. Sau đó Ngài còn ăn một khúc cá nướng.

4. Thân xác bị đóng đinh và chết của Đức Giêsu đã được phục sinh. Nhưng khi được phục sinh, thân xác ấy không trở lại tình trạng y hệt như thân xác cũ, nghĩa là phải ăn mới sống được, hay có thể bị chết lần nữa như Ladarô. Thân xác được phục sinh là thân xác của Đức Giêsu khi còn sống ở đời, nhưng nay được đổi mới tận căn và đi vào vinh quang Thiên Chúa. Thánh Phaolô gọi thân xác này là “thân thể có thần khí” (1 Cr 15,44).

5. Luca 24,44-46 cho thấy Đức Giêsu còn giúp các môn đệ hiểu Kinh Thánh, nghĩa là cho thấy Ngài đã làm ứng nghiệm những gì được viết trong Kinh Thánh Cựu Ước. Nhờ lời giải thích của Đức Giêsu, các môn đệ hiểu rằng đau khổ và cái chết của Thầy là con đường dẫn đến phục sinh.

6. Ta thấy trong Lc 24,25-27 và Lc 24,44-46, Đức Giêsu đều dùng Kinh Thánh để giúp các môn đệ hiểu được việc Ngài chịu đau khổ và chịu chết để rồi được phục sinh trong vinh quang.

7. Đức Giêsu phục sinh muốn các môn đệ lên đường rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ hối cải để được ơn tha tội. Các môn đệ phải làm sứ mạng này “nhân danh Đức Giêsu” (X. Lc 24, 47).

8. Chứng nhân cho Đức Giêsu là người đã có kinh nghiệm sống với Ngài trong những năm Ngài rao giảng. Hơn nữa, chứng nhân phải là người có kinh nghiệm về việc Chúa đã sống lại và hiện ra (x. Cv 1,22).

9. Các môn đệ “làm chứng nhân cho những điều này” trên hết là làm chứng về việc Đức Giêsu bị giết chết nhưng đã được Thiên Chúa làm cho sống lại (x. Cv 2,32; 3,15; 5,30-32), cũng như làm chứng về việc Ngài được đặt làm thẩm phán xét xử kẻ sống và kẻ chết (x. Cv 10, 42).