Đức Giêsu Bày Tỏ Khuôn Mặt Thiên Chúa Tình Yêu.
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Bạn thân mến,
Theo truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc, đa số người Việt Nam tin tưởng vào một Đấng siêu nhiên được gọi là Ông Trời. Dĩ nhiên, không phải là bầu trời trên đầu chúng ta, nhưng là Đấng ngự trên “cõi trời”.
Ngài còn được gọi là Đấng Tạo Hóa, vì chính Ngài tạo dựng nên vũ trụ và thế giới này.
Cảm thức tôn giáo ấy đã thấm sâu trong tâm hồn người Việt, đi vào những câu ca dao bình dị như
“Lạy Trời mưa xuống,
lấy nước tôi uống,
lấy ruộng tôi cày…”;
trở thành phản ứng tự nhiên trong cuộc sống, khi chúng ta kêu lên “Trời ơi !”
Tuy có một cảm thức sống động về Ông Trời, nhưng người ta lại không biết rõ Ông Trời ra sao. Vì thế, nhiều khi hình dung Ông Trời theo trí tưởng tượng của con người và dựa vào những tiêu chuẩn của loài người.
Để thấy được dung nhan đích thực của Thiên Chúa, chúng ta cần được chính Thiên Chúa tỏ mình ra, chứ không chỉ là những suy luận và tưởng tượng của con người.
Đức Giêsu Kitô là Đấng từ trời cao mà xuống, từ Thiên Chúa mà đến, cho nên chỉ có Ngài mới bày tỏ cho nhân loại biết dung nhan đích thực của Ông Trời.
Vậy, Ngài nói với chúng ta ra sao?
Ngài công bố: Thiên Chúa là Tình Yêu.
Đó là chân lý trung tâm của Kitô Giáo và mọi chân lý khác trong Đạo đều xoay quanh chân lý này.
Thiên Chúa yêu thương con người và làm mọi sự chỉ vì tình yêu. Chính vì thế, Đức Giêsu mời gọi những ai đi theo Ngài hãy gọi Thiên Chúa là “Cha”, trong tiếng Do Thái là abba.
Bạn biết không, abba chính là tiếng trẻ thơ gọi cha của nó, tiếng gọi ngập tràn tin tưởng, yêu mến và phó thác.
Đức Giêsu Kitô đã dành cả cuộc sống trần thế để công bố, rao giảng và thể hiện dung mạo yêu thương của Thiên Chúa. Ngài bày tỏ dung nhan Thiên Chúa Tình Yêu qua việc giảng dạy, và để cho mọi người đều hiểu được, Đức Giêsu dùng những dụ ngôn, tức là những câu truyện và hình ảnh đơn sơ, bình dị trong cuộc sống thường ngày, nhưng lại hết sức sâu sắc, đến nỗi đã hai ngàn năm qua, chúng ta vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa.
Thiên Chúa được mô tả như người cha thương con, đến nỗi dù đứa con bất hiếu, bỏ nhà đi hoang, người cha vẫn ngày đêm trông ngóng, mong con trở về.
Thiên Chúa giống như người chăn chiên, khi có một con chiên đi lạc, ông bỏ cả đoàn chiên ở lại, để đi tìm con chiên lạc, và khi tìm được, ông vui mừng vác nó trên vai đem về nhà.
Đức Giêsu còn bày tỏ khuôn mặt của Thiên Chúa Tình Yêu bằng chinh cách sống và cách ứng xử của Ngài:
– Ngài sống nghèo và gần gùi với những người nghèo, những người bị xã hội coi thường.
– Ngài chữa lành những thương tích trên thân xác và trong tâm hồn của con người. Ví dụ: những người mắc bệnh phong cùi, hoặc những người bị mọi người lên án là tội lỗi.
– Ngài nâng đỡ và bênh vực nhừng người cô thân cô thể trong xã hội.
Lời rao giảng và lối sống yêu thương của Đức Giêsu đã lôi cuốn rất nhiều người đi theo Ngài.
Hơn thế nữa, Ngài còn khẳng định: Ngài là “Con Thiên Chúa”. Vì thế, Đức Giêsu bị những người có thế lực thù ghét và họ quyết định giết Ngài. Để thực hiện kế hoạch, họ tố cáo Ngài về một tội danh chính trị và theo yêu cầu của họ, tổng trấn Philatô – người đại diện của đế quốc Rôma tại Do Thái lúc đó – đã ra lệnh xử tử Đức Giêsu bằng hình phạt nặng nề nhất.
Bạn có thấy cây thập giá trong các nhà thờ và các gia đình Công Giáo không?
Thập giá là khung gỗ có hình chữ Thập (+) được người Rôma dùng để đóng
đinh các phạm nhân nô lệ hoặc không phải công dân của họ vào đó. Vì thế,
thập giá là dấu hiệu của đau khổ, ô nhục, sợ hãi và chết chóc.
Đức Giêsu đã phải chịu hình phạt khủng khiếp như thế, là đóng đinh vào thập giá.
Nhưng lạ thay, từ đỉnh cao thập giá, từ ngút ngàn đau đớn, thay cho những lời chửi bới và nguyền rủa, người ta lại nghe được lời khẩn nguyện của Đức Giêsu:
“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.
Đỉnh cao của tình yêu là ở đó: Tha thứ cho chính những người làm hại mình.
Thập giá là dấu chứng của tình yêu vĩ đại, tình yêu đi đến cùng.
Thế đấy, cả cuộc đời Đức Giêsu là để giới thiệu và loan báo dung nhan đích thực của Thiên Chúa Tình Yêu.
Theo Kinh Thánh, sau khi đem xác Chúa Giêsu xuống từ thập giá, các môn đệ đã mai táng Ngài trong mộ đá. Thế nhưng, ba ngày sau, khi các môn đệ đến thăm mộ thì xác Đức Giêsu không còn trong mộ đá nữa. Cùng với sự kiện ngôi mộ trống, các môn đệ còn được gặp và trò chuyện với Đức Giêsu trong nhiều dịp khác, vì thế các ông tin chắc chắn rằng:
ĐỨC GIÊSU KITÔ ĐÃ SỐNG LẠI TỪ CÕI CHẾT
VÀ LÀ ĐẤNG HẰNG SỐNG!
Sự sống lại của Đức Giêsu từ cõi chết là sự chiến thắng của tình yêu. Không phải hận thù nhưng chính tình yêu mới là sức mạnh tuyệt đối. Tình yêu chiến thẳng hận thù và chết chóc. Hận thù chỉ mang lại chết chóc, còn tình yêu mở đường cho sự sống đích thực, trọn vẹn và vững bền.
Để ghi nhớ biến cố hết sức quan trọng này, hằng năm, người Công Giáo mừng Lễ Phục Sinh cách trọng thể.
Nhìn từ bên ngoài, ngày lễ này không tưng bừng nhộn nhịp như Lễ Giáng Sinh, nhưng đây chính là ngày lễ lớn nhất đối với người Công Giáo, cũng như mọi Kitô hữu.
Đức Giêsu đã sống lại và là Đấng Hằng Sống. Ngài không hiện diện cách hữu hình như hai ngàn năm trước, nhưng Ngài vẫn ở bên chúng ta cách thiêng liêng, để chia sẻ, nâng đỡ, hướng dẫn, bảo ban, cứu giúp chúng ta như Ngài đã ở bên các môn đệ ngày xưa.
Bạn có muốn tin vào vị Thiên Chúa Tình Yêu không?
Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn về Đức Giêsu Kitô, mời bạn đọc Kinh Thánh. Toàn bộ Kinh Thánh gồm hai phần: Cựu Ước và Tân Ước.
Trong Tân Ước, phần chính yếu nhất là bốn sách Tin Mừng (hoặc Phúc Âm) do bốn vị thánh sử viết: Matthêu, Maccô, Luca, Gioan.
Đọc bốn sách Tin Mừng, bạn sẽ biết rõ hơn về cuộc đời và giáo huấn của Đức Giêsu Kitô, Đấng Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta.