Tổng Hợp Tin về chuyến công du của ĐTC tại Budapest

  

BÀI GIẢNG CỦA ĐTC TRONG THÁNH LỄ
KẾT THÚC ĐẠI HỘI THÁNH THỂ LẦN THỨ 52 TẠI BUDAPEST

TẠI QUẢNG TRƯỜNG CÁC ANH HÙNG, BUDAPEST, 12/9/2021

Vatican News (12.9.2021) – Trong bài giảng, dựa trên câu hỏi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ “Người ta bảo Thầy là ai?”, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu xác định Chúa Kitô mà chúng ta tin và loan báo là Chúa Kitô như thế nào. Hãy đi từ việc ngưỡng mộ Chúa đến chỗ bắt chước Người. Hãy theo cách suy nghĩ của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha cũng mời gọi các tín hữu siêng năng chầu Thánh Thể để được Chúa biến đổi, chữa lành sự cứng nhắc và quy kỷ của chúng ta và sẵn sàng bước đi theo Chúa để phục vụ anh chị em của chúng ta.

Tại Xêdarê Philípphê, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của Người: “Người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8, 29). Câu hỏi này đòi các môn đệ đưa ra một quyết định và đánh dấu một bước ngoặt trong hành trình theo Thầy của họ. Họ đã biết rõ về Chúa Giêsu, họ không còn là những người mới bắt đầu: họ đã quen thuộc với Người, đã chứng kiến ​​nhiều phép lạ Người làm, bị ấn tượng bởi giáo huấn của Người, và đi theo Người bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, họ vẫn chưa suy nghĩ như Người. Họ phải đi bước quyết định đó, từ ngưỡng mộ Chúa Giêsu đến bắt chước Chúa Giêsu. Ngày hôm nay, Chúa cũng nhìn vào từng mỗi người chúng ta và hỏi: “Thật sự đối với con, Ta là ai”? Đối với con Ta là ai? Câu hỏi này, được đặt ra cho mỗi người chúng ta, không chỉ đòi một câu trả lời nhanh chóng lấy từ sách giáo lý, nhưng là một câu trả lời từ kinh nghiệm cá nhân, từ cuộc sống của mỗi người.

Câu trả lời này canh tân đổi mới chúng ta như là các môn đệ của Chúa, qua 3 bước, những bước mà các môn đệ Chúa Giêsu đã thực hiện và cả chúng ta cũng có thể làm. Đó là loan báo về Chúa Giêsu, phân định với Chúa Giêsu, và bước theo Chúa Giêsu.

  1. Loan báo về Chúa Giêsu. Trả lời cho câu hỏi: “Người ta nói Thầy là ai”?, thánh Phêrô đáp thay cho các môn đệ khác: “Thầy là Đấng Kitô”. Chỉ bằng vài lời, thánh Phêrô trả lời tất cả; câu trả lời chính xác, nhưng rồi, thật ngạc nhiên, Chúa Giêsu “cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người” (câu 30). Tại sao lại cấm nghiêm ngặt như thế? Lý do chính xác là bởi vì gọi Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng Cứu Thế, là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Luôn có nguy cơ là rao giảng về một ý tưởng cứu thế sai lầm, theo ý tưởng của con người chứ không phải của Thiên Chúa. Do đó, từ giây phút đó, Chúa Giêsu bắt đầu mặc khải về căn tính của Người, căn tính được thể hiện trong mầu nhiệm Vượt qua, điều chúng ta tìm thấy trong Thánh Thể. Chúa giải thích rằng, sứ vụ của Người sẽ đạt đến đỉnh điểm trong vinh quang Phục Sinh, nhưng chỉ sau khi chịu sỉ nhục trên thập giá. Nói cách khác, nó sẽ được mặc khải theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, như thánh Phaolô nói với chúng ta, “nó không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này” (1Cr 2, 6). Chúa Giêsu cấm các môn đệ nói về căn tính Thiên sai của Người, nhưng Người không cấm họ nói về thập giá, điều đang chờ đợi Người. Thánh sử lưu ý, thực tế là Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy “cách công khai” (Mc 8,32) rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (câu 31).

Trước những lời gây sốc này của Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể bị thất vọng và kinh ngạc. Chúng ta cũng muốn một Đấng Mêsia quyền năng hơn là một tôi tớ bị đóng đinh. Thánh Thể đang ở trước mặt chúng ta để nhắc nhở chúng ta Thiên Chúa là ai. Việc này không chỉ được thực hiện bằng lời nói, nhưng một cách cụ thể, tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa như Bánh được bẻ ra, như Tình yêu bị đóng đinh và trao tặng. Chúng ta có thể thêm vào nhiều nghi lễ, nhưng Chúa luôn ở đó, trong sự đơn sơ của chiếc Bánh để mình được bẻ ra, được phân phát và được ăn. Để cứu chúng ta, Đức Kitô đã trở thành tôi tớ; để ban cho chúng ta sự sống, Người đã chấp nhận cái chết. Chúng ta cũng nên để cho mình bị kinh ngạc trước lời loan báo khó chấp nhận đó của Chúa Giêsu. Và điều này dẫn chúng ta đến bước thứ hai.

  1. Phân định cùng với Chúa Giêsu. Phản ứng của thánh Phêrô trước lời loan báo của Chúa chính là phản ứng của con người: ngay khi thập giá, viễn cảnh đau đớn xuất hiện, chúng ta nổi loạn. Sau khi vừa tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, thánh Phêrô bị sốc bởi những lời của Thầy và cố khuyên Chúa đừng đi theo con đường đó. Ngày nay, như trong quá khứ, thập giá không phải là thứ thời trang hoặc điều hấp dẫn. Tuy nhiên, nó chữa lành chúng ta từ nội tâm. Đứng trước Chúa bị đóng đinh, chúng ta trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm hữu ích, một cuộc xung đột gay gắt giữa “suy nghĩ theo cách của Chúa” và “suy nghĩ như con người”. Một mặt, chúng ta có cách suy nghĩ của Thiên Chúa, đó là cách lý luận của tình yêu thương khiêm nhường. Cách suy nghĩ của Thiên Chúa tránh xa sự áp đặt, phô trương và hiếu thắng, và luôn nhắm đến điều tốt đẹp của người khác, thậm chí đến mức hy sinh bản thân. Mặt khác, chúng ta có cách nghĩ của con người: đây là sự khôn ngoan của thế gian, gắn liền với danh dự và đặc quyền, hướng đến uy tín và thành công. Ở đây, bất cứ thứ gì thu hút sự chú ý và tôn trọng nhiều hơn từ người khác thì được xem là quan trọng và sức mạnh.

Bị lóa mắt bởi lối suy nghĩ đó, thánh Phêrô kéo riêng Chúa Giêsu ra và trách móc Người (câu 32). Cả chúng ta cũng có thể đã kéo Chúa “sang một bên”, đẩy Người vào một góc trong trái tim mình và tiếp tục nghĩ mình là người sùng đạo và đáng kính, và tiếp tục đi theo cách riêng của mình và không để mình được hướng dẫn bởi cách suy nghĩ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta trong cuộc đấu tranh nội tâm này, bởi vì Người muốn chúng ta, giống như muốn các Tông đồ, chọn Người. Có bên của Chúa và phe của thế gian. Sự khác biệt không phải là giữa người sùng đạo hay không, nhưng sự khác biệt quan trọng là giữa Thiên Chúa thật sự và vị thần của “cái tôi” của chúng ta. Thiên Chúa, Đấng âm thầm ngự trị trên thập giá, thật khác xa với vị thần giả mà chúng ta muốn trị vì bằng quyền lực để khiến kẻ thù của chúng ta câm lặng! Chúa Giêsu Kitô, Đấng chỉ tỏ mình bằng tình yêu, khác biết bao với tất cả các vị cứu thế mạnh mẽ và chiến thắng được thế giới tôn thờ! Chúa Giêsu thức tỉnh chúng ta; Người không hài lòng với những tuyên bố về đức tin, nhưng yêu cầu chúng ta thanh tẩy đời sống tôn giáo của mình trước thập giá của Người, trước Bí tích Thánh Thể. Thật tốt cho chúng ta khi dành thời gian chầu Thánh Thể để chiêm ngưỡng sự yếu đuối của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dành thời gian để chầu Thánh Thể. Chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu Bánh Hằng Sống chữa lành sự khép kín của chúng ta và mở lòng ra để chia sẻ; xin Người chữa chúng ta khỏi sự cứng nhắc và sự quy kỷ của chúng ta; xin Người giải phóng chúng ta khỏi sự nô lệ gây tê liệt khi bảo vệ hình ảnh của chúng ta, và soi sáng cho chúng ta đi theo Người đến bất cứ nơi nào Người muốn dẫn đưa chúng ta đi. Và chúng ta đến với bước thứ ba.

  1. Đi theo Chúa Giêsu. “Xatan! Lui lại đàng sau Thầy!” (câu 33). Bằng mệnh lệnh nghiêm khắc này, Chúa Giêsu đưa thánh Phêrô trở về với chính mình. Bất cứ khi nào Chúa yêu cầu điều gì, thì thực tế Người đã ở sẵn để giúp thực hành điều đó rồi. Do đó, thánh Phêrô nhận được ân sủng để lùi lại và một lần nữa lùi lại phía sau Chúa Giêsu. Hành trình của Kitô hữu không phải là một cuộc chạy đua hướng tới thành công; nó bắt đầu bằng cách lùi lại, tìm tự do bằng cách không cần phải là trung tâm của mọi thứ. Thánh Phêrô nhận ra rằng, trung tâm không phải là Chúa Giêsu của mình, mà là Chúa Giêsu thậtsự. Thánh nhân sẽ tiếp tục vấp ngã, nhưng từ lần tha thứ này đến lần tha thứ khác, ngài sẽ nhận thấy khuôn mặt của Thiên Chúa rõ ràng hơn. Và từ sự ngưỡng mộ trống rỗng đối với Chúa, thánh nhân sẽ noi gương Chúa cách cụ thể.

Lùi lại sau Chúa Giêsu có nghĩa là gì? Đó là tiến bước trong cuộc sống với sự tin tưởng vững chắc của chính Chúa Giêsu, biết rằng chúng ta là con yêu dấu của Thiên Chúa. Đó là theo bước Thầy, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (Mc 10, 45). Đó là đi ra mỗi ngày để gặp gỡ các anh chị em của chúng ta. Ở đó, Thánh Thể thúc đẩy chúng ta nhận ra rằng, chúng ta là một Thân thể, sẵn sàng chia sẻ bản thân mình vì người khác.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để cho cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể biến đổi chúng ta, như Thánh Thể đã biến đổi các vị thánh vĩ đại và can đảm, mà anh chị em tôn kính. Tôi đặc biệt nghĩ đến thánh Stephano và thánh Elizabeth. Giống như các ngài, chúng ta đừng hài lòng với sự ít ỏi; xin cho chúng ta đừng bao giờ hài lòng với một đức tin dựa trên nghi lễ và sự lặp lại, nhưng càng ngày càng cởi mở hơn với sự mới mẻ khó chấp nhận được của vị Thiên Chúa chịu đóng đinh và Phục Sinh, là Bánh được bẻ ra để ban sự sống cho thế giới. Bằng cách này, chính chúng ta sẽ vui tươi và mang lại niềm vui cho người khác.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế này đánh dấu sự kết thúc của một cuộc hành trình, nhưng quan trọng hơn, là sự khởi đầu của một hành trình khác. Vì bước đi theo Chúa Giêsu có nghĩa là luôn luôn nhìn về phía trước, đón nhận thời gian ân sủng, và bị thách đố bởi câu hỏi của Chúa đối với chúng ta, các môn đệ của Người: Đối với con Ta là ai?

Nguồn: vaticannews.va/vi/

Diễn văn của ĐTC Phanxicô trước các Giám mục Hungary

12/09/2021

  

Đức Thánh Cha gặp các Giám mục tại Bảo tàng Nghệ thuật Budapest

DIỄN VĂN CỦA ĐTC PHANXICÔ TRƯỚC CÁC GIÁM MỤC HUNGARY

Vatican News (12.9.2021) – Sau khi gặp tổng thống và thủ tướng Hungary, vào lúc 09:15, cũng tại Bảo tàng Nghệ thuật Budapest, Đức Thánh Cha gặp gỡ các Giám mục Hungary.

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Anh em thân mến!

Tôi rất vui khi có mặt ở đây giữa anh em trong ngày bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52. Xin cám ơn Đức cha András Veres vì sự chào đón mà ngài đã dành cho tôi. Xin chào tất cả anh em, cám ơn anh em đã chào đón và quảng bá sự kiện này, nó nhắc nhở chúng ta về vị trí trung tâm của Bí tích Thánh Thể trong đời sống của Giáo hội.

Tôi muốn chia sẻ vài suy nghĩ cụ thể bắt đầu từ cử chỉ Thánh Thể: trong Bánh và Rượu, chúng ta thấy Chúa Kitô đang hiến Mình và Máu Người cho chúng ta. Với lịch sử lâu đời, Giáo hội Hungary được đánh dấu bằng đức tin không hề lay chuyển, những cuộc bách hại và máu của các vị Tử Đạo, gắn liền cách đặc biệt với Hy tế của Chúa Kitô. Nhiều anh chị em, nhiều giám mục và linh mục đã sống những gì họ cử hành trên bàn thờ: họ bị nghiền nát như hạt lúa mì, để mọi người được tình yêu của Thiên Chúa làm no thỏa; họ bị ép như trái nho, để máu của Chúa Kitô có thể trở thành nguồn mạch của sự sống mới; họ bị bẻ ra, nhưng hy sinh yêu thương của họ là một hạt giống Tin Mừng tái sinh được gieo vào lịch sử của dân tộc này.

Nhìn lại quá khứ lịch sử được tạo nên từ máu của các vị Tử Đạo, chúng ta có thể hướng về tương lai với cùng ước nguyện như các vị Tử Đạo: sống bác ái và làm chứng cho Tin Mừng. Nhưng trong đời sống Giáo hội, chúng ta luôn phải giữ hai thực tại này không tách rời: gìn giữ quá khứ và hướng tới tương lai. Tuy nhiên, khi gìn giữ cội nguồn tôn giáo của chúng ta và lịch sử từ đó chúng ta đến, chúng ta không nên quá tập trung vào quá khứ, nhưng cần hướng về phía trước và tìm ra những cách thức mới để loan báo Tin Mừng.

Tôi luôn nhớ trong lòng những ký ức sống động về các Nữ tu Hungary của Dòng Chúa Giêsu (Englische Fräulein). Vì bách hại tôn giáo, các nữ tu đã phải rời bỏ quê hương. Với tính cách can đảm và lòng trung thành với ơn gọi, các chị đã thành lập trường “Maria Ward” ở thành phố Plátanos (Buenos Aires). Từ sức mạnh, lòng dũng cảm, sự kiên nhẫn và tình yêu quê hương của họ, tôi đã học được rất nhiều điều; đối với tôi, họ là một chứng tá. Hôm nay nhớ đến họ, tôi cũng bày tỏ lòng kính trọng đối với nhiều người đã phải lưu vong và tất cả những ai đã hy sinh mạng sống cho quê hương và cho đức tin.

Là Mục tử, ngay từ đầu, anh em được kêu gọi để nhắc nhở mọi người rằng, truyền thống Kitô giáo, như Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã khẳng định – “không phải là một bộ sưu tập các thứ hay từ ngữ, giống như một cái hộp đựng đồ chết; Truyền thống là dòng sông của sự sống mới đến từ cội nguồn, từ Đức Kitô đến chúng ta, và liên hệ đến chúng ta trong lịch sử của Thiên Chúa với nhân loại” (Tiếp kiến chung, 3/5/2006). Anh em đã chọn chủ đề của Đại hội một câu từ Thánh vịnh 88: “Mọi nguồn mạch của con ở nơi Người”. Giáo hội đến từ suối nguồn là Chúa Kitô, và được sai đi loan báo Tin Mừng, như một dòng nước sự sống, rộng lớn, vô hạn và chào đón hơn dòng sông Danube vĩ đại của anh em, có thể chạm tới sự khô cằn của thế giới và con tim con người, thanh luyện và làm dịu mọi cơn khát. Thừa tác vụ Giám mục không phải để lặp lại tin tức của những ngày xa xưa, nhưng là một tiếng nói ngôn sứ loan báo tính thời sự lâu dài của Tin Mừng trong đời sống dân thánh Chúa và trong thế giới ngày nay.

Tôi muốn đề xuất một vài gợi ý để thực hiện sứ vụ này.

Đầu tiên: trở thành những người loan báo Tin Mừng. Chúng ta không được quên rằng cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô là trung tâm của đời sống Giáo hội. Đôi khi, đặc biệt khi xã hội xung quanh chúng ta dường như không nhiệt tình với đề xuất Kitô của chúng ta, chúng ta có thể bị cám dỗ rút lui để bảo vệ các thể chế và cơ cấu. Ngày nay, đất nước của anh em đang trải qua những thay đổi lớn ảnh hưởng đến toàn bộ châu Âu. Sau thời gian dài việc tuyên xưng đức tin bị ngăn cản, với sự tiến bộ của tự do, có những thách đố mới phải đối diện, trong một bối cảnh chủ nghĩa thế tục và sự khao khát Thiên Chúa bị suy giảm. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng: Chúa Kitô là suối nước luôn chảy làm dịu mọi cơn khát. Các cơ cấu, thể chế và sự hiện diện của Giáo hội trong xã hội nhằm đánh thức trong con người lòng khao khát Thiên Chúa và ban cho họ nguồn nước hằng sống của Tin Mừng. Vì vậy, là Giám mục, anh em không được kêu gọi để trở thành những những vị quản lý quan liêu các cơ cấu, không tìm kiếm những đặc ân và lợi ích, nhưng để thể hiện một niềm say mê nhiệt thành vì Tin Mừng. Hãy là những nhân chứng và những người rao giảng Tin Mừng, niềm vui, gần gũi với các linh mục và tu sĩ với trái tim của người cha, luôn sẵn sàng lắng nghe. Không sợ dành không gian cho Lời Chúa và cho giáo dân: chúng sẽ là những con kênh, mà qua đó, Hungary sẽ một lần nữa được tưới mát bởi dòng sông đức tin.

Chỉ dẫn thứ hai: hãy là nhân chứng của tình huynh đệ. Đất nước của anh em là nơi, từ lâu mọi người thuộc các dân tộc khác đã chung sống với nhau. Nhiều sắc tộc, nhóm thiểu số, tôn giáo và người di cư đã biến đất nước này trở thành một môi trường đa văn hóa. Thực tế mới này, ít nhất là ban đầu, làm mọi người lo ngại. Sự đa dạng luôn làm cho mọi người lo sợ một chút, vì nó gây nguy hiểm cho sự an toàn đã có được. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo cơ hội tuyệt vời để mở lòng đón nhận sứ điệp Tin Mừng: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Đứng trước sự đa dạng về văn hóa, sắc tộc, chính trị và tôn giáo, chúng ta có thể có hai thái độ: rút lui bảo vệ cứng nhắc căn tính của mình, hoặc mở lòng để gặp gỡ những người khác và cùng nhau nuôi dưỡng ước mơ về một xã hội huynh đệ. Ở điểm này, tôi thích nhắc lại rằng: vào năm 2017, tại thủ đô châu Âu này, anh em đã gặp gỡ với đại diện của các Hội đồng Giám mục khác của Trung và Đông Âu để một lần nữa, tái xác nhận việc thuộc về bản sắc của mình không bao giờ trở thành lý do của sự thù ghét và coi thường người khác, trái lại là một trợ giúp để đối thoại với các nền văn hóa khác nhau.

Phía trên con sông lớn đi qua thành phố này là cây cầu Chain hoành tráng, thay thế một cây cầu gỗ mỏng manh và phục vụ cho việc nối kết Buda và Pest. Nếu chúng ta muốn dòng sông Tin Mừng đến với cuộc sống của con người, bằng cách tạo ra một xã hội huynh đệ và liên đới hơn ở Hungary, thì chúng ta cần Giáo hội xây dựng những cây cầu đối thoại mới. Tôi xin các Giám mục, cùng với các linh mục và các cộng tác viên mục vụ, hãy luôn thể hiện khuôn mặt đích thật của Giáo hội: chào đón tất cả mọi người, kể cả những người đến từ nơi khác, một khuôn mặt huynh đệ, cởi mở và đối thoại. Hãy là những Mục tử có trong tâm hồn tình huynh đệ. Không phải là những ông chủ, nhưng là những người cha và anh em. Phong cách huynh đệ, mà tôi xin anh em trau dồi với các linh mục và với toàn thể dân Chúa, trở thành một dấu hiệu sáng chói cho Hungary. Như vậy, một Giáo hội sẽ hình thành, trong đó đặc biệt là giáo dân, trong mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, gia đình, xã hội và nghề nghiệp của họ, trở thành men của tình huynh đệ Tin Mừng. Cầu mong Giáo hội Hungary là người xây dựng những cây cầu và là người ủng hộ đối thoại!

Cuối cùng, hãy là những người xây dựng hy vọng. Nếu chúng ta đặt Tin Mừng vào trung tâm và làm chứng bằng tình yêu thương huynh đệ, chúng ta sẽ có thể nhìn về tương lai với hy vọng, ngay cả khi ngày hôm nay chúng ta đang trải qua những cơn bão lớn nhỏ. Điều Giáo hội được kêu gọi lan tỏa trong cuộc sống của mọi người, đó là sự chắc chắn rằng: Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, luôn yêu thương chúng ta trong mọi khoảnh khắc cuộc đời và luôn sẵn sàng tha thứ và nâng chúng ta trỗi dậy. Cám dỗ làm nản lòng, đổ vỡ không bao giờ đến từ Thiên Chúa; nó đến từ kẻ thù, trong nhiều tình huống: đằng sau bề ngoài của sự sung túc, hoặc dưới lớp áo của các truyền thống tôn giáo, nhiều mặt tối có thể được che giấu. Giáo hội ở Hungary gần đây đã có cơ hội suy tư về cách thức chuyển đổi từ kỷ nguyên độc tài sang thời kỳ tự do, là một quá trình chuyển đổi được đánh dấu bằng những mâu thuẫn: sự suy giảm đạo đức và gia tăng tội phạm có tổ chức, buôn bán ma túy và thậm chí buôn bán nội tạng. Có những vấn đề xã hội: những khó khăn của gia đình, nghèo đói, những tổn thương ảnh hưởng đến thế giới người trẻ, trong một bối cảnh mà nền dân chủ vẫn còn cần được củng cố. Giáo hội phải gần gũi, quan tâm và an ủi mọi người, để họ không bao giờ mất ánh sáng hy vọng. Việc rao giảng Tin Mừng làm sống lại niềm hy vọng vì nó nhắc nhở chúng ta rằng, trong mọi sự chúng ta sống, Thiên Chúa hiện diện; Người đồng hành với chúng ta và cho chúng ta sự can đảm và sự sáng tạo mà chúng tôi cần để bắt đầu lại một lịch sử mới. Thật xúc động khi nghĩ đến Đức Hồng y Đáng kính József Mindszenty, một người con và người cha của Giáo hội và của vùng đất này, người vào cuối cuộc đời đầy đau khổ do bị bách hại đã để lại cho chúng ta những lời hy vọng: “Thiên Chúa trẻ trung. Tương lai là của Người. Người khơi gợi những điều mới mẻ, trẻ trung nơi các cá nhân và các dân tộc. Vì vậy, chúng ta không thể để cho mình bị tuyệt vọng” (Thông điệp gửi Chủ tịch Ủy ban tổ chức và những người Hungary lưu vong, trong J. Közi Horváth, Mindszenty bíboros, 111).

Đứng trước những khủng hoảng, xã hội hay Giáo hội, anh em luôn là những người xây dựng hy vọng. Là các Giám mục của đất nước, hãy luôn có những lời khích lệ. Mong anh em đừng bao giờ nói theo những cách làm gia tăng khoảng cách hoặc áp đặt những phán xét, nhưng theo những cách giúp Dân Chúa nhìn về tương lai với sự tin tưởng, giúp mọi người sống cuộc sống tự do và có trách nhiệm, đó là một món quà của ân sủng để được chào đón, không phải là một điều hóc búa để giải quyết. Khối lập phương do kiến ​​trúc sư Rubik nổi tiếng của anh em phát minh ra vẫn là một trò chơi tuyệt vời, không phải là một mô hình cho cách sống của chúng ta!

Anh em thân mến, Hungary cũng cần một sự rao giảng Tin Mừng mới, một tình huynh đệ xã hội và tôn giáo mới, một niềm hy vọng được xây dựng hàng ngày để nhìn về tương lai với niềm vui. Là những Mục tử, anh em là những người nắm giữ vai chính của tiến trình lịch sử này, cuộc phiêu lưu tuyệt vời này. Xin Chúa củng cố anh em trong niềm vui của sứ vụ! Tôi cảm ơn anh em vì tất cả những gì anh em đang làm và tôi chúc lành cho anh em. Xin Đức Mẹ bảo vệ anh em và Thánh Giuse gìn giữ anh em. Xin cám ơn.

Nguồn: vaticannews.va/vi/

print