Bài 22:
TẠI SAO “HỌC HỎI VỀ GIÁO HỘI
NHƯ MẦU NHIỆM, HIỆP THÔNG, SỨ VỤ” ?
I. Vui Mừng:
Tôi đã đọc “Thư Hội đồng giám mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa công bố Năm Thánh 2010”, trong số 3 có nói rằng: “Năm Thánh 2010 là cơ hội thuận lợi cho chúng ta học hỏi về Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ”. Rồi trong “Nội quy Năm Thánh 2010” đăng trong báo Hiệp thông số 52, cũng của Hội đồng giám mục, trong phần II cử hành Năm Thánh 2010, nói rằng: “Hội đồng giám mục Việt Nam ‘quyết tâm cùng nhau làm mới hình ảnh Giáo Hội tại Việt Nam’, và chọn chủ đề của Năm thánh 2010 là:
Giáo Hội tại Việt Nam:
Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ
Chủ đề này được triển khai theo 3 chủ điểm lớn sau đây: Giáo Hội mầu nhiệm – giáo hội hiệp thông – giáo hội sứ vụ”. Một “tiểu ban” sẽ soạn thảo các tài liệu học hỏi và cử hành Năm thánh theo 3 chiều kích, hay 3 lãnh vực mục vụ (giáo hội mầu nhiệm, giáo hội hiệp thông, giáo hội sứ vụ) … Điều làm tôi vui mừng chính là được “học hỏi về giáo hội” và “cùng nhau làm mới hình ảnh giáo hội tại Việt Nam”, theo 3 chủ điểm hay 3 chiều kích: mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ. Tôi có dịp hỏi một số linh mục già cũng như trẻ, một số tu sĩ, và giáo lý viên rằng có biết tại sao mà HĐGM chọn lựa học hỏi về giáo hội theo 3 chiều kích kể trên không? Tất cả đều trả lời là chẳng có thắc mắc tại sao, mà thấy các ngài nêu ra thì cứ việc học hỏi thôi. Còn tôi, tôi đọc hết Đề cương và các bài viết trong báo Hiệp thông cho tới nay chủ ý tìm xem HĐGM có nói tại sao đã chọn để học hỏi giáo hội theo mô hình đó không, mà chỉ thấy trong Nội quy, (phần I. Ý nghĩa và mục đích), nêu ra quyết tâm “làm mới hình ảnh gia đình giáo hội tại Việt Nam theo hình mẫu mà công đồng Vatican II 1965 đã phác hoạ: giáo hội hiệp thông, giáo hội tham gia, giáo hội vì loài người”, nên tôi cũng không rõ lý do các ngài đã chọn lựa. Nhưng riêng tôi, tôi rất tâm đắc, và nhận thấy chọn lựa của HĐGM rất chính đáng, hữu ích và còn cần thiết cho giáo hội Việt Nam hôm nay, bởi vì tôi may mắn có được tài liệu của Thượng hội đồng giám mục đặc biệt 1985, THĐGM này được gọi là đặc biệt vì để kỷ niệm 20 năm bế mạc Công đồng Vatican II, do Đức Gioan Phaolô II triệu tập, cùng với 118 Nghị phụ đại diện các HĐGM, nhằm “trao đổi và đào sâu các kinh nghiệm và các kiến thức để áp dụng công đồng”, cũng như “góp phần vào việc thực thi công đồng cách trung thực và đầy đủ trong đời sống giáo hội”. THĐGM đặc biệt này không phổ biến tài liệu dưới hình thức Tông huấn, như các THĐGM khác, mà chỉ phát hành một tập tài liệu gồm báo cáo của Đức Hồng y Garrone và Đức Hồng y Danneels. Hôm nay, sau 25 năm, đọc lại tài liệu ấy, tôi thấy như HĐGMVN đang muốn cùng với Dân Chúa làm lại kinh nghiệm của các nghị phụ của THĐGM đặc biệt. Các nghị phụ này hầu hết đã tham dự Công đồng, khi về gặp lại nhau sau 20 năm đem áp dụng những đổi mới của Công đồng, đã góp ý cho nhau những nhận xét và kinh nghiệm sâu sắc, mà ngày nay tôi nghĩ rằng có nhiều người chưa biết đến, nếu biết sẽ hiểu giáo hội sâu hơn và thực thi giáo huấn của Công đồng tích cực hơn.
Quả vậy, trong tài liệu của THĐGM đặc biệt, các nghị phụ đã cho biết một số điều cốt yếu sau đây:
- Khi bắt đầu họp Công đồng Vatican II, các nghị phụ đã đưa ra quá nhiều lược đồ, sau các ngài mới nhất trí “tập trung vào 3 chiều kích là: Chúa Kitô, Giáo Hội, và thế giới”.
- Từ 3 chiều kích đó, các nghị phụ “đặt Chúa Giêsu Kitô là nền tảng và trung tâm của tất cả các tài liệu Công đồng” (quy Kitô), và chọn “Giáo Hội là đề tài trung tâm của Công đồng … Giáo Hội vâng lời Thiên Chúa cử hành các mầu nhiệm Chúa Kitô cho thế giới được cứu độ”, đây chính là sứ vụ của Giáo Hội.
- Khi bàn về đề tài trung tâm là Giáo Hội, Đức Hồng y Garrone báo cáo rằng các nghị phụ Công đồng đã làm một việc đặc biệt là “đảo ngược viễn tượng có tính cách cơ bản, làm người ta phải nhìn Giáo Hội như một toàn bộ trước khi nhìn Giáo Hội trong chi tiết của các yếu tố cấu thành”, nghĩa là các ngài đã không theo cái nhìn cơ bản mà thần học cổ điển quen trình bày về Giáo Hội như: trước hết là định nghĩa, nguồn gốc, rồi đến các đặc tính, tổ chức, các thánh thông công … nhưng các ngài đã chọn lựa để bàn ngay đến Giáo Hội là mầu nhiệm, là hiệp thông, là sứ vụ. Sự đảo ngược này tránh cho mọi người có cái nhìn bị phân tán vào các chi tiết cấu thành nhưng có một cái nhìn tổng hợp và hữu cơ về Giáo Hội: tổng hợp là bao gồm được nhiều thành phần có quan hệ chặt chẽ với nhau làm thành một tổng thể; còn hữu cơ, không phải là đối nghịch với vô cơ, mà là có quan hệ không thể tách rời nhau để tồn tại hoặc hoạt động, như trong một cơ thể vậy. “Nhờ thế, người ta có thể trả lại cho mỗi yếu tố, chức năng chính xác của nó trong một viễn tượng toàn diện và dưới ánh sáng của một cứu cánh chung. Nhờ vậy mỗi cơ quan tìm lại được ý nghĩa đích thực của mình, chẳng hạn mọi quyền bính đều mang tính cách một phục vụ”.
- Ý muốn của công đồng là như thế, nhưng sau công đồng 20 năm, THĐGM đặc biệt đã nhất trí rằng “khái niệm Giáo Hội như mầu nhiệm, tỏ ra khó hiểu đối với nhiều Kitô hữu”, và “ý niệm Giáo Hội – Hiệp thông đã không thấm nhập vào dân Kitô giáo”, dù công đồng nhận thấy “ý tưởng hiệp thông đã trở thành giá trị tối hậu”, và Công đồng đã “lấy khái niệm Giáo Hội Hiệp thông làm khái niệm căn bản cho công trình học hỏi của mình”.
- Vì thế, các nghị phụ của THĐGM đặc biệt chọn chủ đề trung tâm là: “Giáo Hội lắng nghe Lời Chúa, cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô để thế giới được cứu độ”. Và từ chủ đề trung tâm này các ngài rút ra 4 đề tài để khai triển:
- Mầu nhiệm của Giáo Hội là gì?
- Nguồn mạch sống của Giáo Hội là Lời Chúa trong Thánh Kinh và Thánh Truyền.
- Giáo Hội là “hiệp thông” như thế nào?
- Sứ vụ của Giáo Hội hôm nay là gì?
Các ngài muốn “đào sâu sự hiểu biết về Công đồng – cả văn tự lẫn tinh thần – để đi tới chỗ thực hiện Công đồng cách trung thực và đầy đủ trong đời sống Giáo Hội”.
- Để giúp Dân Chúa nắm bắt được ý nghĩa toàn vẹn hay toàn diện (sens integral) của các chủ đề trên, các nghị phụ đã khai triển mỗi chủ đề một cách ngắn gọn, súc tích như sau:
- Mầu nhiệm của Giáo Hội là gì? “Tất cả sự quan trọng của Giáo Hội bắt nguồn từ mối quan hệ giữa Giáo Hội và Chúa Kitô, một Chúa Kitô là Thiên Chúa làm người”. Từ mối quan hệ này mà Giáo Hội được Công đồng “mô tả như Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô, Hôn thê của Chúa Kitô, Đền thờ của Chúa Thánh Thần, Gia đình của Thiên Chúa”. Đó là “mầu nhiệm Giáo Hội trong Chúa Kitô”. “Giáo Hội được coi là dấu chỉ và dụng cụ của sự thánh thiện”. Tuy nhiên, “Giáo Hội vẫn còn là Giáo Hội mang trong lòng những người tội lỗi. Giáo Hội thánh nhưng vẫn phải được thanh luyện”.
- Giáo Hội là hiệp thông như thế nào? “Chữ hiệp thông phức tạp, nó có nghĩa gì? Cơ bản đó là hiệp thông với Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu, trong Chúa Thánh Thần. Sự hiệp thông đó được thực hiện trong Lời Chúa và trong các nhiệm tích”. Sự hiệp thông này có “tính hiệp nhất và tính đa dạng” nghĩa là “Giáo Hội duy nhất và phổ quát lại thật sự hiện diện trong mọi Giáo Hội địa phương”, “chính nhờ và trong các Giáo Hội địa phương mà có một Giáo Hội công giáo duy nhất”. Mọi thành phần trong Giáo Hội duy nhất đó, từ Đức Giáo Hoàng đến các giám mục, các hội đồng giám mục, các linh mục, tu sĩ, giáo dân nam nữ già trẻ … hiệp thông với nhau bằng việc tham gia và đồng trách nhiệm, và còn phải hiệp thông đại kết với các cộng đồng ngoài công giáo nữa.
- Sứ vụ của Giáo Hội trong thế giới là gì? Tự bản chất thâm sâu, Giáo Hội là mầu nhiệm, là hiệp thông với Thiên Chúa và với mọi thành phần trong Giáo Hội; Giáo Hội còn được sai tới thế giới để đối thoại với thế giới và tìm cách cứu độ thế giới, một thế giới mà các nghị phụ thấy sau công đồng 20 năm, đã “gia tăng các nạn đói kém, áp bức bất công và chiến tranh, nạn tra tấn, nạn bạo hành, và đủ mọi hình thức bạo động khác”. Giáo Hội địa phương phải hội nhập văn hoá, đối thoại với các tôn giáo ngoài Kitô giáo và với cả những người không tin. Đặc biệt THĐ 1985 nhắc lại thái độ của công đồng là: “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng phải là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô”, và còn quyết tâm “chọn lựa dành ưu tiên cho những người nghèo và việc thăng tiến con người”. Các ngài mong muốn Giáo Hội “ý thức hơn về sứ vụ của mình nhằm phục vụ người nghèo, kẻ bị áp bức, những người sống bên lề”. Các ngài nhấn mạnh rằng: “ngoài cái nghèo vật chất, còn có sự thiếu tự do và các của cải thiêng liêng mà người ta có thể coi như một hình thức của nghèo khổ. Sự thiếu thốn đó đặc biệt nghiêm trọng khi tự do tôn giáo bị sức mạnh tiêu diệt. Một cách tiên tri, Giáo Hội phải tố cáo mọi hình thức nghèo khó và áp bức, bênh vực và cổ cõ ở mọi nơi các quyền cơ bản và bất khả tước đoạt của con người”. Và “Thượng hội đồng tỏ bày sự hiệp thông với các anh chị em đang bị bắt bớ vì đức tin hay vì cổ võ cho công lý. THĐ dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cho họ”.
Những điều cốt yếu tóm lại ở trên cho thấy rằng để việc đào sâu ý nghĩa về Giáo Hội, và để có thể thi hành giáo huấn của Công đồng cách thiết thực, đầy đủ hơn trong đời sống Kitô hữu, THĐ đặc biệt đã triển khai mô hình Giáo Hội là mầu nhiệm, là hiệp thông, là sứ vụ, nhằm làm cho Giáo Hội có được một ý nghĩa toàn vẹn hay toàn diện hơn, từ đó có thể có cái nhìn tổng hợp và hữu cơ về Giáo Hội, và cũng nhờ đó giúp cho mọi thành phần trong Giáo Hội hiểu sâu xa và đầy đủ hơn căn tính toàn vẹn của mình.
Ba năm sau, năm 1986, tông huấn “về ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong Giáo Hội và thế giới”, đã theo mô hình trên, để khai triển ơn gọi và sứ mạng đó trong 3 chương đầu:
- Chương 1: Phẩm giá của giáo dân trong giáo hội – Mầu nhiệm.
- Chương 2: Sự tham gia của giáo dân vào đời sống giáo hội – Hiệp thông.
- Chương 3: Tinh thần đồng trách nhiệm trong giáo hội – Sứ vụ.
Rồi năm 1992 Tông huấn Đào tạo linh mục cũng theo cách tổng hợp của Công đồng, để đặt chức linh mục trong mô hình giáo hội như mầu nhiệm, Hiệp thông, Sứ vụ, để từ đó tìm ra căn tính, bản chất, và linh đạo của linh mục.
Sau đó năm 1996, tông huấn đời thánh hiến có 3 chương thì:
- Chương đầu: trình bày “Đời thánh hiến trong mầu nhiệm của giáo hội”.
- Chương 2: nói về Đời thánh hiến dấu chỉ hiệp – thông trong giáo hội.
- Chương 3: bàn về những người được thánh hiến cho sứ vụ truyền giáo.
Đó là công việc mà giáo hội toàn cầu đã làm. Đặc biệt ở Á châu, năm 1999 THĐGM Á châu cũng đã theo mô hình trên để đào sâu ý nghĩa về Giáo Hội và cố gắng suy tư tìm tòi nhằm làm cho giáo hội đổi mới cách hiện diện tại Á châu, giúp cho việc Phúc âm hoá Á châu được hữu hiệu. Hơn nữa, liên HĐGM Á châu còn dấn thân tích cực để suy tư và đề xuất nhiều sáng kiến góp phần làm cho bộ mặt Giáo Hội tại Á châu có thể hấp dẫn dân tộc Á châu hơn, chẳng hạn như Giáo Hội phải hiệp thông trong nội bộ, phải đối thoại với các tôn giáo bạn, phải ưu tiên lo thăng tiến phẩm giá con người nhất là người nghèo bị đàn áp bóc lột, phải hội nhập văn hoá, và sống đời chứng nhân …
Như vậy, sau 20 năm công đồng Vatican II, các nghị phụ của THĐGM đặc biệt thấy rằng chủ đề Giáo Hội là mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ chưa được dân Kitô giáo hiểu và đem áp dụng, nên các ngài đã góp ý để hiểu sâu hơn mà đem áp dụng vào đời sống, rồi các THĐGM theo sau cũng như liên HĐGM Á châu tiếp tục đào sâu và tìm cách thực thi trong đời sống. Và năm nay 2010, sau 25 năm THĐGM đặc biệt, Giáo Hội tại Việt Nam đã chọn chủ đề trên, để học hỏi và trả lời câu hỏi “Hỡi Giáo Hội tại Việt Nam, hãy nói xem mình là ai?” (xem đề cương), và để “quyết tâm làm mới hình ảnh gia đình Giáo Hội tại Việt Nam” (xem nội quy). Có người cho là muộn, nhưng muộn còn hơn không (Better late than never), bởi vì có một ký giả hỏi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là có cần một Vatican III không, thì Ngài trả lời: “Tôi thiết tưởng chuyện đó không xảy ra trong tương lai gần … còn lâu chúng ta mới thực hiện được hết những điều của công đồng Vatican II” (xem Muối cho đời trang 253). Và Giáo Hội tại Việt Nam hoan hỉ vui mừng vì tất cả đang bắt tay vào việc đổi mới Giáo Hội nhờ dịp Năm thánh này. Muộn còn hơn không, tuy nhiên lại có lợi nữa là được hưởng những kinh nghiệm rất quý giá của THĐ đặc biệt, của Tông Huấn về Giáo Hội tại Á châu, nhất là những thử nghiệm của Liên HĐGM Á châu để cố gắng làm mới bộ mặt của Giáo Hội tại Á châu. Giáo Hội tại Việt Nam chỉ việc tận dụng những trải nghiệm đó để đi một bước nữa là áp dụng cho thích nghi với bối cảnh Việt Nam, giúp cho giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân hiểu và sống theo mô hình Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông, và sứ vụ một cách trọn vẹn hơn.
II. Hy Vọng:
Vui mừng vì HĐGMVN đã chọn chủ đề Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ, đã soạn Đề cương để học hỏi, soạn Nội quy để tổ chức Đại hội dân Chúa trao đổi góp ý, có ban thư ký đại hội soạn thảo văn kiện “thành bản chỉ dẫn thực hiện chương trình mục vụ tương lai” (Nội quy còn lưu ý: cần tránh dừng lại ở những cách nói mang tính đại cương hoặc chỉ cổ võ). “Sau đại hội, HĐGM sẽ xác định thể thức và thời điểm toàn thể GHCG Việt Nam thi hành những quyết định được ghi trong văn kiện sau đại hội”. Công việc chuẩn bị thật chu đáo. Đó là lý do chính đáng để mọi người càng vui mừng và hy vọng. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, chúng ta đã và đang “trải qua những cuộc bể dâu” mà ai cũng biết, như vụ Toà khâm sứ Hà Nội và đất của giáo xứ Thái Hà (Hà Nội) bỗng nhiên biến thành công viên cây xanh. Việc này được toàn bộ Tổng giáo phận Hà Nội từ Đức tổng giám mục, các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, đều hiệp thông với nhau cách cụ thể bằng cầu nguyện, thăm viếng, an ủi. Ngoài ra còn có 2 giám mục ở tổng giáo tỉnh Huế là Đức cha giáo phận Vinh và Đức Cha giáo phận Kontum cũng có thư hiệp thông, Đức cha giáo phận Vinh còn nói rõ: “việc của Thái Hà, cũng là việc của Vinh”. Và Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn cũng tổ chức cầu nguyện tỏ tình hiệp thông. Còn các nơi khác thì không lên tiếng gì. Rồi đến vụ nền nhà thờ giáo xứ Tam Toà ở Quảng Bình bị chiếm, Đức Cha giáo phận Vinh có hiệp thông; vụ trường học ở giáo xứ Loan Lý Huế bị mất, Đức cha giáo phận Huế có hiệp thông. Ơ Sài Gòn, một khu nhà đất của các nữ tu Bác ái Vinhsơn bị lấy mất, các vị chủ chăn Sài Gòn không lên tiếng. Ở Vĩnh Long, trường cô nhi của các nữ tu dòng thánh Phaolô cũng biến thành công viên cây xanh, nhưng lại được Đức giám mục Vĩnh Long lên tiếng, và có người can ngài rằng “lên tiếng chẳng ăn thua gì đâu” thì ngài nói là “biết rằng không ăn thua gì, nhưng cứ phải nói lên sự thật cho mọi người biết”. Còn khu Giáo hoàng học viện ở Đà Lạt cũng được biến thành công viên, nhưng Đức giám mục Đà Lạt biết và không lên tiếng … Trước những “cuộc bể dâu” như vậy, văn phòng HĐGM Việt Nam có thông báo cho biết có nhiều người tỏ ra bức xúc vì không thấy HĐGM lên tiếng, nên văn phòng cho biết rằng về vụ đất đai thì Đức cha chủ tịch HĐGM đã có lên tiếng trong một bức thư rồi. Văn phòng không đả động gì đến các cuộc bể dâu: nhà đất biến thành công viên, đặc biệt là cây thánh giá bị đặt chất nổ phá tan tành ở giáo xứ Đồng Chiêm, Hà Nội. Ít bữa sau lại thấy có thư của Đức cha chủ tịch HĐGMVN tỏ tình hiệp thông với Giáo Hội ở Haiti bị động đất tàn phá. Đang khi đó thì Giáo Hội Balan bên Âu châu đã dành một ngày trong tháng giêng năm 2010 để hiệp thông cầu nguyện cho giáo xứ nhỏ bé là Đồng Chiêm thuộc giáo phận Hà Nội. Chúng ta cũng thấy Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khi biết tin ở đâu có tai nạn hoặc thiên tai lớn như ở Haiti, ở Chilê, ngài luôn tỏ tình hiệp thông bằng cầu nguyện cho người đã qua đời, và xin ơn an ủi cho người còn sống; và ở lịch công giáo, có lần trong ý cầu nguyện mỗi tháng, ngài còn xin “cầu nguyện cho mọi người biểu lộ tình huynh đệ bằng những cử chỉ cụ thể” (ý cầu nguyện tháng 12-2008).
Xem như thế, nếu sau công đồng Vatican II 20 năm, mà các nghị phụ của THĐGM đặc biệt đã thấy rằng mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông tỏ ra khó hiểu và chưa thấm nhập vào dân Thiên Chúa, thì nay, sau thêm 25 năm nữa, cộng đồng dân Chúa tại Việt Nam đã trải qua những cuộc bể dâu, và đã có nhiều phản ứng, nhiều kiểu hiệp thông khác nhau, có thể nghĩ rằng hiệp thông cũng đã thấm nhập vào dân Chúa ở đây nhưng hiệp thông như thế nào? Thật khó thẩm định. Cuối Nội quy về Năm Thánh của HĐGMVN có nêu ra mấy nguyên tắc để thẩm định là: “hiệp nhất trong những gì cốt yếu, tự do trong những gì hồ nghi, bác ái trong tất cả”; nếu tôi không lầm thì những nguyên tắc trên được nói tới từ thời Công đồng Vatican II, tuy có vẻ rõ ràng chính xác, nhưng việc thẩm định xem cái gì là cốt yếu, cái gì là hồ nghi … không phải dễ. Rồi còn “bác ái trong tất cả” cũng rất chung chung, bởi vì tôi thấy trước kia có hai giám mục chọn khẩu hiệu giám mục là “chân lý trong bác ái” (Đức cha Bart. Lâm), và “chân lý trong tình thương” (Đức cha FX. Sang) theo thư thánh Phaolô (Ep 4,15); rồi mới đây Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI có Thông điệp “Bác ái trong chân lý”. Cho nên nguyên tắc “Bác ái trong tất cả” phải hiểu thêm là bác ái trong chân lý nữa, mà “bác ái trong chân lý” theo Đức cha P. Khảm nghĩa là “bác ái cần được thực thi trong chân lý … chỉ trong chân lý bác ái mới có thể chiếu toả và được sống đúng đắn … Bác ái phải đi đôi với sự thật. Sự thật ở đây là chính thực tế và những gì đang diễn ra trong thực tế … sự thật nền tảng mà Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh là sự thật về con người” (Một vài ghi nhận khi đọc Thông điệp “bác ái trong chân lý”, đăng trong CG và DT số 1732 trang 16). Từ điển Việt Nam giải nghĩa rằng: “thực tế là tổng thể những gì cụ thể đang tồn tại, đang diễn ra trong tự nhiên và xã hội, có quan hệ đến đời sống con người”. Về chuyện “sự thật”, người Việt Nam lại có câu “Sự thật mất lòng” câu này thường đi với câu: “thuốc đắng đã tật, sự thật mất lòng”, ý nói thuốc thường là đắng và sự thật dễ làm mất lòng, nhưng nên chấp nhận đắng, chấp nhận sự thật thì tốt hơn. Tuy nhiên đã có người vì không muốn làm mất lòng nên không dám nói lên sự thật, hoặc có người nghĩ rằng mình không biết ăn nói làm sao để khỏi mất lòng, nên đành làm thinh không nói ra sự thật; đang khi đó có người khác lại nghĩ rằng “phải bảo vệ giáo lý tinh tuyền, phải bảo vệ sự công bằng cho con người, nên phải can đảm nói sự thật khi cần, dù phải trả giá bằng mạng sống”. Thẩm định vẫn còn khó …
Để Kết, có trải qua những cuộc bể dâu, mới gặp những điều trông thấy mà xâu xé lòng, bởi nhiều thách đố mục vụ vừa phức tạp vừa nhạy cảm, cho nên Dân Chúa tại Việt Nam đang hết sức vui mừng và hy vọng, nhờ dịp Năm Thánh này, HĐGM Việt Nam đưa ra những “thẩm định, phân định, và quyết định … chính xác rõ ràng … tránh những cách nói mang tính đại cương hoặc chỉ để cổ võ”, điều này chính các ngài đã đề ra trong Nội quy (xem Nội quy phần III); nhờ đó “cộng đồng Dân Chúa có thể làm mới hình ảnh gia đình Giáo Hội tại Việt Nam bằng những cử chỉ cụ thể, vừa hiệp nhất trong những gì cốt yếu, vừa tự do trong những gì hồ nghi, vừa bác ái đi đôi với sự thật, trong tất cả mọi sự”.
Linh mục Ant. Nguyễn Mạnh Đồng
Giáo phận Cần Thơ