Toàn văn thông điệp của ĐGH Phanxicô gửi COP26

print

Toàn văn thông điệp của ĐGH Phanxicô gửi COP26

Thưa quý ngài,

Khi Hội nghị Glasgow bắt đầu, tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng Hội nghị có nhiệm vụ quan trọng là chứng minh trước toàn thể cộng đồng quốc tế thấy liệu có thực sự tồn tại một ý chí chính trị để cống hiến – với sự trung thực, trách nhiệm và lòng dũng cảm – nguồn nhân lực, tài chính và công nghệ lớn hơn hầu giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn và dễ bị tổn thương nhất bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu không. [1]

Đồng thời, chúng ta nhận thấy rằng nhiệm vụ này phải được thực hiện trong bối cảnh cơn đại dịch gần hai năm đã tàn phá gia đình nhân loại của chúng ta. Covid-19 đã mang đến những bi kịch tàn khốc sau khi xảy ra, nhưng nó cũng dạy chúng ta rằng, nếu chúng ta thành công trong việc vượt qua đại dịch, không có giải pháp nào thay thế: tất cả chúng ta phải đóng một vai trò trong việc ứng phó với thách thức này. Và điều đó, như chúng ta biết, kêu gọi sự đoàn kết bến chặt và hợp tác với tình huynh đệ giữa các dân tộc trên thế giới.

Thế giới của chúng ta sau đại dịch tất yếu sẽ khác với thế giới trước đại dịch. Đó là thế giới mà bây giờ chúng ta phải cùng nhau xây dựng, bắt đầu từ việc nhận ra những sai lầm trong quá khứ.

Có thể nói điều gì đó tương tự được nói về những nỗ lực của chúng ta nhằm giải quyết vấn đề toàn cầu về biến đổi khí hậu. Không có cách thay thế. Chúng ta chỉ có thể đạt được các mục tiêu do Hiệp ước Paris đề ra nếu chúng ta hành động một cách có phối hợp và có trách nhiệm. Những mục tiêu đó đầy tham vọng và không thể trì hoãn được nữa. Hôm nay, nó đánh thức quý vị để đưa ra các quyết định cần thiết.

COP26 có thể và phải đóng góp hiệu quả vào việc tận tâm xây dựng một tương lai trong đó các hành động hàng ngày và các khoản đầu tư kinh tế và tài chính có thể thực sự bảo vệ các điều kiện bảo đảm một cuộc sống nhân văn và phẩm giá cho mọi người hôm nay và ngày mai, trên một hành tinh “lành mạnh.”

Chúng ta thấy mình đang phải đối mặt với một sự thay đổi đánh dấu một thời đại, một thách thức văn hóa đòi hỏi sự cam kết từ phía tất cả mọi người, đặc biệt là những quốc gia sở hữu nhiều phương tiện hơn. Những quốc gia này cần đóng vai trò hàng đầu trong các lĩnh vực tài chính khí hậu, khử cacbon trong hệ thống kinh tế và trong đời sống của người dân, thúc đẩy nền kinh tế xoay vòng, cung cấp hỗ trợ cho những quốc gia dễ bị tổn thương hơn nhằm thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và ứng phó với những mất mát và thiệt hại mà nó đã gây ra.

Về phần mình, Tòa Thánh, như tôi đã phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về tham vọng khí hậu ảo cấp cao vào ngày 12 tháng Mười Hai năm 2020, đã thông qua chiến lược thải CO 2 về mức net-zero hoạt động ở hai cấp độ : 1) cam kết của Thánh Quốc Vatican để đạt được mục tiêu này đến năm 2050; và 2) cam kết của Tòa Thánh trong việc thúc đẩy giáo dục trong hệ sinh thái toàn diện. Chúng ta hoàn toàn nhận thấy rằng các biện pháp chính trị, kỹ thuật và hoạt động cần phải được liên kết với một quá trình giáo dục, nhất là ở giới trẻ, có thể thúc đẩy lối sống mới và ủng hộ một mô hình văn hóa phát triển và bền vững tập trung vào tình huynh đệ và giao ước giữa con người và môi trường tự nhiên. Những cam kết này đã làm nảy sinh hàng nghìn sáng kiến ​​trên toàn thế giới.

Cùng với những tiến trình này, vào ngày 4 tháng Mười vừa qua, tôi đã cùng với một số nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhà khoa học ký Lời kêu gọi chung về COP26. Nhân dịp đó, chúng ta đã lắng nghe tiếng nói của đại diện nhiều tín ngưỡng và truyền thống tâm linh, nhiều nền văn hóa và lĩnh vực khoa học. Những tiếng nói rất khác nhau, với tính nhạy cảm rất khác nhau. Tuy nhiên, điều nổi lên rõ rệt là sự hội tụ đáng chú ý về nhu cầu cấp thiết phải thay đổi hướng đi, một quyết tâm mang tính quyết định để chuyển từ “văn hóa loại trừ” phổ biến trong xã hội của chúng ta sang nền “văn hóa chăm sóc” cho ngôi nhà chung của chúng ta và dân cư của nó, bây giờ và trong tương lai.

Những vết thương do đại dịch Covid-19 gây ra cho gia đình chúng ta và hiện tượng biến đổi khí hậu có thể so sánh với những vết thương do xung đột toàn cầu gây ra. Ngày nay, cũng như hậu quả của Chiến tranh Thế giới II, toàn thể cộng đồng quốc tế cần đặt ưu tiên thực hiện những hành động mang tính tập thể, đoàn kết và nhìn xa trông rộng.

Chúng ta cần cả hy vọng và can đảm. Nhân loại sở hữu tài lực cần thiết để thực hiện sự thay đổi này, vốn đòi hỏi một sự hoán cải thực sự, cá nhân cũng như cộng đồng, và một ý chí kiên quyết để bắt đầu bước trên con đường này. Nó sẽ kéo theo sự chuyển đổi hướng tới một mô hình phát triển toàn diện và hòa nhập hơn, dựa trên sự đoàn kết và trách nhiệm. Một quá trình chuyển đổi cũng phải xem xét nghiêm túc những ảnh hưởng của nó đối với thế giới lao động.

Tương tự như vậy, sự quan tâm đặc biệt cũng phải được thể hiện đối với những dân tộc có thể bị tổn thương nhất, sự liên quan của họ đang có “nợ sinh thái” ngày càng tăng liên quan đến sự mất cân bằng thương mại với những tác động của môi trường và việc sử dụng không cân đối những nguồn tài nguyên thiên nhiên của chính mình và của những quốc gia khác. [2] Không thể phủ nhận điều này.

“Nợ sinh thái” về một mặt nào đó làm nảy sinh vấn đề nợ nước ngoài, gánh nặng thường cản trở sự phát triển của các dân tộc. [3] Thế giới hậu đại dịch có thể và phải được bắt đầu lại từ việc xem xét tất cả các khía cạnh này, cùng với việc thiết lập những thủ tục được đàm phán cẩn thận để xóa nợ nước ngoài, gắn với tái cơ cấu kinh tế bền vững hơn và công bằng hơn nhằm đáp ứng tình trạng khẩn cấp về khí hậu. “Các quốc gia phát triển phải giúp trả món nợ sinh thái bằng cách hạn chế đáng kể việc tiêu thụ năng lượng không thể tái sinh và bằng cách giúp đỡ những quốc gia nghèo hơn khuyến khích những chính sách và chương trình phát triển bền vững”. [4] Một sự phát triển mà cuối cùng, mọi người đều có thể tham gia.

Buồn thay, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta còn bao xa để đạt được các mục tiêu đề ra về giải quyết biến đổi khí hậu. Chúng ta cần phải trung thực: điều này không thể tiếp tục được sao! Ngay cả khi chúng ta đang chuẩn bị cho COP26, ngày càng thấy rõ rằng không cón thời gian để lãng phí. Biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta đang phải chịu đựng cuộc khủng hoảng khí hậu này. Cuộc sống của vô số người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, họ đã phải trải qua những tác động ngày càng thường xuyên và tàn khốc của nó. Đồng thời, chúng ta nhận ra rằng nó cũng liên quan đến cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em và trong tương lai gần, những người di cư vì môi trường sẽ nhiều hơn những người tị nạn do chiến tranh và xung đột. Bây giờ là lúc phải hành động, khẩn trương, can đảm và có trách nhiệm. Không kém phần quan trọng, để chuẩn bị cho một tương lai trong đó gia đình nhân loại của chúng ta sẽ có vị trí để chăm sóc cho chính mình và cho môi trường tự nhiên.

Những người trẻ, những người trong những năm gần đây đã thúc giục chúng ta hành động kiên quyết, duy nhất sẽ thừa hưởng hành tinh mà chúng ta chọn để lại cho họ, dựa trên những lựa chọn cụ thể mà chúng ta đưa ra ngày hôm nay. Bây giờ là thời điểm cho những quyết định có thể cung cấp cho họ lý do để hy vọng và tin tưởng vào tương lai.

Tôi đã hy vọng được trực tiếp tham gia cùng quý vị, nhưng tiếc là không thể. Tôi đồng hành với quý vị, tuy nhiên, với lời cầu nguyện của tôi khi quý vị đưa ra những quyết định quan trọng này.

Thưa ngài chủ tịch, xin nhận nơi đây lời chào thân ái và lời chúc tốt đẹp của tôi.

Vatican, 29 tháng Mười năm 2021

FRANCIS

Jos. Tú Nạc, Nguyễn Minh Sơn chuyển ngữ