Chúa lên thuyền cuộc đời chúng ta và mời chúng ta ra khơi
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay đưa chúng ta đến bờ hồ Galilê. Đám đông vây quanh Chúa Giê-su trong khi một số ngư phủ thất vọng, trong đó có Si-môn Phêrô, đang giặt lưới sau một đêm đánh cá thất bại. Và Chúa Giêsu đã vào thuyền của Si-môn; rồi Người mời ông ra chỗ nước sâu và thả lưới lại (x. Lc 5,1-4). Chúng ta hãy dừng lại ở hai hành động này của Chúa Giêsu: trước tiên Người lên thuyền và kế đến, Người mời ra chỗ nước sâu. Dù đã trải qua một đêm chẳng được gì, nhưng Phêrô đã tin tưởng và ra chỗ nước sâu.
Trước hết, Chúa Giê-su lên thuyền của Si-môn. Để làm gì? Để giảng dạy. Người xin lên chiếc thuyền, không phải chiếc thuyền đầy cá mà là chiếc thuyền trở về trống trơn, sau một đêm vất vả và thất vọng. Đó là một hình ảnh đẹp đối với chúng ta. Mỗi ngày, con thuyền cuộc sống của chúng ta cũng rời bờ để ra biển các hoạt động thường ngày; Mỗi ngày chúng ta cố gắng “đánh bắt xa bờ”, nuôi dưỡng ước mơ, thực hiện các dự án, sống tình yêu trong các mối tương quan của chúng ta. Nhưng thường, giống như Phêrô, chúng ta chứng kiến “suốt đêm trắng lưới”, thất vọng vì làm việc chăm chỉ mà không thấy kết quả như mong đợi: “Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì” (câu 5). Chúng ta thường ở lại với cảm giác thất bại, trong khi tâm hồn thì sinh ra thất vọng và cay đắng; hai nỗi thống khổ hết sức nguy hiểm.
Rồi Chúa làm gì? Người chọn lên thuyền của chúng ta. Từ đó Người muốn loan báo Tin Mừng. Chính chiếc thuyền trống rỗng đó, biểu tượng cho sự bất lực của chúng ta, trở thành “ngai toà” của Chúa Giêsu, thành bục giảng mà từ đó Người công bố Lời. Đây là điều mà Chúa yêu thích làm: Chúa là Chúa của sự ngạc nhiên, của những phép lạ trong sự ngạc nhiên, Chúa bước vào con thuyền của cuộc đời chúng ta khi chúng ta không có gì để dâng Người; bước vào khoảng trống của chúng ta và lấp đầy chúng với sự hiện diện của Người; dùng sự nghèo khó của chúng ta để loan báo sự giàu có của Người, sự khốn khổ của chúng ta để loan báo lòng thương xót của Người. Chúng ta hãy nhớ điều này: Thiên Chúa không muốn một con tàu du lịch, nhưng một con thuyền tồi tàn “ọp ẹp” là đủ cho Người, miễn là chúng ta chào đón Người. Nhưng tôi tự hỏi, liệu chúng ta có để Người bước lên con thuyền cuộc đời mình không? Chúng ta có dành cho Người chút ít chúng ta có không? Đôi khi chúng ta cảm thấy không xứng đáng với Người vì chúng ta là tội nhân. Nhưng đây là một lối biện minh mà Chúa không thích, vì nó đẩy chúng ta ra xa Người! Người là Thiên Chúa của sự gần gũi, của lòng cảm thương, của sự dịu dàng. Người không tìm kiếm chủ nghĩa hoàn hảo, nhưng tìm sự chào đón. Người cũng nói với bạn: “Hãy để Ta bước vào con thuyền cuộc đời của con, như nó là”.
Như vậy Chúa đã xây dựng lại sự tin cậy của Phêrô. Khi đã lên thuyền, sau khi rao giảng, Người nói với ông: “Hãy ra chỗ nước sâu” (câu 4). Đó không phải là thời điểm thích hợp để đánh cá, trời đã sáng, nhưng Phêrô đã tin cậy Chúa Giê-su, điều đó không dựa trên chiến lược của những thợ đánh cá, những điều mà ông biết rõ, nhưng dựa vào sự mới lạ của Chúa Giê-su. Chúng ta cũng vậy: nếu chúng ta đón Chúa vào thuyền của chúng ta, chúng ta có thể ra chỗ nước sâu. Với Chúa Giêsu, chúng ta chèo thuyền trong biển đời mà không sợ hãi, không thất vọng khi không đánh bắt được gì và cũng không đầu hàng vì “không còn làm được gì nữa”. Trong cuộc sống cá nhân cũng như trong đời sống của Giáo hội và xã hội, luôn luôn có một điều gì đó cao đẹp và can đảm còn có thể làm được. Chúng ta luôn có thể bắt đầu lại, Chúa luôn mời gọi chúng ta quay trở lại sân chơi bởi vì Người mở ra những khả thể mới. Vì vậy, chúng ta hãy đón nhận lời mời: chúng ta hãy xua đuổi sự bi quan và ngờ vực, để ra khơi với Chúa Giêsu! Rồi chiếc thuyền nhỏ trống rỗng của chúng ta cũng sẽ chứng kiến một mẻ cá kỳ diệu.
Chúng ta hãy cầu xin với Mẹ Maria: một cách khác biệt, Mẹ đã đón Chúa vào thuyền cuộc đời, xin Mẹ khích lệ chúng ta và cầu bầu cho chúng ta.