Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 3 Mùa Chay

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 3 Mùa Chay

CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY.

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY

Lc 13,1-9

A. Hạt giống…

Ý chính của đoạn Tin Mừng này là kêu gọi sám hối :

– cc 1-5 : người Do thái thời Chúa Giêsu quen nghĩ “ác giả ác báo”. Trước hai tai nạn đột ngột làm chết nhiều người, họ kết luận ngay rằng những nạn nhân ấy là “ác giả” cho nên bị “ác báo”. Chúa Giêsu khuyên đừng hồ đồ suy đoán về người khác những mỗi người hãy coi các tai nạn đó là tiếng nhắc nhở hãy xét lại lương tâm mình để lo sám hối.

– cc 6-9 : Qua dụ ngôn cây vả không sinh trái, Chúa Giêsu bảo mỗi người hãy tận dùng thời gian gia hạn mà Thiên Chúa đã ban cho mình để sớm lo sám hối.

B… nảy mầm.

  1. “Hãy sám hối”, đó là câu nói được khẩn thiết kêu gọi rất nhiều lần bởi Gioan Tiền Hô, bởi Chúa Giêsu, bởi các tông đồ và bởi Giáo Hội. Tại sao ? Vì con người luôn đi lệch đường. Sám hối là nhận ra mình đang lệch đường và mau mắn quay về đường chính.
  2. “Tôi sẽ vun xới, bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái. Nếu không ông sẽ chặt nó đi”. Hôm nay, tôi dám nói câu này với Chúa không ?
  3. Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ : “Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết các ngươi hãy suy nghĩ. Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu”. Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy : Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng : không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn. (Tonne)
  4. “Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy”.

“Sám hối”. Vâng, tôi đã hơn một lần sám hối, thế mà cuộc đời tôi vẫn thế. Và hôm nay Chúa lại mời gọi tôi sám hối, mời gọi tôi hãy làm cuộc cách mạng tận căn mà lấy Lời Chúa làm chuẩn mực, một cuộc cách mạng dựa trên nền tảng của tình yêu thương, không đố kỵ, không ghen ghét, để nơi con có được tình yêu mà Chúa đã đem đến nơi thế gian này.

 Lạy Chúa, xin giúp con sám hối, xin biến đổi tâm hồn con, để mọi việc con làm, mọi điều con suy nghĩ đều dựa trên tình yêu. (Hosanna)

Thứ Hai :

2 V 5,1-15a ; Lc 4,24-30

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc I kể chuyện ngôn sứ Êlisê chữa bệnh cùi cho Naaman một người ngoại đạo.
  2. Bài Tin Mừng cũng nhắc lại câu chuyện trên và còn nhắc thêm chuyện ngôn sứ Êlia giúp cho một bà góa – cũng ngoại đạo- ở xứ Sarépta khỏi đói trong thời kỳ hạn hán.
  3. Như thế, Lời Chúa hôm nay muốn nói rằng Chúa không thiên vị ai, Ngài ban ơn cho tất cả mọi người, cho dù người ngoại nhưng nếu tin vào Chúa thì Ngài cũng ban ơn. Còn kẻ có đạo nhưng không tin thật thì không đáng lãnh nhận ơn Ngài.

B…. nẩy mầm.

  1. Vì kiêu căng, ban đầu, tướng Naaman không chịu đến với một ngôn sứ xứ Israel nhỏ bé. Cũng vì kiêu căng, ông không chịu đi tắm ở sông Giođan nhỏ bé. Nhưng sau đó, nhờ khiêm tốn nghe theo lời khuyên của những người đầy tớ nên ông đã chịu đến với Êlisê và đã được khỏi bệnh cùi. Câu chuyện này cho thấy nét tương phản rõ rệt và hậu quả khác nhau giữa kiêu căng và khiêm tốn.
  2. Đối với những người đồng hương ở Nadarét, Chúa Giêsu ưu ái nhưng không thiên vị. Ưu ái và thiên vị khác nhau. Vì ưu ái họ nên Chúa chọn Nadarét làm nơi Ngài công bố chương trình cứu độ của Ngài, vì ưu ái họ nên Chúa muốn ban cho họ ơn lớn nhất là đức tin. Nhưng Chúa không thiên vị : nếu họ không tin thì Ngài không làm phép lạ cho họ.
  3. Có lẽ mãi đến thời nay nhiều người vẫn còn nghĩ cách hẹp hòi là Thiên Chúa chỉ thương những người “có đạo”, còn “kẻ ngoại” thì bị bỏ ra rìa. Thực ra Thiên Chúa là Thiên Chúa của tất cả mọi người. Ngày nay vẫn có những người như bà góa xứ Sarépta và tướng quân Naaman được Chúa thương đến. Còn những người có đạo cũng có thể giống như dân làng Nadarét, bị “Chúa tiến qua giữa họ mà bỏ đi”.
  4. Kết thúc không đẹp của câu chuyện Tin Mừng hôm nay là do những người làng Nadarét có thái độ chỉ muốn thu vào mà không biết mở ra. Nói rõ hơn : họ chỉ chờ được ban ơn, không biết mở rộng cõi lòng để tin Chúa Giêsu, cũng không nghĩ đến dân ngoại đàng cần ơn cứu độ.
  5. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Ba :

Đn 3,25.34-43 ; Mt 18,21-35

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc Cựu Ước trích lời cầu xin của Adaria. Khi đó dân do thái đang bị lưu đày bên Babylon. Họ biết họ đang khổ sở là vì tội họ đã phạm trước kia. Adaria xin Chúa tha tội cho dân. Nhưng hiện nay trong hoàn cảnh bị lưu đày, dân chẳng có lễ vật dâng lên Chúa để đền tội như luật định, cho nên Adaria chỉ biết kêu xin đến tình thương của Chúa : “Lạy Chúa, vì lòng từ bi sung mãn của Chúa, xin làm những việc lạ lùng mà cứu thoát chúng tôi”.
  2. Dụ ngôn trong bài Tin Mừng cũng nói đến sự tha thứ của Thiên Chúa, nhưng lưu ý vài khía cạnh quan trọng :

– Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ chúng ta cho dù tội chúng ta xúc phạm đến Ngài rất nhiều (như ông quan thiếu nợ ông vua một ngàn nén bạc). Ta không thể nào đền tội cho đủ (ông quan không có gì để trả chỉ biết nài xin. Và ông vua tha chỉ vì “động lòng thương”).

– Nhưng chúng ta cũng phải rộng lòng tha thứ cho anh chị em chúng ta. Nếu không thì Chúa sẽ rút lại sự tha thứ của Ngài đối với chúng ta.

– Dụ ngôn còn khuyên ta chớ ngu dại vì không chịu tha cho anh chị em một trăm đồng bạc để không được Chúa tha cho ta mười ngàn nén bạc và còn phải “trao cho lý hình hành hạ cho đến khi trả hết nợ”.

B…. nẩy mầm.

  1. Muốn tha thứ thì chỉ nên nghĩ đến tình chứ không nghĩ đến lý, cũng không tính theo lẽ công bằng. Để cầu xin ơn tha thứ cho dân, Adaria không dám kể đến những lễ vật dâng cho Chúa, mà chỉ dám nói “Xin hãy đối xử với chúng con theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của Chúa”. Ông vua trong dụ ngôn Tin Mừng tha thứ cũng chỉ vì “động lòng thương”.
  2. Sau khi nói đến ông vua phạt người đầy tớ không chịu tha cho bạn mình, Chúa Giêsu kết luận “Cha trên trời cũng sẽ đối xử với các con đúng như thế nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Ta đừng coi đây chỉ là một lời hăm dọa suông, mà hãy coi đây là một sự thật.
  3. Một trong những việc cần làm ngay trong Mùa Chay là hãy duyệt lại những mối tương giao của mình với người khác. Nếu thấy có bất hoà, xung khắc hoặc nghịch với ai thì phải lo giải quyết cho xong.
  4. Liền sau thế chiến II chấm dứt, Coritanbun với những vết sẹo trên thân thể, tàn tích của những khổ hình Bà phải chịu trong trại tập trung Đức quốc xã, đã đi khắp Âu châu rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình.

Thế nhưng vào một Chúa nhựt nọ, sau khi kêu gọi mọi người hãy tha thứ cho nhau trong một nhà thờ của thành phố Munich, bước ra ngoài Bà bất ngờ đối diện với một khuôn mặt quen thuộc. Đó là dung mạo của người lính đã hành hạ bà và hàng ngàn nữ tù nhân khác trong trại tập trung. Những tiếng than khóc, những cảnh tra tấn, rồi những tiếng kêu trả thù nổi dậy mạnh mẽ trong tâm trí Bà.

Lúc đó người đàn ông tiến lại khiêm tốn đưa tay ra vừa muốn bắt tay bà vừa nói : “Thưa Bà, tôi rất cảm ơn những lời tốt đẹp của Bà kêu gọi sự tha thứ. Xin Bà tha thứ cho tôi”. Bà Coritanbun như chết điếng người, vì trước đây bà đã cầu nguyện và quyết tha thứ thật sự, nhưng giờ đây đối diện với con người cụ thể đã tra tấn mình, bà đứng lặng im, tay không thể nào bắt tay người đến xin bà tha thứ.

Sau này vào năm 1971 khi kể lại biến cố ấy trong tập sách ”Nơi ẩn trốn”, bà đã cho biết ”Trong giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố gắng dâng lên Chúa lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho  người đã hành khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”. Và chính trong lúc đó Bà đã hiểu rằng con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi nhìn nhận tình yêu thương và sự tha thứ của Thiên Chúa. (Trích ”Món quà giáng sinh”)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Tư :

Đnl 4,1.5-9 ; Mt 5,17-19

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc Cựu Ước : Trước khi dân Israel vào Đất hứa, Môsê đọc cho dân nghe các lề luật Chúa. Ông căn dặn dân phải nhớ tuân giữ những điều luật ấy “để được sống và được vào chiếm hữu phần đất (mà Thiên Chúa đã hứa ban)”.
  2. Bài Tin Mừng : Mặc dù Chúa Giêsu đến để lập Luật mới, nhưng Ngài không huỷ bỏ luật cũ : “Ta không đến để huỷ bỏ (luật Môsê), mà để kiện toàn”.
  3. Như thế sứ điệp Lời Chúa hôm nay là bảo chúng ta hãy tuân giữ lề luật, theo tinh thần mới của Tin Mừng.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Lề luật giống như đường rầy giữ cho xe lửa chạy an toàn, hoặc như sợi dây cương giữ cho con ngựa chạy đúng hướng. Bị buộc sống và làm trong khung khổ của lề luật thì hơi khó chịu đấy. Nhưng ta hãy nghĩ đến lý do và mục đích của luật thì sẽ dễ vâng theo hơn. Hơn nữa ai biết giữ luật vì tình yêu thì tất cả sẽ trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô chia xẻ một kinh nghiệm quý giá “Ubi amatur, non laboratur” (khi ta yêu thì ta không cảm thấy nhọc nhằn).
  2. Một điều nữa cần làm ngay trong mùa chay là xét lại cách mình giữ luật : luật Chúa, luật Hội Thánh, luật của cộng đoàn v.v.
  3. Về việc giữ luật, ta cũng có thể liên tưởng tới một lời dạy khác của Chúa Giêsu “Ai trung tín trong việc nhỏ thì sẽ trung tín trong việc lớn” (Lc 161,10).
  4. “Vào một ngày thứ sáu buộc kiêng thịt, có người tín hữu nọ đi ăn quán. Anh biết quán có món cá nhưng trong lòng thì thích ăn thịt. Thế là anh gọi những món cá mà anh biết chủ quan sẽ trả lời là không có. Rồi anh tự nhủ “Lạy Chúa, Chúa biết đấy, con đã làm hết cách để gọi nhiều thứ cá mà chẳng có. Thôi con đành gọi một tô phở tái để ăn trong ngày thứ sáu buộc kiêng thịt vậy”… Nếu không có lòng yêu mến Chúa thật, chúng ta sẽ dễ tạo ra những cách để tự an ủi và chuẩn miễn khỏi phải tuân giữ luật Chúa, hoặc giải thích lời Chúa theo sở thích riêng” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
  5. (những mầm khác)

 

……………………………………………………………

Thứ Năm :

Gr 7,23-28 ; Lc 11,14-23

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc Cựu Ước nói đến sự cứng đầu cứng cổ của dân Israel : Thiên Chúa dẫn đường chỉ lối cho dân để họ được hạnh phúc. Thế nhưng họ đã chẳng nghe theo. Thiên Chúa lại sai các ngôn sứ đến nhắc nhở họ. Nhưng họ vẫn không nghe.
  2. Thời Chúa Giêsu, thái độ ngoan cố ấy vẫn tiếp tục : khi Chúa Giêsu làm phép lạ trục xuất quỷ câm khỏi người bị nó ám, lẽ ra người ta phải hiểu đó là dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đã đến. Nhưng những người biệt phái lại không muốn hiểu như vậy, họ còn cố tình xuyên tạc rằng Ngài đã dùng thế lực của quỷ vương để trừ quỷ nhỏ. Tin Mừng Mát-thêu (Mt 12,22-32) coi đây là tội chống Thánh Thần và là tội duy nhất không được tha. Bởi vì nếu do yếu đuối hay sai lầm mà phạm tội thì dù tội có nặng hay nhiều đến đâu đi nữa Thiên Chúa vẫn rộng lượng tha thứ. Còn kẻ ngoan cố đã thấy sự thật nhưng cố tình không nhìn nhận, lại còn xuyên tạc cho nên họ không được tha. Nói đúng ra, họ không được tha vì họ không muốn được tha.

B…. nẩy mầm.

  1. Tội ngoan cố là tuy thấy rõ con đường Chúa chỉ dạy nhưng vẫn cố tình không đi theo, tuy thấy rõ sai lầm của mình nhưng vẫn cố tình không chịu sửa. Người ngoan cố kể như “hết thuốc chữa”. Bởi vậy Chúa Giêsu nói đó là tội chống Thánh Thần và là tội duy nhất Thiên Chúa không tha. Chúa sẵn sàng tha nếu ta yếu duối, Chúa sẵn sàng tha nếu ta sai lầm. Nhưng Chúa không tha nếu ta ngoan cố.
  2. Ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần rất hữu ích và quan trọng. Nhưng có lẽ quan trọng hơn nữa là con người có nghe theo ơn soi sáng đó hay không. Hằng ngày, Chúa Thánh Thần ban cho ta biết bao ơn soi sáng, nhưng ta nghe theo được mấy lần ?
  3. Nguỵ biện là thấy rõ sự thật nhưng cố ý giải thích sai đi cho hợp với sở thích. Người nguỵ biện tưởng rằng nhờ ngụy biện mình sẽ được sống thoải mái, nhưng thực ra họ tự hại chính mình. Chúa Giêsu đã nói “Sự thật mới giải thoát”.
  4. Một cô gái biện hộ cho việc mình đến những nơi giải trí khả nghi : “Tôi nghĩ một người công giáo có thể đi bất cứ đâu”.

  Bạn cô đáp : “Tất nhiên, nhưng lời bạn làm tôi nhớ một chuyện : lần đó, tôi và một số người đến thăm một mỏ than. Một cô gái mặc bộ đồ trắng đẹp. Cô hỏi người hướng dẫn :

– Tôi có thể mặc đồ trắng xuống hầm mỏ không ?

– Được, không có gì ngăn cản cô mặc áo trắng xuống đó, nhưng điều đáng ngại là khi trở lại, áo cô không còn trắng nữa (Góp nhặt).

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Sáu :

Hs 14,2-10 ; Mc 12,28b-34

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc 1 : Ngôn sứ Hôsê kêu gọi hãy trở về với Chúa và đi theo đường lối của Ngài.
  2. Bài Tin Mừng : Chúa Giêsu chỉ cho một luật sĩ thấy điều luật quan trọng nhất là yêu mến Chúa ; điều thứ hai yêu mến tha nhân.
  3. Như thế, trở về với Chúa là trở về với tình yêu. Sống tình yêu đối vá Chúa và tha nhân là một cuộc sống tốt đẹp và làm hài lòng Chúa nhất, “hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ hy sinh”

B…. nẩy mầm.

  1. Tội là xa rời tình yêu.

– Tuân giữ mọi giới luật nhưng không yêu thương thì cũng là đi lạc

– Dâng nhiều lễ vật mà không có tình yêu thì cũng là đi lạc

– Huống chi trong lòng đang chất chứa giận ghét thù hằn

  1. Trở về với Chúa là trở về với tình yêu. Sự trở về đúng mức phải là :

– Yêu Chúa tới mức độ “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”

– Yêu tha nhân tới mức độ “như chính mình”.

  1. Lạy Chúa, không nhiều thì ít con đã đi lạc xa tình yêu. Hôm nay con muốn quay về với tình yêu, yêu Chúa và yêu người.
  2. “Bác ái là sinh ngữ số một mà thánh Phaolô cho là cao trọng hơn tiếng nói của lòi người và của thiên thần, là ngôn ngữ độc nhất sẽ tồn tại trên thiên đàng” (Đường hy vọng)
  3. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Bảy :

Hs 6,1-6 ; Lc 18,9-14

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc 1 : Ngôn sứ Hôsê đã để lại cho hậu thế một câu nói lừng danh “Ta muốn tình yêu chứ không muốn hy lễ”.
  2. Bài Tin Mừng : Hai người lên đền thờ cầu nguyện là hai hình ảnh minh họa cho câu nói trên của Hôsê :

‑ Người biệt phái : anh có rất nhiều lễ vật dâng lên Chúa nhưng thiếu tình yêu. Thứ nhất là anh không yêu người khác (“tôi không như các người khác, hay là như tên thu thuế kia”) ; thứ hai là anh cũng không yêu Chúa : anh giữ luật và làm nhiều việc lành chỉ để chứng tỏ cho Chúa biết anh là người đàng hoàng và do đó Chúa phải yêu thương anh, ban thưởng anh.

– Người thu thuế : anh chẳng có lễ vật gì dâng lên Chúa mà chỉ có tình yêu. Tình yêu của anh không nồng nàn thắm thiết mà chỉ là một tình yêu muộn màn của đứa con tội lỗi quay về với một tấm lòng tan nát, một trái tim đang kêu gọi tình thương xót của Chúa (“Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội”)

B…. nẩy mầm.

Lời Chúa hôm nay rất dịu dàng, kêu gọi chúng ta tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa, kêu mời chúng ta dâng lên Ngài những tội lỗi và yếu đuối của chúng ta :

  1. Lời của một bản thánh ca : con chẳng có gì dâng lên Chúa hôm nay…
  2. Một đêm giáng sinh nọ, Thánh Giêrônimô đang quỳ bên máng cỏ để suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người thì bỗng Chúa Hài Đồng hiện ra trong vầng sáng chói loà. Ngài hỏi thánh nhân :

– Giêrônimô, con có gì làm quà cho Ta trong ngày Ta giáng sinh không ? 

– Lạy Chúa Hài Đồng, thánh nhân đáp, con xin dâng Chúa trái tim của con. 

– Được lắm, nhưng còn gì khác nữa không ? 

– Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và tất cả những gì con có thể.

– Con còn điều gì khác nữa không ?

– Con có điều gì khác để dâng Chúa nữa đâu. Thánh nhân khẩn khoản thưa.

Chúa Hài Đồng bảo : 

– Này Giêrônimô, hãy dâng cho ta cả những tội lỗi của con nữa.

– Ô lạy Chúa, Thánh nhân hốt hoảng hỏi lại, làm sao con dâng cho Chúa tội lỗi của con được ? 

– Được chứ ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi. 

Nghe thế, thánh nhân bật khóc vì sung sướng. (Trích ”Món quà giáng sinh”)

  1. Người Hồi giáo có chuyện sau đây : Ngày kia Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng mấy. Ngài bảo : “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian.”

 Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm nang về trời. Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói : “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn.”

Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp 4 phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, Ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt. Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ  thần, người ấy giải thích : “Tôi đã chìu theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”. Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói : “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật dưới trần gian  không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu. (Trích ”Món quà giáng sinh”)

  1. (những mầm khác)