Dạy Em Ngoan Đạo – Abbé G. Courtois: Thuật nói với trẻ em

print

Thuật nói với trẻ em

Nói với trẻ em phải đơn sơ, không tìm văn chương lợi khẩu.

Từ ngữ của trẻ em rất hạn hữu, nên chỉ dùng từ ngữ các em có thể hiểu được. Gặp từ ngữ mới lạ, phải giải thích.

Phải sống động.

Thay vì đổi giọng nói: nói bằng nét mặt, bằng cử điệu cũng như bằng đôi môi.

Luôn tránh kiểu nói lố bịch buông thả. Nó sẽ giảm sự trân trọng phải có đối với lời bạn và con người của bạn.

Đừng quên rằng trẻ em nghe bằng mắt cũng như nghe bằng tai.

Nhìn thẳng vào các em thính giả: mắt trong mắt. Nên đứng nơi nào để nhìn rõ các em và các em nhìn rõ bạn. Đứng cách hàng đầu chừng mấy thước, không vậy các em sẽ mỏi cổ, không nhìn lên bạn lâu được. Các em cúi mặt xuống, tức là không còn nghe bạn nữa.

Nếu các em quay lưng ngang, lí lắc thì lỗi ấy tại bạn nhiều hơn tại các em. Vì nó chứng tỏ bạn chưa gây hứng thú được cho các em.

Không giảm nhẹ những gì bạn muốn nói: các em có thể lãnh hội và nhận định sắc bén hơn ta tưởng. Nhưng với điều kiện là phải trình bày rõ ràng bằng ngôn từ các em biết và hiểu được.

Khi nói về việc đạo, bạn còn lý do nữa để tin tưởng, đó là tin Chúa, các em đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội.

Nên nhớ rằng trẻ em luôn căn cứ vào lời ta nói cho các em.

Thỉnh thoảng nên cắt quãng để cho tất cả các em nhắc lại một câu nào ngắn mà bạn cho là quan trọng.

Trẻ em cùng lúc không thể thâu nhận được nhiều tư tưởng trừu tượng.

Một ý được nhắc lại bằng nhiều cách khác nhau, được diễn tả bằng một việc cụ thể, rồi từ đó rút ra một kết luận thực hành. Nếu lại được điểm thêm một hai chuyện thiết thực, sẽ có hiệu quả chắc chắn nơi các em hơn một bài giảng lưu loát.

Kêu gọi các em chú ý là tốt. Làm thế nào cho các em chú ý còn tốt hơn. Nhà giáo dục đầy kinh nghiệm có tài làm các em tự tình chú ý.

Muốn gợi sự chú ý nơi các em, luôn khởi đầu bằng một câu chuyện nhỏ. Câu chuyện càng gần gũi các em, càng có sức thu hút sự chú ý của các em.

Để được linh hoạt giữa các em, đừng bao giờ diễn giảng một bài đã thuộc lòng. Giá nào cũng tập cho quen ứng biến, hoặc ứng biến đã trù bị sẵn.

Khi người ta đã tín phục một tư tưởng, đã thấu đáo và nhập nhiễm tư tưởng ấy. Và nhất là khi người ta si mê, đồng thời cũng muốn người khác si mê tư tưởng ấy, thì làm sao lại không tìm ra được những từ ngữ thích đáng để truyền đạt, chia sẻ và làm cho họ hứng thú.

Ráng cập nhật hoá đường lối giáo dục của bạn. Ứng dụng tất cả mọi bước tiến của khoa sư phạm hiện đại. Làm thế nào cho các điều bạn dạy đi vào đời sống các em, chứ không chỉ bám sơ qua vào đầu óc, hầu thấm nhiễm tâm hồn các em, khiến các em tự học sống theo cung cách mới.

Thay vì chết mệt trong những bài dạy luân lý trừu tượng, bạn nên kể thêm chuyện Kinh Thánh cả Cựu Ước và Tân Ước. Các vấn đề tín lý và luân lý cần truyền đạt cho các em đều có ở trong tay. Bạn có thể nắm chắc nghe chuyện Kinh Thánh các em cũng hứng thú lắm, ấy là chưa kể đến ơn riêng biệt thường đi kèm với chuyện Kinh Thánh.

Đối với trẻ em, đạo không chỉ là tổng hợp các chân lý trừu tượng phải tin, các giới răn phải giữ, các điều cấm kỵ phải lánh xa, các nghi lễ phải tham dự mà thôi. Song đạo phải thiết thực với trẻ em: đó là sống thân tình với Chúa Giêsu, Đấng biết rõ từng em, yêu thương từng em, và tiếp giúp bạn bè là những người Chúa Giêsu yêu.

Không phải cứ nói với các em: vì mọi nơi mọi đời người ta đều tin sự Chúa hiện hữu, là tức khắc các em tin. Vì có thể ba các em là người không tin, hay sống như người không tin, nên chứng lý nêu trên sẽ không vững.

Tuỳ theo mức độ ta đặt các em tiếp xúc với Chúa Giêsu, sống theo lối sống của Ngài mà đường lối giáo dục của ta được mang danh là Kitô.

Mấy ý tưởng ta cần nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại, là những ý tưởng nền tảng của đức tin như sau:

– Thiên Chúa biết ta, nhìn thấy ta, yêu thương ta từng người một.

– Chính từ Thiên Chúa ta nhận lãnh tất cả những gì làm ta nên hiện hữu. Nên đúng ra ta phải sinh lợi tất cả những ơn đã lãnh nhận cho Chúa và cho tha nhân (vì những gì ta làm cho tha nhân, Chúa kể như làm cho chính Người).

– Chúng ta cần, mà Chúa lại tế nhị làm ra như Chúa cần ta.

– Chúa dựng nên ta không chỉ là những tạo vật, những kẻ tôi đòi, song là bầy con của Người.

– Chúng ta không chỉ là con của ba mẹ mà thôi, song còn là con của Thiên Chúa nữa.

– Kitô hữu không chỉ là người đọc kinh, tham dự thánh lễ, dâng cúng… Song là người trên sân cỏ, ngoài đường phố, cũng như trong nhà thờ, nơi gia đình, ở trường học phải hành động như người của Chúa Kitô.

– Ở trần gian ta không chỉ lo cứu rỗi linh hồn mình, cho mình khỏi lửa đời đời, mà còn phải cộng tác vào việc cứu rỗi toàn thể nhân loại.