Tân Phúc Âm Hóa Lòng Sám Hối – Chương Hai

print

TÂN PHÚC ÂM HÓA LÒNG SÁM HỐI

GIUSE ĐỖ VĂN THỤY, MSV

NHÀ  XUẤT BẢN TÔN GIÁO

CHƯƠNG HAI

KHI NHẬN RA NHỮNG HỒNG ÂN CHÚA BAN

VÀ NHẬN RA NHỮNG TỘI LỖI CỦA MÌNH

SẼ ĐƯA TA ĐẾN TÂM TÌNH BIẾT ƠN

 

  1. Biết ơn và vô ơn.
  2. Biết ơn những gì
  3. Biết ơn những ai
  4. Biết ơn và trả ơn.

 

1. Biết ơn và vô ơn

1.1. Vô ơn: giết chết lòng biết ơn

Thánh I-Nhã, một chàng hiệp sĩ được giáo dục trong một môi trường thượng lưu và sống rất quân tử, đã coi sự vô ơn như cội rễ của mọi thứ tồi tệ. Trong một bức thư đề ngày 18.3.1542 gởi một anh em trong dòng là Simon Rodigues, I-Nhã đã viết: «Nếu người ta suy nghĩ về những điều tốt lành của Thiên Chúa, thì trong những điều lầm lỡ tồi tệ nhất phải kể đến là sự vô ơn với những điều tốt lành đáng trân trọng trước Đấng Tạo Hóa, là Chủ, và trước những tạo vật được dựng nên vì danh thánh vĩnh cửu của Thiên Chúa. Sự vô ơn là chính sự lạnh lùng với những món quà và hồng ân nhận được. Sự vô ơn là nguyên do và là khởi đầu của tội lỗi và mọi điều tồi tệ.» Nhưng nguyên do nào dẫn đến sự vô ơn của con người ?

Khi quan sát cuộc sống thực tế, có thể nhận ra một số điều « giết chết » lòng biết ơn:

– Điều thứ nhất là sự tự cao tự đại. Ai nghĩ rằng, tôi chỉ trở thành người thực sự, khi tự bản thân tôi làm hết mọi chuyện, mà không cần nhờ ai, và vì thế tôi không cần phải cám ơn ai, thì cuộc đời người đó sẽ không có hai từ “biết ơn”.

– Điều thứ hai là sự dĩ nhiên. Trong cuộc đời này mọi sự đều là dĩ nhiên: Dĩ nhiên là tôi phải được hưởng phúc lợi xã hội. Đương nhiên tôi được người khác chú ý. Dĩ nhiên là người kia sẽ tặng tôi một bông hồng. Nếu mọi chuyện đều dĩ nhiên như vậy, thì lòng biết ơn sẽ « không còn chỗ trú ngụ».

– Điều thứ ba là sự tình cờ. Nếu mọi sự đều là tình cờ thì đâu cần biết ơn ai. Vậy thử hỏi xem tôi sinh ra là do sự tình cờ hay do tình yêu của cha mẹ ? Rồi ánh sáng sưởi ấm cuộc đời tôi cũng tình cờ đến hay thế nào?

– Điều thứ bốn phá hủy lòng biết ơn là những đòi hỏi sai lầm và lòng tham vô đáy. Nếu tôi luôn tự nhủ với mình rằng: « Tôi có quyền được sở hữu tất cả và có quyền nhận được mọi sự một cách nhưng không», thì lòng biết ơn đang bị đẩy lui, để nhường chỗ cho lòng tham lam vô đáy. Triết gia người Pháp Pascal Bruckner đã miêu tả con người như là một em bé «vĩ đại» có lòng tham lam không đáy và luôn đòi hỏi xã hội hết điều này đến điều khác. Nếu «em bé vĩ đại» không nhận được điều mình muốn để có cuộc sống sung sướng, thì em sẽ coi mọi người xung quanh là những người có lỗi với nó. Trái lại, Dieter Hildebrandt, một nghệ sỹ người Đức đã nói rằng “thay vì cứ than van rằng, chúng ta không nhận được tất cả những gì chúng ta muốn, thì tốt hơn chúng ta cần ý thức luôn sống biết ơn, hy vọng chúng ta không phải nhận những hậu quả của những hành động và thái độ xấu xa của chúng ta.

Có lẽ chứng kiến quá nhiều sự vô ơn trong xã hội và cuộc sống của con người, nên nhà văn người Nga Fjodor Michailowitsch Dostojewski đã mỉa mai rằng: «Tôi nghĩ rằng, câu định nghĩa hay nhất về con người là : Con người là con vật hai chân vô ơn». Câu định nghĩa này một cách nào không sai. Chúng ta nhớ lại câu chuyện của Chúa Giêsu gặp gỡ mười người phong cùi. Khi thấy Chúa Giêsu đi vào một làng nọ, họ đã đón Ngài và đã xin Ngài chữa lành. Với tất cả lòng nhân từ Chúa Giêsu đồng ý chữa lành cho họ, và nói họ hãy lên đường đi trình diện với các tư tế. Khi đang ở trên đường, thì cả mười người thấy mình được khỏi, nhưng sau đó chỉ có một người quay lại cám ơn Chúa. Thấy thế, Chúa Giêsu đã lên tiếng: «Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa?»

Không trở lại để tỏ lòng biết ơn, đó là dấu hiệu chỉ ra chín người kia, dù được khỏi nhờ lòng nhân từ của Chúa và lòng tin của mình, nhưng niềm tin của họ vẫn chưa xác thực và còn hời hợt, vì niềm tin của họ không đi đôi với lòng biết ơn Thiên Chúa. Và vì không ý thức biết ơn Thiên Chúa, nên họ cũng không ý thức sống trong tương quan gần gũi với Ngài và với anh chị em. Vâng, người vô ơn là một con người sống trong một hoang đảo. Họ là người cô đơn, người tự xây bức tường thành cao và kiên cố trước bất cứ tương quan nào.[1]

1.2. Biết ơn: một nét đẹp cao quí của con người

Ngược với chín người vô ơn, người biết ơn duy nhất trở lại để gặp Chúa Giêsu và cám ơn Ngài. Lời cám ơn của anh ta kết hiệp với niềm vui sâu sa, và niềm vui đó thúc giục anh ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa. Theo François Bovon, nhà chú giải thánh kinh người Thụy Sĩ, thì thái độ của người biết ơn này giúp cho anh ghi sâu ơn chữa lành vào lòng, làm cho niềm tin của anh vào Chúa được mạnh mẽ và trưởng thành hơn. Vâng, niềm tin trưởng thành luôn đi đôi với lòng biết ơn và lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Hơn nữa, lòng biết ơn cũng giúp cho anh hoán cải hoàn toàn, để giờ đây anh được sống trong tương quan gần gũi với Chúa. Thực vậy, ai học sống biết ơn, thì họ sẽ được chữa lành và mạnh khỏe trở lại. Mạnh khỏe trong thân xác và tinh thần, cũng như “mạnh khỏe” trong tương quan với Thiên Chúa và với mọi người.

Ai luôn sống biết ơn, thì người đó cũng đang sống trong tương quan thân mật với mọi người. Người biết ơn luôn coi trọng người khác và quý những tương quan. Lòng biết ơn là một nhịp cầu để người đến với người. Qua nhịp cầu đó tôi đến với em, và chị đến với anh. Lòng biết ơn làm nảy sinh một bầu khí yêu thương, một tinh thần chung với nhiều cảm thông và sẵn sàng sẻ chia. Và lòng biết ơn giúp cho đời người tránh được những ích kỷ chôn vùi con người trong một ốc đảo vắng bóng hai từ “cám ơn”. Hơn nữa, lòng biết ơn cũng đem lại sức mạnh cho người khác để xây dựng một cuộc sống chân thiện mỹ, như Albert Schweizer nói. Vì thế, một xã hội mà trong đó mọi người đều ý thức sống tinh thần biết ơn nhau, thì xã hội đó sẽ tốt đẹp biết chừng nào.

Ngoài ra, người biết ơn trong sâu thẳm của tâm hồn không bao giờ quên rằng bây giờ tôi là ai và tất cả những gì tôi có hiện nay, đều do bởi ân sủng của Thiên Chúa, và nhờ sự nâng đỡ của cha mẹ và của nhiều anh chị em thân yêu khác. Và khi luôn ý thức sống trong sự biết ơn người khác, thì trong tâm hồn người đó bầu khí tươi vui của mùa xuân vĩnh cửu luôn hiện diện, như thi sĩ người Hoa Kỳ Celia Layton Thaxter đã nói. Cũng thế, lòng biết ơn làm cho cả những người nghèo khổ nhất trở nên giàu có, như suy nghĩ của nhà giáo cũng là triết gia người Đức Andreas Tenzer.

Hơn nữa, lòng biết ơn luôn xuất phát từ chính sâu thẳm của tâm hồn. Nói cách khác, lòng biết ơn chính là trí nhớ của con tim. Triết gia người Pháp Gabriel Marcel cũng thấu hiểu giá trị của lòng biết ơn khi ông nói rằng: « Lòng biết ơn là sự tỉnh thức của tâm hồn chống lại tất cả những thế lực có sức mạnh tàn phá. » Và khi tâm hồn càng tỉnh thức và trân trọng cuộc sống, thì hai chữ « cám ơn » không ngớt vang lên.

« Cám ơn » hai tiếng nói rất đơn sơ nhưng chứa đựng một sứ điệp rất cao quý. Sứ điệp của tình Chúa với tôi, của tình người với người, sứ điệp của lòng khiêm nhường và của sự tôn trọng. Chẳng phải là vô lý và vô nghĩa khi từ nhỏ cha mẹ đã dạy con mình hai tiếng cám ơn. Chúng ta thử mường tượng xem một đứa bé lớn lên trong một môi trường không có hai tiếng cám ơn, nơi đó lòng người không rung động trước những hành động cao cả, thì thử hỏi xem em bé đó sẽ trở thành một con người như thế nào? Hai tiếng cám ơn gắn liền với đời sống ấu thơ, nhưng hai từ này cũng gắn bó với người trưởng thành. Người ta có thể đánh giá một con người qua một điều, là người đó có biết cám ơn và có tỏ lộ lòng biết ơn hay không. Vì thế thật là đau đớn khi bị mắng là kẻ vô ơn, là “đồ ăn cháo đá bát”. Và ngược lại cuộc sống đang đẹp sẽ càng đẹp hơn, khi con người mỗi ngày cất lên bài ca tạ ơn.[2]

Trong nhiều nhà thờ của người xứ Cronxwell ở nước Anh, có hai từ đã được khắc lên những vách tường đá, đó là: Think and Thank (Hãy suy nghĩ và cám ơn). Tôi mong ước hai từ đó được treo khắp nơi: trong nhà, trên xe, trong trường học, và nơi làm việc. Chúng sẽ nhắc ta suy nghĩ về những điều mà chúng ta đang có.

Chúng ta thường dễ thốt ra những lời than vãn, dễ bộc lộ sự giận dữ của mình nhưng lại hay ấp úng mỗi khi muốn nói lời cảm ơn một người nào đó. Đó là do chúng ta đã quen phàn nàn và không vừa lòng về tất cả những điều mà chúng ta gặp phải. Nếu chúng ta vượt qua được lối suy nghĩ đó, thì chỉ một lời nói cũng làm cho chúng ta và người mà ta đang cám ơn đều cảm thấy vui và thoải mái. Hãy nhớ rằng, chỉ trong một khoảnh khắc, chúng ta có thể làm nên một ngày thật tuyệt vời cho người khác và cho chính mình đơn giản chỉ bằng cách thể hiện lòng biết ơn của chúng ta.[3]

 

 

1.3. Lòng biết ơn là giá trị nền tảng nhất của cuộc sống

Lòng biết ơn là giá trị nền tảng nhất của cuộc sống, bởi vì nó nhắc nhở cho con người về chân lý nền tảng của cuộc sống, đó là sự sống không tự nhiên mà có. Tôi không tự mình mà hiện hữu, tôi không tự mình mà nên người, tôi không thể sống mà không cùng sống với người khác, tôi không thể hạnh phúc mà không cần nhờ đến người khác. Nếu tôi là con người có suy nghĩ, tôi sẽ không thoát khỏi câu hỏi: tôi bởi đâu mà ra? Và nếu tôi là người thành tâm đi tìm giải đáp cho vấn đề nhân sinh, thì cuối cùng tôi sẽ thấy rằng tôi không thể làm một con người biết ơn mà lại có thể là một người vô thần.[4]

Quả thật, hạnh phúc không phải là được ăn sơn hào hải vị, hút thuốc thơm, mặc quần áo đắt tiền, sống trong biệt thự sang trọng, lái xe thời thượng, tiền tiêu không hết hay có điều kiện đi du lịch nước ngoài… Sự quan tâm của cha mẹ, một nỗi lo lắng của người vợ, một lời chúc của bạn bè trước lúc lên đường; một ánh mắt vỗ về, một lời nói an ủi khi bất đắc chí; một đôi tay dang ra giúp đỡ khi gặp khó khăn, chẳng phải khiến bạn vô cùng cảm động, ấm áp sao? Đấy chính là hạnh phúc.

Không cần phải khổ công tìm kiếm, không cần phải ngày đêm mong ngóng. Hạnh phúc chính là khi bạn cảm thấy thoả mãn trong lòng. Bất luận túi tiền bạn đầy hay cạn, bất luận bạn trẻ trung hay già yếu, chỉ cần chúng ta vui vẻ đón nhận cuộc sống, sẽ cảm nhận được hạnh phúc ở ngay bên cạnh chúng ta.[5]

1.4. Luôn sống thái độ tri ân giúp ta khám phá ra nhiều điều tốt lành trong cuộc sống

Luôn sống với thái độ biết tri ân chính là chìa khóa giúp ta mở cánh cửa mà trong đó, nhiều điều tốt lành của cuộc sống sẽ chờ đón ta. Hãy nhớ, cánh cửa cuộc sống không bao giờ đóng đối với ta.

Mỗi ngày đang đến đều là một cơ hội giúp ta đón nhận những điều kỳ diệu hơn, tốt đẹp hơn. Bất cứ ngày nào trong 365 ngày của một năm cũng đều có thể là một ngày tốt lành cả!

Mỗi ngày bạn hãy viết ra giấy ít nhất năm điều mà bạn thấy biết ơn. Bạn sẽ nhận thấy, danh sách những điều mà bạn phải cám ơn sẽ chẳng bao giờ có dấu chấm hết!

Nếu hôm nay bạn vẫn chưa được như ý, cũng không sao. Vì cơ hội dành cho bạn vẫn còn ở phía trước. Điều quan trọng là trong bạn vẫn còn đó những khát vọng, vẫn còn bầu máu nóng đang lưu thông xuyên suốt mọi huyết mạch của cơ thể.

Hãy biết ơn những gì mà mình đang có, dù đó là những điều nhỏ bé nhất, bình thường nhất.

Hãy cám ơn mọi thành công cũng như những thất bại, những thuận lợi cũng như những khó khăn – tất cả đều nhắc nhở bạn biết rằng mình đã được may mắn như thế nào.

Lòng tri ân của bạn càng sâu sắc bao nhiêu thì bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy những niềm vui của mình càng gia tăng bấy nhiêu.[6]

1.5. Biết ơn sẽ sống tốt hơn

Một nghiên cứu gần đây đã được tiến hành trên ba nhóm đối tượng. Nhóm đầu tiên phải ghi lại số lần nổi giận và thất vọng trong thời gian một tuần; nhóm thứ hai phải ghi lại tất cả những sự kiện đáng nhớ; nhóm thứ ba phải ghi lại năm điều đáng để biết ơn trong cuộc sống của mình. Cuộc thí nghiệm diễn ra trong suốt mười tuần lễ liền. Các đối tượng được chia ra một cách ngẫu nhiên vào ba nhóm. Cuối cùng, những đối tượng được yêu cầu ghi lại lý do để biết ơn cảm thấy tốt hơn về cuộc sống của họ. Họ có những suy nghĩ lạc quan hơn về tương lai, có một sức khoẻ tốt hơn và tin rằng mình đang dần hướng đến mục tiêu. Thái độ biết ơn không chỉ tồn tại trong trạng thái hạnh phúc mà còn tồn tại trong sức khoẻ và sự tiến bộ của mỗi người chúng ta.

Phát hiện này không khiến cho chúng ta phải ngạc nhiên. Những ai có thái độ biết ơn sẽ thừa nhận sự giàu có tâm hồn và khẳng định lại những mối quan hệ. Đây chính là nền tảng của một sức khoẻ tốt. Bất kỳ khi nào một khách hàng của tôi bày tỏ thái độ biết ơn thì tôi biết rằng người ấy đã được chữa lành mọi vết thương. Đối với tôi, đây là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá sức khoẻ của một người nào đó.[7]

2. Biết ơn những gì

2.1. Biết ơn về những điều mình đang có

Johann Kaspar Lavater, triết gia người Thụy Sĩ đã nói rằng: «Mỗi ngày tôi muốn cám ơn về tất cả những gì tôi nhận được, về những gì tôi được phép tận hưởng trước cả vạn người. Luôn luôn sống biết ơn. Đó là đức hạnh đầu tiên tôi cần cố gắng tập.» Và David Steindl-Rast, một tu sĩ Biển Đức, viết trong cuốn sách “Sự chú ý của con tim”: «Từ sáng tới tối, trong từng khoảnh khắc của thời gian, chúng ta nhận được muôn vàn hồng ân. Chúng ta chỉ cần chú ý đến điều đó và lòng biết ơn sẽ từ từ lớn lên trong chúng ta. Nhưng chúng ta có chú ý đến những hồng ân đó không? Đây chính là câu hỏi đặt ra cho chúng ta.»  Câu hỏi này cũng chính là động lực giúp mỗi người ý thức biết ơn và mở lời cám ơn.[8]

Câu chuyện “Ước mơ của ông thợ đẽo đá” kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, có người đàn ông nọ rất ghét công việc của mình. Ông là thợ đẽo đá và phải làm việc suốt ngày với một mức lương còm cõi. Ông ta nghĩ: “Thật là một cuộc sống tồi tệ. Giá mà mình là người giàu có và được nghỉ ngơi suốt ngày!” Ước mơ của ông cháy bỏng đến mức làm động lòng Thượng Đế. Ông bỗng trở nên giàu có và nhanh chóng sở hữu những gì mà mình mong ước: một ngôi nhà đẹp, những món ăn ngon và các trò tiêu khiển thú vị.

Ông cảm thấy rất hạnh phúc, cho đến ngày nọ, khi ông nhìn thấy đức vua đi ngang qua với đám rước đằng sau. Ông ta nghĩ: “Đức vua có quyền lực hơn ta. Giá mà ta trở thành vua thì thật tuyệt vời!” Và như một điều thần kỳ, ông đã trở thành đức vua, người đàn ông quyền lực nhất trần gian. Thật tuyệt vời biết bao! Tất cả mọi người đều phục tùng ông, tất cả đều kính sợ ông. Ông đã hạnh phúc trong một thời gian, nhưng điều đó không kéo dài lâu. Dần dần, nỗi chán chường xuất hiện trong trí óc ông. “Ta muốn có nhiều hơn nữa”, ông nghĩ, “Ta muốn, ta muốn, ta muốn”. Ông ta nhìn thấy mặt trời và nghĩ rằng: “Mặt trời có quyền lực hơn ta. Ta muốn trở thành mặt trời”. Ý nguyện này ngay lập tức được thực hiện.

Ông ta đã trở thành mặt trời, to lớn, mạnh mẽ và sáng chói. Ông kiểm soát toàn bộ trái đất và bầu trời. Không có gì có thể tồn tại nếu thiếu ông. Thật hạnh phúc biết bao! Và cũng thật quan trọng dường nào! Nhưng sau đó, ông nhận thấy những đám mây bên dưới đang che mất tầm nhìn khiến ông không thể nhìn thấy cảnh vật. Mây rất nhẹ và rất linh động. Thay vì mang một hình dạng cố định trên bầu trời, chúng lại có thể thay đổi theo nhiều hình dạng khác nhau. Khi hoàng hôn buông xuống, mây bắt đầu tan ra với những màu sắc vô cùng rực rỡ. Chúng không còn tồn tại nữa và trở nên tự do hoàn toàn. Thật đáng ganh tị làm sao!

Một lần nữa, sự thần kỳ xuất hiện, ông được trở thành mây. Thật tuyệt diệu khi được trôi lững lờ trên không trung, rất linh động và nhẹ nhàng. Ông thích thú trước việc có thể thay đổi hình dạng tuỳ thích, khi thì vừa dày vừa đục, khi thì vừa mỏng vừa trắng, khi thì vừa đẹp vừa lung linh. Nhưng chẳng bao lâu sau, mây cô đặc lại thành nước mưa và rơi xuống một tảng đá.

Thật ấn tượng! Tảng đá này đã nằm đó suốt nhiều thiên niên kỷ, chắc chắn và vô cùng cứng rắn. Giờ đây, từng hạt mưa nhỏ rơi trên đá và chảy vào lòng đất, nơi mà chúng bị hấp thụ và biến mất vĩnh viễn. “Được trở thành một tảng đá thật tuyệt”, ông ta nghĩ.

Ngay lập tức, ông được biến thành một tảng đá. Trong một thời gian ngắn, ông tận hưởng cuộc sống khá thú vị này. Cuối cùng, ông cũng tìm thấy sự ổn định. Giờ đây, ông cảm thấy mình an toàn hơn bao giờ hết. “Xét cho cùng, đây là sự an toàn và ổn định mà mình luôn tìm kiếm. Sẽ chẳng có ai đến đây để lôi mình đi đâu cả”, ông nghĩ. Những hạt mưa rơi xuống mặt đá và bắn tung toé ra bên ngoài. Đó là một thông điệp dễ chịu, một món quà. Mặt trời quan tâm và sưởi ấm cho ông với những tia nắng ấm áp, thật tuyệt vời làm sao. Từng luồng gió mát rượi thổi qua ông, những vì sao dõi theo ông. Ông hầu như đã có tất cả.

Bỗng một hôm, ông nhìn thấy hình ảnh con người xuất hiện ở cuối chân trời. Đó là một người đàn ông, lưng hơi cong và tay thì cầm một chiếc búa lớn: một người thợ đẽo đá. Còn tệ hơn cả những nỗi đau, ông cảm thấy lo lắng vì người này mạnh hơn ông và có thể quyết định số phận của ông. “Ước gì mình biến thành người thợ đẽo đá”, ông nghĩ.

Thế là, ông lại trở về thân phận trước đây, một người thợ đẽo đá.

Sau khi đã trải qua tất cả những vai trò mà mình mong muốn, ông ta quay trở lại với vai trò vốn có của mình. Nhưng lần này, ông cảm thấy rất hạnh phúc. Việc đẽo đá đã trở thành một nghệ thuật. Âm thanh của tiếng búa trở thành âm nhạc, còn sự mệt mỏi vào cuối ngày trở thành một cảm giác thoả mãn vì công việc đã được hoàn thành. Đêm hôm đó, trong giấc ngủ của mình, ông đã mơ thấy một ngôi thánh đường nguy nga được xây dựng nhờ những viên đá của mình. Đối với ông, dường như chẳng có vai trò nào quan trọng hơn vai trò mà ông đang có. Đây là một sự giác ngộ kỳ diệu mà ông biết rằng mình sẽ luôn giữ mãi. Đó chính là lòng biết ơn.[9]

2.2. Biết ơn trong mọi tình huống xấu cũng như tốt

Matthew Henry là một học giả Kinh Thánh lừng danh vào đầu thế kỷ 18. Một ngày kia, ông bị bọn cướp trấn lột và đêm hôm đó, Henry đã ghi xuống cuốn nhật ký của ông như sau: Hãy để cho lòng ta cảm tạ Thượng Đế.

Thứ nhất, bởi vì cho đến bây giờ ta mới bị ăn cướp; trước đây ta chưa bao giờ bị bọn cướp đón đường cả.

Thứ nhì, bởi vì mặc dầu bọn chúng cướp cái ví tiền, nhưng chúng nó không cướp mất mạng sống của ta.

Thứ ba, bởi vì mặc dầu chúng nó cướp sạch những gì ta có trên người lúc đó, nhưng cũng chẳng đáng giá là bao.

Thứ tư, ta là người bị cướp, chứ ta không phải là quân đi ăn cướp.[10]

2.2.1. Biết ơn về những điều may mắn trong cuộc sống

Sáng hôm nay, bạn vẫn còn được thức dậy, vẫn còn được hiện hữu trên cõi đời này. Hãy lắng nghe tiếng chim ríu rít bên khung cửa sổ ngoài kia, hít thở bầu không khí trong lành, ngắm nhìn những tán cây xanh hay những bông hoa nhỏ xinh e ấp trong buổi bình minh rực rỡ.

Và bạn nhận ra mình thật hạnh phúc, bạn thầm cảm ơn cuộc đời đã mang cho bạn những điều may mắn, cho bạn cơ hội để sống, để yêu thương và được yêu thương. Đừng để mãi đến khi đánh mất đi một điều gì đó bạn mới nhận ra giá trị thực sự của nó, bạn nhé![11]

2.2.2. Biết ơn về những rủi ro trong cuộc sống

Paul sắp đi đến bờ vực phá sản. Paul biết rằng anh sắp phải từ bỏ công việc lâu nay mình yêu thích phải đi tìm một công việc khác chẳng hứng thú chút nào. Người yêu sắp cưới của anh sau ba năm nồng thắm cũng chia tay sau những nguyên nhân mà nghĩ đi nghĩ lại anh không biết là do ai. Anh hết sức buồn bã trước tình cảnh thất bại chua cay của cuộc đời mình. Một người bạn giới thiệu anh tham gia buổi nói chuyện về sức mạnh kỳ diệu của con người lúc lâm nguy (một sức mạnh chỉ bộc lộ khi con người ta đối diện với hoàn cảnh éo le nhất, trong tột cùng khó khăn nhất). Qua đó, anh học được rằng một thất bại là một trải nghiệm và đôi khi là một đặc ân. Mọi thứ đều chỉ là nhất thời, sau cơn mưa trời lại sáng. Điều quan trọng là, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không được đầu hàng số phận.

“Chúng ta phải biết cám ơn những thử thách của cuộc sống, bởi chính những gian lao, trở ngại ấy mới giúp ta vượt lên cuộc sống thuận lợi, quen được nuông chiều để khám phá ra sức mạnh vô biên tiềm ẩn của mình” – Chính những lời nói thoạt đầu có vẻ khó nghe này đã gây cho Paul một ấn tượng thật sâu sắc. Anh cảm thấy tự tin, lạc quan hơn. Anh tự nhủ rằng: “Suy cho cùng, mình vẫn còn sức khỏe, vẫn minh mẫn. Mình vẫn có thể còn có cơ hội, vẫn có thể làm việc tốt không có lý do gì mà mình không thể tìm được một công việc yêu thích hay tìm được một người yêu thủy chung ”[12]

 

 

2.2.3. Biết ơn về ngay cả những tình huống tồi tệ nhất

Corrie ten Booms là một tác giả nổi tiếng với những quyển sách hồi ký, kể lại kinh nghiệm che dấu người Do Thái, để rồi sau đó bị Đức Quốc Xã bắt và bị tống giam ở các trại tù tập trung trong Đệ Nhị Thế Chiến. Bà và người chị Betsy bị đưa vào trại tập trung Ravensbruck. Khu vực trại hai người bị giam thật là đông, dơ bẩn và kinh khủng nhất là đầy bọ chét. Một buổi sáng nọ, trong khi bà và người chị thầm giở cuốn Kinh Thánh mà bà giấu được mang theo trong người, thì hai người đọc đến câu trong sách 1Thessalonica nhắc nhở phải tạ ơn Thượng Đế luôn luôn, dầu trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Chị Betsy nhắc: “Nè em Corrie, chúng ta phải tạ ơn Thượng Đế vì khu vực trại tù này và thậm chí về những con bọ chét nữa”.

Bà Corrie liền nói lại: “Không cách nào em có thể cám ơn Ngài vì những con bọ chét kinh khủng này được”. Nhưng vì chị Betsy cứ thuyết phục, nên cuối cùng Corrie miễn cưỡng cùng chị Betsy thầm cám ơn Chúa về khu trại toàn những con bọ chét thật đáng gớm ghê này.

Những tuần lễ sau đó, Corrie và Betsy cảm thấy hình như khu vực trại nơi mình bị giam, dường như sự canh gác được thả lỏng, thậm chí họ dám tổ chức học Kinh Thánh công khai và tổ chức cầu nguyện với nhiều người trong khu vực này. Đây quả thật là nơi trú ẩn an toàn cho họ trong cơn phong ba của cuộc đời. Vài tháng sau đó, họ biết được bọn lính gác không thích bén mảng tới khu vực trại này vì chúng ớn những con bọ chét kinh khủng kia![13]

 

2.3. Biết ơn về những gì tưởng như bình thường nhất

2.3.1. Người mù lại nhắc nhở những người sáng mắt

Một đứa bé trai bị mù, ngồi bên lề đường, với một cái nón đặt gần chân nó. Nó dựng một tấm bảng có ghi như vầy: “Tôi bị mù, xin giúp tôi”. Trong cái nón của nó, lúc đó chỉ có thưa thớt một vài đồng bạc cắc.

Một người đàn ông đi qua. Ông ta thò tay vào túi, lấy ra vài đồng bạc rồi thả vào cái nón. Sau đó, ông với tay lấy cái bảng, xoay mặt sau ra phía trước và ghi một vài chữ lên đó. Ông để tấm bảng lại chỗ cũ để những ai qua lại có thể đọc được hàng chữ mới ông vừa viết lên đó.

Sau đó cái nón của đứa bé mù bắt đầu có nhiều tiền. Bây giờ, có nhiều người hơn hồi sáng cho tiền đứa bé mù này. Buổi chiều hôm ấy, người đàn ông đã đổi hàng chữ trên tấm bảng, quay trở lại tìm đứa bé để xem tình hình ra sao. Đứa bé mù nhận ra bước chân của người đàn ông này và hỏi: “Có phải chính ông đã đổi những hàng chữ trên tấm bảng này? Ông đã viết gì trên tấm bảng vậy?”

Người đàn ông bèn đáp: “Chú chỉ ghi ra sự thật mà thôi. Những gì chú ghi ra trên tấm bảng cũng giống như câu cháu đã ghi, nhưng chỉ theo một cách thức khác thôi”

Người đàn ông đã viết trên tấm bảng như sau: “Hôm nay là một ngày đẹp trời nhưng tôi không thấy được”.

Quý vị và các bạn có nghĩ rằng hàng chữ của đứa bé và hàng chữ của người đàn ông có cùng nói lên một điều không?

Dĩ nhiên, cả hai hàng chữ đều cho người ta biết cậu bé bị mù. Nhưng hàng chữ thứ nhất chỉ nói rằng đứa bé bị mù, vậy thôi. Nhưng hàng chữ thứ hai nói với mọi người rằng họ thật là may mắn bởi vì họ không bị mù. Bây giờ quý vị có còn ngạc nhiên vì sao hàng chữ thứ hai, do người đàn ông viết, gặt hái nhiều kết quả cho cậu bé mù.

2.3.2. Lênh đênh trên biển cả mới thấy nước lã là quí giá

Eddie Rickenbacker, phi công nổi tiếng trong chiến tranh thế giới thứ nhất, một lần bị trôi dạt trên một phao cứu sinh, đói khát trong suốt hai mươi mốt ngày cùng cực và vô vọng giữa biển Thái Bình Dương mênh mông giá lạnh. Anh đã phải đấu tranh giành giật giữa sự sống và cái chết từng giờ và anh đã sống sót qua thử thách kinh khủng đó. Anh đã rút ra trải nghiệm quý báu để động viên mình và bạn bè: “Nếu bạn có đủ nước ngọt để uống và đủ thức ăn để ăn trong một ngày thì bạn đừng bao giờ phàn nàn điều gì khác nữa”.

Eddie nhận ra trong thời gian hai mươi mốt ngày đó, khi cái chết cận kề, anh mới hiểu rằng anh đã may mắn đến dường nào! Thế nhưng một số người lại rất thường hay phàn nàn về những chuyện lặt vặt trong khi người khác lại cám ơn cuộc sống đã cho họ chính điều đó. Vậy có phải là họ thực sự chẳng vui gì với cuộc sống chung quanh hay đó chỉ là do thói quen mà thôi?[14]

2.3.3. Người không có chân và người không có giầy

Một vị vua luôn buồn bã, âu sầu, bèn đi ra ngoài thành tìm người vui vẻ. Vua nhìn thấy một người nông dân rất nghèo đang ca hát bèn hỏi: “Ngươi vui không?”. Nông dân đáp: “Đương nhiên vui”. Nhà vua có chút khó hiểu: “Ngươi nghèo đến thế mà cũng có niềm vui sao?” Nông dân đáp: “Tôi cũng từng vì không có giày mang mà buồn khổ nhưng sau khi gặp được một người không có chân, tôi mới nhận ra mình còn may mắn, hạnh phúc hơn người ấy nhiều”.

Câu chuyện rất ngắn nhưng đã dạy cho chúng ta một đạo lý vô cùng quan trọng, đó chính là: Cuộc sống vui hay buồn là do cách cảm nhận của mỗi người. Đời sống vật chất dư dả hoặc túng thiếu chỉ là tương đối, nếu đứng núi này trông núi nọ, luôn so sánh với bậc phú hào thì đương nhiên là không vui nổi.

Niềm vui không thần bí. Niềm vui không xa xôi. Nó ở ngay bên cạnh chúng ta. Vấn đề then chốt là bạn phải yêu cuộc sống, phải cống hiến, phải cảm thụ![15]

3. Biết ơn những ai

3.1. Biết ơn tất cả những người chung quanh chúng ta

Thi sĩ Lamartine, trong một bài thơ đã kể lại một giấc mơ có nội dung như sau:

Có người thợ giày đến nói với ông: “Từ nay xin ông tự đóng lấy giày mà đi”.

Kế đó, người thợ bánh mì cũng đến nói với ông: “Tôi nghĩ đã đến lúc ông hãy tự làm bánh mì mà ăn”.

Sau đó, người bán thịt cũng lên tiếng: “Tôi cũng nghĩ ông hay nuôi heo giết lấy thịt mà ăn”.

Ngay cả người giúp việc cho ông cũng thưa: “Từ nay xin ông tự dọn bữa, quét nhà, giặt quần áo, tôi xin nghỉ việc”.

Thi sĩ lo sợ toát mồ hôi: “Trời ơi, nếu mọi người đều nghỉ việc thì tôi chết mất”.

Chính lúc đó ông tỉnh giấc, sực nhớ đây chỉ là một giấc chiêm bao ông vô cùng mừng rỡ. Dù sao giấc mơ cũng là một nhắc nhở cho ông rằng tất cả đều là ân nhân của ông, và rằng sống là mắc nợ mọi người.

Nếu tất cả đều là ân nhân và sống là một chuỗi những ơn nghĩa, thì biết ơn và thể hiện lòng biết ơn là một nghĩa vụ hàng đầu trong cuộc sống. Sống mà không hề biết mở miệng để nói lên hai tiếng “cám ơn”, hoặc thể hiện lòng biết ơn là sống như thể mình không hề lệ thuộc người khác, là sống như thể mình chỉ cho đi mà không hề nhận lãnh từ bất cứ người nào.[16]

 

3.2. Biết ơn trời đất, biết ơn con người

Người ta sống ở đời này phải cậy nhờ lẫn nhau, không ai có  thể tự cung cấp cho mình mọi sự cần thiết. Khi còn nhỏ trong gia đình phải nhờ cha mẹ, khi cắp sách đến trường phải nhờ thầy nhờ bạn, khi lớn lên vào đời phải nhờ vào xã hội: người không biết nhờ người biết, người yếu nhờ người khoẻ, bệnh nhân nhờ bác sỹ.

« Cám ơn cha mẹ đã sinh tôi vào cuộc đời, đã nuôi nấng và bao bọc tôi ? Cám ơn anh chị trong gia đình, các thầy cô, các cha và các sơ, các cô chú cùng biết bao người thân yêu đã đón nhận tôi, và đồng hành hướng dẫn cùng dạy dỗ tôi. Cám ơn những người bạn tri kỷ luôn có mặt bên cạnh tôi, lắng nghe, cảm thông và chia sẻ với tôi cả niềm vui cũng như nỗi buồn. Cám ơn tất cả mọi người gần và xa đã cầu nguyện cho tôi, để tôi có thể sống tinh thần dâng hiến và phục vụ.

Do sự cậy nhờ và giúp đỡ nhau như vậy nảy sinh ra tâm tình biết ơn, một đức tính rất cần thiết trong mối quan hệ giữa con người với con người. Vô ơn là triệu chứng một tâm hồn bần tiện, một con người ích kỷ thiếu tư cách. Trái lại, biết ơn là đức tính của con người cao thượng, con người tế nhị. Biết ơn là chất dầu thơm làm cho nét mặt vui hơn, tâm hồn triển nở. Biết ơn là đòi hỏi của mọi người kể cả những người không có học thức. Phương ngôn ta có câu: “Ai ơi uống nước nhớ nguồn – được ăn quả chín nhớ ơn người trồng”, “Ơn ai một chút đừng quên – Nhờ ai một chút để bên dạ này”. Những câu ấy cho thấy dân tộc ta, ông cha ta coi trọng sự biết ơn và lòng nhân nghĩa biết bao ![17]

Cũng xin cám ơn về bầu trời xanh đẹp đẽ, về tiếng hót thánh thót của chú chim trên cành cây xanh. Cám ơn vì hôm nay tôi có một cuộc sống thanh bình, một sức khỏe dồi dào và một cộng đoàn ấm cúng. Cám ơn về không khí trong lành và về vẻ đẹp tuyệt vời của những cành lá đang đổi màu trong mùa thu. Cám ơn vì tôi có một đêm thật ngon giấc, vì tôi lại được bắt đầu một ngày mới, và vì tôi có một công việc để làm.

Cũng xin cám ơn vòng tay của người bạn thân sau những giờ phút tâm sự, về cái bắt tay nhân ái với chính người mà tôi mới tranh luận cách gắt gao. Lời cám ơn cũng xin được thốt lên, vì tôi được khỏe lại sau một cơn bệnh, và vì tôi được phép về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn sau thời gian dài phải xa quê. Và trên hết, lời cám ơn xin gởi đến Thượng Đế trên cao, Đấng mà tôi tin. Vâng, xin cám ơn Ngài về lòng nhân hậu của Ngài sẵn sàng tha thứ khi tôi lỡ lầm và về lời thật dịu êm của Ngài nói với tôi : « Trong đôi mắt Cha con thật là quý giá ».[18]

3.3. Biết ơn Thiên Chúa

Câu chuyện trong Tin Mừng Chúa Giêsu chữa lành cho mười người phong, nhưng chỉ có một người ngoại trở lại cám ơn Chúa.

Thái độ vô ơn của lòng người lạ lùng đến nỗi Chúa Giêsu phải lên tiếng: “Không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này”.

Khi nuối tiếc về cách cư xử vô ơn của chín người bệnh phong được chữa lành, cũng là chính lúc Chúa đề cao lòng biết ơn của người Samari đã được Chúa chữa lành bệnh phong như chín người kia.

Thật trớ trêu, thật ngược ngạo và đáng tiếc, bởi người Samari chỉ là kẻ “ngoại bang”, bị người Do Thái coi khinh, bị cho là kẻ nhơ uế, thì chính người ngoại bang và ô uế ấy lại chân thành biểu lộ lòng biết ơn Thiên Chúa.

Còn chín kẻ “đạo dòng”, luôn tự hào, tự đắc rằng, tôn giáo của mình là tôn giáo “gia truyền” từ cha đến con, từ ông đến cháu, và bản thân suốt đời tôn thờ Thiên Chúa, lại là kẻ bạc tình bạc nghĩa, không có nổi một lời cám ơn, đừng nói chi đến lòng biết ơn.

Thiếu lòng biết ơn, chín người Do Thái đã tự mình đi ra khỏi ơn cứu độ của Chúa.

Đành rằng, cả mười người phong đều có đức tin. Họ tin nơi quyền lực chữa lành của Chúa, vì thế, họ mới kêu xin Chúa chữa lành: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương xót chúng tôi”. Lời kêu xin trong niềm tin tưởng đã có hiệu quả: Họ thoát khỏi bệnh phong cùi.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc lành bệnh thì đồng đều, nhưng hiệu quả của ơn cứu rỗi thì không. Qua việc Chúa chữa bệnh phong cùi, thánh Luca muốn nhấn mạnh và muốn dẫn đưa người ta đến việc được cứu rỗi linh hồn, chứ không phải chỉ là chữa bệnh.

Ơn cứu rỗi không thuộc về cả mười người, nhưng chỉ thuộc về người ngoại Samari, người đã có lòng biết ơn Thiên Chúa. Chúa nói với người ngoại rằng: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”, chứ không phải nói với cả mười người lời ấy.

Tin để được chữa lành nơi thân xác, chỉ mới là một niềm tin khởi điểm. Niềm tin ấy cần phải lớn lên để trở nên cả một đời tin tưởng, một đời sống trọn niềm biết ơn.

Như vậy, bài Tin Mừng dạy rằng, tận đáy tâm hồn ta phải là một đức tin chân thành được diễn tả hết sức sống động, hết sức khiêm tốn, hết sức đơn sơ, hết sức đáng yêu bằng cả một tấm lòng biết ơn và một đời để sống lòng biết ơn ấy.[19]

3.4. Đức Giêsu, một tấm gương tuyệt vời của lòng biết ơn

Chính Chúa Giêsu đã dạy ta bằng chính mẫu gương sống lòng biết ơn của Người: Người đã sống cả một đời trong tâm tình cảm tạ Thiên Chúa. Đời trần thế của Chúa Kitô là bài ca tạ ơn Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là con người mẫu mực của nhân loại, nơi Ngài, Thiên Chúa bày tỏ cho nhân loại biết phải sống thế nào cho đúng với đạo làm người, và một trong những nét nổi bật nhất trong dung mạo của Ngài chính là tâm tình tạ ơn. Cả cuộc sống của Chúa Giêsu là một bài ca tạ ơn liên lỉ dâng lên Thiên Chúa: Ngài tạ ơn Chúa Cha, trước khi hồi sinh Ladarô, Ngài tạ ơn Chúa Cha khi nhân bánh và cá ra nhiều cho hơn 5.000 người ăn. Khi lập bí tích Thánh Thể, Ngài đã cầm bánh và rượu dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, từ đó Thánh Thể mà Giáo Hội không ngừng cử hành có nghĩa là tạ ơn.

Tạ ơn là tâm tình đã lấp đầy những trang của Tin Mừng. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã rất xem trọng lòng biết ơn trong cuộc sống của con người. Chúng ta chỉ cần nhớ lại phép lạ chữa lành 10 người phong cùi nhưng chỉ có một người trở lại ca tụng Thiên Chúa và sấp mình tạ ơn Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không khỏi buồn cho tình người khi Ngài thốt lên: “Há không phải mười người đã được chữa lành sao? Còn chín người kia đâu mà chỉ có người ngoại này?”. Chúa Giêsu vừa ám chỉ đến người Samari vốn bị người Do Thái xem như một người ngoại giáo, vừa xác định tư cách rất tôn giáo của người Samari.

Một người có tư cách là một người biết ơn. Một người có nhân cách thực sự là một người biết thể hiện lòng biết ơn. Và chắc chắn một người có tôn giáo thực sự trước tiên phải là người có lòng biết ơn.[20]

Chúa Giêsu không làm phép lạ để được người ta biết ơn. Nhưng thái độ vô ơn làm cho chính người thọ ơn bị thiệt thòi. Họ chỉ biết dừng lại với niềm hạnh phúc, dừng lại với niềm vui mừng, dừng lại với quà tặng, mà không biết tìm đến chính người tặng quà cho mình.

Chúa Giêsu không cần lòng biết ơn của con người, nhưng Người cần gặp gỡ họ để ban tặng cho họ, không chỉ sự lành bệnh nơi thân xác của họ mà là trao cho họ chính bản thân Người. Ơn ban này quý giá hơn nhiều so với ơn lành bệnh. Quý giá vô cùng, vì đó là ban tặng chính Chúa.

3.5. Biết ơn là nhân đức siêu nhiên

Riêng đối với người Kitô hữu thì biết ơn còn là một nhân đức siêu nhiên liên kết ta với Thiên Chúa một cách thâm sâu hơn bất cứ vị ân nhân nào. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng làm ơn cho ta hơn ai hết và những ơn Chúa ban cho ta nhiều vô kể, kinh Cám Ơn ta đọc nhắc qua mấy ơn căn bản như sau:

“Con cám ơn Đức Chúa Trời là Đấng lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con hư không đời đời, mà lại sinh ra con cho con được làm người”. Đấy là ơn thứ nhất, ơn đầu tiên mở đường cho mọi ơn lành khác Chúa ban cho ta về sau. Có bao giờ ta hỏi mình rằng: Bởi đâu tôi sinh ra làm người, cách đây một trăm năm, trên trái đất này chưa có tôi, và cũng không có gì báo trước tôi sẽ sinh ra, cha mẹ tôi cũng không biết mình sinh ra tôi, các ngài chỉ biết tôi là nam hay nữ khi tôi cất tiếng khóc chào đời. Trước khi sinh ra, tôi là không, tất nhiên cũng không có quyền đòi phải được sinh ra. Vậy, tôi được sinh ra là do lòng thương xót vô điều kiện của Thiên Chúa. Đó là một ơn cao cả Thiên Chúa đã ban cho tôi mà tôi thường quên không nhớ đến.

Thế rồi Kinh Cám Ơn kể tiếp: “Chúa hằng gìn giữ con, hằng che chở con”. Đây là ơn bảo tồn đi liền với ơn sáng tạo. Thực chất ta là hư vô, Thiên Chúa dựng nên ta mới có, và nếu Thiên Chúa không giữ gìn, ta sẽ biến vào hư vô tức thì. Thánh Phaolô nói: “Chúng ta sống, chúng ta hành động và chúng ta hiện hữu trong Chúa”. Như vậy là ở ngoài Chúa, ta sẽ chết, sẽ bất động và không thể tồn tại được.

Thiên Chúa dựng nên ta thật lạ lùng, nhưng Thiên Chúa cứu chuộc ta càng lạ lùng hơn, vì thế trong Kinh Cám Ơn chúng ta đọc tiếp: “Chúa đã cho Ngôi Hai xuống thế làm người chịu chết trên Cây Thánh Giá vì con”. Đây là ơn cao cả nhất gồm tóm mọi ơn lành khác Thiên Chúa có thể ban cho ta. Đây cũng là ơn lạ lùng nhất, vượt quá sức tưởng tượng của loài người. Thánh Gioan nói:  “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài cho thế gian” (Ga 3,16). Thánh Phaolô cũng viết: “Thiên Chúa không dung tha cho chính Con mình, nhưng đã phó nộp Người cho hết thảy chúng ta, lẽ nào Chúa lại không ban cho ta tất cả mọi sự cùng với Con Ngài!”. (Rm 8, 32).

Trước hồng ân cao cả đó, Giáo Hội trong đêm Phục Sinh, hân hoan cảm mến hát lên rằng: “Ôi lòng Chúa thương chúng ta thật lạ lùng! Ôi lòng Chúa thương yêu không thể đo lường được vì để cứu một đứa nô lệ, Chúa đã phó nộp chính Con mình! Ôi tội Ađam thật cần thiết vì đã được tẩy xoá bằng cái chết của Chúa Kitô ! Ôi tội hồng phúc vì đáng được Đấng Cứu Chuộc cao sang như vậy!”.

Sau khi nhắc đến ơn cứu chuộc, Kinh Cám Ơn kể tiếp: “Chúa lại cho con được Đạo Thánh Đức Chúa Trời, cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội Thánh nữa”.

Được sinh ra làm con loài người đã là một ơn cao cả rồi, được tái sinh làm con Thiên Chúa càng là ơn cao cả hơn. Thực tế, khi ta chịu phép Rửa Tội, tầng trời như mở ra, Chúa Cha nhìn xuống, công nhận ta làm con Ngài, Đức Giêsu nhận ta là phần thân thể Ngài, ký thác cho ta  Giáo Hội là người Mẹ Hiền, chăm sóc dưỡng nuôi linh hồn ta cho đến ngày lìa thế. Tại đây ta có Đức Tin soi sáng, có các giới luật dẫn đường, có Lời Chúa và Mình Chúa làm lương thực, có các nhiệm tích tiếp tế ơn thiêng, có các thánh trên trời và các tín hữu trần gian là anh em, trên đường đời ta không sợ cô độc lạc bước, hỏi còn hạnh phúc nào hơn?

Sau cùng Kinh Cám Ơn kể tiếp: “Lại cho phần xác con ngày hôm nay được mọi sự lành”. Hằng ngày ta nghe tin người nọ người kia chết: ngã bệnh mà chết, lâm nạn mà chết, đánh nhau mà chết. Thần chết liên tục cầm hái rảo quanh khắp thế giới, hàng giây phút cắt đi bao sinh mạng, bộ mặt nó lạnh như tiền, không xét đến tiếng khóc than của người sống, cũng không đếm xỉa gì đến công trình dang dở của người chết. Trong bối cảnh đó, ta vẫn được sống bình an, có cơm ăn áo mặc, nhà ở và đủ tiện nghi, ta có tin đó là ơn lành Chúa ban hay ta nghĩ đó là ngẫu nhiên hoặc tự ta mà có? Nếu Chúa rút khí trời đi, hỏi ta có thể sống được năm phút không?

Tới đây, chúng ta nhận thấy: biết ơn là đức tính cao đẹp của con người, biết ơn là nhân đức siêu nhiên của người Kitô hữu. Biết ơn là nghĩa vụ công bình đối với những người làm ơn cho ta, nhất là đối với Thiên Chúa là Đấng ban cho ta mọi sự. Biết ơn cũng là điều kiện để Chúa ban cho ta những ơn lành khác. Không biết ơn ta sẽ ngăn chặn mạch ân sủng Chúa ban xuống cho ta.

Đức Giêsu, trong những năm sống ở trần gian hằng tỏ lòng biết ơn và dâng lời cảm tạ Chúa Cha trong mọi trường hợp. Đức Maria đến thăm bà Isave cũng hát lên bài “Cảm tạ” tuyệt diệu về hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Người.

Theo gương Đức Giêsu, gương Mẹ Maria, chúng ta hãy năng nhớ đến những ơn lành Chúa ban, dâng lời cảm tạ Chúa và cách cảm tạ tốt nhất là sử dụng ơn lành Chúa để tôn vinh Ngài.

Nếu ở đời này, chúng ta luôn sống trong tinh thần biết ơn như vậy, thì sau này chúng ta sẽ được đồng thanh cùng với các thần thánh trên trời hát bài“Cảm tạ tình thương Chúa” cho đến muôn đời. Đó là vinh quang của ta, đó cũng là hạnh phúc vĩnh cửu của ta. [21]

3.6.Tâm tình biết ơn

Biết ơn Chúa là tâm tình rất tốt để mưu cầu lợi ích lớn lao của ta. Bởi nhờ lòng biết ơn, ta ý thức hơn thân phận con người nhỏ bé và nghèo nàn của mình, có được gì chỉ là do ân huệ Chúa ban mà thôi.

Nhờ nhận ra mình, ta càng ý thức hơn về tình thương hải hà của Chúa. Chỉ nhờ lòng yêu thương của Chúa, chứ không phải nhờ công trạng của ta, mà Chúa luôn gìn giữ, săn sóc ta.

Nhờ nhận ra mình, nhận ra tình thương của Chúa, ta càng ham thích đến cùng Chúa, gắn bó với Chúa, tin tưởng đặt đời mình trong tay Chúa, mỗi ngày sống lại thêm hiểu biết hơn về tình Chúa bao la mà nương tựa vững chắc nơi Chúa.

Là Kitô hữu, tôi biết rất rõ: biết ơn Chúa là hồng ân, vì lòng biết ơn của tôi không thêm gì cho Chúa, nhưng mang lại cho tôi chính Chúa là gia nghiệp đời tôi.

Nhưng tôi đã nhiều lần thuộc về nhóm “chín người kia”, thay vì biết ơn, lại quên ơn. Thậm chí, không ít lần gặp phải những khốn khó, trắc trở trong cuộc sống, tôi còn dám phàn nàn trách móc Chúa. Tôi không chỉ vô ơn mà còn thách thức Chúa của tôi.

Tôi phải luôn tự nhủ rằng: Toàn bộ đời tôi là một hồng ân. Tôi không có gì cả. Chúa ban cho tôi tất cả. Chúa ban cho tôi thân xác, linh hồn, cuộc đời, quê hương vĩnh cửu… Vì thế, từ nay, tôi muốn biến đời tôi thành một lời tri ân nối dài, để mỗi giây phút sống của tôi, là mỗi giây phút tôi bày tỏ lòng biết ơn với Chúa.

Ta không chỉ biết ơn Chúa khi hạnh phúc, khi đời ta tràn đầy niềm vui mà thôi. Nhưng lòng biết ơn Chúa phải được thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi cảnh huống xảy ra trong đời mình.

Ta phải cảm tạ Chúa lúc vui cũng như lúc buồn, lúc thành công cũng như lúc thất bại, lúc khỏe mạnh cũng như khi bệnh tật…

Lòng biết ơn Chúa không ngơi nghỉ như thế, sẽ cho ta thêm lợi ích khác nữa: Ta sẽ thấy rằng, trọn đời mình, dù hoàn cảnh nào xảy đến, đều được đặt trong bàn tay quan phòng kỳ diệu đầy xót thương của Chúa. Chúa luôn luôn ở với ta và ta luôn luôn được tựa mình trong chiếc nôi tình thương của Chúa.

Chính trong thánh lễ mà chúng ta cử hành mỗi ngày, là chúng ta thường xuyên sống tâm tình tạ ơn Chúa. Chúng ta tụ họp nhau chung quanh bàn thờ để cử hành bí tích Thánh Thể, chính là lúc chúng ta cử hành bí tích Tạ Ơn, để cùng Chúa Giêsu, dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn sống động, kỳ diệu và tha thiết nhất bằng chính thân mình Chúa Giêsu.

Ước gì mỗi khi tham dự lễ Tạ Ơn, nhờ chính tâm tình tạ ơn chân thành của mình, chúng ta được Chúa chúc lành, thánh hóa và ban ơn cứu độ đời đời. Dự thánh lễ trong tâm tình tạ ơn như thế, lòng ta sẽ tràn đầy niềm bình an và vui sướng.[22]

Lòng biết ơn quả thật là thể hiện của niềm tin, niềm tin vào Thiên Chúa – Đấng là cội nguồn của mọi sự, đồng thời cũng là niềm tin nơi tình người. Lòng biết ơn xét cho cùng cũng là thể hiện của niềm lạc quan, lạc quan vì luôn tin tưởng ở tình yêu của Thiên Chúa, lạc quan vì cũng tin tưởng ở tình người. Trong một thế giới giá lạnh tình người, lòng biết ơn cũng là cánh hoa nhỏ có sức chọc thủng và hâm nóng trái tim con người.

Một tiếng nói cám ơn với tất cả thành thật, một cử chỉ biết ơn đối với những ai đã làm ơn cho chúng ta cách này hay cách khác, một thái độ như thế không những làm cho chúng ta được nên người hơn, mà là thể hiện của một niềm tin sâu sắc nữa. Có lẽ không gì tử tế bằng khi hai tiếng cám ơn luôn được thốt lên với tất cả chân thành và trân trọng.[23]

4. Biết ơn và trả ơn  

4.1. Có hai thứ chịu ơn: vật chất và tinh thần

Vật chất thì có thể tính bằng con số, đo lường bằng mức độ như một cây vàng, một ngàn đồng, một sào đất… Tất cả những thứ ấy đều có thể trả được. Chịu ơn về tinh thần thì khó định nghĩa rõ ràng để trả ơn. Khi một người thất vọng, chán chường, cô đơn, đau khổ, bệnh tật… nếu có được một chút lửa ấm tình thương nâng đỡ xẻ chia giúp cho người đó ra khỏi đêm tối, tìm lại ánh sáng, niềm vui, bình an, hy vọng, thì lòng biết ơn đó là mãi mãi. Kẻ nghĩ rằng trả ơn là xong, không cần biết ơn nữa, đó là một tâm hồn nghèo nàn. Vô ơn chẳng làm cho người ban ơn thiệt thòi mà chỉ làm cho tâm hồn kẻ chịu ơn ra hẹp hòi. “Sống vô ơn là một cuộc đời trống vắng tình yêu và không cảm xúc. Có hy vọng mà không có tri ân là sự thiếu hụt của một nhận thức tinh tế. Lòng tin mà thiếu niềm tri ân là một lòng tin không có nghị lực. Tất cả những nhân đức bị tách biệt khỏi lòng biết ơn đều trở nên tàn tật khập khiễng trên con đường thiêng liêng” ( John Hery Jowett ).[24]

4.2. Biết ơn và trả ơn

4.2.1. Sự khác biệt giữa biết ơn và trả ơn

Sắp chết đuối trên biển, có người cứu tôi sống, ơn mà họ cho tôi đó là sự sống. Như thế, tôi lấy gì tương xứng để trả ơn? Nếu nói trả ơn là những hành động đáp trả bằng vật chất thì có khi người làm ơn quá giầu, họ chẳng cần đến trả ơn của tôi, là vật chất thì có khi người nhận quá nghèo, chẳng có gì để báo đáp. Lại có khi không thể trả ơn được vì không có gì cân xứng với điều mình đã nhận.

Trả ơn là hành động diễn tả tâm tình của người chịu ơn với người ban ơn. Là hành động diễn tả, nó chỉ là biểu tượng cho một thực tại khác sâu xa hơn. Biểu tượng diễn tả bao giờ cũng nghèo nàn hơn thực tại của điều được diễn tả. Tặng người yêu một cánh hồng. Cánh hồng là biểu tượng diễn tả tình yêu. Cánh hồng sẽ héo khô. Như vậy, cánh hồng chỉ là hình ảnh nghèo nàn khi so với chính tình yêu là thực tại ở đằng sau nó.

Trong ý nghĩa hành động trả ơn chỉ để diễn tả lòng biết ơn, thì quả thật, phương tiện diễn tả bao giờ cũng nghèo nàn hơn thực tại được diễn tả. Tuy nhiên, nó lại cần thiết. Không có hành động diễn tả, làm sao biết được thực tại vô hình cần được diễn tả? Thiên Chúa đã làm người có thân xác để con người hiểu được. Ngài cũng đã diễn tả tình yêu thực tại vô hình bằng nước mắt, bằng cái chết cụ thể để con người cảm nghiệm: “Chúa đã yêu mến tôi và phó nộp mình vì tôi” (Gal. 2:20). Vì thế, lòng biết ơn cần được diễn tả bằng trả ơn.

Làm ơn khác với cho vay nợ. Cho vay nợ thì đòi lại. Làm ơn thì cho đi nhưng không. Nếu người làm ơn không đòi sự trả ơn, thì trả ơn chỉ cần thiết để minh chứng lòng biết ơn cho chính người chịu ơn. Người chịu ơn cần phải biểu tỏ lòng biết ơn bằng hành động cụ thể để kiểm soát chính mình. Làm sao có thể nói tôi biết ơn bố mẹ, trong khi bố mẹ nghèo túng mà tôi không giúp đỡ? Trả ơn là hy sinh vì phải cho đi phần nào của mình. Cho đi thường gây nuối tiếc. Hỏi lòng mình nuối tiếc nhiều hay ít khi phải cho đi để biết mình biết ơn nhiều hay ít[25].

4.2.2. Trả ơn có thể là xong nhưng biết ơn thì mãi mãi

Có hai thứ chịu ơn, vật chất và tinh thần. Vật chất thì có thể tính bằng con số và đo bằng mức độ, một lượng vàng, một ngàn đồng… Nhưng, con người là hữu thể gồm cả hai, thân xác và linh hồn. Vật chất gắn bó với tinh thần và ảnh hưởng đến nhau. Bởi đó, những ơn ta nhận cho dù là vật chất đo được bằng con số, cũng chẳng đo được khi ảnh hưởng đến tinh thần. Thí dụ, lúc nghèo, có người giúp tôi mười ngàn để ăn học. Khi học thành tài, tôi có thể trả ơn lại số tiền lớn gấp đôi. Nhưng nếu không ai giúp tôi học hành xong, đời tôi chắc chắn sẽ rẽ sang một lối khác. Món tiền chỉ giúp tôi trong mấy năm ngắn ngủi. Nhưng sự giàu có kiến thức tôi thu nhận được qua việc học hành sẽ ảnh hưởng cả đời tôi. Do đấy, tôi chỉ trả ơn xong những gì đã được giúp, còn lại cả đời tôi nhờ sự giúp đỡ ban đầu ấy mà học hành nên làm sao tôi trả được. Vì thế, trả ơn có thể là  xong nhưng biết ơn phải là mãi mãi.

Có những chịu ơn về tinh thần còn sâu thẳm hơn nữa, khó mà định nghĩa rõ ràng để trả ơn. Chẳng hạn một nâng đỡ lúc đời tôi chung quanh là chán chường, cô đơn. Trong lúc lạnh lẽo ấy, tôi cần một lửa ấm tình thương nâng đỡ. Dù lửa ấm nâng đỡ ấy có nhỏ đến đâu đi nữa, cũng nhờ có chút ánh sáng đó mà tôi lần mò ra khỏi được căn hầm. Lúc tìm được ánh sáng rồi, tôi chẳng thể nói  rằng tôi trả ơn lại bằng mười ngọn nến cháy sáng là xong. Một ánh lửa trong đêm tối thì giá trị hơn mặt trời khi đã có ánh sáng. Những nhận ơn về tinh thần thì làm sao trả được, vì thế phải biết ơn mãi.

Kẻ nghĩ rằng chỉ trả ơn là xong, không cần biết ơn nữa, đó là một tâm hồn nghèo nàn. Không biết ơn chẳng làm cho người ban ơn ra thiệt thòi mà chỉ làm cho tâm hồn kẻ chịu ơn ra  hẹp hòi. Vì họ đã lấy hình ảnh biểu tượng thay thế cho chính thực tại được biểu tượng.[26]

4.3. Những tấm gương về sự trả ơn

4.3.1. Kiến trả ơn bồ câu

một con chim bồ câu uống nước ở một khe nước nhỏ. Nó nhìn thấy một con kiến đang chới với giữa dòng nước. Đối với con kiến, khe suối nhỏ cũng là đại dương mênh mông. Con kiến cố sức vùng vẫy nhưng không làm sao tới bờ được. Bồ câu bèn ngậm một cọng cỏ gần đó, thả xuống chỗ kiến đang gặp nạn. Nhờ đó mà kiến thoát chết.

Một thời gian sau, trong lúc bồ câu đang đậu trên cây thì có một người thợ săn đi ngang qua. Nhìn thấy bồ câu, ông ta vui mừng giương cung lên nhắm bắn. Kiến nhìn thấy mối nguy của bồ câu, vội cắn thật mạnh vào bắp chân người thợ săn. Ông ta giật mình kêu lên. Bồ câu nhận ra mối nguy hiểm, liền vỗ cánh bay mất.[27]

4.3.2. Fleming và Churchill trả ơn nhau

Một ngày nọ có một gia đình giàu có, quý tộc thuộc nước Anh đi về miền quê chơi vào ngày nghĩ cuối tuần. Từ thành phố về thôn quê với biết bao phong cảnh đẹp và các trò chơi dân dã. Trong khi nô đùa thoả thích thì tai nạn xảy đến, cậu con trai nhỏ của gia đình họ đã trượt chân ngã xuống dòng nước chảy xiết. Một chú bé, con của người làm vườn nghèo ở gần đó nghe tiếng kêu cứu đã chạy đến nhảy xuống nước kịp thời cứu đứa bé kia lên.

Một đứa bé nhà giàu với đôi bàn tay điêu luyện trên phím đàn, nhưng lại không biết bơi. Một đứa bé nghèo quê mùa với đôi bàn tay chai cứng sạm nắng vì cuốc đất, nhưng hôm nay đã cứu được người. Sự gặp gỡ của hai cậu bé đã tạo nên điều kỳ diệu sau này cho lịch sử nhân loại.

Cha của cậu bé giàu có biết ơn cậu bé nghèo. Thay vì cám ơn, khen ngợi, ông ta không muốn nhìn ước mơ tuổi thơ của cậu bé cứ luẩn quẩn trong ruộng vườn. Ông muốn đẩy ước mơ của cậu bé lên trời cao. Ông hỏi cậu bé: “Khi lớn lên con muốn làm gì ?” Cậu trả lời: “Chắc là con tiếp tục nghề làm vườn của cha con.” Ông lại hỏi: “Con không còn ước mơ nào lớn hơn sao?” Cậu bé cúi đầu: “Dạ, nhà con nghèo thế này thì con còn ước mơ gì!” Ông gạn hỏi thêm: “Nhưng nếu con có ước mơ thì con ước mơ gì ?” Ánh mắt cậu bé như nhìn xa xăm về cuối chân trời ước mơ: “Thưa Ngài, con muốn đi học, muốn làm bác sĩ.”

Năm tháng qua đi, hai cậu bé cùng được đi học. Cậu bé không biết bơi đã trở thành vĩ nhân của thế giới, đó là thủ tướng Winston Churchill của nước Anh, người đã giữ vai trò quan trọng trong việc thay đổi cục diện của đệ nhị thế chiến và đã làm cho nước Anh tự hào vì tài ba chính trị lỗi lạc.

Còn cậu bé nhà nghèo, nhờ tình thương và lòng biết ơn của cha cậu bé Churchill, cậu đã không còn đặt ước mơ của đời mình ở bờ đê, vườn tược. Cậu đã trở thành bác sĩ lừng danh của thế giới và là ân nhân của nhân loại cho đến ngàn đời. Vị bác sĩ này là Fleming, người đã tìm ra thuốc kháng sinh Penicilline. Sau này khi thủ tướng Churchill lâm trọng bệnh, vương quốc Anh đã tìm những danh y lẫy lừng để cứu sống thủ tướng của họ. Cuối cùng chỉ có vị danh y tài ba mới cứu được Churchill, đó là bác sĩ Fleming, người đã cứu ông năm xưa.    

Cha cậu bé Churchill tỏ lòng biết ơn người cứu con trai mình bằng sự giúp đỡ học hành. Fleming biết ơn người lo lắng cho mình nên đã học thành tài, đem sự hiểu biết phục vụ cho nhân loại.[28]

4.4. Dâng lời cảm tạ

Thực vậy, lòng biết ơn mang một giá trị cao quý. Thánh I-Nhã đánh giá rất cao lòng biết ơn, đến nỗi ngài đã đề nghị hồi tâm mỗi ngày hai lần, và mỗi lần khoảng mười lăm phút để nhìn lại đời sống của mình trong ngày. Điều đầu tiên cần làm trong những phút hồi tâm là xin Chúa giúp cho mình nhận ra tất cả những món quà và hồng ân mà mình nhận được trong ngày, và cũng xin giúp luôn ý thức biết ơn Chúa và mọi người về những món quà đó. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, khi ý thức để cám ơn một người ban tặng cho tôi món quà, thì giá trị món quà đó tăng lên gấp đôi, và tương quan tình yêu và tình thân của tôi với người đó sẽ được xây dựng và thăng tiến hơn.

Tóm lại, qua những giây phút hồi tâm, cụ thể với sự ý thức sống biết ơn mỗi ngày, thánh I-Nhã giúp chúng ta xây dựng một cuộc sống sung mãn trong tương quan với người thân, với anh chị em, với bạn bè xung quanh, với cả thiên nhiên, và đặc biệt với Thiên Chúa là tình yêu.

Kết thúc bài chia sẻ này, xin mời mọi người cùng với tôi, mỗi buổi tối trước khi đi nghỉ đêm, dành vài phút để cám ơn Chúa và anh chị em, để sống tinh thần « ăn quả phải nhớ người trồng cây, uống nước thì phải nhớ tới nguồn » của dân nước Việt. Cụ thể, trong thinh lặng giơ đôi bàn tay của mình ra và thử hỏi xem hôm nay tôi đã nhận được những món quà và hồng ân gì? Sau đó đưa đôi bàn tay của mình úp chéo vào ngực, cúi đầu và với tất cả lòng thành cám ơn Chúa và anh chị em cùng mọi người, về tất cả những món quà và hồng ân trong ngày sống vừa qua.[29]

Giờ đây chúng ta cùng cất lên lời cảm tạ: ”Lạy Chúa là Cha Chí Thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con. Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con”. Amen [30] 

 

 

[1] Nguyễn ngọc Thế SJ, www.dongten.net

[2] Nguyễn ngọc Thế SJ, www.dongten.net

[3] Nguyễn văn Hải, Biết sống cao thượng, trg.137

[4] Niemvuimoi.org.

[5] Quang Tịnh, Bài học lớn từ những câu chuyện nhỏ, trg.155-156

[6] Nguyễn văn Hải, Biết tin vào chính mình trg.150

[7] Piero Ferrucci, Sức mạnh của lòng nhân ái, trg. 197

[8] www.dongten.net

 

[9] Piero Ferrucci, Sức mạnh của lòng nhân ái trg.190-191

[10] Phatthanhhyvong.com

[11] Nguyễn văn Hải, Biết tin vào chính mình, trg.147

[12] Nguyễn văn Hải, sđd trg.148

[13] Phatthanhhyvong.com

 

[14] Nguyễn văn Hải, Biết sống cao thượng, trg.135

[15] Quang Tịnh, Bài học lớn từ những câu chuyện nhỏ, trg.154-155

[16] Niemvuimoi.org.

[17] Vagsc.com

[18] Nguyễn ngọc Thế SJ, www.dongten.net

[19] Lm. Vũ Xuân Hạnh, interenet

[20] Niemvuimoi.org.

 

[21] Vagsc.com

 

[22] Lm. Vũ Xuân Hạnh, internet

[23]Niemvuimoi.org.

[24] Lm Giuse Nguyễn Hữu An, www.chungnhanduckito.net.

[25] Nguyễn Tầm Thường xxx.gxannagiusehien.net.

[26] Nguyễn Tầm Thường xxx.gxannagiusehien.net.

[27] First News, Điều bình dị thông thái p.157

[28] Lm Giuse Nguyễn Hữu An, www.chungnhanduckito.net.

[29] Nguyễn Ngọc Thế SJ, www.dongten.net

[30] kinh tiền tụng chung IV