Sống Cuộc Đời Mình – Chương II: Tinh Thần Quân Bình

print

Chương II

TINH THẦN QUÂN BÌNH

 

Điều căn bản để có một tinh thần quân bình là sự điều hòa giữa Tâm và Trí, nghĩa là những vấn đề được diễn ra qua giác quan thành những cảm xúc (cảm giác, cảm thấy, cảm tưởng), tác động lên hai thứ tình cảm yêu và ghét; cũng như được diễn ra từ sự nhận thức trong suy tư và phán đoán của con người. Đó là những yếu tố cấu thành một nhân cách tốt-xấu, hay-dở, đúng-sai, cao quý hay thấp kém nơi mỗi người.

Con người ít khi trưởng thành đủ, vẫn có thể ấu trĩ và non nớt về đời sống tinh thần, nên không đủ bản bản lãnh và tự tin để xử sự trước nhiều tình huống. Vì vậy, việc tu thân – tự giáo dục – là điều rất quan trọng. Mọi phương pháp và nghệ thuật giáo dục mang tính toàn diện phải khởi đi từ một tinh thần quân bình, như bệ phóng cho sự vươn lên của đời sống con người.

  1. SỰ TỰ Ý THỨC

Ý thức là hình thức phản ảnh tâm lý cao nhất chỉ có nơi con người, được biểu hiện từ trong suy nghĩ, qua cái nhìn, đến thái độ và hành động bên ngoài. Những hoạt động này ảnh hưởng sâu rộng và đến mức nghiêm trọng cho đời sống, đến nỗi nó trở thành một số phận nơi mỗi người. Vì thế, phải luôn cẩn thận với chính mình ngay từ trong suy nghĩ.

  1. Từ trong suy nghĩ…

Trước sau gì suy nghĩ cũng sẽ biến thành hành động một cách nào đó, vì thế trước khi “canh chừng miệng lưỡi”, ta phải canh chừng những suy nghĩ của mình. Suy nghĩ sao cho có lợi cho mình nhưng cũng phải có lợi cho người khác. Suy nghĩ từ sự thật khách quan chứ không tưởng tượng và phóng đại theo cảm tính.

Nếu suy nghĩ một cách chủ quan, thiển cận, không có cơ sở, sẽ đưa đến hành động lệch lạc, và đưa tới hậu quả đáng thương như dụ ngôn người thanh niên được trao một nén bạc (x. Mt 25, 14-30). Anh ta đem nén bạc đi chôn cất, không dùng để đầu tư, vì nghĩ rằng ông chủ là người hà khắc. Phán đoán một cách nông cạn, hời hợt, lại vừa do tính ươn lười, nên anh ta đã hành động cách dại khờ, tạo nên một định mệnh oan khiên cho mình.

– Không quy chiếu về mình

Nguyên do của sự lệch lạc là người ta luôn quy chiếu về chính mình, lấy mình làm chuẩn mực cho những phán đoán và hành động. Sự căn cứ độc đoán này khiến người ta đánh mất ý thức chủ thể, không còn khả năng quan sát chính mình (ý thức phản tỉnh), để có thể nhận ra hoàn cảnh và tình trạng của mình một cách trung thực, hầu có những biện pháp thích ứng và hiệu quả.

Những triệu chứng tâm thần đủ loại, những tư tưởng và thái độ cực đoan, những lối sống lập dị, những thói sống buông thả, những cái nhìn bi quan yếm thế, những thái độ trả thù đời, những cuộc ăn chơi huyênh hoang, những kiểu giữ đạo đồng bóng, những mê tín dị đoan… đều là nạn nhân của của một lối suy nghĩ luôn qui chiếu về mình, đòi phải thỏa mãn điều mình mong muốn mà bất chấp hậu quả, chung qui cũng vì ‘cái tôi’ của mình.

Việc chú trọng đến ‘cái tôi’ làm tiêu tốn năng lượng nhiều nhất, và kéo theo nhiều thứ lệch lạc. Trong cuốn Nghệ thuật Mơ ước, Don Juan nói với Carlos Castaneda rằng, “Hầu hết năng lượng của chúng ta phục vụ cho tầm quan trọng của chúng ta… Nếu chúng ta có khả năng bỏ đi phần nào đó cái tầm quan trọng ấy, thì hai điều phi thường sẽ xảy đến: một là chúng ta sẽ khai phóng năng lượng của mình, thôi không nổ lực duy trì ảo tưởng về tầm vĩ đại của mình nữa, và hai là chúng ta sẽ tự cấp cho mình đủ năng lượng để thoáng thấy được sự vĩ đại thực sự của vũ trụ”.

– Không chạy theo người

Không qui hướng về mình nhưng cũng không xu hướng theo người khác. Chẳng bao giờ có sự quân bình khi cứ để minh suy nghĩ theo người khác. Ta không thể đồng hóa mình với người khác, vì nhu cầu, hoàn cảnh, tâm trạng và hướng sống của mỗi người khác nhau. Cho dù đó là lối sống của tập thể hay tập tục theo truyền thống của cha ông thì cũng phải xét lại.

Có lần Chúa Giêsu cũng đã trách người Do Thái: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7, 8). Sự mất quân bình là vì đã bị lệch tâm, không dựa trên nguyên tắc nền tảng về những gì là cốt lõi của đời sống con người, mà dựa vào những điều phụ thuộc luôn có thể thay đổi, hoặc đã lỗi thời không còn phù hợp với thực tế.

Không dựa vào Lời Chúa để suy xét, nên người ta dễ dựa vào nhau, suy nghĩ theo nhau, làm theo nhau, không còn chuẩn mực để phân biệt thị phi, tốt xấu. Không xây ngôi nhà tư tưởng của mình trên nền đá là Lời Chúa, mà xây trên nền cát là những triết thuyết, những chủ trương hay ý thức hệ của một thời, thì đương nhiên tinh thần con người sẽ lung lay và có nguy cơ sụp đổ.

Trên nền tảng sự thật và lòng nhân, ta cũng phải đặt lại vấn đề về những tập tục, văn hóa, nghi lễ, thói quen, luật lệ… mà ta cứ cho là hoàn toàn đúng và cứ phải làm như thế. Những hình thái đó phải được xem xét lại, nhiều khi đúng luật mà không đúng với lòng nhân, có thể là hành vi bác ái nhưng lại trái với sự thật.

Trong tương quan cũng vậy, không đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, không để mình trong bối cảnh của sự việc hay lịch sử, ta thường “suy bụng ta ra bụng người”. Kiểu phán đoán này khiến ta dễ tin nhưng lại hay nghi ngờ, quả quyết nhưng lại thiếu tự tin, cứ khăng khăng bảo vệ và bào chữa cho những lý lẽ thô lậu của mình, để rồi tạo nên nhiều bất công trong lối hành xử với tha nhân, nhất là đối với những người bé nhỏ, yếu thế.

Để vượt qua những suy nghĩ thiển cận làm suy yếu đời sống mình, thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”(Rm 12, 2).

  1. Qua cái nhìn…

Có những cái nhìn chủ quan, mang tính khoe khoang, muốn thể hiện bản thân, khiến ta trở nên cao ngạo và phán đoán sai lạc. Có những cái nhìn khách quan, hài hòa, làm cho cuộc sống an hòa.

– Cái nhìn tự mãn

Cái nhìn luôn biểu hiện một tâm trạng. Lòng có đầy thì mới phát xuất ra bên ngoài. Đó cũng là ý nghĩa của dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện (x. Lc 18, 10-14): Người Biệt phái đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia”. Lời cầu nguyện có vẻ vô nhân, xem Thiên Chúa như một bình phong che chắn để phê phán và kết án người anh em, rồi từ đó hướng về mình, thấy mình quá tốt, nên gõ trống khua chiêng: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”.

Bảng liệt kê công trạng của ông thật tốt, đáng khen, là một tín đồ trung thành với lề luật, là một mẫu gương sống đạo. Chỉ tiếc là ông dụng ý khoe khoang nên bao việc lành trở thành vô nghĩa. Cái tôi của ông quá to, đến nỗi ông chỉ thấy mình mà không thấy Chúa; công trạng của ông quá nhiều, đến nỗi ông chỉ thấy tài đức của mình mà không thấy những ân ban; cái tự hào của ông quá lớn, đến nỗi thấy mình quá cao còn người kia thì quá thấp. Sự lệnh lạc này khiến ông từ một người công chính trở thành kẻ bất chính.

Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Anh này chỉ biết cúi đầu nhìn nhận tội lỗi mình và cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Sự chân thật và khiêm nhường này khiến anh ta từ một kẻ bất chính trở thành người chân chính.

Điểm yếu nhất của con người là lòng kiêu hãnh hay tính tự mãn. Không lạ gì mà sự thật bị bóp méo và những gì tốt lành cũng bị biến dạng. Chỉ có sự khiêm tốn và lòng kính trọng tha nhân mới tạo cho ta một tinh thần quân bình và đem lại an bình.  

– Cái nhìn hài hòa

Chẳng ai tốt hoàn toàn hay xấu hoàn toàn. Trong người tốt vẫn có cái xấu và trong người xấu vẫn có cái tốt. Hoàn cảnh nào cũng thế, cần phải nhìn ra khía cạnh tích cực để tạo nên sự an vui cho nhau. Cũng cùng một khung cảnh nhưng hai cái nhìn lại khác nhau:“Hai người cùng nhìn ra song cửa. Kẻ thấy bùn đen, kẻ thấy sao” (F. Lang Bridge). Cái nhìn phát xuất từ tâm trạng: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Thế giới nội tâm tạo ra ý nghĩa cho thế bên ngoài, nên “Tướng tự tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”. Cải đổi tâm trạng thì ý nghĩa hình dạng sẽ khác đi.

Ngoài ra, chỉ cần thay đổi góc nhìn, ta có thể bất ngờ nhận ra điều sâu xa và mới lạ hơn. Hãy chọn góc nhìn nào để trước bóng tối ta vẫn thấy được ánh sáng; trước đám mây mù ta vẫn thấy được khoảng trời trong xanh. Hãy tập cho mình có cái nhìn rộng mở như Đức Giêsu qua câu chuyện sau đây: Ông Gioan nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người taAi không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. (Mc 9, 38-40).

Sợ người khác hơn mình, làm mất ảnh hưởng và uy tín của mình, nên các môn đệ muốn dùng quyền để hạn chế đời sống và hoạt động của người khác. Sự lệch lạc đó vẫn xảy ra hằng ngày trong xã hội, có khi ngay trong Giáo hội. Trong khi Đức Giêsu đã đưa ra một cái nhìn rộng mở để đón nhận, bằng cách xóa bỏ sự phân biệt, kỳ thị, phe nhóm. Ngài chủ trương tiếp nhận tất cả, hòa hợp tất cả, gần gũi tất cả, yêu thương tất cả. Nếu có loại trừ là loại trừ sự phân chia, ngăn cách, và chống chọi giữa mọi người với nhau. 

Với cái nhìn của Đức Giêsu, ai trừ quỷ cũng được đều cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa (x. Mc 16,17). Làm bớt đi những tai ương và bệnh tật cho con người là điều mà Thiên Chúa muốn làm nên nơi mỗi người. Điều đó cũng cho ta biết rằng: không ai có thể lãnh nhận điều gì hoặc làm được điều mà không do ơn Chúa ban (x. Ga 3,27), nên chẳng có gì để vênh vang (x 1Cr 4,7). Ai làm điều tốt càng tốt, cách thức nào cũng được, miễn là Đức Kitô được rao giảng. (x. Pl 1,12-18).

Biết rằng vẫn có những trường hợp rất phức tạp do lòng người, khiến ta phải cảnh giác và tìm cách đối phó để được an toàn. Nhưng điều đó không giống như con đà điểu chui đầu vào đống cát để được an toàn trước người thợ săn, nhưng là giữ cho mình một tinh thần quân bình trong mọi tình huống phải xử trí.

  1. Đi đến hành động

Như đã nói trên, cái nhìn thường phát xuất từ tâm trạng, và  từ đó đưa đến xu thế hành động. Khi hành động, ta lại dễ bị tác động từ bên ngoài làm bất ổn, nên cứ nằm trong trạng thái phòng vệ.

– Trạng thái phòng vệ

Khoa tâm lý học cho thấy mọi người đều có rào cảng của “mặc cảm phòng vệ”, nên thường tìm cách khẳng định về mình. Khẳng định bản thân là một nhu cầu căn bản của con người, nhưng khẳng định một cách thái quá, mang tính đối phó và hơn thua, là rơi vào một tâm thế lệch lạc, vì chỉ lo cố thủ. Trong trạng thái phòng vệ, mỗi lần gặp gỡ với người khác là mỗi lần người ta phải thủ thế, phải suy tính cách nói, phải tìm thái độ thể hiện…

Khi nào ta không còn bận tâm về việc khẳng định mình trước mặt người khác, nghĩa là không còn lo sợ về bản thân, thì mới hiện diện một cách tự do và thoải mái. Con người chỉ là mình trong tương quan, nhưng đó là tương quan hiệp thông chứ không phải tương quan cạnh tranh. Tương quan cạnh tranh dễ làm cho ta sống lệch lạc, vì cứ phải so sánh mình với người khác, dễ đưa ta đến chỗ đánh mất bản sắc độc đáo của riêng mình.

Trong tương quan cạnh tranh, ta nhìn tha nhân như một đối thủ. Sự vươn lên của tha nhân làm ta lo sợ: sợ người đẹp hơn ta, giỏi hơn ta, tài hơn ta, giàu hơn ta…, và khi thấy sự sụp đổ của tha nhân thì ta lại thích thú. Cái tình cảm thấp kém ấy làm cho ta buồn với sự lành và vui với sự ác nơi người khác, chứ không phải là “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15). Người ta dễ chia buồn và khó chia vui là như vậy.

Đã nằm trong trạng thái phòng vệ thì có nhiều lo sợ. Nỗi sợ nào cũng làm ta mất tự do, bớt đi là chính mình. Nỗi sợ làm cho ta phát triển “bản lãnh đối phó” mà không phát triển được “bản lãnh sáng tạo”. Phải thoát ra khỏi trạng trái phòng vệ, không tạo áp lực cho bản thân nữa, ta mới trở lại với nhịp sống quân bình, để sống ung dung, tự tại. Dù vẫn có trắc trở hay đối kháng, nhưng ta không còn nhìn như một mối đe dọa, mà là một cơ hội mở ra.

– Sống con người thật

Nhu cầu khẳng định chính mình chỉ là một cách thức để đi vào thế giới yêu thương, để được người khác chấp nhận. Có thành công tới đâu đi nữa mà ta không được yêu thương, không được người khác chấp nhận, thì vẫn là một thất bại ê chề.

Sách Sáng Thế cho chúng ta biết, sau khi đặt tên cho muôn vật, và được cắt đặt làm chủ muôn loài, con người vẫm cảm thấy buồn vì không gặp được người trợ tá tương xứng (x. St 2, 20). Việc chinh phục và chiếm hữu thế giới không phải là cứu cánh của con người. Ađam cần một người trợ tá tương xứng, nghĩa là cần được sống với ai. Đó là vận mạng căn bản của đời người.

Ta cần được tha nhân chấp nhận, nhưng đừng cố vươn lên một cách nặng nề bằng nỗ lực vun đắp cho mình những điều bên-ngoài-bản-thân, như tài năng, tiền bạc, nhan sắc… và ngay cả đức độ. Đó cũng chỉ là những gì thứ yếu chứ không phải tầm vóc đích thực của một con người. Bản tính quan trọng hơn năng lực. Cho dù là người tài ba lỗi lạc, nhưng nếu không trưởng thành về mặt cảm xúc, thì cuối cùng các kỹ năng cũng trở thành tai hại cho chính mình. Tài năng và đức độ luôn cần thiết, những dù thiếu tài năng hay đức độ, thì mình vẫn là mình. Nếu ta cậy dựa vào những thứ bên ngoài mình để được người khác chấp nhận, thì đó vẫn không phải là mình, vẫn chẳng có an bình.

Bình an thật sự của ta là ở nơi Chúa, nên cứ sống thật với chính mình. Chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta. Không ai khác có thể chấp nhận trọn vẹn bản thân ta ngoài Thiên Chúa, ngoài tình thương sâu thẳm của Đức Kitô: Đấng đã “chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5,8). Tuy nhiên, những ai sống chân thật lại rất yêu chuộng những con người chân thật. “Nồi nào úp vung nấy”, ta vẫn còn khối người yêu thương mình, vì mình là mình, chứ không vì những điều phụ thuộc nơi mình. Tình thương đó mới đích thực, bền vững và cao đẹp mà ta mong mỏi.

– Chỉnh đốn và sửa đổi bằng yêu thương

Để được đón nhận thì ta phải chỉnh đốn và sửa đổi bản thân, loại bỏ những nết xấu và tu tập các nhân đức. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện đơn giản, mà rất phức tạp và khó khăn. Mỗi người sinh ra đã mang sẵn những mầm mống của một tính tình riêng biệt, rồi những năm tháng lớn lên với bao tác động tâm lý và ảnh hưởng xã hội đã hình thành một nhân cách, một lối sống. Nỗ lực tu sửa theo quan niệm thông thường bằng ý chí khó đạt kết quả, mà còn có thể tạo ra những lệch lạc.

Có một cách sửa đổi không phải bằng sự quyết liệt của ý chí để uốn nắn một cách khổ sở, mà bằng tập sống yêu thương. Nếu như tính tình của con người đã định hình với thời gian, thì tình yêu lại là điều không bao giờ có tuổi già. Một khi có tình yêu sâu đậm, tất cả những yếu tố khác của tính tình con người sẽ được cấu trúc lại, và khi đó, người ta sẽ có được một nét duyên riêng. Con người nóng tính cũng vẫn nóng tính, nhưng người ta lại thấy dễ thương hơn, do cách hành xử chân tình, và không còn đặt nặng bản thân nữa nữa, nhưng chú ý đến nhu cầu của tha nhân. 

Sửa đổi và chỉnh đốn đời mình không thể bằng những kỹ thuật bên ngoài theo kiểu cắt tỉa, hay lắp ghép cách gượng ép. Không thể như kẻ “lấy vải mới vá vào áo cũ”, hay như kẻ “đổ rượu mới vào bầu da cũ”. Kiểu nào cũng gây hư hại, vì phải buộc mình uốn nắn theo một khuôn mẫu hay cách thức không phù hợp. Chỉ khi yêu thương thật sự, ta mới có khả năng hóa giải mọi điều.

– Điều hướng từ bên trong

Có lần nhóm Biệt phái bắt lỗi Đức Giêsu vì không tuân thủ nghi thức rửa tay trước khi dùng bữa. Người Do Thái coi đó như một phương dược tôn giáo để thanh tẩy ô uế. Đức Giêsu không coi thường tập tục đó, nhưng Ngài thấy nó chẳng có nghĩa gì khi người ta đã mất đi lòng chân thật. Có thể Ngài cố ý không rửa tay để thừa dịp đó đưa ra một giáo huấn:“Bên ngoài chén đĩa thì các ngươi rửa sạch, nhưng bên trong thì các ngươi đầy những chuyện cướp bóc gian tà.” (Lc 11, 39).

Rửa sạch cái bên trong mới là điều quan trọng hơn, cấp thiết hơn, khó hơn. Có lẽ vì vậy mà người ta né tránh cái khó bên trong và lựa chọn cái dễ bên ngoài, rồi gán ghép cho nó một ý nghĩa, nhưng thực ra chỉ là sự che lấp sự giả tạo. Tình trạng nội tâm vốn mới là thật. Sự trong sạch của tâm hồn mới là đáng kể. Nếu phải tuân thủ những hình thức và luật lệ bên ngoài, thì làm sao cái bên ngoài phải phản ánh cái sạch đẹp bên trong. Cái nhơ uế bên trong không thể làm sạch đẹp bằng hình thức bên ngoài.

Để làm sạch đẹp lại cái bên trong, Đức Giêsu dạy:“Hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự trở nên sạch cho các người.” (Lc 11, 41). Trong bản văn tiếng Hy Lạp, “bố thí” (eleemosyne) có nghĩa gốc là “bày tỏ lòng thương xót”. Khi bố thí chia sẻ, người ta biến đổi từ bên trong: tấm lòng tham lam độc ác trở nên đầy tình xót thương, là cái cốt lõi của nhân tính.

Có những lựa chọn dễ dãi muốn khỏa lấp những bổn phận khác, đến nỗi trở thành một tập tục hay một tiền lệ. Chẳng hạn việc báo hiếu cha mẹ của người Do Thái: không cần phải giúp đỡ cha mẹ nữa nếu như người con đã có “coban”, nghĩa là đã có lễ phẩm dâng cho Chúa thay cho việc đó rồi. Đức Giêsu bảo làm vậy là “các ngươi đã gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7, 8-13).

Đức Giêsu không chấp nhận một hệ thống tôn giáo mang tính “luật vị luật”. Ngài muốn tất cả các luật lệ và qui tắc mang tính “vị nhân sinh”. Tình thương nhân loại phải là một lựa chọn hàng đầu. Không nắm giữ được cái cốt yếu đó thì tôn giáo chẳng còn là tôn giáo. Đức Giêsu quở trách nặng nề về sự lệch lạc này: “Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu! Các người nộp thuế thập phân… mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa.” (Lc 11, 42). Chắc chắn Thiên Chúa không thể hài lòng với một lối thờ phượng dựa vào luật lệ và hình thức bên ngoài.

Lão Tử cũng coi thường những gì chỉ là hình thức, lễ nghi, tập tục, truyền thống, luật buộc, mà quên cái cốt lõi của Đạo ở bên trong. Lão viết: “Mất Đạo mới bày ra Đức, mất Đức mới bày ra Nhân, mất Nhân mới bày ra Nghĩa, mất Nghĩa mới bày ra Lễ. Lễ là suy đồi của Trung Tín, bước đầu của rối loạn”. (ĐĐK, ch. 38).

Thật ra, nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, là những phẩm chất của đời sống con người, nhưng khi không có một tấm lòng chân thực thì con người trở nên giả tạo với nhau. Tình yêu thương mới là cốt lõi của mọi hành vi đạo đức. Mất cốt lõi rồi thì những nghi thức và luật lệ trở thành trống rỗng, chỉ gây thêm khổ sở cho con người.

Hãy xem xét lại sách báo chúng ta đọc, phim ảnh chúng ta xem, âm nhạc chúng ta nghe, tập tục hay luật điều mà chúng ta giữ, vì tất cả sẽ dần làm thành tâm tưởng và ý định từ bên trong để đưa đến hành động bên ngoài. Hãy tránh những gì thái quá hay bất cập để tạo một tinh thần quân bình, làm nên sự an lạc cho bản thân.

  1. PHỐI HỢP HAI BÁN CẦU NÃO[1]

Bộ não được chia thành hai bán cầu trông rất giống nhau. Bằng các phương tiện y khoa hiện đại, các nhà khoa học phát hiện rằng trong mỗi nửa này, các khu vực nhất định kiểm soát các chức năng riêng biệt cơ thể. Các phần khác nhau của não không hoạt động độc lập với nhau, nhưng được kết nối bởi các sợi thần kinh.

Vào những năm 1960, nhà tâm lý sinh học Roger W. Sperry đã đoạt giải Nobel lần đầu tiên đưa ra ánh sáng về chức năng hoạt động khác biệt nhau của hai bán cầu não:

  • Não trái ưu thế về ngôn ngữ, phân tích và trật tự hơn não phải, có thể gọi là bộ não Digital. Bộ não trái giúp cho việc đọc, viết, tính toán và do đó cũng liên quan đến suy nghĩ logic, trình tự; làm việc có phương pháp, nguyên tắc, tính bền bỉ, kiên trì, quyết đoán. Ngôn ngữ phong phú, biết phân bố thời gian hợp lý. Tinh thần độc lập, nghị lực, bản lĩnh, cân nhắc. Sống thực tế, chính xác, nhưng đời sống cứng nhắc, khô cằn, ít sáng tạo, giao tiếp thiếu mềm mại, thiếu tình cảm, khó cảm thông, dễ độc đoán, độc tài, khổ trí.
  • Não phải trực quan hơn, còn được gọi là bộ não Analog, giúp cho suy nghĩ mang tính sáng tạo nhưng ít hệ thống hơn. Nghiên cứu Sperry cho thấy não phải liên quan đến trí tưởng tượng, suy nghĩ tổng thể, trực giác, nghệ thuật, cảm xúc và những tín hiệu phi ngôn ngữ. Khó dùng từ ngữ để diễn tả, thiên về hình để ghi nhớ, muốn trải nghiệm hơn là dùng tài liệu. Loại người này thích đụng chạm khi quan sát vật thể. Trực giác nhạy bén nên không cần thông qua suy luận. Óc tưởng tượng phong phú nên sáng tạo dồi dào. Năng khiếu về nghệ thuật, âm nhạc, màu sắc. Lối nhìn góc cạnh, chi tiết, chu đáo. Giao tiếp tế nhị, mềm dẻo, vị tha, tính cộng đồng, nhưng dễ bối rối và khổ tâm.

Phát triển cân bằng cả bán cầu não trái và bán cầu não phải, là một trong những nguyên tắc quan trọng để phát triển và quân bình trí não. Các công trình nghiên cứu về thuyết ưu thế của não bộ cho thấy rằng, mỗi bên bán cầu não – trái và phải – đều có khuynh hướng đảm nhiệm và điều khiển những chức năng khác nhau, xử lý những loại thông tin khác nhau, và có khả năng đương đầu với các vấn đề riêng biệt.

Mỗi bên bán cầu não có chức năng riêng, song chúng luôn hỗ tương lẫn nhau trong quá trình hoạt động.

 

Bán cầu não trái                       Bán cầu não phải

– Ưu thế về logic, ngôn ngữ.

– Xử lý từ ngữ.

– Xử lý từng phần và trong từng chi tiết.

– Xử lý phân tích và chia nhỏ thông tin.

– Xử lý về tư duy tuần tự.

– Đi theo khung thời gian.

– Ưu thế về trực giác, sáng tạo.

– Xử lý hình ảnh.

– Xử lý tổng thể và mối quan hệ giữa các chi tiết.

– Xử lý tổng hợp và nối nết dữ liệu lại với nhau.

– Xử lý về tư duy đồng thời.

– Tự do về thời gian.

Phối hợp cả hai bán cầu não cùng lúc là điều kiện lý tưởng nhất, để xử lý phù hợp theo mỗi hoàn cảnh. Nhưng thường sẽ có một bên trội hơn, vì người ta có xu hướng ở yên trong vùng an toàn của bán cầu não mà mình đã quen xử trí. Nhà tâm lý Abraham Maslow cho thấy: “Người giỏi dùng búa sẽ có khuynh hướng nhìn mọi thứ là cây đinh”. Chắc chắn người thiên về bán cầu não trái sẽ nhìn sự việc khác với người thiên về bán cầu não phải.

  1. Quân bình cho sự phát triển của bộ não

Bộ não của chúng ta được cấu tạo từ hàng tỉ tế bào não còn gọi là nơron thần kinh (neurone). Mỗi một nơron tuy có kích thước cực nhỏ nhưng lại có sức mạnh xử lý thông tin tương đương với một máy vi tính. Bộ lưu trữ thông tin của một nơron cũng có sức chứa khổng lồ vì mỗi tế bào não bao hàm một bộ gen hoàn hảo đủ để tái tạo thêm một nhân bản giống y như chúng ta vậy. Trung bình có khoảng 1 triệu triệu (1.000.000.000.000) nơron như thế cấu tạo nên bộ não, nên khả năng con người hầu như là vô hạn.

Khi sử dụng bán cầu não trái hoặc phải (động não, làm việc) thì các nơron thần kinh vận động sẽ kết cấu lại với nhau để sinh ra những năng lực cần thiết cho sự hoạt động. Khi các nơron thần kinh liên kết lại với nhau thì sẽ thụ hưởng được một năng lực mới cho người sử dụng nó. Những nơron này được liên kết không ngừng mỗi khi con người vận dụng trí não cho công việc, nhờ đó mà tài năng ngày càng phát triển. Người ta thiếu năng lực vì không có hoặc ít khi liên kết những nơron thần kinh này.

Những thiên tài là những người kiên tâm luyện tập để được quân bình giữa hai bán cầu não. Trong chương trình của học sinh đều có những môn phải sử dụng cho từng bán cầu não, như: toán, lý, hóa, sinh, kỹ thuật… dành cho não trái; văn, nhạc, họa, nghệ thuật dùng cho não phải. Khi hai bán cầu não phát triển đồng đều thì cái ưu và khuyết nơi hai bán cầu sẽ được bù đắp và hỗ trợ lẫn nhau để bộ não phát triển toàn diện. Lúc đó chủ quan sẽ có khách quan hỗ trợ, nghệ thuật sẽ được lý trí soi xét, sáng tạo sẽ được kỹ thuật hoàn chỉnh, tiểu tiết sẽ được đại thể chỉnh lý, tình cảm sẽ được sự khôn ngoan dẫn dắt… và con người sẽ đạt được sự quán thông sâu rộng, là điều mà ta gọi là “học một biết mười”.

  1. Cần khai thác bán cầu não phải hiều hơn

Chúng ta hiện sống trong một thế giới mà bàn cầu não trái chiêm ưu thế. Vấn đề từ ngữ, việc đo lường, tính logic được coi là quan trọng hàng đầu, trong khi phương diện sáng tạo, trực giác, cảm nhận, nghệ thuật chỉ là hàng thứ yếu. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta khó lòng vận dụng bán cầu não phải. Để quân bình và bổ sung cho việc phát triển trí não, ta cần tìm cách mở rộng viễn cảnh, và sau đó là nhận diện vai trò và mục tiêu của mình.

– Mở rộng viễn cảnh

Thông thường, ta chỉ có thể thoát ra nếp nghĩ của bán cầu não trái để đi vào phạm vi của bán cầu não phải khi có một biến cố lớn bất ngờ nào đó. Chẳng hạn như khi mắc bệnh nan y, mất người thân yêu nhất, hay sụp đổ tài chánh… Những tai ương hay nghịch cảnh éo le mới khiến ta thức tỉnh nhìn lại cuộc đời mình và tự hỏi xem “Cái gì mới thực sự quan trọng?”.

Thật ra, không cần chờ tới hoàn cảnh nào đó để giúp ta trải nghiệm, mà bằng trí tưởng tượng, ta hãy hình dung ra khung cảnh mà ta muốn tìm ở đó một ý nghĩa cho bản thân. Chẳng hạn ngày ta sẽ thành đạt hoặc ngày nhận một chức vụ, hay ngày về hưu với những ước mơ thành tựu, hay cảnh đám tang của chính mình… Hãy hình dung thật chi tiết và đưa vào đó cảm xúc rất chân tình của mình. Kết quả sẽ cho thấy có những giá trị trước đây không nhận thấy, nay bỗng xuất hiện và làm ta chấn động con tim.

Chẳng hạn ta đặt mình trong trường hợp “Nếu chỉ còn một ngày để sống”, chắc chắn ta sẽ thể hiện tình cảm yêu thương và lòng biết ơn sâu xa với những người thân; sẽ tìm cách hàn gắn những sứt mẻ với bạn bè… Tất cả những hành vi nói xấu, nghĩ xấu, hạ thấp uy tín người khác, hoặc những thái độ loại trừ và lên án nhau đều trở nên vô nghĩa. Chính cảm nhận này sẽ định hình lại lối sống của ta dựa trên những giá trị quan trọng nhất. Lúc đó ta mới bắt đầu tư duy trong một chiều kích lớn hơn và biết sống khác đi.

Thật ra, điều cốt lõi và nguyên tắc hành xử đã có sẵn trong các tôn giáo, như thiền tịnh, cầu nguyện, kinh sách, tuân giữ các luật điều, đặc biệt là Kinh Thánh, nhưng nhiều khi ta đã sử dụng một cách thiếu ý thức, hoặc thành một thói quen máy móc. Không có lòng khao khát nên cũng không cảm nghiệm hay ngộ ra được điều gì ngay trong những phương tiện thánh thiêng.

– Nhận diện vai trò và mục tiêu

Mỗi người chúng ta có những vai trò và lãnh vực hoạt động khác nhau trong cuộc sống. Có người vừa là chồng, là cha, và là nhà giáo; có người vừa là doanh nhân, vừa là nhà hoạt động xã hội… Mỗi vai trò đều có tầm quan trọng của nó, nhưng nếu chỉ nhằm đến hiệu năng về một phương diện nào đó, mà thiếu sự ý thức cân bằng sẽ gây ra lệch lạc. Ai cũng dễ bị công việc cuốn đi mà bỏ bê việc chăm sóc sức khỏe, hoặc lo được tiếng tăm và thành đạt ngoài xã hội, nhưng lại thất bại ngay trong gia đình.

Để cân bằng, chúng ta cần có mục tiêu cho mỗi vai trò trong từng lãnh vực, không lẫn lộn và mơ hồ. Mục tiêu đó phải hài hòa với những nguyên lý và quy luật tự nhiên, ưu tiên theo bậc thang giá trị. Cũng không quá quan trọng vai trò này mà coi thường các vai trò khác. Mỗi vai trò cần đủ thời giờ và năng lực để đầu tư cho nó. Và như vậy, một lần nữa, ta sử dụng sức mạnh của trí tưởng tượng mang tính sáng tạo để tạo niềm cảm hứng, đem lại sự tốt đẹp cho cuộc sống nhờ việc quân bình hóa trí não của mình.

Khám phá ra vai trò và chức năng của hai bán cầu não, chúng ta nhận ra việc sáng tạo của Thiên Chúa thật kỳ diệu, vì đã thiết đặt một nhịp điệu quân bình ngay trong trí não, để con người có thể phát triển toàn diện đời sống tinh thần. Thiết đặt hệ thống là phần việc của Thiên Chúa, nhưng vận hành hệ thống đó ra sao là phần việc của con người. Đó là điều mà chúng ta được kêu gọi để góp phần vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa bằng sự chỉnh đốn và bồi đắp liên tục, để cuộc sống mỗi ngày thêm đáng yêu hơn.   

Tóm lại, để có sự quân bình trong đời sống tinh thần, ta cần cẩn trọng từ trong suy nghĩ, qua cái nhìn, đến hành động, để mọi diễn biến được hài hòa, khách quan, chân thật, với tâm trạng an vui, hồn nhiên, trong sáng, và vững vàng trước những thách đố đương nhiên của cuộc sống. Đồng thời ta tìm cách phối hợp hai bán cầu não để cân bằng tư duy của mình, giúp ta xử lý và đi vào mọi tình cảnh một cách nhẹ nhàng nhưng lại rất sáng tạo và hiệu quả.

 — 

[1] Một phần dựa vào tác phẩm của Adam Khoo “Bạn tài giỏi, tôi cũng thế”, NXB Phụ Nữ, 2007, tr. 46-59.