Hồi Ký Về Cuộc Hành Trình Theo Đức Kitô Của Một Linh Mục Về Hưu

print

 HỒI KÝ VỀ CUỘC HÀNH TRÌNH THEO ĐỨC KITÔ

CỦA LINH MỤC PHÊRÔ NGUYỄN MINH VĂN

—— Giáo Phận Cần Thơ —–

 Đôi Lời Giới Thiệu:

Sau khi ghé thăm cha Phêrô Nguyễn Minh Văn đang sống hưu-dưỡng-bệnh tại nhà người thân gần nhà thờ Sóc Trăng, sau khi được coi video minh họa cuộc đời phục vụ của cha, và cùng ăn bữa cơm thân mật gia đình, tôi bất ngờ được cha nhờ viết đôi lời giới thiệu cho tập Hồi Ký Về Cuộc Hành Trình Theo Đức Kitô của cha. Tôi thấy thật hạnh phúc được đọc về hành trình cuộc đời Linh mục của người con linh hướng xưa của tôi.

Tôi đọc một cách thích thú. Sống động quá. Thực tế quá.

Tôi như thấy được những hình ảnh minh họa thật cụ thể, tô điểm cho những từ ngữ chúng ta quen nói trên lý thuyết, và tôi hiểu khá rõ thế nào là:

– Con Tim Mục Tử.

– Đức Ái Mục Tử.

– Sáng kiến Mục vụ.

– Ưu tiên lo cho người nghèo, người bất hạnh.

– Thao thức băn khoăn về việc Loan Báo TM, Giáo lý, Ơn Gọi.

– Kiên trì trong đời tu.

– Hoàn toàn phó thác cho Chúa lo.

– Phục vụ trong phân định, đối thoại, cộng tác…

– Biết biến báo, thích ứng trong mọi hoàn cảnh.

– Hoạt động để “Được Việc, và Được Người”

– Lm là chuyên viên “bách khoa”: Xây cất, bản vẽ, thợ…

– “Hay không bằng hên”. Chúa gửi tới những ân nhân bất ngờ…

 

Đây cũng là dịp nhắc nhở mỗi người chúng ta, hãy Đọc Lại cuộc đời hiến thân phục vụ Nước Chúa của mình.

Đây là dịp để mỗi người suy gẫm về bản thân mình, như chính cha đã gửi gắm tâm sự trong phần mở đầu của Hồi Ký:

  • Đây là “Một cuộc hành trình”,
  • Không thiếu những thành công và thất bại, niềm vui và nước mắt”.
  • Với những trải nghiệm và tiếp thu được những bài học quý giá… thậm chí đã phải đánh đổi bằng xương máu và nước mắt, khiến tôi không bao giờ quên”.
  • Qua những gian nan vấp váp, cha nhìn ra: “Nhưng bàn tay Chúa đã luôn đỡ nâng tôi chỗi dậy và dìu tôi bước tới. Đã có những lúc tôi hoàn toàn thất vọng vì thất bại, vì cô đơn và muốn buông xuôi tất cả.”
  • Cha tóm tắt: “Để rồi, một lần nhìn lại là một lần tạ ơn. Mỗi trang sách mở ra là một dòng hồi ức, một bài ca mãi mãi tri ân”.
  • Cuối cùng Cha đã kết: “Đời tu là thế, làm được bao nhiêu việc, xây dựng được biết bao công trình, đồng hành với bao lớp người, mà không cảm nghiệm được sự đồng hành của Chúa và ân sủng của Ngài trong cuộc sống thì nào giá trị gì?”
  • Và rồi nhìn hoàn cảnh hưu-dưỡng-bệnh của mình hiện nay, Cha có nhận định rằng: “Khi trang sách của những dòng hồi ức mục vụ giáo xứ này khép lại, thì chính nơi đây cũng lại mở ra cho tôi một cuộc hành trình mới trong sự chia sẻ sự đau khổ với Đức Kitô trên thập giá. Không có gì là ngoài thánh ý của Thiên Chúa”.

           Ôi, thật là sâu sắc, thấm thía:

Đời con như của lễ, không hề ngưng,

Như tấm bánh, luôn để dâng”

 

Lm Mátthêu Hoàng Đình Ninh,

Linh hướng Hội Dòng MTG CT

Sóc Trăng 26.10.2022

Lời mở:

Nếu ví đời sống con người là những cuộc hành trình dài ngắn khác nhau, thì con người là những du khách bước đi trên cuộc hành trình này cũng không thiếu những thành công và thất bại, niềm vui và nước mắt. Đời tôi là một cuộc hành trình như thế. Tuy chưa phải là dài và cũng không phải là quá ngắn, nhưng đủ để tôi có những trải nghiệm và tiếp thu được những bài học quý giá trong đời sống của kiếp người.

Trong lộ trình yêu thương cùng đi với Đức Kitô, tôi đã vấp ngã nhiều lần nhưng bàn tay Ngài đã luôn đỡ nâng tôi chỗi dậy và dìu tôi bước tới. Đã có những lúc tôi hoàn toàn thất vọng vì thất bại, vì cô đơn và muốn buông xuôi tất cả thì chính Ngài là người bạn đồng hành nâng đỡ, ủi an tôi.  Bởi vì thế tôi không thể không viết lại những diễn biến đã xảy ra trong cuộc hành trình này như những bài học quí giá mà tôi đã học được, thậm chí đã phải đánh đổi bằng xương máu và nước mắt, khiến tôi không bao giờ quên. Để rồi, một lần nhìn lại là một lần tạ ơn. Mỗi trang sách mở ra là một dòng hồi ức, một bài ca mãi mãi tri ân.

  1. THỜI THƠ ẤU (1955-1968).

      Tôi là linh mục Phêrô Nguyễn Minh Văn. Sinh ngày 28.07.1955 tại họ đạo Mỹ Phước, thuộc xã Mỹ Phước, Mỹ Tú, Sóc Trăng. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, quanh năm chân lấm tay bùn, chữ nghĩa thì ít nhưng tích lũy kinh nghiệm sống thì nhiều; do vậy trong sự dấn thân giúp đời tôi cũng dễ đồng cảm với những cảnh đời bất hạnh để yêu thương và giúp đỡ họ.

Cha tôi là ông cố Phêrô Nguyễn Văn Tôn, sinh năm 1919 quê ở Mỹ Phước.  Mẹ tôi là bà cố Inê Trần Thị Diệu, sinh năm 1926 quê ở Carê, Trà Lồng. Thời xưa, khi đến tuổi “trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng” thì cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Cha mẹ tôi cũng là một cặp như thế. Không quen biết trước, cũng không có một chuyện tình đẹp, nhưng các Ngài đã sống hạnh phúc bên nhau và có được bốn người con. Chị hai tôi là Maria Nguyễn Thị Trinh và chị ba Anna Nguyễn Thị Khuyên, đến tôi và sau cùng là em út Phêrô Nguyễn Văn Minh.

Gia đình tôi tuy có đủ ăn đủ mặc nhưng không phải là sung sướng, vì nhà tôi làm nhiều ruộng và cũng có nhiều trâu. Đất làm ruộng lại ở cách xa nhà 1km nên hằng ngày cả nhà phải dậy sớm để dẫn trâu lên đồng mới kịp làm việc cho đúng buổi. Đường thì xa mà ruồi muỗi lại nhiều nên tay chân tôi thường nổi đầy mẩn đỏ và đau ngứa. Vốn là con nhà nông nên chuyện cỡi trâu, cày bừa, gieo mạ, cấy lúa với tôi là rất bình thường. Tuy có nặng nhọc và vất vả nhưng với tôi đó không phải là gánh nặng mà là trách nhiệm, là bổn phận phải làm để phụ giúp cha mẹ, sẻ chia công việc với gia đình. Có những hôm người bạn giữ trâu mà gia đình tôi thuê mướn bị đau ốm hay bận công việc ở nhà không đến thả trâu cho đi ăn được, thì tôi lại phải thay thế anh thả trâu và chăn trâu để nó đừng đi ăn lúa của người khác.

Mười một tuổi, tôi học hết lớp 3 trường làng ở Mỹ Phước, thì đứa bạn hàng xóm là Nguyễn Phước Như, em của cha Tôma Nguyễn Phước Trinh rủ tôi xuống Trà Lồng học tiếp. Được cha mẹ đồng ý tôi đã khăn gói lên đường cùng bạn xuống Trà Lồng học lớp nhì năm học 1965-1966. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng thì người bạn này bị bệnh nặng và qua đời. Cái chết của đứa bạn này như là một cú sốc đầu đời đối với tôi. Tôi thật sự chới với, hụt hẫng nơi xứ lạ quê người, và không thiếu những lần tưởng là bỏ cuộc. Nhưng may thay nhờ học trường bà phước, được các sơ động viên nâng đỡ nên dần dần rồi cũng quen. Sáng thứ hai nào cũng vậy, tôi được người chị hai chèo xuồng đưa xuống Trà Lồng học, chiều thứ bảy chị lại đón tôi về. Trong tuần tôi phải ở trọ nhà bà con hay nhà người quen, có khi tự nấu ăn, có khi ăn cơm tháng, cũng rất là vất vả. Mười một tuổi đầu xa nhà, tôi học cách sống tự lập và vượt lên những hoàn cảnh khó khăn của tuổi học trò hay bị chọc ghẹo, bắt nạt. Thế rồi, thấm thoát đã hết một năm và tôi lên được lớp nhất năm học 1966-1967.

      Kết thúc năm học này tôi quyết định làm đơn xin đi tu cùng với một người bạn là con của bố đỡ đầu rửa tội tên là Trần Tấn Ban, cùng quê nhưng học ở Sóc Trăng. Chúng tôi thi tuyển vào tiểu chủng viện Á Thánh Quý Cái Răng, nhưng cả hai đều thi rớt năm đó. Không nản chí, tôi tiếp tục học lại lớp nhất thêm một năm vì dầu sao tôi cũng còn nhỏ. Năm sau 1967-1968 tôi đã đi thi lại và được đậu vào Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quí Cái Răng.

  1. THỜI TIỂU CHỦNG SINH (1968-1975).

      Ngày tựu trường của năm học mới, tôi được bà chị hai dẫn đi. Với tôi lúc này mọi sự đều mới: bạn mới, thầy mới, môi trường mới. Tôi vừa vui vừa buồn, nhất là sau những lúc ngủ trưa thức dậy, khi đứng bên cửa sổ mà nhìn về quê mẹ, một nỗi buồn “da diết” trào dâng chỉ muốn được về nhà với cha mẹ thôi và không còn nghĩ đến tu là gì nữa.

     Thế rồi ngày qua ngày, tôi quen dần, quen dần với thời khóa biểu giờ nào việc nấy. Nhất là những giờ chơi làm tôi vơi đi nỗi buồn. Đá banh là môn tôi thích nhất, trên sân cỏ tôi cũng thuộc hạng cứng khừ, chạy lẹ và “dập kê” không thua ai, chúng bạn thường gọi tôi là “Năm Đen”, vì da thịt tôi dễ bắt nắng lại do tắm nước phèn mặn ở quê nhà vào mùa hè hay dịp nghỉ tết nên trông tôi giống như người Khmer vậy.

      Thời gian sống ở Tiểu Chủng Viện tôi được đào tạo theo 3 chiều kích: thể dục, trí dục và đức dục, được học biết tu là gì, tu phải sống như thế nào…và tôi đã khám phá nhiều điều mới lạ. Chính nơi đây, tôi cũng được chứng kiến những cảnh kẻ ở người đi, kẻ còn người mất. Cứ sau mỗi năm học người nào mà có “bao thư dầy cộm” là bị trả hồ sơ về nhà với gia đình rồi đó. Lớp tôi là lớp Savio khởi đầu có 41 người, qua năm đầu tiên đã rơi 12 anh, năm sau nhận thêm đủ 62 người và cho tới năm 1975 thì chỉ còn 17 người, sau cùng để được chịu chức linh mục thì chỉ còn 6 anh mà thôi.

      Qua 7 năm sống ở Tiểu Chủng Viện (13 tuổi cho đến 20 tuổi) tôi được huấn luyện về nhiều lãnh vực, được sàng lọc kỹ lưỡng…Và tôi cũng không nghĩ là mình còn có thể tiếp tục theo con đường tu luyện này. Tất cả đều là hồng ân, là thánh ý của Chúa. Muôn ngàn đời con cảm tạ hồng ân của Ngài.

 

III. THỜI ĐẠI CHỦNG SINH GIÁO PHẬN CẦN THƠ (1975 – 1996).    

  1. THỜI GIAN Ở TRÀ CÚ (1975-1976)

      Ngày 30.04.1975 là một cột mốc quan trọng trong hành trình đời tu của tôi. Được chứng kiến ngày đất nước thống nhất, độc lập, tự do, trong tôi đan xen cả niềm vui lẫn nỗi buồn, lo âu và hy vọng. Chính trong buổi giao thời ấy, khoảng tháng 8 năm 1975 tôi và 17 anh em nữa đã được ĐGM Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang gởi về nhà thờ Trà Cú cùng chung sống với cha Antôn Nguyễn Mạnh Đồng, (nguyên là cha giáo và cũng là cha linh hướng của chúng tôi), để được Ngài hướng dẫn và dạy dỗ trên đường tu luyện. Với một số bạn xuất thân từ thành phố thì về đây đúng thật là vất vả khi phải ra đồng làm việc, nhất là khi bị những con đỉa, con vắt đeo bám đòi cho xin tí máu. Với tôi thì chuyện này thì quá bình thường. Vì thế mà khi phân công làm những việc đồng áng tiếp cận sông nước như đóng đáy, giăng câu, thả lưới thì tôi thường là người xung phong đi đầu. Sống trong môi trường mới, với đường hướng mới, vừa học vừa làm, tối nào chúng tôi cũng họp mặt, ngồi lại lượng giá và góp ý cho nhau để thấy cái đúng cái sai, cái được và cái chưa được. Điều này thật sự không dễ chút nào, nhất là với những anh em chưa quen đứng trước những sự thật bị phơi bày, thậm chí trên khuôn mặt họ còn tỏ rõ sự khó chịu và bất mãn.

     Tám tháng sau, đầu năm 1976, chủng viện Thánh Quý Cần Thơ được phép tổ chức khóa thần học cho quí thầy mỗi năm hai học kỳ, một học kỳ bốn tháng. Thế là tôi được trở lại chủng viện học năm đầu tiên. Sau năm học này tôi được Đức Cha Giacôbê đổi về Mỹ Phước phụ giúp cha Giuse Vũ Ngọc Bản và sau đó là về Fatima để thay thế Thầy Thành vừa chuyển hướng. Đầu năm 1977, tôi trở về đại chủng viện học thần học năm thứ 2. Điều đáng nhớ của những năm học này là thiếu tài liệu, sách vở, quý thầy phải tự mượn tài liệu của các cha giáo và chia ra thành từng nhóm để đánh máy, nhóm nào mượn được nhiều máy đánh chữ và biết đánh máy nhanh thì còn có giờ chơi, còn nhóm nào chậm thì đành chịu…

 Sau năm học 1977, tôi lại được Đức Cha Giacôbê đổi về họ đạo Tân Lộc thuộc tỉnh Cà Mau cùng với thầy Phêrô Huỳnh Ngọc Điệp để phụ giúp cha FX. Bùi Quang Triều và thầy Phó Tế Vinh Sơn Trần văn Thục. Thế nhưng, dường như không có duyên với vùng mước mặn, 8 tháng sau tôi và thầy Điệp đã nhận được lệnh bị trục xuất rời khỏi tỉnh Cà Mau trong vòng 24 giờ, nếu không sẽ bị bắt. Thế là hai anh em lại khăn gói trở về Cần Thơ gặp Đức Giám Mục và tường trình mọi việc. Ngài nói: “thôi thì hai đứa về gia đình nghỉ ngơi vài tuần rồi tính tiếp”.

  1. THỜI GIAN Ở ĐƯỜNG LÁNG (1978 – 1988).

Sau hai tuần về nhà, tôi quay trở lại gặp Đức Cha và Ngài nói: “Đường Láng mới cất nhà nguyện mà chưa có ai trông coi, thôi thì con về đó ở, tiện là ở gần nhà có gì nhờ gia đình giúp đỡ.

Nhận được bài sai này của Đức Cha, tôi vừa mừng vừa lo.  Lo là vì tôi chỉ là một thanh niên 23 tuổi và bây giờ lại một thân một mình phải gánh vác trọng trách này và đồng thời lại còn phải đương đầu với bao thứ việc, đối nội đối ngoại… Mặc dầu bấy giờ cha sở của tôi vẫn là cha Giuse Vũ Ngọc Bản, cha sở Mỹ Phước, nhưng Ngài giao mọi việc ở Đường Láng cho tôi. Mỗi tuần Ngài đến dâng thánh lễ một lần vào ngày Chúa Nhật. Bà con ở đây gần gũi và thân thiết, họ cùng tôi lên chương trình xây dựng họ đạo. Nhà nguyện Đường Láng nhỏ, bề ngang có 5m bề dài 9m, ngoài ra không còn gì hơn.  Vì vậy, khi về đây tôi và một số anh em trong khu vực Đường Láng đi xin cây xin lá về che mái nhà phía sau nhà nguyện để làm nơi ở và làm việc. Người ta thường bảo “Vạn sự khởi đầu nan”. Đúng thật, với tôi cái gì cũng xa lạ, mới mẻ và khó khăn. Khó từ hoản cảnh bên ngoài lẫn nội tâm bên trong và có lúc cũng khiến tôi chùn bước nản lòng.

Nhớ  lại những khó khăn mà tôi đã trải qua thì rất nhiều, nhiều vô số kể. Có những lúc ngồi một mình ở ngoài ruộng để nhổ cỏ, tỉa mạ, cấy lúa  tôi  thầm nghĩ chẳng lẽ đời tôi chỉ có thế thôi sao?  Những lúc đó tôi bị cám dỗ trốn chạy, rút lui… và kêu cầu Chúa: Chúa ơi, Chúa hỡi, Chúa ở đâu rồi, sao Chúa đành bỏ con… (Bài hát: Sao cha đành bỏ con…)

Thời gian thấm thoát cũng qua mau, từ năm 1976 đến năm 1982, tôi vẫn đều đặn mỗi năm được trở về Đại Chủng Viện Thánh Quý 4 tháng để học chương trình thần học. Theo học chương trình này, lẽ ra năm 1983 là năm cuối tôi được ra trường. Thế nhưng, năm 1982 nhà nước đã ra chỉ thị đình chỉ mọi sinh hoạt tôn giáo, nếu không muốn nói là giải thể, ai về nhà nấy. Đại chủng Viện đã bị đóng cửa, việc đào tạo linh mục bị coi như rơi vào ngõ cụt. Tòa Giám Mục bấy giờ không có tiếng nói cũng không có bất kỳ định hướng nào. Đời sống của Giáo Hội Việt Nam thực sự bế tắc. Các chủng sinh mạnh ai nấy sống và lần lượt ra đi tìm lý tưởng mới. Tôi cũng không tài gì mà đứng vững nếu không nhớ lại lời hứa với Đức Giám Mục khi nhận trách nhiệm về coi sóc Đường Láng, Ngài đã tin tưởng tôi, cho tôi ở một mình với tư cách là thầy sở, nếu tôi bỏ đi thì kể như nhà thờ sẽ bị dẹp ngay. Cho nên tôi đành phải lì đòn mà chịu trận. Cuộc đời rồi cũng không trơn tru, biến cố cha Giuse Vũ Ngọc Bản và thầy Laurensô Trần Thế Hội bị chết chìm ở sông lớn Mỹ Phước Đồng Lào vào ngày 30.11.1982 đã làm cho tôi chới với hụt hẫng. Trong xã Mỹ Phước bấy giờ có 4 nhà thờ mà chỉ có tôi là tu sĩ nên chính quyền địa phương đã mời tôi ra ứng cử Hội Đồng Nhân Dân xã, để đại diên cho người công giáo trong vùng. Thấy điều đó là có lợi cho bà con giáo dân của mình, tôi đã ra ứng cử, được trúng thăm và làm phó chủ tịch mặt trận xã từ năm 1984-1988. Sau  đó, một tia sáng bừng lên giữa đêm tối, đêm dẫu có dài rồi cũng có ngày rạng sáng khi nhà nước đã chính thức cho phép mở cửa lại Đại Chủng Viện.  Đó cũng là niềm vui và hy vọng cho những kẻ tin.

  1. I THỜI ĐẠI CHỦNG SINH LIÊN ĐỊA PHẬN (Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long)

       KHÓA I (1988 – 1994)                                                                                                                                    

      Năm 1988, với chính sách mở cửa nhà nước đã có sự thông thoáng và dễ dàng hơn, đã cho cả ba miền bắc, trung, nam đều có trường đào tạo linh mục. Mỗi miền có hai đại chủng viện. Tại miền nam có Đại chủng viện Sài Gòn và Cần Thơ. Đại chủng viện Thánh Qúy Cần Thơ được chọn làm trường đào tạo linh mục cho 3 giáo phận: Cần Thơ, Vĩnh Long và Long Xuyên, bao gồm 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

      Ngày 15.12.1988 tôi bất ngờ nhận được giấy chiêu sinh của ĐCV gởi về để việc đào tạo linh mục được tiếp tục, đây quả là một niềm vui mừng không sao tả xiết. Đúng là ý Chúa nhiệm mầu, làm sao ta hiểu thấu!

      Cuộc hội ngộ trở về Đại chủng viện lần này không chỉ có một mà có cả ba giáo phận:  Cần Thơ có 14 thầy, Long Xuyên 10 thầy và Vĩnh Long 11 thầy. Tổng cộng có 25 thầy nhưng đa số là những thầy già, lão luyện đã từng trải với nhiều kinh nghiệm xương máu. Tôi cũng có cái may là khi còn ở Tiểu chủng viện đã học được vài miếng võ thuật nên chiều chiều rủ anh em lên sân thượng tập luyện, khiến cho cuộc sống như trẻ lại và bản thân tôi cũng như các bạn có thêm sức khỏe, niềm vui và cảm hứng trong những năm học tập và tu luyện này.

     Khóa 1 kéo dài 6 năm, tuy rằng có những bài cũ học lại nhưng nhờ học lại mà học kỹ hơn, sâu hơn và hiểu biết rộng hơn. Các cha giáo được cả ba giáo phận tuyển chọn cũng là những bậc giáo sư có tiếng. Do đó khóa học vui và hấp dẫn. Các học viên của ba giáo phận đa phần đều là những người có tuổi đã từng trãi qua cuộc sống, cho nên sống rất hòa đồng, rất hiểu biết cảm thông và thương mến nhau. Khóa học được diễn tiến tốt đẹp. Và lần lượt tôi nhận được các tác vụ: Đọc sách (06.09.91), giúp lễ (21.08.92), ứng viên phó tế (12.06.94). Tới đây cuộc đời tôi lại chuẩn bị đón nhận những thử thách mới như “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”.

     Ngày 30.06.1994 là ngày mà anh em cùng khóa được vui mừng hoan hỷ tiến lên bàn thánh, giữa muôn ngàn cặp mắt hân hoan vui sướng của những người thân, thì chính lúc đó tôi lại quì gối cúi đầu đội sách để ĐGM đọc lời truyền chức cho anh em của tôi. Tôi biết lúc bấy giờ có những tiếng xì xầm bàn tán, thắc mắc vì sao! do đâu! ở phí sau lưng tôi, nhưng mặc kệ!  cho dù đó là ai? là người thân người quen của tôi đi nữa, tôi chỉ cần biết đây chính là thời điểm cực kỳ quan trọng mà Thiên Chúa đã dùng để thanh luyện tôi, vì Ngài biết rõ tôi hơn tôi biết tôi, cả người tôi lúc bấy giờ như có một luồng điện cực mạnh chạy qua rần rần, và trên đầu tôi như có một làn khói bốc lên tỏa lan khiến tôi như ngây ngất thỏa lòng vì nội công đã được tăng phần thâm hậu.

     Sau ngày anh em ra trường, khóa 1 còn sót lại 3 người, thầy Phêrô Huỳnh Ngọc Điệp, thầy Bênađô Nguyễn tấn Đạt và tôi. Thầy Điệp sau đó đi giúp nhà thờ họ đạo chánh tòa. Còn tôi và thầy Đạt thì được sai đến khu vực truyền giáo Rạch Súc  giúp cha Phanxicô Đinh Trọng Tự. Được tiếp cận với một vị đại lão tiền bối như Cha Phanxicô Đinh Trọng Tự, tôi cảm thấy hạnh phúc vì từ nơi Ngài mà tôi đã học được biết bao điều quí giá không nơi đâu có được. Sau gần 10 tháng đi giúp mục vụ tại Rạch Súc tôi được Đức Cha cho phép làm đơn xin chịu chức phó tế và Ngài đã truyền chức phó tế cho tôi vào thánh lễ sáng ngày 25.05.1995 tại Đại chủng viện Thánh Qúy Cần Thơ.

      Sau khi lãnh chức phó tế, tôi được sai về nhà thờ Vị Hưng để  giúp cha Đominicô Đinh Ngọc Khải và cũng là thử thách cuối cùng để được chịu chức linh mục. Sau 5 tháng sống với vị cha già nổi tiếng là khó, là khắt khe nhưng với tôi Ngài thật dễ thương, thật nhỏ nhẹ đáng yêu biết bao, với những gì mà trước đây người ta cho Ngài là khó, là bảo thủ thì nay dường như đã thay đổi hoàn toàn.

      Về giúp cha Đominicô chưa được bao lâu thì ngày 09.10.1995 tôi lại được lệnh trở về  giúp cha Raphae Văn Công Phong nhà thờ An Thạnh  ở ngã ba dưỡng lão Cần Thơ trong khi chờ đợi giấy phép và cũng để chuẩn bị dọn tâm hồn lãnh chức linh mục. Chính ở nơi đây mà tôi đã học được nơi vị cha già đáng kính những bài học quí giá của đời sống linh mục, những kinh nghiệm khi về già và những bài học của lòng yêu thương chia sẻ…

Sau nhiều thử thách và khó khăn, cùng với sự chia sẻ, hy sinh cầu nguyện của biết bao người, cuối cùng rồi Chúa cũng đã nhậm lời mọi người cầu xin và trao ban chức linh mục cho tôi một cách long trọng tại quê nhà Mỹ Phứơc vào ngày 17.04. 1996. Cho dù thời gian cho phép và ngày lễ phong chức chỉ cách có một đêm, khiến cho mọi người thân quen đều hoang mang lo lắng, thức suốt đêm để cầu nguyện và như một phép mầu, cái giấy của chính quyền không cho phong chức tại quê nhà cách đó mấy ngày đã bị hủy bỏ, thay vào đó là chữ OK! Niềm vui và hạnh phúc mà Thiên Chúa đã bù đắp cho tôi thật quá cao trọng và lớn lao, tôi không biết lấy gì mà đền đáp cho cân xứng.

 

  1. THỜI GIAN LÀM LINH MỤC (1996)
  2. CHA PHÓ GX. ĐẠI HẢI (1996 – 2003)

Thế rồi sau một tháng nghỉ ngơi, gọi là “tuần trăng mật”. Ngày 16.09.1996, tôi nhận được giấy bổ nhiệm của Đức Cha Emm. Lê Phong Thuận sai tôi về làm phó sở của Lm. Giuse Nguyễn Hữu Cường, chánh xứ Đại Hải. Làm phó giáo xứ Đại Hải, lúc đó tôi còn tiếp cha sở đi làm lễ nhà thờ họ đạo Trà Canh và Kế Sách vào mỗi sáng Chúa nhật, hết 4 năm (1996-2000). Thời bấy giờ còn trẻ còn khỏe nên việc đi xa và làm một ngày 3 thánh lễ là chuyện bình thường. Về giúp cha sở Giuse chưa được bao lâu thì Ngài có chuyến đi du lịch Mỹ, nhằm lúc đất nước này bị biến cố 11.09. Làm cho đất nước Hoa Kỳ điên đảo thì tôi phải ở nhà một mình chèo chống con thuyền mang nhiều hình thức truyền thống của xứ Bắc. Công việc tuy có nặng nhọc nhưng nhờ tinh thần nhanh lẹ của người xứ Bắc và sự cộng tác nhiệt tình của HĐMV, nên rồi đâu cũng vào đấy thật tốt đẹp, cho đến ngày cha sở đi du lịch trở về trong bình an vui vẻ.

      Trong thời gian gần 7 năm làm phó sở cha Giuse Nguyễn Hữu Cường, tôi thực sự là may mắn và diễm phúc đã có được những ngày sống tình cha con thật ấm áp, được tiếp cận và học hỏi rất nhiều điều nơi người mục tử giàu kinh nghiệm và nhiều khôn ngoan này. Tuy nhiên hạnh phúc nào rồi cũng có lúc phải chia tay, áo mặc nào rồi cũng có ngày thay đổi.

Ngày 20.02.2003 tôi được nhận giấy bổ nhiệm mới về làm cha phó ngoại cư họ đạo Bắc Hải, xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

  1. CHA PHÓ NGOẠI CƯ GIÁO XỨ BẮC HẢI (2003– 2014)

    2.1. ĐÔI NÉT VỀ GX. BẮC HẢI.

      Dùng từ phó ngoại cư chỉ là cách nói né chữ trong thời kỳ đó chứ thực chất là mọi quyền hành đều được giao cho tôi tất cả như một cha sở. Bắc Hải là một họ đạo nghèo ít dân cư, đa số là người từ phương xa trở về lập cư sau ngày đất nước được thống nhất, do hai cha Đaminh Nguyễn Ngọc Giác và cha Giuse Phạm Thiên Trường từ Buôn Mê Thuộc dẫn về gọi là di dân đi vùng kinh tế mới.

     Nhà thờ được chính quyền địa phương cho phép cất trên bờ kinh 30.04. Phía sau nhà thờ Đại Hải cách quốc lộ 1 khoảng 5 km. Kinh 30.04 là con kinh huyết mạch của tỉnh Hậu Giang để dẫn nước ngọt từ Phụng Hiệp về Sóc Trăng, huy động hàng chục ngàn dân công để đào bằng tay, vì thời đó máy cơ giới chưa có. (Hậu Giang thời ấy bao gồm 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng). Cha Giác là cha sở đầu tiên của Bắc Hải, còn cha Giuse Trường vì tuổi đã cao nên xin về hưu cũng ở gần đó trong họ đạo và sẵn sàng đi giúp các cha chung quanh khi có cha nào cần. Cha Giác coi sóc họ đạo được 11 năm rồi qua đời năm 1986 do bệnh ung thư gan.

      Sau khi cha Đaminh mất thì Bắc Hải được giao lại cho cha Gioan Mai ở Trung Hải quản nhiệm, khi cha Mai đổi về Xuân Hòa thì lại giao cho cha Antôn Nguyễn Mạnh Đồng mới đổi về Trung Hải phụ trách tiếp. Trước khi cha Antôn xin về hưu thì Bắc Hải lại được giao cho cha hạt trưởng Giuse Nguyễn Hữu Cường (2000) trong thời gian này tôi đang làm phó ở Đại Hải nên cũng đã được phân công tới đây làm lễ mỗi tuần một lần vào ngày CN. Vì thế Bắc Hải đối với tôi không có gì xa lạ cả. Có điều từ khi cha Đaminh mất năm 1986 đến khi tôi về đây năm 2003, thì nhà xứ đã không có ai trông coi. Các cha sở chỉ đến dâng lễ vào mỗi Chúa Nhật rồi về chứ không ai ở lại, cũng may còn có cha Giuse Trường ở đó, Ngài sẵn sàng giúp các cha sở làm tất cả các việc mục vụ cần thiết. Tuy nhiên, vì không có linh mục thường trú trông coi nên nhà thờ nhà xứ đều đã xuống cấp trầm trọng, mỗi khi nước thủy triều lên nước thì ngập cả đến sân nhà thờ, nhà xứ. Bà con giáo dân đi lễ rất vất vả, có khi bị trợt té ướt quần áo phải bỏ lễ mà về, trông thật thê thảm và tội nghiệp.

      Có nhiều việc cần làm và phải làm, nhưng làm cái nào trước cái nào sau, tiền ở đâu ra, ngân quĩ thì không có đồng nào là những điều khiến tôi trăn trở. Tôi đã cầu nguyện và suy nghĩ thật nhiều, cuối cùng bằng số tiền nhỏ nhoi mà bà con giáo dân Đại Hải đã cho khi tiễn tôi vào đây, tôi quyết định bắt đầu làm hàng rào và cổng nhà thờ, kế đến làm bờ kè và nâng cấp mặt lộ ở dưới mé sông để ngăn dòng nước lũ không tràn vào mỗi khi nước thủy triều lên. Nhìn thấy tấm lòng yêu thương giáo dân, nhiều ân nhân cũng đã rộng tay giúp đỡ. Từ đó tôi bắt đầu có những kế hoạch để cải thiện nhà xứ và tạo điều kiện cho bà con giáo dân có nơi thờ phượng tử tế.

Nhà xứ rất nhỏ bé, tôi cũng lo làm chỗ để nấu cơm tiếp khách. Cũng may lúc bấy giờ có chiếc xáng thổi đang nạo vét kinh 30.04 nên tôi đã gợi ý nhờ họ giúp thổi đất lên san lắp đầy các mương ao chung quanh nhà thờ và hứa bồi dưỡng cho họ, thế là mấy ngày sau khu nhà thờ đã như một bãi đất hoang đầy nước và sình cũng đầy ếch nhái. Mỗi khi đêm về, chúng lại thi nhau tấu những khúc nhạc đồng quê inh ỏi.

 

2.2. VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG (PHÚC ÂM HÓA)

        Việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo là một trong những sứ mạng hàng đầu và quan trọng nhất mà tôi hằng quan tâm khi về đây. Tôi xác tín đây là thánh ý Chúa, chính Ngài đã gọi tôi và sai tôi đi, tình yêu của Ngài thúc bách tôi, khiến tôi lao mình vào cánh đồng mênh mông chín vàng đang thiếu người gặt này. Cũng may khi tôi về Bắc Hải, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho tôi một trợ thủ đắc lực dạn dày kinh nghiệm trong việc này, đó là cha cố Giuse Phạm Thiên Trường, tuổi tác của Ngài tuy có cao nhưng tinh thần của Ngài vẫn còn sáng suốt vẫn còn hăng say hoạt động với những việc tôi nhờ hay được phân công.

      Công việc loan báo Tin Mừng được tổ chức như sau:

  • Tổ chức ban Phúc Âm Hóa là những cộng tác viên nòng cốt trong việc loan báo Tin Mừng gồm các thành viên Hội Đồng Giáo Xứ, các thành phần giáo dân có khả năng và tích cực, cùng với sự cộng tác của quí soeur dòng Nữ tử bác ái.
  • Kế hoạch “Đến mà xem”: Tôi qui tụ bà con trong họ đạo làm nghề bán hàng rong trên các ghe xuồng, tất cả có chừng 20 chiếc, cho họ chia nhau đi vào các kinh rạch, vừa buôn bán kiếm cơm vừa mời gọi những người thiện chí đến mà xem. Khởi đầu có vài ba người, rồi dần dần người này rủ người kia số người đến mà xem ngày càng thêm đông.
  • Kế hoạch đón tiếp: Ban Phúc Âm Hóa phân công người đón tiếp các anh chị em phương xa đến từ chiều thứ bảy, chuẩn bị cơm chiều và chỗ ngủ qua đêm, để hôm sau có thể tham dự thánh lễ cùng với giáo xứ. Chính trong đêm gặp gỡ thăm hỏi này mà đã tạo được sự thân thiện, để họ quen dần và có cảm tình với đạo.
  • Tổ chức kế hoạch thăm viếng: Tôi và cùng với các anh em trong ban Phúc Âm Hóa đi thăm viếng thường xuyên bà con xa gần. Mỗi tuần số người đến mà xem đã đông nay càng đông hơn nữa, nhà thờ nhà xứ không còn chỗ chứa. Để tránh những phiền phức có thể xảy ra khi ở lại ngủ qua đêm, tôi đã họp bàn với ban Phúc Âm Hóa và cha cố Giuse Trường tổ chức cho họ một thánh lễ riêng vào lúc 8g sáng ngày Chúa nhật, chiều thứ 7 không còn nhận người nữa; Vì lúc đó, đã có được vài chục anh chị em tân tòng rồi. Tôi tập cho họ bắt kinh đọc sách thánh và có ca đoàn riêng để hát lễ.
  • Tổ chức các lớp giáo lý dự tòng, tân tòng. Thấy ân sủng của Thiên Chúa hoạt động ngày một rõ nét, tôi hiểu rằng Chúa đã ở bên tôi như lời Ngài đã hứa: “Thầy sẽ ở bên các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 28, 20). Tôi tổ chức các lớp giáo lý nhiều hơn và theo hệ thống cụ thể hơn.

 + Khởi đầu là lớp: ĐẾN MÀ XEM  dành cho người lớn và thiếu nhi. Lớp người lớn do tôi phụ trách và thiếu nhi do quí Sơ phụ trách. Các lớp này rất quan trọng, vì qua các lớp này mà chúng tôi được biết họ ở đâu, hoàn cảnh của họ như thế nào, họ muốn gì. Nhắc đến đây, tôi nhớ lại một câu chuyện khá thú vị. Một lần tôi dang dạy giáo lý thì có một người đàn bà ốm yếu dẫn theo một thằng con trai độ tuổi 15, bước vào lớp, nhìn 2 mẹ con không bình thường chút nào, chân đi không giày dép, áo quần thì bẩn thỉu ống thấp ống cao, áo mặc chỉ cài có vài 3 nút, miệng thì nhỏ giãi trông mất vệ sinh.

Tôi hỏi thử: –  Xin lỗi, bà ở đâu? + Tôi ở Mang Cá. – Bà tên gì? + Hai Tánh. – Tôi có thể giúp được gì cho bà?  Bà trả lời ngay: +  Nhà tôi nghèo quá ông cha ơi! Tôi nghe nói ông cha tốt bụng hay thương người nên đến xem ông có giúp được gì không? Nghe câu nói thật lòng của bà, tôi thấy thương bà làm sao! Còn thằng con của bà lúc ấy thì chỉ biết chỉ chỏ và nói ú ớ chứ không phát âm được tiếng nào. Tôi trả lời: Được rồi tôi sẽ đến thăm nhà bà, rồi sẽ tính sau. Còn bây giờ bà có muốn dự lớp giáo lý này không ? Bà trả lời:  Dạ có. Thế là cả lớp vỗ tay mừng bà.

      Mấy hôm sau tôi cùng một thành viên trong ban Phúc Âm Hóa đi đến Mang Cá thuộc xã Đại Hải và hỏi tìm nhà ông bà Hai Tánh thì ai cũng biết và chỉ ngay. Đó là một căn nhà rách nát xiêu vẹo, chung quanh bẩn thỉu có lẽ lâu ngày không ai quét dọn. Trong nhà cảnh tượng còn ghê sợ, bẩn thỉu chưa tùng thấy, áo quần vất lung tung, có một ông già độ tuổi 70, mù một mắt, lưng khòm tay cầm cây roi đứng canh 2 thằng con trai khùng đang chọi phá nhau hò hét như xung trận. Tôi hỏi bà nhà ở đâu thì ông cho biết bà đi giặt đồ mướn, có khi đi rửa chén mướn, ai mướn làm gì thì làm để đổi lấy chén cơm sống qua ngày. Cuộc sống của gia đình này thật cơ cực và đáng thương, về sau này báo Pháp Luật  thành phố có xuống đăng tin và vận động ân nhân giúp làm lại được cái nhà.

     + Tiếp đến là các lớp GIÁO LÝ DỰ TÒNG: Có 3 lớp dự tòng.  Một lớp dành cho người lớn biết chữ, một lớp dành cho người lớn không biết chữ và một lớp dự tòng cho thiếu nhi. Thành viên của các lớp này là những người đã qua các lớp đến mà xem ít là một năm, đã thường xuyên đi học đầy đủ và đã có sự xác tín rõ ràng trong niềm tin. Các lớp dự tòng này cũng kéo dài ít là một năm và sau khi khảo hạch đầy đủ thì mới cho đương sự làm đơn xin rửa tội để được xét lại lần cuối cùng và cho rửa tội trong dịp lễ Phục Sinh.

+ Lớp GIÁO LÝ TÂN TÒNG: Rửa tội xong cũng chưa phải là xong, các tân tòng sau khi dự lễ CN còn phải ở lại học tiếp một giờ giáo lý, gọi là lớp GIÁO LÝ TÂN TÒNG, học hỏi sâu hơn về các Mầu nhiệm của đạo thánh Chúa, giáo lý PÂ hàng tuần.

Hoa trái thu hoạch được trong 11 năm tôi phục vụ tại Bắc Hải cũng khá cao.  Trên 500 người đã được trở về cùng Chúa, trong số đó đa phần là người lớn tuổi, người tật nguyền, đặc biệt là những người  đã từng bị ma tà ám nhập lâu năm mà tôi đã giúp cho được chữa lành. Thấy có nhiều người theo đạo như vậy thì có kẻ nghi ngờ và cho rằng họ theo đạo vì gạo vì tiền chứ chẳng thật lòng gì đâu!  Tôi trả lời, ông bà mình ngày xưa đã từng nói “có thực mới vực được đạo”.  Đúng vậy, trong Kinh Thánh, ngày xưa khi Chúa Giêsu đi rao giảng nước trời, Ngài vừa giảng dạy, cũng vừa  chữa lành và cũng vừa  cho họ được ăn no nê qua việc làm phép  hóa bánh ra nhiều kia mà !  (Mc 8.1-10 : Mt.15,22-28).

Tôi xin được được kể  một câu chuyện có thật về anh Tân tòng  như sau. Lý Chel là một thanh niên người Khmer, anh đi tu ở chùa bên Kế Sách theo phong tục 3 năm để báo hiếu cha mẹ của người Khmer. Thế rồi bỗng dưng không biết anh bị bệnh gì mà thịt da lở loét, rơi rớt từng miếng thịt, co quắp tay chân, anh phải nghỉ tu mà trở về nhà chữa trị nhưng tiền mất tật mang, tốn bao nhiêu cũng không chữa khỏi. Khi được người ta giới thiệu, tôi đã đến thăm anh. Lúc đó anh dường như đã bị kiệt sức rồi, hai chân dính cứng vào nhau và tê liệt hoàn toàn. Cũng may là mắt anh còn sáng và trí khôn vẫn bình thường. Anh nói chuyện nghe rõ ràng. Anh kể chuyện cuộc đời của anh cho tôi nghe và tôi nói về Chúa cho anh biết. Anh tỏ ra rất phấn khởi. Cứ thế mỗi lần đến thăm tôi lại trao đổi về một đề tài, chúng tôi ngày càng hiểu biết và thương mến nhau hơn. Thế rồi một hôm anh trở bệnh nặng, hấp hối, được người nhà báo tin tôi đã chạy đến ngay, may quá anh vẫn chưa chết. Anh thều thào xin tôi cho anh được rửa tội. Mừng quá, tôi đã hỏi lại anh những gì anh đã biết với sự xác tín và tôi đã lấy tên thánh Phêrô của tôi mà đỡ đầu rửa tội cho anh.  Phêrô Lý Chel  người giáo dân Khmer đầu tiên mà tôi đã rửa tội nơi đây. Điều đáng nói ở đây là sau khi được rửa tội anh Lý Chel  như có ơn Chúa trợ giúp đã tỉnh táo trở lại,  đã có một đời sống mới, vui vẻ lạc quan hơn. Nhà anh đang ở là một căn nhà nhỏ ở đậu trên phần đất của chùa Cao Đài tại chợ Mang Cá, xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Nhà nghèo, mẹ anh phải đi vá bao mướn cho một nhà máy xay lúa gần đó để kiếm tiền nuôi anh. Mẹ  anh có hai đời chồng, chồng trước chết và đang sống với người chồng sau cũng ốm yếu bệnh hoạn thường xuyên đi nằm nhà thương. Nhà anh tuy nghèo nhưng không hề nghe anh than phiền hay trách cứ điều gì. Anh theo đạo đã bị nhiều đồng môn trách cứ, nhiều người bảo anh bỏ đạo rồi hứa hẹn điều này điều kia. Nhưng niềm tin của anh thật kiên cường và vững mạnh, trước sau như một. Có thể nói anh là một nhân chứng sống. Gần 6 năm sau mới được Chúa rước về.

 

 

2.3. NHỮNG TRỢ LỰC CẦN THIẾT CHO VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG

      Công việc Loan báo Tin Mừng sỡ dĩ đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, tất cả là nhờ ân củng của Thiên Chúa,  ngang qua những cánh tay nối dài của Ngài, cùng với những tấm lòng rộng mở yêu thương và bằng những hành động cụ thể như :     

  • Tổ chức một phòng khám phát thuốc từ thiện do quí dì dòng nữ tử Bác Ái phụ trách cùng với các thành viên trong ban Phúc Âm Hóa, mỗi tuần Chúa nhật có trên 100 bệnh nhân đến khám xin thuốc. Cha sở thì luôn có mặt và sẵn sàng trợ giúp những ai đang gặp khó khăn về tinh thần. Bị ma tà ám nhập, người dân tin tưởng xin cha đặt tay và được bình an.
  • Có một cửa hàng không đồng dành cho những ai siêng năng đi lễ, học giáo lý có phiếu thưởng, được đổi lấy các phần gạo, mì, đường sữa bột ngọt, nước mắm, nước tương . . .
  • Hằng tuần có nấu một bữa cơm tình thương dành cho tất cả những ai đến dự lễ và học giáo lý. Trung bình từ 300 đến 400 người ăn, những ngày lễ lớn như Giáng Sinh, Phục Sinh, lễ khánh nhật truyền giáo thì đông hơn gấp đôi.
  • Có nhiều phái đoàn ân nhân trong và ngoài nước đến viếng thăm và tặng cho bà con nghèo những  giếng nước sạch, những chiếc  ghe, chiếc  xuồng làm phương tiện đi lại và sinh sống, cho xe đạp, giúp  học bổng học sinh nghèo hiếu học, giúp sửa chữa  nhà cửa hay làm cái mới cho những hộ gia đình quá nghèo khổ, chia sẻ cơm gạo, áo quần cho người nghèo, giúp vốn chăn nuôi heo, gà  . . . Lại còn có một gia đình ân nhân hàng tháng  giúp cho trên một trăm ông bà già và người tàn tật một số tiền gọi là tạm đủ sống qua ngày.

      Cuộc sống ở nhà thờ ngày Chúa nhật vào thời diểm đó như là những ngày lễ hội, xuồng ghe đầy dưới bến sông, trên bờ thì xe cộ  tấp nập kẻ lui người tới, bầu khí thật tưng bừng vui vẻ. Có nhiều người ở xa phải đi bằng ghe xuồng  và  để đi cho kịp theo con  nước  rông nước lớn , họ phải thức đi từ hai ba giờ sáng  nên từ sáng sớm khi thức  dậy thì tôi  đã thấy họ có mặt rồi. Có nhiều người gặp tôi họ nói: nôn lắm cha ơi, ở nhà cứ trông tới ngày thứ bảy Chúa nhật  là ngủ không được. Đi đến nhà thờ nhưng họ nào có đi tay không, trong tuần có bắt được con cua con ốc thì để dành CN mang đến nhà thờ biếu cha biếu dì, ngoài vườn ngoài rẫy có trái gì ngon thì cũng không quên mang theo  chia sẻ. Họ là người dân quê chân chất, ăn nói thật lòng, nghĩ sao nói vậy. Tiếp cận với họ mới thấy họ thật đáng yêu và dễ thương làm sao!

Một hôm đứng ở cửa nhà thờ tôi quan sát thấy một cụ già lom khom bước lên tam cấp, một tay chống gậy, một tay ôm bịch nilon. Khi tới cửa nhà thờ cụ mới cúi xuống mở bọc nilon và lấy ra một đôi dép cũ xì  mang vào chân, thấy lạ tôi hỏi: sao cụ không mang nó từ nhà, mà tới đây mới mang vậy ? Cụ nói: con không quen đi dép sợ té, vả lại để dành đến nhà thờ mới mang là để tôn kính Chúa. Thế sao bà đi sớm thế?  Con sợ hết chỗ. Tôi phì cười và nắm tay bà dẫn vào hàng ghế nhất nơi mà bà vẫn ngồi hàng tuần. Bà nói con vẫn ngồi đây cho gần Chúa và nghe cha giảng cho rõ. Bà là người giáo dân tân tòng tuyệt vời mà tôi bắt gặp nơi vùng đất truyền giáo này.

2.4.  XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRỂN.

      Song song với việc loan báo Tin Mừng không thể không nói đến những việc xây dựng cơ sở vật chất. Đây là nhu cầu cần thiết để có nơi thờ phượng và sinh hoạt. Đất nhà thờ thì hẹp và con số những trở lại cùng Chúa ngày càng đông. Tôi phải hỏi mua của nhà ông bà Tư Suy hai công đất ở phía sau nhà thờ để làm thêm nhà giáo lý, phòng khách, nhà ăn… Đồng thời cũng phải nghĩ đến ngôi nhà thờ hiện đã dột nát và xiêu vẹo mỗi khi mùa mưa đến. Vấn đề đặt ra là kiếm đâu ra tiền để làm trong khi tôi về đây mới hơn 3 năm. Nhưng rồi tôi lại xác tín việc nhà Chúa thì chắc chắn Chúa  sẽ có cách giải quyết. Việc của tôi là tìm kiếm thánh ý của Chúa như chính Chúa đã nói “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa… còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Tôi triệu tập cuộc hợp Hội Đồng Giáo Xứ và lên kế hoạch sẽ làm trong vòng 3 năm (2006-2008), mỗi năm một phần, mọi người đồng  ý và  tôi bắt đầu lên kế hoạch.

2.4.1 Chuẩn bị bước 1:

        – Xin phép: Tất nhiên là để xây dựng  nhà thờ cần có ý kiến của Đức Giám Mục và chính quyền địa phương. Điều này thật dễ dàng và mau chóng, vì giáo quyền cũng như chính quyền đều biết sự xuống cấp trầm trọng của ngôi nhà thờ này.

       – Thiết kế bản vẽ: Với tôi đây là một vấn đề khó. Tôi đi rảo qua các nhà thờ trong giáo phận để tham khảo các kiểu mẫu nhà thờ, nhưng rồi tôi không tìm được mẫu nào ưng ý cả. Tuy nhiên tôi cũng thử phác họa một vài kiểu mẫu theo ý riêng của mình, rồi gửi sang cho một đứa em kết nghĩa ở bên Mỹ nhờ nó xem và góp ý. Vài hôm sau nó trả lời: Kiểu mẫu anh cả vẽ xấu quá! Anh cả mà làm theo kiểu đó em sẽ không cho một xu! Nghe đứa em nó trả lời như vậy lòng tự ái bỗng trào dâng, nhưng cố nén xuống và nói tiếp: Vậy thì em xem có kiểu nào đẹp gửi cho anh cả vài kiểu tham khảo! Thế là vài  hôm sau tôi nhận được 3 cái hình nhà thờ kiểu xưa chụp ở ngoài Bắc trông rất đẹp. Tôi chọn một cái ưng ý nhất rồi nhờ một kỹ sư quen ở Cần Thơ có vợ ở chợ Cống Đôi Đại Hải vẽ lại, thiết kế chi tiết dùm theo sự góp ý của tôi. Mọi người nhìn thấy đều ưng ý và chúng tôi lại bắt đầu những giai đoạn kế tiếp.

2.4.2 Chuẩn bị bước 2 :

Tìm nguồn tài chánh:

       – Bản vẽ đã có nhưng nguồn tiền  thì tìm ở đâu ra?

Tôi kêu gọi  bà con giáo dân khấn thánh Giuse. Ngài tuy ít nói nhưng chưa từ chối một ai có lòng van xin. Phần tôi viết một lá thư ngỏ nhờ Đức Giám Mục giới thiệu vì Ngài hiểu rõ về hoàn cảnh của Bắc Hải hơn ai hết.  Có được chữ ký của Đức Giám Mục tôi mạnh dạn gửi thư ngỏ đi các nơi mà tôi quen biết trong và ngoài nước. Tôi cũng được nhiều người thân quen mách bảo và hứa dẫn đi các nhà thờ ở thành phố đăng ký xin tiền, tôi trả lời: Tôi chỉ là một linh mục nhà quê thì có biết chỗ nào mà dám đi. Họ vừa nói vừa chọc tôi: Cha cứ đi có tụi con lo, cha chỉ cần “hát cho hay, khóc cho dữ” thì tụi con đếm tiền mệt xỉu. Vốn xuất thân từ nông dân, có sao nói vậy thì tôi làm gì biết “chuyện con cá con tôm”. Vả lại với tôi, có nói không, không nói có là không được. Dầu vậy để có tiền làm nhà thờ thì cũng thử làm liều một vài chuyến đi xin tiền xem sao! Tôi thu xếp công việc rồi đi thành phố tìm đến nhà một người anh em kết nghĩa nhờ dẫn đến vài nhà thờ mà anh quen, nhà thờ đầu tiên gặp cha sở cũng vui vẻ chào đón, nhưng khi  được giới thiệu là linh mục ở miền Tây lên xin tiền làm nhà thờ, thì Ngài có một nét mặt khác và nói: Làm sao tôi biết chắc anh là linh mục. Tôi hoàn toàn sững sờ vì qua thư ngỏ đã có sự chứng nhận và giới thiệu của Đức Giám Mục giáo phận Cần Thơ, vậy mà Ngài vẫn không tin. Thế là anh bạn tôi quen đành phải nhờ một người bà con giáo dân là em của cha Mai Thúc Hòa ở xứ đó đứng ra làm chứng thì Ngài mới chịu.

      Lần đầu tiên đi xin tiền làm Nhà Thờ mà xem ra không được suông sẻ, tôi cảm thấy thất vọng muốn bỏ cuộc nhưng anh bạn dẫn tôi đi vẫn luôn động viên và khích lệ. Tiếp đến, tôi còn được dẫn tới khoảng mười Nhà Thờ nữa, thái độ đón tiếp của mỗi Cha thì có khác. Kết cuộc trong những tháng đi đăng ký xin tiền, tôi chỉ làm lễ được ở năm Nhà Thờ, với số tiền hết sức là khiêm tốn, và tôi quyết định không đi xin nữa để hết mọi sự cho Chúa lo.

2.4.3 Chuẩn bị bước 3.

      –  Mua vật tư và tìm thợ: Tôi tiến hành làm nhà kho chứa vật tư. Với số tiền có được, tôi đã mua toàn bộ số sắt đá cần thiết chuẩn bị cho ngày xuống móng là ngày 19.03.2006. Vì các thầu xây dựng bên ngoài đòi giá quá cao mà họ đạo thì lại quá nghèo nên cuối cùng phải nhờ các thợ trong họ đạo làm với giá hữu nghị hơn, mỗi gia đình trong họ đạo đóng góp 30 ngày công, những ngày sau đó ai tiếp được bao nhiêu thì tiếp, bằng không thì trả tiền cho đến khi nhà thờ được làm hoàn thành.

2.4.4 Lễ khởi công làm nhà thờ và các công trình phụ.

       – Khởi công: Tôi chọn ngày lễ kính thánh Giuse 19.03 để khởi công. Nhằm mục đích  phó thác công trình này cho Ngài bảo trợ. Thế rồi như được sự an bài của Chúa và sự trợ giúp của thánh Giuse, các ân nhân đó đây trong và ngoài nước gửi tiền về và chỉ hơn 1 năm tôi đã hoàn thành xong ngôi Nhà Thờ mới với các công trình phụ như là nhà ăn Phúc Âm Hóa, phòng giáo lý, đặc biệt là nhờ một gia đình ân nhân giúp đỡ tôi đã xây dựng được một ngôi nhà khách rộng khang trang, ngôi nhà này trước đó tôi dự định để làm nhà hưu dưỡng cho những người già neo đơn, không con không cháu, nhưng đã không thành vì nhiều lý do ngoài ý muốn.

2.4.5 Lễ khánh thành

        Khi mọi sự đã hoàn tất, tôi đến gặp Đức Cha và trình bày cho ngài biết những thành quả đã đạt được để xin ngài đến làm phép khánh thành. Ngài tỏ ra vui mừng và hẹn ngày 15.11.2007 sẽ đến cung hiến và làm phép ngôi nhà thờ mới này. Việc kế tiếp là xin phép chính quyền tổ chức lễ khách thành đồng thời gửi thư mời đến các nơi, các ân nhân xa gần mà tôi đã từng xin họ trợ giúp để họ đến chung vui và chia sẽ những gì còn hụt thiếu. Tôi đã chuẩn bị 100 bàn ăn cho khách mời chính thức chưa kể phần phụ trội cho người phục vụ, ấy vậy mà hết sạch. Bà con giáo dân đã rất vui mừng phấn khởi có được ngôi nhà mới khang trang sạch đẹp như trong giấc mơ và quên hết mọi nhọc mệt của những tháng ngày vất vả. Các dự tòng và tân tòng cũng được phấn khích như tìm được chỗ dựa đức tin vững chắc cho mình và số người đến dự lễ mỗi ngày thêm đông chật cứng kể cả bên trong lẫn bên ngoài hành lan nhà thờ. Xin tạ ơn Thiên Chúa đến muôn đời.

2.5  ƯƠM MẦM ƠN GỌI

       Để có lớp đàn em kế thừa, tôi cũng đã nghĩ đến việc phải ươm trồng ơn gọi cho tương lai bằng việc tổ chức lớp dự tu trong xứ đạo với danh từ “Nhóm Hoa Nhỏ” lấy tinh thần thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu làm nền tảng và chủ đạo. Sở dĩ có từ Hoa Nhỏ là bắt nguồn từ một câu chuyện về nó như sau: Một hôm tôi nhận được một bao thơ có kèm 200 Aud, người gửi cho ký tên là Hoa Nhỏ. Tôi tưởng là món quà của một nhóm em nhỏ nào đó bên Úc, nên khi viết thư cám ơn tôi gọi là các em thì đại diện Hoa Nhỏ mới gọi điện cho tôi biết: Thưa cha, tụi con gọi là hoa nhỏ nhưng không phải là nhỏ, con năm nay 70 tuổi, chị em con hầu hết cũng lớn tuổi nhưng lấy tinh thần của thánh nữ Têrêsa mà gọi là Hoa Nhỏ để họp mặt và cầu nguyện với nhau mỗi tháng một lần, khi nhận được thư ngỏ của cha qua người thân chúng con gom góp với nhau để có chút quà mọn gửi biếu cha, xin cha vui nhận. Thế là từ đó chúng tôi quen nhau và nhóm Hoa Nhỏ đã nhận tôi làm anh Hai đỡ đầu cho họ. Về sau, có chị Tâm và chị Lucia Tư đại diện của nhóm Hoa Nhỏ Úc về Việt Nam ghé thăm tôi, tôi mới nhờ  hai chị đỡ đầu để lập nhóm Hoa Nhỏ Bắc Hải, lớp dự tu bắt đầu từ đó và cũng từ nhóm Hoa Nhỏ này mà ngày nay Bắc Hải đã có hai Linh mục Gioan Võ Phương Bình Và Giuse Nguyễn Văn Hiến; ba thầy Phaolô Nguyễn Việt Nam, Giuse Vũ Văn Nhơn, Phaolô Nguyễn Minh Đức ; 5 sơ Annna Huỳnh Thị Kim Phụng, Maria Phạm Thị Kim Phượng, Maria Vũ Thị Phương Nhàn, Maria Vũ Thị Mỹ Hằng, Maria Nguyễn Thị Hồng Xuân,…

         Hy vọng qua tinh thần của nhóm Hoa Nhỏ, các thành viên của nhóm  này sẽ tiếp nối sứ mệnh mà chị thánh Têrêsa đã hướng dẫn để có một đời sống luôn luôn đổi mới, giản dị và khiêm tốn cùng được giống như chị.

  1. BIẾN CỐ MẤT MẸ VÀ BỆNH PARKINSON

        Cuộc sống đang xuôi dòng ở Bắc Hải bỗng dưng nửa đêm tôi nghe tiếng điện thoại reo, lồm cồm ngồi dậy bắt máy, tôi nghe tiếng nức nở từ đầu dây bên kia của đứa em: mẹ sắp mất rồi anh ơi! Tôi hỏi mẹ đang ở đâu? Em tôi trả lời mẹ đang cấp cứu ở trong nhà thương, anh xuống ngay. Lúc ấy đã gần nửa đêm tôi vội vàng chạy xuống nhà thương Sóc Trăng. Thấy mẹ tôi đang thở bình oxy, còn bác sĩ thì ra sức cấp cứu, tôi biết mẹ tôi không qua khỏi, nên tôi chỉ giải tội lòng lành và xức dầu cho bà mà không nói được tiếng nào. Bước ra khỏi phòng được ít phút thì mẹ tôi qua đời lúc đó là 1h sáng ngày 27.02.2013 (nhằm ngày 18.01 Âl). Sau đó xác bà được đưa về Mỹ Phước, tổ chức lễ an táng và chôn cất ở đó.

        Đã từ lâu tôi rất sợ cái ngày này, ngày mất mẹ, ngày trở nên trống vắng trong cuộc đời, ngày buồn thảm hơn bao giờ hết. Mặc dầu khi hay tin mẹ tôi mất đã có rất nhều người, nhiều đoàn thể đến chia buồn. Đức Giám Mục địa phận cũng đã có đến tại nhà phân ưu và dâng thánh lễ. Rồi ngày lễ an táng có cha Tổng Đại Diện, rất đông quý cha, quý tu sĩ nam nữ cũng đến tham dự và tiễn đưa; tôi cũng chưa vơi được nỗi buồn lớn lao này. Bấy giờ mặt mũi tôi hốc hác, mắt đờ đẫn, trông thấy tôi không còn thần sắc nữa. Nhiều người tưởng tôi vì quá đau buồn mà trở nên như vậy nhưng thực chất tôi đã có mầm bệnh mà chưa phát hiện ra. Nên sau khi chôn cất mẹ xong tôi đã đi đến nhà thương Chợ Rẫy để tìm xem tôi mắc bệnh gì. Xét nghiệm đủ các thứ, thậm chí là chụp MRI cũng không phát hiện được gì, vị bác sĩ tôi quen bên Chợ Rẫy đã giới thiệu tôi cho một bác sĩ bạn bên Đại Học Y Dược chuyên về thần kinh, khi nhìn thấy tôi vị bác sĩ này đã nói ngay anh bị Parkinson rồi. Sau khi kiểm tra thêm vài động tác bác sĩ mới ra toa uống thuốc một tháng rồi tái khám. Tiếp theo tôi cũng đi nhiều bác sĩ khác nhưng cũng đều kết luận rằng tôi bị Parkinson. Đây là một chứng bệnh nan y chưa có thuốc chữa trị, chỉ có thuốc làm chậm sự phát triển của bệnh mà thôi. Thế là tôi đành sống chung với lũ. Ngày nào tôi cũng phải dùng thuốc sáng trưa chiều tối. Tôi xin phép Đức Giám Mục đi nghỉ dưỡng bệnh một tháng, lúc đang ở nhà dòng Gioan Thiên Chúa, tôi nhận được điện thoại của Đức Cha báo tin sẽ đổi tôi về nhà thờ Ba Mít, tôi nói con sẵn sàng nhưng chờ con về thu xếp đã. Sau đó tôi trở về Bắc Hải chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ mới thì Đức Cha lại báo tin tôi sẽ về Trà Rằm thay thế cha Phêrô Chính mới qua đời. Một lần nữa, tôi thưa tiếng xin vâng với Chúa.

 

TÂM TÌNH KHI XA RỜI BẮC HẢI.

           Đời người mục tử rày đây mai đó là chuyện bình thường, biết thế nhưng trong tôi vẫn có chút buồn buồn và lo âu vì phải xa rời đàn chiên mà mình đã từng yêu thương và gắn bó đã bao nhiêu năm, đã biết rõ con nào mập con nào ốm, con nào khỏe con nào ghẻ lở tôi cũng điều biết hết.  Số chiên cũ thì không đáng lo nhưng điều đáng lo là lo cho số con chiên mới vào đàn, chúng còn xa lạ còn nhút nhát chưa vững tin và dễ sợ hãi trước thú dữ. Ai sẽ đứng ra bênh vực chúng, ai sẽ dẫn chúng đến đồng cỏ xanh tươi và suối nước mát! Tìm được người thiện chí có tâm yêu thương đàn chiên không phải dễ, tôi lo âu là thế. Tuy nhiên trong niềm tin vào sự quan phòng của Chúa tôi tin Chúa sẽ có cách thu xếp và an bài mọi sự theo đường lối của Ngài.

 

  1. CHA SỞ HỌ ĐẠO TRÀ RẰM

          Ngày 10.07.2014 tôi nhận được giấy bổ nhiệm của Đức Cha Stêphanô Tri Bữu Thiên về làm chánh sở Họ Đạo Trà Rằm trong lúc bệnh tình chưa được ổn định, dầu vậy tôi vẫn vâng lời và chuẩn bị chia tay với Bắc Hải, nơi mà tôi đã gắn bó và cống hiến hết cả sức lực suốt 11 năm.

         Ngày 12.08.2014 là ngày tôi về với Họ Đạo Trà Rằm trong sự lo ngại của bà con giáo dân khi thấy tôi có vẻ xanh xao ốm yếu lúc bước lên cung thánh đọc lời tuyên xưng đức tin. Tôi nói với bà con giáo dân rằng: “Tôi được Đức Giám Mục gửi về đây như gửi về vùng đất mẹ, tôi mong mọi người đón nhận tôi như đứa con xa xứ mới về và sẵn sàng cộng tác để Họ Đạo được phát triển. Trà Rằm là đứa con có hai dòng máu Trà Lồng và Trà Cú được sinh sau đẻ muộn, tôi cũng rất mong anh chị em biết sống hòa đồng và yêu thương để Họ Đạo được thăng tiến theo kịp với các Họ Đạo đàn anh đàn chị của mình”. Thế rồi sau một tuần lễ nghỉ ngơi tôi đã lên chương trình bắt tay vào việc .

4.1. Thăm viếng và gặp gỡ

         Khởi đầu tôi đi thăm viếng từng nhà giáo dân, chụp hình gia đình của họ theo từng khu để nắm bắt tình hình giáo dân đã đang sinh sống như thế nào, gồm có những ai, làm nghề gì, . . . đồng thời gặp gỡ Hội Đồng Giáo Xứ đương nhiệm, xem các ông có thể tiếp tục cộng tác để làm việc nữa hay không ? Tất cả đều xin nghỉ để bầu Hội Đồng Giáo Xứ mới, tôi đồng ý và mời họ vào ban cố vấn.

4.2. Chia khu và bầu Hội Đồng Giáo Xứ mới

         Để có thêm nhiều người cộng tác và dễ điều hành giáo dân tôi phân chia Họ Đạo thành 7 khu, từ đó họ tự đề cử người ra ứng cử HĐGX mới. Công việc được tiến hành thuận lợi và nhanh lẹ. Khi có được HĐGX mới rồi, chúng tôi bắt đầu lên phương án những việc gì cần  phải làm.

       4.3. Xin quí Dì dòng CQP.

Nhận thấy công việc họ đạo khá nhiều, các giới cũng khá đông mà sức khỏe của tôi thì lại giới hạn, do vậy tôi quyết định để xin một cộng đoàn nữ tu về giúp tôi lo cho họ đạo. Nhưng biết chọn cộng đoàn nào đây? Trong hạt Trà Lòng hiện có các 4 dòng đang giúp là CQP, MTG, CĐM, nữ tử bác ái. Vậy tôi phải xin dòng nào đây! Sau khi tìm hiểu thì tôi đã quyết định chọn dòng CQP một hội dòng có mặt lâu đời ở VN, và cũng là cộng đoàn tôi có quen nhiều người nhất. Hơn nữa họ đạo Trà Cú láng giềng cũng đã có quí dì dòng CQP đang phục vụ. Tôi liên hệ với dì bề trên và được dì xuống tận nơi xem xét, sau đó hướng dẫn tôi làm đơn, và chỉ ít ngày sau CN 19/10/2014 là cộng đoàn xứ đạo Trà Rằm được đón Dì Linda Thủy là người đầu tiên về giúp cùng với dì Thu Liễu. . . Các dì cũng rất tích cực và năng nổ, nên bầu khí họ đạo bỗng thấy vui hơn và sớm đi vào nề nếp hơn.

4.4. Tiến hành xây dựng và phát triển

  • Năm 2014:

        Họ Đạo Trà Rằm mới được tái thiết sau gần 200 năm bỏ hoang, nên đất đai không còn, đất thánh cũng không. Mọi sự đều cần phải được mua lại bằng tiền, mà Họ Đạo thì không có đồng xu dính túi. Cũng may khi gia đình anh chị Bữu Toàn kêu bán phần đất phía sau đài Đức Mẹ thì có anh Phong, Việt Kiều Úc lúc đó mới về nước ghé thăm, tôi gợi ý nhờ anh giúp thì anh đã đồng ý ngay. Thế là Họ Đạo đã có phần đất để làm đất thánh gắn liền với nhà thờ rất thuận lợi. Hoan hô anh chị Phong – Đào và xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho gia đình anh chị. Sau khi có được đất làm đất thánh, tôi nhờ xe cuốc san bằng những mương rãnh và được bà con có phần đất trên kinh thủy lợi gần đó như gia đình anh Út Sứ bằng lòng để cho sáng thổi, nạo vét đưa đất lên nền đất thánh này cho cao. Sau đó để việc chôn cất có huy hoạch theo hàng lối và trật tự, tôi đã cho xây kim tĩnh trước và những nấm mộ được chôn phải theo một kiểu, vừa tiết kiệm đất vừa tạo vẻ đẹp biến đất thánh trở thành khu công viên an nghỉ.

  • Năm 2015-2016.

         + Việc cần làm thì có rất nhiều nhưng làm cái nào trước cái nào sau, đó mới là vấn đề. Nhận thấy hàng rào chì gai chung quanh nhà thờ mà cha sở cũ đang làm dang dở nên tôi đề xuất tiến hành làm tiếp cho xong.

         + Dãy nhà bếp, nhà cơm, nhà giáo lý bằng cây lá ở phía sau nhà thờ nay đã đang xiêu vẹo và dột nát nên tôi cũng bắt tay vào việc cần phải sửa chữa ngay. Được sự gợi ý và trợ giúp của anh chị Trí-Hương tôi đã cho xây dựng lại dãy nhà này bằng xi măng cốt thép đồng thời lợp tôn và chia làm 7 căn phòng: phòng ăn, phòng bếp, phòng kho và 4 phòng cho khách.

        + Làm nhà tiền chế nối liền nhà thờ và nhà xứ, tạo không gian rộng rãi thoáng mát, không còn sợ cảnh mưa bão ngập lụt như trước nữa.

        + Khoan giếng nước và mua máy lọc nước cao cấp để cấp nước cho bà con tiêu dùng.

        + Sửa chữa lại đài Đức Mẹ và làm mới núi thánh Giuse với những pho tượng bằng đá hoa cương cao 2m. Sẵn tiện tôi cũng cho sửa chữa lại các lớp học giáo lý cũ bằng cây lá bên cạnh đài Đức Mẹ, trở thành nhà cấp 4 kiên cố với bốn phòng lớp và ba phòng vệ sinh. Những công trình này có được là nhờ gia đình anh chị Trí-Hương ở Cần Thơ giúp đỡ.

        + Nhận thấy nhà thờ rất gần bờ mé sông, ghe tàu qua lại thường xuyên. Chính vì vậy mà làm sụp lở nhiều phần đất của nhà thờ nên tôi đã quyết định phải làm bờ kè ngay để đảm bảo sự an toàn. Công trình đang được tiến hành tốt đẹp thì bỗng xảy ra sự cố do không thể lường trước được. Việc là như thế này: Khi làm bờ kè, tôi đã mượn phần đất phía trong mặt lộ để lấp đầy phía ngoài sông rồi bơm cát vào trong, không ngờ dưới mặt lộ là vùng đất bồi nên bị nước từ trong thấm ra ngoài tạo sức ép khiến bờ kè không chịu nổi nên đã ngã đổ xuống sông khoảng gần 100m, tôi chới với và rất lo buồn không biết phải khắc phục thế nào. Thấy vậy, nhiều người đã đến tư vấn và chia sẻ, tôi lại tiếp tục công trình cho đến hoàn thành. Nhiều người thấy tôi làm hết công trình này tới công trình khác, họ hỏi tiền đâu ra mà cha làm nhiều thế. Thực tế tôi nào có tiền bạc gì đâu, tất cả điều do Chúa ban, Chúa cho qua người này người khác qua cả những người Phật Tử như Bác Sĩ Trâm, chị Duyên Sài Gòn đó thôi.

  • Năm 2017:

        + Nhà Thờ Trà Rằm tuy mới khánh thành nhưng chưa đóng trần, cho nên ở trong Nhà Thờ rất nóng, nhất là vào lễ chiều. Tôi than thở với một người quen và chị này đã giới thiệu tôi đến hai Phật Tử, các vị này đã mau mắn lãnh phần chi trả toàn bộ cho công việc này. Tôi vui mừng như “nhà nghèo mà gặp chiếu manh” liền cho thợ đến xem và thi công ngay. Về sau các chị này còn giúp tôi nhiều việc nữa, tôi luôn biết ơn các chị.

        + Đất thánh đã có rồi, người chết chôn cũng khá đông, được sự giúp đỡ của ân nhân tôi đã xây dựng tượng đài Đức Mẹ Sầu Bi cho có chỗ để làm lễ vào những dịp lễ các đẳng 2.11 và lễ kính nhớ ông bà tổ tiên mừng 2 tết.

        + Nhà thờ Trà Rằm mới xây tương đối đẹp, nhưng lại gần lộ giới, xe cộ qua lại thường xuyên gây ra tiếng ồn trong các giờ lễ làm cho mọi người dễ lo ra chia trí, xe người đi dự thánh lễ còn bị đánh cắp nên tôi quyết định tiếp tục xây dựng tường cổng rào nhà thờ. Tôi nhờ anh Phương là họa sĩ và là kiến trúc sư ở Cần Thơ phác họa vài kiểu mẫu. Sau đó, tôi đồng ý một kiểu và nhờ anh cố vấn chỉ đạo cùng với nhóm thợ anh Vượng ở Bắc Hải thi công. Sau gần một năm công trình đã được hoàn thành đẹp và hoàn chỉnh ngoài sự mong đợi. Bà con giáo dân ai cũng vui mừng phấn khởi và tự hào với Họ Đạo của mình.

 

  • Năm 2018:

        + Nhìn thấy mặt tiền Nhà Thờ cũng đã xuống cấp, nước sơn phai nhợt và loang lổ vì thấm nước, tôi đã nhờ đám thợ chuyên môn của Anh Chí, Trà Lồng thi công chà rửa và sơn phết lại cho đẹp phù hợp với cổng Nhà Thờ vừa mới hoàn thành.

       + Đồng thời được sự hỗ trợ của ban xây dựng Giáo Phận và Hội dòng Chúa Quan Phòng Cần Thơ, Họ Đạo lại tiếp tục công việc mở mang bằng cách cho xây dựng lại nhà Quí Dì, di dời về phía sau và xây thêm dãy nhà giáo lý với năm phòng lớp nối liền từ nhà Quý Dì đến tháp chuông tạo khoảng sân rộng trông rất đẹp có chỗ để xe cho những người tham dự thánh lễ và có chỗ cho các em thiếu nhi sinh hoạt.

Năm 2019:

        + Nhà Thờ đã đẹp, cổng Nhà Thờ đẹp, đài Đức Mẹ cũng đẹp mà chung quanh nhà thờ và sân đài Đức Mẹ thì chưa đẹp, mỗi khi trời mưa nước đọng vũng trơn trợt, người già và trẻ em thường bị té ngã. Thấy cha phó Để họ Trà Lồng có bán gạch vỉa hè tôi liền đặt mua đem về lót, làm cho sân Nhà Thờ trở nên sạch đẹp. Bà con giáo dân nhìn thấy ai cũng thích.

       + Việc tôn tạo đất thánh chưa dừng lại đó. Nhận thấy ở các Nhà Thờ hay có xây dựng 14 Chặng Đàng Thánh Giá. Tôi cũng muốn có 14 chặng đàng trên đường ra đất thánh để giáo dân suy niệm mỗi khi bước ra vùng đất thánh này. Thế rồi tôi vận động mạnh thường quân mỗi người một tượng hoặc hai tượng, chẳng bao lâu sau thì tôi đã có đủ 14 Chặng Đàng Thánh Giá như hiện nay.

  • Năm 2020:

Nhận thấy đất thánh nằm liền sát với ranh đất nhà giáo dân, heo gà vịt qua lại khiến thân nhân người chết không vui nên Hội Đồng Giáo Xứ đã đề nghị làm hàng rào bán kiên cố, dưới xây gạch trên kéo lưới B.40, để giữ sự thánh thiêng cho phần đát thánh và cho những nhà ở gần đó khỏi sợ ma.

  • Năm 2021:

        + Thấy nhà Quý Dì ở xa với nhà thờ, nhà xứ sợ mất an toàn nên Bề Trên nhà dòng đã có nhã ý muốn xây dựng tường rào chung quanh cho kiên cố. Tôi đồng ý và trong năm 2021 công trình này đã được lên kế hoạch và hoàn thành.

        + Bất ngờ gia đình anh chị Bửu Ấn ở sát bên nhà Dì muốn bán phần đất giáp ranh với Nhà Thờ bằng giá 180 triệu là con số mà họ đạo không thể có được đang lúc còn thiếu thốn nợ nần do những công trình trước đó để lại, tôi liều mạng mua đại rồi mọi sự tính sau. Nhưng Chúa đã không để tôi phải chờ đợi lâu, rồi đâu cũng vào đó.

4.5.  Củng cố và xây dựng đoàn thể

       + Song song với việc xây dựng và phát triển cơ sở vật chất tôi cũng không quên các hội đoàn vì đây chính là sức sống của họ đạo. Một họ đạo có nhiều đoàn thể hoạt động mạnh thì đời sống tinh thần của nơi đó mới được vương lên và sung mãn. Khi tôi về Trà Rằm thì nơi đây chỉ mới có hội LêgiôPhan Sinh Tại Thế còn rất ít và rất yếu. các em thiếu nhi thì còn rời rạc chưa có huynh trưởng để điều hành, phải nhờ đến các huynh trưởng ở họ đạo Thánh Tâm và Trà Lồng sang trợ giúp.  Dần dần rồi thiếu nhi của Trà Rằm lớn lên, cũng có các huynh trưởng đầu ngành, tự điều khiển được các em và bắt kịp sinh hoạt các đoàn thiếu nhi họ đạo bạn. Tôi giao các đoàn thể này cho Quí Dì phụ trách, Quí Dì còn lập thêm hội Huynh Đệ Chúa Quan Phòng, phụ trách ca đoàn và các em nhi đồng cung thánh nữa. Và để cho thêm sinh động, tôi đã tổ chúc cuộc thi “Trà Rằm Idol” nhằm tuyển lựa các nhân tài trẻ cho xứ đạo.

       +  Riêng giới gia trưởng và hiền mẫu là hai cột trụ chính của họ đạo thì do tôi đảm trách, tôi cũng quy tụ từng giới lại bầu chọn ban điều hành phân công tác. Ai cũng phấn khởi được sự quan tâm và ý thức trách nhiệm. Để tạo sự đoàn kết và vui tươi cho hai giới này, tôi còn tổ chức cuộc thi nấu ăn ngon cho giới gia trưởng, tổ chức cuộc thi nấu bánh tét cho giới hiền mẫu. Bấy giờ bầu khí họ đạo trở nên hừng hực vui tươi và phấn khởi.

      + Để có nguồn thu cho việc xây dựng đất thánh trở nên như một công viên an nghỉ, tôi đã lập hội Thiện Tử, một năm mỗi gia đình chỉ đóng góp 200 ngàn, ai chết thì có sẵn phần huyệt để chôn, chỉ còn phần nấm mộ ở trên thì do gia đình tự lo theo quy định chung.

     + Họ đạo Trà Rằm là đứa con của họ đạo Trà lồng và Trà Cú. Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng trong giáo xứ lại có rất nhiều người già, người nghèo khổ và người tàn tật. Để giúp những thành phần này được gần Chúa, được sự an ủi và giúp đỡ lúc tuổi già, tôi đã tổ chức một câu lạc bộ dành cho người già, người nghèo và khuyết tật, mỗi ngày thứ 6 đầu tháng họ phải có mặt tại nhà thờ đi dự lễ với những ai có thể đi được trừ khi không thể thì mới được cha, thầy hoặc quý dì đến trao Mình Thánh Chúa tại nhà. Trong phần giao lưu hàng tháng, các thành viên câu lạc bộ trao đổi với nhau về một đề tài, chia sẻ với nhau về những vấn đề hiện đang xảy ra trong cuộc sống. Sau đó ăn sáng chung, nhận quà và ra về. 

        Và đây là một câu chuyện có thật mà tôi gặp phải để minh họa cho việc lập câu lạc bộ người già. Vào một buổi chiều trời mưa lất phất bỗng có một cụ già độ 80 tuổi dẫn chiếc xe đạp cọc cạch đến tìm tôi và xin tôi giúp đỡ. Tôi hỏi: – Ông ở đâu, ở với ai và ông sống bằng nghề gì? Ông trả lời: + Tôi khổ lắm ông cha ơi, hiện tôi đang sống với gia đình thằng con trai út tuy ở chung nhà nhưng cơm ai nấy ăn, việc ai nấy làm.  – Vậy nó không lo cho ông sao? Tôi hỏi tiếp. Ông trả lời: + Không đâu cha ơi! Nếu nó lo cho tôi thì tôi đâu có phải vất vả thiếu thốn như thế này. Cha coi, có một hôm tôi thấy hai vợ chồng nó kho một nồi thịt hột vịt thật ngon mùi bay lên thơm phức, tôi thèm muốn nhỏ dãi hy vọng khi nấu chín nó sẽ cho tôi được một cục để ăn cho đã thèm, ấy vậy mà nó chẳng cho tôi một miếng nào. Tôi buồn lắm cha ơi! Nghe ông già vừa kể với hai hàng nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo, khiến tôi   không sao cầm lòng được và càng quyết tâm lo cho người nghèo.

        Khi tôi lập câu lạc bộ này ai cũng vui mừng phấn khởi và xin đăng ký ngay, những người già ở các họ đạo bạn nghe biết vậy nên cũng đến xin ghi danh. Vì số người đăng ký quá đông mà nguồn tài chánh thì lại quá ít tôi đành phải “chốt lại” ở con số 100 mà thôi. Và từ đó tháng nào chúng tôi cũng sinh hoạt đều đều và đông đủ cho tới đợt đại dịch COVID 19 mới tuyên bố tạm nghỉ.

4.6. ĐÓN CHA PHÓ.

Giữa năm 2020 bệnh Parkinson của tôi đã thêm nặng, hai chân tôi thường tê mỏi co cứng, thỉnh thoảng lại bị té ngã nên tôi phải thường xuyên vắng nhà đi chữa trị. Vì thế tôi đã xin Đức Cha cho một cha phó về giúp. Đức Cha đồng ý và ngày 05 tháng 12 năm 2020 đã gửi thầy phó tế Phanxicô Nguyễn Chu Quang Đạo về Trà Rằm giúp tôi cho tới ngày 09.06.2021. Chịu chức linh mục xong cha tân linh mục sẽ trở lại tiếp tục làm cha phó Trà Rằm cho đến ngày 01.08.2022

4.7. MỪNG 25 NĂM LINH MỤC (17.04.1996 – 17.04.2021)

       Ở ngoài đời thì người ta thường tổ chức ăn thôi nôi đầy tháng, kỷ niệm ngày thành hôn mừng ngày sinh nhật . . . những chặng mốc thời gian cuộc đời là những dịp để tạo sự gần gũi thân thương. Đi tu làm cha hay làm dì phước cũng thế. Mỗi một biến cố trong đời như kỷ niệm ngày đi tu, ngày khấn lần đầu, ngày khấn trọn, mừng lễ bổn mạng, mừng ngày giáp năm linh mục, mừng 25 năm linh mục là những dịp để nhìn lại cuộc hành trình đời mình cùng với tâm tình tạ ơn TC trong muôn ngàn hồng ân mà Ngài đã thương ban. Nơi bản thân tôi, khi sắp vượt qua cột mốc thời gian 25 năm đời linh mục, tôi cũng đã trải qua những đêm trằn trọc khó ngủ. Nên hay không nên tổ chức ngày lễ kỷ niệm này? Cuối cùng đáp án cho những trăn trở này là:

  1. Nên làm, vì đây là cơ hội lớn nhất, tốt nhất có được để tạ ơn TC đã yêu thương, chọn gọi và gìn giữ tôi từ khi sinh ra cho đến ngày hôm nay.
  2. Cần làm, vì đây là dịp để tôi được nói lời xin lỗi, được bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, các vị ân sư cùng với quí ân nhân đã từng đồng hành với tôi trên hành trình tu luyện này: trước hết tôi vô cùng biết ơn Đức Hồng Y GB. Phạm Mnh Mẫn, Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Đức Cha Stephanô Tri Bửu Thiên, Cha Đominicô Nguyễn Thành Tính, quí cha giáo sư tiểu và Đại Chủng Viện Thánh Quí đã dày công nuôi dưỡng dạy dỗ tôi suốt bao nhiêu năm qua.
  3. Và phải làm như một bữa tiệc chia tay vì tôi biết sức khỏe của tôi có giới hạn, tôi muốn nhân dịp này để nói lời cám ơn tất cả mọi người và để chuẩn bị cho mình bước vào một cuộc hành trình mới trong thánh ý của Chúa.

4.8. BIẾN CỐ CHA TÔI QUA ĐỜI. (26.12.2021)

Vào những ngày tháng mà nạn dịch cúm Covid 19 hoành hành dữ dội, người chết không kể xiết, không ai dám ra đường thì cũng là lúc cha tôi bị mắc phải căn bệnh quái ác này; chỉ không đầy một tuần lễ khi phát hiện bệnh thì ông đã ra đi. Trước đó một tuần thì tôi đã có ra Sóc Trăng thăm ông, Ông vẫn còn tỉnh táo, khi tôi hỏi : Cha biết con là ai không ? Ông nói liền : Văn chớ ai ? Tuy nhiên dạo gần đây thấy ông ít nói và ngủ nhiều, tôi đã thấy lo và luôn dặn các em cháu phải canh ông cho thật cẩn thận vì thấy Ông đã có triệu chứng yếu dần, ông có thể ra đi mà mình không hay. Dịp lễ Giáng Sinh 25.12.2021 tôi bận chưa kịp ra thăm Ông thì tối CN ngày 26.12.2021 tôi được tin ông đã mất. Mọi sự diễn ra trong chóng vánh không kịp trở tay, lại không được mang xác ông về quê nhà đành phải chịu đem đi thiêu theo yêu cầu của chính quyền sở tại trong thời điểm lúc bấy giờ. Đêm khuya đi lại khó khăn tôi đành phải để cho em cháu ở Sóc Trăng thu xếp mọi sự, mời cha phó Sóc Trăng đến tẩm liệm trong đêm đó và sáng hôm sau đem đi thiêu. Sau đó đem tro cốt đặt trong một cái quách và mang về quê. Tôi đón tro cốt của cha tôi tại quê nhà, để lại một đêm cho bà con đến viếng thăm và cầu nguyện, sau đó thứ ba 28.12 đem ông đến nhà thờ dâng lễ cầu nguyện cho ông. Lẽ ra trong ngày lễ tang này nhà thờ sẽ đầy cứng những người, nhưng vì đang cao điểm của đại dịch nên số người tham dự cũng rất ít.

 Chỉ còn 4 ngày nữa thôi là cha tôi đã tròn 103 tuổi, ông ra đi đã để lại một lỗ hổng vô cùng to lớn trong cuộc đời tôi. Cái chết của ông như một cây cổ thụ vừa bị đốn ngã giờ đây không còn bóng mát che chở cho tôi, cho con cho cháu nữa khiến tôi rất đau buồn. Tuy nhiên nghĩ về ông, tôi cũng thật sự ngưỡng mộ, vì ông là một người chồng, một người cha, một người ông thật tuyệt vời mà Chúa đã ban cho tôi được sinh ra, lớn lên và sống chung trong gia đình.

Tuy nơi ông cũng có nhiều thiếu sót, như nóng nảy la rày vợ con, nhưng ông luôn sống có tâm, có tình, có trách nhiệm. Không chơi bời rượu chè cờ bạc mà chí thú làm ăn, kinh hôm kinh mai ông không bỏ sót ngày nào, luôn có mặt và bắt kinh dẫn đầu cho mọi người. Có lẽ nhờ tấm gương của ông mà tôi đã học được những bài học đầu đời rất có ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống hôm nay. Nguyện xin TC là cha yêu ban thưởng phần phúc xứng đáng theo như những gì mà cha tôi đã sống, đã làm, đã thực hiện.

 

 

  1. KẾT THÚC CUỘC HÀNH TRÌNH

        Tháng 04 năm 2022 thấy bệnh tôi càng trở nặng, nếu tôi có tiếp tục ở lại họ đạo thì cũng không giúp được gì chỉ sợ làm thêm gánh nặng cho mọi người và làm chậm bước tiến cho họ đạo mà thôi. Vì thế sau khi suy nghĩ và cầu nguyện tôi đã quyết định làm đơn xin được về nhà để trị bệnh dài hạn. Biết rằng sự đi của tôi sẽ để lại một lỗ hổng lớn cho họ đạo nhưng như người ta thường nói “Chúa Giêsu có lên trời rồi Chúa Thánh Thần lại xuống”. Giáo Hội đời đời vẫn là thế, người mục tử theo chân Đức Kitô không vì mình mà vì mọi người, sống chết cùng Đức Kitô, tôi mới được cùng người phục sinh và đồng thừa hưởng hạnh phúc nước trời.

Thế đấy, khép lại một cuộc hành trình dài của người mục tử mục vụ giáo xứ với biết bao thăng trầm vui buồn khác nhau. Và tôi luôn nhận ra có bàn tay Chúa đồng hành với tôi trong mọi bước đường. Đời tu là thế, làm được bao nhiêu việc, xây dựng được biết bao công trình, đồng hành với bao lớp người mà không cảm nghiệm được sự đồng hành của Chúa và ân sủng của Ngài trong cuộc sống thì nào có giá trị gì? Khi trang sách của những dòng hồi ức mục vụ giáo xứ này khép lại, thì chính nơi đây cũng lại mở ra cho tôi một cuộc hành trình mới trong sự chia sẻ sự đau khổ với Đức Kitô trên thập giá. Không có gì là ngoài thánh ý của Thiên Chúa. Tôi biết Ngài luôn có những kế hoạch tốt nhất dành cho tôi. Mỗi ngày, tôi bước từng bước trong đời sống cầu nguyện, từng con chiên mà tôi dẫn dắt, tôi cưu mang họ trong trái tim, trong lời cầu nguyện của tôi. Tất cả vì vinh danh Thiên Chúa. Amen.

Sóc Trăng ngày 30. 08. 2022

Lm Phệô Nguyễn Minh Văn