Tân Phúc Âm Hóa Cuộc Sống Đời Thường – Chương Bốn: Làm Việc Là Vui Sống

print

Chương Bốn

Làm Việc Là Vui Sống

1.Tại sao chúng ta phải làm việc, phải lao động?

2. Ý nghĩa của lao động

3. Những công việc làm giảm phẩm tính của con người

3.2.Công việc làm theo thói quen và công việc được lặp đi lặp lại nhiều lần

3.3. Công việc vô nghĩa

3.4. Công việc chống lại xã hội

3.6. Công việc không có cá tính

3.7. Công việc không sáng tạo

3.8. Những địa vị quyền lực

4. Lượng giá tám công việc làm giảm phẩm tính con người

5. Quân bình giữa lao động và nghỉ ngơi

5.1. Làm việc quá tải

5.2. Sự nghiện ngập “tích cực” và nhân đức giả tạo

5.3. Quân bình giữa lao động và nghỉ ngơi

6. Hãy xem công việc là niềm vui sống và tích cực đi tìm niềm vui cuộc sống

 

Sống là làm việc. Làm việc nói lên sức sống tròn đầy. Không làm việc là khước từ cuộc sống. Không làm việc thì cũng giống như việc bạn ngồi giết thời gian trước máy truyền hình hay lê la ở các quán cà phê hay la cà ở góc phố vỉa hè. Giết thời gian như thế vì bạn sợ sống. Và đó là cách duy nhất bạn còn lại để thể hiện bản thân! Như vậy, chỉ qua việc làm, bạn mới có thể chứng tỏ được bạn là ai. Trong tâm trí, có lẽ bạn có rất nhiều ý tưởng lớn lao, nhưng các ý tưởng ấy chỉ có giá trị thực sự khi chúng được biểu hiện qua việc làm. Làm việc mới làm nên chuyện! Không làm việc, các ý tưởng sẽ nằm im và chẳng ai biết đến. Không làm việc, sẽ không có một kết quả nào và cũng chẳng có phần thưởng nào chờ đón bạn cả. Thực tế, có rất nhiều người đã trưởng thành và thành công trong cuộc sống nhờ làm việc. Những người này xem ra không có ý tưởng nào vĩ đại cả, nhưng họ luôn làm việc. Họ vui vì khi làm việc gì, họ luôn làm hết khả năng họ, và họ đã gặt hái được kết quả mỹ mãn, cho dẫu họ chẳng hề trông mong. Làm việc đồng nghĩa với sống.[1]

1.Tại sao chúng ta phải làm việc, phải lao động?

Một cách trả lời cho câu hỏi này là xác định chân lý rõ ràng rằng chúng ta, những con người, phải lao động cho dẫu chúng ta có thích hay không thích. Lao động là một sự cần thiết cho mọi người. Một sự cần thiết như thế đến từ nhiều nguồn khác nhau.

– Trước hết, thiên nhiên đòi hỏi chúng ta, những con người, phải làm việc. Sự cần thiết cho cuộc sống con người (như lương thực, quần áo, nhà ở) thì thiên nhiên không tự động ban cho chúng ta nhưng phải có sự nỗ lực của con người.

– Thứ hai, cũng thật là rõ ràng rằng xã hội đòi hỏi công việc của mỗi cá nhân. Gia đình đòi hỏi mỗi thành viên trong gia đình phải làm việc và những cộng đồng nhân loại cũng đòi hỏi như thế. Cộng đồng của chúng ta có khuynh hướng chối bỏ việc cấp dưỡng cho những người khỏe mạnh mà lại sống bằng nghề ăn xin.

– Thứ ba, những ước muốn nhân loại của chúng ta đưa ra một đòi hỏi nào đó rằng chúng ta phải lao động. Trong đời sống, ước muốn của chúng ta nới rộng lên tận bên trên những nhu cầu căn bản của chúng ta. Chỉ có một cách thế thông thường để thỏa mãn những ước muốn này đó là lao động và kiếm đủ tiền để đáp ứng những nhu cầu của chúng ta, cho nên bó buộc chúng ta phải lao động.[2] 

2. Ý nghĩa của lao động

Một tiếp cận cho sự hiểu biết về công việc quan niệm công việc như là điều cần thiết nhưng nó tự nó không có ý nghĩa gì cả. Một tiếp cận như thế có thể xem lao động như là điều xấu bởi vì lao động được xem như là một sự hy sinh mà chúng ta bị đòi buộc để làm những giờ rảnh rỗi của chúng ta, để kiếm tiền bạc mà chúng ta muốn. Tiếp cận này xem thời giờ rảnh rỗi như một phần đáng giá của cuộc sống, một phần ở đó chúng ta có giờ cho bạn bè, thú vui, gia đình, tiệc tùng và giải trí. Mặt khác, lao động tự nó được xem như vô nghĩa và đáng sợ, một sự xấu cần thiết mà chúng ta phải đi qua trong cuộc sống con người để đạt được điều mà chúng ta thực sự muốn.

Sự hiểu biết về lao động con người (như là một sự cần thiết và như là sự xấu) có thể có một số giá trị nhưng một sự hiểu biết như thế không đem đến một lý do nhân bản đầy đủ cho lao động. Có những ý nghĩa cho lao động của con người vốn vượt xa một sự đáp trả bó buộc đối với những đòi hỏi của thiên nhiên, xã hội và ước muốn của chúng ta. Chúng ta hãy xem xét một số ý nghĩa của lao động của con người.[3]

2.1.Lao động đem đến cơ hội để phát triển kỹ năng của con người

Tăng trưởng là một phần quan trọng của cuộc sống nhân loại. Có một những tiềm năng

vô hạn bên trong mỗi người có thể được kích hoạt. Những công việc khác nhau mà mỗi

người thực hiện là những cách thế mà những tiềm năng này được phát triển đến một mức độ của kỹ năng. Bởi việc may áo, người thợ may trở nên lành nghề hơn. Bởi việc tiếp xúc với học sinh, giáo viên học hỏi nghệ thuật dạy dỗ. Nhờ công việc của mình người thợ máy trở thành chuyên gia.[4]

2.2.Lao động cũng có thể là cơ hội để sống cách thực tế

Như là một con người, sống có nghĩa là một điều gì đó hơn là thở, ngủ và ăn. Sống theo cách của một con người có nghĩa là hoạt động, là làm một điều gì đó, và một hành động lớn lao của con người đó là lao động. Trong sự đáp trả câu hỏi ‘tại sao chúng ta phải làm việc?”, chúng ta có thể nói: “Chúng ta làm việc để trở nên sống động”

Lấy đi công việc khỏi con người là lấy đi rất nhiều cuộc sống của họ. Một bác sĩ có tuổi bị buộc phải về hưu cảm nghiệm chết một phần nào đó, như thể một phần quan trọng của đời sống ông bị lấy mất. Khi những đứa trẻ rời khỏi nhà, mẹ của chúng than vãn rằng bà không còn nấu thức ăn, may vá và tắm rửa cho bọn chúng nữa. Bà than vãn cho sự mất đi cuộc sống của bà. Lao động là cách mà con người sống; nó là một phần lớn của cuộc sống. Lý do tại sao chúng ta, những con người, muốn lao động, đó là chúng ta muốn sống.[5]

2.3. Lao động làm cho con người trở nên những thành phần năng động của cộng đồng.

     Lao động là một hoạt động mang tính xã hội rất cao, một điều gì đó được định hướng luôn hướng về cộng đồng. Một nông gia trồng bắp cho những người khác ăn. Một y tá chăm sóc những người bệnh trong cộng đồng. Một thương nhân cung cấp hàng hóa cho những người mua. Ngang qua công việc, những con người này tìm thấy chỗ đứng của mình trong cộng đồng, đảm nhận một vai trò cần thiết ở đó. Chính qua công việc của họ mà họ thực sự thuộc về cộng đồng, nhận biết mình được cần đến, và tương tác với người khác. Nhờ công việc, con người nối kết với người khác trong xã hội trong một nỗ lực để đạt tới một mục tiêu chung. Một y tá làm việc chung với bác sĩ và những nhân viên bệnh viện để cung cấp việc chăm sóc thuốc men cho cộng đồng. Một giáo viên làm việc chung với những giáo viên khác, những người quản lý và nhân viên của trường trong nỗ lực cung cấp giáo dục cho học sinh. Lao động đưa người ta tới chỗ cộng tác với người khác trong sự phong phú và đầy tràn của cuộc sống con người.[6]

2.4.Nhờ lao động con người đem lại một ý nghĩa cho cuộc sống

     Ý nghĩa này có thể đến từ nhiều nguồn. Nó có thể là những thành tựu mà lao động con người đạt được: Bằng cấp của học sinh, mùa màng của người nông dân, báo chí của phóng viên. Hoặc ý nghĩa này có thể đến từ vai trò của một người trong một xã hội như là một người lao động. Họ là những cảnh sát, linh mục, luật sư, và họ tìm thấy ý nghĩa trong việc làm tròn vai trò của mình. Hoặc ý nghĩa có thể đến từ sự sáng tạo mà công việc mang đến trong cuộc sống con người. Người ta tìm thấy cuộc sống của họ đầy tràn ý nghĩa để mở một thương vụ mới, viết một quyển sách và phát minh ra những máy móc mới.

Lao động là một nguồn ý nghĩa quan trọng cho con người. Ngay cả khi người đó giàu có và không phải làm việc, anh ta vẫn phải chọn làm việc bởi vì không lao động, cuộc sống của anh ta sẽ trống rỗng. Những người lao động thất nghiệp vật lộn với cuộc sống vốn thiếu một ý nghĩa đầy tràn.[7]

2.5.Trong lao động chúng ta chứng tỏ tình yêu của mình cho người mà mình quan tâm

     Lao động thường là biểu hiện của tình yêu. Chúng ta đã nói ở trên về công việc nội trợ của một bà mẹ như cách mà bà bày tỏ tình yêu đối với gia đình. Bà thực hiện công việc dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, chuẩn bị bữa ăn không phải bởi vì bà thích những công việc này nhưng bởi vì bà muốn đem lại hạnh phúc cho gia đình. Tình yêu của con người luôn luôn được biểu lộ trong một dạng thức cụ thể nào đó. Lao động là một trong những dạng thức lớn lao mà con người sử dụng để biểu lộ tình yêu. Chúng ta làm việc bởi vì chúng ta yêu mến.[8]

2.6. Lao động tiêu biểu cho sự thực hành các nhân đức

     Trong công việc của chúng ta, chúng ta sống có đức hạnh, nâng cuộc sống của chúng ta lên một mức độ cao hơn. Chúng ta làm việc chăm chỉ, thắng vượt khuynh hướng lười biếng. Chúng ta làm việc cẩn thận, thắng vượt khuynh hướng tùy tiện. Chúng ta làm việc cách trung tín, thắng vượt khuynh hướng bất nhất. Chúng ta làm việc cách can đảm, đối diện với những khó khăn và những chướng ngại và thắng vượt chúng. Chúng ta làm việc kiên trì, vượt lên trên những cực nhọc mà công việc của con người mang tới. Nhờ lao động, chúng ta sống một đời sống đạo đức, một đời sống quảng đại, trung thành, can đảm và kiên trì.[9]

2.7.Lao động là phương tiện giải phóng con người

     Đây là ý nghĩa của lao động được nhấn mạnh bởi truyền thống Ấn Giáo và Phật Giáo. Lao động trong các truyền thống này được nhìn nhận như là phương tiện mà nhờ nó con người giải phóng mình khỏi tình trạng nô lệ đối với cái tôi trung tâm của mình. Nhờ lao động con người có thể vượt lên trên những lôi cuốn vào trong các ước muốn riêng tư. Chúng ta có cơ hội để đi vào những hành động đầy ý nghĩa bên ngoài mình. Nhờ những dấn thân này, chúng ta lấp đầy những đòi buộc trong đời sống và góp phần vào trong sự phúc lợi cả cho gia đình lẫn xã hội chúng ta. Chúng ta đạt tới sự giải phóng.[10]

2.8. Lao động là một cách biểu lộ chính mình

     Thông thường, chúng ta đồng nhất cuộc sống mình với công việc của chúng ta. Nếu tôi được hỏi tôi là ai, tôi có thể trả lời bằng việc mô tả công việc mà tôi làm. Cách mô tả chính mình như thế cho thấy rằng công việc của tôi đã trở thành “chính tôi”. Sự hãnh diện mà tôi có trong công việc tôi làm là một sự hãnh diện về chính mình.

Trong thế giới đương đại của chúng ta, chúng ta rất quan tâm đến sự tự khám phá, một quá trình tìm kiếm chính mình. Một trong những cách chủ yếu để đạt tới sự tự khám phá chính là lao động. Trong khi có nhiều công việc khác nhau làm cho người lao động trở thành những người máy vô hồn, thì cũng có những công việc là một sự biểu lộ cái tôi riêng của người đó. Kiểu cách riêng của một người, tính chất cá nhân của riêng một người được biểu lộ trong sự lao động như thế (đôi khi, kiểu làm việc như thế được gọi là một nghề). Nhà nghệ sĩ tìm thấy mình trong bức vẽ, người thầy giáo khám phá mình trong lớp học, nhiều phụ nữ tìm thấy mình trong vai trò làm mẹ. Không có công việc của chúng ta, những khía cạnh quý giá của đời sống vốn là cái tôi nhân loại của chúng ta sẽ không trổ sinh được.[11]

2.9. Lao động có thể được trình bày như một nỗ lực để cải thiện tiến trình cuộc sống       

     Như những con người, chúng ta lượng giá quá trình và chúng ta nỗ lực trong nhiều cách để phát triển cuộc sống cá nhân và xã hội của chúng ta. Lao động là một phương tiện nhờ đó một tiến trình như thế được đạt tới. Một gia đình nỗ lực để cải thiện ngôi nhà của họ, một học sinh học hỏi để phát triển tâm trí mình, một cộng đồng liên kết với nhau trong một nỗ lực chung để cải thiện những con đường và những ngôi trường của cộng đồng.[12]

2.10. Trong lao động chúng ta đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa

Thật rõ ràng là trong cuộc sống, con người không chỉ có trách nhiệm đối với gia đình và cộng đồng, nhưng còn có trách nhiệm đối với Thiên Chúa nữa. Thiên Chúa mong đợi nơi mỗi người chúng ta. Trong một chừng mực nào đó, con người chu toàn những trách nhiệm này nhờ những công việc mà họ thực hiện. Lao động của con người hướng tới việc xây dựng không chỉ thành đô của con người nhưng còn là thành đô của Thiên Chúa. Chiều kích tôn giáo này đem đến cho lao động con người một ý nghĩa sâu xa.[13]

3. Những công việc làm giảm phẩm tính của con người

Cuộc sống con người được phân chia giữa thời gian cho vui chơi và thời gian cho lao động. Cả làm việc và vui chơi dường như được đòi hỏi cho sự đầy tràn của cuộc sống nhân loại. Cách sống của một người làm việc bảy ngày một tuần và không có thời giờ cho giải trí là một điều khó chấp nhận. Trái lại, cách sống ở đó một người không làm gì cả và dành toàn bộ thời gian vào vui chơi giải trí, thì quả thực đây là một sự phung phí cuộc đời, và làm mất đi những gì là căn bản nhất của cuộc sống. Lao động cũng như vui thú cần thiết trong cuộc sống con người cho cuộc sống đó thực sự là người.

Tất cả điều này dường như rất rõ ràng. Nhưng đàng sau sự hiện diện của lao động trong đời sống con người có sự mù mờ của nhiều câu hỏi và nhiều vấn đề khó khăn. Một vấn đề như thế về lao động là hiệu quả tiêu cực mà lao động thường có trên con người. Thay vì hướng dẫn con người đến một cuộc sống đầy tràn hơn, lao động làm cho nhiều người giống thú vật hay máy móc nhiều hơn. Công việc của họ làm giảm phẩm tính người nơi họ, làm cho họ kém người hơn.

Trong vấn đề này, việc làm giảm phẩm tính người như là kết quả của lao động mặc lấy nhiều dạng thức khác nhau tùy thuộc vào công việc đặc thù. Chúng ta hãy xem xét một số dạng thức của chúng. Loại công việc nào làm giảm phẩm tính con người?[14]

3.1.Công việc buồn chán

Công việc buồn chán làm giảm phẩm tính của cuộc sống con người. Chúng ta hãy lấy ví dụ tôi là một anh bảo vệ sử dụng tám giờ một ngày chẳng cho một việc nào cả ngoài việc đứng tựa cửa nhà băng. Tôi cảm thấy buồn chán. Làm một công việc mà chẳng có một động lực hay một thách đố nào cho tôi khiến tôi kém tính người bởi vì một lý do đơn giản là công việc của tôi chẳng liên hệ mấy hay không liên hệ chút nào tới suy tư. Thật là tự nhiên cho tâm trí con người để suy nghĩ, hoạt động và cảm nhận. Khi công việc làm quá dễ dàng và có thể làm cách tự động không cần suy nghĩ, nó làm tâm trí con người đần độn và thiếu nhạy cảm.[15]

3.2.Công việc làm theo thói quen và công việc được lặp đi lặp lại nhiều lần

Thói quen và công việc lặp đi lặp lại cũng làm giảm phẩm tính con người. Tôi rửa chén, tôi đánh máy văn bản trong văn phòng, tôi lái xe. Luôn luôn làm một công việc như thế nhiều giờ ngày này qua ngày khác phá hủy nhân tính của tôi. Dính dấp vào trong một công việc theo thói quen khiến tôi không lớn lên, tôi không học được điều gì mới.

Như là một con người, tôi luôn luôn có khả năng học hỏi những điều mới và nếu cuộc sống của tôi là một cuộc sống đầy tràn thì quá trình học hỏi này phải diễn ra liên tục. Cách chung trong đời sống con người chính công việc dẫn chúng ta tới chỗ học hỏi, đến chỗ phát triển những kỹ năng của con người và đến chỗ tăng trưởng trong hiểu biết. Khi một bác sĩ thực hành công việc y khoa, anh ta trở nên một bác sĩ có kỹ năng hơn. Khi một người thợ mộc làm việc trong những công trình khác nhau trong nhiều năm, anh ta trở nên một người thợ khéo léo lành nghề. Khi một giáo viên thực hành công việc của mình như là một cô giáo, cô học tốt hơn và tăng trưởng trong khả năng dạy học sinh. Cuộc sống nhân loại của những con người này trở nên đầy tràn hơn và phong phú hơn qua công việc của họ.

Khi công việc chỉ là thói quen, nó biến con người thành máy móc và từ chối cho anh ta cơ hội để học và lớn lên. Như thế nó làm giảm phẩm tính con người anh ta.[16]

3.3. Công việc vô nghĩa

Công việc vô nghĩa cũng làm giảm phẩm tính con người. Có thể có loại công việc của con người vốn đưa ra một mức lương khiến tôi hài lòng nhưng không cho tôi một ý thức nào về sự hoàn thành. Chẳng hạn, tôi có thể làm công việc bàn giấy tám tiếng một ngày ở văn phòng nhà nước nhưng vào cuối ngày tôi nhận ra không có một thành tích nào khiến tôi có thể dựa vào đó mà tự hào. Có thể có một số giấy tờ mà tôi đã soạn thảo nhưng tôi biết rằng công việc đó tuyệt đối chẳng có một giá trị nào đối với bất cứ người nào. Công việc của tôi dường như chẳng có ý nghĩa.

Lao động của con người được nhắm làm đầy tràn cuộc sống con người với ý nghĩa, để cho con người một ý thức về sự thành tựu. Công việc vô nghĩa làm giảm phẩm tính con người bởi việc lấy đi ý thức về sự thành tựu và làm cho cuộc sống con người trống rỗng.

Thông thường, cuộc sống con người cho thấy một sự đóng góp vào trong xã hội. Nhà nông sản xuất lương thực, thợ may may áo quần và công nhân xây dựng nhà cửa; tất cả đều có ý thức về việc sản xuất ra một điều gì đó cần thiết cho xã hội bởi chính công việc của họ. Họ nhận biết công việc của họ là có ý nghĩa. Nhưng khi công việc không thực hiện một chức năng ích lợi như thế trong xã hội, nó trở nên vô nghĩa. Chẳng hạn, nếu công việc của tôi là bán thuốc lá tôi sẽ nhận ra rằng công việc của tôi chịu trách nhiệm cho những căn bệnh về phổi và tim nơi những người mua thuốc là của tôi. Làm sao tôi có thể tìm thấy ý nghĩa và giá trị trong việc làm đó?[17]

3.4. Công việc chống lại xã hội

Công việc chống lại xã hội làm giảm phẩm tính con người. Có một loại công việc dẫn tôi đến chỗ xung đột với người khác. Tôi có thể làm việc tại một văn phòng nơi có mưu đồ quyền lực, nơi mà những thành phần của văn phòng không ngừng đấu đá nhau. Hiện diện trong một bối cảnh làm việc như thế, tôi có thể bị dính dấp vào trong sự xung đột với người khác. Tương tự, tôi có thể làm việc tại một thương trường có sự cạnh tranh cao hay trong một hoàn cảnh hợp pháp nơi đó công việc của tôi kéo theo việc tìm cách để làm đối thủ của tôi thất bại nhờ đó tôi có thể thắng. Một công việc cạnh tranh như thế dẫn tôi đến chỗ xung đột với người khác.

Lao động của con người là một phương tiện nhờ đó chúng ta, những con người, đến gần nhau hơn trong sự liên đới với người khác và làm việc chung với nhau để đạt tới một mục tiêu chung. Khi công việc của tôi dẫn tôi đến chỗ xung đột với người khác, nó dẫn tôi tới chỗ sút giảm phẩm tính con người.[18]

3.5. Công việc nhiều sức ép

Công việc nhiều sức ép cũng làm giảm phẩm tính con người. Công việc bình thường của con người đã làm chúng ta kiệt sức và rút cạn sức lực của chúng ta. Không có gì sai trái với những công việc như thế. Nhưng có thể có loại công việc của con người quá đòi hỏi khiến có thể tàn phá chúng ta cả về lãnh vực thể lý lẫn tinh thần. Chẳng hạn, nhiều bác sĩ có thể đôi khi sống một cuộc sống rất căng thẳng trong một khoảng thời gian dài, thực hiện những cuộc phẫu thuật nguy cấp và làm những quyết định khó khăn. Một hoàn cảnh làm việc như thế có sức ép rất lớn và có thể dẫn tới kiệt sức. Công việc được cho là thách đố đối với chúng ta nhưng đôi khi những thách đố đó có thể là quá nhiều.[19]

3.6. Công việc không có cá tính

Công việc không có cá tính làm giảm phẩm tính con người. Có thể có loại công việc ở đó tôi đóng vai trò như một cái máy và không có cơ hội để biểu lộ tính cá vị của tôi. Công việc kế toán, chẳng hạn, có nhiều luật lệ nghiêm khắc phải theo, những luật lệ không để chỗ cho kế toán viên biểu lộ mình một cách cá vị. Công việc làm con người đầy tràn, nói khác đi, nó cho người đó một số cơ hội để làm những quyết định riêng của mình và thực hành công việc với kiểu riêng của mình. Bởi đó, người đó có thể tìm thấy mình trong công việc. Khi công việc không cho một cơ hội nào cho một sự tự biểu lộ như thế, thì nó là công việc không có cá tính và nó làm giảm phẩm tính con người.[20]

3.7. Công việc không sáng tạo

Công việc không sáng tạo cũng làm giảm phẩm tính con người. Có thể có loại công việc của con người ở đó không có cơ hội để hành động theo cách thế mới mẻ hay tạo ra một điều gì đó khác biệt hay để cải thiện hoàn cảnh. Một nhân viên văn phòng, chẳng hạn, có thể được giao công việc ghi chép một số khoản theo một cách được đặt để trước. Công việc không cho phép cô trệch hướng khỏi khuôn mẫu đặt định trước đó. Nhưng con người thì khác hơn nhiều với máy móc hay người máy. Họ có khả năng để tạo ra một số cách hành động. Đầu bếp có thể tạo ra một món súp mới, kỹ sư xây dựng có thể thiết kế những bản vẽ gốc cho một nhà thờ mới, một lãnh đạo cộng đồng có thể khám phá cách thế mới để hướng dẫn những thành phần trong cộng đoàn có một đời sống cộng đoàn an bình và thịnh vượng. Những cơ hội như thế cho sáng tạo dẫn tới một cuộc sống con người phong phú và đầy tràn hơn. Khi một công việc đặc thù không cho một cơ hội nào cho hành động sáng tạo, nó làm giảm phẩm tính con người.[21]

3.8. Những địa vị quyền lực

Những địa vị quyền lực làm giảm phẩm tính con người. Có thể có loại công việc cho tôi một quyền lực trên người khác đến nỗi tôi có thể chi phối và điều khiển người khác. Tôi có thể, chẳng hạn, là một tổng thống của một quốc gia và thực thi quyền lực của tôi bằng việc ra lệnh người khác. Một địa vị quyền lực như thế dẫn tôi đến chỗ đặt liên hệ với người khác theo cách điều khiển họ, dứt tôi ra khỏi những mối liên hệ cá vị với họ. Một sự đầy tràn của con người đòi hỏi một sự cần thiết cho những mối liên hệ cá vị nơi đó hai người bình đẳng trong liên hệ với nhau với sự kính trọng lẫn nhau. Trong hoàn cảnh ở đó quyền lực thống trị, những mối liên hệ cá vị không thể diễn ra và con người bị mất phẩm tính của mình. Điều quan trọng ở đây là cả những người cai trị lẫn những người bị trị đều bị giảm phẩm giá[22]

4. Lượng giá tám công việc làm giảm phẩm tính con người

Chúng ta vừa xem qua tám loại công việc có khuynh hướng làm giảm phẩm tính cuộc sống con người. Có một sự cần thiết ở đây để làm một số gạn lọc.

Trước hết, sự làm giảm phẩm tính con người xảy ra không chỉ bởi vì công việc khó khăn hay vất vả. Công việc thì vẫn luôn là công việc và bởi đó chúng ta muốn nói rằng bởi bản tính của nó, công việc là vất vả. Công việc trở nên khó khăn và vất vả ngay cả khi nó đem tới phúc lộc và nâng cao cuộc sống con người. Chỉ nơi Thiên Đàng, lao động mới dễ dàng và đem tới vui thú. Thật là trẻ con để mong đợi rằng lao động trong cuộc sống con người trên trái đất này là dễ dàng.

Thứ đến, điều chúng ta xem xét trong chương này đã là một “cấu trúc khách quan” của lao động, lao động tự nó là gì.  Chúng ta đã không xem xét thái độ chủ quan mà một người có thể có nơi công việc của anh ta. Thái độ chủ quan thì quan trọng và nó có thể thay đổi đặc tính của công việc của người ấy. Đôi khi nó có thể làm cho công việc của một người đầy ý nghĩa và có tính người hơn. Chẳng hạn, tình yêu mà người mẹ có cho gia đình mình đem đến ý nghĩa cho công việc nội trợ của cô và làm đầy cuộc sống cô. Thái độ chủ quan đầy tình mến của cô làm cho công việc vốn buồn chán và lặp đi lặp lại trở nên một điều gì đó thật sự mang tính người. Trong một hoàn cảnh khác một thái độ hướng đến công việc của người có thể làm kém tính người. Chẳng hạn, tôi có thể là một người tham lam gắn bó vào trong một ước muốn tiền bạc, của cải quá mức, và, vì thế, công việc của tôi có thể bị chi phối bởi sự ham muốn này. Thái độ chủ quan này làm cho công việc của tôi thành một công việc thiếu tính người của một người nô lệ, bởi vì sự tham lam của tôi chi phối tôi và buộc tôi làm việc.

Mặc dù thái độ chủ quan như thế có thể ảnh hưởng đến tính người trong công việc của tôi, tuy nhiên, chúng không thể thay đổi hoàn toàn công việc đó. Khi công việc làm giảm phẩm giá con người một cách khách quan, nó không thể nào được làm cho có nhân tính bởi thái độ của một người. Một công việc lặp đi lặp lại và buồn chán có khuynh hướng làm tâm trí anh đần độn cho dẫu anh có đổ bao nhiêu sức lực vào trong đó.

Bởi vì chúng ta sống trong thế giới con người nơi không có gì hoàn hảo, chúng ta không thể mong đợi tìm thấy một công việc hoàn hảo. Một con số nào đó của sự làm giảm phẩm tính con người là một phần của bất kỳ loại công việc nào. Chúng ta có thể may mắn đủ để có một công việc nâng cao cuộc sống nhân loại của chúng ta trong một cách thế sâu xa nhưng không thể nghi ngờ là có những khía cạnh của công việc đó có khuynh hướng làm cuộc sống chúng ta giảm sút tính người. Ngay cả người nghệ sĩ bậc thầy, người hiến trọn đời mình để tạo nên những kiệt tác cũng phải thực hiện một công việc tầm thường và buồn chán, chẳng hạn như chùi rửa cọ vẽ.[23]

5. Quân bình giữa lao động và nghỉ ngơi

5.1. Làm việc quá tải

Khi nào thì công việc trở nên quá tải? Công việc sẽ trở nên quá tải, khi chúng ta bị thúc bách phải làm việc quá mức, đến nỗi chúng ta không còn thời giờ cần thiết cho việc nghỉ ngơi để cho đời sống mình được quân bình. “Cảm thấy không đủ thời giờ,” “hoạt động vì thúc bách quá mức,” “phấn đấu chỉ ngủ năm giờ mỗi ngày,” “cảm thấy lúc nào cũng bận rộn,” đó là kiểu nói phổ biến thể hiện điều kiện sống của nhiều người Mỹ hiện nay. Bà Juliet Schor, một nhà kinh tế học tại đại học Havard cho rằng, chúng ta đang trải qua “cơn khủng hoảng về nghỉ ngơi.” Trong tác phẩm Overvorked, American, một công trình nghiên cứu về tình trạng làm việc quá tải xuất bản năm 1991, bà nhấn mạnh rằng, làm việc quá tải đã trở thành một hiện tượng trên toàn quốc.

Điều nực cười là ngay cả khi nhiều người Mỹ thiếu việc làm hay thất nghiệp, thì nhiều người khác đang phải chịu áp lực của những giờ lao động dai dẳng và hậu quả là họ không còn thời giờ nghỉ ngơi.[24] Theo bà Schor, “người dân trên toàn quốc cho biết là từ đầu những năm 1970, họ đã giảm thiểu thời giờ nghỉ ngơi đến một phần ba.”[25] Và hậu quả là chúng ta dành ít thời giờ cho những nhu cầu cơ bản như ngủ nghỉ, ăn uống và ít quan tâm đến con cái. Giữ quân bình giữa những đòi hỏi của lao động và đời sống gia đình hẳn là một nhiệm vụ khó khăn, và tất nhiên là gây ra nhiều căng thẳng. Trong khi việc bỏ bê con cái, đời sống hôn nhân bất ổn, thiếu ngủ và những chứng bệnh liên quan đến sự căng thẳng như ung bướu, đau dạ dày, đau lưng và cao huyết áp, bắt nguồn từ những nguyên nhân phức tạp, thì tình trạng gia tăng thời gian lao động và giảm thiểu thời giờ nghỉ ngơi lại làm cho những chứng bệnh xã hội ấy càng thêm trầm trọng. Bất chấp khẩu hiệu người ta thường trích dẫn như, “đâu ai chết vì làm việc cực nhọc,” thì tình trạng làm việc quá tải có thể gây tử vong. Tại nước Nhật Bản, keroshi hay “tử vong vì làm việc quá tải,” đặc biệt tác hại đến những người nam từ 40 đến 50 tuổi, khi họ làm việc từ 12 giờ đến 16 giờ mỗi ngày.

Dù không có tiền sử bệnh lý, hai phần ba trong số những người đó đã chết vì xuất huyết não, và một phần ba chết vì nhồi máu cơ tim. Hình như các nạn nhân ấy tự làm cho mình phải chết. Bộ trưởng bộ Y tế và An Sinh Nhật Bản đã báo cáo rằng, keroshi đã cướp đoạt mạng sống của 10% nhân công tại Nhật Bản, và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai. [26]

Tuy nhiên, tình trạng làm việc quá tải không chỉ phá hủy hoại thân xác, mà còn giết chết cả tinh thần. Gia đình và bạn hữu của những ngừời nghiện làm việc thường than phiền rằng, tình trạng làm việc quá tải đã biến những người họ yêu thương thành những kẻ dở sống dở chết, những “xác chết chuyển động,” và hình như họ thanh toán nợ đời đã xong. Khi chúng ta quá chú tâm đến công việc của mình, chúng ta cắt đứt liên lạc với người khác và không có sẵn sàng đối với người khác. Điều đáng báo động hơn nữa là chúng ta ruồng bỏ chính mình và không còn tiếp xúc với những cảm nghĩ, sự toàn vẹn của thân xác và đời sống nội tâm. Như vậy, tình trạng làm việc quá tải đưa đến sự phân rã, chứ không đưa đến sự toàn vẹn, bởi vì tình trạng ấy khiến chúng ta xa lánh chính mình, đó là tình trạng của kẻ xa lạ với mình.

Không có gì sai khi chúng ta yêu thích làm việc và làm việc chăm chỉ. Thật vậy, nếu muốn làm việc cho có năng suất, thì chúng ta cần phải tận tụy với công việc của mình. Đôi khi chúng ta thể hiện sự tận tụy ấy bằng cách làm thêm giờ, để hoàn tất công việc trước thời hạn quy định, hay để đối phó với một hoàn cảnh bất thường. Tuy nhiên, đời sống tâm linh sẽ gặp nguy hại, mỗi khi chúng ta cảm thấy bận việc, và bị thôi thúc phải làm việc hối hả, mà quên đi những nhu cầu của đời sống nội tâm. Khi chúng ta bị thôi thúc phải làm việc, thì đời sống nội tâm sẽ bị bóp nghẹt và chúng ta không thể phát triển một nền linh đạo toàn diện có khả năng mang lại cho con người một cuộc sống quân bình và dành cho mỗi khía cạnh của cuộc sống một chỗ đứng thích đáng.[27]

5.2. Sự nghin ngập “tích cực” và nhân đức giả tạo

Bất chấp những tác hại đối với đời sống cá nhân và đời sống gia đình, xu hướng làm việc quá tải thường ngụy trang như một nhân đức, đồng thời sự ngụy trang giả dối ấy lại được bảo vệ bởi quan điểm văn hóa và niềm tin tôn giáo. Tại Hoa Kỳ, nếu có ai cho rằng làm vịệc quá tải là một trở ngại đối với sự trưởng thành toàn diện và phát triển đời sống tâm linh, thì đó là một thái độ chỉ trích con bò thánh. Trên bình diện văn hóa, xu hướng làm việc cật lực lại được cổ võ như một yếu tố xây dựng xã hội và có lợi cho xã hội. Người Mỹ bị ám ảnh bởi công việc, đó là một thực tế được phản ánh trong lịch sử bang Massachusetts, khi năm 1648 luật tiểu bang xem sự biếng nhác là một tội phạm đáng trừng phạt. Một sử gia hiện đại khẳng định rằng, “quý trọng lao động hơn nghỉ ngơi” là một đặc điểm “thấm nhiễm đời sống và phong cách” của toàn thể đất nước chúng ta.[28] Vì thế, chẳng có gì lạ khi nghe người ta khoe khoang mình làm việc vất vả như thế nào, và xem tình trạng bị thúc bách lao động là một sự “nghiện ngập tích cực.”

Trong phạm vi tôn giáo, tình trạng làm việc quá tải lại được biện minh bởi một nền đạo đức xem những thành tựu cá nhân như bằng chứng được Thiên Chúa ưu ái, và sợ rằng “sự biếng nhác là phân xưởng của sự dữ.” Nhiều Kitô hữu tự nhiên cảm thấy khó chịu và có tội khi nghe đến từ “nhàn rỗi.” Nhiều người trong chúng ta khẳng định rằng, họ đã bị điều kiện hóa từ thời thơ ấu mà liên kết sự nhàn rỗi với “lười biếng,” “lãng phí thời giờ,” “vô dụng,” “ích kỷ” và “thiếu nhiệt huyết tông đồ và thiếu lòng quảng đại phục vụ.”

Người ta đã dạy các thừa tác viên, linh mục và tu sĩ châm ngôn này: Họ phải luôn luôn “cho đi mà không tính toán, và làm việc cần cù mà không tìm sự nghỉ ngơi” như lời kinh cầu xin lòng quảng đại mà nhiều người đã biết.”[29]  

Nếu không biết áp dụng một cách thận trọng và khôn ngoan, lý tưởng cao thượng ấy có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các tu sĩ nam nữ, khiến nhiều người cảm thấy không thể nghỉ ngơi, và luôn luôn cảm thấy mình chưa bao giờ làm việc cho đủ.

Trong tác phẩm Linh Thao, nhận định của thánh Inhaxiô về sự cám dỗ của các Kitô hữu có thể giúp chúng ta hiểu tại sao xu hướng làm việc quá tải là một nhân đức giả. Theo thánh nhân, những người làm việc thiện đâu bị cám dỗ bởi sự dữ trắng trợn, nhung bị cám dỗ bởi sự dữ tinh tế ngụy trang dưới dáng vẻ thiện hảo. Người cảnh báo rằng, những gì thoạt tiên lấp lánh như vàng ròng, rốt cuộc cũng chỉ là khoáng chất màu vàng. Đầu tiên, tình trạng làm việc quá tải xuất hiện như một biểu hiện của lòng quảng đại và hiến dâng, nhưng khi làm vịệc quá tải đưa đến tình trạng mệt mỏi, thiếu niềm vui, phương hại đến đời sống cầu nguyện và tương giao với tha nhân, bấy giờ xu hướng làm việc quá tải phơi bày bản chất đích thực của mình là một trở ngại cho sự toàn vẹn và thánh thiện. Đáng tiếc là nhiều người thành tâm đã nhầm lẫn lòng tốt với việc đáp ứng những kỳ vọng của người khác, bất kể những kỳ vọng ấy có phù họp với những khả năng bên trong nội tâm của mình hay không.

Bà Diane Fassel, một chuyên viên tư vấn về việc tổ chức, đã nghiệm thấy rằng, xu hướng làm việc quá tải mà quên nghỉ ngơi đã gây thiệt hại nặng nề cho các thừa tác viên Tin Lành.

Tôi đến Iowa tham dự hội nghị các thừa tác viên Tin Lành tiểu bang. Họ là những thừa tác viên mạnh khỏe, dũng cảm và năng động, mà phần lớn hoạt động trong các cộng đòan nông thôn. Họ xuất thân từ các gia đình sống trong trang trại, mà châm ngôn của các gia đình ấy là: “Có ai chết vì làm việc cật lực đâu!” Họ tin vào lời khắng định ấy, bởi kinh nghiệm cho họ thấy rằng, khi họ làm việc chăm chỉ thì chẳng bao giờ gặp rắc rối, mà còn góp phẩn tích cực xây dựng đời sống gia đình và cộng đồng. Điều chẳng may là vùng nông thôn bang Iowa đang được đổi mới. Các thừa tác viên trẻ và trung niên rời bỏ chức vụ – vỡ mộng và không hạnh phúc. Làm việc chăm chỉ hình như chẳng giúp ích gì cho họ. Họ kiệt sức vì bổn phận chăm lo cho người khác.[30]  

5.3. Quân bình gia lao động và nghỉ ngơi

Quân bình là bí quyết của một đời sống đầy sinh lực trên bình diện tâm linh. Qua câu chuyện của thánh Antôn (251-356), một trong những hiền nhân vĩ đại của truyền thống Sa Mạc tại Ai Cập, Syria và Palestina, chúng ta nhận thấy tầm quan trọng của sự quân bình giữa lao động và nghỉ ngơi.

Một ngày kia, trong khi thánh Antôn và các môn đồ đang thư giãn bên ngoài túp lều, thì một ông thợ săn tìm đến. Ông lấy làm ngạc nhiên vì thánh Antôn cũng thư giãn, bởi ông nghĩ rằng một tu sĩ thánh thiện như người thì không nên thư giãn như vậy. Vì thế mà ông đã quở trách thánh nhân.

Thánh Antôn đáp lại: “Ông hãy giương cung mà bắn một mũi tên xem nào. ”

Ông thợ săn liền giương cung bắn tên như thánh nhân yêu cầu.

Thánh Antôn lại nói: “Ông hãy giương cung và bắn một mũi tên khác. ”

Ông thợ săn vâng lời, nhưng thánh nhân cứ truyền dạy ông giương cung hết lần này đến lần khác.

Cuối cùng, ông thợ săn nói với thánh nhân: “Thưa cha, nếu con luôn luôn kéo căng dây cung, nó sẽ đứt mất. ” Thánh Antôn đáp lại: “Các tu sĩ cũng thế. Nếu chúng ta cố gắng quá sức, chúng ta sẽ suy sụp. Thế nên, thỉnh thoảng chúng ta nên thư giãn chứ đừng ráng sức.”[31]

Để có một đời sống tâm linh lành mạnh, chúng ta phải chú ý đến sự quân bình giữa các nhiệm vụ và nhu cầu khác nhau của mình.

Để đi theo Chúa Giêsu, các Kitô hữu có thể tìm thấy một nhịp điệu thánh thiện trong cuộc sống của Người, nhịp điệu ấy là một sự quân bình giữa thời giờ tận tụy với sứ vụ, thời giờ rút lui vào cô tịch và thời giờ nghỉ ngơi bên cạnh bạn bè thân hữu. Ngay cả khi Người thi hành sứ vụ công khai với những đòi hỏi khắt khe, Người vẫn có thời giờ trèo lên đỉnh núi hay vào sa mạc, và cũng có thời giờ dùng bữa với một vài người bạn hay trao đổi với các cộng sự viên.[32]

6. Hãy xem công việc là niềm vui sống và tích cực đi tìm niềm vui cuộc sống

6.1. Hãy xem công việc là niềm vui sống  

Dù cho bạn đang trong hoàn cảnh không được như ý thì cũng đừng ghét bỏ công việc của mình, vì trên thế gian này không có điều gì tồi tệ hơn việc bạn ghét bỏ nó. Nếu trong những hoàn cảnh bắt buộc, bạn phải làm những công việc tẻ nhạt vô vị thì bạn hãy nghĩ cách làm cho nó hay hơn, hứng thú hơn. Làm việc với tâm trạng tích cực thì cho dù là việc gì đi nữa cũng dễ dàng đạt được hiệu quả tốt đẹp.

Con người có thể học tập từ quá trình làm việc, có thể có thêm được nhiều kinh nghiệm, năng lực và niềm tin. Bạn càng nhiệt tình, quyết tâm càng cao thì hiệu quả công việc cũng sẽ càng cao. Khi trong lòng bạn đã đầy ắp nhiệt tình thì công việc sẽ không còn khổ sở, khó khăn nữa mà sẽ trở thành một niềm vui, và sẽ có nhiều người mong muốn mời bạn đến làm những công việc mà bạn yêu thích. Làm việc chính là đem lại niềm vui cho bản thân! Nếu một ngày bạn làm việc tám tiếng đồng hồ, thì có nghĩa là bạn đã được thoả thích bơi lội trong niềm yêu thích, điều đó thật có ý nghĩa biết bao.

Rất nhiều người làm việc trong những công ty lớn và có kiến thức sâu rộng, họ trải qua những khoá huấn luyện chuyên nghiệp, nắm giữ những chức vụ khiến cho nhiều người ngưỡng mộ và có thu nhập rất cao, nhưng vẫn không thấy sung sướng vui vẻ. Họ không thích giao lưu với mọi người, chán ghét ngày thứ hai đầu tuần. Tâm trạng họ không tốt, có người còn mắc phải những chứng bệnh liên quan đến bao tử, hoặc thần kinh, tình trạng sức khoẻ của họ rất đáng lo lắng.

Nếu chúng ta có thể đem hết nhiệt tình của mình để thực hiện những công việc cho dù là tầm thường nhất đều có thể thành công và trở thành người ưu tú. Tất cả các ngành nghề đều có cơ hội cho tài năng phát huy, và thực tế là không hề có một công việc nào là hèn kém cả.

Nếu ai đó không coi trọng, công việc của mình thì chắc chắn họ sẽ thất bại. Cách để trở nên thành công không phải là coi thường và ghét bỏ công việc mà chính là có một tinh thần làm việc vui vẻ, chân thành và một nghị lực mạnh mẽ.

Henry J.Kaiser – một người thực sự thành công, không chỉ là việc công ty của ông có số vốn trên một tỷ đô la mà ông thực sự là một quý ông rất khẳng khái và nhân từ, ông đã giúp cho rất nhiều người bị câm có thể nói được, ông còn giúp đỡ cho rất nhiều người không may phá sản được sống cuộc sống bình thường, giúp cho người nghèo có thể nhận được bảo hiểm y tế mà chỉ phải trả số tiền rất ít… Tất cả những điều đó đều là do mẹ ông dạy dỗ từ khi Henry còn bé. Bà Mary Kaiser đã tặng cho con trai mình là Henry món quà vô giá – dạy ông biết làm thế nào để sử dụng tài sản quý báu nhất của con người. Sau một ngày làm việc, bà Mary còn bỏ thời gian làm từ thiện giúp đỡ những người bất hạnh. Bà thường bảo con rằng: “Henry, không lao động thì không thể làm được việc gì cả. Mẹ không có thứ gì để cho con, chỉ có món quà vô giá này: niềm vui công việc”.

Kaiser đã từng nói: “Mẹ tôi là một người vĩ đại, từ rất sớm mẹ đã dạy tôi sự quan trọng của việc biết yêu thương con người và làm việc vì xã hội. Bà thường nói yêu thương người khác và phục vụ người khác chính là tài sản có giá trị nhất trong cuộc sống”.

Nếu bạn học được cách sử dụng nguyên tắc tích cực này, nếu bạn kết hợp được chí hướng cá nhân với công việc của bản thân thì chắc chắn công việc của bạn sẽ không cực nhọc và vô vị nữa. Niềm cảm hứng sẽ khiến bạn luôn luôn đầy năng lượng, khiến cho bạn vẫn cảm thấy tràn đầy sức lực cho dù có lúc bạn chỉ ngủ bằng phân nửa người thường nhưng làm việc gấp bốn lần.

Công việc không chỉ là để thoả mãn những nhu cầu của cuộc sống, mà còn thể hiện nhu cầu về giá trị bản thân. Hãy thử kết hợp công việc và sự yêu thích của mình với nhau. Cho dù làm bất cứ việc gì đều phải thực tâm yêu thích và biết tìm kiếm niềm vui trong công việc của mình.

Người thành công không những coi công việc là niềm vui, mà họ còn đem niềm vui ấy đến cho người khác, khiến cho mọi người tự nhiên muốn gần gũi họ, thích được làm việc và ở bên cạnh họ. Được là đồng nghiệp với nhau quả là một thứ duyên phận, được gặp gỡ khách hàng là một niềm vui.[33]

6.2.Tích cực đi tìm niềm vui cuộc sống

Một nghiên cứu đã được tiến hành nhằm tìm hiểu bí quyết sống lâu của những người đã sống qua độ tuổi 100. Kết quả cho thấy hầu hết các câu trả lời nhận được đều tập trung vào việc tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Vậy làm sao để tìm thấy được niềm vui trong cuộc sống?

Bí quyết của những bậc cao niên này nằm ở sự trân trọng – trân trọng những điều tốt đẹp, trân trọng niềm vui, trân trọng cuộc sống ngắn ngủi. Tất cả các cụ ông cụ bà ấy đều thức dậy vào mỗi buổi sáng với thái độ biết ơn vì một ngày mới nữa lại đến. Đối với họ, cuộc đời quá ngắn ngủi để mà lãng phí thời gian vào những lời than phiền, những sự nuối tiếc và bực dọc vô bổ.

Điều ý nghĩa nhất mà mỗi chúng ta có thể làm cho cuộc sống này đó chính là tận hưởng nó một cách trọn vẹn nhất. Đừng bao giờ hoài phí tâm sức vào những băn khoăn, nghĩ ngợi kiểu như “Nếu … thì sao?”, “Giá mà…” hay “Lẽ ra tôi đã…” Câu trả lời xác đáng sẽ không bao giờ đến từ những lập luận thiếu cơ sở thực tiễn. Vì vậy, hãy can đảm dấn bước về phía trước với tất cả những gì cuộc sống trao tặng bạn. Hãy đối diện với những thử thách bằng sự nỗ lực, với buồn đau bằng hy vọng, với thất bại bằng tin tưởng. Không ai chắc chắn bạn sẽ đạt được thành công nhưng cũng chẳng thể đoan chắc bạn là người thua cuộc.

Thông thường, phải đợi đến khi gian nan làm gục ngã, bóng tối khiến cho mất phương hướng, chúng ta mới tìm được sự an ủi từ những điều tưởng chừng rất nhỏ bé xung quanh. Phải đến khi nước mắt chảy dài trên gương mặt, chúng ta mới cảm thấy nụ cười của một người xa lạ ấm áp biết bao. Hãy xem mỗi thử thách là một cơ hội. Đừng áng chừng trái đất này rộng lớn bao nhiêu mà hãy làm phép tính trên số bước chân của bạn.

Cuộc đời mỗi người tựa một cuốn nhật ký, và mỗi ngày là một trang. Những trang đời cứ thế nối tiếp nhau, khép một trang lại mở ra một trang mới. Câu chuyện về cuộc đời bạn do chính bạn viết nên. Bạn có thể viết lên đấy những dòng ca thán hay những tiếng hân hoan; bạn có thể thuật lại cảm giác trượt dài trong thất vọng hay hành trình vươn lên từ mất mát… Tất cả đều tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn. Nước mắt hay nụ cười đều là của bạn, hãy sử dụng chúng một cách hữu ích nhất. Những niềm vui có được trong cuộc sống không bao giờ là sẵn có, vì vậy, hãy đón nhận bất cứ lúc nào và để cho chúng soi sáng từng góc khuất trong tâm hồn chúng ta.

Ngày mai là một ngày mới, hãy lật qua trang và viết tiếp câu chuyện về cuộc đời bạn, bằng tất cả con tim yêu đời.[34]

[1] Don Miguel Ruiz, Thỏa thuận với chính mình trg.78-79

[2] Michael D.Moga, What make man truly human (Điều gì làm cho con người thực sự là người), trg.221

[3] Michael D.Moga, What make man truly human (Điều gì làm cho con người thực sự là người), trg.221-222

[4] Michael D.Moga, What make man truly human (Điều gì làm cho con người thực sự là người), trg.222

[5] Michael D.Moga, sđd trg. 222

[6] Michael D.Moga, sđd trg. 224

[7] Michael D.Moga, sđd trg.224-225

[8] Michael D.Moga, sđd trg.225

[9] Michael D.Moga, sđd trg.225

[10] Michael D.Moga, sđd trg.225-226

[11] Michael D.Moga, sđd trg.226-227

[12] Michael D.Moga, sđd trg.228

[13] Michael D.Moga, What make man truly human (Điều gì làm cho con người thực sự là người), trg.228

[14] Michael D.Moga, sđd trg.213-214

[15] Michael D.Moga, sđd trg.214

[16] Michael D.Moga, sđd trg.214-215

[17] Michael D.Moga, sđd trg.215-216

[18] Michael D.Moga, sđd trg.216

[19] Michael D.Moga, sđd trg.217

[20] Michael D.Moga, sđd trg.217

[21] Michael D.Moga, sđd trg.218

[22] Michael D.Moga, sđd trg.218-219

[23] Michael D.Moga, sđd trg.219-220

[24]“Điều mỉa mai là chủ nghĩa tư bản có khuynh hướng tạo nên nhiều công ăn việc làm, nhưng thường lại kéo theo nạn thất nghiệp. Trong những năm gần đây, khi phần đong dân chúng phải làm thêm khoảng 30 ngày, thì một phần năm lực lượng lao động không thể bảo đẳm so giờ lao động mà họ muốn hay cẩn đe mưu sinh. Trong khi nhiều công nhân buộc phải làm thêm giờ và chịu đau khổ vì làm việc quá tải, các đồng nghiệp của họ phải miễn cưỡng làm việc bán thời gian.” X. Juliet B. Schõr, The overvvorked American: The unexpected decline of leisure (New York: HarperCollins, 1991), trg. 7.

[25] Sđd., tr. 5

 

[26] Positive addiction and pseudo-virtue.

[27] Wikie AU và Norren Cannon, PhD, Urgings of the heart (Những thôi thúc trong tim) trg.178-180

[28] Daniel Rodgers, được trích dẫn trong Schor, The overvvorked Ameri­can…, trg. 70.

[29] Trong một cuộc đàm thoại riêng với cha Michaẹl J. Burley, giám đốc Trung Tâm Học vấn Dòng Tên tại Boston, ngài cho rằng lời kinh này được truyền thống gán cho thánh Inhaxiô, nhưng thật ra thì không bắt nguồn từ thánh nhân, mà đã được biên soạn trong Thế kỷ XIX cho các chiến sĩ.

[30] Wikie AU và Norren Cannon, PhD, Urgings of the heart (Những thôi thúc trong tim) trg.188-189

[31] Brian Cavanaugh, The sowers seeds: One hundredinspiring stories forpreaching, teaching andpublic speaking (Mahvvah, NJ: Paulist Press, 1990), trg. 56

[32] Wikie AU và Norren Cannon, PhD, Urgings of the heart (Những thôi thúc trong tim) trg.206-207

 

[33]Thạch Sơn Thủy, Bí Quyết Sống Còn Của Loài Kiến, trg.42-45

[34] Jack Canfield & Mark Victor Hansen, Quà tặng tinh thần trg. 75-77