Món quà của Con Một Chúa

print

 

MÓN QUÀ CỦA CON MỘT CHÚA

Suy Niệm Tin Mừng Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh

Trích trong sách Chiếc chiếu sau bụi Hoa Quỳnh

Lm.GB Phương Đình Toại

 

Tin Mừng: Ga 18,1 – 1942

“Sự Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

Vào chiều thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta được nghe tường thuật lại về sự Thương Khó của Chúa Giêsu theo Thánh Gioan, vốn đây là một bài tường thuật dài, có nhiều ý nghĩa sâu sắc, nhưng trong bối cảnh của việc thuật lại sự đau khổ của Chúa, nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng cảm thấy buồn nản, không đủ cảm xúc để lắng nghe và cầu nguyện với những gì Chúa muốn nhắn nhủ với chúng ta trong thời khắc trên thập giá của Ngài. Đôi khi, chúng ta chỉ đấm ngực lo âu không biết mình đã góp phần tới đâu trong cái chết của Chúa. Qua đây, mình xin đưa ra một vài gợi ý rút ra từ Cuộc Thương Khó của Chúa để chúng ta cùng suy tư và cầu nguyện:

  1. Chúa Giêsu trước các thượng tế và Phêrô bên bếp lửa với quân lính và người hầu

Khi nghe bài Thương Khó chiều nay, bạn hãy để ý đến chi tiết Chúa bị đưa ra trước toà thượng tế Caipha để thẩm vấn, Gioan không tường thuật việc Chúa bị thẩm vấn xuyên suốt nhưng đang xen giữa hai cuộc thẩm vấn Thánh Gioan kể lại Phêro cũng bị tra hỏi bên ngoài bởi quân lính, bạn sẽ thấy sự tương phản giữa hai người, Chúa Giêsu kiên định với căn tính của Người, là Con Một Thiên Chúa Cha và không hề phản kháng cho dù bị sỉ nhục, bị bạt tai bởi người hầu. Chúa Giêsu đã đặt niềm tin vào Chúa Cha, trông cậy vào Cha trên trời, vì thế Ngài không phải sống trong lo sợ trước sự uy hiếp của kẻ khác cho dù họ là ai. Trong khi đó, Phêrô đứng bên ngoài dựa vào sức mạnh của mình, dựa vào sự hiểu biết của mình để đối phó với tình huống bị dồn vào chân tường, lúc ấy ông không còn nghĩ đến tương quan của ông với Chúa, ông cũng không còn nghĩ về tình bạn mà ông có với Chúa bao lâu, lý do vì sao ông theo Chúa đến giây phút này… điều duy nhất ông quan tâm là mình sẽ không bị hại, và sự lo sợ đã làm cho ông chối bỏ Chúa, chối bỏ cả lý do tại sao ông có mặt ở đó.

Có lẽ qua sự tương phản giữa hai cuộc thẩm vấn của Chúa và Phêrô, Gioan cũng muốn nhắn nhủ chúng ta trong tương quan với Chúa và trong tình yêu tha nhân. Câu hỏi mà Gioan muốn đặt ra là, khi đứng trước khó khăn, thử thách, sỉ nhục, và bất công… bạn sẽ đặt niềm tin và cậy dựa sức mạnh từ đâu!? Từ Thiên Chúa Cha hay từ bản thân mình? Sự chung thủy trong tình yêu hay tình bạn không thể được đong đếm bằng những giây phút chúng ta có những giây phút vui vẻ, thành công, nhưng nó được đong đếm bởi những lúc bạn thất bại, đối diện với thử thách gian nan… Nhưng bạn vẫn quyết định ở lại bên người đó, đồng hành với người đó và hơn thế nữa tha thứ cho người đó.

  1. Chúa trao Mẹ của mình cho người môn đệ Chúa yêu mến!

Ý nghĩa thứ hai mà Thánh Gioan muốn chúng ta nhận ra qua cái chết của Chúa, đó là việc Chúa tín thác môn đệ và Mẹ của mình cho nhau.

“Thưa bà này là con bà, này là Mẹ con!”

Không ai có thể hiểu và thương con bằng mẹ! Và cũng thế, ở trên thập giá, Chúa cũng muốn trao ban tình thương và sự hiểu biết của Mẹ mình cho môn đệ mình, để Mẹ tiếp tục là mẹ, cũng như tiếp tục trao ban tình thương cho các môn đệ của mình có thể lớn lên. Chính vì thế mà Giáo hội chúng ta hiểu rằng giây phút trao phó học trò mình yêu cho Mẹ Maria, Chúa trao phó Giáo hội cho Mẹ, vì từ những học trò ấy họ đã xây dựng Giáo hội, và chỉ có Mẹ mới có thể nuôi con khôn lớn bằng tình yêu của mình được, như việc Mẹ đã nuôi Chúa khôn lớn như thế nào.

Thánh Gioan qua đây cũng mời gọi chúng ta biết phó thác mình trong tay Mẹ Maria, để qua Mẹ chúng ta có thể hiểu được Chúa hơn, qua Mẹ chúng ta có thể được lớn lên trong tương quan với Chúa.

  1. Chúa trao ban món quà sự sống trên thập giá

Một điểm thật quan trọng trong Bài Thương Khó của Thánh Gioan đó là giây phút Chúa trút hơi thở cuối cùng.

Thánh Gioan tường thuật lại hình ảnh đó với một ý nghĩa rất sâu sắc, Gioan không nói Chúa trút hơi thở, nhưng ông nói, sau khi thốt lên mọi sự đã hoàn tất, Chúa trao hiến thần khí của mình “he handed over his spirit” – qua đó Chúa chủ động cho đi thần khí, qua cái chết của mình, một món quà sự sống không rút lại… Còn nhớ khởi đầu sách Sáng Thế trong Kinh Thánh, sau khi nặn con người bằng đất, Chúa đã thổi thần khí mình và trao ban sự sống cho thân phận vốn làm từ bụi tro của con người. Nay chính cái chết của Chúa trên thập tự, Ngôi Lời đã trao một cách dứt khoát – không rút lại chính thần khi đó cho con người, để họ được sống bằng chính sự sống của Chúa, họ không phải chết vì tội của mình nữa.

Nhờ chính món quà Thần Khí này mà chúng ta hiểu được Chúa yêu thương thế gian đến chừng nào, và chúng ta có thể hiểu được từ đâu chúng ta nhận được sự sống của Chúa!

Chúc các bạn cảm nghiệm được tình thương của Chúa trong Tam Nhật Thánh này.