Tông thư Desiderio Desideravi của ĐTC Phanxicô – Từ 38 đến 47

print

  1. Đối với các thừa tác viên cũng như đối với tất cả những người đã được rửa tội, việc đào tạo phụng vụ theo nghĩa chính yếu này, không phải là điều có thể đạt được một lần cho tất cả. Vì ân huệ của mầu nhiệm được cử hành vượt quá khả năng hiểu biết của chúng ta, nên cùng với nỗ lực này, mọi người phải thực hiện chương trình thường huấn, đào tạo trường kỳ, với thái độ khiêm nhường của những kẻ bé mọn, một thái độ sẽ mở ra thành ngưỡng mộ thán phục.
  2. Một nhận xét cuối về các chủng viện: ngoài chương trình học, chủng viện cũng phải cung cấp những trải nghiệm về việc cử hành phụng vụ, không chỉ mẫu mực về phương diện nghi thức, mà còn phải xác thực và sống động, để có thể sống hiệp thông thực sự với Thiên Chúa, cũng là sự hiệp thông mà kiến thức thần học phải hướng tới. Chỉ có tác động của Thánh Thần mới có thể giúp chúng ta hoàn thiện kiến thức về mầu nhiệm Thiên Chúa, vì mầu nhiệm này không phải là vấn đề thuộc dạng hiểu được bằng trí tuệ, mà là về mối tương quan ảnh hưởng đến tất cả cuộc sống. Đây là một trải nghiệm nền tảng để khi được truyền chức, các chủng sinh có thể đồng hành với các cộng đoàn trong cùng một hành trình nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm tình yêu.
  3. Nhận định này mời gọi chúng ta suy tư về ý nghĩa thứ hai của thuật ngữ “đào tạo phụng vụ”. Tôi muốn đề cập đến việc chúng ta, mỗi người trong ơn gọi của mình, được đào tạo nhờ việc tham gia cử hành phụng vụ. Ngay cả kiến thức có được nhờ nghiên cứu học hỏi như tôi vừa mới nói, nếu không muốn trở thành duy lý, phải phục vụ cho chức năng đào tạo của Phụng vụ được thực thi nơi mỗi tín hữu trong Chúa Kitô.
  4. Qua tất cả những gì chúng ta đã nói về bản chất của Phụng vụ, có thể thấy rõ là sự hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Kitô, một vấn đề mang tính quyết định cho cuộc đời chúng ta, không là việc tâm trí thấu triệt một ý tưởng nào đó, nhưng là sự gắn bó hiện sinh thực sự với con người của Người. Theo nghĩa này, Phụng vụ không thuộc lĩnh vực “tri thức”, và chức năng chủ yếu không phải là sư phạm, mặc dù có giá trị sư phạm rất lớn (x. Sacrosanctum Concilium 33). Đúng hơn, Phụng vụ là lời ngợi khen, lời tạ ơn về mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Con, mầu nhiệm đang tác động đến đời sống chúng ta. Việc cử hành liên quan đến thực trạng của con người chúng ta trong việc ngoan ngoãn sống theo tác động của Thánh Thần, Đấng luôn hoạt động cho đến khi Chúa Kitô được hình thành trong chúng ta (x. Gl 4,19). Mức độ trọn vẹn của việc đào tạo là chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Tôi xin nhắc lại, đó không phải là một tiến trình trừu tượng trong tâm trí, mà là việc trở nên chính Chúa Kitô. Chính vì mục đích này mà Thánh Linh được trao ban, và tác động của Người bao giờ cũng chỉ nhằm xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô. Nhiệm thể được xây dựng với bánh Thánh Thể, và với việc mỗi người tín hữu được kêu gọi ngày càng trở nên điều đã nhận được như một hồng ân trong bí tích Rửa Tội, đó là trở thành chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô. Thánh Lêô Cả viết: “Việc thông dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không hướng đến điều nào khác hơn là làm cho chúng ta trở thành Đấng chúng ta ăn”.[11]
  5. Việc thông phần hiện sinh này – tiếp nối và liên hệ mật thiết với phương thức Nhập thể – mang chiều kích bí tích. Phụng vụ được cử hành với những chất thể hữu hình ngược với những điều trừu tượng thiêng liêng: bánh, rượu, dầu, nước, hương, lửa, tro, đá, vải, màu sắc, cơ thể, lời nói, âm thanh, thinh lặng, cử chỉ, không gian, chuyển động, hành động, nghi thức, thời gian, ánh sáng. Toàn thể thụ tạo là biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa, và từ khi tình yêu này thể hiện trọn vẹn nơi thập giá Chúa Giêsu, tất cả muôn loài thụ tạo đều hướng về tình yêu ấy. Có thể nói toàn thể thụ tạo đều phục vụ cho cuộc gặp gỡ với Ngôi Lời: nhập thể, chịu đóng đinh, chết, sống lại, lên trời về với Chúa Cha, như lời nguyện đọc trên nước nơi Giếng Rửa Tội, lời nguyện trên dầu thánh và lời nguyện dâng tiến bánh rượu: tất cả hoa màu ruộng đất và lao công của con người.
  6. Phụng vụ tôn vinh Thiên Chúa không phải vì chúng ta có thể thêm một điều gì đó vào vẻ đẹp của ánh sáng không thể đạt đến trong đó Thiên Chúa luôn ngự trị (x. 1Tm 6,16). Chúng ta cũng không thể thêm gì vào sự hoàn hảo của bài ca thiên thần vang lên đời đời trên các tầng trời. Phụng vụ tôn vinh Thiên Chúa vì cho phép chúng ta đang ở đây, trên trái đất, được nhìn thấy Thiên Chúa trong việc cử hành các mầu nhiệm, và khi nhìn thấy Người, chúng ta lại được sống nhờ lễ Vượt Qua của Người. Chúng ta, những người đã chết trong tội lỗi và được sống lại với Chúa Kitô, chúng ta là vinh quang của Thiên Chúa. Chính nhờ ân sủng mà chúng ta được cứu rỗi (x. Ep 2, 5). Thánh Irênê, vị tiến sĩ của sự hợp nhất, nhắc nhở chúng ta: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người đang sống, và sự sống của con người hệ tại ở việc nhìn thấy Thiên Chúa: nếu sự mặc khải của Thiên Chúa qua công trình tạo dựng đã đem đến sự sống cho tất cả các sinh vật trên trái đất, thì còn hơn thế, sự tỏ mình của Chúa Cha qua Ngôi Lời là nguồn mạch sự sống cho những ai nhìn thấy Thiên Chúa”.[12]
  7. Guardini viết: “Đây là nhiệm vụ đầu tiên của việc đào tạo phụng vụ: con người phải một lần nữa tìm lại được khả năng hiểu được biểu tượng”.[13]Đó là trách nhiệm của tất cả mọi người, của các thừa tác viên đã lãnh chức thánh cũng như của các tín hữu. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vì con người hiện đại đã trở nên thất học, không còn biết đọc các biểu tượng; dường như cũng chẳng nghĩ đến việc có biểu tượng hay không nữa. Điều này cũng xảy ra với tính cách biểu tượng của thân xác. Thân xác chúng ta là một biểu tượng, vì là sự kết hợp mật thiết giữa hồn và xác; linh hồn thiêng liêng được nhìn thấy qua thân xác vật chất; và trong đó chứa đựng duy nhất tính, một đặc tính của con người không thể có ở bất kỳ loại sinh vật nào khác. Khả năng hướng đến siêu việt, hướng đến Thiên Chúa, là yếu tố cấu thành chúng ta. Nếu không nhận ra điều đó, chắc chắn chúng ta không chỉ không biết về Thiên Chúa mà còn không biết về chính mình. Để nhận ra điều đó, chỉ cần nhìn vào những cách đối xử ngược đời với thân xác: lúc thì chăm sóc quá đáng vì tin vào huyền thoại về tuổi trẻ vĩnh cửu, lúc khác lại hạ thân xác xuống thành một thứ vật chất không còn phẩm giá gì cả. Thực tế là người ta không thể thấy thân xác có giá trị nếu như chỉ nhìn vào chính thân xác. Biểu tượng nào cũng vừa mạnh mẽ vừa mong manh. Nếu không được tôn trọng, nếu không được hiểu chính xác, nó sẽ đổ vỡ, mất đi sức mạnh và trở nên vô nghĩa.

Chúng ta không còn có cái nhìn của Thánh Phanxicô, ngài nhìn vào mặt trời – mà ngài gọi là “ông anh” vì ngài cảm thấy như vậy – ngài thấy nó quá đẹp và rạng ngời rực rỡ, và ngài hát lên với cả tâm tình ngưỡng mộ: lạy Đấng Tối cao, mặt trời giống Ngài quá.[14] Việc mất khả năng nắm bắt giá trị biểu tượng của thân xác và của các vật thụ tạo làm cho ngôn ngữ biểu tượng của Phụng vụ hầu như không thể tiếp cận được với não trạng hiện đại. Tuy nhiên, vấn đề không phải là từ bỏ ngôn ngữ này. Chúng ta không được từ bỏ ngôn ngữ biểu tượng vì đây là cách Chúa Ba Ngôi đã chọn để đến với chúng ta qua máu thịt của Ngôi Lời. Đúng hơn, vấn đề là khôi phục khả năng sử dụng và hiểu các biểu tượng phụng vụ. Chúng ta vẫn hy vọng, vì như tôi vừa nói, đây là chiều kích cấu thành trong chúng ta, và bất chấp những sai lầm của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy linh – cả hai đều phủ nhận sự thống nhất của linh hồn và thể xác – chiều kích đó luôn sẵn sàng xuất hiện trở lại, sự thật nào cũng thế.

  1. Vì vậy, câu hỏi tôi muốn đặt ra là làm thế nào để chúng ta có lại khả năng biểu tượng? Làm thế nào để chúng ta lại biết cách đọc và sống các biểu tượng? Chúng ta biết rõ rằng, bởi ân sủng của Thiên Chúa, việc cử hành các bí tích có hiệu năng ex opere operato(hiệu năng do sự), nhưng điều này không bảo đảm rằng mọi người sẽ tham dự trọn vẹn nếu họ không hiểu được ngôn ngữ của cử hành một cách thích đáng. Khả năng “đọc” biểu tượng không phải là kiến thức của trí tuệ, cũng không phải là hiểu biết các khái niệm, mà là một kinh nghiệm sống.
  2. Trước tiên chúng ta phải lấy lại niềm tin vào các thụ tạo. Ý tôi muốn nói là các thụ tạo đều do Thiên Chúa tạo dựng, và các bí tích “được làm” bằng các vật ấy. Chúng quy hướng về Người, và chính Người đã sử dụng chúng, cách cụ thể trong công trình Nhập thể, để chúng trở thành khí cụ cứu rỗi, phương tiện của Thánh Thần, máng chuyển ân sủng. Quan điểm này rõ ràng khác xa quan điểm duy vật hoặc duy linh. Nếu các thụ tạo là một phần cơ bản, thiết yếu của các bí tích mang lại ơn cứu rỗi như thế, thì chúng ta phải sẵn sàng gặp gỡ chúng với một cái nhìn mới, sâu sắc, với sự tôn trọng và biết ơn. Ngay từ khởi nguyên, các thụ tạo đã chứa đựng mầm mống của ơn thánh hóa nơi các bí tích.
  3. Vẫn trong ý tưởng liên quan đến cách thức Phụng vụ đào tạo chúng ta, một vấn đề mang tính quyết định khác là cần có sự dạy dỗ hướng đến một thái độ nội tâm cho phép chúng ta sử dụng và hiểu các biểu tượng phụng vụ. Tôi xin trình bày cách đơn giản. Tôi đang nghĩ đến cha mẹ, hoặc là ông bà, kể cả các linh mục và giáo lý viên của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta đã học được nơi họ về năng lực của các cử chỉ phụng vụ, như dấu thánh giá, quỳ gối, các điều chúng ta phải tin. Có lẽ bây giờ chúng ta không còn nhớ đã học như thế nào, nhưng chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra cử chỉ của một bàn tay lớn nắm lấy bàn tay nhỏ bé của một đứa trẻ và chậm rãi vẽ trên người đứa bé dấu hiệu của ơn cứu rỗi lần đầu tiên. Những lời đi kèm với động tác cũng được đọc lên cách chậm rãi, như muốn nắm giữ từng khoảnh khắc của cử chỉ, như muốn chiếm hữu toàn thể thân xác: “Nhân danh Cha… và Con… và Thánh Thần. … Amen”. Và sau đó buông tay đứa trẻ, nhìn nó một mình lặp lại động tác ấy, sẵn sàng giúp đỡ nó nếu cần. Động tác này giờ đây lại được thực hiện, như chiếc áo cùng lớn lên với đứa bé, mặc cho nó một ý nghĩa mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới biết. Từ lúc đó, cử chỉ này và năng lực biểu tượng của nó, đã là của chúng ta, đã thuộc về chúng ta, hay nói đúng hơn, chúng ta thuộc về nó. Cử chỉ ấy hình thành chúng ta. Chúng ta được đào tạo bởi động tác đó. Ở đây không cần phải nói nhiều. Không nhất thiết phải hiểu mọi thứ trong cử chỉ này. Điều cần thiết là phải đơn sơ bé nhỏ, cả bên truyền đạt cũng như bên tiếp nhận. Phần còn lại là công việc của Thánh Thần. Đây là cách chúng ta làm quen với ngôn ngữ biểu tượng. Chúng ta không muốn để mình bị tước mất một gia sản to tát như thế. Khi lớn lên, chúng ta sẽ có thêm nhiều cách khác để hiểu biết, nhưng luôn với điều kiện là chúng ta vẫn còn là những người bé mọn.