Tông thư Desiderio Desideravi của ĐTC Phanxicô – Từ 48 đến 54

print

“Ars celebrandi” – Nghệ thuật cử hành Phụng vụ

  1. Một trong những cách chăm sóc và tăng triển trong sự hiểu biết cần thiết về các biểu tượng trong Phụng vụ, đó là “ars celebrandi” – nghệ thuật cử hành. Có những giải thích khác nhau về biểu thức “ars celebrandi”. Ý nghĩa của nó trở nên rõ ràng nếu chúng ta tham khảo ý nghĩa thần học của Phụng vụ được mô tả trong số 7 của Sacrosanctum Concilium, mà tôi đã nhiều lần đề cập đến. Không được giản lược ars celebrandi vào thái độ tuân giữ cách máy móc các luật chữ đỏ, càng không được coi đó là sáng tạo – có khi là bừa bãi -, không có quy tắc. Bản thân nghi thức là một quy định, và quy định không phải là mục đích tự thân, nhưng nó phục vụ cho một thực thể cao hơn mà nó muốn bảo vệ.
  2. Như bất kỳ nghệ thuật nào, ars celebrandi đòi hỏi nhiều loại kiến thức khác nhau. Trước tiên, nghệ thuật này đòi hỏi phải hiểu biết về tính năng động trong Phụng vụ. Cử hành phụng vụ là lúc tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua được hiện tại hóa, để các tín hữu, khi tham dự, có thể cảm nghiệm mầu nhiệm ấy trong cuộc sống. Nếu không có sự hiểu biết này, việc cử hành có thể chỉ bận tâm đến hình thức bên ngoài (hơn kém về mức độ tinh tế) hoặc quan tâm đến luật chữ đỏ (hơn kém về tính cứng nhắc). Sau đó, cần phải biết về cách thức Chúa Thánh Thần tác động trong mỗi cử hành. Nghệ thuật cử hành phải hòa hợp với hành động của Thánh Thần. Chỉ như vậy, nghệ thuật cử hành mới thoát khỏi tính cách chủ quan, chiều theo thị hiếu cá nhân. Chỉ bằng cách này, nghệ thuật cử hành mới thoát khỏi sự xâm nhập của các yếu tố văn hóa chưa được phân định và không liên quan gì đến việc hội nhập văn hóa đúng nghĩa.

Cuối cùng, cần phải hiểu về tính năng động, về bản chất đặc thù và những hiệu năng của ngôn ngữ biểu tượng.

  1. Qua những chỉ dẫn ngắn gọn này, rõ ràng là nghệ thuật cử hành không thể tùy tiện, ngẫu hứng. Như bất kỳ nghệ thuật nào, nghệ thuật cử hành đòi hỏi sự ứng dụng nhất quán. Đối với một người thợ, kỹ thuật là đủ. Nhưng đối với một nghệ sĩ, ngoài kiến thức kỹ thuật, cần phải có cảm hứng, đây là một dạng thức tích cực của vấn đề sở hữu. Người nghệ sĩ chân chính không sở hữu một nghệ thuật, nhưng đúng hơn người ấy được nghệ thuật chiếm hữu. Không thể học nghệ thuật cử hành bằng cách dự một khóa học về kỹ năng nói trước công chúng hoặc kỹ năng thuyết phục trong giao tiếp. (Tôi không đánh giá về ý hướng, tôi chỉ quan sát các hiệu quả). Công cụ nào cũng có thể hữu ích, nhưng nó phải phục vụ bản chất của Phụng vụ và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Phải luôn dành trọn tâm ý cho việc cử hành, để chính việc cử hành truyền tải nghệ thuật cho chúng ta. Guardini viết: “Chúng ta phải hiểu rằng chúng ta đã lún sâu như thế nào vào chủ nghĩa cá nhân và thái độ chủ quan, chúng ta đã trở nên xa lạ như thế nào với những đòi hỏi của những điều “cao cả” và các chiều kích trong đời sống đạo của chúng ta nhỏ bé đến mức nào. Chúng ta phải ý thức lại cung cách cao cả của việc cầu nguyện cũng như ý hướng hiện sinh trong lời cầu nguyện. Tuy nhiên, để đạt được điều này, phải tuân giữ kỷ luật, từ bỏ tình cảm ủy mị; phải làm việc nghiêm túc, tuân phục Hội Thánh, trong con người và các hành động thờ phượng của chúng ta”.[15]Đó chính là cách học nghệ thuật cử hành.
  2. Chúng ta có xu hướng nghĩ là chủ đề này chỉ liên quan đến các thừa tác viên đã lãnh chức thánh đang thực hiện nhiệm vụ của vị chủ sự. Nhưng trên thực tế, đó là một thái độ mà tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi để sống. Tôi nghĩ đến tất cả các cử chỉ và lời nói thuộc về cộng đoàn: quy tụ, nghiêm trang đi trong đoàn rước, ngồi, đứng, quỳ, hát, im lặng, tung hô, nhìn, nghe. Có nhiều cách để cộng đoàn, tất cả như một(Nhm 8,1), thông phần vào việc cử hành. Tất cả cùng làm một cử chỉ như nhau, tất cả cùng chung một giọng nói – điều này truyền tải cho mỗi cá nhân năng lượng của toàn thể cộng đoàn. Đó là sự đồng nhất không làm chết đi mà trái lại, dạy cho từng cá nhân tín hữu khám phá ra tính duy nhất đích thực của nhân vị, không phải trong thái độ cá nhân chủ nghĩa nhưng trong nhận thức về việc tất cả là một thân thể. Vấn đề không phải là làm theo một quyển sách về nghi thức phụng vụ. Đúng hơn, theo cách nói của Guardini, đó là “kỷ luật” sẽ đào tạo chúng ta, nếu được chúng ta tuân giữ cách xác đáng. Đây là những cử chỉ và lời nói làm lắng đọng thế giới nội tâm trong chúng ta, giúp chúng ta sống những cảm xúc, thái độ, hành vi nào đó. Những cử chỉ và lời nói đó không phải là lời giải thích về một lý tưởng mà chúng ta đang kiếm tìm để gợi lên cho chúng ta những tâm tình cảm nghĩ, nhưng thay vào đó, là một hành động của thân xác trong trạng thái toàn vẹn, nghĩa là trong con người toàn diện với cả thân xác và linh hồn.
  3. Trong số các động tác nghi lễ dành cho toàn thể cộng đoàn, thinh lặng chiếm một vị trí quan trọng tuyệt đối. Động tác này được quy định rõ trong luật chữ đỏ. Toàn bộ việc cử hành Thánh Thể chìm đắm trong thinh lặng trước khi bắt đầu và đánh dấu mọi khoảnh khắc của nghi lễ đang diễn ra. Thật vậy, mọi người thinh lặng trong nghi thức sám hối, sau lời mời gọi “Chúng ta hãy cầu nguyện”, trong Phụng vụ Lời Chúa (trước các bài đọc, giữa các bài đọc và sau bài giảng), trong Kinh nguyện Thánh Thể, sau khi hiệp lễ.[16]Thinh lặng không phải là nơi ẩn náu để thu mình trong một kiểu cô lập nội tâm nào đó, như thể muốn rời khỏi những nghi thức làm phân tâm chia trí. Kiểu thinh lặng đó mâu thuẫn với bản chất của cử hành phụng vụ. Thinh lặng trong Phụng vụ là một điều gì đó cao siêu hơn nhiều: đây là biểu tượng của sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm sinh động toàn bộ việc cử hành. Vì thế, thinh lặng là cao điểm của một trình tự phụng vụ. Chính vì là biểu tượng của Thánh Thần, nên thinh lặng có sức mạnh thể hiện hành động đa dạng của Thánh Thần. Theo cách này, trong những khoảnh khắc tôi vừa đề cập, thinh lặng đưa đến tâm tình đau buồn vì tội lỗi và ước muốn được hoán cải, đánh thức tâm trí sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện. Chúng ta thinh lặng để tôn thờ Mình và Máu Chúa Kitô. Nơi mỗi người, khi kết hiệp mật thiết với Chúa, thinh lặng gợi lên điều Thánh Thần muốn tác động trong cuộc sống để làm cho chúng ta trở nên tấm Bánh được bẻ ra. Vì tất cả những lý do đó, chúng ta được kêu gọi thực hiện thật sốt sắng phút thinh lặng như một động tác mang tính biểu tượng, để qua đó chúng ta được Chúa Thánh Thần uốn nắn.
  4. Mỗi cử chỉ và lời nói đều chứa đựng một tác động chính xác luôn mới mẻ, vì được đặt trong một thời điểm cũng luôn mới mẻ trong cuộc sống chúng ta. Tôi xin giải thích điều này bằng một ví dụ đơn giản. Chúng ta quỳ gối để cầu xin ơn tha thứ, để bẻ gập tính kiêu ngạo, để dâng lên Chúa những giọt nước mắt, để xin Người phù trợ, để cảm ơn Người về một ân huệ đã nhận được. Đó luôn là một cử chỉ tự nó đã cho thấy con người chúng ta thật nhỏ bé trước mặt Chúa. Tuy nhiên, được thực hiện trong những thời điểm khác nhau của cuộc sống, động tác này tạo nên chiều sâu nội tâm để rồi thể hiện ra bên ngoài trong mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa và với anh chị em chúng ta. Hãy thực hiện động tác quỳ gối cách nghệ thuật, nghĩa là với nhận thức đầy đủ về ý nghĩa biểu tượng và sự cần thiết của cử chỉ này để thể hiện cách chúng ta hiện diện trước mặt Chúa. Và nếu tất cả những điều vừa nói áp dụng đúng cho cử chỉ đơn giản này, thì việc cử hành Lời Chúa sẽ còn hơn như thế nào nữa? À, vậy thì chúng ta được mời gọi phải học nghệ thuật nào cho việc công bố Lời, lắng nghe Lời, để Lời Chúa khơi nguồn cho lời cầu nguyện của chúng ta, để Lời Chúa trở thành chính cuộc sống của chúng ta? Tất cả những điều này đáng được quan tâm tối đa – không phải về hình thức hay chỉ đơn thuần bên ngoài, nhưng là liên quan đến cuộc sống và đời nội tâm – để từng cử chỉ và lời nói của cử hành phụng vụ, khi được thể hiện cách “nghệ thuật,” sẽ hình thành nhân cách Kitô hữu của mỗi cá nhân và của cả cộng đoàn.
  5. Nếu toàn thể cộng đoàn phụng vụ cần đến ars celebrandi, thì các thừa tác viên đã lãnh chức thánh càng phải quan tâm đặc biệt hơn. Khi đến thăm các cộng đoàn Kitô hữu, tôi nhận thấy cách họ sống các cử hành phụng vụ – dù tốt hơn hay đáng tiếc là tệ hơn – đều tùy vào cung cách chủ sự của linh mục trong cộng đoàn. Có thể nói là có nhiều “mô hình” chủ sự khác nhau. Dưới đây là danh sách những phương pháp dễ nhận ra, mặc dù trái ngược nhau, nhưng tiêu biểu cho cách chủ sự chắc chắn là không phù hợp: khắc khổ cứng nhắc hoặc sáng tạo quá đáng, thần bí hóa hoặc duy chức năng, nhanh chóng vội vàng hoặc chậm chạp quá mức, bất cẩn cẩu thả hoặc tỉ mỉ cực đoan, thân thiện quá mức hoặc vô cảm lạnh lùng. Mặc dù nhiều ví dụ như thế, tôi nghĩ rằng sự bất cập của các mô hình chủ sự này có gốc rễ chung: thái độ đề cao bản thân trong phong cách cử hành, đôi khi thể hiện cách lộ liễu thói tật muốn trở thành trung tâm của sự chú ý. Điều này thường được thấy rõ hơn trong các cử hành được phát thanh, truyền hình hay trực tuyến trên mạng internet, có điều gì đó không phải lúc nào cũng tốt đẹp và vì thế cần phải nghiên cứu thêm. Xin anh chị em hiểu rõ điều tôi nói: những cách cử hành này không phải là phổ biến nhất, nhưng cho đến bây giờ, nhiều cộng đoàn vẫn còn phải khốn khổ vì những lạm dụng như thế.