Học Hỏi 5 Phút Chúa Nhật Năm Mục Vụ 2024 “Về Giáo Hội Tham Gia” (Bài 1-20)

print

GIÁO PHẬN CẦN THƠ

HỌC HỎI 5 PHÚT CHÚA NHẬT

NĂM MỤC VỤ 2024

“VỀ GIÁO HỘI THAM GIA

HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO PHẬN

LỜI NGỎ

—–oOo—–

Kính quý Cha, quý Tu sĩ và quý giáo dân rất thân mến.

Chương trình “Học Hỏi 5 Phút Chúa Nhật” của Giáo Phận Cần Thơ năm 2024, gồm 3 phần :

*  Phần I (Giáo huấn 1-4): Học hỏi Thư Mục vụ HĐGMVN 2023 về “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội”.

* Phần II (Giáo huấn 5-20): Học hỏi về Tham gia phụng vụ Hội Thánh.

* Phần III (Giáo huấn 21-52): Học hỏi tập Giáo lý Docat “Phải làm gì ?”.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã viết trong Tông huấn về Dạy Giáo lý : “Ở cấp địa phương cũng như toàn cầu, Hội Thánh càng dành ưu tiên cho việc Huấn giáo…thì càng tìm được sức mạnh củng cố cho đời sống bên trong của cộng đoàn tín hữu, cũng như cho hoạt động truyền giáo bên ngoài của Hội Thánh…Giáo hội mong ước chúng ta đừng bỏ sót bất cứ việc gì cần thiết, cho một công cuộc dạy giáo lý có tổ chức và định hướng đúng đắn”.

Hội Đồng Mục Vụ Giáo Phận kính gửi tư liệu giáo lý này, để quý Cha sử dụng cho Học hỏi 5 phút mỗi Chúa Nhật; Hoặc có thể trao cho các Xướng viên đọc trước hoặc sau mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật.

Trung Tâm Mục Vụ GP. Cần Thơ

Tĩnh Tâm Linh Mục GP 27.11-1.12.2023

Hội Đồng Mục Vụ GPCT.

MỤC LỤC PHẦN I & II

————————————————————-

– Giáo huấn 1: Chủ đề của Năm Mục Vụ 2024…….. 04

– Giáo huấn 2: Nền tảng của sự tham gia……………… 05

– Giáo huấn 3: Tầm quan trọng của sự tham gia…… 07

– Giáo huấn 4: Những tham gia cụ thể…………………. 08

– Giáo huấn 5: Phụng vụ: nơi gặp gỡ Chúa Kitô….. 10

– Giáo huấn 6: Chúa Kitô hiện diện trong
Thừa tác viên chức thánh………………. 12

– Giáo huấn 7: Chúa Kitô hiện diện
trong Cộng đoàn phụng vụ…………….. 13

– Giáo huấn 8: Chúa Kitô hiện diện trong các bí tích  14

– Giáo huấn 9: Chúa Kitô hiện diện trong Lời Chúa

và trong Mình Máu Thánh Chúa……. 16

– Giáo huấn 10: Nghệ thuật cử hành:  phụng vụ là
cách làm cho Chúa Kitô hiện diện… 18

– Giáo huấn 11: Phụng vụ là liều thuốc chữa
tinh thần thế tục…………………………. 20

– Giáo huấn 12: Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa… 22

– Giáo huấn 13: Các lĩnh vực phụng vụ thánh……… 23

– Giáo huấn 14: Nghi thức phụng vụ Thánh lễ…….. 25

– Giáo huấn 15: Phụng vụ các bí tích…………………. 27

– Giáo huấn 16: Các giờ kinh phụng vụ………………. 29

– Giáo huấn 17: Các á bí tích và phép lành…………. 31

– Giáo huấn 18: Nghi thức an táng công giáo………. 33

– Giáo huấn 19: Cách xếp đặt và trang trí Nhà thờ
để cử hành Thánh lễ…………………… 35

– Giáo huấn 20: Lòng đạo đức bình dân……………… 37

PHẦN I

(Giáo huấn 1-4)

TÌM HIỂU THƯ MỤC VỤ HĐGMVN 2023

ˆˆˆ

GIÁO HUẤN 1

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM MỤC VỤ 2024

H. Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chọn Chủ đề mục vụ cho năm 2024 là gì ?

T. Đó là : Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội.

Giải thích

Ngày 22.9.2023, kết thúc Hội nghị thường niên kỳ II năm 2023 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gửi “Thư Mục Vụ” cho toàn thể Dân Chúa tại Việt Nam, để đề ra chương trình mục vụ cho năm 2024.  

Trước tiên, các Giám mục nhắc lại quyết định trong Thư Chung nhân dịp Đại hội Hội đồng Giám mục năm 2022, đã đề nghị lộ trình mục vụ cho ba năm liên tiếp: 

– Năm 2023, chủ đề : Củng cố sự hiệp thông;

– Năm 2024, chủ đề : Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội;

– Năm 2025, chủ đề: Cùng loan báo Tin Mừng.

Nhìn lại Năm mục vụ 2024, Hội đồng Giám mục Việt Nam “ghi nhận sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi thành phần Dân Chúa để củng cố sự hiệp thông với Chúa, thể hiện qua việc học hỏi Lời Chúa và những chấn chỉnh kỷ luật Phụng vụ, nhất là Phụng vụ Thánh Thể; và củng cố tình hiệp thông huynh đệ, thể hiện qua đời sống hiệp nhất cộng đoàn và qua những hoạt động bác ái thiết thực”.

Từ những nhận định đầy tích cực đó, các Giám mục đề nghị mọi thành phần Dân Chúa tiếp tục sống tình hiệp thông, “đồng thời mời gọi anh chị em thực hiện chương trình đề ra cho năm 2024, là Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội”.

 

GIÁO HUẤN 2

NỀN TẢNG CỦA SỰ THAM GIA

H. Nền tảng của sự tham gia đời sống Giáo hội là gì?

T. Việc tham gia xây dựng Giáo hội là sứ mạng tự bản chất của người Kitô hữu, dựa trên nền tảng là Bí tích Thánh tẩy.

Giải thích

Trong thư Mục vụ 2024, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã giải thích như sau :

Tham gia là một trong ba yếu tố căn bản của Giáo hội hiệp hành. Ở đó, mọi người đều bình đẳng, cộng tác tùy theo ơn gọi của mình, và phục vụ lẫn nhau qua các ân huệ đã lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần. Việc tham gia xây dựng Giáo hội là sứ mạng tự bản chất của người Kitô hữu. Qua Bí tích Thanh tẩychúng ta cùng chung một phẩm giá là con Thiên Chúa, thành viên của gia đình Giáo hội, anh chị em trong Đức Kitô, cùng tham dự vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Người. 

Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI nêu rõ: “Bí tích Thánh Tẩy tạo ra một sự đồng trách nhiệm thực sự giữa tất cả các phần tử của Giáo hội, được thể hiện qua sự tham gia của tất cả mọi người vào sứ vụ, và qua việc xây dựng cộng đoàn Giáo hội tùy theo đặc sủng của mỗi người” (số 20).

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Tất cả những người đã được Thánh tẩy đều được mời gọi tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Nếu không có sự tham gia thực sự của Dân Chúa, nói về hiệp thông có nguy cơ chỉ còn là một ước vọng đạo đức… Trao quyền cho mọi người tham gia là một bổn phận thiết yếu của Giáo hội !” (Diễn từ khai mạc Thượng HĐGM thế giới XVI, ngày 09.10.2021).

 

GIÁO HUẤN 3

TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ THAM GIA

H. Việc thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội có tầm quan trọng thế nào?

T. Một là thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm và hiệp thông sâu xa với Giáo hội hoàn vũ. Hai là đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Giáo hội tại Việt Nam.

Giải thích

Trong thư Mục vụ, các Đức Giám mục đã khẳng định việc tham gia vào đời sống Giáo hội có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ góp phần xây dựng Giáo hội hoàn vũ, mà còn hướng đến mục tiêu rất cụ thể, là góp phần xây dựng Giáo hội địa phương tại Việt Nam.

Thư Mục vụ trình bày này như sau :

Như anh chị em đã biết, Giáo hội công giáo hoàn vũ đang cử hành Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI với chủ đề Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Trong tiến trình chuẩn bị Thượng Hội đồng, mọi thành phần Dân Chúa đều được mời gọi nói lên những ưu tư và kỳ vọng của mình. Hai giám mục Việt Nam được Đức Thánh Cha bổ nhiệm sẽ tham dự phiên họp Đại hội của Thượng Hội đồng tại Rôma vào tháng Mười năm nay. Các ngài đại diện cho Dân Chúa tại Việt Nam, đóng góp ý kiến trong tinh thần đồng trách nhiệm và hiệp thông sâu xa với Giáo hội hoàn vũ.

Tại Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử, cùng với những khó khăn trong đời sống và cách hiểu giáo lý chưa đúng, một số giáo dân sống đức tin thụ động và dửng dưng với những hoạt động của cộng đoàn địa phương. Với họ, đời sống đức tin chỉ bao hàm trong việc tuân giữ ngày Chúa nhật. Do đó, thúc đẩy sự tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội tại Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết.

 

GIÁO HUẤN 4

NHỮNG THAM GIA CỤ THỂ

H. Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi anh chị em giáo dân tham gia xây dựng Giáo hội như thế nào?

T. Tất cả anh chị em Giáo dân, hãy nhiệt thành tham gia và cộng tác chặt chẽ với các linh mục, để xây dựng Giáo hội, và thực thi sứ mạng làm chứng cho Chúa giữa đời.

Riêng với Hội đồng Mục vụ giáo xứ và các ban ngành đoàn thể, cần sống đời sống nội tâm, học hỏi giáo huấn Giáo hội, để tham gia các sinh hoạt với tinh thần siêu nhiên : tích cực, nhiệt thành mà vẫn luôn hiệp thông hài hòa với các linh mục, tu sĩ và cộng đoàn.

Giải thích

Hội đồng Giám mục hướng đến mọi thành phần Dân Chúa : giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.

Sau khi nhắn nhủ các giáo sĩ và tu sĩ hãy biết tôn trọng, lắng nghe, khích lệ, huấn luyện và đào tạo giáo dân, để mọi người cùng tham gia vào đời sống giáo hội cách tích cực, trong sứ mạng mà mình đã lãnh nhận. Các Đức Giám mục nhắn nhủ và mời gọi anh chị em giáo dân : nhiệt tình và chủ động tham gia xây dựng Giáo hội ngay chính nơi mình đang sống và làm việc, với những đề nghị cụ thể sau đây :

– Anh chị em giáo dân nói chung, hãy ý thức về sứ mạng và vai trò của mình trong Giáo hội. Nhờ phẩm giá chung do phép Rửa tội, anh chị em là những người đồng trách nhiệm với tất cả các linh mục và tu sĩ nam nữ, đối với sứ mệnh của Giáo hội. Anh chị em không những thuộc về Giáo hội mà Anh chị em là Giáo hội (x. Christifideles laici, số 9). Do đó, hãy nhiệt thành tham gia và cộng tác chặt chẽ với các linh mục, để xây dựng Giáo hội, và thực thi sứ mạng làm chứng cho Chúa ở giữa đời.

Cách riêng, các thành viên Hội đồng Mục vụ giáo xứ, giáo lý viên, thừa tác viên ngoại thường của Bí tích Thánh Thể, những người đặc trách Phụng vụ, thành viên của các hiệp hội và hội đoàn, cần có đời sống nội tâm, và học hỏi giáo huấn của Giáo hội, để tham gia các sinh hoạt với tinh thần siêu nhiên : tích cực nhiệt thành, mà vẫn luôn hiệp thông hài hòa với các linh mục, tu sĩ và cộng đoàn.

PHẦN II

(Giáo huấn 5-20)

THAM GIA PHỤNG VỤ HỘI THÁNH

ˆˆˆ

GIÁO HUẤN 5

PHỤNG VỤ: NƠI GẶP GỠ CHÚA KITÔ

H. Làm thể nào để gặp gỡ Chúa Kitô trong phụng vụ?

T. Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Kitô trong phụng vụ qua năm hình thức hiện diện của Người: Một là trong thừa tác viên chức thánh; Hai là trong các bí tích; Ba là trong Lời Chúa; Bốn là trong hình Bánh và Rượu; Năm là trong cộng đoàn họp nhau cầu nguyện.

Giải thích.

Năm dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô trong phụng vụ để chúng ta có thể gặp gỡ Người.

Một là Người hiện diện trong linh mục cử hành. Qua bí tích Truyền Chức Thánh, Chúa Giêsu đã tuyển chọn một số người đại diện cử hành các bí tích, để qua các ngài, Chúa ban các ơn cần thiết cho người tín hữu.   

Hai là Người hiện diện trong bảy bí tích. Người dùng quyền năng của Lời Người và các dấu chỉ vật chất như nước, bánh, rượu, dầu… để thông ban ơn thánh, nếu ta thật lòng tin tưởng vào quyền năng của Người. Qua mệnh lệnh của Chúa “Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy’, khi các linh mục cử hành Thánh lễ là chính Chúa cử hành. Qua mệnh lệnh “Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha”, khi các linh mục tha tội chính là Chúa Kitô tha tội, và các bí tích khác cũng tương tự như thế, dẫu linh mục vẫn là những con người bất toàn…  

Ba là Người hiện diện trong Lời Chúa. Qua các thừa tác viên công bố Lời Chúa, Chúa tiếp tục nói với chúng ta. Điều này được xác định bởi câu “Đó là Lời Chúa” khi kết thúc bài đọc.  

Bốn là Người hiện diện thực sự trong hình Bánh Rượu của bí tích Thánh Thể. Dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần và Lời truyền phép trong Thánh lễ, ta xác tín Chúa Kitô hiện diện thực sự qua dấu chỉ bánh và rượu, để nuôi dưỡng linh hồn ta.

Năm là Người hiện diện trong cộng đoàn hợp nhất cùng nhau để tôn vinh Chúa qua lời kinh, tiếng hát, qua các cử chỉ đứng, quỳ, ngồi, cúi đầu. Cách đặc biệt, khi cộng đoàn hiệp nhất trong cầu nguyện, chính mỗi người đều ý thức mình là chi thể của Chúa Kitô là Đầu. Vì khi Hội Thánh họp nhau cử hành phụng vụ là chính Chúa Kitô Toàn Thể cử hành.

GIÁO HUẤN 6

CHÚA KITÔ HIỆN DIỆN

TRONG THỪA TÁC VIÊN CHỨC THÁNH

H. Chúa Kitô hiện diện thế nào trong thừa tác viên có chức thánh khi cử hành phụng vụ ?

T. Chúa Kitô hiện diện trong các thừa tác viên chức thánh với tư cách là Đầu của Thân Thể, là Mục Tử của đoàn chiên, là Thượng Tế của hy lễ cứu chuộc, và là Thầy dạy chân lý.

Giải thích

Qua việc đặt tay và lời nguyện phong chức, giám mục, linh mục và phó tế, trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô, và thi hành phận vụ riêng của mình trong phụng vụ với tư cách là Đức Kitô là Đầu.

Các giám mục và linh mục, với chức tư tế thừa tác, có nhiệm vụ đại diện cho Đức Kitô, rao giảng Lời Chúa. Nhất là trong Thánh lễ, các ngài thay thế Chúa Kitô, công bố mầu nhiệm của Chúa, kết hợp những ước nguyện của tín hữu vào hy tế của Chúa Kitô, mà dâng lên Thiên Chúa Cha.

Các phó tế được nhận nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa, phụ giúp các giám mục và linh mục trong việc cử hành mầu nhiệm thánh, nhất là Thánh lễ, trao Mình Thánh Chúa, chứng hôn, rửa tội, công bố và rao giảng Tin Mừng, chủ tọa lễ nghi an táng, và nhất là dấn thân vào việc bác ái.

Như vậy, các thừa tác viên chức thánh, vì được đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô Thượng Tế, các ngài cần cử hành phụng vụ cách nghiêm trang, sốt sắng qua việc chuẩn bị cách cẩn thận. Đặc biệt khi cử hành Thánh lễ, các ngài cần phải trang nghiêm, khiêm tốn phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn, qua thái độ, cử chỉ cũng như cung cách đọc các lời nguyện, dâng hy lễ và giảng dạy lời Chúa, phải giúp các tín hữu nhận thấy sự hiện diện sống động của Chúa Kitô…

GIÁO HUẤN 7

CHÚA KITÔ HIỆN DIỆN TRONG CỘNG ĐOÀN PHỤNG VỤ

H. Chúa Kitô hiện diện trong cộng đoàn phụng vụ thế nào ?

T. Chúa Kitô hiện diện trong cộng đoàn cử hành phụng vụ như lời Người đã hứa : “ Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa”.

Giải thích

Bí tích Rửa tội làm cho các Kitô hữu kết hợp với Chúa Kitô thành một Thân Thể. Như vậy, khi Hội Thánh họp nhau cử hành phụng vụ là Hội Thánh làm cho Chúa Kitô hiện diện trong sự hiệp nhất giữa Đầu và các Chi thể. Mà theo bản chất, các hoạt động của phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của toàn Thân thể Chúa Kitô.

Khi cử hành, Hội Thánh luôn ý thức về sự hiện diện của Chúa Kitô trong mọi thành phần tham dự. Điều này được thể hiện qua lời chào của linh mục chủ sự và câu đáp lại của cộng đoàn: “Chúa ở cùng anh chị em – và ở cùng cha”. Câu đối đáp này được lập lại nhiều lần trong phụng vụ, đặc biệt là trong Thánh lễ…

Chúa Kitô cũng hiện diện giữa cộng đoàn khi họ họp lại “nhân danh Người”, qua việc cộng đoàn lắng nghe Lời Người và chiêm ngắm phép lạ Thánh Thể của Người. Phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể chính là cách hiện diện mới mẻ của Chúa Kitô Phục Sinh. Giống như Người đồng hành với hai môn đệ trên đường trở về làng Em-mau, Người giải nghĩa Lời Chúa, bẻ bánh trao cho các ông, chính cử chỉ này giúp các ông nhận ra Người, thì ngày nay, khi Hội Thánh cử hành Thánh lễ, Chúa Kitô vẫn tiếp tục nói với cộng đoàn qua Lời của Người, “hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai các người vửa nghe”, chính Người tiếp tục bẻ bánh trao cho từng người “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy”.  

GIÁO HUẤN 8

CHÚA KITÔ HIỆN DIỆN
TRONG CÁC BÍ TÍCH

H. Bí tích là gì ?

T. Bí tích là dấu chỉ bên ngoài Chúa Giêsu đã lập và truyền cho Hội Thánh cử hành, để diễn tả và thông ban cho người tín hữu ân sủng bên trong, là sự sống thần linh.

Giải thích

Khi thiết lập các bí tích, Chúa Giêsu đã dùng các dấu chỉ vật chất và lời quyền năng của Người, để khi Hội Thánh cử hành, Chúa sẽ ban ơn cho linh hồn người tín hữu. Do đó, người tham dự cử hành phụng vụ bí tích cần chăm chú theo dõi các cử chỉ, lời nói và biểu tượng vật chất được sử dụng, để hiểu rõ được giá trị thiêng liêng và hiệu quả của bí tích mình lãnh nhận.

Sau đây là ý nghĩa thiêng liêng của một số dấu chỉ bề ngoài được sử dụng trong các của bí tích:

Dấu Thánh Giá là dấu ấn của Chúa Kitô được vẽ lên trên những ai thuộc về Người. Đây là dấu chỉ cứu chuộc mà Chúa Kitô mang lại cho người tín hữu nhờ thập giá của Người.

Nước trong bí tích rửa tội, được làm phép qua lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần, để những ai được thanh tẩy, thì được “sinh ra bởi nước và Thánh Thần”.

Dầu Thánh được sử dụng biểu thị ý nghĩa thiêng liêng khác nhau theo từng loại. Dầu Dự tòng để củng cố mối tương quan giữa người dự tòng với Chúa Kitô khi họ tiến tới các bí tích. Dầu Thánh là dấu chỉ ân sủng của Chúa Thánh Thần, Kitô hữu được xức dầu Thánh Thần, được tháp nhập vào Chúa Kitô, Đấng đã được xức dầu làm Tư tế, Tiên tri và Vương đế. Dầu Bệnh Nhân xức lên trán và tay người bệnh ban ơn chữa lành thiêng liêng, và thêm sức cho họ đối diện với đau đớn thể lý.

Áo trắng biểu hiện sự mặc lấy Chúa Kitô của người chịu phép Rửa. Nến sáng thắp từ nến phục sinh biểu hiện ánh sáng của Chúa Kitô chiếu dọi người tân tòng. 

Lời thú tội và lời tha tội là dấu chỉ bên ngoài, cho thấy lòng ăn năn thống hối thật lòng của hối nhân, và sự nhân từ vô biên ban ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Sự tự do ưng thuận và lời hứa trung thành là dấu chỉ bên ngoài của khế ước hôn nhân công giáo và có giá trị suốt đời giữa người nam và người nữ.

Việc đặt tay trong lời nguyện phong chức dấu chỉ bên ngoài xin Thiên Chúa ban ơn Thánh Thần, để các tiến chức chu toàn thừa tác vụ sắp lãnh nhận.

GIÁO HUẤN 9

CHÚA KITÔ HIỆN DIỆN TRONG LỜI CHÚA VÀ TRONG MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

H. Chúa Kitô hiện diện trong Lời và trong hình Bánh và Rượu thế nào ?

T. Lời được công bố trong phụng vụ “đó là Lời Chúa”, Lời đã trở thành xác phàm đó là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, và nhờ Lời truyền phép mà bánh và rượu đã trở nên Mình và Máu Chúa trong bí tích Thánh Thể.

Giải thích

Thư gửi tín hữu Do Thái dạy : “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này,Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1-2), Thánh kinh Cựu ước chuẩn bị cho dân Í-ra-el đón chờ Đấng Kitô, và khi Người đến,  mọi điều nói về Người đã được “ứng nghiệm”.

Phụng vụ Lời Chúa, cách riêng trong Thánh lễ, giúp cộng đoàn nhận ra Chúa Kitô đang hiện diện và đang nói với mình. Trong phần phụng vụ này, người tham dự sẽ nghe và sống những thời khắc của một Dân Chúa mong đợi sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế.

Tất cả các bài đọc trước bài Tin Mừng đều dẫn cộng đoàn đến gặp Chúa Kitô trong bài Tin Mừng. Do đó, tư thế ngồi lắng nghe Lời Chúa cũng là biểu tượng cho một Dân đang chờ đợi sự xuất hiện của Chàng rể. Khi Người đến, “Al-lê-lu-i-a” là lời tung hô “kìa Chàng rể đến, hãy ra đón Người”, cộng đoàn cùng đứng lên trong hân hoan để chào đón sự xuất hiện của Đức Kitô. Lắng nghe và đón nhận với tiếng tung hô “Lạy Chúa Kitô ngợi khen Chúa” của cộng đoàn là một xác tín: Chúa Kitô đang hiện diện và đang nói.

Phụng vụ Thánh Thể được diễn tiến theo cử chỉ quen thuộc của Chúa Giêsu khi ngồi ăn với các môn đệ: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các ông.

Các cử chỉ này đã trở thành từng phần của phụng vụ Thánh Thể. Người cầm lấy bánh : Chủ tế dâng bánh rượu; Dâng lời chúc tụng, tạ ơn : Chủ tế đọc Kinh Nguyện Thánh Thể và Lời Truyền Phép; Bẻ ra và trao cho các môn đệ: Chủ tế bẻ bánh và trao Mình Thánh Chúa cho cộng đoàn.

Chính các cử chỉ quen thuộc này của Chúa Giêsu đã “mở mắt” các môn đệ ở Em-mau, và các ông “thấy được” Người đang sống và hiện diện. Ngày nay, trong phụng vụ Thánh Thể, cộng đoàn cũng tiếp tục nhận ra được Chúa Kitô đang hiện diện khi Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, ta ơn và bẻ ra trao ban.

GIÁO HUẤN SỐ 10

NGHỆ THUẬT CỬ HÀNH:  PHỤNG VỤ LÀ CÁCH LÀM CHO CHÚA KITÔ HIỆN DIỆN

H. Nghệ thuật cử hành phụng vụ là gì ?

T. Nghệ thuật cử hành phụng vụ là hoạt động thánh thiêng được cộng đoàn phụng vụ thực hiện, qua việc tham gia tích cực, tuân thủ nghi thức, sao cho Chúa Kitô hiện diện và cộng đoàn gặp gỡ Người.

Giải thích

Từ sau khi Chúa Giêsu Kitô phục sinh, Hội Thánh không có cách nào khác để gặp gỡ Người, ngoài việc họp nhau lắng nghe Người nói, và thấy cử chỉ Người làm một cách sống động từ các chứng nhân, từ cộng đoàn hiệp nhất trong cử hành phụng vụ. Như vậy, phụng vụ của Hội Thánh là hiện tại hoá mầu nhiệm Vượt Qua, để các tín hữu có thể cảm nghiệm và thấy Chúa Kitô đang hiện diện trong buổi cử hành. Những gì Hội Thánh có thể nhìn thấy nơi Chúa Giêsu bằng mắt, chạm bằng tay, lời nói, cử chỉ, tất cả những gì thuộc về Chúa Kitô giờ đây đã được chuyển qua các nghi thức cử hành. Đây chính là nghệ thuật cử hành phụng vụ của Hội Thánh.

Nghệ thuật cử hành phụng vụ là mọi thành phần Dân Chúa cùng thực hiện các hành vi thánh thiêng, mỗi người tuỳ theo phận vụ của mình mà tham gia cách tích cực, làm sao qua việc tuân thủ các nghi thức phụng vụ và sự nội tâm hoá của các thừa tác viên, bảo đảm cho cho sự hiện diện của Chúa Kitô, và người tham dự có thể gặp gỡ Người qua các dấu chỉ trong buổi cử hành.

Do đó, khi cử hành phụng vụ, mọi thành phần Dân Chúa cần tích cực chuẩn bị từ nơi chốn, các vật dụng cần thiết như sách lễ, sách bài đọc, phẩm phục, hương đèn… đến việc chuẩn bị bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn của người tín hữu. Các phận vụ đặc biệt như chủ tế, đọc sách, giúp lễ, ca đoàn, dẫn lễ và đối đáp trong nghi lễ, tất cả phải tích cực và ý thức việc mình làm mang lại giá trị cao quý là ơn cứu độ cho nhiều người.

Đặc biệt, cần biết rõ cách thức Chúa Thánh Thần tác động trong mỗi nghi thức phụng vụ. Như xưa Chúa Thánh Thần là làm cho Đức Giêsu nhập thể trong cung lòng Trinh Nữ Maria, thì nay, chính nhờ tác động của Người, Chúa Kitô cũng hiện diện trong phụng vụ. Do đó, ngoài việc tuân theo nghi thức, nghệ thuật cử hành phải hoà hợp với hành động của Chúa Thánh Thần. Chỉ như vậy, người cử hành phụng vụ mới thoát khỏi tính chủ quan, thị hiếu cá nhân, hoặc sáng kiến thêm bớt cách hời hợt trong nghi thức do sự thiếu hiểu biết, làm mất đi tính chất phụng vụ của Hội Thánh.

GIÁO HUẤN 11

PHỤNG VỤ LÀ LIỀU THUỐC CHỮA

TINH THẦN THẾ TỤC

H .Tinh thần thế tục trong phụng vụ là gì ?

T. Tinh thần thế tục trong phụng vụ là sự giản lược đức tin Kitô giáo thành một thái độ chủ quan, và thay ân sủng của Chúa bằng sự nỗ lực của bản thân.

Giải thích

Đức giáo hoàng Phanxicô trình bày hai tinh thần thế tục xuất hiện trong phụng vụ :

Một là thuyết Ngộ đạo, là khuynh hướng giản lược đức tin Kitô giáo thành một thái độ chủ quan, giam hãm con người trong những suy tư và cảm xúc cá nhân. Hai là thuyết Tân Pê-la-gi-ô, chủ trương huỷ bỏ giá trị của ân sủng đến từ Chúa, và thay vào là sự tự mãn vì những nỗ lực của bản thân, phân tích và xếp loại người khác, thay vì mở rộng tâm hồn đón nhận ân sủng Chúa.

Đức giáo hoàng Phanxicô khẳng định phụng vụ là liều thuốc giải độc hiệu quả nhất, đối với chất độc của hai tinh thần thế tục này.

Thực vậy, cử hành phụng vụ giải thoát người cử hành khỏi thái độ chủ quan và cảm tính riêng của bản thân. Vì việc cử hành phụng vụ không thuộc về cá nhân nhưng thuộc về Đức Kitô và Hội Thánh, về toàn thể các tín hữu hợp nhất trong Đức Kitô. Phụng vụ không nói “tôi” mà nói “chúng tôi”. Thí dụ: cá nhân không thể tự ý đưa những yếu tố văn hoá chưa được phân định vào trong phụng vụ; Và cá nhân, khi cử hành, cũng không được đề cao bản thân, muốn người ta chú ý tới mình…

Sau nữa, cử hành phụng vụ sẽ thanh luyện để người tín hữu ý thức về quà tặng vô điều kiện, là ơn cứu rỗi nhận được trong đức tin. Tham dự vào hy tế Thánh Thể không phải là một thành tích cá nhân, để có thể khoe khoang trước Thiên Chúa hoặc trước anh chị em mình. Chúng ta không tự hào về điều gì khác ngoài thập giá của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Phụng vụ là nơi gặp gỡ Chúa Kitô qua các dấu chỉ biểu tượng. Cho nên, tinh thần thế tục phát xuất từ sự thiếu hiểu biết về tinh thần phụng vụ hay uỷ mị cá nhân gây tổn hại đến sự hiện diện của Chúa Kitô đều cần phải được cảnh giác và loại bỏ.

GIÁO HUẤN 12

ĐÀO TẠO PHỤNG VỤ CHO DÂN CHÚA

H. Hội Thánh đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa theo cách thức nào ?

T. Hội Thánh giúp cho Dân Chúa hiểu về phụng vụ qua hai phương cách, là Đào tạo CHO phụng vụ và Đào tạo QUA phụng vụ.

Giải thích

Từ khi Hiến chế Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vaticanô II được ban hành năm 1963 đến nay, Hội Thánh luôn mong muốn cho mọi thành phần Dân Chúa: Một mặt, được đào tạo chuyên môn về phụng vụ, nghĩa là đào tạo cho phụng vụ, để hiểu rõ ý nghĩa biểu tượng, lịch sử của nghi thức và tinh thần của phụng vụ; Mặt khác, khi cử hành phụng vụ, các tín hữu cũng tiếp tục được đào tạo, nghĩa là đào tạo qua phụng vụ, Luật Đức Tin và Luật Cầu Nguyện trong Hội Thánh, nghĩa là Hội Thánh tin thế nào thì cầu nguyện thế ấy. Nói cách khác, khi Hội Thánh cầu nguyện là lúc Hội Thánh tuyên xưng niềm tin của mình.

Tất cả các tín điều Dân Chúa học hỏi trong Giáo lý Đức Tin Công giáo đều được Hội Thánh cử hành trong phụng vụ, theo chu kỳ Năm Phụng Vụ, trong các lễ trọng, lễ kính, lễ nhớ… Như các bài giáo lý về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thì có lễ trọng về Chúa Ba Ngôi; các bài giáo lý về mầu nhiệm Chúa Nhập Thể thì có Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, với các lễ trọng như Lễ Giáng Sinh, lễ Hiển Linh; các bài giáo lý về cuộc thương khó và phục sinh của Chúa thì có cả mùa Chay và Mùa Phục Sinh, với các lễ trọng của Tam Nhật Thánh: tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Người; hay các bài giáo lý về Đức Trinh Nữ Maria, thì có các lễ Trọng như lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội, Đức Mẹ Hồn xác lên trời; hay các bài giáo lý về các Thánh Thông công, thiên đàng, luyện ngục… Hội Thánh có Lễ các Thánh, Lễ cầu cho các tín hữu qua đời v.v.

Như vậy, nhờ được học hỏi giáo lý đức tin, được giải thích về ý nghĩa biểu tượng được sử dụng trong phụng vụ, Dân Chúa hiểu biết về Chúa để có thể gắn bó, yêu mến Người, đồng thời, họ sẽ gặp gỡ Chúa Kitô trong phụng vụ, qua việc lắng nghe và được Người ban ân sủng, khi tham gia cử hành cách ý thức và tích cực. 

GIÁO HUẤN 13

CÁC LĨNH VỰC PHỤNG VỤ THÁNH

H. Phụng vụ chính thức của Hội Thánh gồm những lĩnh vực nào ?

T. Phụng vụ của Hội Thánh gồm các lĩnh vực sau: Hy tế Thánh lễ, các bí tích và các á bí tích (phép lành), và các Giờ kinh Phụng vụ .

Giải thích

Hiến chế Phụng Vụ của Công đồng Vaticanô II nêu lên các lĩnh vực chính thức của phụng vụ, nhằm tuyên xưng niềm tin qua việc cử hành phụng vụ. Cần biết rằng, một cử hành phụng vụ của Hội Thánh, đòi phải có ba yếu tố : (1) Phải là lời kinh chính thức của Hội Thánh được ấn định trong sách Phụng vụ. (2) Phải do một thừa tác viên hợp pháp cử hành. (3) Phải cử hành nhân danh toàn thể Hội Thánh…

Từ ba yếu tố này, các lĩnh vực sau đây được xem là phụng vụ chính thức: Thánh lễ, bảy Bí tích, các giờ Kinh phụng vụ, các Phép lành trọng thể hay Á bí tích.

Trong sinh hoạt thường ngày, tuy Hội Thánh vẫn cử hành phụng vụ là để “ca tụng tôn vinh danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi các linh hồn”, nhưng Hội Thánh muốn cho Dân Chúa ca tụng công trình cứu chuộc của Chúa Kitô cách hiệu quả và ý thức, nên đã tổ chức việc cử hành phụng vụ vào những thời gian ấn định trong Năm Phụng vụ, qua các Mùa Phụng vụ: Mùa Vọng và Giáng Sinh: sống mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô; Mùa Chay và Phục Sinh: sống mầu nhiệm thương khó và phục sinh của Người; Mùa Thường Niên: sống thời gian Người công khai loan báo Tin Mừng.

Tuy nhiên, Chúa Nhật luôn là nền tảng và trung tâm của Năm Phụng Vụ, “vì Chúa nhật là ngày tuyệt hảo để cộng đoàn tín hữu tập họp cử hành phụng vụ, để nghe Lời Chúa và tham dự bí tích Thánh Thể, để kính nhớ sự Thương khó, phục sinh và vinh quang của Chúa Kitô, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Người đã dùng sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết, mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động”. 

Hội Thánh cũng cho dùng trong phụng vụ tất cả những hình thức nghệ thuật đích thực như: Thánh Nhạc và Nghệ thuật Thánh. Sứ mệnh của nghệ thuật thánh là “tôn vinh Danh Chúa, thánh hoá các Kitô hữu”, và giúp cộng đoàn gặp gỡ Đức Kitô, Đấng đang hiện diện trong Hội Thánh qua nghệ thuật.

Ngoài các việc phụng vụ chính thức, Dân Chúa còn thể hiện niềm tin qua các việc đạo đức bình dân, như lần chuỗi Mân Côi, chuỗi Lòng Chúa Thương xót, Cầu lễ cho người qua đời, đi Đàng Thánh giá v.v.

GIÁO HUẤN 14

NGHI THỨC PHỤNG VỤ THÁNH LỄ

H. Hội Thánh cử hành phụng Vụ Thánh lễ thế nào ?

T. Hội Thánh cử hành Thánh lễ theo Nghi Thức Thánh Lễ, chia làm 4 phần: hai phần phụ là Nghi thức đầu lễ và kết lễ, hai phần chính là Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể.

Giải thích.

Năm 1970, Đức thánh cha Phaolô VI ban hành Nghi Thức Thánh Lễ được cử hành bẳng tiếng địa phương.

Nghi thức mở đầu là tất cả những nghi thức đi trước phụng vụ Lời Chúa, gồm: ca nhập lễ, lời chào và dẫn ý vào thánh lễ, mời gọi và thinh lặng giây lát của hành động sám hối, Kinh Thương Xót, Kinh Vinh Danh và Lời mời cầu nguyện, giây lát thinh lặng và Lời Nguyện Nhập Lễ. Mục đích của các lễ nghi này là giúp người tín hữu đang tụ họp được hiệp thông với nhau và chuẩn bị tâm hồn họ nghe Lời chúa cách nghiêm chỉnh và cử hành thánh lễ cách xứng đáng. Vì là phần phụ, nên có thể bỏ khi có nghi thức nhập lễ nào khác thay thế. 

Hai phần chính của Nghi Thức Thánh Lễ là Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể.  

Phụng vụ Lời Chúa bao gồm các bài đọc được rút ra từ Kinh Thánh, lễ trọng và Chúa nhật thì có ba bài đọc, cùng với bài thánh vịnh đáp ca và câu xướng trước bài Tin Mừng. Bài giảng, Kinh Tin Kính và Lời Nguyện Chung triển khai và kết thúc phần này. Qua các bài đọc, được bải giảng giải thích, Thiên Chúa nói vói Dân Người. Chính Đức Kitô hiện diện giữa các tín hữu qua Lời của Người. Cộng đoàn thinh lặng và cùng nhau đáp lại qua lời đáp ca, tuyên xưng đức tin và lời nguyện chung làm cho họ gắn bó Đức Kitô đang hiện diện.

Phụng vụ Thánh Thể được diễn tiến theo cách thức Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc Ly “Người cầm lấy bánh và chén dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ”. Với lệnh truyền “Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”, Hội Thánh đã sắp đặt phụng vụ Thánh Thể tương ứng theo lời và cử chỉ của Chúa Kitô: “Cầm lấy bánh và chén”: là phần chuẩn bị lễ vật; “dâng lời tạ ơn”: Kinh nguyện Thánh Thể và “bẻ ra và trao cho các môn đệ”: việc bẻ bánh và rước lễ.

Nghi thức kết thúc theo sau Lời Nguyện Hiệp Lễ. Nghi thức này gồm vài lời thông báo vắn tắt (nếu cần), lời chào, chúc lành của chủ tế và lời giải tán cộng đoàn. Vì là phần phụ, nên có thể bỏ khi sau Lời nguyện Hiệp Lễ có nghi thức phụng vụ nào khác.

GIÁO HUẤN 15

PHỤNG VỤ CÁC BÍ TÍCH

H. Hội Thánh cử hành phụng vụ Bí tích thế nào ?

T. Hội Thánh cử hành phụng vụ Bí tích dựa theo các Nghi Thức Bí Tích được Toà Thánh phê chuẩn.

Giải thích

Các Bí tích cử hành sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô theo các thời điểm quan trọng trong đời sống của ngưởi tín hữu: Sinh ra, trưởng thành và sai đi, cuối cùng là đau yếu bệnh tật và chết đi. Các bí tích được cử hành đều tập trung vào nghi lễ chính yếu, kèm theo những nghi lễ diễn nghĩa nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa và sứ vụ của từng bí tích

Nghi thức Rửa tội gồm Nghi thức Tiếp Nhận, Phụng Vụ Lời Chúa, nghi thức chính yếu là cử hành Rửa tội và các nghi thức diễn nghĩa trao áo trắng và nến cháy.

Nghi thức Thêm Sức được diễn ra sau Phụng Vụ Lời Chúa và Tuyên Xưng Đức Tin, Lời nguyện cầu xin Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần và nghi thức chính yếu là xức dầu thánh trên trán và đặt tay, cùng nghi thức diễn nghĩa trao ban bình an.

Bí tích Thánh Thể được cử hành trong thánh lễ. Trung tâm và cao điểm của toàn bộ cử hành là Kinh Lời Truyền Phép.

Bí tích Giải tội được cử hành khi hối nhân: xét mình cẩn thận, ăn năn tội dốc lòng chừa. Nghi thức chính yếu là lời thú tội với linh mục và ngài suy xét mà ra việc đền tội tương xứng và đọc lời xá giải. 

Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân ban cho tín hữu hấp hối, trước khi đại phẫu, bệnh tật hay già yếu. Nếu bệnh nhân đã xức dầu và phục hồi, trong cùng cơn bệnh, cứ mỗi lần trở nặng, có thể lãnh bí tích này nhiều lần. Nghi thức chính yếu là linh mục thinh lặng đặt tay, cầu xin ban Thánh Thần và xức dầu trên bệnh nhân.

Bí tích Truyền Chức Thánh gồm ba cấp bậc: giám mục, linh mục và phó tế. Nghi thức chính yếu là việc đặt tay và lời nguyện phong chức liên quan theo từng cấp bậc. Cả ba cấp bậc được trao ban qua phụng vụ bí tích, nhưng chỉ có giám mục và linh mục được tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, còn phó tế có nhiệm vụ giúp giám mục và linh mục thi hành phận vụ.

Bí tích Hôn Phối do người nam người nữ, thừa tác viên ân sủng của Chúa Kitô, nghi thức chính yếu là bày tỏ sự ưng thuận kết hôn trước mặt Hội Thánh, thừa tác viên chức thánh, nhân danh Hội Thánh nhận lời ưng thuận và chúc lành cho họ.

GIÁO HUẤN 16

CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

H. Các Giờ Kinh Phụng Vụ là gì ?

T. Các Giờ Kinh Phụng Vụ là lời cầu nguyện của toàn thể Hội Thánh, để thánh hóa trọn ngày sống của con người, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu “phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.

Giải thích

Đặc tính Các Giờ Kinh Phụng Vụ là thánh hóa toàn bộ chu kỳ thời gian ngày và đêm. Cho nên Các Giờ Kinh Phụng Vụ được chia thành 5 giờ kinh khác nhau trong ngày: kinh Sáng, kinh Trưa, kinh Chiều, kinh Tối và kinh Sách.

Kinh Sáng nhằm thánh hóa thời khắc ban mai, được đọc vào lúc bình minh ló rạng để ca ngợi Đức Kitô Phục sinh là mặt trời công chính, là ánh sáng thật chiếu soi mọi người và  dâng lên Chúa những tác động đầu tiên của lòng trí người tín hữu.

Kinh Trưa vì người tín hữu có thói quen cầu nguyện nhiều lúc trong ngày cả khi đang làm việc, nên giờ kinh này sắp xếp thành: Kinh 9 giờ sáng, kinh 12 giờ trưa và kinh 3 giờ chiều, để họ có thể chọn giờ nào phù hợp mà sử dụng.

Kinh Chiều để tạ ơn những gì Chúa đã ban hoặc những việc lành chúng ta đã làm trong ngày, đồng thời cũng nhắc nhớ đến công trình cứu chuộc của Chúa, và niềm hy vọng về ánh sáng không hề tàn lụi. Giờ kinh này cử hành vào lúc ban chiều khi ngày vừa xế bóng.

Kinh Tối để bày tỏ tâm tình thống hối và phó thác, và xin Chúa chúc lành cho một giấc ngủ bình an. Kinh này đọc trước khi đi ngủ, dù đã quá nửa đêm.

Kinh Sách có thể đọc bất cử giờ nào trong ngày, nhằm để Dân Chúa nghiền ngẫm Kinh Thánh và những trang sách hay của các nhà tu đức, cùng các Thánh vịnh, thánh thi và lời nguyện.

Mỗi giờ kinh được cử hành tại những nơi và vào giờ nhất định, dưới sự chủ toạ của thừa tác viên của Hội Thánh, như phần Phụng Vụ Lời Chúa, cầu trúc chính yếu của các giờ kinh là đọc các Thánh Vịnh, Lời Chúa và các Lời Nguyện.

Hội Thánh đặc biệt ủy nhiệm cho giáo sĩ, tu sĩ nam nữ trong đời sống thánh hiến phải cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ, để nhiệm vụ cầu nguyện của Đức Kitô được tiếp nối không ngừng trong Hội Thánh, còn anh chị em giáo dân cũng được khuyến khích nên đọc một vài giờ kinh phụng vụ trong ngày, nhất là Kinh Sáng và Kinh Chiều.  

Các Giờ Kinh Phụng Vụ là những lời nguyện ca ngợi và khẩn cầu và thật là lời cầu nguyện của Hội Thánh cùng với Chúa Kitô và dâng lên Chúa Kitô.

GIÁO HUẤN 17

CÁC Á BÍ TÍCH VÀ PHÉP LÀNH

H. Á bí tích là gì ?

T. Các á bí tích và phép lành là dấu chỉ biểu tượng và lời chuyển cầu, do Hội Thánh thiết lập, dựa theo các bí tích, nhằm đem lại hiệu quả thiêng liêng cho người và vật được chúc lành.

Giải thích

Ngoài bảy Bí tích do Chúa Kitô thiết lập, Hội Thánh cũng thiết lập các á bí tích để thánh hóa một số thừa tác vụ trao ban cho giáo dân để phục vụ phụng vụ, thánh hiến các tu sĩ, chúc lành cho người và vật dụng dùng trong phụng vụ, phẩm phục, chén lễ, khăn thánh hoặc vật dụng thiết yếu cho đời sống như nhà ở, phương tiện giao thông, ảnh tượng các thánh v.v. Các á bí tích không ban ơn Chúa Thánh Thần như các bí tích, nhưng nhờ lời chuyển cầu của Hội Thánh, chuẩn bị người lãnh nhận đón nhận và cộng tác với ân sủng lãnh nhận trong bí tích.

Nghi thức cử hành á bí tích gồm: Lời nguyện kèm theo một dấu chỉ xác đinh như đặt tay, dấu Thánh Giá, rẩy nước thánh…Vì các Á bí tích hay phép lành cũng thuộc về Phụng vụ, do Hội Thánh thiết lập, nên cũng tuân theo sự chỉ dẫn của Nghi Thức Phụng Vụ. 

Các á bí tích bắt nguồn từ chức tư tế cộng đồng, mọi Kitô hữu đều được mời gọi trở nên một lời chúc lành của Thiên Chúa và có khả năng chúc lành. Vì thế, thừa tác viên giáo dân có thể chủ sự một số nghi thức chúc lành như: chúc lành cho con cái trong gia đình, cho quan tài và khăn tang tại nhà hiếu, cho huyệt mộ nơi đất thánh. Tuy nhiên, các nghi thức chúc lành liên quan đến đời sống Hội Thánh thì dành riêng cho các thừa tác viên chức thánh chủ sự…

Các phép lành được Hội Thánh thiết lập chính thức như: Phép lành Thánh Thể; Phép lành liên quan đến nơi chốn: cung hiến nhà thờ, làm phép nơi ở, đồng ruộng, nghĩa trang; Phép lành liên quan đến vật dụng: đồ dùng trong Phụng vụ, ảnh tượng, xe cộ , thiết bị và dụng cụ lao động;

Các nghi thức trừ tà trong bí tích Rửa Tội đơn giản dành cho các linh mục hay phó tế. Ngoài ra còn có nghi thức trừ tà do một linh mục cử hành với phép đặc biệt của giám mục.

 

GIÁO HUẤN 18

NGHI THỨC AN TÁNG CÔNG GIÁO

H. Nghi thức an táng công giáo có ý nghĩa gì ?

T. Nghi lễ an táng là để phó dâng người tín hữu đã qua đời cho Thiên Chúa, gia tăng niềm hy vọng cho cộng đoàn, và làm chứng niềm tin cho những ai đã được chịu phép rửa tội sau này sẽ được phục sinh cùng với Chúa Kitô.

Giải thích

Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô trong Nghi thức an táng. Qua bí tích rửa tội, người tín hữu được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô đã chết và phục sinh, giờ đây họ cùng với Chúa Kitô vượt qua cái chết đến sự sống. Vì thế, Hội Thánh dâng Hy tế của Chúa Kitô để cầu cho người đã qua đời, để hy lễ và lời chuyển cầu của các Chi thể Chúa Kitô cùng hiệp thông với nhau, để người qua đời được trợ giúp thiêng liêng, người còn sống được an ủi, và vững niềm hy vọng sẽ được phục sinh với Đức Kitô.

Khi tôn kính thi hài người qua đời, là đền thờ của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh tuyên xưng niềm tin vào sự sống vĩnh cửu, qua việc đọc kinh cầu nguyện từ khi hấp hối, tắt thở đến khi chôn cất. Với ý nghĩa đó, việc cầu nguyện cho người quá cố được diễn ra theo từng giai đoạn: canh thức tại nhà tang, lúc nhập quan, chuyển linh cữu đến nhà thờ, Thánh lễ an táng, và nơi phần mộ.

Tại nhà tang: người thân và cộng đoàn tập họp lại để nghe Lời Chúa, như những lời an ủi và khơi lên niềm hy vọng sống lại. Việc đọc Lời Chúa vừa là việc công bố mầu nhiệm phục sinh, khơi lên niềm hy vọng sẽ gặp nhau trong Nước Thiên Chúa, vừa hướng lòng người tín hữu tưởng nhớ đến người quá cố, và thúc đẩy họ trở nên nhân chứng trong đời sống Kitô hữu.

Tại Nhà Thờ: Linh mục cử hành Thánh lễ, với tư cách là người giáo dục đức tin và là thừa tác viên an ủi. Ngài phó dâng người quá cố cho Chúa, khơi lên niềm hy vọng nơi người hiện diện, hun đúc niềm tin của cộng đoàn vào mầu nhiệm chết và phục sinh.

Tại Đất thánh: là nơi thân xác người tín hữu được chôn cất để chờ ngày phục sinh. Hội Thánh cho phép hoả thiêu, nhưng không được rải tro cốt xuống biển, xuống đất hay trong không khí, mà đặt ở Đất thánh, nhà hài cốt hoặc ở một nơi xứng hợp, để chờ ngày phục sinh.

Ngoài Thánh lễ, Nghi thức an táng cử hành tại nhà thờ có thể do phó tế chủ sự. Giáo dân được khuyến khích chủ sự các nghi thức tại nhà tang và nghĩa địa. 

 

GIÁO HUẤN 19

CÁCH XẾP ĐẶT và TRANG TRÍ NHÀ THỜ ĐỂ CỬ HÀNH THÁNH LỄ

H. Hội Thánh cử hành phụng vụ ở đâu ?

T. Hội Thánh cử hành phụng vụ, nhất là Thánh lễ, trong “nhà Chúa” hay nhà thờ, được các Kitô hữu xây cất dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa.

Giải thích

Để cử hành phụng vụ, nhất là phụng vụ Thánh lễ, Dân Chúa thường tập họp trong nhà thờ, hoặc ở một nơi khác, nhưng phải trang nghiêm và xứng đáng với mầu nhiệm rất thánh được cử hành.

Chúa Giêsu cũng đã chọn một nơi để dùng Bữa Tiệc Ly với các môn đệ. Người đã truyền cho các ông sửa soạn một căn phòng rộng lớn, với đầy đủ tiện nghi. Từ đó, Hội Thánh cũng đã ấn định những điều liên quan đến việc chuẩn bị nơi chốn và các đồ dùng trong phụng vụ phải thực sự xứng đáng, đẹp phù hợp với dấu chỉ, biểu tượng cho những thực tại siêu nhiên.

Trang trí trong nhà thờ phải đơn sơ, trang trọng hơn là lộng lẫy bề ngoài. Các vật liệu dùng trang trí phải là đồ thật, với mục đích giáo dục và giúp người tín hữu tham dự cách tích cực, nhằm chào đón và gặp gỡ Chúa Kitô, Đấng luôn hiện diện giữa cộng đoàn phụng vụ.

Việc xếp đặt chỗ cũng phải biểu lộ hình ảnh cộng đoàn tham gia tích cực phận vụ trong buổi cử hành. Do đó, chỗ dành cho các tín hữu phải giúp họ thấy các nghi thức thánh; chỗ dành cho ca đoàn phải giúp họ thực hiện phận vụ dễ dàng. Thừa tác viên chức thánh và các thừa tác viên khác phải có chỗ trong cung thánh hoặc gần cung thánh, tách biệt khỏi lòng nhà thờ, và là nơi đặt bàn thờ tế lễ và giảng đài công bố Lời Chúa. Ghế chủ toạ đặt ở phía đầu cung thánh, nhìn xuống cộng đoàn, tránh kiểu ghế ngai toà. Tuỳ theo cấu trúc nhà thờ, Nhà tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa cầm đặt trong nơi trang trọng, có đèn cháy sáng để mọi người thấy và tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô. Khi cử hành Thánh lễ, cần đặt một Thánh giá với tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh cho cộng đoàn nhìn thấy rõ. Ảnh tượng các thánh cần sắp xếp sao cho cộng đoàn khỏi chia trí khi tham dự nghi lễ phụng vụ.

Hội Thánh luôn tìm kiếm sự trợ giúp cao quý của nghệ thuật, và đón nhận những giá trị nghệ thuật của dân tộc, sao cho phù hợp với nghệ thuật Kitô giáo. Do đó, để xây dựng, sữa chữa và bài trí Thánh đường cho hợp lý, mang tính “hội nhập văn hoá”, những người liên hệ cần bàn hỏi với Ban Phụng tự  hay chuyên viên nghệ thuật thánh.

 

GIÁO HUẤN 20

LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN

H. “Lòng đạo đức bình dân” là gì ?

T. “Lòng đạo đức bình dân” là những thực hành đạo đức của cộng đoàn hay cá nhân, phát xuất từ niềm tin và lòng đạo đức Kitô giáo, mà không phải là nghi thức phụng vụ chính thức của Hội Thánh.

Giải thích

Ngoài những nghi thức phụng vụ chính thức của Hội Thánh như phụng vụ các bí tích, Thánh lễ, các giờ kinh phụng vụ, nghi thức an táng và các phép lành… thì còn nhiều việc đạo đức khác, được các tín hữu thực hành nhằm biểu lộ niềm tin, được gọi là những thực hành “lòng đạo đức bình dân”. Các thực hành này mang những sắc thái đặc thù của một số dân tộc, là kho tàng đức tin đích thực của dân Chúa, biểu lộ một sự khát khao Thiên Chúa, mà chỉ có những người đơn sơ và khó nghèo mới có thể hiểu được. Các thực hành đạo đức này giúp nuôi dưỡng đức tin công giáo, giúp người giáo dân sống quảng đại và sẵn hy sinh vì đức tin.

Các việc “đạo đức bình dân”, như lần Chuỗi Mân côi, chuỗi Lòng Chúa Thương Xót, đi Đàng Thánh Giá, ngắm Thương Khó, rước kiệu, đi hành hương, làm tuần cửu nhật, kinh nguyện gia đình, cầu lễ cho người qua đời, dâng hoa kính Đức Mẹ… Dù không thuộc Phụng vụ, nhưng vẫn hài hòa với phụng vụ, lấy cảm hứng từ Phụng vụ, và dẫn đưa dân Chúa đến phụng vụ. Các thực hành này được hướng dẫn của Tòa Thánh hoặc của Giám mục địa phương, nên luôn phù hợp với Lời Chúa và những truyền thống phụng tự của Hội Thánh địa phương, của các dòng tu, được Đấng Bản Quyền cho phép thực hành.

Trong thực hành, việc đạo đức bình dân còn có các kinh nguyện, bài ca, phù hiệu, đeo ảnh các thánh…nhằm khơi dậy đức tin của người tín hữu vào Chúa Ba Ngôi, vào Mẹ Maria, hoặc các Thánh… Những thực hành “tín ngưỡng bình dân” này là tuỳ vào lòng tin của mỗi người, miễn sao, qua những thực hành đạo đức này giúp họ gắn bó hơn với Chúa Kitô, hoặc với các thánh là những Chi thể vinh hiển của Người, nhằm nhắc nhớ, khơi lên niềm tín thác vào Chúa và hiệp thông với các thánh trong cuộc sống lữ hành.