Bài Giảng Thánh Lễ Thứ Sáu Tuần Thánh 2024: ĐGM Stephano Tri Bửu Thiên

print

Bài Giảng Thánh Lễ Thứ Sáu Tuần Thánh 2024

ĐGM Stephano Tri Bửu Thiên

Vụ Án mang tên Giê-su

Có thể nói đây là một vụ xử án lạ lùng nhất, khó hiểu nhất và cũng bất công nhất từ trước đến nay, bởi lẽ, trong vụ án kỳ lạ này, tòa thượng thẩm Rô-ma, nơi có thẩm quyền tha hay kết án phạm nhân, không hề có trát tòa triệu hồi phạm nhân, nói cách dễ hiểu là tòa án Rô-ma, đứng đầu là Phi-la-tô không hề hay biết gì về phạm nhân Giê-su này. Ông bị các nhà lãnh đạo Do Thái giao nộp cho ông và xúi giục ông phải giết cho bằng được ông Giê-su.

Phi-la-tô và rất nhiều người khác, kể cả một số Ki-tô hữu hôm nay cũng không biết rõ Đức Giê-su bị kết án và phải bị giết chết về tội gì nữa ! Ai mới là những người thực sự đã kết án và muốn giết Đức Giê-su ? Họ muốn giết Đức Giê-su về tội gì ? Qua bài tường thuật về cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, thánh Gio-an cũng ghi rõ, chính Phi-la-tô cũng thắc mắc về điều này, ông hỏi những người Do Thái và các thượng tế, tức những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái vào lúc bấy giờ rằng :  “Các ông tố cáo ông này về tội gì ?” Sau khi điều tra, Phi-la-tô mới hiểu rõ lý do mà những người Do Thái và các Thượng tế muốn giết ông Giê-su là về  những tội chỉ liên quan đến giáo lý truyền thống của đạo Do Thái.

Họ kết án Đức Giê-su về hai tội này :

{1}Ông Giê-su là kẻ rối đạo hay lạc đạo, vì giáo lý truyền thống Do Thái dạy rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất; còn ông Giê-su này thì lại dạy cách công khai cho dân rằng :Có một Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc. Người là Thiên Chúa duy nhất nhưng Ba Ngôi : Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Đối với người Do Thái, như vậy là rối đạo rồi, là không thể chấp nhận được;

{2}Đức Giê-su là kẻ Phạm Thượng, vì Giáo lý truyền thống Do Thái dạy rằng : Chúa là Chúa, người là người, không có chuyện Thiên Chúa làm người. Vậy mà ông Giê-su lại công khai giảng dạy rằng ông chính là Con Thiên Chúa đã được Chúa Cha sai xuống thế làm người, và còn dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Đây là tội “phạm thượng” vì xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Theo luật Mô-sê, thì bất cứ ai phạm tội này thì phải bị ném đá chết.

Bấy giờ Phi-la-tô mới vỡ lẽ, mới bắt đầu hiểu được vấn đề, hiểu được tại sao những người Do Thái này muốn được ông phê chuẩn để khử trừ Đức Giê-su, vì lúc bấy giờ, nếu chưa được Rô-ma cho phép thì người Do thái không được phép xử tử ai. Đây chỉ là chuyện nội bộ của những người Do Thái với nhau, không liên quan gì đến chính trị hay đến an ninh trật tự ông không cần phải xét xử vì ông cho rằng Đức Giê-su vô tội, theo luật của Rô-ma. Các lãnh đạo Do Thái hiểu rằng Phi-la-tô có ý muốn tha Đức Giê-su, nên họ xoay chiều gán ghép và tố cáo Đức Giê-su vào tội chống lại hoàng đế Xê-da của Rô-ma vì đã tự xưng mình là vua. Họ cứ la to, họ xách động dân chúng la hét thật to đòi phải đóng đinh ông Giê-su vào thập giá. Họ còn hăm dọa sẽ tố cáo Phi-la-tô với hoàng đế Rô-ma, nếu Phi-la-tô tha cho Đức Giê-su. Cuối cùng vì sợ “mất ghế”, Phi-la-tô đành phải nhượng bộ những người Do Thái, đã trao Đức Giê-su cho quân lính đóng đinh.

 Qua vụ án này chúng ta thấy rõ :

{1}Rô-ma và nhất là Phi-la-tô không hề có ý muốn giết Đức Giê-su;

{2}Chính nhữ người lãnh đạo Do Thái từ lâu đã âm thầm và âm mưu tìm mọi cách, mọi cơ hội để khử trừ Đức Giê-su. Nhiều lần họ đã tìm cách gài bẫy để có cớ giết Đức Giê-su nhưng không thành công. Và hôm nay, chính họ, những thượng tế, những người lãnh đạo cấp cao của Do Thái quyết tâm tố cáo, quyết tâm dùng đến những bàn tay thô bạo của những người Rô-ma ngoại bang để giết chết Đức Giê-su.

{3}Nếu xử theo luật Do Thái thì Đức Giê-su phải bị ném đá, nhưng họ cố tình tố cáo Đức Giê-su vào tội nổi loạn chống hoàng đế Rô-ma nên phải bị xử tử theo luật Rô-ma là phải bị đóng đinh.

Chính lúc Đức Giê-su đổ máu trên thập giá là lúc Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa với toàn thể nhân loại chúng ta được thành sự, là lúc cửa thiên đàng lại mở ra và tất cả những ai tin vào Đức Giê-su, tuân giữ những gì Đức Giê-su dạy, họ sẽ được trở thành công dân của Nước Trời, trở thành nghĩa tử của Cha trên trời, trở thành một phần trong thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô là Hội Thánh. Đức Giê-su chịu đóng trên trên thập giá từ nay đã trở thành biểu tượng Đức Tin của các Ki-tô hữu.

Trong khắp các nhà thờ công giáo trên khắp thế giới, tượng Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá luôn được đặt ở nơi trang trọng nhất và dễ thất nhất cho mọi người chiêm ngưỡng. Rất nhiều Ki-tô hữu thường đeo thánh giá, tức tượng Chúa Giê-su chịu đóng đinh, là cách tuyên xưng đức tin mạnh mẽ rằng : chúng tôi là những Ki-tô hữu, chúng tôi tin và yêu mến Đức Giê-su chịu đóng đinh. Chúng tôi không chỉ tin thôi, nhưng chúng tôi còn muốn làm chứng và giới thiệu niềm tin này cho tất cả mọi người. Amen.

Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Cần Thơ 2024