Sức khỏe: Lợi ích của nước với hệ tiêu hóa

print

Sức khỏe: Lợi ích của nước với hệ tiêu hóa

Uống nước đúng cách hỗ trợ hệ tiêu hóa loại bỏ nhanh chất thải, giúp ăn uống lành mạnh, giảm nguy cơ đầy hơi, táo bón, khó tiêu.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết cơ thể cần nước để xử lý thức ăn, vận chuyển vitamin, khoáng chất, các chất dinh dưỡng khác.

Nước giúp thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa, hỗ trợ gan phân hủy thức ăn thành chất dinh dưỡng. Mất nước khiến quá trình tiêu hóa gián đoạn dễ dẫn đến khó tiêu, táo bón hoặc đầy hơi. Uống nước trước, trong hoặc sau bữa ăn còn hỗ trợ tiêu hóa dễ dàng.

Sau khi uống nước, cả ruột non và ruột già đều hấp thụ nước. Khi ruột già hấp thụ nước, phân chuyển từ dạng lỏng sang dạng rắn. Nước cũng cần thiết cho quá trình tiêu hóa chất xơ hòa tan. Chất xơ chuyển thành dạng gel, làm chậm quá trình tiêu hóa, giúp no lâu.

Nước góp phần điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, bôi trơn các khớp và thúc đẩy quá trình phục hồi cơ. Uống nước lọc có tác động lớn đến hiệu suất làm việc và học tập. Não người lớn có khoảng 75% là nước, chức năng nhận thức chịu ảnh hưởng ngay cả khi mất nước nhẹ. Mất nước cản trở khả năng tập trung, trí nhớ ngắn hạn, kỹ năng tính toán.

Hạn chế các loại đồ uống như soda, nước trái cây hoặc cà phê vì cung cấp ít nước nhưng nhiều đường. Caffeine, rượu hoạt động như thuốc lợi tiểu và có xu hướng làm cơ thể mất nước.

Nước loại bỏ chất thải, giúp cơ thể bài tiết chất thải qua mồ hôi, nước tiểu và đại tiện. Chất lỏng còn hỗ trợ thận loại bỏ chất thải ra khỏi máu, giữ cho các mạch máu chạy đến thận thông thoáng.

Nước hỗ trợ ăn uống lành mạnh, tạo cảm giác no, giảm thèm ăn. Duy trì đủ nước không chỉ hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn mà còn có thể giảm cân. Uống một cốc nước trước bữa ăn có thể ngăn ăn nhiều. Một nghiên cứu trên hơn 18.300 người lớn ở Mỹ cho thấy những người uống thêm 1% nước mỗi ngày đã ăn ít calo và ít chất béo bão hòa, đường, natri, cholesterol hơn.

Lượng nước cần cho mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ ăn uống, độ tuổi, mức hoạt động thể chất. Khi trời nắng nóng, hoạt động thể chất nhiều, cơ thể cần uống nhiều nước hơn để thay thế lượng nước bị mất qua mồ hôi. Một số tình trạng bệnh lý hoặc thuốc cũng có thể gây mất nước.

Theo bác sĩ Khanh, trẻ em và người lớn nên uống một cốc nước ngay khi thức dậy để bù lượng nước mất khi ngủ. Uống nước và lắng nghe cơ thể giúp điều chỉnh phù hợp, nhất là khi bắt đầu có triệu chứng mất nước như môi khô, lưỡi dính… Để kiểm tra, hãy giữ lưỡi trên vòm miệng, sau đó hạ xuống. Nếu cảm thấy lưỡi dính, hãy uống một ít nước.

Cách khác để xem có bị mất nước hay không là véo da ở đầu ngón tay. Da ngậm nước ngay lập tức trở lại bình thường. Nếu da mất nhiều thời gian hơn để trở lại bình thường thì đây là dấu hiệu mất nước. Các dấu hiệu khác có thể gặp khi mất nước như đau đầu, mệt mỏi, táo bón…

Cách kiểm tra uống đủ nước chưa là xem màu nước tiểu sau khi đi vệ sinh. Nước tiểu có màu vàng nhạt, tức bạn uống đủ nước. Màu vàng đậm hơn là dấu hiệu mất nước. Khi nước tiểu màu nâu, bạn nên đi khám để phát hiện tình trạng cơ thể gặp phải, từ đó có hướng điều trị kịp thời.

Nguồn: vnexpress.net