Đức Phaolô VI, đối thoại như phương thuốc cho sự ồn ào của mạng xã hội

print

Đức Phaolô VI, đối thoại như phương thuốc cho sự ồn ào của mạng xã hội

http://xuanbichvietnam.net/trangchu/wp-content/uploads/2024/08/paulVi.jpeg

 

Suy tư về tính thời sự của Ecclesiam suam, thông điệp đầu tiên của Đức Phaolô VI, 60 năm sau khi được công bố.

Đối thoại “không phải là kiêu ngạo; nó không châm chích; nó không xúc phạm. Quyền bính của nó đến từ bên trong, từ sự thật mà nó trình bày, từ lòng bác ái mà nó truyền bá, từ mẫu gương nó đề nghị; nó không phải là mệnh lệnh và không tiến hành một cách hống hách. Nó vì hòa bình; nó tránh những cách thức bạo lực; nó kiên nhẫn, nó rộng lượng”. Đây là những gì Đức Phaolô VI đã viết trong thông điệp đầu tiên của ngài, Ecclesiam suam, được công bố vào ngày 6 tháng 8 năm 1964, cách đây sáu mươi năm. Một vài lời này đủ để hiểu được tính thời sự đặc biệt của bức thông điệp của Đức Phaolô VI, được ngài viết hoàn toàn bằng tay hơn một năm sau khi được bầu làm giáo hoàng, trong khi công đồng vẫn đang diễn ra. Đức Giáo hoàng, đến từ Brescia, đã định nghĩa sứ mạng của Chúa Giêsu là “đối thoại cứu độ”, nhận xét rằng Người “thực tế không ép buộc bất cứ ai phải đón tiếp Người; đó là một yêu cầu yêu thương lớn lao, mà, nếu nó tạo ra một trách nhiệm đáng sợ đối với những người mà nó được gửi đến, thì họ vẫn được tự do đáp ứng hoặc từ chối nó”. Một hình thức tương quan bộc lộ “mong muốn lịch sự, quý trọng, thông cảm, tử tế từ phía người thực hiện nó; nó loại trừ sự lên án tiên thiên, những cuộc bút chiến mang tính xúc phạm và thành thói quen, sự vô ích của những cuộc trò chuyện vô ích.” Người ta không thể không nhận thấy khoảng cách thiên văn của cách tiếp cận này với cách tiếp cận vốn là đặc điểm của nhiều cuộc nói chuyện ba hoa kỹ thuật số từ phía những người phán xét mọi thứ và mọi người, sử dụng ngôn ngữ xúc phạm và dường như cần một “kẻ thù” để tồn tại.

Đối thoại, đối với Đức Phaolô VI vốn gắn liền với việc rao giảng Tin Mừng, không có mục tiêu là sự hoán cải ngay lập tức của người đối thoại – hơn nữa, sự hoán cải luôn là công trình của ân sủng Thiên Chúa, chứ không phải của sự khôn ngoan biện chứng của nhà truyền giáo- và giả thiết “trạng thái tâm trí của người […] biết rằng mình không còn có thể tách rời ơn cứu độ của mình khỏi việc tìm kiếm ơn cứu độ của người khác“. Rốt cuộc, chúng ta không tự cứu một mình. Chúng ta cũng không tự cứu mình bằng cách dựng lên những rào cản hay nhốt mình trong những pháo đài tách biệt với thế giới để chăm sóc “những người trong sạch” và tránh ô nhiễm. Đối thoại là “sự kết hợp giữa chân lý và bác ái, trí tuệ và tình yêu”. Đó không phải là sự đàn áp căn tính của những người tin rằng để loan báo Tin Mừng, cần phải tuân theo thế giới và các chương trình nghị sự của nó. Đó không phải việc đề cao căn tính như sự tách rời khiến nhìn “người khác” từ trên cao. “Giáo hội phải bước vào cuộc đối thoại với thế giới nơi mình đang sống. Giáo hội trở thành lời; Giáo hội trở thành một thông điệp; Giáo hội trở thành một cuộc trò chuyện”, bởi vì “ngay cả trước khi hoán cải thế giới, đúng hơn, để hoán cải nó, cần phải tiếp cận nó và nói chuyện với nó”. Và, Đức Phaolô VI giải thích, “chúng ta không thể cứu thế giới từ bên ngoài”.

Nhưng thông điệp đầu tiên của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, ngay từ những lời đầu tiên, đã chứa đựng những chỉ dẫn quý giá khác về thời đại chúng ta đang sống. Ecclesiam suam, Giáo hội là “của Người”, của Đấng sáng lập là Chúa Giêsu Kitô. Giáo hội không phải là “của chúng ta”, Giáo hội không phải do bàn tay chúng ta xây dựng, Giáo hội không phải là thành quả tài năng của chúng ta. Hiệu quả của Giáo hội không phụ thuộc vào hoạt động tiếp thị, các chiến dịch được lên kế hoạch, lượng khán giả hoặc khả năng lấp đầy các sân vận động. Giáo hội không tồn tại vì Giáo hội có khả năng tạo ra các sự kiện lớn, pháo hoa truyền thông và các chiến lược của “những người có ảnh hưởng”.

Giáo hội ở trong thế giới để tỏa sáng, qua chứng từ hằng ngày của nhiều “chúa kitô nghèo khổ”, những tội nhân được tha thứ, vẻ đẹp của một cuộc gặp gỡ cứu thoát và mang lại một chân trời hy vọng. Giáo hội ở trong thế giới để mang lại cho mọi người cơ hội gặp được cái nhìn của Chúa Giêsu.

 Andrea Tornielli, Giám đốc biên tập của truyền thông Vatican

————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(từ Vatican News)

Nguồn: xuanbichvietnam.net