Giáo lý Dự Tòng: Gặp Gỡ 7 : Chúa Giê-Su Hoàn Tất Lời Hứa Cứu Độ Của Thiên Chúa

print

 

Gặp Gỡ 7 : Chúa Giê-Su Hoàn Tất Lời Hứa Cứu Độ Của Thiên Chúa

I. DẪN VÀO LỜI CHÚA 

– Cầu nguyện đầu giờ (3 Kinh Tin Cậy Mến, trg 154-155).

– Thánh tử đạo Em-ma-nu-el Lê văn Phụng (1796-1859), trùm Họ, họ đạo Mặc Bắc, Vĩnh Long, đã lấy Thánh Giá đeo lên cổ cô An-na Nhiên và nói : « Hãy nhận kỷ vật của Ba. Đây là ảnh Đức Giê-su Ki-tô Chúa Cứu Chuộc chúng ta, quý hơn vàng bạc bội phần. Con hãy mang luôn trên cổ và trung thành cầu nguyện sớm tối nhen con ! »

Thánh Phụng đã ý thức rõ sự quý trọng tuyệt vời của Thánh Giá, chứng tích của công cuộc hoàn tất Ơn Cứu Chuộc của Chúa Ki-tô, mà chúng ta cùng tìm hiểu trong Gặp Gỡ này, với bốn nội dung :

  1. «Người chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục Tổ Tông».
  2. «Ngày thứ ba Người bởi trong kẻ chết mà sống lại».
  3. «Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng».
  4. «…bởi trời, Người lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết».

Những biến cố cứu chuộc trên được giới thiệu nơi Lời Chúa sau:

II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA (1 Ga 4, 9-10) :

Trích thư thứ nhất của Thánh Gio-an : “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Người mà ta được sống. Tình Yêu cốt ở điều này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta”. Đó là Lời Chúa (Tạ ơn Chúa).

III. DIỄN GIẢI LỜI CHÚA 

A. «Người chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục Tổ Tông» :

* Chúa Giê-su đã chịu nạn và chết trên Thánh Giá, vì sao ?

1/ Vì Chúa Cha đã muốn cứu độ nhân loại, nhờ cái chết trên Thánh Giá của Chúa Giê-su :

– Sau khi Tổ Tông phạm tội, Thiên Chúa đã tỏ ra ý định cứu độ của Người là giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi (St 3, 15; Cv 2, 23).

– Ý định này chính là chương trình yêu thương và cứu độ của Chúa Cha, như Thánh Gio-an viết : “…chính Người đã yêu thương, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội chúng ta” (1 Ga 4, 10).

2/ Vì chính Chúa Giê-su muốn hiến dâng chính mình để tỏ lòng yêu mến, vâng phục Chúa Cha :

Người đã tự nguyện hiến dâng mình cho Chúa Cha : – Như chính Người đã nói : “Lương thực của Thầy là thi hành ý  muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4, 34). – Và trong cơn hấp hối nơi vườn Dầu, Người nói lên tâm tình tuyệt đối theo Ý Chúa Cha : “Xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mt  26, 39).

3/ Vì Chúa Giê-su cũng muốn hiến dâng mình làm hy lễ duy nhất để cứu nhân loại khỏi tội :  

  • Người hoàn thành hy lễ qua cái chết trên thập giá, là dấu chứng “yêu thương đến cùng” của Người (Ga 13, 1).
  • Người là hy lễ duy nhất : vì là Con Thiên Chúa, Người trổi vượt và là đầu toàn thể nhân loại (Rm 5, 12-17).

* Người được “táng xác” [1] :

Người chết thật và được mai táng trong mồ, nhưng quyền năng Thiên Chúa gìn giữ xác Người không hư nát, để Ngày thứ ba sống lại…”[2].

* Người xuống ngục Tổ tông[3] :

Giáo lý Hội Thánh dạy : Sau khi chết, Chúa Giê-su xuống ngục Tổ tông để giải thoát những người công chính đang mong chờ Đấng Cứu Chuộc, và mở cửa trời cho họ. “Ngục Tổ tông” là tình trạng của những người chết trước thời Chúa Giê-su, dù công chính hay tội lỗi.

B. «Ngày thứ ba, bởi trong kẻ chết, Người sống lại » :

1) Sống lại là biến cố vừa lịch sử vừa siêu việt :

a. Là biến cố lịch sử : nghĩa là có thực, với những bằng chứng của Tân Ước :

– là “ngôi mộ trống”, chính nhờ sự kiện này, Thánh Gio-an Tông đồ “đã thấy và đã tin” (Ga 20, 5).

– là “những lần hiện ra”: với bà Ma-đa-lê-na, ông Phê-rô, nhóm Mười Hai, hai Môn đệ đi Em-mau, “với hơn năm trăm anh em một lượt, với ông Gia-cô-bê, với tất cả các Tông đồ” (1 Cr 15, 6).

b. Là biến cố siêu việt : nghĩa là vượt trên lịch sử, và là mầu nhiệm đức tin, vì :

  • Tuy các chứng nhân đã gặp Chúa sau khi Người Phục Sinh, nhưng không một ai đã chứng kiến tận mắt biến cố Phục Sinh, không một Thánh Sử nào mô tả Chúa đã sống lại thế nào.
  • Sau nữa, Người không sống lại với thân xác và đời sống trước kia, để rồi lại phải chết, như con trai bà góa Na-im, hoặc như La-da-rô…; trái lại, Người sống lại với “đời sống mới thần linh”, với“thân xác thần thiêng, vinh hiển” (x. Phil.3:20-21).

2) Sống lại là chân lý cao cả nhất của đức tin chúng ta vào Chúa Giê-su [4], vì sao ?

a. Vì Sống lại (Phục Sinh) là công trình của Chúa Ba Ngôi :

+ Phục Sinh được xảy ra là bởi quyền năng của Chúa Cha, Đấng đã “làm cho Đức Ki-tô  sống lại” (Cv 2, 24).

+ và công trình này là nhờ  tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đã làm sinh động lại bản tính là người đã chết của Đức Ki-tô (x. Rm 1, 4).

+ về phần Chúa Con, Người thực hiện việc sống lại của mình dựa vào quyền năng Thiên Chúa của chính Người.

b. Vì Phục Sinh mang lại ý nghĩa và tầm quan trọng cho công trình cứu độ của Chúa Cha nhờ Chúa Giê-su :

1/ Phục Sinh hoàn tất những lời hứa của Cựu Ước (Lc 24, 27), và Phục Sinh cũng hoàn tất những lời chính Đức Giê-su đã báo trước : “Người đã sống lại như lời Người đã nói” (Mt 28, 6).

2/ Phục Sinh xác nhận bản tính Thiên Chúa của Đức Giê-su :

  • Phục Sinh chứng thực Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền năng tự mình sống lại.
  • Và vì Phục Sinh xác nhận Đức Giê-su là Thiên Chúa, nên Phục Sinh cũng xác nhận tất cả những gì Đức Giê-su đã nói, đã làm, chính là chân lý mang lại ơn Cứu Độ.

3/ Phục Sinh mở lối cho chúng ta bước vào đời sống mới :

  • Đời sống mới này là nhờ đâu ? Nhờ sự chiến thắng cái chết của Đức Ki-tô : “Như Đức Ki-tô đã được sống lại từ cõi chết…chúng ta cũng được sống một đời sống mới với Người”(Rm 6,4).
  • Đời sống mới này là thế nào ? Đời sống mới này làm cho chúng ta “nên con cái” của Thiên Chúa, nên “anh em” của Chúa Giê-su, như chính Người đã gọi các Môn đệ sau khi Người Phục Sinh : “Hãy đi báo tin cho các anh em của Thầy”(Ga 20, 17).

4/ Phục Sinh khơi nguồn và bảo đảm sự sống lại sau này của chúng ta : “Như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người, nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống lại” (1 Cr 15, 20-22).

C. « Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng » (Cv 1, 8-9; 5, 31) :

    • “Người lên Trời” nghĩa là Người đã đi vào trong vinh quang vĩnh viễn.
    • “Ngự bên hữu Chúa Cha” nghĩa là “Chúa Cha đã tôn vinh Người lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được …”(x. Ep 1, 21-23).
    • Chúa Giê-su lên trời để chúng ta sẽ được lên theo, như kinh Tiền tụng lễ Chúa Lên Trời đọc : “…vì là Đầu, là Thủ Lãnh của chúng ta, nên Người đã lên trước, để chúng ta, là những phần chi thể của Người, vững niềm tin tưởng sẽ được lên theo”.
    • Ở trên Trời, Chúa Giê-su chuyển cầu cho ta : Chúa Giê-su chính là vị Thượng Tế duy nhất của Giao Ước mới và vĩnh cửu, “Người đã vào cung thánh cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9, 24).

D. « Ngày sau…, Người lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết » :

Phúc Âm Mát-thêu viết : “Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người…và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16, 27). Lời Chúa cho chúng ta thấy :

1/ Chúa Giê-su chắc chắn sẽ trở lại trong vinh quang :

a/ Tân Ước đã xác quyết điều này, qua lời Thiên Sứ nói với các Môn đệ khi Chúa Giê-su lên trời : “Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1, 11).

b/ Hiện nay, Người chưa trở lại trong vinh quang, nhưng Người đã bắt đầu hiển trị qua Hội Thánh [5] : Trước khi Đức Ki-tô trở lại trong vinh quang, Hội Thánh phải trải qua cuộc thử thách, chiến đấu với quyền lực sự dữ.

c/ Theo kế hoạch của Thiên Chúa, cuộc chiến đấu với quyền lực sự dữ sẽ phải kết thúc : Chúa Giê-su sẽ kết thúc cuộc chiến đấu này, sẽ hoàn tất Nước Thiên Chúa, bằng cuộc chiến thắng trên quyền lực sự dữ, qua việc Người đến phán xét kẻ sống và kẻ chết.

2/ Chúa Giê-su phán xét kẻ sống và kẻ chết :

  • Chúa Giê-su đã vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người để thực hiện chương trình cứu độ, vì thế, Chúa Cha đã trao “toàn quyền xét xử cho Người” (Ga 5, 22).
  • Ngày tận thế, Người sẽ đến trong vinh quang. Người sẽ phân biệt dứt khoát người lành kẻ dữ (x. Mt 25, 32-33). Người sẽ phán xét, nhất là về đời sống bác ái với mọi người, đặc biệt là với những người nghèo khổ, như Người đã nói : “Mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là các con đã làm cho chính Thầy” (x. Mt 25, 40).
  • Thực ra, Chúa Ki-tô không đến để xét xử, Người chỉ đến đem Ơn cứu độ, đem sự sống đời đời (Ga 3, 17; Ga 5, 26). Kẻ xét xử chính là bản thân mỗi người : ai chối từ ơn Chúa, thì đã tự xét xử chính mình, tự nhận lấy hậu quả của công việc mình làm, tự chuốc lấy án phạt do tội, vì đã chối từ Tình Yêu.

3/ Về Ngày Chúa Giê-su trở lại :

a/ Chúa Giê-su đã nói : “Còn về ngày giờ đó, thì không ai có thể biết được…chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13, 32).

b/ Thái độ phải có : Chúa Giê-su cũng đã dạy :

Điều quan trọng là phải biết đón chờ và sửa soạn cho Ngày Chúa đến, muốn vậy, mỗi người :

Phải luôn tỉnh thức, kiên trì vượt qua mọi thử thách, vì “chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến” (Mt 24, 44).

Phải luôn sống chứng nhân : “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy…cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8).

IV. NÓI VỚI CHÚA 

Đọc Kinh Tin : Tin thật «Ngôi Thứ Hai đã xuống thế chịu nạn chịu chết mà chuộc tội” chúng ta (Trang 154). 

V. NHỚ LỜI CHÚA 

        1/ H.  Vì sao Chúa Cha lại muốn Chúa Giê-su chết trên Thánh Giá ? (C. 107)

T. Vì Chúa Cha muốn giao hòa chúng ta với Người, nên đã “sai Con Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (2 Cr 5,19).

        2/ H.  Chúa Giê-su đã làm gì để chu toàn ý định cứu độ của Chúa Cha ? (C. 108)

T. Chúa Giê-su đã tự nguyện hiến mình để chu toàn ý định cứu độ của Chúa Cha.

3/ H. Sự Phục Sinh của Chúa Giê-su mang lại cho ta điều  gì ?

T. Sự Phục Sinh của Chúa Giê-su mang lại cho ta ơn làm con Chúa, và cho thân xác ta được sống lại trong ngày sau hết.

VI. SỐNG LỜI CHÚA

Cầu nguyện cuối giờ  : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm : Tôi luôn làm Dấu Thánh Giá thật tử tế và trang trọng (Trang 154).

[1] x. GLHTCG 624-630.

[2] Kinh Tin Kính Nicêa.

[3] x. GLHTCG 632-637.

[4] X. GLHTCG, số 638.

[5] Xem Hiến Chế Giáo Hội “Ánh Sáng muôn dân”, số 5.