Giáo lý Dự Tòng: Gặp gỡ 10 : Chúa Giê-su dạy ta về đời sống vĩnh cửu

print

 

 

Gặp gỡ 10 : Chúa Giê-su dạy ta về đời sống vĩnh cửu

I. DẪN VÀO LỜI CHÚA

– Cầu nguyện đầu giờ.

– Truyện kể : Ngày xưa, ở một vương quốc nọ, có tục lệ chọn từ dân thường một người lên làm vua 10 năm. Trong thời gian này, nhà vua có toàn quyền cai trị, sắp đặt cuộc sống của ông và của toàn dân theo ý mình. Sau 10 năm, ông sẽ phải rời ngai vàng; người ta sẽ đưa ông đến một hòn đảo hoang vu và phải ở đấy cho đến chết !

    Có một vị vua rất khôn ngoan. Thay vì chỉ lo hưởng thụ, ông biết nghĩ xa hơn, chuẩn bị cho tương lai và chỗ ở sau này của mình, nên cho xây lâu đài trên hòn đảo hoang vu sau này mình sẽ đến ở: trồng vườn cây, biến đảo hoang thành hòn đảo trù phú; và cho chuyển ra đấy những của cải, châu báu…

Truyện kể nhắc nhớ chúng ta phải khôn ngoan chuẩn bị cho tương lai. Mà tương lai quan trọng nhất là cuộc sống đời sau, như Lời Chúa hứa ban sau đây :

II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA (Ga 5, 21-22.24-25.28-29) :

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô  theo Thánh Gio-an :

Khi ấy, Đức Giê-su lên tiếng nói rằng :“Quả thật, ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống…”.

Đó là Lời Chúa (Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa).

III. DIỄN GIẢI LỜI CHÚA

Lời Chúa mời gọi chúng ta suy niệm những điểm sau :

1/ Chết:

1. Chết là gì ?

  • Chết là hồn lìa khỏi xác, chấm dứt cuộc sống trần thế.
  • Chết là hậu quả do con người đã phạm tội (Rm 5, 12).

2. Ý nghĩa sự chết theo Ki-tô giáo, chết trong Đức Giê-su Ki-tô :

Khi Chúa Ki-tô đến trần gian, chấp nhận chết vì vâng phục thánh ý Chúa Cha, rồi sống lại và về Trời, Người đã biến đổi ý nghĩa sự  chết. Do đó ai tin Chúa Ki-tô thì :

  • Chết là một mối lợi, vì được về ở với Chúa Ki-tô, nghĩa là được hiệp thông trọn vẹn với Người mãi mãi (Pl 1, 23).
  • Chết là sự sống được biến đổi (x. Kinh Tiền Tụng I Lễ Cầu Hồn): Con người phải chết, đó là điều tự nhiên. Nhưng đức tin cho chúng ta biết: với những ai chết trong ân sủng của Đức Ki-tô, thì chết là tham dự vào cái chết của Chúa, để cùng được tham dự vào ơn phục sinh của Người. Các Ki-tô hữu được dự phần vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô qua bí tích Thánh Tẩy, họ được “mai táng và sống lại với Chúa Ki-tô trong đời sống mới” (Cl 2,12).

2/ Phán xét riêng :

  • Linh hồn bất tử của mỗi người sẽ chịu phán xét ngay sau khi chết, như Tân Ước nói lên qua dụ ngôn “Người giàu có và người nghèo khó La-da-rô” (x. Lc 16, 22).
  • Tuỳ theo những việc lành dữ và đức tin của mỗi người, mà linh hồn sẽ phải trải qua cuộc Thanh Luyện, hoặc được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng hay chịu đau khổ Hoả Ngục.

3/ Thiên Đàng :

– Thiên Đàng (hay Nước Trời) dành cho những người chết trong ân nghĩa với Chúa, cho những người  đã được thanh luyện.

  • Hưởng Thiên Đàng là được hưởng cuộc sống hạnh phúc tuyệt vời, vĩnh cửu[1], được ở với Chúa Ki-tô, được gặp gỡ Thiên Chúa, Thiên Chúa thế nào thì ta sẽ được “nhìn thấy Người như vậy” trong Nước Trời (1 Ga 3, 2).
  • Đây là điều thỏa lòng khát vọng sâu xa nhất của con người. Nhưng đây cũng là điều mầu nhiệm : “chuyện mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng người chưa hề nghĩ tới” (1 Cr 2, 9). Vì vậy, để giúp ta dễ hiểu, Thánh Kinh đã dùng những hình ảnh chỉ về Thiên Đàng như : Sự sống, Ánh sáng, sự Bình an, Tiệc cưới, Nhà Cha…

4/ Thanh Luyện :

  • Đây là “sự thanh luyện cuối cùng của những người được chọn” (x. GLHTCG số 1031).
  • Hội Thánh khuyên chúng ta trợ giúp các linh hồn đang được thanh luyện được mau hưởng Thiên Đàng, bằng việc nhường cho các linh hồn những ân xá[2], những công nghiệp mà ta lập được qua việc bố thí, hãm mình, cầu nguyện, nhất là dâng Thánh Lễ…

5/ Hoả Ngục [3]:

Những ai chết còn mang tội trọng, mà không chút ăn năn hối cải, hoặc đã hoàn toàn cố tình không muốn hiệp thông với Chúa Ki-tô, thì linh hồn họ sẽ phải đời đời lìa xa Chúa là chính nguồn Sống và nguồn Hạnh Phúc vô biên !

6/ Phán xét chung :

Đến tận thế, ngày Đức Ki-tô “Quang lâm”, phán xét chung sẽ diễn ra. Mọi người chết đều sẽ sống lại… Phán xét chung để nhân loại thấy được sự công chính và vinh quang của Thiên Chúa, để người lành được hưởng phúc trường sinh cả hồn lẫn xác, còn hồn xác kẻ dữ phải đời đời lìa xa Thiên Chúa ! (x. Ga 5, 29; Đn 12, 2).

7/ Niềm tin vào “Trời Mới Đất Mới” :

  • Cuối cùng Nước Thiên Chúa sẽ đạt tới hoàn hảo vào ngày tận thế, trong cảnh “Trời Mới Đất Mới” (2 Pr 3, 13).
  • Lúc đó : “Muôn loài trên trời dưới đất được quy tụ dưới quyền một Thủ Lãnh là Đức Ki-tô”, nhân loại được hoàn toàn hiệp thông với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ vạn vật, như ý Thiên Chúa đã định từ thuở tạo thiên lập địa. Cộng Đoàn những người được cứu chuộc sẽ được hưởng Nhan Thánh Chúa là nguồn hạnh phúc, và bình an vĩnh cửu, “không còn chết chóc, khóc than, đau khổ nữa !” (Kh 21, 4).

IV. NÓI VỚI CHÚA : Đọc câu than Pha-ti-ma : 

“Lạy Chúa Giê-su, xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa Thương Xót hơn. Amen”.

V. NHỚ LỜI CHÚA

H. Đời sống vĩnh cửu là gì ? (c. 195)

T. Đời sống vĩnh cửu là đời sống không có kết thúc, được bắt đầu ngay sau khi chết. Để bước vào đời sống này, mỗi người phải qua một cuộc phán xét riêng.

2.H. Thiên đàng là gì ? (c. 197)

T. Thiên Đàng là tình trạng hạnh phúc tròn đầy và vĩnh viễn, vì được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi và cộng đoàn các thánh.

3.H. Chúng ta có thể làm gì cho các linh hồn đang được thanh luyện? (c. 199)

T. Chúng ta có thể cầu nguyện, đặc biệt là dâng Thánh Lễ, dâng những việc bố thí, những ân xá và những việc hãm mình, để cầu cho các linh hồn đang được thanh luyện.

VI. SỐNG LỜI CHÚA

  Cầu nguyện cuối giờ : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm :

Mỗi ngày trong tuần này, tôi đọc 3 kinh Kính Mừng, với lời cầu : “Chúng con cậy vì Danh Chúa Nhân Từ, cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen”.

[1] “Được hiệp thông trong sự sống và tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Mẹ Ma-ri-a, với các Thiên Thần và các Thánh” (GLHTCG 1924).

[2] Ân Xá là việc Thiên Chúa tha thứ hình phạt tạm ta còn phải đền bù sau khi tội được tha. Đây là sự tha thứ mà người tín hữu, khi có sự chuẩn bị xứng đáng, có thể lãnh nhận được nếu hội đủ điều kiện, và thi hành đầy đủ những việc đã được quy định, qua trung gian Giáo Hội. Giáo Hội, với tư cách là Thừa tác viên ban phát Ơn Cứu Chuộc, có quyền phân phát và áp dụng kho tàng công ơn của Chúa Ki-tô và của các Thánh (x. GLHTCG s. 1471).

[3] x. Mt 3, 12; 13, 42.