Hãy mặc lấy con người mới

print

Hãy mặc lấy con người mới

 

Ngày xưa, trong một làng nọ, có một người thợ rèn già. Ông rất tài năng và nổi tiếng với khả năng rèn những hàng hóa kim loại tuyệt đẹp. Tuy nhiên, ông lại có một cái búa mà ông rất yêu quý, dù nó đã cũ kỹ và hỏng hóc nhiều chỗ, nhưng người thợ rèn già luôn sử dụng cái búa đó trong công việc, cho dẫu nhiều bạn bè và đồng nghiệp khuyên ông nên thay một cái búa mới.

Một ngày nọ, trong khi đang rèn, cái búa của ông bị gãy, mặc dù vậy, ông vẫn không chịu thay một cái búa mới. Ông tin rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ hơn, ông có thể hoàn thành những tác phẩm chất lượng như xưa.

Nhưng thực tế, điều đó chỉ khiến cho công việc của ông lâu hơn và khó khăn hơn. Các sản phẩm của ông bắt đầu trở nên kém chất lượng và không được yêu thích như trước. Khách hàng quay lưng lại và ông mất đi nguồn thu nhập.

Cuối cùng ông chấp nhận sự thay đổi, khi ông đã mua một cái búa mới có chất lượng tốt. Với cái búa mới trong tay, công việc của ông trở nên dễ dàng hơn, và sản phẩm của anh lại nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.

Kính thưa quý vị và các bạn thân mến!

Lối sống, cách suy nghĩ là những thứ tạo nên những nét đặc trưng của vùng miền, tạo nên tính cách của một con người gọi là tập quán hay bản tính. Khi nói đến tập quán hay bản tính thì không luôn luôn là những điều tốt. Thật vậy, có những tập quán hay bản tính không hợp với giá trị nhân văn hay sự tiến bộ của thời đại thì chúng ta cần thay đổi để thăng tiến và phát triển bản thân cũng như xã hội. Tuy nhiên, một khi đã gọi là tập quán hay bản tính nghĩa là nó đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm trí của con người nên rất khó thay đổi. Câu chuyện trên cho chúng ta thấy, để thay đổi suy nghĩ của một người khó biết là dường nào. Với bản tính bảo thủ của mình, người thợ rèn già đã cố giữ mãi cái búa cũ, mặc dù nó đã không còn cho ra những sản phẩm chất lượng như trước, ông biết vậy nhưng ông vẫn cố chấp vì sợ thay đổi, vì sợ phải bỏ thời gian để thích nghi với cái búa mới. Chính sự bảo thủ của mình đã làm cho ông không tiếp nhận lời góp ý của khách hàng. Quả thật, những ý nghĩ bảo thủ sẽ “đóng băng” và bảo vệ những quan điểm đã sẵn có trong chúng ta, không cho những thông tin mới hữu ích hơn có cơ hội thâm nhập vào.

Những người Biệt phái và Luật sĩ cũng luôn bảo vệ nếp sống, luật lệ của cha ông một cách bảo thủ, mặc dù Đức Giê su đã mang đến một giáo lý mới mẻ. Họ không chấp nhận những hành động gọi là “phá luật” của môn đệ Đức Giêsu. Họ lên tiếng khiển trách: Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!

Các môn đệ Chúa Giêsu bị chê trách vì không giữ luật như các nhóm khác. Đức Giêsu đã bênh vực các ông, vì chính Ngài là Tân lang mang Tin Mừng, niềm vui ơn cứu độ, nên phải biết sống vui tươi, hoan lạc và tin tưởng, sử ủ rũ sầu khổ là không hợp thời và không đúng với thời kỳ cứu độ mà Ngài đang thực hiện. Các nhà lãnh đạo Do Thái chỉ vì không dám mở lòng ra để khám phá, học hỏi và thích nghi với con người thời đại nên ra sức chống đối, bắt bẽ.

Hệ quả của sự cố chấp, có thể đang đem lại cho chúng ta sự hối tiếc cho chính mình và gây tác hại đến người khác. Cho nên, chúng ta cần cởi mở để học hỏi và sàng lọc điều chỉnh những gì chưa đúng, chưa hay để có thể mặc lấy con người mới theo tinh thần Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã mặc khải.

Trong thực tế cuộc sống hằng ngày, tâm trí chúng ta dễ bị dính dáng và bị ràng buộc vào các giá trị mau qua như của cải vật chất và danh vọng. Như thánh Phaolô khẳng định: con người cũ là “con người thuộc hạ giới”, con người sống theo xác thịt với những hành vi đó là: “Dâm ô, phóng đãng, thờ quấy, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống vậy.” (Gl 5,20). Chúng là các dây xích cầm buộc con người trong vòng tục lụy và gây ra biết bao đau khổ. Chính vì thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta phải cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới. Con người mới là con người được tái tạo qua phép rửa, xinh đẹp với những đức tính tốt, biết sống theo tiếng nói của lương tri và biết làm chủ con người của mình. Con người mới là con người có trái tim bao dung của Chúa, biết yêu thương tha thứ cho nhau, sẵn sàng dấn thân một cách quảng đại, vô vị lợi. Con người mới là con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24).

Lạy Chúa, cởi bỏ con người cũ là cởi bỏ cả cái tôi của mình, là một sự biến đổi tận căn. Điều này đòi buộc chúng con phải can đảm phá vỡ vùng an toàn của mình để bước vào một thế giới mới, đón nhận luồng khí mới của Chúa Thánh Thần hầu mặc lấy con người mới là Đức Kitô. Xin cho mỗi người chúng con hân hoan đón nhận tinh thần mới mẻ từ ấy để chúng con được đổi mới và ngày càng trở nên giống Chúa hơn. Amen.