Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 25 Thường Niên, Năm B

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 25 Thường Niên, Năm B

  1. PHỤC VỤ VÔ TƯ

Có một câu chuyện kể về bác sĩ Charles Mayo, người cùng với cha và anh của mình, đã thành lập Phòng khám Mayo nổi tiếng thế giới. Ngày nọ một số chuyên gia y tế châu Âu đến thăm phòng khám và ở lại với tư cách là quý khách tại nhà bác sĩ Mayo. Ở đất nước của họ, những quý ông này có phong tục để giày bên ngoài cửa phòng ngủ của mình để gia nô đánh bóng. Khi bác sĩ Mayo đi ngủ, ông nhìn thấy những đôi giày xếp bên ngoài phòng những vị khách của mình, nhưng lúc đó trời đã quá muộn không thể đánh thức được người hầu nào. Không chút nề hà, ông nhặt tất cả những đôi giày, mang vào phòng bếp và dành nửa đêm để đánh bóng chúng.

* Đây là một ví dụ về những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay: “Nếu ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và phục vụ mọi người”.

 

  1. CHỌN LÀM NGƯỜI RỐT HẾT

Truyền thuết Hy Lạp có kể câu chuyện về một người xứ Sparta tên là Paedaretos. Ba trăm người đàn ông đã được bầu chọn để cai quản xứ Sparta, và Paedaretos là một trong những ứng cử viên sáng giá. Tuy nhiên, khi danh sách những người “tai to mặt lớn” được công bố, tên của anh không có trong đó. Một người bạn của anh nói: “Tôi rất tiếc là bạn đã không được chọn. Người dân lẽ ra phải biết những gì một viên chức nhà nước khôn ngoan tài giỏi như anh, sẽ làm được bao nhiêu việc ích nước lợi dân.” Paedaretos đáp lại: “Tôi rất vui, vì ở Sparta đã có ba trăm người giỏi hơn tôi.”

* Đây là một người đàn ông đã trở thành huyền thoại vì anh ta đã sẵn sàng để nhường vị trí đầu tiên cho người khác và không có ác ý, như Chúa Giêsu yêu cầu trong Tin Mừng hôm nay.

 

  1. HỌC KHIÊM TỐN

Trong một chuyến thăm Bảo tàng nhạc sĩ Beethoven ở Bonn, một sinh viên trẻ người Mỹ bị cuốn hút bởi cây đàn piano mà Beethoven đã dùng để sáng tác một số tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Cô hỏi xin người bảo vệ cho cô chơi một vài dòng nhạc trên đó. Chắc hẳn cô có kèm theo lời yêu cầu với một khoản tiền boa hào phóng nên người bảo vệ đã đồng ý. Cô gái đến bên cây đàn piano và tự mày mò đánh một vài tiết tấu trong bản “Sonate ánh trăng, Moonlight Sonata”. Khi rời đi, cô ta nói với người bảo vệ: “Tôi nghĩ rằng tất cả những nghệ sĩ piano vĩ đại đến đây đều muốn chơi trên cây đàn piano đó.” Người bảo vệ lắc đầu nói: “Không hẳn! Paderewski [nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng người Ba Lan] đã đến đây vài năm trước, và ông ấy cho rằng ông không xứng đáng để chạm vào nó.”

* Người tài năng thực sự là người nhỏ bé; còn người nửa mùa lại muốn hợm mình.

 

  1. CẦN ĐẾN LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA HƠN

Đây là một câu chuyện mà tôi thường nghe kể lại dưới nhiều hình thức trong nhiều năm, và gần đây tôi mới có cơ hội để xác minh trực tiếp trong một chuyến viếng thăm Nhà thờ của các cha Dòng Phanxicô ở Vienna: Trong khoảng 900 năm, các vua chúa của triều đại Hapsburg hùng mạnh đã cai trị phần lớn miền Trung và Đông Âu – một khu vực đôi khi được gọi là Đế chế Áo-Hung. Phần lớn những người cai trị Hapsburg (gồm cả người trị vì cuối cùng của dòng tộc Hapsburg, Hoàng hậu Zita, người qua đời vào năm 1989) được chôn cất trong hầm mộ dưới lòng đất của một Nhà thờ (Kapuzinergruft) được cai quản bởi các tu sĩ Capuchin thuộc dòng Phanxicô. Các đám tang hoàng gia Hapsburg được ghi dấu ấn bằng một nghi thức đặc biệt long trọng và đầy sức gợi cảm. Khi đoàn tang lễ tiến đến gần cửa đã đóng kín của nhà thờ, một quan chức của hoàng gia sẽ gõ cửa để xin được cho vào. Một tu sĩ từ bên trong nhà thờ sẽ hỏi: “Ai là người xin được vào?” Vị quan chức sẽ trả lời: “Đó là Hoàng thân của Ngài, Franz Josef, nhờ ân sủng của Hoàng đế Áo quốc và Hungary”. Vị tu sĩ đáp lại: “Tôi không biết ông ta”. Lần thứ hai, vị quan chức gõ cửa, và lần thứ hai, tu sĩ sẽ hỏi ai muốn vào trong nhà thờ. Câu trả lời: “Điện hạ uy nghiêm, là vua của Bôhêmia, Dalmatia, Croatia, Slavônia và Galicia, Người bảo vệ Giêrusalem và Đại công tước Tuscany và Krakow…” (danh sách bao gồm hơn 30 danh hiệu), nhưng tu sĩ lại trả lời: “Tôi không biết ông ta”. Lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng, viên quan chức lại gõ cửa và một lần nữa vị tu sĩ hỏi danh tính của người xin vào nhà thờ. Tuy nhiên, lần này, quan chức khiêm tốn trả lời: “Franz Josef, một tội nhân đáng thương cần đến lòng thương xót của Chúa!” Chính lúc đó cửa nhà thờ mở toang, đám tang được phép di vào, và bài Thánh ca lễ Cầu hồn mới có thể bắt đầu.

* Hình mẫu về sự cao cả trong Nước Chúa, được Chúa Giêsu trình bày trong Tin Mừng hôm nay, là đứa trẻ yếu đuối, bất lực, và cần nhờ sự trợ giúp.

 

  1. CHÍNH LÀ PHỤC VỤ CHÚA

Câu chuyện kể về một tu sĩ khao khát được gặp Chúa Giêsu tận mắt, và anh đã cầu nguyện tha thiết mỗi ngày để xin Chúa hiện ra với mình. Mỗi ngày anh chuẩn bị bữa ăn cho nhiều người nghèo đói đến cổng tu viện ăn xin. Rồi một hôm, khi anh đang dọn bữa ăn cho những người đói khổ, thì Chúa Giêsu hiện ra với anh trong bếp. Đúng lúc đó, tiếng chuông ở cổng vang lên, báo với vị tu sĩ rằng những người xin ăn đang chờ đợi. Vị tu sĩ thực sự lâm vào tình thế khó xử: anh nên ở lại để thưa chuyện với Chúa Giêsu hay đi phục vụ những người đói khổ? Chuông lại vang lên, tu sĩ mau chóng hạ quyết tâm. Anh vội vã ra cổng và dọn bữa ăn đã chuẩn bị. Khi bữa ăn đã xong, anh cảm thấy trĩu buồn vì nghĩ rằng mình đã bỏ Chúa ở lại một mình. Tuy nhiên khi trở lại bếp, anh thấy Chúa Giêsu đang đợi anh ở đó. Anh thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con nghĩ Chúa đã bỏ đi khi con phục vụ bữa ăn cho mọi người.” “Không,” Chúa Giêsu đáp: “Nếu anh không đi cho người ta ăn, thì Ta đã bỏ đi!”

 

  1. XÁC TÍN LỆCH LẠC

Ngày xửa ngày xưa, có một cận thần khao khát được trở thành hiệp sĩ. Anh muốn phục vụ nhà vua của quê hương mình và trở thành hiệp sĩ danh giá nhất từng hiện diện trên trái đất này. Trong buổi lễ tuyên thệ, vì quá cảm động anh đã thề cống hiến hết mình để phục vụ đức vua yêu quý. Anh thề sẽ quỳ gối và nâng đôi cánh tay lên để tỏ lòng kính trọng với nhà vua, và chỉ cho một mình đức vua. Hiệp sĩ này được giao nhiệm vụ canh gác một thành nằm ở biên giới của vương quốc. Mỗi ngày anh đều đứng gác trước cổng thành trong bộ áo giáp rất oai vệ. Năm tháng trôi qua, một ngày nọ, khi anh đang đứng canh gác, anh để ý thấy một người phụ nữ nông dân đi ngang qua với hàng hóa lỉnh kỉnh vội vã đến buổi chợ. Bất ngờ xe hàng của bà bị lật làm vương vãi khoai tây, cà rốt và hành tỏi ra khắp nơi. Người phụ nữ vội vàng nhặt lại tất cả vào xe hàng của mình. Nhưng hiệp sĩ chỉ đứng yên không giúp người phụ nữ tội nghiệp. Anh chỉ đứng gác vì sợ rằng anh sẽ lỗi phạm lời thề của mình khi uốn cong đầu gối để giúp lấy hàng cho người phụ nữ. Thời gian trôi qua tiếp và một ngày nọ, một người đàn ông cụt một chân đi ngang qua và chiếc nạng của người này bị gãy. Anh ta cầu xin: “Xin hãy giúp tôi, hỡi hiệp sĩ quý tộc; đưa tay xuống và đỡ tôi lên với.” Nhưng hiệp sĩ không khom lưng hay đưa tay lên để trợ giúp vì anh nghĩ sẽ phá vỡ lời thề của mình. Nhiều năm và nhiều thập kỷ trôi qua, người hiệp sĩ đã già nhiều. Một ngày nọ, cháu trai của ông đến và nói: “Ông nội ơi, hãy ẵm cháu và đưa cháu đi hội chợ với.” Nhưng hiệp sĩ không khom lưng vì ông sợ phá vỡ lời thề của mình với nhà vua. Cuối cùng, sau nhiều năm nhà vua đến thăm và đi thị sát các hiệp sĩ. Khi vua đến gần, chàng hiệp sĩ đứng đó trong tư thế nghiêm chỉnh. Nhà vua niềm nở với anh nhưng nhận thấy hiệp sĩ đang khóc nức nở. Vua hỏi: “Bạn là một trong những hiệp sĩ cao quý nhất mà tôi từng thấy, tại sao bạn lại khóc?”- “Thưa Bệ hạ, thần đã thề sẽ quỳ gối và nâng cánh tay lên để tỏ lòng tôn kính đức vua, nhưng giờ đây thần không thể giữ lời thề của mình. Tôi đã cúc cung chu toàn mỹ mãn bổn phận của mình, nhưng lúc này các khớp nối chiếc áo giáp của tôi đã bị rỉ sét, và đóng cứng lại. Tôi không thể nhấc tay hoặc quỳ gối xuống được nữa”. Với giọng nói yêu thương của một bậc cha mẹ, nhà vua trả lời: “Có lẽ nếu bạn quỳ xuống để giúp đỡ tất cả những người đi qua và nâng cánh tay của bạn để ôm tất cả những người đến với bạn, bạn sẽ có thể giữ lời thề của mình để bày tỏ lòng tôn kính ta hôm nay.”

* Câu chuyện cảm động này làm chúng ta nhớ đến từ ngữ “mùi chiên”, rất nổi tiếng của Đức Phanxicô. Đại ý ngài nói ngài thà nhìn thấy một Giáo hội bị thương tích khi phục vụ đàn chiên, hơn là thấy một Giáo hội an ổn trong một lâu đài.

 

  1. MỌI NGƯỜI ĐỀU LÀ CON CHÚA

Có một truyền thuyết kể về tổ phụ Abraham. Theo truyền thuyết, ông luôn chờ một người nghèo đói nào đó đến cùng ăn bữa ăn sáng với ông. Một ngày nọ, một ông già đi đến, và dĩ nhiên Abraham mời ông này chia sẻ bữa sáng với mình. Tuy nhiên, khi Abraham nghe ông già đọc lời chúc lành của người ngoại giáo trên thức ăn, ông đã nhảy dựng lên và ra lệnh cho ông già đi ra khỏi bàn ăn và khỏi nhà ông. Ngay lập tức, Đức Chúa Trời nói với Abraham: “Abraham! Abraham! Ta đã cung cấp thực phẩm cho người không tin Chúa đó mỗi ngày trong suốt tám mươi năm qua. Chẳng lẽ ngươi không khoan dung với ông ấy dù chỉ một bữa ăn sao? ”

* Tất cả chúng ta đều là con của Chúa. Chúa không có cháu! 

 

  1. TÔI TỚ CỦA CÁC TÔI TỚ

Thánh Giáo hoàng Grêgôriô I là một trong ba vị giáo hoàng được các tín hữu gán cho tính từ “Cả”. Nếu thuật ngữ “Cả” chỉ định một người có khả năng và nỗ lực to lớn, hoặc người đã hoàn thành những điều tuyệt vời, thì nó được áp dụng thích hợp nhất cho Đức Grêgôriô I. Sinh ra trong một gia đình La Mã quý tộc vào thế kỷ thứ sáu, trước tiên ngài được tham gia, với tư cách là một quan chức cao cấp nhà nước ở Rôma, trong việc lãnh đạo một nước Ý gần như tan rã vì các cuộc xâm lăng của các dân tộc Germanic từ phương bắc. Tuy nhiên sau đó, ngài từ bỏ chính trường và trở thành một đan sĩ. Nhưng đức giáo hoàng lúc bấy giờ không cho phép ngài ở lại lâu trong tu viện yên tĩnh thân yêu của ngài. Và Đức giáo hoàng đã cử ngài làm đặc sứ giáo hoàng cho hoàng đế tại Constantinople. Khi Grêgôriô trở lại Rôma, ngài đã thể hiện kỹ năng trổi vượt của một giáo sĩ đến nỗi vào năm 590, ngài đã được bầu làm giáo hoàng, mặc dù ngài hoàn toàn không muốn nhận chức vụ này vì sợ trách nhiệm nặng nề đòi buộc. Tuy nhiên khi nhận lãnh sứ vụ ngài rất tận tâm và tận lực. Mười ba năm làm giáo hoàng của ngài đã cho thấy một hồng ân to lớn được ban cho Giáo hội và cho toàn châu Âu. Ảnh hưởng của ngài trải rộng trên nhiều lãnh vực trong một thời đại có nhiều biến động. Ngài thường xuyên liên lạc với những nhà lãnh đạo nước Pháp. Ngài đã cử thánh Augustinô thành Canterbury truyền giảng đức tin kitô cho người Anglô và người Saxon ở Anh. Ngài đã tổ chức việc bảo vệ các thành phố của Ý chống lại quân Đức. Ngài đã không ngần ngại lên án hoàng đế La Mã tại Constantinople vì những hành vi bê bối và sự áp bức dân chúng. Còn ngài, trong một nước Ý nghèo nàn và bị phân hóa giai cấp, ngài trở thành vị lãnh đạo thiêng liêng của xứ sở này. Ngài vui mừng khi thấy nông dân được đối xử công bằng, người Do Thái được bênh vực, người nghèo được cho ăn và cho mặc – thậm chí điều này phải trả giá bằng việc bán các đồ đạc quý giá của các nhà thờ. Tuy nhiên ngài không biếng trễ những nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Ngài là một nhà giảng thuyết vĩ đại, một văn sĩ viết nhiều tác phẩm thiêng liêng phong phú, một nhà cải cách giáo tòa của Giáo hội và một nhà canh tân phụng vụ thánh (nền thánh ca Gregorian- nhạc bình ca của Giáo hội mang tên ngài). Cuối đời, Đức Grêgôriô bị suy giảm sức khỏe trầm trọng và chỉ còn da bọc xương, nhưng ngài vẫn tiếp tục phục vụ Giáo hội. Tại sao? Bởi vì ngài luôn tự coi mình, không phải là một lãnh chúa, mà như ngài luôn tự ký tên mình: “Tôi tớ của các tôi tớ Chúa- servus servorum”. Đó là lý do tại sao ngài được vinh danh là “Cả”.

* Như Phúc Âm hôm nay nhắc nhở chúng ta: “Nếu ai muốn làm người đứng đầu, thì phải phục vụ mọi người”.

            Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

print