Lá Thư Ngỏ Gửi Người Phụ Nữ Samari – Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

print

Lá Thư Ngỏ Gửi Người Phụ Nữ Samari

Chị Samari thân mến!

Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm. Cánh đồng lúa đang vào thời con gái: xanh bát ngát. Thế mà Thầy tôi lại thấy nó chín vàng. Đàn bà đàn ông kéo nhau ra đầy đồng để thu hoạch…

Bỗng có tiếng động. Thầy tôi giật mình quay lại. Thấy chị đang kéo nước. Sực nhớ mình đang khát đến khô cổ họng, Thầy tôi ngỏ lời.

– Chị làm ơn cho tôi xin ngụm nước.

– Ông là người Do Thái, tôi là người Samari. Tại sao ông lại xin tôi nước uống làm chi vậy?

– Nếu chị biết người xin nước là ai, thì chị sẽ xin người ấy và người ấy sẽ cho chị một thứ nước uống vào là thôi khát luôn.

– Giếng thì sâu, gầu thì không, thế mà lại khoe cho nước uống không khát. Bộ ông ngon hơn tổ phụ Giacóp đã đào giếng này cho chúng tôi sao?

– Nước tôi cho, tự nó là mạch nước rồi.

– Vậy thì ông cho tôi đi, để tôi không phải ra đây lấy nước mỗi ngày. Mệt muốn chết!

– Nói cho là cho, nhưng vẫn phải có điều kiện.

– Điều kiện gì?


– Chị cứ về gọi chồng ra đây là tôi cho ngay.


– Tôi có chồng đâu mà gọi.

– Đúng vậy. Chị đã có năm đời chồng rồi. Còn người này chỉ là đàn ông, chứ không phải là chồng.

– Như vậy thì ông là Ngôn Sứ hả? Thôi, chuyện nhỏ, bỏ đi… Bây giờ tôi hỏi ông nha: người Do Thái các ông thì thờ Chúa ở Giêrusalem; còn chúng tôi thì thờ Chúa ở Garidim. Vậy thì các ông làm đúng hay là chúng tôi làm đúng?

– Người Do Thái làm đúng. Ơn cứu độ phải phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng… từ nay người ta không thờ Chúa ở Giêrusalem, cũng không thờ Chúa ở Garidim, mà chỉ thờ Người trong thần khí và trong chân lý.

– Thôi đi ông ơi. Chừng nào Đấng Cứu Thế đến, thì Người sẽ dạy chúng ta về điều ấy.

– Đấng Cứu Thế là người đang nói với chị đây.

Nghe vậy, chị lấy tay ôm mặt, trợn mắt, so vai, co rúm người lại, rồi… chạy ù về làng.

Một giờ sau, dân làng kéo ra gặp Thầy tôi chuyện trò tíu tít. Vui vẻ và thân thương đến cuồng nhiệt. Thầy tôi được mời vào làng. Thầy tôi ở lại hai ngày. Tình nghĩa chan hòa…

Chị Samari mến.

Bây giờ xin chị ngồi yên, lẳng lặng nghe tôi nói. Trước hết tôi nói với chị về chị. Sau đó tôi sẽ nói với chị về Thầy tôi.

  1. NÓI VỚI CHỊ VỀ CHỊ

Theo trình thuật của Gioan, chị chỉ xuất hiện bên bờ giếng Giacóp chừng mười phút, rồi biến mất trong ngôi làng vô danh. Biệt tăm. Biệt tích. Mọi người sẵn sàng quên chị. Nhưng tôi thì… đừng hòng. Tôi vẫn miệt mài theo dõi chị. Theo dõi bằng phân tâm học, bằng óc tưởng tượng phong phú trời cho, bằng cả thính giác, thị giác và trực giác nữa.

Thầy tôi bảo chị đã có năm đời chồng và một đời đàn ông. Còn tôi thì khẳng định rằng chị chỉ thích lấy đàn ông, chứ không muốn có chồng. Đàn ông nối đuôi nhau để đến rồi đi. Y như một định mệnh. Chẳng biết tại sao mình đến; chẳng biết tại sao mình đi.

Cặp mắt của chị sắc quá, sắc như dao cau vậy! Lưỡi dao ấn xuống, thì quả cau nào dù già dù non cũng bị tách ra thành hai, thành bốn, thành tám. Mặt miếng cau nào cũng nhẵn thín, tươi rói. Thấy là thèm. Người đàn ông nào nhìn vào cặp mắt ấy đều bị bắt làm tù binh ngay. Khi bị bắt làm tù binh rồi, thì ai cũng chỉ mong được trả tự do. Chị đẹp quá, khôn quá, mà cũng ranh quá! Đẹp như tranh, ranh như quỷ! Bởi thế nên chị mới ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh.

Chị là mẫu người vừa ranh vừa chảnh. Thầy của tôi là một bậc hiền nhân quân tử. Tài trí và thánh đức của Người thì ngàn trùng. Trí đức từ trong tâm thấm qua da thịt, hiện ra trên ánh mắt, bắt mọi người phải thương phải kính. Thế mà chị dám nạt nộ Thầy tôi, khi Thầy tôi nhỏ nhẹ xin chị một ngụm nước. “Ông là người Do Thái, tôi là người Samari. Tại sao ông lại xin tôi nước uống làm chi vậy?” Chua!

Thầy tôi đang trình bày về một thứ nước mà ai uống thì không còn khát. Chị không hiểu. Không hiểu thì hỏi. Không hỏi thì làm thinh. Thế nhưng chị lại vặn vẹo và chọc quê Thầy tôi: “ Nước thì sâu, gầu thì không. Bộ ông ngon hơn tổ phụ Giacóp, người đã đào giếng này cho chúng tôi hả?”  Bà chằng!

Khi Thầy tôi phanh phui quá khứ “thơm tho” của chị ra, chị mới bớt chảnh được tí tẹo. Nhưng liền sau đó, chị né đòn, đánh trống lảng sang chuyện khác. Vừa né đòn vừa chơi trèo. Trèo cao kiểu cô giáo “chơi đố” với các bé mầm non: “Bây giờ tôi hỏi ông nha. Người Do Thái các ông thờ Chúa ở Giêrusalem. Còn chúng tôi thì thờ Chúa ở Garidim. Vậy thì các ông đúng hay là chúng tôi đúng?” Láu cá quá chừng!

Thầy tôi trả lời dứt điểm “Người Do Thái đúng”. Sau đó Người mở ra một chân trời mới: “Từ nay chỉ còn thờ Chúa trong thần khí và chân lý”. Tôi cứ tưởng chị phải cúi đầu xá Thầy tôi ba cái. Ai ngờ… chị cào bằng, coi Thầy tôi như một người bạn đồng môn: “Chừng nào Đấng Cứu Thế đến Người sẽ dạy chúng ta về điều ấy”. Đại danh từ “chúng ta” chị nói nghe cứ ngọt sớt như đường phèn. Hỗn thật!

  1. NÓI VỚI CHỊ VỀ THẦY TÔI

Thầy tôi ngồi nói chuyện với chị giữa đồng không mông quạnh. Chị có hiểu được tấm lòng của Thầy tôi không? Nền văn hóa Trung Đông của chị đánh giá đàn bà thấp tè tè. Có một nhà tư tưởng Ả Rập nào đó đã tuyên ngôn rằng: “Đàn bà là hữu thể trung gian giữa đàn ông và con thú”. Các đệ tử của Thầy tôi cũng nghĩ như thế. Họ buồn lắm khi thấy Thầy tôi ngồi nói chuyện với chị như với một đấng nam nhi. Thầy tôi chỉ thấy chị là một hữu thể được Chúa Cha trìu mến và ban Con Một của mình giáng trần để cứu chuộc bằng cái giá cao ngất trời. Trong cái gọi là văn hóa của Thầy tôi, không có bậc cấp cho “Đấng mày râu” và “Thân phận liễu yếu đào tơ”. Tất cả chỉ là một trong Đức Kitô.

Chị ngồi nói chuyện với Thầy tôi, một tôn sư cao quý, mà cứ lanh chanh, loi choi ra vẻ ta đây. Tôi thấy chị giống y như con chim chào mào bị nhốt trong lồng. Đi tù mà không biết thân biết phận. Cứ nhảy lên rồi nhảy xuống, nhảy xuống rồi nhảy lên. Vừa nhảy vừa cong cái đuôi, để khoe mình một cách vô duyên.

Nếu chị gặp tôi, thì tôi không thèm nói với chị lấy một nửa lời. Nhưng Thầy tôi thì chị thấy đấy: khiêm nhu và nhẫn nại vô cùng. Cứ bình tĩnh cho chị chơi trội, rồi từ từ lái chị vào quỹ đạo chân lý.

Không một người Do Thái nào nói chuyện với người Samari. Không một người Do Thái nào đặt chân lên mảnh đất Samari, mảnh đất bị vạ tuyệt thông không thành văn. Chỉ có một mình Thầy tôi không phân biệt Do Thái với Samari. Chỉ có một mình Thầy tôi cứ đi qua Samari để đến Giêrusalem và để về Caphácnaum, trung tâm truyền giáo. Thầy tôi yêu quý dân Samari của chị đến mức độ đã dựng lên một vở kịch ngắn, trong đó người Samari đóng vai nhân vật lý tưởng. Vở kịch đó hôm nay chúng tôi gọi là “Dụ ngôn người Samari nhân từ”.

Chị Samari thân mến.

Khi chị chạy về làng báo Tin Mừng, thì Thầy tôi vẫn ngồi trên thành giếng, lặng lẽ suy tư. Thầy tôi nghĩ về một Giáo hội Samari trong tương lai, một giáo hội thịnh vượng và bình an vô sự. Yêu thương vô vàn! Tôi tin rằng chị là người đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng Giáo hội Samari ấy.

Trong lịch sử truyền giáo chẳng ai nhắc đến chị. Nhưng tôi vẫn gọi chị là nhà truyền giáo đầu tiên của Giáo Hội.

Chị Samari ơi! Nhà truyền giáo đầu tiên ơi! Tôi không quên chị. Chị đừng quên tôi nhá. Tôi mãi mãi thấy chị chạy ù về làng và cả làng ra đón Thầy.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

cgvdt.vn