Bài 46: Những Người Phúc Âm Hóa Với Thánh Thần

print

Bài 46:

NHỮNG NGƯỜI PHÚC ÂM HÓA

VỚI THÁNH THẦN

  1. Dẫn nhập.

Tông huấn đầu đời giáo hoàng của Đức  Phanxicô có nhan đề là “Evangelii Gaudium” được hầu hết dịch là Niềm vui Tin Mừng, chỉ có vài bản dịch là Niềm vui Phúc âm. Trong chương V của Tông huấn có đầu đề là “Évangélisateurs avec esprit”, – Évangélisateurs được dịch ra mười kiểu khác nhau: những nhà rao giảng tin mừng, những người loan báo tin mừng, các nhân viên truyền bá phúc âm hóa, sứ giả tin mừng, các người rao giảng tin mừng, các người làm công việc phúc âm hóa, các người hoạt động phúc âm hóa, các người tin mừng hóa, các người được phái đi tin mừng hóa, những nhà truyền giáo…Như vậy có người đã dịch từ “hóa”, có người không, nhưng không thấy ai dịch là những người phúc âm hóa. – avec esprit được dịch là đầy Thánh Thần, đầy tràn Thánh Thần, đầy Chúa Thánh Thần… (tìm các bản dịch trong google). Chỉ hai cụm từ thôi mà có cả chục cách dịch khác nhau. Đúng là trăm hoa vẫn đua nở. Về phần tôi, tôi chọn dịch là người Phúc âm hóa với Thánh Thần.

  1. Tìm hiểu “những người Phúc âm hóa” theo Đức Giáo Hoàng Phaolô VI

Các nghị phụ họp Thượng hội đồng giám mục thứ III đã bàn đến sức mạnh của những người phúc âm hóa, và xuyên suốt 7 chương của Tông huấn Loan báo Tin Mừng, mỗi chương đều nói đến phúc âm hóa: Chương I Từ Đức Giêsu Đấng phúc âm hóa đến giáo hội người phúc âm hóa, Chương II Phúc âm hóa là gì?, Chương III Nội dung việc phúc âm hóa, Chương IV Các đường lối phúc âm hóa, Chương V Phúc âm hóa cho những ai?, Chương VI Những thợ làm việc phúc âm hóa. Chương VII Tinh thần của việc phúc âm hóa. Đức Phaolô VI đã dùng Tông huấn này để giải nghĩa rõ ràng đầy đủ về phúc âm hóa và người phúc âm hóa qua mỗi chương. Xin tóm tắt ở đây:

  • Chúa Giêsu vừa là Phúc âm của Thiên Chúa, vừa là Người phúc âm hóa trước hết và vĩ đại nhất. Không ai có thể tổng hợp lại đầy đủ ý nghĩa, nội dung, các cách thức của hoạt động phúc âm hóa mà Đức Giêsu đã quan niệm và thực hiện (Tông huấn số 7). Chỉ có thể dựa vào giáo huấn của Công đồng Vatican II mà nói rằng: phúc âm hóa là mang Phúc âm đến mọi môi trường nhân loại và nhờ sự tác động này làm biến đổi từ bên trong, đổi mới chính nhân loại. (Tông huấn số 18).
  • Giáo Hội phát sinh từ hoạt động phúc âm hóa của Đức Giêsu và 12 Tông đồ, giáo hội nhận được sứ mệnh Chúa sai đi, giáo hội bắt đầu bằng việc tự phúc âm hóa chính mình, rồi giáo hội còn phải sai phái những người đã được phúc âm hóa ấy để họ ra đi phúc âm hóa những người khác nữa. (Tông huấn số 15).
  • Những người đã được giáo hội phúc âm hóa cũng được giáo hội sai đi để tiếp tục sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo hội, nên cả giáo hội và cả họ không phải là chủ hay sở hữu chủ tuyệt đối của việc phúc âm hóa, mà tất cả chỉ là thừa sai, thừa tác viên mà thôi. (Tông huấn số 15)
  • Phúc âm hóa dưới sức thúc đẩy của Thánh Thần. Về vấn đề Chúa Thánh Thần trong việc phúc âm hóa thì Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo nhắc cho ta một chân lý mà ít người chú ý, đó là: “Từ bắt đầu và tới khi hoàn thành, khi Thiên Chúa sai phái Chúa Con thì luôn luôn sai phái cả Thánh Thần của Người: sứ mệnh của Chúa Con và Thánh Thần luôn kết hợp và không thể tách rời” (Sách GLGHCG số 743). Do đó Đức Phaolô VI đã xác định trong Tông huấn về phúc âm hóa: “Sẽ không bao giờ có thể phúc âm hóa được nếu không có tác động của Chúa Thánh Thần”. Ngài đã trích Phúc âm để chứng minh: “Đức Giêsu được quyền năng Thánh Thần thúc đẩy” (Lc 4, 14), “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi… sai tôi đi loan báo Phúc âm” (Lc 4, 18), Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ mà nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22) Tông huấn nói: “Thánh Thần là “Linh hồn của giáo hội”, “ Người là Đấng hoạt động trong mỗi người phúc âm hóa”, “Thánh Thần là tác nhân chủ chốt trong việc phúc âm hóa… chỉ mình Người làm nên công trình tạo thành mới, nhân loại mới mà việc phúc âm hóa phải nhắm tới” (số 75).
  • Phải làm gì để trở thành những người phúc âm hóa dưới sức thúc đẩy của Thánh Thần? Đức Phaolô VI nhắc đến điều căn bản trước tiên phải làm là:

1/– “Bản thân họ phải làm chứng một cách giản dị và trực tiếp về Thiên Chúa đã được Đức Giêsu Kitô mặc khải trong Chúa Thánh Thần” (số 26). Bởi vì “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe các thầy dạy là bởi vì chính các thầy dạy cũng là những chứng nhân” (số 41). “Con người hiện đại đã chán chê những diễn văn, nên thường tỏ ra mệt mỏi khi nghe, và còn tệ hơn nữa là muốn được miễn dịch chống lại lời nói… con người hiện đại đã vượt quá nền văn minh của lời nói từ nay là vô hiệu vô ích, và hiện đang sống trong nền văn minh của hình ảnh” (số 42).

2/– Họ phải là những chứng nhân đích thực, vì thế kỷ này khao khát sự đích thực nhất là khi nói tới giới trẻ… Thiên hạ luôn luôn vặn hỏi chúng ta: các người có thực sự tin điều các người loan báo không? Các người có sống điều các người tin không? Các người có rao giảng thực sự điều các người sống không?… Chúng ta xét xem chúng ta chịu trách nhiệm đến mức độ nào về sự dậm chân tại chỗ của việc phúc âm hóa do cách sống của chúng ta. (số 76)

3/– Họ phải là những người xây dựng hiệp nhất chứ không phải chia rẽ vì những tranh chấp (số 77), là những người phục vụ sự thật chứ không che đậy hay phản bội sự thật (số 78), những người yêu thương mọi người với tình thương của người cha và người mẹ (số 79, 80).

  1. Tìm hiểu “những người Phúc âm hóa với Thánh Thần” theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Ngay từ đầu chương V của Tông huấn Niềm vui Phúc âm, Đức Phanxicô cho biết ngài không muốn làm một tổng hợp về linh đạo của người phúc âm hóa với Thánh Thần, vì đã có nhiều tài liệu giá trị của Huấn quyền và của các tác giả nổi tiếng trình bày, ngài chỉ thu gọn vào hai điều cốt lõi về tinh thần của việc tân phúc âm hóa (số 260).

  • Người Phúc âm hóa với Thánh Thần nghĩa là người phúc âm hóa vừa cầu nguyện vừa hoạt động. Ngài nói với tất cả kinh nghiệm sống của ngài rằng: “Nếu không có những giờ phút lâu dài để thờ phượng, để gặp gỡ bằng cầu nguyện với Lời Chúa, để đối thoại chân tình với Chúa, thì các nhiệm vụ dễ dàng mất hết ý nghĩa, chúng ta làm cho mình suy nhược vì những mệt mỏi và vì những khó khăn, và nhiệt tình sẽ bị dập tắt… Giáo hội không thể sống không có lá phổi cầu nguyện (số 262)…Thời xưa cũng như nay luôn luôn có mặt sự yếu đuối của con người, sự mưu cầu không lành mạnh cho chính mình, sự ham tiện nghi cho riêng mình, và sau cùng là ham mê tình dục luôn rình rập (số 263). Muốn thắng những khó khăn đó cần phải có hai điều kiện căn bản là tình yêu say mê Chúa Giêsu và niềm tin tưởng vững chắc vào Chúa Thánh Thần:

1/– Tình yêu say mê Chúa Giêsu và say mê phúc âm của Người. Người phúc âm hóa phải có kinh nghiệm rằng: biết Chúa Giêsu, nghe Lời Chúa, chiêm ngắm và thờ phượng Chúa thì hoàn toàn khác với không biết, không nghe, không làm gì cho Chúa cả (số 266). Người phúc âm hóa có say mê Chúa Giêsu để phúc âm của Chúa phúc âm hóa chính mình thì mới có thể say mê người khác để phúc âm hóa họ như Chúa Giêsu đã làm. Đức Phanxicô nhắc đến lời đức giáo hoàng Biển đức XVI nói :“Nhắm mắt với người thân cận làm cho ta nhắm mắt với Chúa” (số 272). Cho nên muốn là người phúc âm hóa thực sự thì phải là người say mê Chúa Giêsu và phúc âm của Người trong cầu nguyện cũng như trong hành động.

2/– Tin tưởng vững chắc vào Chúa Thánh Thần . Chúng ta đã biết Chúa Thánh Thần là Đấng chủ chốt trong việc phúc âm hóa. Đức Phanxicô đã có kinh nghiệm như thánh Phaolô rằng: “Chúng ta mang sứ mệnh cao trọng đó trong những bình sành” (2 Cr 4,7) nên chúng ta cần phải từ bỏ những tính toán kiểm soát về kết quả bên ngoài và hoàn toàn ngoan ngoãn vâng theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn. (số 279,280)

Cầu nguyện và tin tưởng vào Chúa Thánh Thần là điều kiện để người phúc âm hóa thành công trong việc phúc âm hóa (xem Youcat mục “Cầu nguyện” để hiểu sâu hơn giá trị của cầu nguyện).

  • Người Phúc âm hóa là người tin vào sức mạnh của kinh nguyện chuyển cầu . Có lẽ nhiều người lấy làm lạ. Đức Phanxicô giải thích rằng: Kinh nguyện chuyển cầu là hình thức cầu nguyện kích thích chúng ta phúc âm hóa vì nó động viên chúng ta tìm lợi ích cho những người khác. (số 28). Chính Chúa Giêsu, Người phúc âm hóa trước hết và vĩ đại nhất là Đấng chuyển cầu cho toàn thể nhân loại. (Rm 8,34) và Chúa Thánh Thần cũng vậy (Rm 8,27). Ngoài ra Đức Maria và các thánh vẫn luôn chuyển cầu cho mọi người. Việc chuyển cầu của chúng ta là lời cảm tạ biết ơn Chúa cho bao người khác, nó diễn tả mầu nhiệm “các thánh thông công” cho nhau và cho cả những kẻ làm hại mình (số 282). Hàng ngày giáo hội, đặc biệt giáo sĩ và tu sĩ đọc kinh nguyện chuyển cầu vào kinh sáng và kinh chiều, chúng ta có ý thức rằng đó là chúng ta thực hiện việc phúc âm hóa cho bao anh chị em chúng ta trên khắp thế giới ? (xem Youcat mục Kinh nguyện chuyển cầu).
  1. Học hỏi thêm để hiểu đúng người Phúc âm hóa với Thánh Thần

Trong số 75 của Tông huấn về phúc âm hóa, đức Phaolô VI khuyến khích “Hãy nghiên cứu hơn về bản chất và cách thức hoạt động của Chúa Thánh Thần trong việc phúc âm hóa ngày nay”. Thực ra, Công đồng Vatican II đã phục hồi vai trò của Chúa Thánh Thần, Tông huấn của đức Phaolô VI đã dành cả Chương VII để nói về việc phúc âm hóa dưới sức thúc đẩy của Thánh Thần, và Tông huấn của đức Phanxicô dành cả Chương V để trình bày về những người phúc âm hóa với Thánh Thần. Tuy nhiên, cách thức hoạt động của Chúa Thánh Thần rất đa dạng, bao la, như đức Phanxicô nói: “Chúa Thánh Thần như gió, Người hành động như Người muốn, khi Người muốn, và nơi Người muốn”. Để có lòng tin vững chắc vào Chúa Thánh Thần, đức Phanxicô thú thật rằng: “Tin tưởng vào Đấng vô hình này có thể làm ta chóng mặt, như lao mình xuống biển mà không biết mình sẽ gặp phải những gì. Chính tôi đã kinh nghiệm như vậy nhiều lần” (số 280).

  • Quả thực, khi dạy giáo lý, tôi đã gặp nhiều lần câu hỏi về Chúa Thánh Thần làm tôi choáng váng: “Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa, Đấng chủ chốt trong việc phúc âm hóa, có đầy quyền năng, có tới 7 ơn Thánh Thần, (ngụ ý nói có đủ thứ các loại ơn như: khôn ngoan, thông minh, biết lo liệu, can đảm, hiểu biết, đạo đức, kính sợ Chúa). Thế mà sao tôi cầu nguyện, rồi ước ao nên thánh hết sức mà vẫn thấy mình lụi cụi khó nhọc, ngụội lạnh trễ nải, chừa tội không được… Chúa Thánh Thần có giúp gì không, giúp thế nào”? – Chắc chắn Chúa Thánh Thần luôn sẵn sàng giúp thực sự vì Người dư đầy quyền năng. Nhưng mọi sự cũng còn tùy ở ta nữa. Chúa Thánh Thần cũng như Ba Ngôi Thiên Chúa luôn hoạt động trong tôn trọng tự do mà Người đã ban cho mỗi người, không bao giờ áp đặt hoặc bó buộc ta, Người để ta tự do mở mắt, mở tai, mở lòng để đón tiếp Người. Ta bịt tai, nhắm mắt, khép lòng, nghĩa là không có giờ cầu nguyện với Thánh Thần, thì chỉ thấy im lặng, tối thui, bất động… Hoạt động của Thánh Thần rất đa dạng phong phú, tế nhị, hiệu quả, Người dùng mọi phương thế giúp ta, nếu ta chưa thấy kết quả là do chính ta chưa mở mắt, mở tai, mở lòng, mở trí để đón nhận. Sách Youcat có nêu cho ta kinh nghiệm của Thánh Augustinô, vị thánh da đen người Bắc Phi châu, tiến sĩ giáo hội, ngài dạy rằng: “Chúa Thánh Thần là vị khách thầm lặng của tâm hồn. Muốn cảm nghiệm được người có mặt, cần phải thinh lặng. Vị khách này thường tỏ mình một cách rất êm đềm trong ta với ta, qua tiếng lương tâm hoặc qua tiếng thúc giục bên trong hoặc bên ngoài” (Youcat câu 120), nghĩa là qua Lời Chúa, qua chiêm niệm, qua giáo hội, người thân, bạn bè… Thánh Phaolô còn cho biết rằng ta có thể nhận ra Chúa Thánh Thần qua 12 hoa quả của Thánh Thần: bác ái, hoan lạc, bình an, kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ, từ tâm, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, khiết tịnh (xem SGLCG số 1832). Còn bên Á đông chúng ta có phương pháp thiền, nhập định, yoga, để giữ cho tâm và trí yên tĩnh, đó là những điều kiện giúp dễ thinh lặng để cầu nguyện và chuyển cầu, giúp dễ nghe lời và ngoan ngoãn với Thánh Thần để phúc âm hóa mình và mọi người.
  1. Để kết

Tôi hy vọng qua loạt 3 bài này, độc giả đã có được hai xác tín mà Tông huấn Loan báo Phúc âm của Đức Phaolô VI mong muốn:

Xác tín thứ nhất: “Việc phúc âm hóa không phải là một hành động cá nhân và riêng lẻ của ai hết, nhưng là một hành động có tính giáo hội sâu sắc. Khi người giảng thuyết, người dạy giáo lý hay một chủ chăn vô danh tiểu tốt nhất ở miền nào xa xôi nhất, giảng phúc âm, qui tụ cộng đoàn nhỏ bé của mình lại hoặc ban bí tích, thì dầu chỉ một thân một mình, người ấy cũng thực hiện một hành vi của giáo hội, và cử chỉ của người ấy chắc chắn được nối liền với hoạt động phúc âm hóa của toàn thể giáo hội” (số 60).

Xác tín thứ hai: Người phúc âm hóa là người được giáo hội sai đi nhân danh giáo hội, mà chính giáo hội cũng phúc âm hóa do Chúa ủy nhiệm cho, vì thế không một người phúc âm hóa nào làm chủ tuyệt đối việc phúc âm hóa của mình, với quyền quyết đoán để thực hiện theo tiêu chuẩn cá nhân chủ nghĩa, tùy hứng riêng của mình” (số 60).

Nhờ hai xác tín này, người phúc âm hóa với Thánh Thần không sợ mình lấn quyền của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần, lấn quyền của giáo hội ; và mình có thể tự hào vì mình chỉ phúc âm hóa với Thánh Thần, không phải e sợ như nhiều dịch giả tìm cách dịch évangélisateur bằng rất nhiều cách khác nhau, là: nhà rao giảng tin mừng, nhà loan báo tin mừng, các nhân viên truyền bá phúc âm hóa, sứ giả tin mừng, người làm công việc phúc âm hóa, người hoạt động phúc âm hóa, người tin mừng hóa, người được phái đi tin mừng hóa, nhà truyền giáo…

Tóm lại, Kitô hữu có xác tín như vậy mới cố gắng vừa cầu nguyện, vừa chuyển cầu, vừa hoạt động với Chúa Thánh Thần để luôn tự phúc âm hóa bản thân và phúc âm hóa người thân cận có hiệu quả.

 

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Cần Thơ 2017