Bài 47: Phúc Âm Hóa Và Truyền Giáo

print

Bài 47:

PHÚC ÂM HÓA VÀ TRUYỀN GIÁO

  1. Dẫn nhập.

Hai cụm từ Phúc âm hóa và Truyền giáo ngày nay đang được sử dụng thường xuyên, nhất là truyền giáo, ở giáo hội Việt Nam. Tôi có dịp gặp gỡ nói chuyện với một số giáo lý viên, một số bạn trẻ cũng như giáo dân, họ có nhiều thắc mắc khi được thấy trong một số tài liệu phổ biến có nhiều cụm từ: phúc âm hóa, truyền giáo, thừa sai, rao giảng phúc âm, loan báo tin mừng… lẫn lộn với nhau, không thể phân biệt cho rõ ràng. Trong bài viết hồi đầu tháng 11 về “ Phúc âm – Tin mừng – Cứu độ”, tôi đã thử tìm hiểu trong các tài liệu phổ biến, cách sử dụng và cách hiểu các cụm từ trên, theo thời gian từ xưa đến nay. Một số độc giả đã hồi âm cho tôi biết: theo lương tri của mình thôi cũng có thể nhận ra đâu là hợp lý đâu là không, và chấp nhận chờ đợi được giới thẩm quyền giải quyết.

Trong bài này, tôi cũng muốn theo cách đó để giúp độc giả thấy tận mắt những cách sử dụng và cách hiểu hai cụm từ quan trọng là Phúc âm hóa – Truyền giáo trong một số tài liệu sẵn có, để độc giả có cơ hội nhận xét cách chính xác hơn về sự thật được ghi trên giấy trắng mực đen.

  1. Tìm hiểu trong một số tài liệu ở giáo hội Việt Nam có liên quan đến Phúc âm hóa – Truyền giáo, theo thứ tự thời gian.
  • Năm 1902, cuốn “Sách Bổn Rôma” gồm 4 phần: Kinh Tin Kính, các bí tích, các điều răn, cầu nguyện, dịch ra tiếng An-Nam, in tại Hồng Kông, chỉ thấy mấy cụm từ Giảng Evan, giảng về Nước Thiên đàng, giảng về Nước Đức Chúa Trời.
  • Khoảng năm 1945, tôi được nhập hội thiếu nhi Thánh Thể, có 4 việc chính phải làm là: siêng năng rước lễ, lần hạt Mân côi, hi sinh hảm mình, làm việc tông đồ. Tới năm 1952, tôi được dự trại hè “Vừng Hồng” cho thiếu nhi Thánh Thể vùng Hà Nội, tại khu cô nhi viện Hàng Bột, nhạc sĩ Hoài Chiên có sáng tác bài “Lời Nguyện Truyền Giáo” để hát trong suốt ba ngày trại. Bài này vẫn được lưu hành cho tới ngày nay: “Lạy Chúa xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt…” Rồi những năm tôi học ở Đại Chủng Viện Xuân Bích từ 1956 đến 1960, kỳ hè nào các thầy cũng dành một tháng “Truyền Giáo” ở miền Trung và miền Nam, đi từng nhóm với một cha giáo…
  • Năm 1967, sau Công Đồng Vatican II, giáo hội Việt Nam có xuất bản “Sách Giáo Lý Công Giáo” (quen gọi là giáo lý Tân Định) để phổ biến giáo lý mới của Công đồng, trong đó có nói đến: loan báo tin mừng, rao giảng phúc âm, truyền bá đức tin, truyền bá ơn cứu chuộc, làm việc tông đồ, rao giảng lời Chúa. Cũng trong năm này Bộ Truyền giáo đã được đổi tên từ Bộ Truyền Bá Đức Tin sang Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc (15 – 8 – 1967).
  • Năm 1972, sách “Thánh Công đồng chung Vaticanô II”, bản dịch Việt ngữ của Giáo hoàng học viện, chỉ dùng từ Phúc âm, không dùng Tin mừng. Theo bản tiếng Pháp từ évangélisation được dùng trong sắc lệnh Ad gentes 32 lần, và được dịch là: rao giảng phúc âm, loan báo phúc âm, truyền bá phúc âm… còn từ Truyền giáo thì được dùng rất nhiều: tinh thần TG, hành động TG, nhiệt tâm TG, công cuộc TG, kế hoạch TG, ơn gọi TG… Sắc lệnh Ad gentes có 2 câu tiếng Pháp: “Par nature l’Eglise durant son pelerinage sur terre, est missionnaire puisqu’elle – même tire son origine de la mission du Fils et de la mission du Saint-Esprit, selon le dessein de Dieu le Père”, được dịch là : tự bản tính giáo hội lữ hành phải truyền giáo vì chính giáo hội bắt nguồn từ sứ mệnh của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Chúa Cha. Câu thứ hai : (Ad gentes số 35) “l’Eglise  étant tout entière missionnaire, et l’ oeuvre de l’ évangélisation était un devoir fondamental du peuple de Dieu”, được dịch là “vì toàn thể giáo hội là truyền giáo, và vì công việc rao giảng phúc âm là nhiệm vụ căn bản của dân Chúa”. Thực ra Sắc lệnh Ad gentes có khuynh hướng coi truyền giáo là chính yếu, còn phúc âm hóa chỉ là khía cạnh, và là đường lối của truyền giáo. Thế mà ngày nay còn nhiều người vẫn theo khuynh hướng này. Nhưng các nghị phụ trong Tông Huấn về Phúc âm hóa đã đảo lộn lại. (Xin xem kỹ số 2.5 sau đây).
  • Năm 1975, Thượng Hội đồng giám mục thế giới khóa III bàn về “Vấn đề phúc âm hóa trong thế giới” đã góp ý để Đức Giaó Hoàng Phaolô VI ra “Tông huấn loan báo tin mừng”. Ở Việt Nam có nhiều bản dịch rất khác nhau, chỉ nguyên hai từ évangélisation và évangélisateur thôi đã có:
  • Bản dịch của Xuân Bích: Việc rao giảng tin mừng, Đức Giêsu nhà rao giảng tin mừng, người rao giảng tin mừng.
  • Bản dịch của Xuân Lộc: Việc truyền bá phúc âm hóa, các nhân viên truyền bá phúc âm hóa.
  • Bản dịch của Đà Lạt: Việc loan báo tin mừng hoặc phúc âm hóa, Đức Giêsu sứ giả tin mừng, người rao giảng tin mừng, người làm công việc phúc âm hóa, người hoạt động phúc âm hóa.
  • Bản dịch của Đa Minh Học Viện: việc tin mừng hóa, Đức Giêsu đấng tin mừng hóa, người được phái đi tin mừng hóa… (xem trong google)

Thật là trăm hoa đua nở…

Các nghị phụ đã thấy trước những khó khăn, nên ngay ở đầu Tông huấn đã muốn nhắc lại sự thật để mọi người nhớ rằng: Thiên Chúa vì lòng yêu thương loài người sau khi họ sa ngã, bằng cách sai Chúa Giêsu đến trần gian với sứ mệnh cứu chuộc họ. Sứ mệnh này cốt tại việc loan báo kế hoạch của Thiên Chúa, được gọi là phúc âm hóa, nghĩa là loan báo phúc âm như tin mừng cứu rỗi, cứu chuộc loài người, để phúc âm đó biến đổi cải hóa loài người, làm cho họ trở thành con cái Thiên Chúa. Từ Phúc âm hóa này có tầm quan trọng rất lớn vì nó “xác định tất cả sứ mệnh của Chúa Giêsu, tất cả các khía cạnh của mầu nhiệm của Người (xem Tông huấn số 6). Nó tổng hợp đầy đủ ý nghĩa, nội dung, các cách thức của việc Phúc âm hóa mà Chúa Giêsu đã quan niệm và thực hiện (xem số 7). Và Tông huấn cố gắng đưa ra một định nghĩa chính xác về Phúc âm hóa, trong đó phân biệt rõ ràng cái chính là Phúc âm hóa với các cái phụ của nó, từ số 8 đến 13. Tông huấn nói rõ thêm “nếu đồng hóa những việc phụ chỉ là khía cạnh, phương diện, đường lối của việc Phúc âm hóa, với việc chính là Phúc âm hóa thì đó là « đánh liều để cho thực tại ấy nghèo nàn, què quặt đi” (số 17). Bởi vì Phúc âm hóa là một công việc phức tạp gồm nhiều yếu tố khác nhau, bổ túc cho nhau và làm phong phú cho nhau, phải có cái nhìn bao quát toàn bộ kết hợp các yếu tố ấy lại với nhau (số 24).

          Tông huấn đã dành cả chương II để định nghĩa Phúc âm hóa,  chương III về nội dung Phúc âm hóa, chương IV về các khía cạnh, đường lối Phúc âm hóa, chương V về những người làm công việc Phúc âm hóa.

          Tôi thấy một điều lạ là không ai dịch évangélisateur là người phúc âm hóa.

  • Năm 1979, Tông huấn về việc dạy giáo lý của Đức Gioan Phaolô II đã dành cả chương III để nhắc đến việc Phúc âm hóa và coi “Phúc âm hóa là một thực tại phong phú, phức tạp và có sức năng động, cấu thành bởi những yếu tố, hay đúng hơn, bởi những “thời” cốt yếu và khác nhau, mà ta phải biết nhìn cách bao quát trong sự thống nhất của một chuyển động duy nhất. Việc dạy giáo lý là một trong các “thời” ấy của tất cả tiến trình phúc âm hóa”. Việc dạy giáo lý và Phúc âm hóa không có sự tách biệt hay đối lập, cũng không có sự đồng nhất đơn thuần, nhưng có liên hệ mật thiết nhờ đó chúng hòa nhập và bổ túc cho nhau (xem số 18).
  • Năm 1992 Sách giáo lý của Hội thánh công giáo, bản dịch của Ủy ban Giáo lý đức tin thuộc HĐGMVN có nói đến évangélisation được dịch là Phúc âm hóa. Sách giáo lý tóm tắt Phúc âm hóa là loan báo Chúa Kitô được thực hiện bằng đời sống làm chứng và bằng lời nói (số 905). Còn khi nói về mission của Hội thánh thì có hai câu, câu số 767 thì được dịch là thừa sai ( chứ không là truyền giáo ): Hội thánh tự bản chất có tính cách thừa sai được Chúa Kitô sai đi đến với mọi dân tộc để làm cho họ thành môn đệ ( số 767 ). Tuy nhiên khi bàn về Hội thánh công giáo thì suốt 8 số, từ 849 đến 856, mission lại được dịch hoàn toàn là truyền giáo, câu trong 767 ở trên lại được dịch khác đi là: “ Tự bản chất Hội thánh là truyền giáo (số 850). Và không hề thấy bóng Phúc âm hóa đâu nữa…
  • Năm 1997 sách “Chỉ dẫn tổng quát để Huấn giáo” đề cao sứ mệnh giáo hội là Phúc âm hóa các dân tộc, và đặt Huấn giáo như một phương tiện của Phúc âm hóa, cùng với các phương tiện khác như: loan báo Phúc âm, truyền giáo… Chỉ dẫn tổng quát nhắc lại rằng: “Giáo hội hiện hữu là để Phúc âm hóa nghĩa là để mang Phúc âm cho mọi tầng lớp nhân loại, và nhờ ảnh hưởng của Phúc âm biến đổi từ nội tâm và làm cho chính nhân loại đổi mới.”(số 46). Chỉ dẫn cũng phân biệt rõ ràng Phúc âm hóa với rất nhiều khía cạnh liên kết với Phúc âm hóa như: loan báo, làm cho trở nên môn đệ, giảng dạy, làm chứng, rửa tội, làm lễ để tưởng nhớ Chúa (Thánh thể), yêu thương nhau…tất cả các khía cạnh này chỉ là những con đường và là những phương thế để thông truyền một Phúc âm duy nhất và làm thành những yếu tố của Phúc âm hóa” ( số 46 ). Chỉ dẫn không trực tiếp nói tới truyền giáo và coi nó nằm trong khía cạnh và đường lối của Phúc âm hóa.
  • Năm 2011 sách “ Từ điển công giáo” của ủy ban giáo lý HĐGMVN có hai cụm từ Phúc âm hóa và truyền giáo. Phúc âm hóa được giải nghĩa theo đúng Tông huấn về Phúc âm hóa. Nhưng truyền giáo thì dịch từ tiếng Pháp Mission và giải nghĩa theo nghĩa hẹp là phổ biến đạo, theo nghĩa rộng là sứ mệnh cơ bản của Giáo hội, tức là loan báo Phúc âm cho tất cả mọi dân tộc. Như thế đã không phân biệt Truyền giáo với Phúc âm hóa mà coi Truyền giáo cũng như là Phúc âm hóa.
  • Năm 2012, Cha Huỳnh Trụ xuất bản cuốn “Tìm hiểu Từ Vựng công giáo” trong đó giải nghĩa Phúc âm hóa và truyền giáo. Xem bài của Cha mới thấy sự phức tạp về phía dịch giả Việt Nam, chỉ một từ évangélisation đã dịch bằng 6 cụm từ khác nhau, và mission cũng được dịch bằng 4 cụm từ khác nhau: sứ vụ, sứ mệnh, thừa sai, truyền giáo (xin xem ở trên 2.5). Cha Huỳnh Trụ giúp ta hiểu thêm ý nghĩa mỗi từ để dễ phân biệt và đánh giá chính xác hơn.
  • Phúc âm hóa là đem phúc âm đến cho tất cả mọi tầng lớp nhân loại, để rồi nhờ ảnh hưởng của Phúc âm biến đổi nhân loại từ bên trong và làm cho nhân loại nên mới (xem Tông huấn về Phúc âm hóa, số 18). Từ Phúc âm đã được giải nghĩa trong bài “Phúc âm – Tin mừng – Cứu độ”. Còn từ hóa có nghĩa là: thay đổi tính chất, làm cho biến hóa trở thành. Vì thế khi dịch évangélisation là rao giảng Tin mừng, loan báo Phúc âm, truyền bá Phúc âm, Truyền giáo, thì không có từ hóa là từ cốt yếu chỉ sự biến đổi, thấm nhuần, trở thành mới. Các từ khác chỉ nói lên các đường lối, cách thế, chỉ là những khía cạnh của việc Phúc âm hóa. Khác nhau ở chỗ đó.
  • Truyền giáo, truyền là chuyển dịch, chuyển từ đời này sang đời khác, loan đi, giúp lan tràn, giáo là dạy cách thức, bảo, người dạy học, hệ thống giáo lý. Truyền giáo là truyền đạo, truyền bá tôn giáo. Ở Việt nam có một khó khăn lớn là từ mission được dịch ra nhiều từ khác nhau: sứ vụ, sứ mệnh, truyền giáo, thừa sai. Cho nên: có khi sứ vụ không thể thay thế truyền giáo và ngược lại, chẳng hạn không ai nói cánh đồng truyền giáocánh đồng sứ vụ, hoặc không ai nói giáo hội phát sinh từ truyền giáo nhưng nói là giáo hội phát sinh từ sứ vụvì sứ vụ. Cha Huỳnh Trụ còn thêm rằng nói truyền đạo đúng hơn là truyền giáo vì truyền đạo là dạy đạo, để giữ đạo và sống đạo, chớ không ai nói truyền giáo là dạy giáo để giữ giáosống giáo. Vả lại ai cũng biết Chúa Giêsu và các tông đồ không lập đạo mới, không truyền giáo hay truyền đạo mà chỉ rao giảng loan báo Phúc âm để Phúc âm hóa nhân loại thôi.
    • Năm 2012 bản tin Hiệp thông của HĐGMVN số 73 có 2 bài về Truyền giáo – Phúc âm hóa. Bài của Đ.Ô. Giuse Đinh Đức Đạo có viết rằng: “evangelizatio có thể dịch là Phúc âm hóa hay loan báo Tin mừng. Từ “Misio” mà người ta thường dịch là “truyền giáo” thì ĐTC Phaolô cũng dùng, nhưng không theo nghĩa “truyền giáo” mà theo nghĩa chung là sứ vụ hay sứ mệnh – như vậy câu ở trên đã coi truyền giáo và Phúc âm hóa cũng là một và truyền giáo không phải là khía cạnh hay phương tiện của Phúc âm hóa. Cũng trong bài này đức ông cũng đưa ra số thống kê từ năm 1970 diễn tả Miền Nam, lúc đó Đất Nước còn chia hai Nam Bắc, nhưng những số thống kê từ năm 1990 phản ánh tình trạng Đất Nước Việt Nam và tỉ lệ người công giáo coi như dậm chân tại chỗ”. (năm 1990 dân số cả nước 63.286.000 tỉ lệ công giáo là 6,86%, năm 2010 dân số 86.927.700 tỉ lệ công giáo là 7,11%). Tôi có ý nghĩ: phải chăng vì chúng ta mới chỉ truyền giáo hoặc rao giảng, loan báo Phúc âm mà thôi, chưa thực sự Phúc âm hóa chính mình nên đã chưa thể Phúc âm hóa người khác.”

Còn bài thứ 2 của linh mục Phan Tấn Thành về “ Loan báo Tin mừng, tái loan báo Tin mừng” trong số 73 này, trang 39, cha Thành có nói về Phúc âm hóa-Truyền giáo, và cho biết “Tông huấn Evangelii nuntiandi đã làm đảo lộn mối tương quan giữa Missio và evangelizatio.Trước đây (trong sắc lệnh Ad gentes số 6) evangelizatio ám chỉ một khía cạnh của công tác truyền giáo (missio). Bây giờ, evangelizatio bao trùm toàn thể hoạt động của Hội thánh, trong đó missio chỉ là một lãnh vực của nó.” Những nhận định của cha Thành chứng tỏ ngài đã hiểu đúng sắc lệnh Ad gentes cũng như nắm vững rằng giáo huấn của đức Phaolô VI đã đảo lộn để phân biệt và đánh giá đúng ý nghĩa cốt yếu của evangelizatio đối với missio. Cha Thành còn thêm rằng “Tông huấn về Phúc âm hóa đã nhấn mạnh là trước khi Hội thánh lên đường loan báo Tin mừng thì cần phải hoán cải theo Tin mừng đã.” Nói cách khác, đối tượng loan báo Tin mừng không phải chỉ là thế giới mà là chính các phần tử của Hội thánh ( vì các phần tử của Hội thánh không cần được truyền giáo nữa nhưng luôn luôn cần được Phúc âm hóa).

  • Năm 2014 bản tin Hiệp thông của HĐGMVN số 80 có bài “Đọc Tông huấn Evangelium Gaudium” của đức cha Phêrô Nguyễn văn Khảm, văn phòng thư ký HĐGMVN. Ngài dịch đầu đề là “ Niềm vui Phúc âm”, và dịch évangélisation là Phúc âm hóa trong toàn bài, chỉ có 3 lần nói đến “ động lực thiêng liêng của truyền giáo”, “ hành trình truyền giáo” và “nỗ lực truyền giáo”.
  • Năm 2016, báo Tin mừng Chúa nhật số 2 tháng 1 năm 2016 có đăng bài “Phúc âm hóa đời sống” rất ngắn gọn trong một trang báo của Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn. Ngài đã dùng Phúc âm hóa 6 lần nhưng không có lấy một từ truyền giáo. Bài viết còn có điểm độc đáo là đem Phúc âm hóa hội nhập vào văn hóa Á đông để “Phúc âm hóa việc tu thân, Phúc âm hóa việc tề gia, Phúc âm hóa việc trị quốc”, rất đúng với giáo huấn của đức Phaolô VI là Phúc âm hóa phải bao quát mọi khía cạnh của đời sống con người, gia đình, và xã hội.
  • Cũng năm 2016, bản tin Hiệp thông số 92” chuyên đề truyền giáo” có bài “Học hỏi và thực hành niềm vui Tin mừng” của linh mục Ngô Quang Tuyên. Ngài dịch évangélisation là loan báo Tin mừng (hay Phúc âm hóa) nhắc đi nhắc lại tới 3 lần (trang 8,9) và dịch action évangélisatrice là hoạt động truyền giáo. Như vậy là vẫn coi évangélisation chỉ là loan báo Tin mừng, và action évangélisatrice, tức là truyền giáo.

– Cuối số 92 của bản tin Hiệp thông cũng đăng bài “Tân Phúc–âm–hóa hay Tân-Phúc-âm hóa?” của linh mục Huỳnh Trụ, trong bài này ngài dùng hai trang để tổng kết cách chính xác về giá trị vô song của từ Phúc âm hóa, trước khi bàn đến Tân Phúc âm hóa. Tôi xin tóm tắt vào bốn điểm:

  • Trong Phúc âm hóa có từ hóa vừa tạo ý nghĩa làm cho biến đổi, làm cho thấm nhuần, làm cho trở thành.
  • Phúc âm hóa được thực hiện vừa bằng lời nói vừa bằng chứng tá đời sống cũng như bằng những hoạt động để biến đổi mọi sự cho hợp với tinh thần phúc âm.
  • Phúc âm hóa vừa ngắn gọn, lại có nội dung rất phong phú bao quát và diễn tả đầy đủ ý niệm evangelization hơn là các từ loan báo tin mừng, rao giảng phúc âm, truyền giáo, truyền giảng, truyền bá.
  • Phúc âm hóa hội đủ những điều kiện mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn đề ra về nội dung để tạo một từ chuyên môn, đó là: “mỗi ý phải có một từ để gọi – từ ấy phải riêng về ý ấy – một ý đừng có nhiều từ – từ phải làm cho dễ nhớ đến ý ấy – từ phải thành một toàn thể duy nhất và liên lạc. Theo như thế, từ truyền giáo không hội đủ các điều kiện như từ phúc âm hóa. Đó là chưa nói đến từ truyền giáo đã gây “dị ứng”, bất lợi và bất tiện, khi người công giáo Việt Nam muốn truyền giáo cho anh chị em của các tôn giáo bạn như Phật giáo, Hòa hảo, Cao đài…
  1. Để kết.

Thu thập những cách hiểu khác nhau về Phúc âm hóa và Truyền giáo, tôi chỉ mong muốn một điều là giúp độc giả dù chỉ có lương tri thôi có dịp đối chiếu các cách hiểu khác nhau với giáo huấn của giáo hội trong các Tông huấn, để đánh giá và hiểu cho đúng, bởi vì có hiểu đúng mới sống đúng để đạt mục đích. Tôi cũng mong được các vị có thẩm quyền chỉ giáo.

          Sau khi đưa bài “Phúc âm – Tin mừng – Cứu độ” vào trang tin gpcantho.com tôi nhận được một số hồi âm, đặc biệt một hồi âm của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đề nghị tôi: “Đặt vấn đề với Ban Thường Vụ HĐGMVN để đưa ra hội nghị các giám mục, HĐGM chỉ định một Ủy Ban nghiên cứu và trình lại”. Nhưng tôi không dám đâu.

          Mời đón xem bài tới về “Người Phúc âm hóa với Chúa Thánh Thần”.

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà hưu dưỡng Linh mục Cần Thơ, 2016