Bài 5: Bài Chia Sẻ Về Căn Tính Linh Mục

print

Bài 5:

BÀI CHIA SẺ

VỀ CĂN TÍNH LINH MỤC

Dịp Tĩnh Tâm Linh Mục

Giáo Phận Cần Thơ 2009

Thứ năm 15 – 01 – 2009

Cha quản hạt Đại hải đã phân công cho con chia sẻ Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay, mừng các linh mục đã chịu chức được 50 năm, mừng các linh mục bước vào tuổi lục tuần, thất tuần, bát tuần. Con thấy trong dịp này không gì chính đáng và thích hợp hơn là chia sẻ về căn tính linh mục, về chức linh mục, để tất cả chúng ta vừa tạ ơn Chúa, vừa hiểu sâu hơn về chức linh mục.

Nói đến căn tính linh mục, con nhớ ngay đến kỳ cấm phòng năm ngoái, đức cha Đọc giảng phòng và đức cha phó chúng ta đã giới thiệu hai tài liệu về căn tính linh mục mà các ngài họp Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu năm 2007 ở Thái Lan đem về, tài liệu của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu thường do các chuyên viên về thần học và mục vụ, đã để tâm nghiên cứu đến nơi đến chốn trong bối cảnh Á Châu, rồi chia sẻ các kinh nghiệm thiết thực của mình, chứ không phải chỉ lý thuyết suông. Vì thế, con đã nghiền ngẫm, đối chiếu với hoàn cảnh ở Việt Nam, và rút ra từ hai tài liệu đó 2 điểm chia sẻ hôm nay.

Điểm thứ 1: Tài liệu cho biết đã có khủng hoảng về căn tính linh mục. Sau khi Công Đồng Vatican II trình bày giáo lý về việc tham gia chức tư tế phổ quát và chức tư tế thừa tác của Đức Kitô, cũng như xác định về độc thân linh mục, bên Âu Mỹ đã xãy ra một khủng hoảng về căn tính linh mục mà hậu quả là hàng ngàn linh mục xin hồi tục, rồi các thập niên sau đó, số ơn gọi làm linh mục sút giảm hẳn. Còn các linh mục không hồi tục thì tiếp tục sống trong khủng hoảng. Khủng hoảng là tình trạng rối loạn, mất quân bình nghiêm trọng do có những mâu thuẫn chưa hoặc không được giải quyết trong đời sống. Tài liệu cho biết, ngày nay khủng hoảng đó dường như đi từ xấu đến xấu hơn, tài liệu có phác hoạ nhiều trường hợp như là bằng chứng đã có những khúc mắc có thực về căn tính linh mục. Khúc mắc là những cái khó nói ra và khó giải quyết. Ở đây con chỉ xin trích 5 trường hợp có thể có ở Việt Nam.

Trường hợp 1: Linh mục có khuynh hướng hoà đồng, chịu chơi với người đời, trong việc tiện nghi nhà cửa, ăn uống nhậu nhẹt, kinh doanh dịch vụ, giải trí giải lao, hoà đồng đến nỗi không còn là men trong bột nữa.

Trường hợp 2: Linh mục thông minh, có năng lực, làm việc có phương pháp, nhưng không chấp nhận quan điểm khác của các thành viên khác trong linh mục đoàn, cha hay phê bình, bất khoan dung với phần đông, cha bị cô lập, cha như người cùi đã mất cảm giác, mất khả năng hiệp thông.

Trường hợp 3: Linh mục vui tính, tỏ vẽ rất thân thiện, bận rộn và hiếu động trong mọi lãnh vực, trừ lãnh vực mục vụ. Ai phàn nàn, cha càng bất bao dung và trả đũa họ. Cha đã mắc bệnh dị ứng với việc truyền giáo.

Trường hợp 4: Linh mục mẫu mực trong kinh sách lễ lạt, nhưng khép kín, rất ít bạn bè trong linh mục đoàn; Cha không ngần ngại tẩy chay người nào xích mích với cha.

Trường hợp 5: Linh mục còn trẻ nhiều tài năng, dễ thu hút, nhưng đã có lời tố cáo cha thân thiết một cách quá mức không lành mạnh với các cô gái trẻ, vết thương tình cảm này đã không được giải quyết trong huấn luyện.

Tài liệu kết luận rằng có những khủng hoảng như vậy là do chưa hiểu đúng về căn tính linh mục, chưa được huấn luyện để trưởng thành về tình cảm và xã hội, như căn tính linh mục đòi hỏi. Do đó điểm thứ hai con muốn chia sẻ là nắm vững căn tính linh mục.

Điểm thứ 2: tài liệu cho biết về căn tính linh mục. khủng hoảng về căn tính linh mục đã khiến toà thánh phải quan tâm suy nghĩ, nghiên cứu suốt 40 năm qua. Thực vậy, ngay năm 1967, Đức giáo hoàng Phaolô VI đã phải “lo ngại và khổ tâm” soạn thông điệp về độc thân linh mục. Rồi Đức Gioan Phaolô II, ngay từ năm 1979, hàng năm vào thứ năm tuần thánh cho đến khi qua đời năm 2005, đều có thư gửi các linh mục. Năm 1992 thượng Hội Đồng Giám Mục bàn về Đào Tạo Các Linh Mục. Năm 1994 Bộ giáo sĩ ấn hành Chỉ Nam Linh Mục. Năm 1995 Bộ gửi Sứ Điệp Về Chức Linh Mục. Năm 1999 Bộ gửi thư Luân Lưu Về Chức Linh Mục. Năm 2002 Bộ ra huấn thị trình bày đầy đủ rõ ràng hơn về căn tính linh mục. Các văn kiện đều nhận định rằng có nắm vững căn tính linh mục mới vượt qua được khủng hoảng. Do đó mà liên tục các văn kiện ra đời để suy tư, đào sâu hơn về căn tính linh mục. Tài liệu đã đúc kết và cho biết: Căn tính linh mục cốt tại việc linh mục nhờ Bí Tích Truyền Chức Thánh, được Chúa Thánh Thần xức dầu và ghi ấn tín đặc biệt, để linh mục có thể hành động với tư cách là hiện thân của Chúa Kitô, Thủ lãnh và Mục tử, và cũng là hiện thân của giáo hội. Hành động với tư cách là hiện thân của Chúa Kitô, và hiện thân của giáo hội nhằm mục đích thánh hoá, cứu chuộc loài người. Như thế, căn tính cốt yếu và khác biệt nhất của linh mục là thánh thiện. Tài liệu cho biết ở Á Châu, dân chúng không trông chờ linh mục của họ là những nhà quản trị hành chánh, hoặc các nhà hoạt động xã hội và xây cất… nhưng là những người thánh thiện. Sự thánh thiện này cốt tại hai yếu tố chính: Đó là cầu nguyện và hiến thân phục vụ.

  • Yếu tố thứ nhất: Cầu nguyện. Cầu nguyện là có tương quan mật thiết với Thiên Chúa, được biểu hiện trong việc linh mục nghiêm chỉnh đọc kinh Thần vụ, và cử hành Thánh lễ cũng như các bí tích, cử hành với tư cách là hiện thân của Chúa Kitô và hiện thân của Giáo hội.
  • Yếu tố thứ hai: Hiến thân phục vụ. Hiến thân phục vụ là có tương quan tốt đẹp với hết mọi người, không kỳ thị phân biệt nữ hay nam, giàu hay nghèo, đạo đức hay tội lỗi; hiến thân phục vụ được biểu hiện trong việc linh mục sống đời độc thân toàn vẹn, nghĩa là dành trọn trái tim cho Thiên Chúa, cho Giáo hội và cho mọi người; là làm chủ nhu cầu thân mật của mình, không độc chiếm một nữ tu, một phụ nữ, một trẻ em nào; là không sống nước đôi, vừa làm cha đạo, vừa làm bố đời; là không dành ưu tiên cho tình, tiền và tửu, là giữ những ranh giới không bao giờ vượt qua, nếu vượt qua là đi ngược lại sự cam kết sống độc thân của mình. Ngoài ra, ở Á Châu còn phải tương quan tốt đẹp với các tôn giáo bạn, với các nền văn hoá địa phương, và dành ưu tiên cho những người cùng khổ.

Linh mục lo hành động với hiện thân của Chúa Kitô và của Giáo hội, nhưng cũng luôn khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ là “những bình sành” (2 Cor 4, 7). Vì thế Đức giám mục Helder Camara đã góp ý rất hay rằng: “Thánh thiện nghĩa là trỗi dậy ngay lập tức với lòng khiêm tốn vui vẻ mỗi khi sa ngã. Thánh thiện không phải là không bao giờ phạm tội, nhưng là có thể thưa với Chúa rằng: Con đã sa ngã một ngàn lần, nhưng nhờ ơn Chúa, con đã trỗi dậy một ngàn lẻ một lần”

Như vậy, chỉ khi nắm vững và sống đúng căn tính của mình, vua ra vua, tôi ra tôi, giám mục ra giám mục, linh mục ra linh mục, được biểu hiện trong việc cầu nguyện và hiến thân phục vụ, sống đời độc thân toàn vẹn, thì mới vượt qua được khủng hoảng. Tóm lại, linh mục có sống đúng căn tính cốt yếu nhất của mình là Thánh Thiện là hai T, thì mới có thể đánh bại được 3 T, là tình, tiền và tửu.

Để kết thúc, con xin chia sẻ kinh nghiệm của con trong việc cố gắng sống đúng căn tính linh mục, đó là viết Phúc âm thứ 5. Kỳ cấm phòng năm ngoái, con đã tặng quý cha tập Phúc âm thứ 5, trong đó nói về việc viết Phúc âm thứ 5 bằng đời sống. Hằng ngày con đọc Phúc âm, con suy niệm về lối sống và hành động Phúc âm nêu lên, chẳng hạn Phúc âm hôm nay nêu lên Chúa Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào người cùi và chữa lành anh (x.Mc 1, 40-45); rồi con suy nghĩ tìm cách ghép lối sống của con vào lối sống mà phúc âm dạy, để khi con gặp ai, con cố gắng sống và hành động với tư cách là hiện thân của Chúa Kitô và hiện thân của Giáo hội, tuỳ theo khả năng và hoàn cảnh hôm nay của con, chẳng hạn con sẵn sàng làm được gì hữu ích và vui lòng người con gặp. Đó là con viết lại Phúc âm của Chúa bằng đời sống của con, con viết Phúc âm thứ 5 của con vậy. Amen

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng