Bài 54: Trọng Kính Đức Cha Về Đề Tài “Được Thanh Tẩy”

print

Bài 54:

TRỌNG KÍNH ĐỨC CHA

VỀ ĐỀ TÀI “ĐƯỢC THANH TẨY”

Đức cha đã chọn đề tài “Được thanh tẩy và được sai đi”, sứ mạng Phúc Âm hoá của mọi tín hữu Chúa Kitô, đó là đức cha đã chọn trình bày về “sứ mạng Phúc Âm hoá của mọi tín hữu Chúa Kitô”,  thì theo con nghĩ, cho tới nay chưa có tài liệu nào của Tòa thánh trình bày một cách đầy đủ, mới mẻ, độc đáo, hợp thời, bằng Tông Huấn Evangelii Nunctiandi (1975). Nên biết là Bộ Truyền giáo đã được đổi tên với cuộc cải tổ giáo triều  sau Công Đồng Vatican II(1578 – 1967), từ “S. Congregatio de Propaganda Fide” sang ” S.C pro Evangeligatione gentium (Báo Hiệp Thôngsố 73trang 58). Thế mà cho đến 2018, Giáo Hội Việt Nam vẫn say mê với “truyền giáo” mà người đời hiểu là tuyên truyền về đạo, một chuyện lỗi thời đối với thời nay! 

Các nghị phụ đã tập trung để soạn Tông Huấn này như một “chỉ dẫn tổng quát về sức mạng Phúc Âm hoá”, gồm 7 chương, xin dịch lại rồi trích dẫn những gì cốt yếu sau đây:  

Chương I: Ai Có Sứ Mạng Phúc Âm  Hóa?

  1. Chính Chúa Giêsu là chủ chốt và trung tâm thi hành sứ mạng Phúc Âm Hóa. Rồi trước khi về trời Chúa trao cho Giáo Hội  mà Người đã Phúc – Âm – hóa chính sứ mạng của người.
  2. Giáo Hội Chúa Kitô được phát suất và được Phúc Âm hóa từ  việc Phúc Âm  hóa của Chúa Giêsu và các tông đồ, cũng được sai đi để thi hành sứ mạng Phúc – Âm – hóa thế giới.
  3. Các Kitô hữu đã được phúc  đã được Phúc – Âm – hóa cũng được Chúa Giêsu và Giáo Hội sai đi thi hành sứ mạng Phúc – Âm – hóa cho muôn dân đến tận thế.

Chương II: Phúc Âm  hóa là gì?

Tông huấn đề nghị một định nghĩa về Phúc – Âm – hóa , nhưng thú thật rằng không thể định nghĩa cho toàn vẹn được mà chỉ nêu mục đích cốt yếu là biến đổi hoặc hoán cải từ bên trong cá nhân và xã hội, nhờ sức thiêng của Phúc Âm . Và sau khi được Phúc – Âm – hóa  các Kitô hữu phải tiếp tục thi hành sứ mạng Phúc – Âm – hóa  người khác và xã hội.

Chương III: Nội dung Phúc Âm  hóa là gì?

  1. Trước hết là làm chứng về Thiên Chúa là Cha đã được đức Giêsu Kitô là Con xuống thế mặc khải cho mọi người trong Chúa Thánh Thần.
  2. Làm chứng rằng trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa Cha đã yêu mến thế gian và trong Ngôi Lời Nhập Thể Chúa Cha đã ban cho mọi vật được hiện hữu, được gọi là Con của Chúa Cha và là anh em của nhau.
  3. Công bố rằng trong đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa đã chịu chết và sống lại, ơn cứu rỗi đã được ban cho mọi người và thế giới, để họ được giải thoát khỏi mọi sự dữ, và được đạt tới Nước Trời.

Chương IV: Phương pháp của Phúc Âm  hóa là gì?

  1. Làm chứng bằng một đời sống đích thực.
  2. Rao giảng Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội .
  3. Dạy Giáo Lý (huấn giáo) phải nhằm giáo dục nếp sống đức tin, chứ không để chỉ mở mang trí thức.
  4. Dùng các phương tiện truyền thông hiện đại: phát thanh, truyền hình, máy điện toán… cho đại chúng.
  5. Tiếp xúc cá nhân giữa người với người.
  6. Sống theo các đòi hỏi của mỗi bí tích.
  7. Định hướng cho các hoạt động đạo đức bình dân như hành hương, thăm viếng các nơi Thánh.

 Chương V: Phúc Âm  hóa cho những ai?

  1. Trước hết những người hoàn toàn chưa biết gì về Chúa Giêsu Kitô và Phúc Âm của người.
  2. Những người chỉ biết lơ mơ hoặc sơ sài về đạo.
  3. Những người đang theo các tôn giáo ngoài Kitô giáo.
  4. Những tín hữu đang gặp thử thách và đe dọa về đức tin.
  5. Những người không tin, vô thần, chối Chúa.
  6. Những người không giữ đạo.
  7. Những đám đông dân chúng bơ vơ như đàn chiên không ai chăn dắt.
  8. Những tụ họp trong những cộng đồng nhỏ ở cơ sở.

Chương VI: Những thợ làm việc Phúc Âm hóa là ai và phải thế nào?

  1. Những thợ làm việc Phúc – Âm – hóa là: người kế vị thánh Phêrô, các giám mục kế vị các tông đồ, các linh mục, tu sĩ và giáo dân.
  2. Những thợ làm việc Phúc Âm cần phải chuẩn bị nghiêm chỉnh những gì?
  3. Phải nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.
  4. Phải là chứng nhân đích thật.
  5. Phải là người xây dựng hiệp nhất.
  6. Phải phục vụ chân lý.
  7. Phải có lòng yêu thương ngày càng lớn hơn  mãi đối với người được mình Phúc – Âm – hóa .
  8. Phải có nhiệt tình của các thánh.

Trên đây là bản tóm lược những điểm cốt yếu liên quan đến sứ mạng Phúc – Âm – hóa , giúp có một cái nhìn tổng quát. Sau đây là phần trích dịch nguyên văn các chi tiết cốt yếu được trình bày trong các số của Tông Huấn.

Chương I: Ai có sứ mạng Phúc – Âm – hóa .

Tông huấn cho biết:

  1. Chính Chúa Giêsu làm chứng mình có sứ mạng Phúc – Âm – hóa .“Tôi còn phải loan báo Phúc Âm Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4, 43) (số 6).  Chính Chúa Giêsu là Phúc Âm của Thiên Chúa, là Đấng Phúc – Âm – hóa  đầu tiên và vĩ đại nhất (số 7), là nòng cốt và trung tâm của Phúc Âm . Người thi hành sứ mạng bằng cách loan báo ơn cứu rỗi để giải thoát con người khỏi tội lỗi và Ác Thần suốt dọc đời Người và Người thực sự đạt được bằng sự chết và sống lại của Người (số 9). Lời rao giảng của Người làm mọi người thán phục (số 11), các dấu chỉ phép lạ Người làm khiến nhiều người tin Người (số 12), những người thán phục và tin Người thì được Người Phúc – Âm – hóa  và tụ họp thành cộng đoàn là Giáo Hội. Rồi Chúa Giêsu lại trao sứ mạng Phúc – Âm – hóa của Người cho Giáo Hội “hãy đi rao giảng Phúc Âm ” (số 13). Như thế Giáo Hội nhận được ân huệ và ơn gọi là: Phúc – Âm – hóa muôn dân. Đây chính là căn tính sâu xa đặc biệt của Giáo Hội (số 14).
  2. Giáo Hội có sức mạnh Phúc – Âm – hóa . Giáo Hội phát sinh từ việc Phúc – Âm – hóa của Đức Giêsu và 12 tông đồ. Giáo Hội là hoa trái tất nhiên do ý muốn trực tiếp nhất và dễ thấy nhất của các ngài. Đó là “những người đã đón nhận Lời của các ngài để được rửa tội, và khoảng 3.000 người đã theo các ngài”(Cv 2,41) (số 15). Nhận được sứ mạng do Chúa sai đi nên Giáo Hội bắt đầu phải Phúc – Âm – hóa chính mình. Giáo Hội luôn cần được Phúc – Âm – hóa , được đổi mới theo Phúc Âm, nếu Giáo Hội muốn giữ được vẻ tươi mát của lòng hăng say và sức mạnh để loan báo Phúc Âm. Giáo Hội tự Phúc – Âm – hóa mình bằng một cuộc trở lại và liên tục đổi mới để Phúc – Âm – hóa thế giới một cách đáng tin (số 15).
  3. Kitô hữu có sứ mạng Phúc – Âm – hóa . Giáo Hội đã được Chúa Phúc – Âm – hóa và sai đi Phúc – Âm – hóa thì Kitô hữu của Giáo Hội phải thi hành sứ mạng Phúc – Âm – hóa . Giáo Hội đặt nơi miệng họ Lời cứu rỗi, cắt nghĩa cho họ sứ điệp mà chính Giáo Hội đã ký thác, trao cho họ lệnh truyền mà chính Giáo Hội lãnh nhận và Giáo Hội sai họ đi rao giảng. Họ đi rao giảng một Phúc Âm mà không phải chính họ hay Giáo Hội làm chủ hay sở hữu tuyệt đối để sử dụng tùy ý mình, nhưng họ và Giáo Hội chỉ là những thừa tác viên để truyền đi một cách triệt để trung tín (số 15).

Chương II: Phúc Âm hoá là gì?

Tông huấn phải thú thật rằng: “không dễ gì diễn tả trong một tổng hợp đầy đủ: ý nghĩa, nội dung, các cách thức của việc Phúc – Âm – hóa như Đức Giêsu đã quan niệm và thực hiện. Có tổng hợp cũng không bao giờ xong được” (số 7). “Không một định nghĩa từng phần hay từng mảnh nào lột hết được lý lẽ của một thực tiễn phong phú, phức tạp và năng động như là việc Phúc – Âm – hóa , trừ phi đành liều để cho nó trở thành nghèo nàn và còn què quặt nữa. (Số 17). Và Tông Huấn định nghĩa: “Phúc – Âm – Hóa là mang Phúc Âm vào tất cả mọi môi trường nhân loại, và nhờ tác động của Phúc Âm, làm biến đổi từ bên trong, làm cho chính nhân loại nên mới! Nhưng không có nhân loại mới nếu không có trước hết những con người mới, mới nhờ bí tích thánh tẩy và nhờ sống theo Phúc Âm. Như thế mục đích của Phúc – Âm – hóa chính là sự thay đổi từ bên trong, và nếu phải trình bày trong một tiếng thì tiếng đúng nhất là Giáo Hội Phúc – Âm – hóa , khi chỉ nhờ sức thiêng của sứ điệp mà Giáo Hội công bố, Giáo Hội tìm cách hoán cải cùng một lúc lương tâm cá nhân và tập thể của mọi người,  hoạt động mà trong đó họ đang dấn thân, đời sống và môi trường cụ thể của chính họ (số 18). Sau hết, người đã được Phúc – Âm – hóa đến lượt mình lại Phúc – Âm – hóa người khác (Số 24).

Chương III:Nội dung của Phúc Âm  Hóa là gì?

Hiểu ý nghĩa và mục đích của Phúc – Âm – hóa rồi, ta đi vào chi tiết nội dung của Phúc – Âm – hóa . Nội dung hay bản chất của Phúc – Âm – hóa được Tông huấn giải nghĩa là:

  • Làm chứng một cách giản dị và trực tiếp về Thiên Chúa là Cha, đã được Đức Giêsu Kitô là Con mặc Khải trong Chúa Thánh Thần.
  • Làm chứng rằng trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa Cha yêu mến thế gian, và trong Ngôi Lời Nhập thể Chúa Cha đã ban cho mọi vật được hiện hữu và đã kêu gọi mọi người đạt tới sự sống đời đời, mọi người được gọi là con của Cha và do đó trở thành anh em với nhau (số 26).
  • Công bố rõ ràng rằng trong Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa đã chịu chết và sống lại, ơn cứu rỗi đã được ban cho mọi người như tặng phẩm của ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa (số 27), để giúp con người và thế giới được giải thoát khỏi mọi sự dữ (số 28), và được thăng tiến nhờ Phúc Âm hầu đạt tới Nước Thiên Chúa (số 34). Tuy nhiên con người phải chứng tỏ mình xứng đáng nhận ơn cứu độ giải thoát bằng “hoán cải con tim và cái nhìn của mình” theo Phúc Âm (số 35, 36).

Chương IV:Phương pháp của Phúc – Âm – hóa là gì?

Trước hết:

  1. Phương pháp thứ nhất cần nhấn mạnh là làm chứng bằng một đời sống Kitô hữu đích thực: “người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe các thầy dạy thì bởi vì các thầy dạy cũng là những  chứng nhân”. Chứng nhân vì sống trung thành với Chúa Giêsu sống khó nghèo và siêu thoát, không lệ thuộc các quyền lực thế gian, tắt một lời, sống thánh thiện (số 41).
  2. Sau đó là rao giảng Lời Chúa. Thánh Phaolô đã nói: “làm sao họ tin Đấng họ không được nghe”? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà “rao giảng nếu không được sai đi”. (Rm 10,14). Tông Huấn nhắc nhớ phải rao giảng: “giản dị, sáng sủa, trực tiếp, thích hợp, gắn bó sâu xa với lời dạy của Phúc Âm và trung thành với giáo huấn của Giáo Hội ”(số 43).
  3. Việc huấn giáo hay dạy giáo lý “phải nhằm giáo dục nếp sống Kitô hữu, chứ không phải chỉ là chuyện trí thức mà thôi”. (Ở Giáo Hội Việt Nam dạy giáo lý còn nghiêng về thi khảo học thuộc lòng chưa thực sự giáo dục đức tin và làm chứng) (số 44).
  4. Hãy dùng các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại, vì “Giáo Hội xem chúng như một tòa giảng theo kiểu hiện đại và hiệu nghiệm, nhờ chúng mà Giáo Hội nói được với đại chúng” (số 45).
  5. Cũng cần phải tiếp xúc cá nhân giữa người với người như Chúa Giêsu thường thực hành với Nicôđêmô, với Giakêu với phụ nữ xứ Samari, với Simon biệt phái (số 46).
  6. Phúc – Âm – hóa phải dẫn đến việc sống theo các bí tích thánh tẩy, thêm sức, thánh thể… Chứ không phải chỉ lãnh nhận một cách thụ động hoặc chỉ chịu đựng mà thôi (số 47).
  7. Ngày nay còn phải Phúc – Âm – hóa những tình cảm tôn giáo mà người bình dân thường có, chúng mở ngỏ cho nhiều hình thức dễ lệch lạc về tôn giáo hay văn hóa lẫn lộn với mê tín dị đoan (như ở Việt Nam các thứ hành hương thánh địa, đền Trần, Đền Hùng, vía bà Châu Đốc…) Giáo Hội cần phải định hướng cho chúng trở thành một thứ đạo đức bình dân “biểu lộ một lòng khao khát tình thương xót, sự quan phòng, sự hiện diện yêu thương và chung thủy của Thiên Chúa, mà chỉ những kẻ đơn sơ và nghèo khó mới có được” (số 48).

Chương V: Phúc – Âm – hóa cho những ai?

Tông Huấn kể ra:

  1. Trước hết những người hoàn toàn chưa biết gì về Chúa Giêsu Kitô và Phúc Âm của Người (số 51).
  2. Những người chỉ biết lơ mơ hoặc sơ sài về đạo Chúa, hoặc quen biết sơ sơ người có đạo (số 52).
  3. Những người đang theo các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Giáo Hội coi tất cả họ đang dò dẫm tìm tòi về Thiên Chúa, về con người và định mệnh con người, về sự sống và sự chết, về sự thật. Giáo Hội thấy mình “có trách nhiệm trước toàn bộ các dân tộc, để công bố Phúc Âm của Chúa Kitô Đấng Cứu Thế”. (Số 53).
  4. Những tín hữu đang gặp thử thách và bị đe dọa về đức tin, không hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội (số 54).
  5. Những người không tin, coi mình là vô tín ngưỡng, vô thần, hoặc chối bỏ Thiên Chúa, chọn khoái lạc làm giá trị tối thượng (số 55).
  6. Những người không giữ đạo với những lý lẽ chống cự lại Phúc Âm của Chúa, thù nghịch lại với những người giữ đạo (số 56).
  7. Những “đám đông dân chúng vất vưởng bơ phờ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36) (số 57).
  8. Những người ở trong các  cộng đồng cơ sở nhỏ, có khi thuộc Giáo Hội, có khi “triệt để phản đối Giáo Hội”, Giáo Hội vẫn sẵn sàng đón nhận họ vào hiệp thông trong Giáo Hội (số 58).

Chương VI: Những thợ làm việc Phúc – Âm – hóa là ai phải thế nào?

Công đồng dạy: “Toàn thể Giáo Hội là được sai đi. Việc Phúc – Âm – hóa là một nghĩa vụ căn bản của dân Thiên Chúa”.

  1. Như thế, những thợ làm việc Phúc – Âm – hóa trước hết là: người kế vị thánh Phêrô, rồi các giám mục những người kế vị các tông đồ, sau là các linh mục cộng tác với các giám mục(số 67 68).Còn các tu sĩ được thánh hiến để cùng với hàng giáo phẩm Phúc – Âm – hóa (số 69). Sau cùng là giáo dân sống trong gia đình và ở giữa xã hội trần thế (số 70). “Tất cả những người làm công việc Phúc – Âm – hóa điều cần phải được chuẩn bị nghiêm chỉnh… Phải lo Đào tạo thích đáng các thừa tác viên giảng Lời (số 73).
  2. Những thợ làm vườn nho chúa cần chuẩn bị nghiêm chỉnh những gì?

Cần chuẩn bị các thái độ nội tâm cần thiết, bao gồm:

  1. Phải nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Giêsu đã được Chúa Thánh Thần hiện đến khi chịu phép rửa và được Chúa Thánh Thần dẫn vào hoang địa, đưa đến nazareth để giảng trong Hội đường, Chúa Giêsu thổi hơi để ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ… Các thánh tông đồ được Chúa Thánh Thần hiện xuống rồi mới đi rao giảng Phúc Âm. Chỉ nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà việc Phúc – Âm – hóa mới đạt tới đích (số 75).
  2. Thợ làm việc Phúc – Âm – hóa phải là chứng nhân đích thực: “Ngày nay thiên hạ luôn luôn vặn hỏi chúng ta: Các người có thực sự tin điều khác người loan báo không? Các người có sống điều các người tin không? Các người có rao giảng thục sự điều các người sống không? Hơn bao giờ hết, việc làm chứng bằng đời sống đã trở thành một điều kiện cốt yếu để việc rao giảng có hiệu quả thâm sâu. Tông huấn nhấn mạnh cho “hàng giám mục, linh mục và phó tế, tu sĩ, giáo dân”. Rằng thế giới đòi hỏi và chờ đợi ở chúng ta đời sống giản dị, tinh thần cầu nguyện, lòng yêu thương đối với mọi người, nhất là đối với những kẻ bé mọn và nghèo khó, đức vâng phục và khiêm tốn, sự siêu thoát và từ bỏ chính mình… Không có dấu hiệu về sự thánh thiện được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện và nhất là bằng yêu Mến Thánh Thể … Lời chúng ta nói sẽ khó đi vào lòng con người thời nay. Nó có thể thành vô ích và vô hiệu qủa” (số 76).
  3. Thợ làm việc Phúc – Âm – hóa phải là người xây dựng hiệp nhất, vì hiệp nhất giữa các Kitô Hữu là đường lối và khí cụ để Phúc – Âm – hóa (số 77).
  4. Thợ làm việc Phúc – Âm – hóa phải phục vụ chân lý luôn tìm tòi chân lý đó không bao giờ phản bội hay che đậy chân lý, không làm lu mờ chân lý vì lười biếng (số 78).
  5. Thợ làm việc Phúc – Âm – Hóa phải có lòng yêu thương ngày càng lớn hơn mãi đối với những người được mình Phúc – Âm – hóa , lớn hơn tình thương của một nhà giáo dục, của một người cha,của một người mẹ… yêu thương thì tôn trọng hoàn cảnh tôn giáo và tinh thần của họ… Tránh làm tổn thương nhưng là chỗ dựa vững chắc cho họ (Số 79).
  6. Thợ làm việc Phúc – Âm – hóa phải có nhiệt tình của các thánh để loại bỏ sự thiếu nhiệt tình ngày nay, vịn cớ phải tôn trọng tự do tôn giáo hoặc người ta có thể được cứu rỗi bằng nhiều cách khác (số 80)

Để Kết:

Những phần trích dịch nguyên văn của Tông huấn nhằm giúp độc giả tiếp cận được những chỉ dẫn cụ thể của Tông huấn về sứ mạng Phúc – Âm – hóa , để tìm cách thực thi cho thật đúng nội dung, phương pháp để đào tạo được những thợ Phúc – Âm – hóa trở thành trước hết là: những người loan báo, công bố, và là chứng nhân cho Phúc Âm. Phải chi các Kitô hữu Việt Nam được Phúc – Âm – hóa nghiêm chỉnh từ năm 1975 đến nay thì đã có thể Phúc – Âm – hóa hữu hiệu hơn biết bao nhiêu…

Năm 2017 con có gặp một anh là giáo lý viên cấp cao đi dự đại hội giáo lý viên của ủy ban giáo lý của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam anh có đem về bản “Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý Tại Việt Nam” (năm 2017) gồm 3 phần, phần thứ 3 đề ra những hướng dẫn thực hành trong đó có tóm tắt trong 10 chữ nói về việc phải đào tạo giáo lý viên “trở nên thầy dạy, nhà giáo dục và chứng nhân”(sách số 61 trang 28). “Chỉ dẫn Tổng quát của Tòa thánh phát hành năm 1997, Đúng 20 năm sau thì “Hướng dẫn tổng quát” tại Việt Nam được công bố (2017). Con  có hỏi anh giáo lý viên rằng anh nghĩ gì sau khi đọc bài con viết về “sứ mạng Phúc – Âm – hóa của mọi tín hữu Việt Nam” anh cười và trả lời học để giảng dạy giáo lý thì có, nhưng để trở thành nhà giáo dục đức tin và chứng nhân của đức tin thì ít được nghe. Con bèn mượn câu châm ngôn tiếng anh để khuyên anh: “Better late than never”, nghĩa là muộn còn hơn là không bao giờ.

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Cần Thơ 2018