Bài 6:Tìm Hiểu Về Căn Tính Linh Mục

Bài 6:

TÌM HIỂU VỀ

CĂN TÍNH LINH MỤC

 

Có ba lý do thúc đẩy chúng ta đào sâu lại căn tính linh mục.

Lý do 1. Dịp kỉ niệm 30 năm Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, một hội nghị quốc tế do Bộ Giáo Sĩ tổ chức có chia sẻ rằng : ”Trong hòan cảnh xã hội và văn hóa hiện tại, để linh mục có thể là “muối, là men”, chúng tôi cho rằng nên đào sâu lại căn tính linh mục”.

Lý do 2. “Chính sự minh bạch và ý thức thường xuyên về căn tính riêng của mình, sẽ quyết định sự quân bình trong đời sống linh mục và từ đó có sự phong phú trong công việc mục vụ”.

Lý do 3. Hội nghị cũng xin “các giám mục tạo cho các linh mục những cơ hội thường xuyên hơn để suy nghĩ về căn tính linh mục của mình, bằng cách sử dụng những phưong thế hiệu quả nhất, như tĩnh tâm, những ngày đào sâu và gặp gỡ huynh đệ, những buổi hội thảo” (Sứ diệp của Hội nghị 1995).

Vậy hôm nay chúng ta cùng suy nghĩ lại về căn tính linh mục.

I. CĂN TÍNH LÀ GÌ ? CÓ MỤC ĐÍCH GÌ ?

Nhiều người dùng từ căn tính, một ít dùng từ chân tính, hoặc căn cước. Đây là một từ chìa khóa nên cần nắm vững nội dung để hiểu cho đúng. Người VN khỏang 15,16 tuổi là phải làm giấy chứng minh nhân dân hay căn cước. Giấy này ghi những điểm giúp nhận rõ về một người, để không lầm lẫn với bất cứ ai khác, như : họ và tên, ngày và nơi sinh, cha mẹ và đặc điểm nhận dạng, có dán ảnh, lăn tay, do chính quyền cấp. Các chi tiết trên cốt để xác định hay chứng minh những tính cách căn bản riêng biệt của một người, làm cho họ phân biệt với người khác. Đó là căn tính của họ. Vậy căn tính là những đặc tính căn bản của một người,

Căn tính nhằm 2 mục đích, thứ nhất giúp mọi người nhận biết mối tương quan của người đó với dân tộc, gia đình, tổ chức, nghề nghiệp …để tôn trọng phẩm giá, quyền lợi, nghĩa vụ của người đó; thứ hai giúp chính đương sự ý thức là họ phải có những tương quan nào và họ phải sống những tương quan đó cho đúng với căn tính của họ. Vì thế việc xác định và hiểu biết căn tính rất cần thiết cho xã hội cũng như cho chính đương sự để có tương quan tốt đẹp với nhau.

II. CĂN TÍNH LINH MỤC LÀ GÌ ?

Sắc lệnh về linh mục (1965) không trả lời trực tiếp về căn tính linh mục là gì mà chỉ bàn về thừa tác vụ, chức vụ và đời sống linh mục ; do đó sự hiểu biết lệch lạc đã gây ra khủng hoảng. Tông huấn đào tạo linh mục năm 1992 đã xác nhận :”Việc tìm hiểu cách xác thực và sâu sắc bản chất và sứ vụ của linh mục thừa tác là con đường phải theo để vượt qua cơn khủng hoảng về căn tính linh mục “ (số 11). Nên Tông huấn không theo lối cổ điển để trình bày và diễn giải về chức vụ và địa vị cao quí, quyền bính và mục đích của linh mục, nhưng đã dựa theo Kinh Thánh và lấy căn tính của ĐK là “nguồn mạch và nguyên mẫu duy nhất cho căn tính linh mục” (số 12). Đức Kitô giới thiệu trước hết là một người thuộc dân tộc Do Thái, tên là Giêsu, con ông Giuse và bà Maria (Lc 1,26-31) rồi KT mặc khải dần dần Ngài là ĐK Con TC hằng sống (Mt 16,16), và sau hết Ngài là Con một TC được sai đến để cứu thế gian (Ga 3,16) bằng thi hành ba sứ mệnh tiên tri (Mt 21,11) tư tế (1 Tm 2,5-6) và mục tử (Ga 10,10). Căn tính Đức Kitô là nguyên mẫu của linh mục, do đó ta soi vào nguyên mẫu để tìm ra căn tính linh mục.

  1. Căn tính linh mục là một con người, một công dân của một dân tộc.

ĐK là công dân Do thái, Ngài ưu tiên lo cho Israel (Mt15,24), Ngài hiểu biết lịch sử và tuân giữ truyền thống tôn giáo và văn hóa của dân tộc. Ngài lại là một con người trưởng thành về mặt tâm cảm, trưởng thành về nhân bản, Ngài có một nhân cách tuyệt vời không ai bắt lỗi được (Ga 8,46). LM cần phải được đào tạo và tự đào tạo mình nên một con người giống như ĐK vì có là người tốt mới là Kitô hữu và là linh mục tốt được. Linh mục Việt nam luôn phải nhớ mình là người Việt nam trước khi là Kitô hữu. Vậy trước khi là linh mục phải là người có nhân cách cũng như trưởng thành về tâm cảm, vì đó là nền móng cho một linh mục tốt (xem Tông huấn Đào tạo linh mục số 43,44)

  1. Căn tính linh mục là một Kitô hữu.

Được sinh ra làm người ở trần gian, con người được Đức Kitô mời gọi làm con Thiên Chúa. Nhờ đức tin và nhờ các bí tích khai tâm vào Kitô giáo (Thánh tẩy, Thêm sức, Thánh thể), con người được tháp nhập vào Đức Kitô để có một diện mạo mới, một căn tính mới là Kitô hữu, được sinh lại làm con cái Thiên Chúa, kết hợp với Đức Kitô và với thân thể Người là Giáo Hội, trở thành nghĩa tử (Gl 4,4-7) và trở nên “đồng hình đồng dạng với Con của Chúa Cha” (Rm 8,29). Nhờ thế, còn được CTT thánh hiến để trở nên đền thờ thiêng liêng, và có thể lập lại lời của Đức Giêsu Kitô : ”Thần khí Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18-19). Hơn nữa còn được tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ, vương giả của Đúc Giêsu Kitô một cách phổ quát, nghĩa là tham dự với tư cách là họ làm nên thân thể duy nhất của Đức Kitô, hay nói cách khác là họ được tham dự với tư cách là chi thể của Giáo Hội, vì Giáo hội là Thân thể và Hiền thê của Đức Kitô (xem THKTHGD số 10,11,13,14). Căn tính Kitô hữu đã nâng cao phẩm giá và địa vị con người và trao ban cho con người vai trò và sứ mệnh của Đức Kitô để họ là người đồng trách nhiệm trong sứ vụ của GH là cứu độ nhân loại và canh tân tất cả trật tự trần thế, theo những cách thức khác nhau (THKTHGD số 15). Tuy nhiên, Đức Kitô còn muốn chia sẻ và trao ban cho con người những vai trò và sứ mệnh đặc biệt độc đáo hơn, khi Người mời gọi Kitô hữu trở thành tông đồ, trở thành linh mục của Người.

  1. Căn tính linh mục là môt Kitô hữu có chức thánh, một Alter Christus.

Ngoài 2 căn tính của một con người, của một Kitô hữu, linh mục còn có căn tính đặc biệt khác hẳn hai căn tính kia do chính ý muốn của Đức Kitô. Khi loan báo TM ở đất Do thái, Đức Kitô đã gọi và chọn đích danh 12 môn đệ để làm tông đồ (Lc 6,12-13), coi họ như bạn hữu chứ không phải tôi tớ (Ga 15,15), và trực tiếp trao quyền cho các ông thi hành ba chức vụ của Người để nối tiếp sứ mệnh của Người :”Hãy đi rao giảng TM … làm phép rửa“ (Mt 28,19-20), “Hãy làm việc này mà tưởng nhờ đến Thày”(Lc 22,19), “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,17).

Điểm độc đáo thứ nhất trong căn tính linh mục, vì linh mục lãnh nhận bí tích Truyền chức thánh để trở thành thừa tác viên của Đức Kitô. Cần hiểu nghĩa thừa tác viên cho đúng. Thừa tác viên là người phải hội đủ yếu tố :

Một là người phục vụ Thiên Chúa bằng cách phục vụ tha nhân với lòng yêu mến,

Hai là người được hàng giáo phẩm truyền chức,

Ba là người mà Đức Kitô đã tỏ ý muốn phải có để phục vụ cho Ngài,

Bốn là người thực hiện những việc theo sự qui định và hướng dẫn của GH.

Vậy linh mục là người :

Được tham dự vào chức vụ tiên tri của Đức Kitô như là thừa tác viên Lời Chúa, nhân danh Đức Kitô và nhân danh Giáo hội, trở nên Thày dạy Lời Chúa bằng quyền bính do Đức Kitô ban cho : ”Ai nghe các con là nghe Thày” (Lc 10,16).

Được tham dự vào chức vụ tư tế của Đức Kitô như là thừa tác viên bí tích Thánh Thể, tâm điểm của tác vụ linh mục, linh mục được hành động nhân danh Ngài, hành động với tư cách Đức Kitô là thủ lãnh : ”Khi linh mục lập lại lời CG đã nói trên bánh ruợu, linh mục thực hiện cùng một sự thánh hiến như CG đã thực hiện “ (Thư luân lưu của Bộ Giáo Sĩ 1999, ch. 3 số 2).

Được tham dự vào chức vụ mục tử của Đức Kitô như là thừa tác viên làm chủ chăn của cộng đồng giáo xứ nhân danh Đức Kitô và với tư cách Đức Kitô thủ lãnh và mục tử ; không ai không có chức tư tế thừa tác có thể thay thế linh mục để làm chủ chăn. (Xem Thư luân lưu của Bộ Giáo Sĩ 1999 và Huấn thị của Bộ Giáo Sĩ, 2002 số 2).

Điểm độc đáo thứ hai trong căn tính linh mục là linh mục “không những được thông phần vào mầu nhiệm Đức Kitô Tư tế, Thày dạy, Thủ lãnh và Mục tử, mà một cách nào đó còn được thông phần vào mầu nhiệm Đức Kitô “Tôi tớ và Hôn phu” của GH. Linh mục ở trong GH là Thân Thể Đức Kitô, nhưng cũng “đứng đối diện với GHvì thông phần với Đức Kitô là hôn phu của GH, vì thế linh mục theo gương Giám mục cũng phải yêu thương GH như hôn thê của mình (nghi thức trao nhẫn cho Giám mục trong lễ phong chức nhắc đến ý tưởng này), như Đức Kitô đã yêu GH đến nỗi trao ban chính mình cho GH (Ep 5,25), linh mục phải sẵn sàng cống hiến mọi năng lực của mình và tự hiến mình trong đức ái mục vụ cho tới độ hy sinh chính cuộc sống mình hằng ngày” (Chỉ nam thừa tác vụ và đời sống linh mục số 13). Như vậy nhờ linh mục được thông phần vào chức tư tế của Đức Kitô bằng cả hữu thể của mình nên linh mục trở thành người có những tương quan chằng chịt và phong phú với Thiên Chúa Ba ngôi, với GH, với nhân lọai và vạn vật như Đức Kitô đã có. Do đó Tông Huấn coi căn tính linh mục có bản chất là tương quan.                

  1. Căn tính linh mục có tương quan đặc biệt với TC Ba Ngôi.

Như mọi căn tính Kitô hữu, căn tính linh mục bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba ngôi cực thánh“, nghĩa là : có nguồn gốc thâm sâu trong đức ái, trong tình yêu cứu độ của Cha ; có căn tính Đức Kitô là nguồn mạch và nguyên mẫu căn tính của mình ; có Chúa TT xức dầu ghi ấn tín của Ngài, được Ngài hướng dẫn thi hành tác vụ của mình khác với các căn tính khác (Tông huấn Đào tạo linh mục số 12).

  1. Căn tính linh mục có tương quan đặc biệt với Giáo hội.

Chính trong GH như mầu nhiệm hiệp thông Ba ngôi Thiên Chúa trong hướng truyền giáo mà mọi căn tính Kitô hữu và căn tính biệt lọai của linh mục và chức vụ được biểu lộ” (Tông huấn Đào tạo linh mục số 12). Linh mục được chọn gọi và sai phái để nhờ thần lực Chúa TT mà phục vụ Giáo Hội và cứu độ trần gian. “Linh mục thừa tác là tôi tớ của Đức Kitô đang hiện diện trong GH mầu nhiệm, GH hiệp thông và GH có sứ vụ ” do đó linh mục là tôi tớ của GH mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ. Linh mục hiệp thông với tác vụ Giáo hòang, với tác vụ Giám mục, với linh mục đòan, với giáo dân, với anh em thuộc các GH khác, với mọi người thiện chí, đặc biệt với những người nghèo khổ yếu hèn (Tông huấn Đào tạo linh mục số 16,17,18). Linh mục có những tương quan phong phú như vậy là để thực hiện một việc thánh thiện đó là phục vụ GH và cứu độ trần gian. Do đó mà linh mục phải thánh thiện đặc biệt

  1. Căn tính linh mục là thánh thiện.

Khi tìm hiểu nguyên nhân của khủng hỏang về căn tính linh mục, cha J.Laplace dòng Tên, chuyên giúp các linh mục tĩnh tâm, tác giả cuốn Le prêtre à la recherche de lui même, éditions du Chalet 1968, nhận xét rằng : ”Đã có khủng hỏang về căn tính linh mục, một khủng hỏang trầm trọng và đó là khủng hỏang về đức tin … khủng hỏang của con người thời nay, khủng hỏang của tòan GH trước thế giới ngày nay, người ta thường đổ lỗi cho cơ chế, cho hòan cảnh … nhưng ít chú ý đến con người …” (sđd trang 9-10). Vì thế, để vượt qua khủng hỏang, chúng ta đã tìm hiểu và nắm vững căn tính con người, căn tính Kitô hữu, căn tính linh mục, đã nhận ra nguồn gốc và nguyên mẫu của các căn tính trên là Đức Kitô, Đấng Thánh của Thiên Chúa (Mc 1,24), Đấng đã dạy chúng ta : ”Anh em hãy nên thánh thiện như Cha anh em trên trời là Đấng thánh thiện” (Mt 5,48). Thực vậy, chỉ có sự thánh thiện làm cho đời sống linh mục thống nhất, chỉ có sự thánh thiện giải quyết tất cả. Chính vì thế, trước hòan cảnh một GH và thế giới đang khủng hỏang vì trào lưu tục hóa, duy vật, tự do cá nhân phóng túng, chống lại Thiên Chúa, coi thường đạo nghĩa … CĐ Vat 2 đã dành cả chương 5 trong 8 chương của Hiến chế về GH để kêu gọi mọi người nên thánh : ”Tất cả mọi người trong GH hoặc thuộc hàng giáo phẩm hoặc được hàng giáo phẩm dìu dắt đều được kêu gọi nên thánh … để mang lại cho thế giới một bằng chứng và một mẫu gương rạng ngời về sự thánh thiện của GH” (số 39)… “sự thánh thiện này giúp người ta sống nhân đạo hơn “ (số 40). Đặc biệt linh mục, nhờ bí tích Truyền chức, được thông phần chức tư tế của Đức Kitô khác với các tu sĩ và giáo dân, được hành động nhân danh và với tư cách Đức Kitô, cho nên linh mục càng phải lo sống thánh thiện nhiều hơn vì Đức Kitô đã dạy rằng “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều hơn… Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”(Lc 12,47-48). Lời dạy của Đức Kitô quả là “căng’, vậy linh mục phải làm thế nào để nên thánh đúng với căn tính mình, bởi vì căn tính của mình đòi hỏi mình phải thánh thiện. Tông thư “Buớc vào ngàn năm mới” (2001) đặt ra bảy ưu tiên mục vụ mà việc đứng hàng đầu là : sống thánh thiện rồi cầu nguyện, cử hành lễ Chúa nhật, bí tích Hòa giải, dành chỗ đứng tối cao cho ân sủng, lắng nghe Lời, và loan báo Lời (số 27).

ĐỂ KẾT.

Có dịp phải nghiên cứu để chia sẻ và trao đổi với quí cha về căn tính linh mục, bản thân con cảm thấy thêm xác tín rằng căn tính linh mục đòi hỏi linh mục phải thánh thiện. Nhưng trước hòan cảnh xã hội ngày nay, việc nên thánh không phải là dễ dàng, Đức Kitô và GH chắc chắn sẽ giúp linh mục chúng ta, nhưng chúng ta phải nắm vai trò chủ động là hiểu biết thánh thiện là gì và làm thế nào trở nên thánh thiện    

print