Bài 93 : Hình ảnh “Bà goá” trong Kinh Thánh
Nhóm Phiên Dịch CGKPV
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Dưới ánh sáng của Phụng Vụ Lời Chúa, Chúa Nhật XXII Thường Niên – Năm B sắp tới, xin mạn phép được cùng anh chị em tìm hiểu và học hỏi sứ điệp mà Lời Chúa muốn nhắn gửi với chúng ta qua hình ảnh các bà goá trong Kinh Thánh.
Trước hết, chúng ta xem Kinh Thánh nói gì về các bà goá, hay còn gọi là các quả phụ. “Bà goá” hay “quả phụ” (tiếng Híp-ri là ’almānāh ; tiếng Hy-lạp là khêra), tức là những người phụ nữ đã mất chồng. Theo đó, chúng ta có thể hiểu rằng goá bụa là giai đoạn hết sức bi đát trong cuộc đời người phụ nữ, vì không những họ bị tổn thương về tâm lý, mà cả hoàn cảnh kinh tế cũng hết sức khó khăn, nhất là trong môi trường văn hoá phụ hệ của thế giới cổ đại vùng Cận Đông. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, thì các goá phụ lại trở thành cơ hội đặc biệt mà các tác giả Sách Thánh dùng để trình bày những góc nhìn thần học tuyệt vời về tình Chúa và tình người.
1. Thiên Chúa quan phòng
Trong Kinh Thánh, hoàn cảnh goá bụa của các bà goá luôn ẩn chứa một mùa xuân mới, một khúc quanh mới trong cuộc đời của họ, vì lẽ Thiên Chúa không bỏ rơi họ, và chính Thiên Chúa sẽ chăm sóc bảo vệ họ. Thật vậy, chính Thiên Chúa đã khẳng định rằng:
+ Người là “Đấng xử công minh cho cô nhi quả phụ, và yêu thương ngoại kiều, cho họ bánh ăn áo mặc” (Đnl 10,18)
+ Người là “Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng đỡ bênh quả phụ, chính là Thiên Chúa ngự trong thánh điện Người” (Tv 68,6).
+ “Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người goá bụa” (Hc 35,14).
+ “Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân” (Tv 146,9).
+ “Nhà đứa kiêu căng, ĐỨC CHÚA giật cho sập, đất kẻ goá bụa, Người giữ vững đường ranh” (Cn 15,25).
Theo đó, còn gì hạnh phúc hơn, còn gì an ủi hơn khi một người trong cảnh cùng khổ như các bà goá được chính Thiên Chúa quan tâm che chở.
2. Lòng quảng đại của các bà goá
Thường khi người ta hay có định kiến rằng các goá phụ là những người già, cô đơn, nghèo đói dễ cáu kỉnh, hoặc hay than vãn. Tuy nhiên, hình ảnh những bà goá mà phụng vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật 32 TN-B đề cập thì hoàn toàn khác hẳn.
Trước hết, bà goá trong bài đọc 1 là người được Thiên Chúa dùng để nuôi sống ngôn sứ Ê-li-a trong thời kỳ hạn hán kéo dài mà ông đã nhân danh ĐỨC CHÚA tuyên sấm.
Bà goá này là một người sống ở Xa-rép-ta, thuộc Xi-đôn, một vùng ngoại vi đất Ít-ra-en. Tuy bà goá này có biết ĐỨC CHÚA nhưng bà vẫn giữ một khoảng cách nhất định với dân Ít-ra-en, vì bà không dám nhận ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa hằng sống là của mình. Tuy nhiên, tính thật thà, sự đơn sơ và lòng chân thành của bà lại minh chứng rằng bà là người sống theo đường lối của Thiên Chúa. Theo đó bà đã nói với ông Ê-li-a rằng :
Có ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa hằng sống của ông, tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết (1 V 17,12).
Mặc dù khó khăn cùng cực, nhưng bà goá này vẫn thành thật và sau đó là tự nguyện mở lòng để lấy chút bột còn sót lại để làm bánh cho ông Ê-li-a, và đó là một hành động đầy nhân ái và quả cảm của một người cùng khổ dành cho một người cũng lâm vào cảnh khốn khó như mình và gia đình mình. Và Thiên Chúa đã chứng kiến lòng quảng đại của bà trong hoàn cảnh khốn cùng đầy tuyệt vọng như thế, nên Thiên Chúa đã thi thố lòng thương xót của Người khi làm “phép lạ” khiến cho : “Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời ĐỨC CHÚA đã dùng ông Ê-li-a mà phán” (1 V 17,16).
Thứ đến là hình ảnh bà goá trong trích đoạn Tin Mừng Mác-cô 12,41-44, chúng ta được mở mắt để nhìn thấy hình ảnh chân thực của bà goá nghèo thông qua ánh mắt tỏ tường của Đức Giê-su.
Khác với bà goá Xa-rép-ta ở “vùng ngoại vi”, bà goá trong bài Tin Mừng Mác-cô là người Ít-ra-en, và là một trong những người lên viếng Đền Thờ vào lúc Đức Giê-su cũng ở đó, nên Người đã thấy bà.
Nếu chúng ta học cách nhìn của Đức Giê-su, trong tư thế “ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ”, để thấy được những món tiền lớn của “những kẻ lắm tiền nhiều của” dâng tặng vào Đền Thờ, thì cũng không vì thế mà xem thường hay nhận định sai lầm về “hai đồng kẽm” của một “bà goá nghèo”.
Nếu chúng ta nghĩ theo cách nghĩ của Đức Giê-su, trong vị thế của một người đứng ở khuôn viên Đền Thánh, thì chúng ta được mời gọi phải nghĩ đến ý nghĩa sâu xa của hành vi dâng hiến hơn là chỉ bám vào vẻ bên ngoài theo thói quen của số đông trong việc tiến dâng cho Đức Chúa.
Qua đó, bài học mà chúng ta có thể học từ bà goá nghèo là quảng đại “dâng cho Chúa tất cả những gì mình có” cho dù chúng ta có phải đang trong cảnh túng thiếu bần cùng.
Như vậy, qua câu chuyện của hai bà goá trên, Kinh Thánh muốn cho chúng ta biết rằng hoàn cảnh goá bụa của các bà goá là khó khăn nhưng cũng là bối cảnh cho những cơ hội mới xuất hiện.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Đến đây, khi đặt mình vào phận vị nhỏ bé, mong manh và túng nghèo của những bà goá, những cô nhi quả phụ hay những lúc cám cảnh của một ngôn sứ phải đi xin ăn qua ngày như Ê-li-a khi trời đại hạn, chúng ta mới thấy thấm thía lời tung hô Tin Mừng : “Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Ha-lê-lui-a.” Lời này cũng trình bày “quy luật biện chứng” của Vương Quốc Thiên Chúa : Nước Trời cao quý là dành cho những tâm hồn nghèo khó, bởi lẽ cái nghèo khó của thân phận loài người của chúng ta đã được Đức Ki-tô mang vào chính thân mình Người như của lễ mà Người đem vào “cung thánh thật”, vào “chính cõi trời”.
Tương tự, khi đáp ứng lời cầu cứu từ ngôn sứ Ê-li-a, bà goá ở Xa-rép-ta đã không để cho sự sợ hãi giết chết lòng nhân ái của bà, và bà cũng không để cho niềm hy vọng mà ông Ê-li-a thắp lên tan vào đêm tối. Nói cho đúng, khi chấp nhận phần thiệt thòi về mình, thì chuỗi hành động dẫn đến việc dành toàn bộ chút bột còn lại để làm chiếc bánh nhỏ cuối cùng cho vị ngôn sứ Ê-li-a của bà goá trong bài đọc 1, hay hành vi cho hết những gì mình có nơi bà goá nghèo trong bài Tin Mừng, thì một cách nào đó, cũng có thể được xem là những hình ảnh sẽ được Đức Ki-tô làm cho viên mãn trong cuộc hiến tế đem lại ơn cứu độ, đem lại sự sống đời đời cho mọi người.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Đến đây, chúng ta có thể khẳng định rằng “tình Chúa – tình người” chính là hai yếu tố song hành giúp các bà goá trong Kinh Thánh vượt qua hoàn cảnh bi đát của họ, và đó cũng là sư điệp mà phụng vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật sắp tới gởi đến chúng ta.
Vậy, để kết thúc phần học hỏi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, con mời quý ông bà và anh chị em cùng dâng lên Chúa lời chúc tụng tạ ơn bằng trích đoạn thơ có tựa đề là “Vũ điệu cuộc sống” (La danse de la vie) của Madeleine Delbrêl, nhà thơ được Đức Thánh Cha gọi là “nhà thần bí của những vùng ngoại vi”. Tuần vừa qua, Đức Thánh Cha đã trích đọc đoạn thơ này trong phát biểu kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục 2024 (đoạn thơ do Tý Linh dịch sang Việt Ngữ). Ước mong sao chúng ta cũng có những việc làm cụ thể như những bà goá tốt lành trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay :
“Hãy làm cho chúng ta sống cuộc sống của mình,
Không như một ván cờ nơi mọi thứ đều được tính toán,
Không như một trận đấu mà mọi thứ đều khó khăn,
Không như một định lý làm chúng ta nhức óc,
Nhưng như một bữa tiệc bất tận, nơi cuộc gặp gỡ của bạn được đổi mới,
Như một quả bóng,
Như một vũ điệu,
Giữa vòng tay ân sủng của Ngài,
Trong điệu nhạc phổ quát của tình yêu.” A-men.