Bài đọc thêm: Thư Philipphê

print

Bài đọc thêm: Thư Philipphê

 A. GIÁO ĐOÀN PHILÍP

  1. Philíp là một thành phố trong tỉnh Makêđoan, được thành lập bởi vua Philíp, cha của Alexandre đại đế (đế quốc hy lạp), do đó thành này mang tên Philíp. Đến năm 42 công nguyên nó thành thuộc địa của đế quốc Rôma. Thuộc địa này rất thịnh vượng. Được làm công dân của Philíp thì cũng đương nhiên được quyền công dân Rôma. Dân thành này hãnh diện vì mình là công dân Rôma, họ nói tiếng Latin và ăn mặc theo kiểu rôma (đây là bối cảnh của 3,20-21 : Phaolô bảo các tín hữu hãy hãnh diện vì được làm công dân Nước Thiên Chúa). Đa số dân cư là lính tráng rôma, do đó nếp sống và việc quản trị hành chánh ở đây mang đậm sắc thái rôma (x. Cv 16,21). Cũng có những người do thái nhưng rất ít đến nỗi họ không có hội đường (x. Cv 16,3), và đây cũng là lý do khiến trong thư này Phaolô rất ít trích dẫn Cựu Ước.
  2. Năm 50, trong cuộc du hành truyền giáo thứ 2, Phaolô đã đến Philíp. Cùng đi có Sila, Timôtêô và Luca. Họ đã thành lập được giáo đoàn mà đa số tín hữu là người lương trở lại (Cv 16,12-40). Vì không có hội đường nên Phaolô không rao giảng tại hội đường như thói quen. Các cuộc nhóm họp của tín hữu cũng tổ chức tại tư gia. Hình như cuộc nhóm họp đầu tiên tổ chức tại nhà Bà Lyđya một tín hữu làm nghề buôn bán vải điều (Cv 16,14-15)
  3. Giáo đoàn này xem ra rất được Phaolô quý mến nên ông thường trở lại thăm viếng. Sau khi thành lập xong giáo đoàn, Phaolô ra đi, để Luca ở lại cai quản. Đến năm 57, Phaolô trở lại. Năm sau, trên đường từ Côrintô đi Giêrusalem, Phaolô lại ghé thăm. Cũng có lẽ vì quý mến giáo đoàn này nên mặc dù có lập trường không nhận trợ giúp vật chất của ai, Phaolô đã bằng lòng để họ giúp đỡ mình (Pl 4,16 2Cr 11,8-9)

B.  MỤC ĐÍCH :

Mục đích của thư này là cám ơn sự giúp đỡ của tín hữu Philíp. Nhưng ngoài ra cũng có một số mục đích khác :

– Thông tin về hoàn cảnh sống hiện tại của Phaolô (1,12-26 ; 4,10-19).

– Khuyến khích tín hữu can đảm, kiên trì và nhất là vẫn vui vẻ lạc quan trong thời gian thử thách (1,27-30 ; 4,4).

– Khuyên bảo họ hai điều quan trọng là khiêm tốn và đoàn kết (2,1-11 ; 4,2-5).

– Gởi gắm Timôtêô và Êpaphrôđitô cho giáo đoàn Philíp (2,19-30).

– Cảnh cáo tín hữu về hiểm nguy của khuynh hướng vụ luật (do những người do thái thủ cựu) và khuynh hướng phóng túng (chương 3).

 C. NỘI DUNG

– Khuyến khích và dạy dỗ :1,1-3,1

– Khiển trách 3,2-4,1

– Tiếp tục khuyến khích và dạy dỗ : 4,2-9

– Cám ơn sự giúp đỡ 4,10-20

 D. NHẬN ĐỊNH

Điểm đặc biệt nhất của thư này là “niềm vui” : kitô hữu hãy vui luôn, cho dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa cũng vẫn vui.

– Đặc tính của niềm vui này : Không chóng qua nhưng bền bỉ : “Yến tiệc nào không có lúc tàn” (Qohelet). Niềm vui tự nhiên sẽ tàn khi cuộc vui kết thúc. Nhưng niềm vui siêu nhiên trong thư này thì vẫn tồn tại. Ngay cả khi tín hữu phải sống trong hoàn cảnh hết sức khổ sở, họ vẫn vui. Thậm chí ngay khi đối diện với cái chết họ vẫn cứ vui. Cụ thể là Phaolô khi ấy đang bị cầm tù và không biết mạng sống sẽ ra sao nhưng ông vẫn vui.

– Nguồn gốc của niềm vui này : a/ Xác tín rằng Thiên Chúa có thể biến một điều xem ra bất lợi trở thành có lợi (2,5-11). Bằng chứng hiển nhiên nhất là cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá đã trở thành nguồn ơn cứu độ. b/ Tự nhủ rằng cù sướng hay khổ, dù sống hay chết cũng được, miễn sao cho Tin Mừng được rao giảng (1,12-18).