Bẫy nghèo đói – nguyên nhân và giải pháp
Nghèo đói là tình trạng thiếu khả năng cơ bản để tham gia một cách hiệu quả vào xã hội. Nghĩa là một gia đình nghèo không đủ ăn, đủ mặc; không được đến trường học hoặc đến trạm y tế để thăm khám; không có đất canh tác hoặc nghề nghiệp; không được an toàn, không có quyền lực. Những người nghèo thường dễ bị bắt nạt, sống bên lề đường hoặc trong những môi trường hết sức mong manh, họ không được tiếp cận với nước sạch hoặc điều kiện vệ sinh an toàn.[1]
Từ định nghĩa về nghèo đói kể trên, bẫy nghèo đói có thể được hiểu như là một cơ chế mà trong đó người dân rất khó thoát nghèo, thậm chí, bị mắc kẹt truyền kiếp trong sự nghèo đói. Cái bẫy ấy được hình thành bằng cách tạo ra một hệ thống kinh tế đòi hỏi lượng vốn đáng kể để thoát nghèo. Một khi người dân thiếu vốn này, hoặc gặp nhiều khó khăn để có được chúng, thì việc họ bị mắc kẹt trong một chu kỳ nghèo đói trường kỳ là một điều khó tránh khỏi.[2] Những cái bẫy nghèo này từ đâu mà ra?
Nguyên nhân
Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói. Trong đó, nếu hệ thống luật pháp không đảm bảo được quyền lợi cho những người hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp thì việc họ phải phụ thuộc vào giới thương gia và luôn phải đối mặt với tình cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” là điều tất yếu. Hẳn là hình ảnh người dân phải đổ dưa hấu và rau củ cho bò ăn; cà phê, hồ tiêu và các sản phẩm ngư nghiệp rớt giá thảm hại là những hình ảnh quen thuộc trong suốt bao năm qua.
Hơn nữa, những cái bẫy nghèo trở nên ngày càng tinh vi hơn khi nó không đơn thuần là sự hạn chế các phương tiện kinh tế, nhưng còn là việc giới hạn khả năng tiếp cận giáo dục và y tế. Vì thế, người nghèo vẫn cứ nghèo, như thể họ mang trong mình một mã gen nghèo di truyền mang tính xã hội và lịch sử vậy.
Đồng thời, tình trạng suy thoái môi trường nghiêm trọng (làm cạn kiệt tiềm năng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp), tham nhũng, nợ công, cơ sở hạ tầng yếu kém… cũng là những chiếc khóa thép được trang bị thêm cho cái bẫy nghèo đói, khiến dân nghèo không những không được hưởng những điều tốt đẹp mà họ đáng được hưởng, mà còn phải gánh chịu thêm những hậu quả tồi tệ mà họ không phải là nguyên nhân gây ra (biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán…).
Vậy đâu là giải pháp cho vấn nạn này?
Giải pháp
Hẳn nhiên, việc tung ra các gói cứu trợ là một trong những giải pháp tốt để giúp người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, nếu các gói cứu trợ ấy không cung cấp đủ mức để người nghèo có thể thoát nghèo, thì vô hình trung đó lại là những cái bẫy nghèo khác đè trên vai người nghèo. Thậm chí, họ còn trở nên ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào các nguồn viện trợ. Kết quả là nghèo lại hoàn nghèo!
Vì thế, các chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng nhà nước và các tổ chức từ thiện cần phối hợp với nhau để giúp người nghèo thoát khỏi cảnh nghèo cách đa diện và triệt để.[3]
Đặc biệt, theo nhà kinh tế học Mỹ Jeffrey Sachs[4], những người nghèo cần được cung cấp sáu loại vốn chính:
vốn nhân lực (sức khỏe, giáo dục);
vốn kinh doanh (tiền bạc, máy móc);
vốn cơ sở hạ tầng (hệ thống giao thông, năng lượng);
vốn tự nhiên (đất đai phì nhiêu, đa dạng sinh học);
vốn thể chế công (hệ thống luật pháp và lực lượng cảnh sát được điều hành tốt);
vốn tri thức (vận dụng khoa học và công nghệ để nâng cao sức khỏe, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường).
Khi có được những nguồn vốn đó ở mức thích hợp, người nghèo sẽ có cơ hội rất lớn để có thể thoát nghèo và hướng đến một sự phát triển bền vững hơn.
Tóm lại, hiện trạng, nguyên nhân và giải pháp như đã đề cập dường như ai cũng thấy, cũng biết. Nhưng làm sao để có thể bắt tay vào hành động, để hạn chế những gì cần hạn chế và gia tăng những gì cần gia tăng một cách có hệ thống lại là một điều không phải ai cũng làm được. Điều đó lại càng trở nên khó khăn hơn khi đại dịch Covid-19 đã kéo sập hầu hết những kế hoạch tốt đẹp của những quốc gia, những tổ chức và cá nhân. Nhưng nếu chúng ta chỉ tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xã hội khi chúng ta được an toàn, thì cuộc tìm kiếm ấy có lẽ sẽ chẳng bao giờ khởi sự được!
Hv. Văn Tài, S.J.
—-
[1] Cf. Dr David Gordon, Indicators of Poverty & Hunger, https://www.un.org/esa/socdev/unyin/documents/ydiDavidGordon_poverty.pdf
[2] Cf. The Economic Times, https://economictimes.indiatimes.com/definition/poverty-trap hoặc Cf. James Chen, Poverty Trap, https://www.investopedia.com/terms/p/poverty-trap.asp#:~:text=A%20poverty%20trap%20is%20a,for%20people%20to%20escape%20poverty.&text=When%20individuals%20lack%20this%20capital,self%2Dreinforcing%20cycle%20of%20poverty.
[3] Cf. Sachs, J.D., G. Schmidt-Traub, M. Mazzucato, D. Messner, N. Nakicenovic, and J. Rockström (2019), “Six Transformations to Achieve the Sustainable Development Goals”, Nature Sustainability. DOI: 10.1038/s41893-019-0352-9. And Cf. James Chen, Poverty Trap, https://www.investopedia.com/terms/p/poverty-trap.asp#:~:text=A%20poverty%20trap%20is%20a,for%20people%20to%20escape%20poverty.&text=When%20individuals%20lack%20this%20capital,self%2Dreinforcing%20cycle%20of%20poverty.
[4] Cf. Jeffrey D. Sachs, The end of poverty – Economic Possibilities for Our Time, (New York: The Penguin Press, 2005), 244-245.