Bệnh Cố Chấp
Một nhà văn đã từng nói:
Cuộc sống ngắn ngủi, đừng lãng phí thời gian tốt nhất của bạn vào những điều bạn không thể thay đổi. Chỉ có quên đi tất cả những gì trong quá khứ, chúng ta mới có thể trút bỏ gánh nặng trên vai và nhẹ nhàng lên đường.
Yate, một nhà sản xuất xuất sắc trong ngành điện ảnh và truyền hình Mỹ, từng làm phát thanh viên cho một công ty truyền thông. Vốn nghĩ rằng với năng lực của mình, anh có thể thăng tiến và tăng lương nhanh chóng. Thật bất ngờ, vài năm sau, công ty đột ngột tuyên bố sa thải nhân viên và Yate không may cũng nằm trong danh sách bị sa thải.
Về đến nhà, anh báo tin cho vợ rồi nhốt mình trong phòng. Người vợ đứng ngoài cửa lo lắng không biết phải làm sao. Tuy nhiên, chỉ mười phút sau, Yate đã mở cửa và hào hứng nói với vợ: “Em yêu, hãy mừng cho anh, vì cuối cùng anh cũng có cơ hội theo đuổi sự nghiệp của riêng mình!”
Bỏ việc bị thất nghiệp sang một bên, Yate sớm thành lập một công ty truyền thông và sản xuất một chương trình trò chuyện trên truyền hình. Sau khi chương trình được phát sóng, nó rất được yêu thích và anh cũng trở nên nổi tiếng. Với thái độ lạc quan, Yate cống hiến hết mình cho sự nghiệp và trở thành nhà sản xuất nổi tiếng. Thật vậy, khi không thể nghĩ thông suốt một chuyện gì đó, hãy quay trở lại với hiện tại, làm việc mà bạn nên làm.
Kính thưa quý vị và các bạn thân mến,
Câu chuyện cuộc đời Yate là một câu chuyện hay, kết thúc có hậu khi anh biết buông bỏ những gì không phù hợp thay vì cố chấp níu kéo những thất bại của quá khứ. “Bệnh cố chấp” là thái độ một mực giữ nguyên ý kiến theo những quan niệm cứng nhắc sẵn có hay không đúng hoặc để ý đến những sơ suất của người khác đến mức có định kiến. Thường nhiều người dễ nhầm lẫn giữa cố chấp với sự kiên định. Kiên định liên quan đến khả năng giữ vững suy nghĩ và quyết định trước những biến động của môi trường xung quanh. Người kiên định luôn giữ vững mục tiêu mà mình đã đặt ra, không ngại khó khăn, gian nan, cũng không vì sự khen chê, nghi hoặc của người khác mà thay đổi. Sự phân biệt giữa cố chấp và kiên định ở kết quả nhận được. Kết quả của sự cố chấp thường đưa đến sự thất bại trong đau khổ, bởi sự cố chấp cản trở sự hình thành của một cá tính tốt, khiến con người có thiên hướng cực đoan, thiếu lòng khoan dung và trí tuệ, cản trở khả năng học hỏi, suy nghĩ và tiếp nhận cái mới”. Đa số những người mắc bệnh cố chấp thường vì tính “sĩ diện” cao, có thể họ biết mình sai, nhưng vì sợ quê, sợ xấu hổ nên “sống chết” bảo vệ ý kiến bản thân. Điều này dẫn thái độ bất chấp lý lẽ, không chịu lắng nghe, phản đối với thái độ cực đoan. Ngược lại với người cố chấp là người hiểu chuyện và hiểu biết, càng hiểu biết càng thấy rõ những giới hạn và sự thiếu hiểu biết của mình mà khiêm tốn và người hiểu biết dễ dàng nhận biết tri thức là bất tận, không nên cố chấp, chỉ có thể là khiêm tốn để học tập, để lĩnh hội.
Một trong những cách thức để chữa căn bệnh cố chấp đó chính là khả năng buông bỏ, có những thứ mình cố níu kéo nhưng sẽ không thay đổi được thực tại ngày một tệ hơn hay có những thứ không phù hợp buộc chúng ta cũng phải can đảm buông bỏ, can đảm thay đổi để bắt đầu lại. Câu chuyện trên là một minh chứng cụ thể, sự thất bại của Yate là một cơ hội để anh tìm thấy chính mình và khả năng thật sự của anh. Thành công đã đến với anh khi anh dám buông bỏ để bắt đầu lại với những thứ hoàn toàn mới và dám đối mặt với khó khăn. Anh đánh đổi lối suy nghĩ cổ hủ của mình, những thứ an toàn bấy lâu nay, và cả sự dễ dãi, an phận bấy để có được thành công. Ngược lại với hình ảnh Yate, bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta suy gẫm về sự cố chấp của người Do Thái tại Corinto thời Thánh Phaolô. Với lòng nhiệt tâm và tràn đầy nhiệt huyết của mình, Thánh Phaolô long trọng rao giảng và làm chứng cho anh em đồng bào của mình về Đức Giêsu chính là Đấng Kitô hay Đấng Mêsia mà họ đang mong đợi. Đáp lại sự nhiệt huyết của thánh nhân, anh em đồng bào của ông đã chống đối và phản đối kịch liệt vì căn bệnh thành kiến và cố chấp nên Thánh nhân đã bỏ họ mà đi đến với dân ngoại. Cũng vậy, trong đời sống đức tin hiện nay của chúng ta, sự cố chấp cũng làm chúng ta quay lưng lại với hoạt động của Chúa Thánh Thần, từ chối sự thúc đẩy của Ngài, không đọc ra được dấu chỉ mà Ngài muốn nói với chúng ta, khi chúng ta ngại ngùng học hỏi về Chúa và hoạt động dấn thân trong sứ vụ giáo của Giáo Hội. Nên đời sống đạo của chúng ta mang nhiều hình thức, nghi lễ và rước sách đóng khung trong nhà thờ, và chỉ trong xứ đạo.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến và sửa dạy bệnh cố chấp trong tâm hồn mỗi chúng con, để chúng con biết đón nhận và thi hành ý Chúa mỗi ngày, đừng cố thủ nhốt mình và đóng khung đời sống đạo của chúng con trong những thủ tục cổ hủ của ý riêng nhưng luôn biết đón nhận anh em của mình và nhanh nhẹn lên đường theo sự hướng dẫn của Thần Khí. Amen.
Bích Liễu