Biến Đổi Hình Dạng

print

Biến Đổi Hình Dạng

Ngày 6/8 – Chúa Hiển Dung : Mt 17, 1-9

Suy niệm

Trong Bài Đọc I, tiên tri Đanien (khoảng 200 BC) được Thiên Chúa tỏ cho thấy qua các thị kiến, về sự xuất hiện của Con Người sau triều đại của bốn đế quốc Assyria, Media, Persia, và Hylạp. Ngài có dáng vẻ con người, nhưng lại có nguồn gốc từ trời. Ngài lãnh nhận vương quyền từ Chúa Cha, và sẽ thống trị mọi dân nước, vương quốc của Ngài sẽ tồn tại đến muôn đời, và ánh vinh quang Ngài sẽ rạng ngời muôn thuở.

Thị kiến trên ứng nghiệm trong bài Tin Mừng hôm nay qua việc Đức Giêsu tỏ mình trên núi cao. Mặc dù Phêrô đã tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, cũng như Đức Giêsu đã báo cho biết về cuộc thương khó, nhưng Phêrô và các môn đệ cho tới lúc này vẫn chưa hiểu được sứ vụ Mêsia của Thầy. Như hầu hết người Do Thái đương thời, các ông tin vào một Đấng Thiên Sai uy quyền sẽ dùng quyền năng để chinh phục và thống trị nhân loại. Các ông vẫn mong Nước Chúa sớm hiển trị để được chia chác quyền lợi cũng như địa vị trong vương quốc đó. Các ông không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ và chết trên thập giá. Vì thế mà sáu ngày sau, Chúa Giêsu đưa ba Tông đồ lên núi để họ hiểu rằng, con đường khổ nạn Ngài sắp phải đi qua là theo Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, đồng thời cho các ông nhìn thấy vinh quang trước khi phải đương đầu với cuộc khổ nạn.

Trong quang cảnh hiển dung, có sự xuất hiện của Môsê và Êlia: Môsê tượng trưng cho các Sách Lề Luật vì Thiên Chúa ban Thập Giới và các thánh chỉ qua ông. Biến cố hôm nay chứng tỏ Lề Luật phải hướng về Đức Kitô để được nên trọn hảo. Còn Êlia tượng trưng cho các Sách Ngôn Sứ, ông được coi là ngôn sứ cao trọng nhất, nên biến cố hôm nay chứng tỏ Sách Ngôn Sứ cũng phải hướng về Đức Kitô, để tìm thấy sự ứng nghiệm trọn vẹn về Đấng Thiên Sai. Như vậy, Lề Luật và Ngôn Sứ đều làm chứng và tìm thấy sự hoàn hảo của mình nơi Đức Kitô, nhất là trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh sắp tới của Ngài.

Phêrô choáng ngợp trước ánh quang rực rỡ khi Đức Giêsu biến hình, ông xin dựng ba lều cho ba vị, để cùng với họ vui hưởng cảnh huy hoàng này. Bỗng có tiếng từ đám mây phán ra. Đây là lời tuyên phán lần thứ hai của Chúa Cha để làm chứng cho Đức Kitô là Con Một yêu dấu, và truyền“Hãy vâng nghe lời Người”. Đó là một lời truyền tối quan trọng cho đời sống và sứ vụ các môn đệ. Các ông phải vâng nghe những gì Chúa Con đang mặc khải, dù những điều này không phù hợp với mong đợi của các ông về Đấng Thiên Sai, nhưng là kế hoạch của Thiên Chúa.

Chắc chắn quang cảnh hiển dung đã làm các môn đệ vô cùng phấn khởi. Họ đã thấy vinh quang bên kia cảnh nhục nhã; khải hoàn bên kia cảnh khổ đau; vương miện bên kia thập giá. Lúc ấy họ chưa thể hiểu trọn vẹn, nhưng phần nào đã ý thức được rằng, thập giá trước mắt tuy hoàn toàn khổ nhục, nhưng nó đi liền với vinh quang là nét chính của cuộc xuất hành đến Giêrusalem và sau cái chết. Phêrô không bao giờ quên được kỷ niệm lạ lùng này như ông đã viết:“Chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Chúng tôi đã nghe thấy tiếng từ trời phán ra khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người” (2Pr 1,16-18).

Chúa Giêsu hiển dung không chỉ cho ba môn đồ thân tín, nhưng Ngài còn tiếp tục hiển dung cho những ai sống gắn bó với Ngài, để họ vững vàng bước đi trên con đường thập giá. Chúng ta cũng sẽ được biến hình, được bừng sáng cách nào đó, khi chúng ta dám sống hồn nhiên chân thật, dám yêu hết mình. Khi cái tôi ích kỷ của mình bị xóa mờ thì cái tôi đích thực được lộ ra trong ngần. Đời Kitô hữu phải là một hành trình lên núi và xuống núi cùng với Chúa, là điểm nhấn của từng ngày sống, từng giai đoạn, cũng là nhịp điệu của trái tim để làm triển nở sức sống và tình yêu.  Chính trong sự tĩnh lặng và kết hiệp với Chúa ngay trong đời thường mà chúng ta được chứng kiến vinh quang của Chúa, tuy thoáng chốc nhưng đủ để ta làm mới lại đời sống mình.

Trong ý nghĩa đó, Susanna Wesley đã dâng lên lời nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy giúp con nhớ rằng, tôn giáo không bị giới hạn trong nhà thờ hay nguyện đường, cũng không chỉ thực hành bằng cầu nguyện hay suy gẫm, mà là ở bất cứ nơi nào con được ở trong sự hiện diện của Chúa”. Thật vậy, bất cứ khi nào ta đặt mình trong sự hiện diện của Chúa, ta đều cảm nhận được sự phấn khởi cho tâm hồn mình, giúp ta mạnh mẽ vượt qua những nghịch cảnh để sống sứ mạng của mình. Người ta không thấy Chúa biến hình sáng láng, nhưng họ có thể cảm nhận sự hiện diện của Ngài nơi khuôn mặt vui tươi, chan chứa niềm tin và đầy tình thương mến của người Kitô hữu trong thế giới hôm nay. 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Qua sự kiện biến hình trên núi cao,
Chúa hé mở chút vinh quang rực rỡ,
cho thấy vinh quang Chúa thật vô bờ,
khiến các môn đệ vui mừng hớn hở.

Chúa biến hình trong ánh sáng chói chang,
báo trước ngày phục sinh sẽ huy hoàng,
sau khi trải qua nhục hình và tử nạn,
để cho đời sự sống mới bình an.

Tuổi trẻ con cũng thích được chói sáng,
nên tô vẽ cho mình ánh hào quang,
bằng hành động và kiểu cách vênh vang,
có khi theo những lối sống nghênh ngang,
hoặc theo đời theo “mốt” theo thời trang.

Chúng con thường ảo tưởng nên không biết,
chói sáng đích thực là mình nên giống Chúa,
Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng,
Đấng chân thật và thánh thiện vô song.

Chúa mới làm cho đời con chói sáng,
bằng đức tin và tình mến rỡ ràng,
chứ không phải những kiểu sống lan man,
tìm mọi cách để nổi nang trên “mạng”.

Cho con trở lại với cái tôi sâu thẳm,
cái tôi hiền lành và chân thật dễ thương,
cái tôi bình thường và nhân ái khiêm nhường,
cái tôi đơn sơ và không chút lụy vương,
cái tôi hòa đồng và lan tỏa hiệp thông,
để trao ban cho mọi người niềm vui sống.

Như vậy con mới mong ngày chói sáng,
vì sẽ được gặp gỡ Chúa vinh quang,
trong ánh sáng huy hoàng và vô tận,
với tình yêu và hạnh phúc vô ngần. Amen.

Lm. Thái Nguyên