Biển hồ Ti-bê-ri-a và ba cuộc gặp gỡ

print

Biển hồ Ti-bê-ri-a và ba cuộc gặp gỡ

 

Các bạn thân mến!

Cuộc sống của chúng ta được dệt nên bởi vô vàn mối tương quan và bởi vô số cuộc gặp. Có những cuộc gặp chỉ thoáng qua đời ta mà không để lại ấn tượng sâu sắc. Nhưng cũng có những cuộc gặp vĩnh viễn thay đổi số phận và dự định hiện hữu của đời ta. Cuộc gặp gỡ ấy được xem là cuộc gặp gỡ định mệnh. Cuộc gặp gỡ của các môn đệ với Chúa Giê-su trên bờ biển hồ Tibêria là cuộc gặp gỡ định mệnh bởi vì nó vĩnh viễn thay đổi số phận và cuộc đời của các ông. Thực chất cuộc gặp của các ông đổi với Chúa Giê-su bao hàm ba cuộc gặp gỡ khác: cuộc gặp gỡ mang tính bản lể, cuộc gặp gỡ của đức tin và của gặp gỡ của tình yêu.  

  1. Cuộc gặp gỡ bản lề

Bờ biển hồ lúc ấy diễn ra cuộc gặp gỡ với của những con người mà số phận còn dang dở. Sau khi Chúa Giê-su chịu chết, người thì bỏ Chúa, kẻ thì chối Chúa, nhóm môn đệ nòng cốt xem ra có vẻ mất kiên nhẫn, mất lý tưởng và năng lượng sống, đàn chiên có nguy cơ tan rã. Các tông đồ trở về với nhịp sống xưa, vẫn bờ biển ấy nhưng con người ấy đang lao động trên bờ biển quen thuộc. Giờ đây các ông trải qua kinh nghiệm về sự mất mát vị thủ lãnh, người Thầy lãnh đạo tinh thần. Sự mất mát này trở thành lỗ hổng không thể nào bù đắp lại được nơi các ông. Các ông vất vả suốt đêm nhưng không bắt được gì. “Ví như CHÚA chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà CHÚA không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm.”[1] Cái sự khác biệt căn bản giữa việc “vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì” và lưới đầy thuyền là có Chúa Giê-su hiện diện, can thiệp và các ông làm theo lời Chúa. 

Chính cuộc gặp gỡ với vị thầy Giê-su biến đổi hoàn toàn cuộc đời các ông. Cuộc gặp ấy ngang qua mẻ cá lạ lùng. Hai khung cảnh đối nghịch giữa trước khi gặp Đức Ki-tô Phục Sinh và sau khi gặp Đức Ki-tô Phục Sinh là “trời tối” và ” vất vả suốt đêm mà không bắt được gì” và “bình minh,” “than hồng” và thuyền đấy cá. “ 6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.”[2] Rõ ràng bạn thấy rằng, việc thả lưới bắt cá là việc của các ông. Các ông phải nỗ lực, bằng sự khôn khéo của mình để thả lưới nhưng việc thu lượm và bắt được cá lại tùy thuộc vào yếu tố bên ngoài ông. Sự thành công trong mẻ lưới tùy thuộc vào Chúa. Nếu Chúa không hiện diện và các ông không thả lưới bên phải mạn thuyền thì có lẽ, mẻ cá lạ sẽ không xảy ra. Việc xây dựng đời sống gia đình và giáo hội cũng như nỗ lực truyền giáo sẽ trở nên vô ích và sẽ là “vất vả suốt đêm mà chẳng được gì” nếu thiếu sự hiện diện của Đức Ki-tô trong những nỗ lực ấy. Sự hiện diện của Ngài biến đổi nỗ lực của con người từ tình trạng không được gì đến tình trạng “thuyền đầy ắp.”

Cũng nên nhớ rằng sự khác biệt giữa việc bắt được cá và không bắt được gì là có sự hiện diện của Đức Ki-tô. Trong bất cứu hoàn cảnh nào, bạn và tôi phải là người luôn ý thức được rằng Chúa luôn đồng hành với mỗi người chúng ta dù có trải qua nhưng khúc quanh tăm tối như thế nào. Chắc chắn một điều, ngoại trừ cái đêm gặp Chúa Ki-tô, các môn đệ thường xuyên đối diện với việc trắng tay. Đêm tối của thế gian và của tâm hồn luôn tìm cách vùi dập và bóp nghẹt giá trị Tin Mừng. Trải qua hơn hai ngàn năm giá trị Tin Mừng và chân lý về Đức Ki-tô Phục Sinh vẫn còn bị nhiều người bóp méo. Người ta vẫn tìm cách hủy hoại Tin Mừng Phục Sinh, giá trị Ki-tô giáo, chân lý cứu độ, và muốn chôn vùi Đức Ki-tô Phục Sinh trong ngôi mộ trống. Với niềm tin và ân sủng của Đấng Phục Sinh, bạn và tôi tin rằng một ngày nào đó, Tin Mừng đó sẽ phục sinh trở lại, sự sống sẽ chiến thắng cái chết, Thầy sẽ chiến thắng thế gian. Sự phục sinh trước hết là sự phục sinh giá trị Tin Mừng, hình ảnh của Đức Ki-tô trong trái tim con người, sự phục sinh lại sự thiện đã bị sự dữ đè bẹp. Sự phục sinh đó biến đối toàn thể hệ thống giá trị và sự hiện hữu của bạn và tôi.    

  1. Cuộc gặp của đức tin

Trong nhiều trường hợp, người môn đệ được Chúa yêu và cũng đồng thời là người môn đệ yêu Chúa trở thành trung gian giữa Chúa và các tông đồ mà trong trường hợp này là Phê-rô. Trong khi những người khác không nhận ra Đức Ki-tô Phục Sinh thì chỉ người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nhận ra điều đó. 7Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô:“Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.”[3]

Điều gì làm nên sự khác biệt này. Đó là do cặp mắt đức tin, cặp mắt siêu nhiên, là sự thân mật trong tình yêu Thiên Chúa. Việc Gioan nhận ra Chúa có sự nối kết gì giữa việc nhận ra Đức Ki-tô hôm nay và Đức Ki-tô phục sinh, khi ông chứng kiến các băng vải được xếp lại hay không. Điều này có thể cho bạn thấy tính tiệm tiến trong tiến trình khám phá ra dấu chỉ về Đức Ki-tô Phục Sinh. Trước kia từ băng vài được cuốn mà nhận ra Đức Ki-tô phục Sinh, còn bây giờ phải vén băng vài “vô minh” của sự tối tăm và kém tin để nhận ra người. Việc nhận ra Đức Ki-tô bây giờ không chỉ còn qua dấu chỉ băng vải được xếp lại nhưng là tiếp xúc trực tiếp với Đức Ki-tô phục sinh. Nói cách khác, muốn nhận ra Đức Ki-tô phục Sinh không chỉ là khởi từ bằng vải như trước kia nhưng phải vén bức màn che phủ trong trái tim của mình để có thể nhận ra Chúa.

Hơn ai hết, Chúa Giê-su đã là người vén bức màn trong Trái Tim Ngài cho con người qua lưỡi đòng bị đâm thâu. Xuyên qua vết thương diễn tả tình yêu dâng hiến đến cùng này mà bạn nhận Đấng Ban Sự Sống. Việc thả lưới bên phải mạn thuyền[4] cũng ít nhiều giúp bạn liên tưởng đến điều này. Hai điều tiên quyết khi thả lưới đó là vâng lời Thầy và thả bên phải, bên cạnh sườn bị đâm thâu, nơi trái tim đã chảy Máu và Nước, bằng tình yêu của chính Đấng đã yêu thương và hiến mình vì tôi.  

  1. Cuộc gặp gỡ trong tình yêu

Anh có thương mến thầy không? Có thể nói rằng, tự bản chất con người đi tìm sự thông hiệp và sự trao tặng sự sống. Điều mà bạn và tôi vẫn xác quyết đó là con người xuất phát từ Thiên Chúa và phản ảnh “chính mẫu thức” của Thiên Chúa về việc sống tình yêu và việc trao tặng sự sống. “Đức tin không chỉ tìm kiếm sự hiểu biết” nhưng, “đức tin còn tìm kiếm sự thông hiệp.” Sự đồng nhất là điều mà mọi người đều tìm kiếm, bất chấp bạn là người có tôn giáo hay không. Sau khi đã trải qua những kinh nghiệm với Thầy, có lẽ đây là thời điểm quyết định về số phận và sự chọn lựa dứt khoát. Chúa Giê-su hỏi Phê-rô ba lần: “Anh có thương mến Thầy không.”[5]

Đến thời điểm này, Chúa Giê-su không hỏi Phê-rô về tài năng, bằng cấp và địa vị xã hội nhưng hỏi về việc “Anh có thương mến Thầy không.” Với sự chân thành, yêu thương và sự khiêm tốn, Phê-rô chỉ trả lời: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Câu hỏi này giả định “một cuộc trao đổi của tình yêu, một sự chân thành, tự do và trách nhiệm.” Tình yêu của Thầy đã đi bước trước: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.”[6] Để đến bây giờ khi đã cảm nghiệm được tình yêu của Đấng đã chết vì mình, ông mới khiêm tốn trả lời về tình yêu của mình dành cho Thầy. Chỉ khi cảm nghiệm được một cách thật sự tình yêu của Thầy đã chết và thông ban sự sống cho mình khi đó ông mới có thể trả lời với Chúa được câu này. Giả như câu trả lời không phản ánh tâm hồn và con người của ông, chắc chắn ông không thể theo Chúa đến cùng.

Ngang qua mẻ cá lạ, Đức Ki-tô Phục Sinh vẫn đồng hành với các môn đệ. Ngài không để các ông mồ coi. Ngài là điểm tới cho các ông chèo thuyền. Ngài hiện diện và mời gọi các ông thả lưới bên phải mạn thuyền. Thả lưới bằng chính tình yêu và sức mạnh của Đấng đã chết và cứu cho muôn người. Câu hỏi của Chúa Giê-su hỏi Phê-rô là một lời mời gọi sự đáp trả của tình yêu sau khi ông đã cảm nghiệm được tình yêu của Đấng đã sống và chết cho ông. Câu trả lời của bạn và tôi trước câu hỏi của Chúa, “Anh có thương mến Thầy không,” vẫn là một lời mời gọi bước vào tương quan thông hiệp, trao ban sự sống và “hãy chăm sóc chiên của thầy.”      

Như thế, chính kinh nghiệm gặp gỡ với một con người đã thay đổi số phận và hướng đi của bạn và tôi. Cuộc gặp gỡ này không phải là cuộc gặp gỡ thông thường nhưng nó chính là cuộc gặp gỡ định mệnh. Cuộc gặp gỡ đó mở ra một chân trời mới và một hướng đi mới. “Ở nguồn gốc của việc làm một Kitô hữu không phải là một lựa chọn luân lý hay một ý tưởng cao cả, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, một người, là điều mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi quyết định[7]

Gioan Phạm Duy Anh SJ

[1] TV 127, 1

[2] Ga 21, 6

[3] Ga 21, 7-8

[4] Ám chỉ đến thị kiến của tiên tri Ezekiel về nước từ bên phải đền thờ chảy ra. Chúa Giê-su bị lưỡi đòng đâm thâu tức thì Máu và Nước chảy ra làm phát sinh sự sống và ơn cứu độ.

[5] Ga 21, 17

[6] Ga 13, 1

[7] Encyclical Letter Deus Caritas Est (25 December 2005), 1: AAS 98 (2006), 217