Các linh hồn nơi Luyện Ngục sẽ không quên sự giúp đỡ của chúng ta

print

Các linh hồn nơi Luyện Ngục sẽ không quên sự giúp đỡ của chúng ta

https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/

**** “Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Galata 6,10)

Mục Lục:

Bài 1: Cầu nguyện giúp các linh hồn, sẽ được giúp lại cả phần hồn, lẫn phần xác

Bài 2: Các linh hồn tuân lệnh hàng giáo phẩm.

Bài 3: Sức nóng từ một giọt mồ hôi của linh hồn Luyện Ngục.

Bài 4: Cái bàn gỗ in dấu bàn tay của linh hồn nơi Luyện Ngục.

Bài 5: Một nháy mắt chịu cực hình trong Luyện Ngục, dài bằng 365 ngày.

Bài 6: Không được xem thấy Chúa, là cực hình nặng nhất trong Luyện Ngục

Bài 7: Nhớ cầu nguyện cho các linh hồn, mà quên đi người cha mình qua đời

Bài 8: Trẻ nhỏ vẫn vào Luyện Ngục.

Bài 9: Hình phạt Luyện Ngục không trừ một ai

Bài 10: Một mẫu người tích cực giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục.

Bài 11: Các linh hồn nơi Luyện Ngục sẽ không quên sự giúp đỡ của chúng ta

Bài 12: Một linh hồn đứng ra làm chứng cho sự thật

Bài 13: Một quân nhân bị xét xử trước tòa án Đấng Tối Cao.

Bài 14: Không có lỗi lầm thiếu sót nào, được coi là nhẹ trước tôn nhan Chúa.

Bài 15: Phải cẩn thận giữ gìn miệng lưỡi

Bài 16: Tội do cái lưỡi cũng thật rất đáng sợ.

Bài 17: Khốn thay, kẻ có khả năng làm việc lành phúc đức mà không làm..

Bài 18: Những dụng cụ người ta dùng đễ phạm tội, sẽ trở thành dụng cụ gia hình hành khổ họ sau này.

Bài 19: Chuyện một lời khấn hứa chưa kịp thực hiện.

Bài 20: Nợ một xu, cũng phải đền trong Luyện Ngục.

Bài 21: Để giải thoát các Đẳng Linh Hồn nơi Luyện Ngục, không gì hiệu quả bằng Thánh Lễ.

Bài 22: Chuyện cha Măng-xi-nen-li và các linh hồn.

Bài 23: Quyền năng của Đức Mẹ đối với các linh hồn nơi Luyện Ngục.

*** Hãy tích cực làm phúc, giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục.

 

Bài 1: Cầu nguyện giúp các linh hồn, sẽ được giúp lại cả phần hồn, lẫn phần xác

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 244

Bạn thân mến,

Năm 1620, ở ngoại ô La Mã có một thanh niên trác táng, tên là Rinoli. Ăn chơi quá độ, lại thêm hung bạo, ngang tàng, anh gieo bao đố kỵ và thù hận trong lòng giới trẻ. Chúng quyết “dứt” anh chàng kiêu căng cho bỏ ghét.

Tuy sống những chuỗi ngày rất bê bối, bê trễ, nguội lạnh và rất lộn xộn về luân lý đạo đức, nói chung là lộn xộn về đủ mọi mặt, nhưng anh vẫn còn giữ được nếp sống gia phong của gia đình đã được học hỏi, noi theo gương của ba má, rất thương xót các Đẳng Linh Hồn, nên thỉnh thoảng anh cũng xin lễ và cầu nguyện sốt sắng, cầu cho những linh hồn đau khổ nơi Luyện Ngục.

Chỉ với chút ít đạo đức nho nhỏ và duy nhất này, mà phần hồn, phần xác của anh đã được cứu.

Chuyện như thế này:

Một buổi tối kia, trên đường anh đi đến Ti-vo-li, nhưng anh đâu có ngờ là mình vô tình đem thịt nạp cho hùm. Bởi bọn thanh niên đang thù ghét anh, đang núp ẩn sẵn trong một lùm cây, bố trí sẵn súng hoả mai, để chờ hạ gục anh, vì biết chắc anh sắp đi ngang qua đó.

Khi đến gần nơi bọn đối phương mai phục, anh thấy một xác tội nhân bị treo lủng lẳng trên các cành cây dẻ. Động lòng trắc ấn, Rinoli dừng lại, đọc ít kinh cho linh hồn khốn nạn này.

Trong khi anh cầu nguyện, thây ma nhúc nhích, rơi xuống đất và tiến lại gần anh. Anh khiếp sợ và đứng sững như trời trồng.

Thây ma cầm cương, bảo anh xuống ngựa, và đứng đợi.

Quá kinh hoàng, anh hạ mã, không nói nữa lời và để cho thây ma vừa sống lại, nhảy lên con tuấn mã phóng tới.

Kẻ thù bắn xối xả vào hắn (thây ma), và khi thấy hắn đã ngã xuống, họ tin chắc chắn là anh đã chết, nên chúng vội vã bỏ đó và chạy trốn.

Rinoli run lập cập, thấy thây ma trỗi dậy, phóng lên ngựa, trở lại gặp anh và bảo:

 “Anh vừa nghe súng nổ đó chứ! Những phát hỏa mai kia, chính là để bắn anh: Đáng lẽ anh đã phải sa vào hỏa ngục rồi, nếu các Đẳng Linh Hồn không xin Chúa đến cứu anh trong cơn đại họa vừa rồi.

Anh hãy ghi nhận công ơn trời bể đó, và hãy tiếp tục cầu nguyện cho các Đẳng Linh Hồn, mà nhất là phải lo đổi đời, phải lo ăn năn, trở về với Chúa và cố sống lành thánh lương thiện.”

Thây ma trở lại tòn teng trên cành dẻ. Còn Rinoli, vài ngày sau hoàn toàn thống hối, ăn năn, trở về với Chúa, xin vào dòng khổ tu và sống mộ cuộc đời khổ hạnh, rất  thánh thiện.

Lạy Chúa, chúng con quyết tâm thương giúp các Đẳng Linh Hồn hết mình, và vận dụng mọi phương thức để đạt cho được mục tiêu đó.

Tháng 11 là đỉnh cao của viện trợ, để các kho tích trữ, và nguồn mạch ân sủng của Chúa sẽ ào ạt, và liên tục tuôn ơn cứu viện xuống các Đẳng Linh Hồn.

Lạy Chúa, con khẩn khoản cầu xin Chúa và Mẹ Maria giúp con thực hiện cho được quyết tâm này. Amen.

———————————-

 

Bài 2: Các linh hồn tuân lệnh hàng giáo phẩm

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 245

Bạn thân mến,

Đọc Kinh Thánh, ta thấy Chúa dùng những kẻ chết, để dạy những người dốt, cứu giúp những người túng quẫn, và đưa các tội nhân đến việc tuân giữ Luật Chúa.

Gotha Giám mục Hano (Hanovre) miền Tây Bắc Đức, có những con chiên đầy tội ác, đã gây nên không biết bao nhiêu là gương mù, gương xấu.

Đức Cha đã tận lực, dùng những phương thức tuyệt hảo, để đưa họ về chính lộ, nhưng vô hiệu.

Ngài buộc lòng phải “dứt phép thông công” những người bất trị đó.

Bị án này, họ không được vào nhà thờ.

Nhưng ngày hôm sau, khi Đức Cha bước lên bàn thờ, những tên bạo gan đó vẫn vào như thường.

Đức Cha nhìn họ và lớn tiếng truyền:

“Nhân Danh Đức Thánh Linh, Ta truyền cho tất cả những người bị tuyệt thông, phải rời gấp chốn thánh, mà họ đã xúc phạm”.

Họ không nhúc nhích.

Nhưng bỗng chốc, nhiều hài cốt đang yên vị trong nhà thờ bổng mở ra, nhiều kẻ chết sống lại và ra khỏi thánh đường, như lệnh đó được truyền cho họ.

Thấy vậy, các tội nhân chạy trốn, vì khiếp sợ sự kiện kỳ lạ đó. Bởi vì có nhiều người bị vạ tuyệt thông, nhưng khi chết cũng được mang hài cốt vào trong nơi thánh, mà những người chôn cất, đã không biết thực trạng của họ. Tuy nhiên, họ không phải sa Hỏa ngục, vì khi chết họ đã kịp thời ăn năn tội cách trọn.

Thánh Giám Mục cũng hết sức kinh ngạc trước sự lạ đó. Khi lễ xong, Ngài ra xem tự sự.

Các kẻ chết sống lại, cũng đang chờ Ngài ở cửa nhà thờ, trong vị thế rất nghiêm túc và rất cung kính.

Bấy giờ Đức Cha mới ngỏ lời với họ, trước cộng đoàn giáo dân, đã khen ngợi và nhân Danh Chúa chúc lành cho họ:

“Được thẩm quyền Chúa ban, Ta cất vạ tuyệt thông cho các con, Nhân Danh Đức Chúa Thánh Thần, để các con được vào Thiên Đàng, mà không còn trở ngại nữa.

Thân xác chúng con hãy trở về bình an trong mộ, để chờ ngày chung thẩm.” Các người chết gỗi quỳ, tay chắp, đầu cúi, liền đứng dậy tái nhập âm phần.

Lạy Chúa, chúng con tin chắc có Luyện Ngục.

Và chúng con tha thiết xin Chúa ban cho chúng con ý thức cao độ, về việc cứu giúp các Đẳng Linh Hồn, là hết sức quan trọng và khẩn thiết, để chúng con đừng bao giờ quên.

———————————-

 

Bài 3: Sức nóng từ một giọt mồ hôi của linh hồn Luyện Ngục

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 246

Bạn thân mến,

Thánh Xich-ta-ni-lao Kot-ca được ơn thấy một Linh Hồn trong Luyện Ngục xuất hiện, bị lửa hết sức nóng bỏng bao phủ và kêu la rất thảm thiết. Lửa nóng dữ dội bao phủ hình hài anh, đến nỗi thánh nhân không cầm được nước mắt và xin anh thử so sánh, để biết hỏa nhiệt gắt gao như thế nào.

Linh hồn ấy đáp: “Ngài muốn tôi cho một tỷ dụ ư? Ngài nên biết, là lửa ở đời này tuy nóng thật khủng khiếp, nhưng cũng chỉ như một làn gió nhẹ hiu hiu, mát dịu, sánh với lửa đang thiêu đốt tôi.”

Vừa nói, anh cho nhỏ xuống tay thánh nhân một giọt mồ hôi tiết ra do lửa anh đang chịu. Giọt mồ hôi làm Ngài đau điếng cả người và thét lên một tiếng thống thiếc, làm thức giấc tất cả các bạn tu sĩ đang ngủ.

Họ chạy đến phòng Ngài và thấy Ngài ngã xuống đất bất, tỉnh nhân sự, vì không chịu nổi sức nóng của giọt mồ hôi đó.

Các bạn đồng tu vất vả lắm mới làm cho ngài tỉnh lại được.

Đến sau, người ta hỏi ngài: vì sao ngài kêu la inh ỏi như vậy? Ngài đưa bàn tay, và chỉ vết thương do giọt mồ hôi của một linh hồn Luyện Ngục gây nên. Vết thương này đã làm cho ngài phải chịu đau nhức suốt đời.

———————————-

 

Bài 4: Cái bàn gỗ in dấu bàn tay của linh hồn nơi Luyện Ngục

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 247

Bạn thân mến,

Tại dòng Đaminh Damora, có một thầy dòng rất nhân đức, kết nghĩa với một cha dòng Phanxicô, cũng không kém phần thánh thiện đạo đức.

Ngày kia, khi đôi bạn tri kỷ kết nghĩa với nhau và hứa sau này sẽ gặp nhau sau khi chết. Nghĩa là nếu ai ra đi trước, thì sẽ hiện về cùng kẻ còn sống, để cho biết: Nếu còn trong Luyện Ngục, thì sẽ tiếp tục cầu nguyện cho.

Và cha dòng Phanxicô đã chết trước.

Ít lâu sau, cha dòng Phanxicô hiện về cùng thầy dòng Đaminh.

Sau khi thân ái chào nhau, cha dòng Phanxicô bảo là ngài còn đang phải đền tội rất khổ sở và rất lâu dài nơi Luyện Ngục, vì những vết tì ố chưa đền xong.

Để kích thích người bạn cố tri ra sức cứu nạn mình, thì ngài cho bạn thấy các ngọn lửa khủng khiếp đang nung đốt ngài.

Ngài tâm sự: “Này bạn ơi! Không có gì ở dưới thế có thể giúp cho bạn có một ý niệm về mức độ nồng nhiệt của thứ lửa đó. Bạn muốn thấy một bằng cớ không?”

Rồi ngài đặt tay lên một cái bàn gỗ trước mặt, và mặt bàn bị cháy thủng một lỗ sâu. Bàn này vẫn còn được giữ lại ở nhà dòng Damora, để lưu niệm vĩnh viễn, về hoả lực vô cùng kinh khủng của lửa Luyện Ngục.

Cha dòng Đaminh hết sức kinh hãi và cũng cố hết sức dùng mọi phương thức để cứu người bạn đã quá cố, và cũng đã kêu gọi sự hỗ trợ của hết mọi người trong dòng, để cứu giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục.

Vậy chúng ta hãy luôn cố gắng sống thánh thiện đạo đức trong những ngày còn sống ở trần gian này, để khỏi phải bị thui nướng trong các hỏa lò khủng khiếp của Hỏa Ngục và Luyện Ngục.

Và chúng ta hãy siêng năng giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục, bằng  việc xin lễ, siêng năng tham dự thánh lễ, rước lễ thật sốt sắng, và cố làm thật nhiều việc lành phúc đức, với ý chỉ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện Ngục.

———————————–

 

Bài 5: Một nháy mắt chịu cực hình trong Luyện Ngục, dài bằng 365 ngày

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 248

Bạn thân mến,

Thánh tiến sĩ Augustinô quở trách nặng lời một giáo dân trong thời ngài, vì anh bảo rằng Luyện Ngục không đáng sợ.

Thánh tiến sĩ dạy:

“Không ai được nói như vậy, vì lửa Luyện Ngục đáng kinh hãi, hơn mọi cực hình ở đời này.”

*****

Giai thoại sau đây chứng minh chân lý đó.

Có hai tu sĩ quyết chí nên thánh. Một vị bệnh nặng và có Thiên Thần hiện ra báo tin ngài sẽ chết và sẽ ở trong Luyện Ngục, cho đến khi một thánh lễ được dâng lên cầu cho ngài, ngài mới được lên Thiên Đàng.

Rất vui mừng vì được tin đó, nên ngài cho mời cha bạn đến và thuật lại tự sự, cùng khẩn khoản xin bạn dâng thánh lễ cầu nguyện cho mình sớm hết sức có thể. Cha bạn hứa và giữ lời.

Sáng hôm sau, tu sĩ chết và cha bạn bước ngay lên bàn thánh, cử hành lễ. Lễ vừa xong, ngài cám ơn và thấy ông bạn sáng rực hạnh phúc, nhưng vẫn còn nét buồn nhỏ và trách:

“Anh, đức tin anh ở đâu? Anh có giữ lời hứa không? Anh không đáng được Chúa thương xót nhiều đâu. Anh để tôi trong Luyện Ngục hơn một năm, mà không dâng Thánh lễ.”

Cha bạn đáp: “Thật ra, anh làm tôi ngạc nhiên quá! Tôi đã giữ đúng lời hứa. Kìa, tôi mới cởi lễ phục. Mà anh mới chết có mấy giờ thôi và xác còn chưa liệm mà.”

Bấy giờ linh hồn nhìn cha bạn, đau khổ thở than:

“Ôi! Ghê gớm thay các nỗi đau khổ trong Luyện Ngục: Tôi bay lên trời đây, xin Chúa trả công cho việc anh vừa làm cho tôi.”

LỜI NGUYỆN

Hồn tôi ơi! Một giọt mồ hôi do lửa Luyện Ngục thiêu đốt tiết ra vô cùng khủng khiếp, một bàn tay bị lửa Luyện Tội nung đốt đặt lên bàn cháy thủng một lổ sâu: Và ngụp lặn trong biển lửa thì khốn khổ đến mức nào, và một nháy mắt chịu cực hình trong Luyện Ngục dài bằng 365 ngày.

Lạy Chúa, con tha thiết xin Chúa cho con có một ý thức cao độ về khổ hình Luyện Ngục.

Và trong những ngày còn sống ở trần gian này, con sẽ cố gắng hết sức mà dùng mọi phương thức, để sao tránh khỏi hỏa lò kinh hãi đó.

Và cố gắng làm thật nhiều phúc đức, nhất là đi tham dự thánh lễ nhiều hơn, rước lễ số sắng hơn, và xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn.

 

Bài 6: Không được xem thấy Chúa, là cực hình nặng nhất trong Luyện Ngục

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 249

Bạn thân mến,

Các Tiến sĩ danh tiếng trong Giáo hội dạy rằng: có một số linh hồn trong Luyện Ngục chỉ chịu một thứ cực hình thật nặng, là không được xem thấy Chúa.

Mà thật vậy. Thánh nữ Bri-gi-ta đã nói: có một thứ Luyện Ngục, mà trong đó các linh hồn mòn mỏi đi, và đi mãi, vì đã không yêu mến Chúa nhiều, vì đã không yêu mến Chúa đủ như một người con.

Thứ Luyện Ngục này kinh khủng hơn cả, kinh khủng còn hơn thứ Luyện Ngục có lửa thiêu đốt nhiều.

*****

Chuyện lạ sau đây, xảy ra ở quận Lục Xâm Bảo (Luxembourg), được Cha Tổng Đại Diện của Đức Tổng Giám Mục Tơre (Treves) xét nghiệm và tuyên bố chính xác.

Ngày lễ Chư Thánh (1/11), cô No-ay (Noailles) là một thiếu nữ đạo đức, bỗng thấy linh hồn một bà mới chết hiện về. Bà cho biết thứ Luyện Ngục khắc nghiệt hơn cả của bà, là không được thấy Chúa.

Bà bận đồ trắng, tay cầm tràng Chuỗi Mân Côi, chỉ dấu lòng sùng kính cao độ của bà đối với Đức Nữ Vương.

Bà hiện về rất nhiều lần, nhất là ở trong nhà thờ. Bà quỳ một bên thiếu nữ, cùng cô cầu nguyện, cùng cô lên Bàn Thánh, mặt bà sáng rực khiến thiếu nữ chưa bao giờ thấy ai đẹp như vậy. Bà thường hiện về trong nhà thờ, bởi vì không được xem thấy Chúa nhãn tiền, thì ít nữa bà có thể chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa, và hơn nữa, tiện xin thiếu nữ cầu nguyện cho bà.

Cô luôn luôn cầu nguyện cho bà, và thường xin lễ cho bà, cử hành nơi bàn thờ Đức Mẹ.

Ngày kia, No-ay hôn kính chân tượng Đức Trinh Nữ để cầu cho bà.

Khi cô trở lui, thấy bà đon đả chạy tới cám ơn cô. Bấy giờ bà nói: lúc sinh tiền, bà có hứa xin ba lễ tại nhà thờ Đức Mẹ, nhưng đã thất hứa. Bà khẩn khoản nài xin cô, nhân danh bà, trả món nợ thiêng liêng đó, nợ làm cho cực hình bà đang chịu quá cay nghiệt.

Cô vội vã xin lễ. Đến lễ thứ ba, linh hồn khốn khổ đó, vồn vã đến cùng cô, đầy hân hoan, đầy hiển thắng, vì việc đền tội vừa được rút lại rất ngắn.

Thấy vậy, thiếu nữ quỳ xuống, tay dang thẳng vai và đọc 5 kinh Lạy Cha, 5 kinh Kính Mừng cho bà.

Bà đỡ tay cô, bà tỏ lòng biết ơn cô, nhất là khuyên bảo cô nhiều điều bổ ích, trong đó có việc tôn sùng Đức Trinh Nữ.

Bà khuyên: “Mỗi khi con thấy tượng Đức Mẹ, con nên đọc ba câu lạy này: Lạy Mẹ là Đáng đáng ngợi khen. Lạy Mẹ là Đấng hay an ủi kẻ âu lo. Lạy Mẹ là Nữ Vương Chư Thánh. Con xin chúc tụng, tôn vinh Mẹ.”

Con càng yêu mến và phục vụ người Mẹ cao cả ấy bao nhiêu, thì con càng được Ngài tận tình với con bấy nhiêu, trong cuộc phán xét kinh khủng, định đoạt số mạng muôn đời của ta”.

Bà còn khuyên cô: Hãy dùng tất cả các việc lành phước đức, để giúp đỡ các Đẳng Linh Hồn.

Tình nghĩa đôi bên càng thắm thiết đậm đà nhân các lần hiện về liên tiếp đó, thiếu nữ mời bà đến dự Thánh lễ với cô ngày 3 tháng Chạp.

Bà về quỳ lạy bên cô, khăng khít nhất là lúc cô rước lễ và cầu nguyện cho bà.

Sau khi cám ơn cô, bà cho biết năm ngày sau, đến lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, bà sẽ đến thăm cô, trước khi lên trời.

Bà còn khuyên đi khuyên lại: phải hết lòng tôn kính Đức Trinh Nữ.

Câu truyện cảm động này chứng minh mạnh mẽ lời của thánh Gioan Kim Khẩu: “Vậy, khi còn sống, chúng ta hãy yêu mến Chúa, để sau khi chết, chúng khỏi phải bị án phạt: xa cách Ngài lâu dài như bà này”.

 

Bài 7: Nhớ cầu nguyện cho các linh hồn, mà quên đi người cha mình qua đời

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 250

Bạn thân mến,

Nữ tu sĩ Pa-ni (Panigarola) ở Milan nước Ý, rất tận tình cứu giúp các Đẳng Linh Hồn. Cô luôn luôn cầu nguyện và khuyên bảo kẻ khác cầu nguyện cho các Đẳng Linh Hồn.

Tuy nhiên, gần như không bao giờ cô cầu nguyện cho cha cô tên là Gotha, mặc dầu cô yêu mến ông rất chí thiết khi còn sống.

Thỉnh thoảng, cô có nghĩ đến việc cầu nguyện cho cha, nhưng lại nghĩ sang chuyện khác, hay sang các linh hồn khác.

Ngày lễ Các Đẳng 2/11 năm đó, cô đang cầu nguyện trong phòng, bỗng nhiên Thiên Thần bản mệnh hiện ra và đưa cô xuống Luyện Ngục. Tại đó, cô nhìn ra cha cô, trong số đông linh hồn bị nhận trong hồ nước đá lạnh.

Ông Gotha vừa thấy con, liền kêu lên: “Than ôi! Hỡi Pa-ni, làm sao con có thể quên người cha của con, đang quằn quại khốn khổ, trong đau khổ ở đây. Con tỏ ra đầy bác ái vơi người ngoài, cha đã thấy có một số được lên Thiên Đàng, nhờ con cầu nguyện, nhưng đối với cha, là người con chịu ơn nhiều, nhưng con lại không một chút thương tình.

Vậy, ít nhất một lần, con hãy thương cha đang bị dằn vặt suốt ngày đêm, vì bao cực hình khủng khiếp.

Nghe cha trách cứ như vậy, thiếu nữ thú nhận lỗi lầm và khóc nức nở, và hứa làm ngay những gì người cha yêu cầu.

Thiên Thần liền đưa cô đi một nơi khác.

Cô hỏi Thiên Thần: tại sao Chúa không cho phép cô cầu nguyện cho ba mình, mặc dầu nhiều lần cô đã nghĩ đến việc đó.

Cô kể:

Một buổi sáng nọ, cô khởi sự đọc kinh, ngất trí trong kinh nguyện, và hình dung đã dâng cho cha cô một cái bánh trắng tinh, nhưng ông nhìn có vẻ khinh khỉnh và từ chối không nhận. Do đó cô sợ là ông đã sa hỏa ngục.

Sau thị kiến đó, cô không còn nghĩ đến việc cầu nguyện cho ông nữa, mà lại cầu nguyện rất nhiều cho các người khác.

Thiên Thần đáp: “Con quên cầu nguyện cho ba con, là Chúa cho phép, để phạt ông vì đã hời hợt, ít lo cho phần rỗi linh hồn mình, và vì ít quan tâm làm những việc lành phúc đức.

Chúa cho phép con hành động với ông, cũng như chính ông đã hành động với Chúa: quên thì quên. Đó là lý do của việc ông không nhận bánh”.

Sau khi Pa-ni đã hoàn hồn, lòng cảm thấy tan nát ưu phiền, đến mức không còn một phút yên dạ, cơ hồ như luôn luôn văng vẳng bên tai tiếng não lòng của người cha đau khổ, nên khóc cạn nước mắt.

Cô gia tăng việc cầu nguyện và hãm mình, hy sinh khắc khổ, để đền tội thay cho cha, vì phép công thẳng của Chúa, cần phải được toại nguyện.

Sau đó, cha đã cô hiện về, lòng tràn đầy hân hoan. Sau khi đã cám ơn cô, ông đã bay lên trời.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức rằng: Nếu con muốn khỏi quằn quại, ray rứt, dằn vặt và rên xiết trong đau thương khủng khiếp nơi Luyện Ngục, thì con phải hăng say yêu mến Chúa, chuyên chăm lo cho  phần rỗi của con, và tích cực lo cứu vớt các Đẳng Linh Hồn nơi Luyện Ngục.

———————————-

 

Bài 8: Trẻ nhỏ vẫn vào Luyện Ngục

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 251

Bạn thân mến,

Bà thánh Péc-pê-tua, tử đạo khoảng 203, đã thuật lại hai thị kiến sau đây:

– Vào khoảng năm 195 tại Cac-sta, Phi Châu, em bà là Đi-nô (Dinocrate) lên bảy, đã chết vì bệnh nan y. Còn bà thì bị bắt giam trong tù, vì tội không thờ kính bụt thần.

Trong khám đường, đang khi bà cầu nguyện hết sức sốt sắng, thì bà thị kiến thấy mình sắp bị ném cho thú dữ ăn thịt.

Bà cũng thấy Đi-nô và nhiều người khác ở trong một ngục thật tối tăm. Bà thấy em  mình mặt tái mét, mắt lửa đỏ và còn mang bệnh. Em dùng những bộ điệu hết sức ấn tượng để cho chị hiểu: là em đang quằn quại trong lửa và khát nước. Bên cạnh em, có một hồ lớn chứa nước, nhưng thành hồ cao quá, em không thề lấy nước uống được.

Thánh Péc-pê-tua cảm động, khi thấy em đau khổ, nên đã cầu nguyện nhiều cho em, hết sức, cầu nguyện hết mình.

Vài ngày sau, bà có một thị kiến khác thật an ủi: Cậu em bận đồ trắng, thân thể sáng chói, mặt hồng hào tươi trẻ. Bà hiểu là lời cầu nguyện của bà đã được Chúa chấp nhận và Đi-nô đã được giải thoát khỏi Luyện Ngục.

*****

Các trẻ em thường phạm những lỗi nhẹ và thường cho là không đáng kể, nên không còn ai nghĩ đến.

Dù có trẻ tuổi đến đâu, các em cũng phải chịu thanh trừng nơi Luyện Ngục, nếu chưa đền tội đủ ở trần gian.

Thánh Au-gus-ti-nô đã có lần cho biết: một cậu em mới lên ba, mà đã phải bị trầm luân trong hỏa ngục đó sao?

LỜI NGUYỆN

Ôi! Lạy Chúa, còn chúng con: càng thêm tuổi, chúng con càng thêm tội. Do đó, các cực hình nơi Luyện Ngục đang chờ chúng con, nếu chúng con dại dột, mà không chịu lo đền tội trước ở trần gian này.

Nguyện xin các Đẳng Linh Hồn đã siêu thoát, cầu nguyện cho chúng con, được luôn luôn ý thức đúng mức điều đó.

———————————-

 

Bài 9: Hình phạt Luyện Ngục không trừ một ai

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 252

Bạn thân mến,

Tôma Ca-tem-prê (Thomas Cátimpre) thuật lại câu chuyện sau đây:

Xi-mong Giéc-manh (Simon Germain), trước khi đi tu và làm tu viện trưởng, đã từng là một vị quan lớn và là một nhà bác học có tiếng.

Ngài là một vị chân tu, chỉ có lỗi, là quá nghiêm khắc với các tu sĩ. Ngài đã từng kết nghĩa tu đức với một phụ nữ thánh thiện, tên là Luy-gác (Lugrade).

Giéc-manh chết và bị án Luyện Ngục, để đền tội hà khắc của mình.

Luy-gác hay tin, hết sức đau khổ, sợ ông bạn phải chịu thanh luyện, vì đã quá cay nghiệt với các tu sĩ.

Bà ăn chay, đánh tội và cầu nguyện, xin Chúa khoan hồng cho người bạn.

Chúa hiện ra và bảo bà: “Can đảm lên con, Cha sẽ nhận lời cầu bầu của con. Ít lâu nữa Giéc-manh sẽ được cứu rỗi”.

Bà xin Chúa: “Lạy Chúa, mọi niềm an ủi Chúa dành cho con, con xin chuyển nhượng cho linh hồn đau khổ đó. Vì con sẽ không ngừng than van kêu khóc cho đến khi biết được linh hồn đó được ra khỏi chốn chực hình, mà vào chốn vinh phúc.”

Ít lâu sau, Chúa lại hiện ra với Luy-gác, dẫn theo linh hồn của Giéc-manh đã hoàn toàn được giải phóng, và phán: “Con hãy an tâm: đây là linh hồn mà con đã cầu nguyện nhiều cho bấy lâu nay.”

Nghe vậy, bà phủ phục dưới chân Đấng Cứu Thế, trán mọp sát đất, thờ lạy và ngợi khen Ngài, vì đã ban ơn trọng đại như vậy.

Phần linh hồn người bạn cũng đầy hoan lạc, đã tỏ bày lòng biết ơn Luy-gác, gọi bà là vị cứu tinh, và nói: nếu không có bà giúp, âu còn phải khốn khổ mười một năm nữa.

*****

Luy-gác còn là vị cứu tinh trong trường hợp sau đây, cũng khá hy hữu:

Đức Giáo Hoàng I-no-xăng III băng vừa hà, đã hiện về cho bà thấy: mình mang đầy lửa đỏ:

– Linh hồn nào đây? Luy-gác hỏi.

– Ta là linh hồn của Giáo Hoàng I-no-xăng III.

– Sao, một vị Giáo Hoàng thật vĩ đại, thật thánh thiện, là cha, là gương mẫu của chúng tôi, mà vì đâu lại phải mang hình phạt như vậy?

– Cha phải đền ba tội…

Vì các tội đó, cha phải hoàn toàn mất linh hồn, nếu trong giờ phút chót, Đức Mẹ nhân từ, đã không xin Con của Mẹ cho cha được ăn năn tội cách trọn, và hình phạt Luyện Ngục cha sẽ phải chịu, kéo dài mãi cho đến ngày tận thế, nếu con không cầu nguyện để cứu cha.

Đức Trinh Nữ còn xin cho cha được một ơn khác, là ơn được đến gặp con.

Vậy, cha khẩn khoản nài xin con thương xót cha.

Nghe thế, nào đâu có ngờ, thánh nữ bỗng cảm thấy đau rát cả lòng dạ.

Bà liền triệu tập các nữ tu lại, trình bày tự sự và xin ai nấy cầu nguyện, ăn chay, hãm mình, phạt xác, dâng lễ và rước lễ sốt sắng, cầu cho vị đại Giáo Hoàng của Giáo Hội vừa mới mất.

Mọi người trong nhà dòng đã nỗ lực làm thật nhiều các việc đạo đức, làm hết sức sốt sắng.

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng không hiện về nữa.

Đức Hồng Y Ben-lác-manh (Bellamin) vừa là một vị thánh, vừa là một vị thần học uyên bác, đã viết về việc linh hồn của Đức I-nô-xăng III như sau:

“Sự xuất hiện này, làm tôi đầy kinh hãi, mỗi khi nghĩ đến.

Khi thấy một vị Giáo Hoàng, rất đáng ca tụng, là một vị thánh trước mắt mọi người, lại sắp mất linh hồn và bị chịu án cực hình kinh khủng trong Luyện Ngục đến ngày thế mạt, thì thử hỏi: còn Giáo sĩ, tu sĩ nào mà không run rẩy cả tứ chi, trước án phạt Luyện Ngục?”

Ta hãy run lên, như Đức Hồng Y Ben-lác-manh, trước số phận đang chờ ta, sau khi chết.

Và như Ngài đả khuyên: Chúng ta hãy cố gắng sống hết sức lành thánh, để tránh Luyện Ngục, hay ít nhất khỏi bị thiêu đốt dài ngày ở nơi đó.

———————————-

 

Bài 10: Một mẫu người tích cực giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 253

Bạn thân mến,

Thánh Gioan Mat-xia (Masias), một tu huynh dòng thánh Đaminh, đã hết lòng tôn kính các linh hồn trong Luyện Ngục.

Đêm đêm, thầy thường hay quỳ trước ảnh Đức Mẹ, để cầu nguyện cho các Đẳng Linh Hồn.

Các linh hồn khốn khổ đó đã lần lượt hiện về rất đông đảo, để xin thầy thương xót, vì đang phải chịu cảnh vô cùng đau khổ nơi Luyện Ngục.

Họ van nài:

– “Hỡi đầy tớ Chúa, xin hãy nhớ đến chúng tôi. Ôi! Xin đùng quên chúng tôi trước mặt Chúa. Xin hãy cứu chúng tôi khỏi các cực hình.”

Thầy Mat-xia hỏi lại:

– Hỡi các linh hồn có phước, tôi có thể làm gì được? Một người tội lỗi khốn nạn như tôi, thì có thể làm gì được?”

Bấy giờ, các linh hồn xin thầy: Hãy dâng lên Chúa nhiều kinh nguyện, nhiều việc lành phúc đức: ăn chay, hãm mình, phạt xác, nhất là mỗi lần thầy dâng lễ, rước lễ, xin thầy hãy dâng lên Chúa, với ý chỉ cầu nguyện, cứu giúp chúng tôi.

Thế là thầy gia tăng các việc lành phước đức, dâng các kinh nguyện. Hai mươi lần một ngày, thầy chạy vào nhà thờ, xin Chúa khoan dung, thương xót họ. Khi họ được giải thoát, họ lần lượt hiện về cám ơn thầy, trước khi về cõi phúc.

Các linh hồn khác lại chạy đến xin thầy cầu bầu, thầy lại tái diễn các việc hãm mình, phạt xác một cách can trường thay cho họ, để rút ngắn thời gian Luyện Ngục của họ.

Khi thầy lâm chung, cha giải tội buộc thầy cho biết: Có khoảng bao nhiêu linh hồn, mà thầy đã cứu giúp họ ra khỏi lửa Luyện Ngục.

Thầy thú nhận là rất nhiều, có thể tới hàng triệu linh hồn.

Hàng triệu linh hồn! Quả thật là kinh khủng.

Khi thầy qua đời, chắc chắn là đoàn tùy tùng hùng hậu này sẽ đưa thầy trợ sĩ lên Thiên Đàng.

Ôi! Triều thiên huy hoàng, thật lộng lẫy biết bao, xứng đáng để tưởng thưởng một tâm hồn bác ái bao la như vậy.

LỜI NGUYỆN

Kính lạy Thánh Mat-xia, xin dạy chúng con biết luôn luôn thương xót các linh hồn trong Luyện Ngục.

Xin dạy con tinh thần xả kỷ, vị tha của Ngài, hầu có thể giúp được nhiều linh hồn.

———————————-

 

Bài 11: Các linh hồn nơi Luyện Ngục sẽ không quên sự giúp đỡ của chúng ta

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 254

Bạn thân mến,

Thánh Bri-gi-ta, một hôm Chúa cho bà thấy trước mắt cảnh Luyện Ngục, và các Đẳng Linh Hồn được lửa thanh luyện trong đó, trước khi lên trời.

Thánh nữ nghe một thiên thần hô:

“Phúc thay những kẻ cầu nguyện và làm việc cho phúc đức, để giúp các Đẳng Linh Hồn trong Luyện Ngục.

Bởi vì, sự công lý của Thiên Chúa đòi buộc các linh hồn ấy phải được thanh luyện bởi lửa, và sự giải thoát họ là nhờ vào việc lành phúc đức của bà con, bạn hữu, dâng lên Thiên Chúa, để đền thay cho họ.”

Bấy giờ, bà nghe từ vực đau khổ vang lên vô số tiếng xin nài:

“Ôi, Lạy Chúa, xin đừng chấp vô số tội chúng con phạm, một xin Chúa nghĩ đến công nghiệp vô cùng của cuộc khổ nạn Chúa đã chịu.

Xin Chúa soi sáng cho các Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ và Giáo Dân, có một tâm tình bác ái chân thật, để cứu số phận hẩm hiu của chúng con, bằng các lời cầu nguyện, các thánh lễ họ dâng, việc rước lễ, các việc lành phúc đức, các việc từ thiện bác ái và các ân xá, đại xá.

Nếu các Đấng muốn, các Đấng có thể giảm nhẹ, hoặc thâu ngắn các khổ hình khủng khiếp chúng con chịu, và đem chúng con sớm gần Chúa. Cám ơn muôn ngàn lần, cám ơn những kẻ nâng đỡ chúng con trong cơn hoạn nạn.”

Rồi có những những luồn yến sáng: rực rỡ có, lờ mờ có, đã từ trên chiếu dọi xuống soi vào Luyện Ngục, cho hiểu rằng: họ được nhờ lời cầu nguyện nâng đỡ: nhưng chưa được hoàn toàn.

Và co tiếng mới ngân lên: “Ôi! Lạy Chúa, xin Chúa ban những ơn lành, gấp trăm lần, xuống cho những kẻ đã giúp chúng con, bằng những lời kinh nguyện, để giải thoát chúng con và góp phần đưa chúng con vào ánh sáng hạnh phúc bất diệt trên Nước Trời.”

*****

Vậy, những ai đã cầu nguyện cho những kẻ đã chết, được bảo đảm một phần thưởng rất lớn, do các lin h hồn nôi Luyện Ngục cầu nguyện cho.

Các linh hồn đã được họ cầu bầu cho, khi lên trời sẽ không bao giờ quên một sự giúp đỡ nào như vậy và sẽ đền gấp trăm nữa.

Rất mong những người nghe hoặc đọc những truyện trên đây, được hết lòng sùng kính các người quá cố như thánh Bri-gi-ta.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, chúng con cần biết bao: Những bạn hữu và những quý nhân ở bên kia thế giới bầu cử cho chúng con.

Chúng con là những kẻ tội nhân, phạm nhiều tội lỗi, thương khi chọc giận, gây phẫn nộ cho Chúa: chúng con cần biết bao lời bào chữa của các Ngài. Xin Chúa cho chúng con nhiều Trạng Sư ở trên trời.

———————————-

 

Bài 12: Một linh hồn đứng ra làm chứng cho sự thật

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 255

Bạn thân mến,

Năm 1070 ở Cơ-ra-cô-vi (Cracovie) nước Balan, thánh Xich-tan-ni-lao Giám Mục có mua của một nông dân, tên là Phêrô một khoảng đất cho nhà thờ Chánh Tòa. Ngài trả tiền đàng hoàng, nhưng không lập khế đoạn mãi.

Sau ba năm, các người thừa kế của Phêrô làm đơn, tố cáo Đức Giám Mục đã cướp đoạt đất của họ.

Những người trên cố tình cáo gian như vậy, là vì biết rõ vua Bô-lét-lát (Boleslas), là vị hung quân, đã rất cay cú với thánh nhân, vì đã có lần thánh nhân lên tiếng khiển trách nhà vua rất nặng lời, vì những việc làm ác đức của ông.

Nhà vua rất hoan hỷ làm bản án, buộc Đức Cha phải trả tiền một lần nữa.

Đức Cha được ơn Chúa soi sáng, nên tuyên bố: nấu không được người sống xét xử công minh, thì Ngài sẽ viện người chết, đứng ra để làm chứng cho Ngài.

Vậy Đức Cha đã tâu vua:

Xin Ngài đợi cho ba ngày, Phêrô là người bán đất, tuy đã chết, nhưng sẽ đứng xác nhận và làm chứng cho việc Ngài đã trả tiền rồi.

Bạo vương chuẩn y ngay, vì biết Phêrô đã chết từ lâu và chế nhạo Giám Mục: Đúng là ngớ ngẩn.

Thánh Xich-tan-nil-ao trở về nhà, và yêu cầu các Linh Mục, tu sĩ cầu nguyện và ăn chay suốt ba ngày, để xin Chúa tự tay thụ lý.

Ngày thứ ba, sau khi dâng thánh lễ trọng thể, Ngài bận luôn phẩm phục Giám Mục, Ngài đến nghĩa trang cùng với các Linh Mục và dân chúng.

Đến mộ Phêrô, Ngài ra lệnh quật mộ và mở qua tài. Người ta chỉ thấy một nắm xương tàn.

Bấy giờ thánh Giám Mục quỳ xuống và xin Chúa làm một phép lạ trước dân chúng, để cho sáng danh Chúa và cho sự thật được hiển nhiên.

Rồi, Giám Mục lấy cây gậy, đụng đến hài cốt và truyền:

“Hỡi các xương khô, hãy nghe lời Thiên Chúa! Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, ông hãy sống động và đến làm chứng cho sự thật.”

Các xương cốt cựa quậy, tro bụi biến thành thịt, người chết đứng dậy, ra khỏi quan tài và tiến đến Đức Giám Mục.

Ngài dẫn anh đến nhà thờ, trước hết để cám ơn Chúa với dân chúng, rồi đưa đến tòa án.

Phiên tòa do hung vương chủ tọa, với sự hiện diện của cả đình thần.

Người ta báo tin Đức Giám Mục, các Giáo sĩ, dân chúng và có Phêrô đã sống lại, đến hầu tòa.

Vua không tin, nhưng rồi cũng phải tin trước sự thật hiển nhiên, khi Đức Cha vào phòng đối diện với vua và tâu:

“Tâu hoàng thượng, tôi dẫn người bán đất cho tôi tới đây. Xin hoàng thượng hỏi đương sự có bán đất và đã nhận tiền của tôi không?

Thiên Chúa sai đương sự đến, để làm xấu hổ những con cháu gian dối.”

Phêrô cao giọng minh chứng, là đã bán đất ấy cho Đức Giám Mục và Ngài đã trả tiền rồi.

Tiếp đó, Phêrô ngỏ lời với ba người cháu hiện diện, là không có quyền trên đám đất đó và dọa chúng sẽ bị chết dữ tợn nay mai, nếu không chấm dứt tham vọng lấy của người khác.

Cả cử tọa đều kinh ngạc, sợ hãi, đứng sững như trời trồng.

Sau đó, Đức Giám Mục hỏi người được sống lại: có muốn sống thêm ít năm nữa không?

Nhưng đương sự đáp:

“Muốn chết ngay, hơn là sống một cuộc đời khốn khổ và rất nguy hiểm, làm mất lòng Chúa.”

Anh xin thánh Giám Mục và dân chúng: Hãy cầu bầu cùng Chúa cho anh đang còn phải giam cầm trong Luyện Ngục.

Mọi người theo anh, trở lại nghĩa trang.

Anh đến quan tài và nằm xuống. Xương cốt anh lại tách rời ra, thịt tan ra thành tro bụi, và thiên hạ chỉ còn thấy một bụi đất không hình dạng.

———————————-

 

Bài 13: Một quân nhân bị xét xử trước tòa án Đấng Tối Cao

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 256

Bạn thân mến,

Trong một giấc mơ, thánh Bri-gi-ta đã được mời đến tham dự một phiên tòa của Đấng Tối Cao, đang xét xử một quân nhân đã qua đời.

Khi anh trình diện với Đấng Thẩm Phán Tối Cao, có Thiên Thần Hộ Thủ đứng bên hữu làm luật sư, có ma quỷ bên tả bên tiên cáo.

Ma quỷ tố cáo anh ta ba tội:

Tôi thứ nhất: Mắt nhìn những chỗ cấm, đã gây nên những ước muốn xấu xa.

Tội thứ hai: Lưỡi nói lời cấm, gây nên những ước muốn xấu xa, thề thốt, nguyền rủa.

Tội thứ ba: Ăn cắp, ăn trộm, tà dâm…

Thiên Thần biện hộ, đã nhắc lại những việc đạo đức, những lời cầu sốt sắng, các việc bố thí, ăn chay và hãm xác anh đã làm.

Trạng sư biện hộ thêm, đặc biệt: trong giờ lâm chung, anh đã sốt sắng cầu cùng Đức Trinh Nữ Maria, nhờ Ngài ban ơn, mà anh ta đã kịp thời ăn năn tội cách trọn.

Sau hai lần bầu chữa đó, Đấng Thẩm Phán Tối Cao tuyên án:

Anh khỏi sa hỏa ngục, nhưng phải án vào Luyện Ngục lâu dài và khắc nghiệt.

– Hình phạt mắt, là nhìn những vật ghê tởm,
– Hình phạt lưỡi, là bị hằng nghìn mũi nhọn đâm thâu và khát nước, đến đắng họng,
– Hình phạt các phần thân thể, là chìm đắm trong một biển lửa.

Lúc đó Đức Mẹ nhân từ hiện đến, xin Chúa Con giảm khinh.

Chúa Cứu Thế đồng ý, nhờ sự can thiệp của Đức Mẹ.

Ngài còn thêm, là để giảm nhẹ nữa, các Giáo dân sẽ phải cầu nguyện, bố thí và đền tội cho anh.

*****

Thị kiến thứ hai của thánh nữ Bri-gi-ta, là về một thiếu nữ, rất quý phái.

Cô quá đau khổ và kêu la thất thanh. Cô trách mẹ đã quá dung túng nuông chiều cô trong cuộc sống xa hoa, lộng lẫy và phù phiếm, đã dẫn cô đến rạp hát, tiệc tùng, tiếp tân, mặc dù, thỉnh thoảng mẹ cũng khuyên nhủ cô làm các việc đạo đức và nhiều việc tôn kính hữu ích.

Giữa đau khổ, cô tuyên xưng lòng tri ân lớn lao đối với Chúa nhân lành, đã cho cô khỏi sa hỏa ngục, là nơi đáng lẽ cô phải bị  phạt, vì bao tội lỗi đã phạm.

Trước khi chết, cô đã ăn năn hối cải và xưng tội.

Cô kêu lên: “Tôi đã được cứu khỏi hỏa ngục; nhưng phải bị ném vào những cực hình khủng khiếp trong Luyện Ngục.

Bấy giờ, đầu tôi đã thích trang điểm, bị lửa hừng hực thiêu đốt cả bên trong, lẫn bên ngoài.

Vai và cánh tay tôi thích để hở hang, đầy xiềng xích cháy đỏ.

Chân tôi điểm xuyến để khiêu vũ, bị rắn độc quấn đầy, luôn luôn mổ cắn.

Tứ chi tôi lắm lần mang xuyến, mang vòng, đeo hoa, đeo nhẫn, bị nướng trong lửa hồng nồng nực, rồi bị nhận chìm trong nước đá lạnh ngắt.”

Thánh Bri-gi-ta thuật lại những điều đó cho những người bà con của người quá cố. Tuy họ có cũng ăn chơi phù phiếm. Nhưng khi nghe vậy, họ cũng đã đổi đời, đã tìm được hạnh phúc trong lời cầu nguyện, trong chay tịnh và hãm mình, để đền tội mình và đền tội thay cho các thân nhân.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, nghe vậy, chúng con không phải là loài vô tri, chúng con quyết chết 1.000 lần, còn hơn là sống, mà làm mất lòng Chúa.

Chúng con quyết đổi đời ngay hôm nay, để chỉ tìm hạnh phúc trong lời cầu nguyện, trong chay tịnh và hãm mình, ép xác.

Xin Chúa luôn luôn thương giúp giúp, hướng dẫn con biết sống lành thánh, lương thiện, trong cuộc sống đời này, để chuẩn bị cho tốt cho cho cuộc sống mai sau trên Thiên Đàng. Amen.

———————————-

 

Bài 14: Không có lỗi lầm thiếu sót nào, được coi là nhẹ trước tôn nhan Chúa

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 257

Bạn thân mến,

1. Thánh Malađêna Padi, ngày kia, thấy một nữ tu vừa mới qua đời hiện về, mình mẩy huy hoàng trong ánh sáng chan hòa của trời cao. Chỉ trừ có đôi tay cô là không được rực sáng. Co cho biết: vì cô còn phải đền tội, về đôi khuyết điểm trong việc lời khấn thanh bần (nghèo khó theo luật dòng).

Cùng hiện về với bà, lại có một thiếu nữ, bận một áo rực lửa nóng bừng và một áo choàng hoa huệ. Áo lửa là hình phạt hay khoe khoang lúc còn sống. Và áo măng tô hoa huệ, là phần thưởng trinh khiết.

2. Một cha dòng Đaminh hiện về cho một cha Đaminh khác ở Cô-lôn (Cologne). Cha phục sức tuyệt diệu và đội triều thiên vàng.

Khi hỏi thì được biết: ý nghĩa của những trang sức, là tiêu biểu các linh hồn mà ngài đã giảng dạy và đã giúp họ được cứu rỗi.

Còn vương miện vàng, là phần thưởng trung thành, tuân giữ luật dòng.

Tuy nhiên, ngài đã cho biết: Ngài còn phải đau khổ ê chề trong Luyện Ngục, vì đôi khi đã nói một đôi lời vô ích, nên chỉ cái lưỡi mới còn chịu hành hạ.

3. Cha Phanxicô Con-đa-ga, Giám Mục Măng-ta thuật rằng:

Ở đảo Ca-na-ri, trong dòng Đức Bà Vô Nhiễm, có một chân phước tên là Gioan Via, sống rất gương mẫu. Một hôm ngài bị trọng bệnh.

Thầy nhà tập Át-xăng-xi-ô được ủy thác săn sóc ngài. Thầy cũng là nhà tu hành thánh thiện.

Cha Gioan chết thật thánh thiện. Thầy tập sinh, sau khi đã dự tang lễ xong, thì đã vội rút lui về phòng để cầu nguyện. Thầy luôn cầu nguyện trong ba năm, cho hồn cha Gioan chóng siêu thoát.

Một tối kia, trong khi cầu nguyện, bỗng thầy thấy một cha dòng Phanxicô xuất hiện, mình đầy hào quang rực rỡ. Rồi không thấy gì nữa.

Hiện tượng này lại tái diễn. Thầy tập sinh sợ hãi, nên không dám hỏi lại.

Tuy nhiên, đến lần thứ ba, thầy đánh bạo hỏi linh hồn ấy:

“Ông là ai? Vì sao hiện về đây đến 3 lần như vậy? Nhân danh Thiên Chúa, xin ông cho biết ý nghĩa như thế nào?”

Linh hồn ấy đáp: “Tôi là linh hồn của cha Gioan Via, mang ơn thầy nhiều, vì thầy đã săn sóc và cầu nguyện cho tôi. Tôi đến báo tin cho thầy hay, là tôi đã được vào số những người Chúa cho vào Thiên Đàng, hưởng vinh phúc muôn đời.

Tuy nhiên, tôi còn chưa được xét đáng hưởng tôn nhan Chúa, vì còn phải đền một tội thiếu sót: Khi còn sống, tôi đã quên đọc một vài kinh cầu cho kẻ đã chết như luật buộc.

Vậy, tôi khẩn khoản nài xin thầy: Hãy đọc thay cho tôi, để tôi được lên Thiên Đàng.”

Thầy tập sinh liền chạy đến thuật ba thị kiến trên cho cha phụ trách, Ngài đã chỉ thị cho các tu sĩ nhà đọc các kinh đó.

Đọc xong, linh hồn thầy hiện về cho thầy nhà tập, sáng chói hơn trước nhiều. Linh hồn cám ơn và hứa sẽ cầu bầu cho thầy và cả nhà dòng trên thiên quốc.

Rồi Thầy tập sinh được linh hồn giới thiệu: Có hai vị mới xuất hiện, mình đầy hào quang sáng, đến chói tháp tùng, là thánh Phanxicô khó khăn và thánh Bênađinô thành Xiêna, đến đưa linh hồn này về trời.

Thật khủng khiếp: Đừng coi thường các hình phạt của tội nhẹ!

Chúng là mồi lửa bén nhạy thiêu đốt dai dẳng và rát rúa, mà ta phải chịu thanh luyện trong Luyện Ngục.

Ta phải cảnh giác ngay từ giờ phút này: quyết tâm tránh tội, sẽ không phạm một tội gì cố tình, dù là một tội nhẹ, và quyết sẽ xa lánh cả hình bóng tội nhẹ nữa.

———————————-

 

Bài 15: Phải cẩn thận giữ gìn miệng lưỡi

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 258

Bạn thân mến,

Xê-de (Césaire) kể cho ta một thánh tích, dạy ta không nên chuyện trò ở nơi tôn nghiêm, vì xúc phạm, làm mất lòng Chúa.

Trong dòng Xi-ta, gọi là dòng Đấng Cứu Thế, có hai cô gái đến tu.

Vô tình, người ta xếp họ ngồi gần nhau trên cung thánh. Tên hai Dì này là Giê-tru-đê và Má-ga-ri-ta.

Tuy họ rất nhân đức, nhưng lại có một thói xấu là hay nói, và thường hay rù rì, phá đi sự im lặng, đang lúc phải giữ sự im lặng.

*****

Một cơn bạo bệnh đã chấm dứt cuộc đời xuân xanh của dì Giê-tru-đê. Nhà dòng chôn dì ở cuối nhà thờ.

Một tối kia, đang lúc các nữ tu tập trung trong nhà thờ để cầu nguyện, thì bỗng dì mới chết, hiện về trước bàn thờ, bái quỳ như thường lệ, và đến ngồi bên cạnh dì Má-ga-ri-ta.

Không có ai thấy cả, chỉ trừ dì Má-ga-ri-ta, là bạn từ lúc nhập tu, và cũng là đồng phạm, vì thường hay nói chuyện với nhau lúc thinh lặng. Dì Má-ga-ri-ta sợ quá, mặt xanh như tàu lá chuối, run lập cập và rồi ngã sấp mặt xuống đất, bất tĩnh.

Cả dòng xúm lại săn sóc dì và hỏi cớ sự khi dì vừa tĩnh dậy.

Bấy giờ dì kể lại đầu đuôi và thêm:

Người quá cố, sau khi hát kinh chiều, đứng dậy, bái lạy sát đất, rồi biến mất.

Mẹ bề trên không sự thật do dì Má-ga-ri-ta kể, và coi đó chỉ là sản phẩm của tưởng tượng, do suy nghĩ linh tinh, lộn xộn, hay là ảo tưởng của ma quỷ bày ra.

Bà chỉ thị: “Nếu, Giê-tru-đê còn hiện về một nữa, thì con hãy nói: “Benedicite!”, chắc dì sẽ đáp như thông lệ trong dòng: “Dominus!” (hai tiếng Latinh này có nghĩa là Hãy Ngợi Khen – Chúa), rồi con sẽ hỏi dì ở đâu đến và muốn gì?”

Rồi ngày hôm sau, cũng vào giờ ấy, linh hồn ấy về nữa. Má-ga-ri-ta chào:

– “Benedicte!”

Linh hồn ấy đáp:

– “Dominus!”

Má-ga-ri-ta liền hỏi ngay:

“Dì Giê-tru-đê quý mến, dì từ đâu đến và muốn gì?”

“Em đến để thỏa mãn sự công lý của Thiên Chúa, tại chính nơi em phạm tội với chị, khi em đã nhiều lần phá đi sự thinh lặng của cộng đoàn, và đã làm cho chị cũng phá sự thinh lặng theo, trong khi cử hành các nghi lễ phụng vụ.

Đấng Thẩm Phán Tối Cao muốn em phải trả cho hết nợ tội lỗi này, ngay tại chính nơi và trong những cảnh, mà em đã xúc phạm đến Chúa.

Ôi! Nếu chị biết được em đau khổ biết chừng nào! Em bị lửa thiêu đốt tứ bề: nhất là lưỡi em bị nung đốt, không được giảm nhẹ một chút nào.

Chị nên lấy tấm gương của em mà giữ mình, và nên hãm dẹp lời ăn, tiếng nói: ‘Hãy quên đi gương xấu em đã làm, và đừng bao giờ lôi cuốn ai theo nó, vì một khổ hình tương tự, ắt sẽ dành cho chị đó thôi’.”

Nói đoạn, Giê-tru-dê biến mất.

Linh hồn còn về nhiều lần nữa, để xin các dì phước cầu nguyện, cho đến khi được siêu thoát hoàn toàn.

Dì Giê-tru-dê thân ái chào biệt bạn, rồi đi đến mồ, nơi đã chôn dì. Rồi biến mất ở đó.

Và cũng kể từ hôm đó,  dì Giê-tru-dê không còn hiện về nữa.

Bị xúc động nhiều phen và quá mãnh liệt, nên dì Má-ga-ri-ta đã lâm bệnh nặng, đến dứt điểm cuộc đời.

Ai cũng tưởng dì đi luôn. Nhưng đó chỉ là một trạng thái xuất thần nhập hoá, trong đó, nhiều điều lạ lùng bên kia thế giới đã được tiết lộ cho dì.

Dì đã lần lượt kể lại cho các chị em trong dòng tu, mọi người đều kinh ngạc và đã khuyên nhau mỗi ngày, cố tiến trên đường hãm dẹp ngũ quan.

Phần dì Má-ga-ri-ta, dì trung thành một cách tuyệt đối việc giữ thinh lặng trong các giờ thinh lặng. Nhất là luôn cẩn trọng gìn giữ ngũ quan, đặc biệt là miệng lưỡi. Bởi hình phạt kinh khủng mà dì Giê-tru-dê phải chịu, luôn luôn lởn vởn trong trí dì.

———————————-

 

Bài 16: Tội do cái lưỡi cũng thật rất đáng sợ

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 259

Bạn thân mến,

Đức cha Đuy-răng, Giám Mục  giáo phận Tu-lu, (Duran Toulouse), nước Pháp, đã để lại cho chúng ta một tấm gương, giúp chúng ta chỉnh sữa lại cuộc sống của chúng ta sao cho chuẩn mực cần thiết trong cuộc sống.

Ngài rất nhân đức, luôn luôn hãm mình, ép xác, và bao giờ cũng lo lắng thăng tiến trên đường thánh thiện.

Tuy nhiên, Ngài có một tật xấu, là ít giữ miệng lưỡi.

Khi còn là một tu sĩ thường, Ngài thường quá vui trong lúc chuyện trò, hay bông đùa tếu táo, hay kể chuyện tiếu lâm.

Cha bề trênđã nhiều lần cảnh cáo Ngài, và bảo là những tếu táo, giỡn cợt kiểu đó, không phù hợp với một linh mục và nếu không sửa, sẽ bị phạt trong Luyện Ngục.

Cha Đuy-răng không mấy lưu ý đến lời cảnh giới đó, và khi đã lên chức giám mục, ngài cũng tiếp tục chọc cười thiên hạ.

Khi ngài chết, ngài hiện về cùng một tu sĩ bạn, cha Xê-ganh (Séguin) và nhờ xin bề trên cầu nguyện cho ngài.

Cha bề trên họp các tu sĩ lại và yêu cầu mọi người thinh lặng tuyệt đối trong một tuần lễ, để lập công chuộc tội, nhất là tội do miệng lưỡi, để cho linh hồn ngài được cứu rỗi. Cả dòng đồng ý.

Tuy nhiên, có một tu sĩ nói một vài lời. Người quá cố hiện về và báo tin là vị tu sĩ đã nói đó, làm mất hết công nghiệp thinh lặng của các bạn khác.

Vậy phải nín lặng thêm một tuần khác và gia tăng thêm lời cầu nguyện.

Tuần cấm khẩu vừa dứt, thì đức cha D Đuy-răng hiện về, mặt mày hớn hở trong phẩm phục giáo triều. Ngài hết lòng cám ơn nhà dòng và báo tin Chúa đã đón nhận ngài vào thiên đàng rồi.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết kềm chế cái lưỡi lại. Người ta thường nói: ba tấc lưỡi nó dài lắm.

Xin cho chúng con nhớ mãi cái lưỡi trong dụ ngôn Ê-đốp. Vì cái lưỡi có thể mang lại cho chúng con hào quang vinh phúc, mà cũng có thể mang lửa, châm mồi hỏa ngục và Luyện Ngục cho cuộc sống mai sau, thật lâu dài.

———————————-

 

Bài 17: Khốn thay, kẻ có khả năng làm việc lành phúc đức mà không làm

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 260

Bạn thân mến,

Thánh co-op (Corpree) là một Giám Mục ở nước Ái Nhĩ Lan.

Sau một buổi kinh chiều, Ngài còn nán lại để cầu nguyện. Bỗng nhiên hiện ra trước mặt Ngài một ma quái, xanh rờn, dữ tợn, ăn bận kỳ cục. Ma mang ở cổ một cái kiềng lửa, chỉ che được một cánh tay.

Không chút sợ hãi, Ngài nhìn tận mặt và hỏi hắn là ai?

Linh hồn đáp:

“Tôi là một linh hồn đã khuất”.

“Hình dáng anh sao lại kỳ quái ghê gớm như thế?”

Chính tội lỗi tôi đã phạm, nên bị phạt như thế này. Dầu Ngài thấy tôi ở trong tình trạng cực kỳ bi đát, nhưng tôi là Ma-la-si (Malachie), khi sinh tiền, tôi là vua Nước Ái Nhĩ Lan.

Tôi đã có thể làm biết bao nhiêu việc phúc đức, trong địa vị cao sang của tôi, và tôi đã không làm.

Thánh co-op ngạc nhiên hỏi thêm:

– “Tôi tưởng là hoàng thượng đã ăn năn, và đã làm việc đền tội xong rồi.
Linh hồn đáp:

Linh hồn trả lời:

“Khốn thay! Tôi đã không muốn vâng lời cha giải tội. Tôi đã làm cho Ngài phải chiều theo những sự bất thường của tôi và còn vô liêm sỉ hơn, tôi đã dâng cho ngài một chiếc nhẫn vàng, theo chủ tâm đó.

Và bây giờ, vì cái tội ấy, mà tôi phải mang một vòng lửa ở cổ: vòng lửa này thiêu đốt tôi thật ác ôn và cầm giữ tôi lại như một phạm nhân.

Cón cha giải tội bất trung ấy, đã không thể giúp tôi được gì: vì ngài cũng đang mang một cái kiềng, còn đau đớn, còn nóng bỏng hơn cả tôi nữa.”

Đức Giám Mục lại muốn biết ý nghĩa cái áo tơi rách, dơ bẩn mà linh hồn đang mang. Linh hồn đáp:

“Đó là hình phạt, do một việc bác ái tôi đã làm không thành, không nên. Câu chuyện đó như sau:

Một người hành khất, gần như trần trụi, đến xin tôi, tôi chỉ đến hoàng hậu. Nàng không mấy thương người, nên nàng chỉ bố thí cho một cái bao bố. Nay tôi phải mang cái bao bố đó để chịu xấu hổ, để đền tội”.

Thánh nhân hỏi linh hồn: tại sao lại hiện về với tôi và mong đợi tôi những gì?

Linh hồn đáp:

“Tôi bị ma quỷ hành hạ. Chúng bắt tôi chịu muôn nghìn khổ hình. Khi bài kinh chiều được xướng lên, chúng run sợ và chạy trốn hết và bỏ tôi lại đây một mình.

Chúa cho phép tôi hiện về với ngài, để xin ngài cầu nguyện.”

Bỗng linh hồn thét lên:

“Khốn thay! Khốn thay! Này bọn quỷ chúng đang đến!

Nhưng trước khi lìa ngài, tôi muốn chỉ cho ngài nơi tôi đã giữ ba ký vàng và trên 300 ký bạc, để ngài làm gì thì làm”.

Thánh Co-op đáp:

“Không, không tôi không muốn thứ của cải nào, khác với của cải trên trời.

Tuy vậy, điều đó cũng không ngăn trở tôi làm mọi việc có thể, để giúp anh, theo khả năng của tôi”.

Linh hồn biến đi và lớn tiếng bảo:

“Khốn thay! Khốn thay kẻ nào không làm việc phúc đức, khi còn có thời giờ”.

Đức Giám Mục họp các linh mục lại và thuật cho các ngài nghe thị kiến trên đây, rồi hỏi ý kiến: Bây giờ phải hành động thế nào, để có thể giải thoát đức vua và cha giải tội.

Mọi người quyết định: Đức cha thì cầu nguyện cho nhà vua, còn các linh mục thì cầu nguyện cho cha giải tội, bằng thánh lễ, ăn chay và cầu nguyện sốt sắng, dâng lên Chúa, để Ngài nguôi cơn phẫn nộ.

Các việc đạo đức này được cử hành đều đặn trong sáu tháng.

Sau đó, ông vua đã hiện về với Đức Giám Mục và cho biết: Các đau khổ ngài đang chịu đã được giảm phân nửa: nhưng còn nhiều khốn khổ, mà con người ở trần gian này, không hể nào hiểu thấu.

Vậy, phải tiếp tục cầu nguyện, dâng thánh lễ và hãm mình, ép xác, đánh tội nữa, cho đến khi vua hiện về lần thứ ba, gương mặt vô cùng hớn hở, tỏ vẻ vô cùng hiển vinh, vô cùng hạnh phúc.

Ông cho biết là ông đã được lên Thiên Đàng rồi, và hứa sẽ không bao giờ quên các vị đại ân nhân.

Ông bảo là cha giải tội sẽ lên Thiên Đàng sau ông, nhờ lời cầu nguyện và những sự hãm xác của các linh mục ở nhà thờ chánh tòa.

Thánh nhân hỏi tại sao, cha giải tội không cùng lên Thiên Đàng một lần với vua ?

Ông vua đáp, là sự cầu bầu của riêng vị Giám Mục đẹp, lòng Chúa, hơn cả sự cầu bầu của các linh mục hợp lại.

Vậy, là Chúa cưng riêng những kẻ yêu Ngài nhiều hơn.

———————————-

 

Bài 18: Những dụng cụ người ta dùng đễ phạm tội, sẽ trở thành dụng cụ gia hình hành khổ họ sau này

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 261

Bạn thân mến,

Nữ chân phước Phanxica Thánh Thể, là một người hết lòng sùng kính các Đẳng Linh Hồn.

Bà là hiện thân của ngường nhiệt tình với các đẳng.

Bà luôn cầu nguyện, ăn chay, mặc áo nhặm, đánh mình đến máu chảy, bà còn hãm mình ép xác bằng nhiều cách nữa.

Bà thường xin lễ và vận động nhiều người làm việc lành phúc đức, để giải thoát các đẳng linh hồn nơi Luyện Ngục.

Ma quỷ thường cám dỗ bà để bà nãn lòng: Không khéo coi chừng bà phải ở trong Luyện Ngục lâu năm, vì cái tội quên mình, mà chỉ nghĩ đến những kẻ chết.

Nhưng có nhiều linh hồn đã hiện về trấn an bà, và quả quyết với bà, là họ sẽ trả ơn cho bà gấp trăm trăm lần.

Nhiều chứng nhân đã xác nhận: Là họ đã thấy rất linh hồn hiện về cùng bà thường xuyên, để xin bà giúp đỡ. Họ vây quanh giường bà, để chờ bà thức dậy.

Các linh hồn nói: chỉ thấy bà thôi, thì các cực hình cũng bớt cay nghiệt. Nếu họ thấy bà lần chuỗi, họ sẽ cầm chuỗi và hôn kính chuỗi của bà, như là dụng cụ giải cứu.

Để làm bà xúc động hơn nữa, họ thường hiện về với những dụng cụ mà họ đã gây nên tội lỗi, và nay, những thứ đó lại trở thành dụng cụ gia hình hành khổ cho họ:

– Khi thì các Giám Mục, mang những huy hiệu chức quyền rực lửa. Các ngài nói: “Chúng tôi phải chịu đau khổ, vì đã quá tìm kiếm chức quyền”.

– Khi thì các linh mục, với những lễ phục cháy như đuốc và đầy vết tích, đã nói lên việc không tôn kính Thánh Thể Chúa cho xứng đáng.

– Một tu sĩ hiện ra, mang đầy vật dụng quý giá, đỏ nóng như than hồng, bởi vì tu sĩ đó đã đem các vật dụng đó trưng bày trong phòng, trái với luật dòng cho phép.

– Bà đã thấy một công chức viên ở Soria, với tất cả đồ nghề: Giấy, bút, mực, nóng hổi, vì đương sự đã dùng nó làm những điều bất chính.

– Bà cũng thấy một người cầm những bộ bài cháy phừng, để đền tội, vì xưa kia ham mê ham mê cờ bạc.

– Có người mang một túi lửa, phủ đầy tay, để phạt cái tội ăn cắp.

Có linh hồn nói:

“Khi chết, đáng lẽ tôi phải sa hỏa ngục, nếu Chúa không cho tôi ăn năn tội cách trọn: Nhưng tôi phải lãnh án ở Luyện Ngục hết sức lâu dài và hết sức đau khổ. Tôi khẩn khoản xin bà cầu nguyện và hãm mình, ép xác cho tôi được siêu thoát”.

Kíp-tốp (Christophe de Rivéra) là Giám Mục Pam-pe-lu-ne, nghe nói chân phước Phanxica được ơn soi sáng cho biết được ba Giám Mục tiền nhiệm của ngài còn bị giam cầm trong Luyện Ngục, ngài đã cầu nguyện và nhất xin Phanxica cầu nguyện.

Một đêm kia, ba Giám Mục hiện về cùng bà, để cám ơn bà. Sau đó đã bay lên trời.

Nếu các Giám Mục, Linh Mục và Tu Sĩ bị nghiêm trị vì những lỗi nhẹ, thì chúng ta thì sao?

Chúng ta phải lo sợ và phải sống hết sức thánh thiện.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho chúng con quán triệt bài học Chúa dạy trên đây và đừng bao giờ theo những vết xe cũ. Vì xe trước đã ngã, thì xe sau phải coi chừng.

———————————-

 

Bài 19: Chuyện một lời khấn hứa chưa kịp thực hiện

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 262

Bạn thân mến,

Trong một thành phố, ở nước Hung Gia Lợi (Hungary), có một anh lính rất tàn bạo, tên là Kế Lệ Mẫn.

Có người thuê Mẫn 200 Hung Kim, để giết một kẻ thù, cho hả giận.

Mẫn là một tay kiếm hiệp, đã nhận tiền, nhưng đã sớm bị lương tâm cắn rứt và đã mong ước được ơn tha tội.

Anh ta đến với một linh mục, quỳ xuống chân ngài, khóc lóc và xin thú nhận tội lỗi.

Hơn nữa, để đền tội, anh xin khấn hứa: là sẽ dùng 200 Hung Kim tiền nhận sát nhân đó, để thuê thợ chạm trỗ cho một tượng Đức Mẹ Sầu Bi, và xin ba thánh lễ và đốt 12 cây nến trước Mình Thánh Chúa.

Tuy đã khấn như vậy, nhưng vì anh chậm chạp thực hiện, nên đã khiến cho thần chết đến cướp mất linh hồn của anh đi, trước khi làm trọn những gì anh đã khấn hứa.

Thế là linh hồn anh tha hồ mà đền tội, và cũng tha hồ mà chịu nướng dài ngày trong Luyện Ngục.

Tuy nhiên, Chúa nhân hậu cho phép linh hồn anh hiện về cùng một vị thánh nữ, tên là Ren (Reine).

Vậy là anh đế trình diện thiếu nữ và van xin:

“Hỡi đầy tớ Chúa, xin đến gặp vợ tôi, để lấy 200 Hung Kim. Đó là giá máu. Với số tiền này, xin cô làm trọn lời hứa giúp tôi, vì tôi đã khấn hứa lúc còn sống, là thuê thợ chạm một tượng Đức Mẹ Sầu Bi, xin ba thánh lễ và đốt 12 cây nến sáp trước Mình Thánh Chúa.

Nếu số tiền còn dư, xin cô bố thí cho người nghèo. Có làm như thế, tôi có thể thoát khỏi những khổ hình tôi đang phải chịu.”

Cô gái đạo đức không hiểu vì lý do gì mà linh hồn lại nhờ mình, nên không dám thi thành sứ điệp đó.

Linh hồn về lần thứ hai, lần thứ ba, hết sức năn nỉ, van nài cô đừng từ chối ân huệ tối hậu ấy, nếu cô có lòng mến Chúa.

Cô khăng khăng không muốn nhận điều ủy thác đó: cô bảo là không thể được, cô xin hai chữ bình an, cô rất ghét những chuyện liên quan đến tiền bạc,…

Linh hồn nhấn mạnh:

“À này, tôi không thể để cho cô yên đâu nhé, cho đến khi nào cô nhận lời giúp tôi.
 
Cô cũng nên nhớ: Dù cô có trốn hay đi đâu, tôi cũng có thể tìm ra cô. Bởi vì Chúa chỉ cho phép tôi ngỏ lời với cô, và chỉ với cô mà thôi”.

Câu chuyện hồn hiện về đã sớm lọt tai đến nhiều người, và một trong những nhà chức trách thành phố.

Nhân vật này, thương xót linh hồn đau khổ, quyết hoàn thành lời hứa của Kế Lệ Mẫn và đài thọ mọi phí tổn.

Đương sự cho gọi một nhà điêu khắc đến và chỉ cho anh phải chạm trổ ngay pho tượng đó, và không được làm gì khác, trước khi pho tượng Đức Mẹ được hoàn thành.

Nhà điêu khắc, thấy trong xưởng mình không có gỗ nào tương xứng, để chạm một pho tượng như thế, anh bèn phải đi vào rừng để kiếm tìm.

Đang khi đi tìm một cây cho xứng hơn, thì anh thấy một cụ già chống gậy đi tới, tóc bạc, mặt tái, giống hệt ông Kế Lệ Mẫn khi chết.

Cụ hỏi anh:

“Anh đi đâu thế, và tìm gì?”

Anh đáp:

“Cháu đi tìm một thứ gỗ quý, để chạm một tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Đến giờ phút này, cháu vẫn chưa tìm ra. Thứ này thì quá xanh, thứ kia lại quá mềm, hoặc có thứ thì phẩm chất không đáng được chạm trổ.”

Ông cụ lại tiếp:

“ Này, cháu đừng đi đâu nữa. Chính già này sẽ đưa cháu đến chỗ tìm ra. Đi mấy bước nữa, giữa đám cây bên phải, có một cây đã đốn sẵn từ bao năm nay, vừa khô, vừa cứng, cháu sẽ hết sức vừa ý”.

Nhà điêu khắc đến đó, tìm được danh mộc và hoan hỉ đem về. Anh khởi công ngay và hết sức vội vàng, nên không mấy chốc pho tượng đã được hoàn thành.

Người đặt làm đến xem tượng, thấy hoàn hảo và bảo nhà điêu khắc đến nhận tiền, khi nào cũng được.

Tuy nhiên, linh hồn Kế Lệ Mẫn lại hiện về với cô Ren và bảo cần phải cầm lấy một số tiền, trong hai trăm Hung Kim đó, để trả tiền làm tượng, vì tiền bất nghĩa phải được dùng để đền bù tội ác, chứ không được lấy tiền của ai khác mà chi phí.

Linh hồn cũng bảo: nếu gia đình anh đã tiêu dùng hết số bạc đó rồi, thì phải bán bàn ghế, tủ kệ hay các đồ dùng khác để bù lại.

Nếu không, linh hồn sẽ tiếp tục bị thiêu đốt trong Luyện Ngục, vì không đền đủ tội ác mình đã phạm.

Lần này thì cô Ren vâng lời.

Người ta mang tượng đến nhà cô, đặt lên là một áng thờ nhỏ và để 200 Hung kim dưới chân tượng.

Linh hồn về nữa, nhưng lần này khác hẳn, sáng láng, vinh hiển.

Linh hồn cám ơn nồng nhiệt, linh hồn dạy trả tiền làm tượng, xin dâng ba thánh lễ, cho đốt mười hai cây nến và bố thí cho kẻ nghèo số tiền còn lại.

Nói đoạn, linh hồn biến mất.

Các linh mục làm phép tượng thuật lại: Là đã nghe rõ mồn một khi làm phép, một tiếng nói đầy hoan lạc, ca vang.

“Ôi! Lạy Chúa, là Chúa Trời con, Chúa là niềm an ủi của con và là chốn con nương thân; Chúa là sức mạnh và là sự cậy trông của con; và bây giờ, con được vào nơi vinh phúc muôn đời, Chúa dành cho người yêu mến Chúa”.

———————————-

 

Bài 20: Nợ một xu, cũng phải đền trong Luyện Ngục

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 263

Bạn thân mến,

Trước khi chết, ai không lo trang trải nợ nần cho xong, thì thật là bất hạnh biết chừng nào!

Nếu kẻ nào không cố sức trả cho xong hết nợ nần, thì đương nhiên phải vào Luyện Ngục mà đền trả, cho đến khi xong hết nợ.

Chúa không sẵn lòng để cho những kẻ gây thiệt hại cho người khác, lại được hưởng những ơn huệ, do sự cầu bầu và những lời cầu nguyện của kẻ khác.

*****

Có cả một kho truyện, thuật lại việc các con nợ hiện hồn về, để xin thanh toán các khoản nợ nần còn vướn mắc.

– Cha Es-pi-nô-sa (Augustin d‘Espinosa), dòng Chúa Giêsu, hằng ngày, đọc hết kinh này, đến kinh nọ, luôn luôn làm phúc, bố thí, ăn chay, hãm mình, ép xác để cứu các Đẳng Linh Hồn.

Chúa cho phép nhiều linh hồn hiện về với cha khá thường xuyên, để cám ơn cha, hoặc xin cha cầu nguyện cho.

*****

Một ngày kia, ngài thấy một người hiện về, ngài biết. Ông là người rấ giầu có ở địa phương. Ông đã hỏi ngài có nhận ra mình không?

Cha đáp:

– “Ồ, tôi biết anh quá mà. Chính tôi đã cho anh xưng tội, xức dầu và rước lễ trước khi anh chết, cách đây mấy ngày”.

– “Thưa cha, đúng thế. Chúa đã cho phép con về gặp cha, để xin cha giúp con làm nguôi phép công lý của Ngài.

Con nay thì chịu, nhưng con hy vọng cha sẽ không nỡ từ chối những lời cầu khần van xin của kè hèn mọn này.

Để cha biết rõ hơn lời cầu xin của con, xin cha vui lòng đi với con một lúc.”

Người quá cố cầm tay, dắt cha đến một cái cầu, ở ngọi ô thành phố, không các xa đây bao nhiêu.

Hai cha con cùng đi với nhau, mà chẳng ai nói với ai một lời.

Đến cây cầu, anh chàng biến mất, ít lâu sau, anh trở lại với một túi bạc kếch sù, rồi cả hai người cùng trở về nhà dòng.

Tại đây, người quá vãn trao túi bạc cho cha, và một tấm giấy đã viết sẵn.

Anh nói:

“Thưa cha, trong giấy đã kê rõ số bạc, tên của những người con còn mắc nợ, xin cha giúp trao trả lại cho họ. Và trong giáy, con cũng rõ những công việc, xin cha làm, để giúp giải phóng cho linh hồn con. Số tiền còn dư, thì xin cha sẽ dùng vào việc làm phúc, làm việc thiện”.

Nói đoạn người chết biến mất, và vị Linh Mục vội vàng trình với cha bề trên.

Tất cả các vị có tên trong giấy, đều lần lượt được mời đến, để nhận tiền. Phần còn dư thì dùng vào việc xin lễ và làm việc từ thiện bác ái thay cho anh ta.

Tám ngày thấm thoát trôi qua, người chết lại tái hiện với cha, đang lúc cha cầu nguyện.

Anh chàng ta cám ơn cha đã hành động mau lẹ và đúng đắn, đầy lòng bác ái, nhất là các thánh lễ được dâng lên, để giải thoát cho linh hồn anh.

*****

Người nào mắc nợ, thì phải lo liệu mà trả nợ cho xong, sớm hết sức có thể, đừng để vướng mắc nó, và mang theo mình khi cái chết đến. Bởi cái chết có thể đến với ta một cách bất ưng, không ai biết trước được đâu

– Có người cẩn thận, khi mượn nợ ai đều có làm chúc thư sẵn, bảo con cháu trả nợ, nếu có chết.

Khi còn sống, những người mắc nợ, thì được vui hưởng sung sướng, trên tiền bạc, của cải của kẻ khác, thì khi chết, họ sẽ phải đền lại sự bất công họ đã gây ra cho người ta.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, tội con phạm thì chỉ trong giây lá. Nhưng để đền bù, thì phải chịu biết bao bàng hoàng, lo âu, sợ hãi, đớn đau, khổ sở… trong Luyện Ngục, phải tôn biết bao công phu và thời gian. Và nhất là, biết bao năm tháng lâu dài, mà con phải quằn quại trong Luyện Ngục.

Xin Chúa giúp chúng con luôn biết ý thức sâu sắc các sự việc đó, để đừng bao giờ phạm tội, dù là một tội nhẹ, dù chỉ nợ một xu, con cũng không dám.

———————————-

 

Bài 21: Để giải thoát các Đẳng Linh Hồn nơi Luyện Ngục, không gì hiệu quả bằng Thánh Lễ

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 264

Bạn thân mến,

Tất cả những gì chúng ta làm, để giải thoát cho các Đẳng Linh Hồn, không gì hiệu quả bằng Thánh Lễ.

Đó là giáo thuyết rõ ràng của Giáo Hội. Nhiều sự tích lạ, chính xác, đã minh chứng điều này.

– Ở Cô-lô (Cologne), một thành phố Đức, có hai cha dòng Đaminh, là chân phước Xu-dô (Suzo) và một linh mục khác.

Tương đắc trong đường thánh thiện, hai cha này đã trở thành đôi bạn tri âm, tri kỷ, chí tình. Họ thường tiết lộ cho nhau những hồng ân đã lãnh nhận, và những bí quyết, để giúp nhau thăng tiến trên con đường tu đức.

Một ngày kia chân phước Xuy-dô cho bạn thấy: tên Giêsu, được khắc trên trái tim của mình, bằng một mũi dao nhọn, nung lửa đỏ.

Khi chia tay, họ hứa cùng nhau: Khi 1 trong 2 người chết trước, thì người còn sống phải dâng 1 thánh lễ  mỗi tuần, để cầu cho bạn, và phải cử hành trong suốt một năm tròn.

Một thời gian lâu sau, cha Xuy-dô được tin bạn qua đời, ngài cầu nguyện ngày đêm, luôn hãm mình đền tội, nhưng lại quên không dâng Thánh Lễ.

Một buổi sáng kia, khi cha Xuy-dô  đang cầu nguyện trong nhà thờ, bỗng thấy bạn hiện về, nhìn ngài trìu mến, nhưng lại trách ngài bội tín.

Đấng chân phước ngạc nhiên, bảo rằng ngài đã đọc kinh và làm việc lành rất nhiều để cầu nguyện cho bạn.

Người chết đáp lại: “Ồ không, không bạn ơi! Các việc đạo đức đó sánh với lễ Misa không nghĩa lý gì cả, chỉ có Thánh Lễ mới dập tắt mau chóng lửa hồng thiêu đốt mình thôi. Khẩn khoản xin bạn hãy giữ lời hứa.”

Xuy-dô hứa sẽ làm nhiều lễ hơn nữa, để bù lại cho sự quên sót đã qua.

Sáng hôm sau ngài và các linh mục khác cùng dâng Thánh Lễ cho ông bạn đã khuất và tiếp tục nhiều ngày  như vậy.

Một thời gian sau, vị tu sĩ đã mất hiện về lại, mặt ánh lên nói: “Ông bạn đáng quý ơi, cám ơn lắm lắm, mình đã được cứu thoát, là nhờ bạn và nhà dòng. Nhờ các Thánh Lễ mà mình được ra khỏi Luyện Ngục và lên Thiên Đàng xem thấy Thiên Chúa, mà chúng ta đã cùng phụng sự.”

Chân phước Xuy-dô sấp mình xuống đất để tạ ơn Thiên Chúa, đã cho ngài hiểu giá trị vô song của Thánh Lễ.

———————————-

 

Bài 22: Chuyện cha Măng-xi-nen-li và các linh hồn

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 265

Bạn thân mến,

Cha Măng-xi-nen-li (Mancinelli), thuộc dòng Tên, một người đã hết lòng sùng kính các Đẳng Linh Hồn. Các Đẳng Linh Hồn thường hiện đến thăm viếng ngài.

1. Cậu của ngài là Giám Mục Xê-da Cô-ta (César Costa), thấy ngài ăn mặc sơ sài, sợ ngài lạnh, nên đã tặng cho ngài một chiếc áo măng tô ấm hơn.

Sau khi Xê-da qua đời, đầy lửa thiêu đốt, hiện về cùng cha, và khẩn khoản xin cha cho mượn lại chiếc áo măng tô đó.

Vị Giám mục đã choàng áo vào, như muốn núp trốn, như cảm thấy trong áo có một sự êm mát tuyệt dịu.

Cha Măng-xi-nen-li liền hiểu ngay: linh hồn cậu đang đau khổ trong Luyện Ngục và cho biết là linh hồn được êm dịu nhờ nghĩa cử biếu áo trước đây.

Bởi vậy người cháu đã hứa: Cầu nguyện thật sốt sắng và sẽ dâng thánh lễ cầu nguyện cho cậu.

2. Nam tước Mông-pho, là thân hữu của cha Măng-xi-nen-li.

Nam tước sau khi qua đời được ít lâu, thì hiện về với cha và tha thiết xin cha cầu nguyện cho.

Cha chỉ dâng cho một Thánh Lễ, nhưng linh hồn Nam tước đã được giải thoát, được về thiên quốc, đầy vinh hiển.

3. An-tôn U-gô-li-nô, là thầy giáo của cha Măng-xi-nen-li.

Sau khi qua đời, thầy đã hiện về với cha, mặt mày xanh lét, bị lửa nung đốt cùng mình, lại còn mang nặng trĩu cả xiềng xích nóng bỏng, đỏ rực ….

Thầy giáo Antôn nài xin cha cầu nguyện và dâng lễ cho thầy, vì đang ở mức cùng cực của đau khổ.

Cha Măng-xi-nen-li thánh thiện, không những đã hứa, mà đã thực hiện.

Từ tinh sương ngày hôm sau, cha dâng Thánh Lễ cho thầy. Thánh Lễ vừa xong, linh hồn thầy giáo hiện về, quang vinh tột mức, tràn trề hạnh phúc, đã tỏ tình biết ơn nồng nhiệt.

4. Rất nhiều linh hồn thường hiện về để xin cha Măng-xi-nen-li dâng một lễ duy nhất.

Người ta quả quyết: Là thỉnh thoảng thấy có nhiều linh hồn hiện về tham dự thánh lễ cha dâng, với thái độ đầy tin tưởng.

5. Một ông cậu khác của cha Măng-xi-nen-li, tên là Ca-mi Cô-ta, qua đời đã hai năm, hiện về dự thánh lễ của cha cháu, hết sức sốt sắng.

Giáo dân tham dự thánh lễ hôm đó, đều làm chứng việc này.

LỜI NGUYỆN

Ôi! Uy lực vô cùng của Thánh Lễ. Một Thánh Lễ, một Thánh Lễ duy nhất có khi cứu ngay một linh hồn ở Luyện Ngục.

Xin các linh hồn hiện đang được tiêu diêu trên cõi phúc, cũng hãy cầu cho chúng con: Biết hăng say làm các việc lành phúc đức, tích cực giúp các linh hồn bằng việc: Xin Lễ, thường xuyên tham dự thánh lễ và rước lễ thật sốt sắng, với ý chỉ cầu nguyện các Đẳng Linh Hồn nơi Luyện Ngục.

———————————-

 

Bài 23: Quyền năng của Đức Mẹ đối với các linh hồn nơi Luyện Ngục

Chuyện Đời Đạo – Sách 12- Bài 266

Bạn thân mến,

Thánh nữ Bri-gi-ta cho biết: Có lần Đức Trinh Nữ Maria đã tâm sự với bà:

“Ngài là Mẹ của những kẻ đau khổ trong Luyện Ngục, và Đức Mẹ cũng cho biết: những lời cầu nguyện của bà cũng sẽ giúp giải thoát được nhiều linh hồn”.

Các thánh nhân, mà còn có thể giúp đỡ các Đẳng Linh Hồn, thì huống chi Mẹ Maria, là Nữ Vương của các thánh, lại không đắc lực hộ phù cho chúng ta hơn sao?

*****

Thánh Phêrô Đa-mi-ên đã thuật lại rằng:

Có một linh hồn ở Luyện Ngục hiện về đã quả quyết với ngài: Đến lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, thì số các linh hồn được cứu thoát khỏi Luyện Ngục, còn nhiều hơn dân số ở La Mã nữa”.

Thánh Đa-mi-ên còn kể lại một chuyện lạ sau đây, về một người bạn linh mục. Và chuyện này cung do chính miệng linh mục bạn kể lại cho ngài:

“Một hôm, đêm đã về khuya, bỗng tôi thấy người bạn quá cố hiện về, giục tôi mau chạy đến Vương cung Thánh đường thánh Xê-xi-li-a, cũng gần đó. Chẳng biết chuyện gì, nhưng vì bị giục dã nên tôi bèn phải đi.

Khi đến nơi, nhìn vào kẻ hở của cánh cửa nhà thờ, tôi thấy bên trong là một Đại Hội thần thánh, mà Đức Mẹ đang chủ trì.

Một toán thánh nữ, đang quỳ chầu quanh ngai của Đức Trinh Nữ Maria đang ngồi, có Thiên Thần và các thần thánh triều yết.

Nhìn Đức Mẹ trông rất uy nghi, thật đáng sợ.

Bỗng có một phụ nữ, thân hình trông nhỏ thó, nghèo hèn, ăn bận rất xềnh xoàng, nhưng lại khoác trên vai một bộ áo lông trông thật lộng lẫy, bước tới gần Đức Mẹ, và  phủ phục dưới chân Ngài. Mắt cô đang đẫm lệ và năn nỉ van xin:

“Lạy Mẹ nhân từ, con nài xin Mẹ thương xót anh là Gioan Pa-tri-di (Ptrizzi) bất hạnh. Anh vừa qua đời và đang chịu cực hình khủng khiếp trong Luyện Ngục.”

Cô lập đi, lập lại lời khấn nguyện ấy đến ba lần, nhưng không được đáp ứng.

Cuối cùng cô cao giọng thêm:

“Ôi Nữ Vương chí nhân, chí ái, Mẹ đã biết con là đứa ăn mày, nghèo hèn, ăn xin, kiếm cơm ở cửa hông nhà thờ lớn của Mẹ.

Hôm đó, tuy là đang mùa đông, con cũng chỉ mặc một bộ đồ duy nhất, mùa nào cũng vậy: rách nát, tả tơi, mặc như không mặc, và hôm đó con lại đang rét run.

Bỗng một anh thanh niên bước tới trông thấy con, và nghe con nhân Danh Đức Mẹ để xin của bố thí, thì anh liền cởi vội từ vai của anh, bộ áo lông quý giá con đang mặc đây và đặt lên vai con.

Mẹ ơi, đây đúng là một cử chỉ anh hùng. Vậy vì lòng bác ái lớn lao đó, con xin Mẹ ân thưởng cho anh ta.”

Đức Mẹ âu yếm nhìn người phụ nữ đáng thương đó và nói:

“Người mà con bầu cử cho đó, đã bị án cực hình khủng khiếp và lâu dài, vì anh ta đã phạm nhiều lỗ nặng. Tuy nhiên, anh ta có hai nhân đức cao quý, đó là thương yêu người nghèo và sùng kính Ta, nên Ta muốn đem lòng thương xót anh ta.”

Đức Mẹ liền ra lệnh đem Pa-tri-di ra đến giữa đại hội. Khi anh ta xuất hiện, trông bộ dáng anh ta thật xanh xao, gầy còm, đã biến dạng về nhiều mặt, và lại đang mang xiềng xích, chân tay bị bầm dập, tan nát.

Đức Trinh Nữ truyền cởi xiềng xích cho anh ta và cho anh ta được tự do.

Khi lệnh được thi hành, thì đại hội cũng biến mất và nhà thờ lại trở nên yên tĩnh, giữa đêm tối dày đặc.

Vị linh mục được diễm phúc được chứng kến sự kiện lạ lùng đó, thì càng thêm lòng sùng kính Đúc Mẹ, và khi đi đâu và lúc nào, ngài cũng kể lại thị kiến đó, để cao rao lòng nhân ái của Đức Mẹ đối với các Đẳng Linh Hồn, và nhất là để cổ động lùng sùng kính Đức Mẹ.

 

*** Hãy tích cực làm phúc, giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục

bằng việc thường xuyên nguyện những lời kinh vắn tắt này. Có thể đọc nhiều lần trong ngày, đọc ở bất cứ nơi đâu và đọc ở bất cứ lúc nào:

1. Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa Hỏa Ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn. (Lời Đức Mẹ Fatima căn dặn 3 trẻ đọc khi lần chuỗi).

2. Giêsu, Maria con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn nơi Luyện Ngục. (Lời Chúa Giêsu tâm sự với nữ tu Consolata, khuyên nên đọc câu này nhiều lần trong ngày, để cứu giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục)

3. Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho (các) linh hồn…, được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.

4. Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa việc con sắp làm, (Kinh Nguyện này, Thánh Lễ này…), kết hợp với cuộc thương khó của Chúa, xin Chúa giải thoát các linh hồn nơi Luyện Ngục.

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn