Các Thư Gửi Timôtêô – Lm Carolo

print

Các Thư Gửi Timôtêô

* Bài đọc II các Chúa nhật 25-30

A. Thư mục vụ

Ba bức thư I Tm, II Tm và Tt được gọi là thư mục vụ vì chúng được viết gởi cho các mục tử trẻ để giúp họ hoàn thành trách nhiệm trong Giáo Hội.

B. Hoàn cảnh và mục đích

– Thư 1 Tm : Sau thời kỳ bị cầm tù lần thứ nhất tại Rôma chấm dứt vào năm 63, Phaolô đến Êphêxô. Sau đó ông rời Êphêxô đi Makêđoan, để Timôtêô ở lại điều khiển giáo đoàn này (1 Tm 1,3). Dù vậy Phaolô vẫn quan tâm giáo đoàn Êphêxô và công việc của Timôtêô nên khoảng năm 65 ông đã từ Makêđoan viết thư này cho Timôtêô.

– Thư 2 Tm : dưới triều Nêron, Phaolô bị bắt lại và bị giam lần thứ hai tại Rôma. Lần này ông bị đối xử khắt khe, phải “mang xiềng như 1 tên gian ác” (2 Tm 2,9). Một số người thân của ông xem việc ấy là xấu hổ nên đã bỏ ông (2 Tm 1,8.12). Phaolô cảm thấy cô đơn. Ông biết ngày chết của mình sắp đến nhưng ông vẫn tin tưởng, tự coi như 1 lực sĩ điền kinh sắp chạy tới đích (2 Tm 4,7). Trong hoàn cảnh và tâm trạng ấy, Phaolô viết thư này cho Timôtêô, nghĩa là viết tại Rôma khoảng năm 67. Sau đó ông bị đem xử tử.

C. Timôtêô

Timôtêô sinh tại thành Lystra thuộc miền Lycaonia. Cha là người hy lạp, me là người do thái tòng giáo. Ông đã theo Phaolô trong cuộc du hành truyền giáo thứ 2. Trong chuyến này Phaolô đã khuyên ông cắt bì (Cv 16,1-3). Từ đó ông luôn sát cánh với Phaolô và trở nên đệ tử ruột của Phaolô.

Khi Phaolô bị đuổi khỏi giáo đoàn Thêxalônikê vừa mới thành lập, Phaolô rất lo lắng cho giáo đoàn non trẻ này nên phái Timôtêô trở lại đó quan sát tình hình (xem lại thư 1 Tx), và Phaolô rất vui mừng khi Timôtêô trở về báo cáo tình hình tốt đẹp. Về sau khi giáo đoàn Côrintô chống đối Phaolô, ông lại sai Timôtêô đến đó dàn xếp. Nhưng lần này Timôtêô không thành công (xem lại thư 1 Cr). Trong những ngày ngồi tù và sắp bị xử tử, Phaolô nhớ thương Timôtêô mong được gặp ông này lần cuối (2 Tm 4,9) nhưng không biết Phaolô có được toại nguyện không.

Tóm lại, trong trái tim Phaolô, Timôtêô có một vị trí đặc biệt hơn những người khác, cũng như Philíp có một vị trí đặc biệt hơn những giáo đoàn khác : Phaolô chẳng những xem Timôtêô như một đệ tử, mà còn như một đứa con mà ông hết lòng yêu thương, chỉ bảo.

D. Nội dung

Phaolô không triển khai những luận đề thần học cao sâu mà chỉ nhắc lại vài điều giáo lý cơ bản cụ thể, và đưa những lời khuyên thực tế thích hợp với hoàn cảnh và nhiệm vụ của Timôtêô. Những nhắc nhở về các điểm giáo lý cơ bản thì dĩ nhiên luôn có giá trị cho mọi thời. Còn những chỉ dẫn cụ thể cho hoàn cảnh thì có một số tới nay vẫn còn giá trị và một số đã lỗi thời.