Cách Thức Viết Một Bài Tường Thuật

print

WCT: Nhân dịp ngày Quốc Tế Truyền Thông lần thứ 53, bổn mạng Ban Truyền Thông, chúng tôi xin giới thiệu một bài viết của Thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh. Hy vọng giúp ích phần nào cho các bạn trẻ trong việc tập viết bài cho các trang Web công giáo.

Cách Thức Viết Một Bài Tường Thuật

Thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh

Viết bài tường thuật là trình bày sự việc hay sự kiện vừa mới xảy ra một cách có trình tự, rõ ràng và hấp dẫn. Vì thế, tường thuật mang tính thời sự, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Bài tường thuật còn gọi là “Bản tin”.

I. KHÁI NIỆM TIN TỨC

  1. Định nghĩa

Bản tin là câu chuyện kể lại một sự kiện quan trọng vừa xảy ra, gây được sự quan tâm, viết bằng văn phong báo chí.

  1. Đặc tính

Bản tin phải có tính thời sự, mới lạ và cấp thời. Nó gây tác động, gần gũi và liên quan tới độc giả. Vì thế, bản tin phải ngắn gọn trong ngôn từ và súc tích trong cách diễn tả.

  1. Phân loại

Có 2 loại bản tin: Tin cứng và Tin mềm

a. Tin cứng (Tin nóng, Tin ngắn, Hot News)

 

  • Tin cứng kể lại một sự kiện duy nhất, diễn ra trong một thời gian ngắn (tối đa trong khoảng 12 giờ) và nhấn mạnh vào diễn biến cách khách quan.

 

  • Tin cứng gồm 5W và 1H (What – When – Where – Who – How – Why) với cấu trúc tháp ngược. Nghĩa là đưa ra những gì quan trọng, cốt yếu lên phần nhập đề, và triển khai chi tiết trong phần thân bài.

 

  • Tin cứng phải có tính khách quan, không đưa ý kiến của tác giả vào bản tin.

 

  • Tin cứng có bố cục như sau: Nhập đề (What – When – Where). Thân bài (Who – How – Why). Kết luận (Sự kiện kết thúc lúc nào, như thế nào, trong bối cảnh nào).

 

Lưu ý: Công thức 5W + 1H chỉ có tính tương đối, sự sáng tạo của người viết là quan trọng. Có nghĩa là, trả lời các câu hỏi trên không nên cứng nhắc, rập khuôn, mà phải linh hoạt, chủ động, tùy thuộc vào mức độ giá trị sự kiện. Chúng ta nên sàng lọc thông tin, không nên cố đưa tất cả vào bài viết. 

 

b. Tin mềm (Tin nổi bật, Featured News)

 

  • Tin mềm là tin được viết dưới dạng kể chuyện cách xúc động lôi cuốn, vừa thông tin vừa giúp độc giả tiêu khiển.

 

  • Tin mềm cũng dựa vào những dữ kiện của tin nóng, nhưng được trình bày như một câu chuyện nhân văn thú vị, bàn về con người trong tương giao đầy cảm xúc, với những vấn đề, những quan tâm, những thành tựu. Kết quả bài viết sẽ tạo ra sự đồng cảm nơi độc giả.

 

  • Câu chuyện nhân văn này nằm sau chuyện kể về sự kiện, tổ chức hay những diễn biến lịch sử. Ví dụ: Đời sống của người lính trong chiến tranh, Phỏng vấn nạn nhân sống sót sau thiên tai, hoặc Tiểu sử của một người thành đạt.

 

  • Tin mềm nhấn mạnh vào nhân vật và khéo léo dùng từ thật ngắn gọn để diễn tả cảm xúc của các nhân vật cùng những diễn biến căng thẳng, vượt trở ngại đầy kịch tính. Nó sử dụng cách viết tự sự (kể chuyện), cá nhân và ký sự (hành trình).

 

II. KỸ NĂNG VIẾT TIN NÓNG

 

  1. Cấu trúc bản tin

 

  • Cấu trúc tháp ngược (inverted pyramid): Giúp độc giả biết ngay điều gì đang xảy ra. Vì thế, người viết phải tìm cho ra các yếu tố chính.

 

  • Cấu trúc tường thuật (narration or story telling): Theo trình tự câu chuyện, thời gian, từ trước đến sau.

 

  • Cấu trúc đồng hồ cát (hourglass): Kết hợp hai cấu trúc trên.

 

  1. Đặt Tít

 

  • Chức năng:

+ Thu hút sự chú ý vào bản tin

+ Cung cấp thông tin chính trong một cái liếc mắt

+ Giúp độc giả lựa chọn bài

+ Khiến độc giả muốn đọc.

 

  • Phân loại:

+ Tít chính: Trình bày chữ to, chứa đựng những từ khóa.

+ Tít phụ: Thường đóng vai trò định vị sự việc: chỉ rõ thời gian và địa điểm, hoặc đưa ra miền thông tin. Đôi khi chỉ rút lại thành một từ.

+ Tít nhỏ: Bổ xung thông tin cho tít (như thế nào, tại sao).

 

  • Đặc tính:

+ Sáng sủa, dễ hiểu: Dùng từ đơn giản, cụ thể, không viết tắt.

+ Ngắn, mạnh, trực tiếp: Loại bỏ những chi tiết phụ rườm rà.

+ Hạn chế dùng dấu chấm câu, trừ dấu hai chấm.

+ Không dùng câu hỏi.

+ Chính xác, trung thực: Không nói quá.

+ Thích hợp, độc đáo: Một tít chỉ dùng cho một bản tin.

  1. Giới thiệu: Chapeau (Sapô)

 

  • Đội mũ cho bản tin mà không che khuất
  • Hoàn thiện tít, nói rõ chủ đề bài, góc độ xử lý.
  • Tóm tắt, đưa ra thông tin chủ yếu.
  • Giải thích bài, tại sao chọn sự kiện, hiện tượng này.
  • Làm người đọc muốn đọc và biết thêm chi tiết.

 

  1. Đoạn và câu

 

  • Đoạn đầu tiên phải trả lời được thông tin về chuyện gì, khi nào, ở đâu (không vượt quá 40 từ).
  • Viết các câu ngắn thay vì câu dài. Hãy đưa thông tin quan trọng nhất lên câu đầu tiên trong vòng 14-20 chữ. Hãy dùng thì chủ động thay vì thì bị động.
  • Sử dụng các câu trích dẫn (quote) một cách chính xác, nhất là tít của tin.
  • Nên dùng dấu chấm hết câu nhiều hơn các loại dấu câu khác. Dùng liên từ một cách phù hợp ở các đầu đoạn.

 

  1. Từ

 

  • Dùng từ thật chuẩn xác và không dùng từ thừa.
  • Sử dụng từ cụ thể nhiều hơn là từ trừu tượng.
  • Không dùng từ chuyên môn trong bản tin, dễ làm độc giả mất tập trung.

 

  1. Ngôn ngữ

 

  • Sử dụng ngôn ngữ hằng ngày (dễ hiểu), không phải ngôn ngữ của chính trị gia, luật sư hay các nhà kinh tế học.
  • Giải thích ngắn gọn và phù hợp những gì mà có thể độc giả không hiểu.

 

  1. Không bình luận

 

  • Không được để ý kiến cá nhân chi phối nội dung thông tin.
  • Không được nói độc giả nên nghĩ gì và làm gì.

 

III. KỸ NĂNG VIẾT TIN MỀM

 

  1. Phân loại:

Tin mềm có nhiều thể loại. Thường gặp là: Tin mềm ngắn, Tin mềm ký sự và Tin mềm phóng sự.

a. Tin mềm ngắn: Mang tính khách quan, không có ý kiến của tác giả.

 

  • Tin mềm ngắn chỉ kể một sự kiện duy nhất, diễn ra trong một thời gian ngắn.

 

b. Tin mềm ký sự: Cũng mang tính khách quan, không có ý kiến của tác giả.

 

  • Kể một sự kiện duy nhất với nhiều chi tiết. Hoặc kể một sự kiện duy nhất diễn ra trong một thời gian dài.

 

  • Có thể chọn nhấn mạnh đến sự kiện, con người hay sự vật.

 

c. Tin mềm phóng sự: Kể về nhiều sự kiện xảy ra ở nhiều nơi để minh họa cho một chủ đề, kèm theo ý kiến riêng của tác giả, nhằm khơi gợi suy nghĩ và cảm xúc của độc giả.

 

  • Trong tin mềm phóng sự, những trở ngại, những kịch tính và những cảm xúc được sắp xếp càng lúc càng tăng thêm. Cuối cùng, đi đến một cao trào tột đỉnh đầy bức xúc, thúc đẩy phải đưa ra hướng giải quyết.

 

  • Tin mềm phóng sự chú trọng đến con người (trong sự kiện, trong vấn đề, trong hiện trạng). Tin mềm ngắn chú trọng đến thông tin, còn tin mềm phóng sự chú trọng đến giá trị nhân văn của thông tin. Người viết bài được quyền đặc tả cảm nhận, phân tích theo góc nhìn của mình, nhưng trọng tâm phải là nhân vật, sự kiện và cuộc sống.

Lưu ý: Chỉ đưa ý kiến riêng cách ngắn gọn sau khi đã trình bày những sự kiện có thật, với những nhân vật, nơi chốn có tên tuổi rõ ràng, diễn ra vào những thời điểm rõ rệt với con số thống kê chính xác và những lời phát biểu được trích dẫn cách sống động, độc đáo và sắc bén.

  1. Cách viết tin mềm

 

a. Chuẩn bị

 

  • Đọc nhiều loại tin mềm khác nhau để rút kinh nghiệm
  • Học ngôn ngữ và cách diễn tả.
  • Suy nghĩ về mục đích của bài viết.
  • Mường tượng phản ứng của độc giả. Suy nghĩ cách lôi cuốn độc giả.
  • Soạn dàn bài: dẫn nhập, trích dẫn, câu chuyện minh họa.
  • Xác định nguồn và thu thập tài liệu: quan sát, gửi bản câu hỏi, phỏng vấn.
  • Thảo luận chủ đề với bạn bè.
  • Đón nhận ý kiến xác đáng.

 

b. Triển khai tin mềm

 

  • Đặt tựa đề (tít) ngắn và hấp dẫn, diễn tả được bản chất bài viết và gây tò mò.
  • Triển khai bài viết gồm: mở, thân và kết, và nêu bật chủ đề.
  • Dệt sợi chỉ xuyên suốt khiến độc giả bám sát câu chuyện.
  • Viết nhập đề ấn tượng, có thể là câu hỏi gợi suy nghĩ, tán thán hay trích dẫn.
  • Câu chuyện cảm động với tình tiết căng thẳng.
  • Thêm dữ liệu cho thấy câu chuyện dựa trên biến cố có thật.
  • Dùng hình ảnh minh họa hoặc câu chuyện liên quan.
  • Kết với sứ điệp mạnh mẽ.
  • Đánh giá, hỏi ý kiến bạn bè về giá trị bài viết.

 

c. Bí quyết viết hay

 

  • Luôn khởi sự với một điều gì đó cuốn hút độc giả, có thể là những điều mới mẻ, kỳ lạ, hoặc những căng thẳng, xung đột, mâu thuẫn cần được giải quyết.
  • Triển khai câu chuyện để diễn giải hoặc giải quyết những vấn đề nêu ra trong phần khởi đầu, với những trích dẫn, đối thoại.
  • Đưa vào những dữ kiện, số liệu thống kê, trích dẫn và ví dụ minh họa.
  • Kết luận bằng cách giới thiệu những nguồn thông tin để độc giả tìm hiểu thêm.

 

d. Chất liệu

 

Tin nóng là tập hợp dữ liệu nhằm chuyển tải thông tin. Tin mềm cũng chuyển tải dữ liệu, đồng thời còn kể chuyện về cuộc sống con người. Muốn thế cần tìm những chi tiết không có trong tin nóng.

 

Đây là 5 chất liệu cần thiết cho bất kỳ Tin mềm nào:

 

  • Một dẫn nhập tuyệt vời

 

Dẫn nhập có thể là xây dựng cảnh tượng, mô tả một địa điểm hay một nhân vật, hoặc kể một câu chuyện, nhằm tạo chú ý và cuốn độc giả vào câu chuyện.

 

  • Mô tả trong thân bài

 

Mô tả nhằm xây dựng cảnh trí cùng những nhân vật và địa điểm sống động, tạo hình ảnh trong trí độc giả để lôi cuốn độc giả vào cốt truyện.

 

  • Trích dẫn

 

Những trích dẫn đối thoại là tuyệt đối quan trọng, và chỉ dùng những trích dẫn thú vị hấp dẫn thôi.

 

  • Truyện kể / giai thoại

 

Truyện kể – thường nằm trong phần dẫn nhập – nhằm minh họa điểm chính, làm cho nhân vật và biến cố thêm sống động.

 

  • Thông tin nền

 

Thông tin nền gồm 5W và 1H (như trong tin nóng) phải làm nền cho bài Tin mềm.

 

e. Dẫn dắt câu chuyện

Thể loại Tin mềm được dùng cho những tin “không nóng lắm”, và dành cho những người muốn đào sâu vấn đề. Vì thế, cách dẫn nhập Tin mềm có những nét đặc biệt.

  • Dẫn nhập Tin mềm

 

Dẫn nhập Tin mềm, còn gọi là dẫn nhập chậm, hay dẫn nhập kể chuyện, gồm chững chi tiết bỏ ngỏ, khiến độc giả tò mò muốn biết chuyện gì sẽ tiếp diễn, nhằm lôi cuốn độc giả đi vào câu chuyện.

 

  • Tạo cảnh trí, vẽ hình tượng

 

Dẫn nhập Tin mềm thường bắt đầu bằng cách tạo cảnh trí, hoặc dùng chữ viết để vẽ nên hình ảnh nhân vật hoặc nơi chốn.

 

  • Dùng truyện kể

 

Dẫn nhập Tin mềm còn là thuật lại một câu truyện hay một giai thoại.

 

  • Dành thời gian cho chủ đề

 

Sau khi dẫn nhập, cần đi nhanh vào đề tài chính, sau đó khai triển kỹ lưỡng chủ đề.

 

  • Câu chủ đề

 

Câu chủ đề phải xuất hiện liền sau phần dẫn nhập đầy hấp dẫn.

 

IV. TÍNH CHÍNH XÁC

 

  1. Chính xác

 

“Sự chính xác đối với một tờ báo cũng giống như tiết hạnh của một người phụ nữ” (Joseph Pulitzer). Không ai cố tình mắc lỗi, nhưng vẫn thường mắc lỗi do làm biếng, hoặc do không kỹ lưỡng đủ.

 

  1. Chỉnh sửa bài

 

  • Đọc ba lần
  • Hiểu ý nghĩa của bài và tìm các sai sót lớn.
  • Kiểm tra lỗi về thông tin, lỗi ngữ pháp, bút pháp.
  • Đọc lại, sau một thời gian ngừng đọc, xem có sót gì không.
  • Đọc ngược bài.

 

  1. Không chính xác

 

  • Sai tên người, tên giáo xứ, tên cộng đoàn.
  • Sai về văn hóa, địa lý, lịch sử.
  • Lỗi kiến thức kinh tế và các con số.
  • Thông tin không chính xác.

 

  1. Công bình

 

Dấu hiệu của bài không công bình:

  • Lệch nguồn
  • Chia phe
  • Kỳ thị
  • So sánh sai
  • Bình luận trong bản tin
  • Không chừng mực
  • Xem thường người khác
  • Định kiến trong văn cảnh.

 

  1. Dễ hiểu

 

a. Nguyên tắc

 

  • Tiêu chuẩn hàng đầu: sự rõ ràng.
  • Rõ ràng không đồng nghĩa với đơn giản.
  • Chống sáo rỗng.
  • Đừng để cho bài đặc chữ.

 

b. Áp dụng

 

  • Bỏ từ trừu tượng hoặc biến chúng thành từ cụ thể.
  • Vẫn dùng từ Hán Việt khi cần (diễn tả sự trang trọng).
  • Cẩn thận với từ khoa học, kỹ thuật.
  • Gạch bỏ từ tiếng lóng.
  • Hạn chế từ viết tắt.
  • Không dùng từ vay mượn tiếng nước ngoài.
  • Cẩn thận với từ mới.
  • Không thừa từ.

 

c. Viết đúng ngữ pháp

 

  • Tôn trọng văn phạm, chính tả.
  • Đúng kiểu nói tiếng Việt.
  • Học ngữ pháp.

 

d. Viết đơn giản

 

  • Một ý chính
  • Không vòng vo
  • Không dùng từ chuyên môn.
  • Hạn chế tính từ.
  • Tránh viết tắt.
  • Ít dùng tiếng nước ngoài.

 

V. MỞ ĐẦU

 

Chín cách mào đầu hấp dẫn

 

  1. Mào đầu tiếp cận thực tế

Thực tế cuộc sống được đưa ra chân thực như thể tác giả đã bứng một góc cuộc sống để đặt vào.

“Jesse, một cậu bé 10 tuổi khá sáng dạ sống tại làng Winter, phía Nam thành phố London, nước Anh, mỗi tuần đọc 5 cuốn sách. Trước đây, Jesse theo học tại một trường tiểu học tư thục. Tuy nhiên, từ lớp hai đến lớp bốn, cậu trở thành học sinh học tại nhà. Và mặc dù không hoàn toàn đồng ý với phương pháp giáo dục mới này nhưng hiện tại, mẹ của Jesse là giáo viên duy nhất của cậu”.

 

  1. Mào đầu dẫn dắt

 

Mào đầu có tính chất giai thoại

 

“Một vài năm trước đây, một người bạn ngoài 40 tuổi kể với tôi rằng chị bị điếc từ năm lên sáu. Sau một ca phẫu thuật, thính giác của chị trở lại hoạt động bình thường. Xúc động nhất, chị kể, là khi tỉnh thuốc mê, thấy cô y tá mở vòi nước trong phòng tắm, chị có thể nghe được tiếng nước đang chảy. ‘Đó là một giai điệu tuyệt vời’, chị nói”.

 

  1. Mào đầu bằng một nhân vật

 

Mào đầu bằng một nhân vật có liên quan đến chủ đề.

“D, sinh viên trường Nông lâm và Q, sinh viên Ngoại ngữ mới quen được một tuần, đến ngày thứ 8 đã kéo nhau về sống thử như vợ chồng. Từ ăn mặc, chợ búa, mua sắm đến cả việc học hành lẫn “XX” đều không thể không chung”.

 

  1. Mào đầu dựng cảnh

 

“Chuông điện thoại réo vang: Mẹ tôi đang cần đi chụp X-quang. Việc này phải mất tới vài ngày mà tôi đang bận đi công tác, không thể đưa bà đi được. Chị có thể giúp tôi được không?”

“Chuông điện thoại tiếp tục réo: Ông nội tôi…”

“Mỗi lẫn nhấc điện thoại là một lần họ nói câu đồng ý. Họ luôn vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ. Họ chính là những người giúp việc gia đình tại Thung lũng Lehigh, ở Guthsville, PA”.

 

  1. Mào đầu gây sốc

 

“Scott chết khi em mới được năm tuổi rưỡi. Em sinh ngày 29 tháng 12 năm 1969. Lúc mới sinh, Scott trông rất kháu khỉnh với mái tóc xoăn vàng nhạt và đôi mắt xanh to. Đặc biệt, em khỏe mạnh, háu ăn và hiếu động.

Nhưng rồi, Scott đã bị nhiễm bệnh Tay-sachs…”.

 

  1. Mào đầu đưa ra câu hỏi

 

“Bạn đã bao giờ văng tục hoặc khi nghe người khác văng tục, bạn có cảm thấy ngượng ngùng vì phải nghe điều đó chưa?”

 

  1. Mào đầu dùng câu trích dẫn

 

“Ngày 2/10, phát biểu trên truyền hình, Cảnh sát trưởng Ian Blair của thành phố London (Anh) đã xin từ chức với lý do “vì đặt lợi ích của người dân và Sở cảnh sát London lên trên hết”.

 

  1. Mào đầu dùng đoạn hội thoại

 

“Bao giờ thầy điểm danh gọi tao dậy nhé! Hôm qua, chơi game đến tận 3g mới ngủ, bây giờ buồn ngủ chết được, tao phải ngủ một giấc đây”. Nói xong, Nam (một sinh viên lớp k48 – khoa quản lý đô thị, trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội) nằm gục xuống bàn.

 

  1. Mào đầu thể hiện quan tâm

“Công việc của tôi là bào chữa cho những người phụ nữ mang tội giết chết những người đàn ông đã lạm dụng tình dục họ. Tôi gặp khách hàng của mình trong nhà tù”.

VI. CÁC BẢN TIN MẪU

TIN NÓNG

Học viện Công giáo Việt Nam:
Khai giảng khóa Cao học Thần học đầu tiên

Bài: Trường Sơn & Ảnh: Vĩnh Thân – Quang Hoàng

WGPSG – “Với đội ngũ Ban Giảng huấn có trình độ tiến sĩ, quy mô và chất lượng đào tạo của học viện sẽ phát triển mạnh mẽ sánh ngang với các học viện trong khu vực Á Châu và thế giới”, Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo chia sẻ như thế trong buổi lễ khai giảng khóa đầu tiên Cao học Thần học, 2 chuyên ngành Tín Lý và Thánh Kinh của Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN), diễn ra lúc 09g00 ngày 14.9.2016 tại trụ sở Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam: số 72/2 Trần Quốc Toản, quận 3, TPHCM.

Đến tham dự lễ Khai giảng có sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc (ĐTGM) – Chủ tịch HĐGMVN, Chưởng ấn Học viện Công giáo, Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo – Giám mục GP Xuân Lộc, Viện trưởng Học viện CGVN, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục GP Mỹ Tho, Phó Tổng thư ký HĐGMVN, Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi – Giám mục GP Quy Nhơn, Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên – Giám mục GP Cần Thơ, Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh – nguyên Giám mục GP Xuân Lộc, cùng quý cha giáo ĐCV, quý cha Bề trên các dòng tu và quý tu sĩ.

Trước sự chứng kiến của quý Đức cha, Ban Giảng huấn, 17 học viên và quý khách, ĐTGM đã chúc mừng và long trọng tuyên bố khai giảng khóa học.

Trong phần trình bày sơ lược về sự ra đời và viễn tưởng của HVCGVN, Đức cha Giuse Viện trưởng, chia sẻ: “Đây là giấc mơ của Giáo hội Công giáo VN, của HĐGMVN nay đã trở thành hiện thực. Đánh dấu sự trưởng thành của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Từ đây, nền thần học mang nét đặc trưng Giáo hội Việt Nam, đặc trưng văn hóa Việt Nam, sẽ là chỗ dựa và động lực phát triển đời sống đức tin cũng như công cuộc loan báo Tin Mừng tại đất nước Việt Nam trong bối cảnh mới. Với đội ngũ Ban Giảng huấn có trình độ tiến sĩ, quy mô và chất lượng đào tạo của học viện sẽ phát triển mạnh mẽ sánh ngang với các học viện trong khu vực Á Châu và thế giới”.

Cũng theo lời của ĐC Giuse Viện trưởng: “Đây là khóa đầu tiên có 23 học viên được thi tuyển từ 37 học viên. Hầu hết là các linh mục thuộc các giáo phận: Bà Rịa, Long Xuyên, Cần Thơ, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Mỹ Tho, Quy Nhơn, Xuân Lộc, Hải Phòng, Bùi Chu và Dòng Thánh Thể, Dòng Thừa Sai Đức Tin, Dòng Thừa Sai Việt Nam, Dòng Thánh Gia, trong số này có 4 thầy. Đức cha Giuse ước mong, sau khi được đào tạo, các học viên sẽ là đội ngũ giáo sư bổ sung cho các ĐCV để đào tạo các tu sĩ và linh mục. Đồng thời, việc lĩnh hội các kiến thức tại HVCG, các học viên sẽ phát triển khả năng suy tư Thần học và đóng góp sâu sắc cho nền Thần học Công giáo VN”.

Trước đây, ngoài 8 ĐCV đã và đang đào tạo linh mục, việc đào tạo sau đại học (cấp thạc sĩ và tiến sĩ) thường là ở nước ngoài với kinh phí do các nhà dòng, Giáo hội VN và bản thân các linh mục tự túc, do đó rất cao. Việc HVCGVN ra đời đã giải tỏa nhiều vấn đề cho việc giảng dạy, đào tạo các linh mục sau khi rời ĐCV. Mặt khác, HVCG sẽ còn là nơi sẽ đào tạo các chuyên ngành khác và được mở rộng cho mọi thành phần tín hữu trong và ngoài nước đến theo học.

Ngay sau phần khai giảng, Thánh lễ đồng tế đã được cử hành trang trọng lúc 10g00 trong nhà nguyện ấm cúng do ĐTGM chủ tế, để xin Chúa nâng đỡ và thánh hóa khóa học đầu tiên của HVCGVN.

TIN MỀM

Phó tổng thống Ấn Độ
hướng dẫn buổi lễ tôn vinh Mẹ Têrêsa

Thánh nhân đã xử lý những vấn đề phức tạp về đời sống bằng cách xoa dịu nỗi đau của người khác.

Anne Nigli từ Kolkata, Ấn Độ 

Các nữ tu Thừa sai Bác ái cùng các lãnh đạo chính trị, hồng y, giám mục và giáo dân tham dự chương trình mừng Mẹ Têrêsa được tôn phong thánh tại Kolkata hôm 2-10.

Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari cùng các lãnh đạo Công giáo tại Ấn Độ và khoảng 5.000 người khác tham dự sự kiện mừng Mẹ Têrêsa được tuyên thánh hôm 2-10 tại Kolkata.

Nữ tu được Đức Thánh cha Phanxicô tuyên thánh hôm 4-9 tại Vatican “vốn đã là thánh nhân đối với người dân Ấn Độ”, Ansari phát biểu với đám đông gồm các lãnh đạo chính trị, hồng y và Đức Tổng Giám mục Salvatore Pennacchio, đại diện Đức Thánh cha tại Ấn Độ.

“Ngài giải quyết các vấn đề phức tạp về ý nghĩa của cuộc sống bằng cách biến nó thành một việc làm đơn giản đó là xoa dịu nỗi đau của người khác”, Ansari nói về nữ tu qua đời cách đây 19 năm, gần 5 thập niên sau khi ngài thành lập dòng Thừa sai Bác ái phục vụ “người nghèo nhất trong số người nghèo” tại thành phố Kolkata (trước đây gọi là Calcutta), miền đông Ấn Độ.

Phó tổng thống kể lại Mẹ Têrêsa bị chỉ trích “nhưng chưa bao giờ Mẹ đáp trả lại lời nào” và “sự đáp trả của Mẹ là tiếp tục công việc đầy lòng thương xót của mình”.

Dòng Thừa sai Bác ái lúc đầu chỉ có một vài nữ tu. Hiện nay nhà dòng có khoảng 5.500 thành viên tại 139 quốc gia.

Tổng giáo phận Calcutta và dòng Thừa sai Bác ái đồng tổ chức chương trình này.

Trong số các vị khách mời có Thống đốc bang West Bengal Keshari Nath Tripathi, Bộ trưởng Xử lý Thảm họa bang West Bengal là Javed Khan và Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ Baselois Cleemis, Đức Hồng y Telesphore Toppo của Ranchi và Đức Tổng Giám mục Cao cấp George Alencherry của Giáo hội Syro-Malabar.

Đức Tổng Giám mục Thomas D’Souza của Calcutta kể lại cách đây 19 năm vào ngày 13-9 sân vận động trong nhà lớn nhất thành phố đông nghẹt người thuộc mọi tầng lớp chứng kiến tang lễ của Mẹ Têrêsa. Hôm nay cũng tại nơi này đại diện đến từ khắp thế giới quy tụ lại tạ ơn Chúa đã tuyên thánh cho Mẹ, ngài nói.

Đức Hồng y Cleemis nói người Công giáo Ấn Độ có được “sự ủng hộ của thánh nhân trên trời giúp chúng ta sống một cuộc sống có trách nhiệm ở đây”.

Naveen Chawla, người viết tiểu sử Mẹ Têrêsa, nói “không có sự khác biệt giữa cuộc sống của Mẹ Têrêsa và những người Mẹ phục vụ. “Sari của Mẹ mặc dù màu trắng nhưng thường có những miếng vá, bàn tay xương xẩu và ngón chân cong quẹo nhưng Mẹ rất hài hước. Mẹ thường chống nạnh và cười lớn tiếng”.

Nữ tu Prema, Bề trên Tổng quyền dòng Thừa sai Bác ái, nói tình yêu của vị sáng lập dòng “giúp chúng tôi rũ bỏ thành kiến, tình yêu vô điều kiện của Mẹ chào đón chúng tôi, giúp chúng tôi ra đi chăm sóc người nghèo nhất trong số người nghèo”.

Mẹ Têrêsa sinh tại Skopje, nay là thủ đô của Macedonia. Mẹ sang Ấn Độ năm 1929 và gia nhập dòng Loreto. Ngài rời khỏi dòng này vào cuối thập niên 1940 và thành lập dòng Thừa sai Bác ái năm 1950.

Mẹ Têrêsa qua đời vì bị đau tim tại trụ sở chính của nhà dòng ở Kolkata ngày 5-9-1997, thọ 87 tuổi, và được mai táng tại đây. Quá trình phong thánh cho Mẹ bắt đầu 2 năm sau đó. Đức Thánh cha Gioan Phaolô II phong chân phước cho Mẹ năm 2003.

Tháng 12 năm ngoái, Đức Thánh cha Phanxicô chấp thuận phép lạ thứ hai được cho là do Chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta chuyển cầu, dọn đường phong thánh cho Mẹ.

Năm 1979 Mẹ Têrêsa được trao tặng Giải Nobel Hòa bình vì làm việc với người nghèo trong các khu ổ chuột của Calcutta.