Cảm Nghĩ Về Mấy Bản Dịch Tông Huấn “Hãy vui sướng và hớn hở” của Đức giáo hoàng Phanxicô

print

Cảm Nghĩ Về Mấy Bản Dịch Tông Huấn

“Hãy vui sướng và hớn hở”

của Đức giáo hoàng Phanxicô

  1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành Tông Huấn “Hãy vui sướng và hớn hở” ngày 19 tháng 3 năm 2018. ngài cho biết đây không phải một chuyên luận về sự thánh thiện với những định nghĩa, những phân tích về các phương thế nên thánh, mà ngài muốn “lời kêu gọi nên Thánh” vang vọng lên một lần nữa bằng cách lồng nó vào bối cảnh xã hội thời nay với nhiều rủi ro, nhiều thách đố và nhiều cơ hội. Tôi theo dõi các bài giới thiệu Tông Huấn trên đài Vatican và đài Veritas, và theo dõi trong vi tính, thì trước hết tôi gặp bản dịch của Phaolô Phạm Xuân Khôi. Tôi đọc ngay từ đầu đã thấy khó  hiểu. Tôi lại gặp  bản dịch của linh mục Lê Công Đức, có lần đã sửa chữa, nhưng tôi vẫn thấy khó hiểu.Tôi bèn rút trong Google bản dịch tiếng Pháp để nghiên cứu thì mới vỡ lẽ. Sau đó có người mua tặng tôi bản dịch của linh mục Nguyễn Đức Thông CSSR thấy giống như bản dịch của linh mục Lê Công Đức. Rồi đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long gửi tặng tôi bản dịch có in song ngữ Anh Việt của linh mục Ngô QuangTuyên, tôi  thấy dễ hiểu  hơn nhưng chưa hài lòng, và chờ đợi bản dịch của Văn phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, được báo là sẽ phát hành giữa tháng 6 năm 2018. May thay  ngày 14 tháng 9 năm 2018 thì tôi mua được bản dịch của Văn phòng hội đồng giám mục Việt Nam, do giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân dịch. Thế là cho đến nay tôi có trong tay 5 bản dịch: một Anh, một Pháp, 3 Việt:

1.Bản dịch của văn phòng Hội Đồng Giám Mục (VP)

2.Bản dịch tiếng Anh (A)

3.Bản dịch tiếng Pháp (P)

4.Bản dịch của linh mục Ngô Quang Tuyên (T)

5.Bản dịch của linh mục Nguyễn Đức Thông (TH).

Tôi không xem xét đến toàn bộ bản dịch mà chỉ chọn lựa một số “từ là chìa khóa”, giúp hiểu sâu và đúng ý nghĩa của Tông Huấn dựa theo từ đầu bản dịch Tông Huấn của VP hội đồng giám mục Việt Nam.

  1. Trước khi xét đến các từ chìa khóa, tôi thấy cần nói đến từ “chuyển ngữ” dùng ngay ở đầu sách. Theo từ điển Việt Nam: chuyển ngữ là ngôn ngữ dùng để truyền thụ kiến thức, chuyển ngữ dịch ra tiếng Pháp là langue véhiculaire, từ điển Larousse cắt nghĩa langue véhiculaire là langue de communication entre des communautés d’ une même région, ayant des langues maternelles différentes, nghĩa là ngôn ngữ dùng để giao dịch giữa những người ở cùng một vùng, nhưng lại nói tiếng mẹ đẻ khác nhau. Chẳng hạn tôi là người Việt nói tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, lên Tây Nguyên gặp người Banar nói tiếng  mẹ đẻ là tiếng Banar, chúng tôi dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ để nói chuyện với nhau.  Nếu từ điển Việt  Nam và Larousse  vẫn còn đúng, thì ở đây phải thay từ  chuyển ngữ bằng từ “dịch”. Vấn đề này tôi đã có dịp lưu ý cho văn phòng Hiệp  thông hai năm nay, nhưng bản tin Hiệp thông số 106 vẫn còn dùng chuyển ngữ và cả bản dịch này nữa! 
  2. Đầu đề của Tông Huấn theo bản dịch VP là: Hãy vui mừng hoan hỉ, theo bản dịch TH là hãy vui sướng và hân hoan, theo bản dịch T là hãy vui mừng hân hoan. Theo từ điển Việt Nam: Hoan hỷ là rất vui mừng, còn Hân hoan là vui mừng biểu lộ rõ cả trên nét mặt cử chỉ, và hớn  hở là vui  mừng lộ rõ ở nét mặt tươi tỉnh. Ở đây hai từ hân hoan và hớn hở mới lột hết được ý nghĩa của tiếng La tinh exultate (ex là ra bên ngoài). Như vậy vui sướng, hân hoan, hớn hở, là tư tưởng “ruột” của đức Phanxicô, được ngài coi như “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt ba Tông Huấn đầu tiên:  Niềm vui Phúc Âm, Niềm vui tình yêu, Hãy vui sướng hớn hở. Và trong Tông Huấn này, niềm Vui còn được khai triển rộng rãi kèm theo với tính hài hước, trong các số từ 122  đến 128. Ngài  viết “là Kitô Hữu phải là niềm vui trong Thánh Thần”,niềm vui ấy phải được chia sẻ và phân phát bởi vì cho đi thì vui sướng hơn đón nhận.

4.Tông Huấn cuối số 6 cho biết Thiên Chúa mời  gọi mỗi người nên thánh không phải lẻ loi đơn độc một mình mà phải liên hệ với dân tộc của mình, với cộng đoàn nhân loại của mình. Chỉ có bản dịch P trình bày rất sâu sắc là Thiên Chúa muốn ta nên thánh bằng cách “đi vào trong năng động của người dân, trong năng động của một dân tộc”. Năng động đây là hoạt động tích cực do bản thân thúc đẩy làm biến đổi thế giới chung quanh (dynamique). Còn bản dịch A và ba bản dịch Việt đều dịch từ bản A, là: “Thiên Chúa muốn đi vào cuộc sống và lịch sử của một dân tộc”,  nghĩa là đã không dùng từ dynamique, mà chỉ nói chung chung bề ngoài là đời sống và lịch sử của một dân tộc, đang khi bản dịch P cho thấy Thiên Chúa muốn đi sâu vào trong hoạt động tích cực  do bản thân người dân thúc đẩy để biến đổi thế giới chung quanh trong mối tương quan phức tạp với cả dân tộc của mình nữa, nghĩa là trong năng động của họ.

  1. Trong số 10 đức Phanxicô đặc biệt đề cao “thiên khiếu của phụ nữ” đã cung cấp cho giáo hội nhiều hình thức nên thánh khác nhau. Bản P dùng génie féminin, bản A dùng genius of woman, bản VP  dịch là ơn thiên phú của người nữ, bản T dịch là “tài năng của phụ nữ”, bản TH dịch là “thiên tài của phụ nữ”, cả ba bản dịch Việt đều  không lột hết được ý nghĩa của từ génie, bởi vì génie không  phải là ơn, không phải là tài, ba bản dịch chỉ mới nói lên được tính cách thiên phú thiên bẩm. Theo thiển ý chỉ có từ “khiếu” lột được đầy đủ ý nghĩa hơn, từ điển Việt Nam dịch khiếu là: “khả năng đặc biệt có tính chất bẩm sinh, đối với một loại hoạt động nào đó”, và đức Phanxicô còn cắt nghĩa rõ thêm là những khả năng đặc biệt đó đã tỏa sáng ra và gây nên những năng động mới mẻ và những cải cách quan trọng trong giáo hội. Năng động theo bản dịch P là dynamique, bản VP dịch và sức sống, bản TH dịch là sức mạnh, bản T dịch là sinh lực, cả 3 không lột được nội dung của từ dynamique rất thông dụng trong các văn kiện ngày nay… Đức Phanxicô nêu tên các vị thánh có thiên khiếu phụ nữ như: Thánh Catarina Sienna, Thánh Têrêsa Avila, Thánh Têrêsa Lisieux và các thánh nữ vô danh đã nâng đỡ và làm biến đổi các gia đình cũng như cộng đồng mình nhờ sức mạnh chứng tá của họ. (cuối số 12).
  2. Tông Huấn số 40, bản dịch VP biết: “Ngô đạo thuyết muốn làm chủ mầu nhiệm”, đó là dịch từ bản P: “Le gnosticisme veut apprivoiser le mystère” bản dịch A là “Gnosticism seeks to domesticate the mystery”, bản dịch TH là ngộ giáo luôn tìm cách kiểm soát mầu nhiệm, bản dịch T là ngộ đạo tìm cách thuần hóa mầu nhiệm”. Như vậy bản VP và bản TH dịch không rõ và không đạt, vì từ điển Pháp cũng như Anh cắt nghĩa apprivoiser hay domesticate là “thuần hóa”, và từ  điển Việt Nam giải nghĩa thuần hóa là làm cho thực vật hay động vật hoang dã biến thành vật quen thuộc trong nhà. Theo Tông Huấn người theo thuyết ngộ đạo muốn làm cho các mầu nhiệm biến chất theo chủ quan cá nhân của họ không tôn trọng bản chất của mầu nhiệm, nhưng họ muốn  thuần hóa mầu nhiệm, như “thuần hóa voi rừng thành voi nhà”(từ điển Việt Nam).
  3. Tông huấn dùng một “từ chìa khóa” quan trọng để trình bày thuyết ngộ đạo mà chỉ duy nhất bản dịch P dùng 3 lần trong 3 số:

Số 41 ses élucubrations  mentales.

Số 46 ensemble d’élucubrations mentales.

Số 97 sans élucubrations.

– Bản dịch A không dùng từ trên mà dùng ba cách khác nhau:

Số 41 intellectual theories.

Số 46 intellectual exercises.

Số 97 without any ifs or buts.

– Bản dịch VP theo bản dịch A để dịch bằng 3 cách khác nhau:

Số 41  lý thuyết trí thức.

 Số 46  hệ  thống  thao luyện trí  thức.

 Số 97  không suy nghĩ và không  kỳ kèo thoái thác .

-Bản dịch TH cũng dịch theo bản dịch A, bằng 3 cách khác nhau:

 Số 41 các  thuyết về Tâm lý và trí tuệ.

 Số 46 một bộ các thực hành trí thức.

 Số 97 không có  “ nếu hay nhưng”.

– Bản dịch T cũng theo bản dịch A, bằng 3 cách khác nhau.

 Số 41  Lý thuyết về  trí thức

 Số 46  tập hợp các việc tập luyện trí óc.

 Số 97 không có những cái “Nếu hay nhưng”.

          Tôi không hiểu được tại sao dịch như vậy, và có linh cảm là việc dịch quả thực là không được dễ dàng và tốn giờ…

Tôi thấy từ điển Pháp Việt của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cắt Nghĩa: élucubrations  là công trình cặm cụi (viết lách, nghiên cứu). Từ điển Larousse (lớn) giải nghĩa élucubrations là résultat de recherches laborieuses et souvent dépourvues de sens; divagation,extravagance, nghĩa là: kết quả của tìm tòi khó nhọc và thường là không có ý nghĩa; đó là điều vớ vẩn, lố lăng. Như thế bản dịch P cho biết thuyết ngộ đạo và Pêlagiô chỉ là những tìm tòi phức tạp thiếu ý nghĩa, thiếu cơ sở, mà đức Phanxicô giải thích thêm là do những người duy chủ quan, duy bản ngã, tự tham chiếu vào chính mình, tự cao, tự mãn, ích kỷ (Xem số 36, số 57) . Đơn giản là như vậy. Độc giả có dịp  đọc lại bản dịch A và 3 bản  dịch Việt có thể hiểu như vậy không?

8- Đức Phanxicô sau khi trình bày tai hại của thuyết ngộ đạo và thuyết Pêlagiô thời nay đã có một lời nguyện mà bản dịch VP dịch rằng: “Nguyện xin Thiên Chúa giải thoát giáo hội khỏi các hình thức mới của thuyết ngộ đạo và thuyết Pêlagiô đang làm rối rắm và kìm hãm giáo hội trên đường nên Thánh”(số 62). Từ điển Việt Nam  giải nghĩa rối rắm là “rối lăng nhăng, không rõ ràng mạch lạc”. Bản dịch P thì dùng affublent l’Eglise, mà từ điển Việt Nam dịch affublent là cho ăn mặc khó coi, từ điển Larousse cắt nghĩa affublent là vêtir d’une manière bizarre, ridicule; pourvoir d’un nom,d’une caractéristique ridicule;nghĩa là cho ăn mặc lố lăng, nực cười, hay gán cho một tên, một tính cách nực cười. Còn bản dịch A thì dùng weigh down nghĩa là đè nặng và bản dịch T thì dịch theo bản A là đè nặng, sau hết bản dịch TH thì dịch là đập tan. Riêng bản dịch TH còn dịch sai câu đầu của số 62. Thật là rối rắm . Cứ theo bản dịch P thì  Tông Huấn chỉ muốn nói về chuyện “những sai lạc của 2 thuyết đã gây ra những việc lố bịch lố lăng trong giáo hội. Độc giả muốn biết “chuyện lố bịch” xin xem đức tổng giám mục Dolan chia sẻ trong cuốn “Linh mục cho  ngàn năm thứ ba” chẳng hạn trang 67 hoặc trang 222.

9 – Trong số 69 đức Phanxicô muốn nói đến việc “đức khó nghèo về tinh thần” gắn bó rất chặt chẽ với cái mà bạn dịch P gọi là “sainte indifférence” của thánh Inhã Loyola. từ điển Pháp Việt dịch indifférence  ra nhiều nghĩa là lãnh đạm, thờ ơ, vô tình, dửng dưng. Tuy nhiên  Tông huấn lại chú thích rằng đây là một thái độ của ý chí, một ý chí không muốn được khỏe hơn là bệnh, không muốn được giàu hơn là nghèo, vinh hay là  nhục, sống lâu hay chết sớm, nhờ đó ta đạt được một tự do nội tâm tuyệt vời. Do đó indifférence ở đây không thể là lãnh đạm, thờ ơ, vô tình mà phải là thái độ “dửng dưng”, từ điển Việt Nam  cắt nghĩa dửng dưng là tỏ ra hoàn toàn không có một cảm xúc gì trước một việc gì đó.Vậy “Sainte indifférence” là sự dửng dưng thánh thiện. Hai  bản T và TH đã dịch đúng, còn bản dịch VP  dịch là “sự bình tâm thánh thiện” mà theo từ điển Việt Nam bình tâm chỉ là yên ổn  trong lòng, nên chưa đạt!

10 –  Tông huấn số 122 cho biết một trong năm đặc tính của sự nên thánh thời nay phải là niềm vui kèm  với, theo bản dịch VP là “tinh thần hài hước” hoặc với một cảm thức hài hước”, theo bản dịch TH là” với cảm thức về sự hài hước”, theo bản dịch T là với “tính khôi hài” . Đơn giản là với tính hài hước khôi hài mà từ điển Việt Nam giải nghĩa là “tính vui đùa nhằm mục đích gây cười bằng lời nói hoặc điệu bộ”. Đây là tính tốt, nên thánh thời nay không được mang bộ mặt “nhút nhát, buồn sầu, chua cay,  bộ mặt đưa đám”. Rồi số 126 còn nói đến “sự hài hước bệnh hoạn” theo bản dịch VP, “sự hài hước thô tục” theo bản dịch T, “sự hài hước xấu” theo  bản  dịch TH. Do đâu mà có nhiều thứ hài hước kỳ cục đó? Theo tôi thì có “hài hước bệnh hoạn,  thô tục, xấu” là do dịch từ tiếng Anh: “ill-humour’’ và từ tiếng Pháp “mauvaise humeur”. Thế nhưng khi tra từ điển Anh thì ill-humour là irritability or bad temper  nghĩa là tính hay giận dữ hoặc tính dễ giận (không thấy nói đến bệnh hoạn, thô tục); và khi tra từ điển Pháp Việt thì mauvaise humeur  là tâm trạng bực bội bẳn gắt.Tông Huấn còn kết luận là: tính hay giận dữ, cáu gắt không phải dấu chỉ của sự thánh thiện. Vậy thì thử hỏi: có các thứ hài hước bệnh hoạn, thô tục, xấu” không ? chúng phát xuất từ đâu và chúng như thế nào?

11- Tông Huấn số 164  và 165 còn đề cập đến một việc mà bản dịch P dịch là “La corruption spirituelle, bản dịch A là spiritual corruption, bản dịch VP là “sự hư hỏng thiêng liêng”, bản dịch T và TH là “sự suy đồi thiêng liêng”. Từ điển Pháp Việt dịch corruption là sự hư hỏng, làm biến chất,làm hủ hóa, đút lót, hối lộ; từ  điển Anh dịch corruption là action of willing dishonestly; state of decaying, rotting, putrid emitting fetid smell  nghĩa là hành động quyết tâm bất lương, hư hỏng,  thối nát xông mùi hôi thối;  từ điển Larousse  cắt nghĩa corruption là pourriture, action de pervertir quelqu’un à agir contre ses devoirs nghĩa là sự thối nát, hành động  hủ  hóa người khác để họ làm chuyện nghịch với các bổn phận của họ. Như thế các từ điển đều dịch corruption là sự hư hỏng, thối nát, hối lộ tham nhũng, hủ hóa. Ngày nay trong xã hội Việt Nam thì đâu đâu cũng có hư hỏng thối nát, hối lộ, tham nhũng mà suốt biết bao năm tổ chức chống tham nhũng, hối lộ, thối nát chưa diệt được. Cho nên tôi thấy bản dịch VP dịch là hư hỏng thiêng liêng, bản dịch T và TH dịch là suy đồi thiêng liêng thì chưa có sức đánh động sự chú ý của mọi người, mà chỉ nhắc tới nó một cách chung chung bình thường thôi. Chỉ có từ “thối nát thiêng liêng” may ra mới có sức tác động và gợi lên cái gì hư hỏng, xông mùi hôi thối, không thể xài được, đáng ghê tởm. Chính Tông Huấn nói rất mạnh rằng: “sự thối nát thiêng liêng” còn tồi tệ hơn là sự sa ngã của tội nhân, bởi vì tội nhân sống mù quáng trong tiện nghi thoải mái và tự mãn đến nỗi dường như cái gì họ cũng đều được phép làm: lừa dối, vu khống, ích  kỷ(số 165).

  1. Để kết.

Tông Huấn Gaudete et exultate quả thật là một lời mời gọi rất chân thành và cần thiết mà đức Phanxicô gởi đến mỗi Kitô Hữu đang trong sân khấu của một xã hội mới đang toàn cầu hóa và có một nền văn hóa duy thế tục hóa, đi ngược lại với đường  nên thánh, với đường  Tân Phúc Âm Hóa của Giáo hội . Tôi đã đón nhận Tông  Huấn  ngay từ đầu và dành thời giờ để tìm hiểu,  nghiên cứu, không phải để vạch lá tìm sâu, nhưng  để suy gẫm cho thấu đáo. Và khi tôi thấy gây cho tôi nhiều bức xúc, từ các từ ngữ đến các ý tưởng khiến khó hiểu, nhưng lương tâm tôi thấy bức xúc mà không được vô can, phải tìm để hiểu để sống để nên thánh đúng hơn được chút xíu nào. Vì  thế mà tôi liều mình “can vô” để trước hết giúp  ích cho mình và sau đó chia sẻ cho các bạn đọc. Nếu có gì  sơ sót xin mọi người  thứ tha.

 

Linh Mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Cần Thơ

20 – 09 – 2018.