Cha Piô – Chương Hai: Ma Quỷ – Phần 4
Tại tu viện Đức Mẹ Ban Ơn ở San Giovanni Rotondo, sau khi giải tội Cha Piô thường đi ra ngoài, đứng trước cửa nguyện đường thở hít không khí. Một đám đông tụ họp, chờ đợi người.
Một phụ nữ trẻ trong làng nói, “Cha Piô ơi. Con ở bên cạnh nhà thờ này và mỗi sáng sau khi chồng con đi làm và con nhỏ còn ngủ, con đến nhà thờ này để dự lễ, và rước Mình Thánh. Nhưng sợ rằng con nhỏ thức giấc khi con vắng nhà, nên con rời nhà thờ với bánh lễ còn trong miệng. Con có làm gì sai không?”
Cha Piô nhìn bà và mỉm cười. “Không có gì sai,” Người trấn an bà, và nhìn thấy sự nhẹ nhõm lan dần trên khuôn mặt bà.
Sau đó, người nói với đám đông, “Với quãng thời gian ngắn ngủi trong nhà thờ, người phụ nữ đó đã làm vui lòng Thiên Chúa hơn là quý vị và tôi ở nhà thờ suốt ngày. Vì bà đã lấy thời giờ để thi hành bổn phận mà phục vụ Chúa.”
Dân chúng gật gù, ngoại trừ một phụ nữ nhà quê mặt phúng phính như con nít vẫn còn tư lự. Cha Piô nhận ra ánh mắt của bà và ra dấu vời bà đến.
Thật nhỏ nhẹ, sợ người khác có thể nghe thấy, bà giải thích, “Con xấu hổ để nói điều này nhưng con phải nói với cha. Con thương cha hơn thương Chúa.”
Cha Piô suy nghĩ một chút và với khuôn mặt nghiêm nghị, người yêu cầu bà vào làng đi ăn trộm cho người.
“Cha!” bà kêu lên cách sửng sốt. “Con không bao giờ làm như vậy.”
Với khuôn mặt lạnh lùng, nghiêm trọng người nhắc lại. “Cha ra lệnh cho con, hãy vâng lời thi hành.”
Bà trố mắt nhìn người tưởng như người mất trí.
Sau cùng Cha Piô mỉm cười. “Con thấy không. Con yêu Chúa nhiều hơn yêu cha. Con không thấy rằng khi cha ra lệnh một điều trái ý Chúa, con đã không vâng theo. Bây giờ con tin chưa?”
“Cha Piô, cha thật tốt lành,” một phụ nữ đứng cạnh đó nghe biết mọi chuyện đã thốt lên như thế.
Nụ cười của người tan biến. Người trả lời, “Cha không tốt lành đâu, Chỉ có Chúa Giêsu mới tốt lành. Cha không biết làm thế nào để chiếc áo dòng Phanxicô mà cha đang mặc đây không tuột khỏi sau lưng.”
Một ông cụ kinh ngạc vì sự khiêm tốn của người đã thốt lên, “Cha quả là một vị thánh.”
Cha Piô trả lời, “Thánh thì ở trên trời.” Câu trả lời của người cũng không làm bớt đi sự thán phục.
Dường như thở hít không khí đã đủ và người quay lưng đi vào. Một cô gái xinh đẹp trong lứa tuổi hai mươi đứng chắn đường người. Với đôi mắt xanh tròn và to, cô tha thiết nhìn đến vị tu sĩ đẹp trai và trao cho người một bó hoa vàng và trắng.
Người hỏi, “Bó hoa gì đây? Cô muốn thuê tôi để làm vườn sao?”
Khuôn mặt cô sa sầm vì sự lãnh đạm của người. Hiển nhiên người không bị ảnh hưởng bởi thế giới vật chất của cô.
Một tiếng nói nài nỉ, “Làm ơn cho biết uống thuốc này có được không?” và Cha Piô thấy có cánh tay vươn lên khỏi đám đông. Một người đàn ông lùn, hói đầu thận trọng bước đến cạnh Cha Piô và kể lể bệnh tình.
Cha Piô nói, “Tại sao ông hỏi tôi? Đi tìm bác sĩ chứ.”
Lắm chuyện quá. Ông tìm đường thối lui, và thoát ra khỏi đám đông.
Bên trong tu viện, người nghe một thầy gọi. “Cha linh hướng. Khoan đã.”
Người nhăn mặt khi nghe danh xưng đó. Nhiều người có thói quen gọi cha như vậy. Người nói với thầy, “Ngay cả các thiên thần còn chưa trong sạch đủ thì nói gì đến tôi.”
Có lần một trong các linh mục hỏi người làm sao có thời giờ lần chuỗi trong khi bận rộn như vậy. Cha Piô, người thường xem chuỗi Mai Khôi như “vũ khí” đã ngắt lời, “Cha muốn biết quá nhiều.”
Những lời nhận xét của cha thường được truyền tai bên trong tu viện và không lâu cũng được lan ra ngoài. Sự nhận xét của cha về đức tin được đặc biệt lưu ý:
“Chúng ta hãy đặc biệt cảm tạ Chúa vì ơn đức tin, là món quà được ban cho chúng ta khi rửa tội. Chúng ta phải đặc biệt biết ơn, vì không phải ai ai cũng may mắn được sinh trong một quốc gia Kitô Giáo và một gia đình Kitô Giáo để được rửa tội.
“Chúng ta phải nhớ đức tin là món quà cao trọng mà Thiên Chúa đã ban cho loài người trên thế gian, vì từ một con người của bụi đất họ được làm công dân Nước Trời. Chúng ta hãy ganh đua gìn giữ món quà cao trọng này. Khốn cho người không biết mình là ai, người quên Nước Trời, người có đức tin yếu ớt, và tệ hơn nữa (xin Chúa gìn giữ tất cả chúng ta) người từ chối đức tin. Đây là sự xỉ nhục lớn lao nhất mà loài người đối xử với Thiên Chúa.
“Hãy cẩn thận. Hãy cầu xin Thiên Chúa gìn giữ món quà này như điều quý báu nhất mà Người đã ban cho chúng ta. Nhưng hãy nhớ rằng, đức tin phải có hành động, vì tất cả chúng ta đều có đức tin cách này hay cách khác, bắt đầu với chính Lu-xi-phe đang ở hoả ngục với các thiên thần phản loạn. Kinh Thánh cho chúng ta biết là chúng không có tình yêu, bởi thế chúng thật căm hờn. Phải biết chắc là chúng ta đừng mất đức tin mà Thiên Chúa đã thấm nhập vào con người chúng ta khi rửa tội và được kiên cường hơn qua các bí tích.
“Hãy cầu xin Đức Mẹ cực thánh của chúng ta, để có sự bất hạnh nào xảy ra cho chúng ta, người sẽ cầu xin với Thiên Chúa để chúng ta chết còn hơn để chúng ta trở thành những quái vật vô ơn đối với Nước Trời.
“Một tâm hồn tốt lành thì luôn luôn mạnh mẽ. Họ chịu đau khổ, nhưng nước mắt của họ là để hy sinh cho Thiên Chúa và tha nhân.
“Ai bắt đầu sống yêu thương thì phải chuẩn bị chịu đau khổ.
“Bãi chiến trường với Satan là linh hồn người ta. Trong linh hồn, cuộc chiến đấu bùng nổ bất cứ lúc nào trong đời sống. Linh hồn phải năng đến với Thiên Chúa để được củng cố và được soi sáng, và được mặc lấy Đức Kitô Giêsu, để sự công chính, sự thật của Người, và khiên thuẫn đức tin là lời Chúa sẽ giúp chiến thắng kẻ thù hung bạo. Để mặc lấy Đức Kitô Giêsu thì cần phải chết đi cái tôi của mình.
“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Ở với người tốt, chúng ta sẽ nên tốt. Ở với người xấu là chúng ta đang theo sự dữ. Điều đó có nghĩa lương tâm chúng ta chỉ có một nửa. Thái độ đó giống như con nít khi trước mặt người lạ, đòi hỏi đủ thứ chỉ vì tham lam vì chúng biết cha mẹ sẽ không la rầy chúng khi có mặt người lạ.”
Cha Piô không chỉ cảm nhận mạnh mẽ về đức tin và sự thiện hảo, mà còn sự đau khổ–đủ loại đau khổ. Người rất nhạy cảm với một vết tích nhỏ bé của sự đau khổ và ghê tởm bất cứ hành động bạo lực nào.
Đó là giờ ăn trưa của tu viện, có một thầy hỏi Cha Piô rằng sáng nay, khi đi bộ trong vườn, người có thấy một con chim nào bị thương không.
Cha Piô lắc đầu và hỏi tại sao con chim lại bị thương.
Vừa nhai, thầy đó vừa giải thích: “Thầy Vincenzo bắn con chim và nó rớt xuống vườn vì bị thương ở cánh.”
Cha Piô ngừng ăn và ngước mắt nhìn. Người đẩy đĩa cơm sang một bên, lắc đầu, kêu lớn: “Nhưng Thánh Phanxicô đâu có làm chuyện đó!”
Một sự im lặng bao trùm cả bàn. Ở cuối bàn, thầy dòng bối rối cúi mặt nhìn đĩa cơm mãi cho đến khi có một người lên tiếng nói sang chuyện khác. Khi thấy Cha Piô trở về phòng, thầy ấy vội vã chạy lại hôn tay người và chúc người nghỉ khoẻ.
Cha Piô vỗ vai thầy, và nói, “Cha xin lỗi. Cha không có gì chống đối con cả.”
Nhưng biến cố đó đã khiến người nghĩ đến sự đau khổ của thế giới và tâm hồn người nặng trĩu suốt cả ngày. Vào buổi tối, trước khi chầu Thánh Thể, Cha Mariano đề cập đến Đức Thánh Cha, và Cha Piô đang quỳ dưới chân thánh giá, người lắng nghe từng chữ một.
Khi Cha Mariano nói bóng gió là phải có nhiều người dâng hiến đời sống như những linh hồn hiến tế, Cha Piô đã che mặt với đôi tay run rẩy. Sau khi bài giảng chấm dứt, người lau nước mắt dàn dụa trên đôi mắt sâu đen.