Cuộc Đời Cha Piô (Phần I tt)

print

          THẦY PIÔ

        IV

Francis được mười lăm tuổi khi cậu vào dòng Capuchin ở Morcone ngày 3 tháng Giêng 1903 để bắt đầu những năm đệ tử sinh: Cậu thấy hồi hộp và tay như cứng lại khi gõ cửa nhà dòng.

Không nói một lời, một đệ tử sinh trẻ dẫn cậu ngang qua dãy nhà đèn mờ đến gặp Cha Thomas Monte Santangelo, Giám Đốc Đệ Tử Viện.

Cha Thomas nói, “Mừng con đến Morcone.” Ngài có vẻ hài lòng.

Francis ngượng ngập chào đáp lễ, dường như cậu còn bàng hoàng vì sự rộng lớn và nghiêm trang của căn phòng và bộ y phục đơn sơ của Cha Thomas. Cậu biết, đây không phải trò đùa. Những ngày đùa giỡn trên đường phố ở Pietrelcina hay lang thang trên cánh đồng sẽ không còn nữa.

“Bạn có nhớ nhà không?” một đệ tử sinh hỏi cậu. Họ cùng ngồi trên chiếc giường nhỏ trong căn phòng bé tí teo.

Francis lắc đầu, và nói, “Tôi không hối hận chút nào. Đây là chỗ của tôi.” Nhưng cậu cũng thường nhớ đến mẹ Giuseppa, bố Orazio, và các anh em của cậu, và có khi nước mắt cũng lăn tròn trên gò má khi cậu nhớ đến lòng thương mến và sự tốt lành mà gia đình đã dành cho cậu.

Nhưng hàng ngày Francis mê say nhìn ngắm các tu sĩ Capuchin, mơ tưởng đến giây phút được mặc áo dòng và chọn tên một vị thánh. Vào ngày khấn tạm, tim anh như ngừng đập, và dường như không thể chế ngự nổi sự kích động khi đứng giữa hai thầy giúp anh khoác chiếc áo dòng đơn sơ từ tay vị linh mục.

Ngài hỏi, “Con chọn tên gì?”

Francis trả lời, “Tên Piô.” Anh bị khích động với niềm vui, nhưng anh che giấu sự sung sướng tột độ với những lời nghiêm trang, “Con chọn tên Pio để vinh danh Thánh Piô V, thánh quan thầy của Pietrelcina.”

Vị chủ tế gật đầu cách điềm tĩnh, “Từ giờ trở đi con sẽ không còn gọi là Francis Forgione; con sẽ được gọi là Frater (Thầy) Piô.”

Vào giây phút này, cái tên của gia đình Forgione được thay thế bằng tên của nơi sinh trưởng, bởi thế từ giờ trở đi Francis sẽ được biết dưới tên Fra (chữ tắt của Frater) Piô Pietrelcina.

Không bao lâu Francis nhận ra rằng đời sống của Thầy Piô thì khó khăn hơn đời sống của Francis Forgione, và thầy sẽ bị thử thách nhiều.

“Làm đúng như những gì được bảo,” một thầy khuyến cáo anh như thế.

“Tôi đâu có ý làm gì khác biệt,” thầy khẳng định với đôi chút lúng túng.

Thầy Piô trở về phòng. Đó là một căn phòng nhỏ, giống như một khoang trong nhà tù, với tường quét vôi trắng, và chỉ có một khoảng nhỏ đủ chỗ một cái giường và cái bàn nhỏ với chậu rửa mặt và bình đựng nước. Trên đầu giường là tượng thánh giá bằng sắt, và duy nhất trên tường chỉ có hàng chữ: “Không có sự cô độc và chuyên cần bạn sẽ không bao giờ có nhân đức.”

“Tôi không cần sự thoải mái cho thân xác,” thầy đã từng tuyên bố như thế với một người bạn khi được hỏi về đời sống khắc khổ này.

“Vậy thì tốt,” người bạn đáp lời cách thích thú, “vì bạn cũng không có gì khác hơn.”

Và thật như vậy. Thầy Piô dành nhiều thì giờ ở trong phòng để cầu nguyện và suy niệm. Nhiều khi thầy quá tập trung tư tưởng hoặc cầu nguyện quá nhiều đến nỗi khi thức giấc thầy bị đau đầu và chân tê cứng. Có khi thầy chìm vào giấc ngủ triền miên trên tấm đệm lót bằng rơm, và giật mình thức giấc khi nghe tiếng kẻng báo hiệu giờ cầu nguyện buổi sáng trong nhà nguyện.

“Hãy để mắt nhìn xuống đất!” Tiếng nói lạnh lùng của Cha Thomas luôn nhắc nhở khi các thầy đi ra ngoài.

“Tôi cũng không biết ở Morcone này có cây cối gì không,” một thầy than phiền như thế, và một thầy khác đồng ý, “Từ khi đến đây, tôi không dám nhìn chung quanh.”

Trên bức ảnh Đức Mẹ đã phai nhạt, được treo trên đầu lối cầu thang, có dòng chữ “Bạn đừng đi ngang đây mà không đọc kinh Kính Mừng.” Từ ngày vào dòng, Thầy Piô thường quỳ gối một cách kính cẩn bất cứ khi nào đi ngang qua ảnh Đức Mẹ.

Một vị bề trên đã nhận xét, “Francis Forgione dường như hiểu biết và giữ luật hơn chúng ta.” Mọi người, kể cả các thầy đều đồng ý rằng Thầy Piô đã khắc phục được bản thân và huấn luyện kỹ càng.

Sau đó có một thông báo nói rằng những ai đã hoàn tất bài thi cách tốt đẹp sẽ được về quê nghỉ hai ngày. Các tập sinh tụ tập chung quanh bảng thông cáo và bàn tán sôi nổi.

Có người nói, “Thật không đủ thời giờ. Tôi đã phải mất một ngày đi đường rồi.”

Nhưng không phải mọi người đều đồng ý như thế. “Được hai ngày là quá tốt rồi.”

“Nhưng tôi không ở gần như các bạn.”

“Tôi cũng thế.”

“Vậy chúng ta đồng ý là phải có thêm ngày nghỉ. Vấn đề là ai sẽ đại diện để lên xin?”

Thầy Piô được mọi người đồng ý chọn. Thầy thông cảm với các bạn nhưng khi lên gặp bề trên thầy lại thấy e dè. “Thưa cha, chúng con khiêm tốn xin cha cho chúng con thêm một ngày nghỉ nữa. Chúng con e rằng hai ngày không đủ để về nhà ở xa.”

Cha Thomas nhìn Thầy Piô một cách nghi ngờ. “Nhưng con sống ở gần đây; con không cần thêm một ngày nữa!”

Thầy Piô không trả lời. Thầy có vẻ bối rối và mau lẹ cúi đầu, xin lỗi.

Trước khi Thầy Piô đóng cửa, Cha Thomas gọi, “Khoan đã. Hãy nói với các bạn con dùm cha.”

“Dạ?”

Cha Thomas mỉm cười, “Nói với họ cha cho nghỉ thêm một ngày nữa.”

V

Những năm nhà tập của Thầy Piô sắp chấm dứt. Nhưng sự khắc khổ của cầu nguyện, của việc đền tội, và ăn chay đã khiến thầy hốc hác. Đôi mắt thầy đen ngòm sâu hoắm trên khuôn mặt xám xịt và đôi má hóp. Bên trong chiếc áo dòng là tấm thân yếu ớt do hậu quả của việc thường xuyên ăn chay. Vào đêm khuya, trong giấc ngủ, người ta có thể nghe thấy tiếng ho của thầy và tiếng rên rỉ vì mệt mỏi.

Trong ngày cha mẹ thầy đến thăm, thầy kiệt sức, đói lả và run lên vì sốt. Hai ông bà nhìn thấy thầy trong căn phòng nhỏ xíu. Mẹ thầy đã khóc khi nhìn thấy con. Ông Orazio nhìn con đăm đăm, không tin ở đôi mắt mình, “Con làm sao vậy?”

Thầy trả lời một cách hăng hái “Con vẫn khoẻ, thưa mẹ.”

“Nhưng con gầy quá, lại xanh xao nữa. Mẹ biết con đang sốt.”

Thầy Piô lắc đầu và cố để trấn tĩnh cha mẹ mình. “Tin con đi. Con khoẻ mà. Cha mẹ phải hiểu là con cần phải chứng tỏ lòng đạo đức và sự vâng lời.”

Bà Giuseppa gục đầu vào hai bàn tay.

Ông Orazio nói, “Con phải cho thấy ý nghĩa của việc đi tu, và phải lo cho con chứ.”

Thầy Piô mỉm cười, “Chúa sẽ lo cho con mà.”

Bà Giuseppa nài nỉ. “Mẹ biết Chúa thấy lòng tốt của con, Francis, nhưng làm ơn để cha mẹ đem con về nhà cho đến khi con khoẻ lại đã.”

Thầy Piô cố an ủi mẹ. Thầy nói đùa, “Con nghĩ mẹ còn đau khổ hơn con nữa chứ.”

Nhưng ông bà Orazio không vui thích gì, và càng nhìn đến con, họ càng tin rằng phải đưa con ra khỏi tu viện.

“Điều đó không đơn giản,” cha bề trên cho ông bà biết như thế. “Tôi biết sự lưu tâm của ông bà, nhưng Thầy Piô đã chọn cách hy sinh này, và ông bà phải hiểu rằng thầy sẽ tiếp tục hy sinh như thế này dù ở đây hay ở nhà. Đừng cố dụ dỗ thầy từ bỏ con đường trách nhiệm. Thầy đã gần đến ngày khấn, tôi khuyên ông bà đừng cướp đi giây phút trọng đại đó của thầy. Tôi đảm bảo với ông bà rằng, dù thân xác thầy yếu đuối, nhưng tinh thần thầy thì mạnh mẽ và tốt lành… và thầy rất sung sướng.”

Ông bà Orazio đã nguôi ngoai, và Thầy Piô tiếp tục thời kỳ tập viện. Thầy khấn đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời vào ngày 22 tháng Giêng 1904.

Thầy Piô và mười lăm thầy khác được chuyển sang Tu Viện Capuchin ở Saint Elia gần thành phố Pianisi, nằm cách biệt trong rặng Alpine. Những luồng gió khắc nghiệt thường thổi qua thung lũng vào thành phố, nhưng ở đó núi đồi thật hùng vĩ và phong cảnh thật gợi cảm. Thầy Piô thực sự bị lôi cuốn và thật phấn khởi khi được một mình cô độc trong sự mỹ miều của thiên nhiên.

Tu viện này nhắc nhở đến Cha Raffaele là người sinh trưởng ở Saint Elia và chết ở đó năm 1901 mà ngài nổi tiếng là thánh thiện. Phòng của ngài biến thành nhà nguyện nhỏ, và bức tượng của ngài được dựng giữa một bụi hoa ngay đằng trước tu viện. Các thầy tập được khuyến khích để noi gương thánh nhân và Thầy Piô cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của Cha Raffaele.

“Ở đây thật đẹp,” một tập sinh phát biểu như thế trong một ngày mùa đông khi cả bọn được vui chơi trong khu vườn rộng lớn.

“Đúng vậy,” Thầy Piô trả lời, “và một chỗ khác xinh đẹp nữa phải đặt chân đến là San Giovanni Rotondo.”

“Đúng như vậy,” Thầy Clemente đồng ý, “nhưng tu viện Capuchin ở đó đã đóng cửa từ lâu. Tôi ao ước tu viện sẽ mở cửa lại, và nếu được đến đó thì sung sướng biết bao, vì đó là quê của tôi.”

Thầy Piô nhìn thẳng vào mắt thầy và khiến mọi người giật mình khi nghe nói, “Tu viện sẽ mở cửa lại, và tôi sẽ là người đến đó.”

Và rồi, thật bất ngờ, Thầy Piô nhận được tin là tu viện mà họ đang sống ở Saint Elia cần được sửa chữa. Thầy nói với các bạn, “Tôi rất buồn khi phải xa chỗ xinh đẹp này.”

“Tất cả chúng ta đều buồn,” một tập sinh phát biểu. “Bạn sẽ đi đâu?”

“San Marco la Catala.”

Tu viện này nằm trong một rặng núi miền nam nước Ý–cấm địa của sự nghèo khổ và cô độc.

Cha Benedetto, cha giáo, rất cảm kích Thầy Piô–hay như cha thường gọi “Thầy Piô Dễ Thương”. Cha thường nói với những người khác, “Thầy ấy thật hăng say, và giữ luật thật nghiêm nhặt.”

Ở đây Thầy Piô bắt đầu viết, một cách sốt sắng lấp đầy trang này sang trang khác. Ngay cả thầy phát triển được một lối viết trau chuốt và hay ho.

Vào tháng Tư 1906 Thầy Piô trở về San Elia để tiếp tục việc học. Thầy có vẻ mạnh khoẻ, và điều ấy hiện rõ trên khuôn mặt đầy đặn hơn được ẩn giấu sau hàm râu được cắt tỉa gọn gàng với bộ râu mép kéo dài ra tới khoé miệng. Trên vầng trán, mái tóc mầu hạt dẻ sậm được cắt sát vào đầu.

Thầy Piô khấn lần sau cùng, lời khấn trọng thể giữ khó nghèo, khiết tịnh, và vâng lời vào ngày 27 tháng Giêng 1907, dưới sự hướng dẫn của Cha Raffaele ở San Giovanni Rotondo, với sự hiện diện của gia đình tinh thần và nhất là Cha Egidio ở Fragneto và Cha Giustino ở San Giovanni Rotondo.

Sau khi học xong, các thầy được chia làm hai nhóm và học thần học. Một số được gửi đến Vico Garganico còn Thầy Piô lại được gửi đến Serracorpiolo là nơi thầy bắt đầu học thần học căn bản dưới sự chỉ dẫn của Cha Agostino mà sau này ngài là cha giải tội và là bạn tâm giao của thầy.

Một lần nữa, Thầy Piô lại gắn bó với một đời sống nghiêm nhặt trong nhiều giờ học hỏi, cầu nguyện, và ăn chay. Không bao lâu, cơ thể của thầy lại bắt đầu tàn tạ, cơn sốt và ho lại xuất hiện.

Một trong những vị giám đốc tuyên bố trong cuộc họp rằng, “Tôi nghĩ thầy ấy bị lao phổi.”

Một người khác nói thêm, “Không nghi ngờ gì nữa, thầy ấy thật bệnh hoạn và ngày càng yếu dần.”

“Tôi thấy không còn sự lựa chọn nào khác hơn là gửi thầy ấy đến vùng có khí hậu tốt lành hơn.”

“Tôi nghĩ thầy ấy phải về quê nhà ở Pietrelcina.”

Và điều ấy đã được quyết định, Thầy Pio, người thường xuyên đau yếu và hầu như kiệt quệ, cũng không phản đối.