Cuộc Đời Cha Piô (tt): Ma quỷ

CUỘC ĐỜI CHA PIÔ (tt): MA QỦY

 I

Trời đã khuya. Thầy Piô đã cầu nguyện lâu giờ và đó là ngày thầy mệt mỏi một cách bất thường. Thầy ngả mình xuống giường một cách mệt nhọc, nhắm nghiền đôi mắt và thiếp vào giấc ngủ. Nếu có ai mở cửa, có lẽ thầy cũng chẳng biết.

Một tiếng nói chế nhạo, “Coi kìa, vị thánh ngủ như chết!”

Ngay lập tức Thầy Piô mở choàng mắt ra và ngẩng đầu dậy. Trong bóng tối, một khuôn mặt to lớn, đe dọa đang lơ lửng trên không. Thầy nín thở, cố để nhận diện.

Bỗng dưng có hai cánh tay vung lên, kéo thầy ra khỏi giường và quăng thầy vào tường nhanh đến nỗi thầy không kịp phản ứng gì cả. Sự đau đớn lan nhanh qua thân thể khi có cái gì liên tục đập vào người. Thầy quỵ xuống và ngã úp mặt xuống sàn.

Mãi một lúc sau thầy mới cố gắng lết được lên giường. Thầy đưa tay sờ đến những vết thương và nhăn nhó vì đau đớn. Một vài giọt máu rỉ ra từ gò má xuống hàm râu. Thầy hít một hơi dài để lấy lại sức mạnh và đi đến bồn rửa mặt.

Thầy không muốn ai nhìn thấy mình. Điều đó có nghĩa gì? Thầy biết mình không có ai là kẻ thù, ngoại trừ ma quỷ và tay sai của nó. Dĩ nhiên không ai trong tu viện lại làm như thế và người ở ngoài lại càng không có lý do.

Vừa mới hồi phục tàm tạm khỏi cơn bệnh lúc trước, Thầy Piô đang ở tu viện Montefusco, là trung tâm y khoa nổi tiếng từ năm 1625. Tu viện này được xây cất ở ngoại ô thành phố, bao quanh bởi các cây ăn trái và đầy dẫy những tàng lá.

Một thầy cùng lớp, Joseph Orlandi nói với một thầy khác, “Thấy ấy thật yếu.”

Họ nhìn Thầy Piô khập khễnh và chậm chạp bước đến nhà nguyện. Khuôn mặt thầy xám ngắt và thân thể co giật theo từng cơn ho rũ rượi.

Một thầy nói, “Nếu bạn hỏi thì tôi tin chắc rằng thầy ấy còn đang đau.”

“Bạn có nghĩ là bọn mình sẽ bị lây không?”

“Đương nhiên là có, nhưng tôi không muốn khuấy động… Các bạn nghĩ là bao nhiêu vi trùng tụi mình dính phải khi treo chung quần áo với thầy ấy?” Thầy kia nhìn sợ hãi.

Thầy Orlandi nói, “Này, tại sao chúng mình không treo quần áo riêng ra một nơi?”

Những thầy kia đồng ý, và tối hôm đó trên đường dự Thánh Lễ họ đã bao quanh cha giám đốc.

“Các con xin cái gì?”

Các thầy nói “Một phòng treo quần áo riêng. Thưa Cha, nếu không quan trọng thì chúng con đã không xin như thế.”

Một cách do dự, lời thỉnh cầu đã được chấp nhận. Tối hôm ấy, Thầy Piô mở tủ để tìm quần áo và đồ dùng cá nhân. Thầy ngơ ngác giây lát, và đã hiểu.

Thầy tự nhủ, tôi hiểu, và lầm lũi suy nghĩ thêm về điều ấy. Họ không muốn lây bệnh. Cổ thầy như nghẹn lại, và dàn dụa nước mắt.

Càng ngày thầy càng trầm ngâm suy tưởng. Thầy quỳ gối để học thần học, tâm trí thầy như lạc vào sự bí nhiệm của những điều học hỏi. Đối với thầy, thần học thực sự là một suy tư không chỉ của tâm trí mà còn của tâm hồn và cảm xúc.

Vào tháng Mười Hai 1908, Thầy Piô được nhận chức bốn ở Thánh Đường Benevento bởi Đức GM Bonazzi. Thầy cũng nhận chức năm từ Đức GM Paolo Schinosi, là Tổng Giám Mục của Marcinaopoli. Năm 1909 thầy nhận chức sáu từ Đức GM Benedetto của Termopoli. Khi Thầy Piô nhận chức sau cùng trước khi làm linh mục, một cha viện trưởng đã tiên đoán thầy sẽ là một trong những ngôi sao sáng của Giáo Hội.

II

“Thầy Piô, thầy dậy chưa?” mẹ thầy cất tiếng hỏi. Đó là ngày trước khi thụ phong linh mục, và họ phải đến Thánh Đường Benevento.

Thầy Piô ngồi trên giường, mắt mở lớn. “Làm sao con có thể ngủ khi tim con rộn rã niềm vui?”

Thầy không dám nghĩ là buổi sáng hôm ấy sẽ đến, nhưng đó là sự thật và đó là ngày vui nhất trong đời thầy. Thật náo nức, thầy nói nhanh hơn thường lệ và tâm trí thầy chỉ nghĩ đến buổi lễ.

Đó là ngày 10 tháng Tám 1910, và Thầy Piô được hai mươi ba tuổi. Mặc dù nhiều năm đau yếu đã để lại vết tích nhưng dường như thầy trẻ hơn số tuổi thật.

Thánh Đường Benevento chật ních khi Đức GM Paul Schinose tấn phong chức linh mục cho Thầy Piô và mười thầy khác. Các thầy phủ phục trên sàn đá của cung thánh như một dấu hiệu của sự bất xứng và nài xin Thiên Chúa trợ giúp. Kinh cầu Các Thánh được cất lên.

Mắt Thầy Piô sáng ngời. Thầy liếc nhìn xuống chỗ gia đình ngồi. Anh Michael đã lấy vợ; em Pellegrina bây giờ là thiếu nữ mười tám thon gầy, hơi đen; em Grazia, cao dong dỏng, đã mười sáu; và chị Felicia, lùn hơn và khoẻ mạnh hơn đã hai mươi bốn tuổi. Bố Orazio đang ở Hoa Kỳ nên vắng mặt. Nhưng có mẹ thầy ở đó, ngồi cạnh các cô con gái, tất cả đều ăn mặc đặc biệt. Thầy Piô nhìn họ và thương cảm biết chừng nào.

Các thầy đứng dậy, và đức giám mục bắt đầu giảng dạy, nhắc nhở họ về bổn phận căn bản của linh mục. Sau đó là nghi thức đặt tay. Tất cả các linh mục trên cung thánh cùng với giám mục thi hành cử chỉ này. Chính vào giây phút đó, các thầy trở thành linh mục. Thầy Piô bây giờ là Padre (Cha) Piô, và cùng với đức giám mục cử hành Thánh Lễ.

Bà Giuseppa, anh Michael và vợ, và ba cô gái tiến đến cung thánh để nhận phép lành đầu tiên từ tay Cha Piô. Bà Giuseppa không ngăn được nước mắt. Bà thầm ước, phải chi ông Orazio cũng có mặt ở đây.

Sau thánh lễ là tiệc mừng các tân linh mục trong phòng hội của nhà xứ. Đến buổi chiều, các bà trong xứ lại có những món ăn đặc biệt để cống hiến các tân linh mục và gia đình.

Tối hôm đó, Cha Piô và gia đình trở về nhà ở Pietrelcina. Mọi người đều mệt mỏi nhưng vì phấn khởi nên không sao ngủ được, họ cười đùa suốt trên quãng đường dài.

Theo thông lệ, Cha Piô sẽ cử hành thánh lễ mở tay tại giáo xứ nhà, đó là nhà thờ Đức Mẹ Các Thiên Thần. Đó cũng là một ngày quan trọng đối với ngài, nhất là vì ngài đã được rửa tội ở đây.

Vài ngày sau, vào hôm Chúa Nhật, ngài cử hành Thánh Lễ trọng thể. Dân chúng ở quanh đó từng nghe biết về sự chuyên tâm cầu nguyện và suy niệm của ngài nên họ đã tuốn đến chật cả nhà thờ. Dường như mọi người nông dân trong làng đều có mặt, nhiều người còn nhớ đến cậu con trai nhỏ bé, ít nói và nhậy cảm thường đem nước cho họ uống.

Không lâu sau đó, từ Hoa Kỳ ông Orazio trở về Pietrelcina. Ông rất hãnh diện về Cha Piô và sự sung sướng bù lại cho những năm cô đơn ở Hoa Kỳ.

Nhưng Cha Piô vẫn còn ho nhiều.

Ông Orazio hỏi Bs. Cardone, “Có thể làm gì cho ngài không? Những người hàng xóm nói rằng chắc chắn là ngài bị ho lao.”

Bs. Cardone tư lự trong giây lát, rồi cầm tay ông Orazio nói, “Có lẽ vậy, nhưng tôi không tin như thế. Tôi đã thử nghiệm nhiều lần và kết quả luôn luôn giống nhau–không có gì. Nhưng nếu ông muốn, hãy đưa ngài lên Naples để Bs. Peter Castellino xem thử. Ông ấy rất giỏi và tôi tin tưởng ở sự chẩn bệnh của ông ấy.”

Ông Orazio nghe theo lời khuyên và đưa Cha Piô lên Naples vào ngày hôm sau. Nhưng Bs. Castellino cũng bác bỏ ý tưởng bệnh ho lao. Thay vào đó, ông xác nhận vì sưng cuống phổi nên ngài dễ bị đau yếu.

Bà Giuseppa nói với Cha Piô, “Con phải làm việc từ từ thôi.”

Vị linh mục trẻ tuổi lắc đầu và mỉm cười với bà mẹ đang lo âu. “Nếu con lo lắng như mẹ thì không còn thì giờ để làm bổn phận.”

Khi trở lại dòng, Cha Piô đã dừng chân ở tu viện Vanefro trong bốn mươi ngày để tĩnh dưỡng.

Ở đó, ngài lại ăn chay hãm mình trong hai mươi mốt ngày, chỉ rước Mình Thánh Chúa mà thôi.

Cha bề trên nói, “Cha phải ăn,” và sau cùng ngài phải ra lệnh.

Cha Piô trả lời, “Xin cha đừng ép con. Con không thể ăn được.”

Vị bề trên cương quyết “Cha phải ăn.” Và chỉ trong vòng vài phút, Cha Piô đã ói mửa tất cả những gì ngài cố ăn vào.

Không như những lần trước, lần này ngài không bị sút cân và đó là điều bí ẩn đối với mọi người. Ngay cả cha mẹ ruột của ngài cũng không biết gì về việc ngài ăn chay.

Ông Orazio lại trở về từ Hoa Kỳ, và cả hai ông bà đều mỉm cười mãn nguyện khi gặp con của họ. Bây giờ Cha Piô cao lớn và khoẻ mạnh trong bộ áo nâu, và mắt ngài rạng rỡ trên khuôn mặt xinh tươi. Ngài trông vẫn còn gầy nhưng không như trước.

Ông Orazio nói, “Francis, trông con khoẻ mạnh lắm.”

Bà Giuseppe gật đầu sung sướng, và Cha Piô im lặng lắng nghe cha mẹ kinh ngạc về sức khoẻ của mình.

Nhưng tệ hại hơn mọi người tưởng, sức khoẻ của cha từ từ sa sút. Một lần nữa ngài lại phải trở về Pietrelcina.

Bs. Andrea Cardone, vị bác sĩ của gia đình cho biết, “Mỗi lần ngài trở về, ngài lại yếu hơn trước. Nhưng một khi đứng dậy được, ngài lại đến nhà thờ để cầu nguyện và xem lễ.”

Vào một ngày Chúa Nhật, ngài bắt gặp hai phụ nữ trong làng đang ngồi giặt quần áo trước cửa. Ngài nhăn mặt nói với họ, “Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày để cầu nguyện… để suy niệm.”

Họ trừng trừng nhìn ngài. Lẽ ra ngài đã dành thời giờ để giảng dạy thêm cho họ, nhưng vì là mùa Phục Sinh và hôm nay ngài phải vội vã đến nhà thờ để dạy trẻ em hát thánh ca cho ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Sau đó, ngài cùng đi bách bộ với Cha Don Salvatore Panullo, vị linh mục trong giáo xứ cũng là người bạn và người cố vấn cho ngài. Đó là một ngày mùa xuân và cánh đồng đang đổi thành màu xanh tươi. Sức khoẻ của ngài cũng tăng tiến khi ánh mặt trời rực rỡ sưởi ấm thân thể gầy gò của ngài, đem lại chút tươi tắn cho khuôn mặt xanh xao.

Cha Don Salvatore nhận xét, “Francis, anh thích hợp với đời sống này. Lẽ ra anh phải là cha triều… từ bỏ đời sống khó khăn của một cha dòng.”

Cha Piô lắc đầu. “Không thể được.” Ngài mỉm cười. “Cha không nhớ sao? Con hứa trung thành với Thánh Phanxicô khi con được năm tuổi.”

Cha Don Salvatore gật đầu, “Cha nhớ.”

“Con không thể phản bội ngài.”

“Cha không biết, Francis. Có thể con lựa chọn lầm lẫn…”

“Không,” Cha Piô ngắt lời. “Con không lầm lẫn.”

Có một đám thiếu niên đang nhẩy từng bậc tam cấp của nhà thờ khi chuông bắt đầu đổ. Cha Piô dừng chân. “Tiếng chuông nhắc con nhớ lại nhà dòng Phanxicô đã từng có ở đây. Một ngày nào đó tu viện sẽ xuất hiện trở lại, lớn hơn và đẹp đẽ hơn trước.”

Những người trẻ cười khúc khích. Họ nghĩ Cha Piô quá lạc quan.

Nhưng Cha Don Salvatore gật gù. “Nếu đó là sự thật. Thì cần phải có sự giúp đỡ thêm cho một cha sở đã quá nhiều việc.”

 

print